Thăng Quan Tiến Chức

2. BẠN PHẢI ĐƯỢC CHÚ Ý



Bạn phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều này chẳng có gì phải bàn cãi cả. Nếu bạn không thể đạt được mức “xuất sắc” trong công việc, đừng nghĩ đến chuyện được thăng tiến nữa. Như thế thật viển vông! Đây là quy luật số 1.
Bạn tuyệt vời thế nào không thành vấn đề. Vấn đề là ai biết đến sự tuyệt vời của bạn.
Hãy làm những gì bạn yêu thích, và thành công sẽ đến với bạn. Nghe có vẻ đây là một lời khuyên hay ho, nhưng không phải đâu bạn ạ. Nếu bạn là người nhiệt tình và đầy tham vọng, bạn muốn được thăng tiến, vậy bạn phải làm sao để gây được chú ý? Để được sếp chú ý, bạn phải thường xuyên làm tốt hơn mong đợi, vì đây chính là nền tảng làm nên tiếng tăm của bạn. Không cần phải trở nên hoàn hảo hay cố gắng “việc gì cũng giỏi”, nhưng khi được đem ra so sánh với đồng nghiệp ngang cấp, bạn phải là người trội hơn về nhiều mặt. Nổi bật để bật lên, bạn hiểu chứ? Nhưng như thế đã đủ để làm nên thành tựu chưa? Tất nhiên là chưa. Đó chỉ mới là một trong những bí kíp quan trọng trong thời đại của chúng ta mà thôi.
Nếu bạn không bán những khả năng và các nhiệm vụ đã được hoàn thành, thành công sẽ chẳng bao giờ theo chân bạn. Thiên hạ đầy những nhân viên nổi bật bị mắc kẹt ở lưng chừng quan lộ, họ cứ miệt mài làm việc cho những ông bà chủ nửa tỉnh nửa mê chẳng hề ghi nhận những gì mình nhận được từ nhân viên và không có kế hoạch khen thưởng cho các ngôi sao công sở. Tại sao? Chỉ vì đôi khi họ còn không biết họ có một nhân viên “hạng sao” đang làm việc cho mình nữa cơ.
Bạn phải đảm bảo mọi người đều biết đến những công tác được bạn hoàn thành xuất sắc, nếu không những gì bạn cố gắng cũng chỉ là “công dã tràng”, không có một chút giá trị nghề nghiệp nào hết. Có thể bạn cảm thấy thỏa mãn với những thành tựu mình đạt được, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ được thăng tiến nếu không ai biết đến chúng.
Nguyễn Dũng lên chức
Giám đốc Nghệ thuật như thế nào
Nguyễn Dũng là trợ lý Giám đốc Nghệ thuật cho một công ty quảng cáo ở Sài Gòn. Công ty này chủ yếu chỉ quảng cáo cho một đối tác chuyên sản xuất giày thể thao thời thượng; họ sẽ thầu mọi thứ từ quảng bá sản phẩm đến in ấn các mẫu quảng cáo để được làm tài trợ cho các sự kiện thể thao. Nguyễn Dũng chịu trách nhiệm sắp xếp đội hình các người mẫu để chụp thử, quay nháp và đặt đồ ăn cho mọi người. Nhưng khi nghe tin vài quản lý cấp cao bên hãng giày sẽ tới dự buổi chụp nháp, anh cũng nghe thấy cả tiếng cơ hội đang gõ cửa.
Ngay lập tức, anh nhận ra bao nhiêu lỗi với shoot hình nếu cứ chụp theo kịch bản đã phác: (1) Người ta sẽ chụp toàn thân các mẫu, như vậy, hình ảnh đôi giày đương nhiên sẽ bị nhỏ đi; (2) Mọi người khi nhìn vào sẽ không tập trung vào đôi giày; (3) Đây là mẫu giày chống nước, và dù mọi người đã bàn nhau phương án cho mẫu nhắm vào một vũng nước, nhưng shoot hình này mãi mấy hôm sau mới chụp, và sẽ chụp ở nơi khác. Anh lo khách hàng sẽ không ấn tượng với ý tưởng này là hoàn toàn dễ hiểu.
Thế là, đầu tiên, anh thuê các nam nữ sinh viên trong đội tuyển bơi lội ở một trường Đại học địa phương và đặt làm các đôi giày vừa với cỡ chân của họ. Sau đó, anh lại cho đặt một cái bục cao vừa đủ tầm ngay trong studio. Anh cũng cho gắn vào bục một vòi sen nối với các ống nước bằng nhựa, trên bục có lỗ thoát nước và nước sẽ chảy xuống chiếc bồn ngay phía dưới.
Khi các quan chức bên đối tác đến xem, họ được xếp ngồi đối diện với bục. Chiếc bục lúc này đã được ẩn sau tấm màn nhung đỏ mà bạn vẫn thấy trong rạp hát. Ngay giữa ánh đèn flash và tiếng nhạc dồn vang, tấm màn được hạ xuống, các bạn sinh viên nhảy múa vui vẻ trong màn “mưa”, cảnh này được quay đen trắng. Và chỉ có mỗi đôi giày là được quay màu mà thôi. Máy quay còn được đặt trước mặt đối tác để họ có thể xem được cảnh quay nháp trên phim nữa.
“Wow!”, phía đối tác kêu lên, “Tuyệt quá! Ai nghĩ ra ý tưởng này vậy?”
Và Nguyễn Dũng đã được thăng tiến.

Nhiều người hỏi anh làm thế nào mà anh biết cách lắp đặt vòi sen tạo mưa trong studio như thế, anh trả lời: “Hồi còn trong hội sinh viên, cứ mỗi khi tiệc tùng là bọn tôi làm cái này suốt!”

Bạn cần một mạng truyền thông

Bạn phải phát triển kế hoạch truyền thông thế nào để có thể lan truyền thông tin rộng khắp? Ngoài sếp và những bản báo cáo trực tiếp ra, bạn cũng cần những kênh thông tin khác nữa; bởi lẽ cũng giống như gia đình hạt nhân của bạn vậy; bạn cần phải nói chuyện với họ – và bạn không nhận được lợi lộc gì to lớn cả đâu. Nhưng bất cứ khi nào có thể, bạn phải thật khéo léo để sếp của sếp bạn nhìn thấy tên bạn thường xuyên hơn, cũng như để các phòng ban bộ phận khác đều biết đến thành công của bạn.
Nội dung trước, loan tin sau
Để có thể “PR bản thân” khéo hơn, bạn phải quản lý tốt quá trình làm việc của mình, và đừng quên bất kỳ chi tiết quan trọng nào. Đây là khâu rất quan trọng trong việc theo sát tiến trình xử lý công việc. Nếu bạn và đội của bạn hoặc phòng ban bạn đang công tác giành được thắng lợi, bạn cần phải lẳng lặng đến ngay cái máy tính – chú ý chớ để hành động này lọt vào mắt người khác – ghi lại thành tựu đó và vai trò của bạn trong công tác vào “bảng thành tích” của mình. Bảng thành tích phải thật riêng tư, bí mật. Thậm chí, bạn nên đặt mật khẩu cho file này để tránh những cặp mắt tò mò.
Những người cầu làm quan thông minh bao giờ cũng đưa những cống hiến của mình vào cùng một mục tiêu hoặc một chiến lược gắn liền với hoạt động của tổ chức. Đừng chỉ viết sơ sài rằng: “Gỡ lỗi và phát hành đầu đọc RFID cầm tay”. Đó chỉ mới là mục tiêu ngành IT thôi. Mục tiêu mang tính tổ chức phải gắn liền với chiến lược hoặc những giá trị cốt lõi. Bởi vậy, bảng thành tích của bạn phải giống như thế này:
“Đích thân phát triển, kiểm tra, và phát hành phần mềm ứng dụng cho ba ổ đĩa vi tính cầm tay, cho phép thu nhận dữ liệu thời gian vận hành của sản phẩm qua công nghệ RFID; Giảm lỗi vận chuyển; bỏ bớt được khâu lệnh giấy trong chuỗi logistics; và giảm được 5% phí quản lý hàng tồn trữ xét trên toàn hệ thống. Do ta đã chuyển 100.000.000 đô-la hàng tồn kho, 5% thể hiện 5.000.000 đô-la khoản tiết kiệm một lần và từ đó, tương đương 5.000.000 đô chi phí đi vay. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển trên con đường thực hiện mục tiêu chiến lược nhằm loại bỏ bước nhập dữ liệu ở toàn bộ các khâu, và tạo lập chuỗi cung ứng logistics thời gian thực liền mạch.”
Bảng thành tích của bạn sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho việc xây dựng bộ tài liệu mà nhiều nhân vật cộm cán quan tâm nhất: bản tổng kết hàng năm, lý lịch công tác nội bộ, và sơ yếu lý lịch để nhảy việc.
Những tài liệu này phải được cập nhật thường xuyên và bạn phải đảm bảo mình có thể sẵn sàng trình chúng ra bất cứ lúc nào. Nếu bạn nghe tiếng cơ hội đang thì thầm ở một phòng ban nào đó, bạn có thể mang lý lịch công tác nội bộ của mình nộp cho người có thẩm quyền bên ấy, và ngăn được ông ta đăng tin tuyển dụng lên mạng; chưa biết chừng, bạn còn trở thành ứng viên triển vọng và ông ấy còn chẳng nghĩ đến chuyện xem xét, cân nhắc nghiêm túc các hồ sơ khác nữa ấy chứ.
Vài điều cảnh báo: Nếu bạn có ý định tìm cơ hội ở một phòng ban khác trong công ty, hãy nhớ chứng minh cho sếp thấy bạn có thuyên chuyển sang bên kia cũng không làm gián đoạn công việc của phòng cũ, và cũng đừng quên trình bày cho sếp tình hình phòng ban cũ sẽ ra sao nếu bạn không làm ở vị trí đó nữa. Lâu lâu, đi phỏng vấn nội bộ để xin vào chỗ mà bạn biết chắc mình sẽ tạch, chỉ để sếp quen với ý tưởng bạn không ngừng vươn lên, cũng là một ý hay.
Riêng về sơ yếu lý lịch (hay CV) để đi xin làm chỗ khác, đừng bao giờ để bất kỳ ai trong công ty trông thấy và cũng chớ bao giờ thừa nhận là bạn có. Không có chuyện phiếm nào lại được đồn đại rộng rãi bằng chuyện về nhân vật đang tìm việc mới đâu. Ngay cả chuyện tình công sở của ai đó còn dễ giữ bí mật hơn. Hãy cẩn thận, đừng lơ đễnh quên bản in lý lịch ở máy photocopy, máy in, hay thậm chí là để trên bàn làm việc. Nếu bạn thấy cơ hội vẫy chào ở một tổ chức bên ngoài trong lúc vẫn đang ngồi cùng đồng nghiệp, cứ gác lại và theo dõi sau, khi ở một mình. Nếu chủ đề câu chuyện bỗng chuyển sang vấn đề lý lịch xin việc bên ngoài, hãy chối ngay. Bạn luôn luôn có thể nói những lời kiểu thế này: “Hình như mình để bản sơ yếu lý lịch cũ ở đâu đó, phải cập nhật thông tin mới vào đấy đã.”
Vì sao Hoàng Trung không được thăng quan
Hoàng Trung đang tính chuyện cầu quan. Anh muốn được ngồi lên chiếc ghế phó tổng của một công ty phần mềm. Anh đã qua vòng phỏng vấn rất ngon lành và vị trí mới tưởng như đã chốt lại cho anh. Vòng cuối cùng anh phải vượt qua là quy trình đánh giá 360o và đánh giá của chuyên viên tư vấn tâm lý. Kết quả bên tư vấn tâm lý rất tích cực và họ cũng đề xuất công ty nên chọn Hoàng Trung nắm giữ vị trí này. Tình hình xem ra rất khả quan nhưng khâu đánh giá 360o lại là cả một quả bom thuộc hàng khủng. Lý lịch công tác nội bộ của Trung được đưa ra cho tất cả mọi người cùng xem. Một số đồng nghiệp của anh đã vô cùng tức giận khi thấy anh đã vơ hết những nỗ lực cũng như thành tích của người khác! Thế là anh ta bị gạch tên và còn bị sếp lớn “dằn mặt”: “Vài người trên nấc thang danh vọng nghĩ rằng cậu cần trưởng thành hơn nữa trước khi nắm giữ một vai trò quan trọng như thế này.”

Bởi vậy, hãy xem lý lịch công tác nội bộ như tài liệu công cộng, và khi viết, hãy nghĩ rằng mình đang viết một văn bản cho tất cả các bên cùng xem và dựa vào đó để ra quyết định. Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc hồi còn ngồi trên ghế nhà trường: đừng viết bất cứ thứ gì vào lý lịch cá nhân nếu không muốn cho cả lớp cùng biết.

Làm việc hăng say khi vận may đưa tới

Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, cống hiến lớn nhất của bạn là khả năng làm việc chăm chỉ. Không cần biết chuyên ngành chính của bạn là gì, khi là nhân viên mới, các kỹ năng của bạn luôn là yếu tố căn bản. Cho tới khi bạn thu nhặt được vài kinh nghiệm, bạn sẽ không thể cống hiến được quá nhiều, xét trên khía cạnh sách lược hay chiến thuật. Nhưng nếu bạn hăng say làm việc, bạn sẽ được chú ý.
Dave Stewart là cầu thủ phát bóng của Oakland A suốt thời kỳ hoàng kim của đội vào những năm cuối thập kỷ 1980. Thực sự, cũng có vài mùa bóng ông chơi khá xoàng, nhưng ông không bao giờ bị cho ra rìa chỉ bởi một lý do: Nếu đội bóng được vào vòng chung kết, Dave Steward lại là người được kỳ vọng sẽ mang về vinh quang, vì ông chơi tốt nhất khi phải chịu áp lực. Xem ông phát bóng trong trận chung kết cũng như được xem những gì đẹp đẽ nhất của bóng chày. Lòng quyết tâm của ông thể hiện rõ trên gương mặt. Ông trừng trừng nhìn cầu thủ đánh bóng với ánh mắt đầy khinh miệt. Lúc đó, trông ông như kẻ xấu xa nhất còn sống sót trên thế giới. Ông không ném bóng, mà ném sự khinh bỉ của mình vào người đánh bóng. Và ông đã làm nên chuyện khi cần kíp. Trong 162 trận trước, có thể ông phải vất vả vật lộn với đối thủ, nhưng ở trận chung kết, ông là bất khả chiến bại.
Phải biết giữ mồm giữ miệng
Như thế nào sẽ tốt hơn: hứa ít làm nhiều hay oang oang chém gió và hy vọng mình có thể thực hiện những gì mình đã chém? Cũng còn tùy. Nếu bạn đang cố đưa ra một thỏa thuận – được nhận việc, công việc mới hay được thăng quan – bạn cần phải hứa hẹn mang lại những lợi ích! Nhưng nếu bạn đã đạt được một thỏa thuận nào đó, sẽ tốt hơn nếu biết giữ mồm giữ miệng. Dù sao đi nữa, đã hứa thì phải làm, đó mới là điều cốt yếu. Nếu bạn “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”, bạn sẽ chẳng ra gì.
Đương nhiên được thăng tiến?
Làm quái gì có chuyện đó!
Có bao giờ người ta hứa hẹn thăng chức cho bạn nhưng yêu cầu bạn phải thực hiện một số việc không? Các sếp chẳng bao giờ bắt bạn phải “thực hiện một số yêu cầu” mà không có lý do. Hoặc là họ không đủ thẩm quyền quyết định hoặc những người được quyền quyết định khác muốn xem xét vấn đề thay đổi nhân sự. Dù bên trên có muốn bạn làm gì đi nữa – trình lý lịch hay đi phỏng vấn – hãy nghiêm túc thực hiện. Sếp trên mình vài cấp – người có thể bạn chẳng bao giờ được gặp mặt – cũng vẫn có thể đọc lý lịch của bạn để xem bạn có đủ năng lực nhận công tác hay không. Cũng có thể có một anh tài khác được chọn làm đối thủ của bạn, nếu bạn không đưa ra được những câu trả lời xác đáng còn người kia thì có, tình hình sẽ đảo chiều ngay lập tức. Không đơn thuần chỉ là thủ tục thôi đâu! Bạn phải tôn trọng quy trình, chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn, trau chuốt lý lịch công tác nội bộ, và phải nắm được hết mọi thứ được hỏi. Ở điểm này, việc của bạn là phải khiến sếp mình mát mặt. Làm sếp hiện tại được mát lòng mát dạ cũng là làm bản thân mình trông sáng láng hơn trong mắt sếp tương lai.
Bốn quy tắc tuyển dụng và cất nhắc
Quy tắc Bồi bàn: Bạn có thô lỗ với nhân viên không? Bạn có cho rằng như vậy mới chứng tỏ mình trên cơ không? Nhà tư vấn Abigail Van Burren gọi đó là trắc nghiệm nhân cách. Cách bạn đối xử với những người dưới quyền thể hiện cá tính thật sự của bạn. Steve Odland, CEO của Office Depot, đã áp dụng trắc nghiệm với tất cả mọi cán bộ cấp cao được tuyển. Nếu bạn thô lỗ với anh bồi bàn, bạn sẽ không được mời vào công ty. Bạn không cần phải suồng sã thân mật với nhân viên hỗ trợ, nhưng hãy lịch sự.
Quy tắc Muối: Bạn có nêm muối vào thức ăn trước khi nếm không? Jack Welch, cựu CEO của GE cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy một cán bộ cấp cao hay phán xét. Nếu ứng viên nêm muối vào đồ ăn trước khi ăn thử một miếng, anh này chắc chắn sẽ không được nhận công tác. Bạn nên nhớ rằng mọi khía cạnh ứng xử của mình đều được đưa vào tầm ngắm khi bạn sắp được thăng quan tiến chức, thậm chí cả một chi tiết nhỏ cũng có thể thành vấn đề. Và hãy để ý cả quy ước ăn tối nữa: Nếu ai hỏi xin muối hay hạt tiêu, hãy đưa họ cả hai.
Quy tắc Sân bay: Rất nhiều nhà quản lý dùng quy tắc sân bay để ra quyết định trong tuyển dụng. “Nếu bị kẹt ở sân bay vì chuyến bay trễ tới 8 tiếng, bạn có muốn ở cạnh người nào đó không?” Nếu câu trả lời là “Không đời nào!”, thôi xong, bạn gặp rắc rối rồi. Có thể ngồi cùng nhau đàm luận về nhiều hơn một chủ đề rất có lợi. Biết ít nhiều về văn hóa, lịch sử, chút ít về những sự kiện đương đại, bạn chắc chắn sẽ qua bài kiểm tra rồi.

Quy tắc Bia: Quy tắc này rất giống quy tắc sân bay, nhưng bạn không phải ở lâu đến thế. Đến vòng cuối, chỉ còn hai, ba ứng cử viên, nhà tuyển dụng sẽ muốn đi uống bia với ai nhất? Nếu câu trả lời là bạn, bạn chắc chắn vẫn còn trong danh sách bổ dụng. Những người vui vẻ dễ mến, có khiếu hài hước bao giờ cũng có lợi thế. Bạn cũng có thể nhìn lại lịch sử mà xem: dân Mỹ toàn chọn tổng thống theo cách ấy.

Tóm lấy cơ hội!

Giờ bản thành tích cá nhân của bạn luôn được cập nhật, vậy bạn nổi bật hơn người như thế nào? Bạn sẽ choáng nếu biết rất nhiều người thành công trơ tráo (hay liều lĩnh?) tới thẳng nhà điều hành cấp cao trong công ty và giới thiệu về mình.
Một kỹ sư nghe tin chủ tịch tập đoàn tới thăm xưởng sản xuất, anh ta đã chạy ngay tới văn phòng quản lý xưởng và tự giới thiệu bản thân với quản lý. Điều này đã giúp anh thoát khỏi nguy cơ bị sa thải.
Một phụ nữ đã đến thẳng chỗ các nhà điều hành cấp cao của công ty lúc công ty tổ chức chơi golf và nói: “Em thấy nhóm bốn người các sếp không có nhân vật nữ nào. Các sếp cho em vào nhóm nhé, như thế mới cân.” Lý do cô này đưa ra thật buồn cười! Nhưng nó đã làm nên chuyện. Do chẳng còn người phụ nữ nào khác trong buổi đánh golf hôm đó nữa, cô nàng đã được ở lại và chơi nhiệt tình.
Một anh bạn trẻ là thành viên của ban thuyết trình về kết quả trên thị trường châu Âu. Công việc của anh ta là mặc vest và treo các sơ đồ lên giá thuyết trình. Sau buổi thuyết trình, anh ta tới gặp chủ tịch và CEO và nói với họ anh ta thích làm việc ở công ty này như thế nào. Anh ta cũng kể với họ anh biết ba thứ tiếng, và nếu trong tương lai có việc gì mà họ cần người biết tiếng Đức hay tiếng Pháp, anh ta rất sẵn lòng được giúp đỡ.
Bất cứ khi nào có dịp, đừng bao giờ để cơ hội được giới thiệu bản thân cho các nhà điều hành cấp cao vuột mất.
Bạn, công việc và sự nghiệp của bạn
Đọc đến đây, chắc bạn cũng nhanh trí đoán ra ý tưởng của chúng tôi trong cuốn sách này: quản trị sự nghiệp không hề giống với chuyện làm việc. Bạn có thể rất tuyệt vời trong công việc nhưng chính nó cũng có thể làm xao nhãng hay thậm chí hủy hoại sự nghiệp của bạn. Chúng là những quá trình hoàn toàn riêng biệt. Nhưng nếu bạn dành nhiều thời gian để quản trị sự nghiệp hơn là dành thời gian cho công việc, bạn có thể làm cả hai gặp nguy hiểm. Vì vậy, bao giờ cũng phải có sự cân bằng.
Phần lớn mọi người chẳng lo lắng mấy về việc phát triển sự nghiệp của mình. Họ hầu như đều theo luật Woody Allen – “Tám mươi phần trăm thành công được trưng ra” – và thế là họ cứ thể hiện thôi, họ cật lực làm việc và mang tiền công về nhà. Nhân tiện, các cấp bậc cao trong công ty cũng chẳng khác gì.
Vậy 20 phần trăm thành công còn lại thì sao? Một phần lớn trong đó là phải chú tâm vào sự nghiệp và nhìn nhận nó là một thực thể tách rời bạn và công việc của bạn.
Hãy phân tách 3 thực thể: bạn, công việc và sự nghiệp của bạn, và phân tích kỹ hơn ba khía cạnh này:
Bạn ≠ công việc. Bạn và công việc của bạn không phải là một. Dù bạn có tham vọng thế nào đi nữa, bỏ ngay ý nghĩ đó đi. Con người bạn phức tạp với vô vàn khía cạnh mà bạn không thể biểu lộ hết hoặc tương xứng trong công việc được. Bạn có nhu cầu tri thức, xã hội, giới tính, tinh thần và nghệ thuật mà trong công việc, đuổi theo những nhu cầu đó thật sự hết sức ngu ngốc.
Bạn ≠ sự nghiệp. Cũng như vậy, bạn không phải là sự nghiệp của mình. Nếu sự nghiệp của bạn sắp bị gián đoạn vì bệnh tật (bạn không đi làm được) hoặc vì một số bạc lớn từ trên trời rơi xuống (bạn trúng số hoặc được thừa kế một khoản kếch xù), bạn sẽ vẫn là bạn bây giờ thôi. Trải nghiệm có thể sẽ thay đổi, nhưng bản chất con người bạn ra sao thì cứ mãi thuộc về bạn như thế.
Công việc ≠ sự nghiệp. Công việc tất nhiên không phải là sự nghiệp. Sự nghiệp của bạn có thể mang lại cho bạn nhiều công việc, ngay cả khi rất nhiều trong số đó chỉ quanh quẩn trong nội bộ công ty. Sự nghiệp chính là chiến lược gắn liền với công việc của bạn, và giúp bạn đưa ra những quyết định về việc lựa chọn những cơ hội nào để phát triển và theo đuổi, cơ hội nào nên cho qua.
Với một người cầu làm quan đầy tham vọng, 3 thực thể bản thân – công việc – sự nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhau, nhưng rốt cùng, chúng vẫn là 3 thực thể riêng biệt.
Chuyện trò
Một khi bạn đã làm công việc hiện tại trong một khoảng thời gian đủ dài để hiểu rõ phương thức làm việc, và nhất là khi bạn đã bắt đầu giành được những thắng lợi để viết vào bảng thành tích cá nhân, đã đến lúc ngồi lại với sếp để “chuyện trò”.
Trước khi tiến hành, hãy chắc chắn bạn biết rõ phong cách của sếp. Ông ta không ngại những cuộc họp bất ngờ, dù là về những vấn đề quan trọng chứ; hay thuộc kiểu sẽ bắt bạn phải hẹn trước? Hãy chọn thời điểm thích hợp để nói về sự nghiệp của mình, hiện tại nó đang ở đâu, bạn muốn nó đi tới tận đâu và quan trọng nhất, hỏi xin lời khuyên. Nếu bạn khôn khéo, bạn sẽ nghe nhiều hơn nói. Đặc biệt chú ý đến những vấn đề sau:
– Con đường sự nghiệp. Hầu hết các tổ chức đều có con đường thăng tiến rất logic. Vị trí A đưa lên vị trí B. Vị trí 1 dẫn tới vị trí 2. Nhưng vị trí 1 sẽ không đưa bạn lên vị trí B và vị trí B không giúp bạn leo lên vị trí 2, và tương tự như vậy. Hãy tìm xem con đường sự nghiệp hiện tại đưa bạn tới đâu, và hãy chắc chắn về nơi mình muốn đến.
– Yêu cầu kỹ năng. Hiện tại bạn có tài năng và lỗi lạc đến đâu đi nữa, bạn vẫn cần học hỏi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để trở nên xuất sắc trong công việc tương lai. Đừng phản đối; hãy nắm chặt nó. Bạn hãy ghi nhớ điều này, bạn có thể không cần phải trở thành chuyên gia để được thăng tiến; nhưng những kỹ năng cơ bản và cách bạn thể hiện đủ để đưa bạn lên cấp bậc cao hơn rồi.
– Các cá nhân. Ai có thể giúp bạn? Ai là người bạn nên tránh? Thế mạnh và điểm yếu của người gác cổng cho tương lai của bạn? Cẩn thận chớ nên hỏi quá nhiều về phương diện này, nếu không, trông bạn sẽ như đang quan tâm nhiều về chính trị công sở hơn là năng suất làm việc.
– Bạn có thể làm việc tốt hơn như thế nào. Do thành công có được ở vị trí hiện thời là điều kiện tiên quyết để được cất nhắc, bạn nên nắm bắt mọi cơ hội khám phá các cách làm việc tốt hơn, khôn ngoan hơn và dễ dàng hơn.
Luôn chuẩn bị sẵn sàng cho sếp để có thể nắm được những mối quan tâm của sếp và những điểm yếu của mình qua buổi gặp. Bạn cũng nên tính tới trường hợp ông ta (nhiều khi là bà ta) có thể sẽ thấy bực mình khi bạn nghĩ bạn có thể được thăng tiến trong khi bà ấy lại dẫm chân tại chỗ suốt bao năm. Nhưng ngay cả khi “cuộc chuyện trò” không diễn tiến tốt, bạn vẫn cần những thông tin đó để quản trị sự nghiệp. Bạn sẽ biết bạn đang đứng ở đâu để có thể soạn ra chiến lược đi đến nơi bạn muốn trong tương lai.
Dưới đây là hai “cuộc chuyện trò” mà biết đâu bạn thấy hứng thú và hữu dụng:
“Ở phòng, tôi chẳng là gì cả cho tới khi tôi ngồi cùng sếp nói chuyện. Sếp thấy tôi thú vị sau lần đó và bắt đầu kể cho tôi về cách làm việc thực sự của phòng. Chúng tôi bắt đầu đi ăn trưa cùng nhau mỗi tháng một lần. Tôi có thể theo được mọi thứ đang diễn ra sau buổi họp đó. Sự thật đơn giản là, tôi nghĩ về sự nghiệp của mình, và nơi tôi đang đến, đã khiến tôi khác biệt hẳn những người mới tuyển khác.”
“Sếp bảo với tôi rằng, tôi sẽ không được thăng chức với công việc hiện thời. Ông ấy nói với công việc như tôi, phải làm hai năm mới được lên bậc, đơn giản kiểu nó phải như thế. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là người tốt nghiệp cùng trường với nhà sáng lập công ty tôi, mà tôi thì không học trường đấy. Nghe những lời đó đau như dao cắt vậy, nhưng nhờ đó mà tôi lập ra được chiến lược mới để đưa sự nghiệp mình đi lên.”
Ngồi lại với sếp để bàn về sự nghiệp của mình sẽ đưa bạn vào màn hình radar của sếp. Bạn cũng có thể có những cuộc chuyện trò như vậy với các nhà quản lý khác, và ngay cả với người ở phòng ban khác, nhưng phải cẩn thận chớ để sếp hiểu lầm là bạn phản bội hoặc đang cố bày trò để được thăng tiến.
Nếu bạn làm cho một công ty nhỏ hoặc trong một đơn vị kinh doanh nhỏ trực thuộc một tổ chức lớn, có thể, bạn chỉ có khả năng thăng quan tiến chức khi rời công ty, rời phòng ban, đơn vị đang làm việc. Trò chuyện cùng sếp là điều đáng làm, đặc biệt là nếu sếp quý bạn và bắt đầu dựa vào sự giúp đỡ của bạn, và nhất là khi sếp không có kế hoạch rời khỏi công tác hiện thời của mình. Hãy rõ ràng với sếp về việc chuyển sớm hay muộn và bạn sẽ không bị lâm vào tình huống ăn không ngồi rồi. Một sếp “sở hữu” bạn sẽ không giúp bạn tiến lên; nhưng một sếp chỉ “thuê” sự phục vụ của bạn thì lại khác. Quy tắc quản trị là ai cũng có thể được thay thế, và quy tắc quản trị sự nghiệp là tất cả các sếp cuối cùng sẽ được/bị thay đổi. Hãy tử tế, trung thực và không kiêu ngạo về những tham vọng của mình, đồng thời hỏi xin giúp đỡ và những lời khuyên. Bạn sẽ luôn luôn được cất nhắc.
Nguyễn Dương đã mất điểm với sếp như thế nào?

Nguyễn Dương đi ăn trưa cùng sếp để bàn về năng suất làm việc và sự nghiệp của anh. Anh đã tranh thủ hàng tháng trời để thiết kế buổi gặp mặt này và chắc mẩm mình có thể đi riêng với sếp. Thậm chí anh ta còn cố gắng dò xem đâu là nhà hàng Ý ưa thích của sếp. Nhưng rồi anh ta phá hỏng mối quan hệ, mãi mãi, khi giải thích anh ta sẽ kiếm được 500 triệu mỗi năm trong vòng 5 năm như thế nào, và anh ta sẽ đảm nhận trọng trách quản lý ít nhất cũng phải mấy đơn vị kinh doanh liền ra sao. Sếp của Nguyễn Dương có 3 con đang học đại học và vẫn dậm chân tại vị trí quản lý cấp trung, hàng ngày làm lụng cật lực để xoay sở các khoản chi tiêu và tiền học cho các con. Bạn hình dung ra ông ta nghĩ thế nào về Nguyễn Dương rồi chứ?

Vấn đề của người trẻ

Một trong những phàn nàn phổ biến về giới trẻ nơi làm việc hiện này là họ cần quá nhiều sự chú ý. Họ muốn mọi người chú ý xem mình làm có tốt không và cầu cứu suốt. Một nhà quản lý than thở: “Suốt ngày cứ hỏi liên miên ‘Em làm có được không ạ?’, ‘Em làm có được không ạ?’ khiến tôi điên cái đầu.”

Các cách được cấp trên chú ý

Bất cứ điều gì có thể khiến bạn được cấp trên – cao hơn sếp trực tiếp của bạn và những đồng nghiệp gần gũi nhất – chú ý, theo hướng tích cực, đều tốt cho sự nghiệp của bạn:
Văn hay chữ tốt. Viết lách là một kỹ năng đáng giá, vậy nên, nếu bạn viết tốt hoặc chỉ cần viết rõ ràng, kỹ năng này sẽ khiến bạn trở nên nổi bật. Hãy xung phong làm thủ công những tài liệu được ban hành rộng rãi như thư gửi khách hàng, các chính sách, thủ tục, hoặc hướng dẫn, thông tin sản phẩm và những thứ tương tự. Nếu bạn được tiếng văn hay chữ tốt trong công ty, các quản lý và điều hành sẽ tìm đến bạn nhờ hỗ trợ trong các dự án của họ. Khả năng viết lách mang đến ấn tượng về cung cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả tới những người có thể còn chưa biết đến bạn.
Khéo ăn nói. Rất nhiều bạn trẻ sẽ phải bỏ những từ đệm như “kiểu như” và “anh biết đấy” trong cách nói năng, nếu họ muốn được mọi người nhìn nhận mình nghiêm túc hơn. Câu trả lời thích hợp cho lời “Cảm ơn anh!” là “Vâng, không có gì đâu ạ”, chứ không phải “Không sao!” Nếu bạn bắt chước cách ăn nói của những người nắm quyền trong tay, bạn sẽ tiến gần tới quyền lực ấy hơn.
Giọng của bạn, hoặc tốc độ nói của bạn có thể mang lại lợi thế cho bạn mà cũng có thể hại bạn. Hiểu biết về nghề nghiệp hoặc chuyên môn tốt có thể giúp bạn được tuyển vào, nhưng để tiếp tục tiến bước trên quan lộ, có thể bạn sẽ phải học một lớp luyện âm, giảm độ nặng của giọng để những đôi tai không-được-nhanh-nhạy có thể hiểu những gì bạn đang nói.
Thuyết trình hay. Những đội thuyết trình thường gồm cả lính mới vào, nhưng lính mới thường chỉ ngồi nghe chứ ít phải làm gì. Hãy cố gắng xin được thuyết trình phần nào đó trong lần thuyết trình tới. Thuyết trình lên sếp, thuyết trình cho khách hàng, minh họa cho buổi tập huấn hoặc sản phẩm, và những hội chợ thương mại là tất cả cơ hội để trở nên nổi bật. Đó là những cách tuyệt vời nhất để gặp gỡ những người ngoài phòng ban bạn làm việc và tạo ra cơ hội được tương tác xã hội nhằm giúp bạn phát triển. Nếu bạn chưa tự tin khi nói trước đám đông và trình bày ý tưởng, hãy đăng ký một khóa dạy kỹ năng này.
Đi công tác. Những chuyến công tác xa chính là cơ hội cho bạn thể hiện và gặp mặt các vị tai to mặt lớn trong công ty, những người ngoài kênh báo cáo trực tiếp của bạn, các khách hàng và ngay cả những công ty khác có thể hợp với bạn. Bạn có thể xây dựng mạng lưới của riêng mình, tìm được những cố vấn và người tư vấn cho mình, và chộp lấy những cơ hội tuyển dụng.
Xung phong làm mọi thứ. Vâng, gần như là mọi thứ. Ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vấn đề này chi tiết hơn ở các chương sau, do thường thì cách tốt nhất để được chú ý và cất nhắc là cứ làm công việc hiện thời thật tốt, tham gia cả những dự án đặc biệt hoặc nhận cùng lúc công tác khác nữa. Nhưng phải biết chọn lọc! Đừng bạ đâu đánh đó, đừng nhận những công tác không được đánh giá cao.
Là một nhân viên mới, bạn hầu như phải làm bất cứ công việc nào được giao. Nhưng khi bạn đã đạt đến một phạm vi nào đó, hãy cẩn thận tránh những công việc không béo bở gì. Một kỹ sư cơ khí kể rằng, anh ta khởi sự ở vị trí kỹ sư quản trị chất lượng cho tới khi anh nhận ra đây là công việc tệ nhất quả đất. “Nếu mọi chuyện ngon lành”, anh nói, “công trạng sẽ thuộc về một tay nào đó khác. Khi có trục trặc xảy ra, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm báo động và khắc phục. Thế nghĩa là lúc nào tôi cũng phải dính lấy những xáo trộn, và hiếm khi nào có được những câu chuyện thành công vui vẻ.” Khi anh chuyển sang làm kỹ sư dự án, nơi hầu hết mọi dự án đều mang đến những câu chuyện thành công, sự nghiệp của anh cứ thế lên dần.
Hoàn thành xuất sắc một dự án đặc biệt sẽ mang lại cơ hội được chú ý hơn nhiều so với những nhiệm vụ bình thường hàng ngày. Hãy xung phong nhận những dự án như vậy nếu bạn không được phân công làm. Nhưng hãy cân nhắc từng cơ hội thật cẩn thận bởi lẽ vài dự án nghe hay ho và hoành tráng hơn thực tế rất nhiều.
Giám đốc trung tâm hướng nghiệp của một trường đại học chia sẻ, dự án tệ hại nhất mà ông từng làm là phụ trách ban kỹ thuật. Họ lập ra những tiêu chuẩn nhiều năm cho công nghệ thông tin, bao gồm cả tiêu chuẩn hóa nền tảng IT rộng khắp toàn trường, xem xét chặt chẽ và lựa chọn tất cả các nhà cung cấp IT. “Việc đó gần như đã làm trật đường ray sự nghiệp của tôi”, ông nói. “Ai cũng ghét những phần mềm mới, và vì thế mọi người ghét tất cả những gì chúng tôi làm. Ý tôi là, chẳng ai vừa lòng với chúng tôi cả.” Đó là kiểu dự án điển hình bạn cần tránh.
Bởi vậy, thức trắng đêm photo tài liệu thuyết trình có thể khiến bạn nổi bật khi còn là lính mới, nhưng chiến lược phát triển sự nghiệp lâu dài phải tập trung sức lực của bạn vào những cống hiến giá trị hơn. Bên cạnh đó, bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu bạn tốn ít thời gian hơn vào những công việc chẳng mấy dễ chịu và còn không được đánh giá cao.
Đúng giờ. Đi sớm về muộn và chuyên cần là những nước cờ sự nghiệp quan trọng. Tránh làm việc từ xa cho tới khi bạn đã có chỗ đứng trong cơ quan. Và chớ để người khác mó tay vào việc của mình nếu điều này ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của bạn.
Làm việc thật tốt. Thực hiện công việc thật nổi trội sẽ luôn giúp bạn nhận được những công tác nổi bật. Sếp nào cũng đánh giá cao nhân viên luôn làm mình mát mặt.
Luôn chú ý nâng cao trình độ. Nếu bạn không thường xuyên mài giũa, phát triển kỹ năng, đối thủ của bạn sẽ làm việc đó. Nâng cao khả năng lãnh đạo, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tham dự thuyết trình trong các hội thảo lớn chỉ có thể được thực hiện thật tốt khi bạn thường xuyên rèn giũa nó. Nó cũng khiến bạn trông nghiêm túc hơn với sự nghiệp của mình.
Thành An đã thu hút sự chú ý như thế nào

Sau khi vào làm ở phòng marketing của một công ty dịch vụ tài chính lớn, Thành An nhận thấy cậu chỉ là một trong số những người trẻ nhanh nhẹn và chăm chỉ ở phòng. Cậu có hàng tá đối thủ. Nhưng cậu có những lợi thế nhất định. Cậu rất thành thạo Power Point, thế là cậu bắt đầu ngỏ ý muốn được giúp các nhà quản lý trong công ty làm thuyết trình. Cậu tham dự khóa đào tạo đặc biệt gọi là “Bản thuyết trình thị giác cho những con số”. Cậu trở thành người phụ trách kỹ thuật thuyết trình giỏi nhất cho tất cả các thuyết trình cả nội bộ lẫn ngoài công ty. Cậu làm mình khác biệt.

Khen người – khoe mình. Khen ngợi người khác là Con ngựa thành Troy để thu thập thông tin liên quan đến mình. Hãy học thói quen “khoe” những thành công đội mình đạt được, và bạn có lý do để gửi email đến những người ngồi ghế trên trong công ty.

Chớ lạm dụng chức năng cc trong email. Bất cứ ai bạn gửi email đều phải nằm trong phạm vi kênh thông tin thường lệ. Cứ cc những vị tai to mặt lớn để gây sự chú ý mà không có mục đích hữu ích nào khác nữa sẽ đem lại kết quả ngược sự mong đợi.
Ăn vận chuyên nghiệp. Mặc dù manh áo không làm nên thầy tu, nhưng cũng nói lên rất nhiều về người đó. Hãy ăn vận như thể bạn đã được cất nhắc vậy, vì cách ăn mặc cũng chuyển tải nhiều thông tin về một con người. Qua cách ăn mặc, người ta có thể đoán biết về quyền lực, về tiền đồ, sự tự tin, danh phận và địa vị xã hội của người đó. Phục trang chuyển tải – với tất cả mọi phức tạp của nó – hình ảnh cá nhân của một người. Ví dụ như khi nghĩ về một quản lý, trong đầu chúng ta nghĩ luôn đến hình ảnh một người đạo mạo mặc complet.
Các nhà xã hội học chỉ rõ, quần áo thậm chí còn quan trọng hơn với phụ nữ, có thể nói vui rằng, họ thân mật với quần áo và phụ kiện hơn cả với đàn ông! Chắc chắn ta có thể nói, phụ nữ mặc đẹp vì những phụ nữ khác chứ chẳng phải vì đàn ông. Nếu bạn đứng ngoài cửa ra vào ở bất kỳ một công ty lớn nào, bạn sẽ thấy phần lớn các chị phụ nữ đều có thể nói cho bạn đích xác vị trí và thu nhập của những người ra vào công ty đó: “Kia là cô thư ký, kia là nhà điều hành cấp cao, còn đó là một anh kỹ sư máy tính…”, đại loại thế.
Mối quan tâm khi chọn cất nhắc ai đó là liệu anh ta có điều chuyển thành công không? Liệu anh ta có thể đảm nhận công việc là mắt xích của cả một sợi dây xích dài không? Anh ta có thích hợp với công việc đó không còn là câu hỏi lớn hơn nữa. Anh ta sẽ cư xử phải phép, thể hiện mình và đại diện cho hình ảnh công ty thật tốt, và phản ánh tuyệt vời hình ảnh của quản lý đơn vị chứ? Bằng cách ăn mặc như thể bạn đã được thăng tiến, bạn đã gạt bỏ được những lo ngại to lớn nói trên ngay từ đầu rồi. Bạn thực sự trông phù hợp với vị trí đó. Nhưng hãy luôn nhớ trong đầu rằng bạn không nên ăn mặc đẹp hơn sếp, khiến người khác nghĩ bạn là sếp. Điều này sẽ khiến khách hiểu lầm và làm hỏng mục tiêu của bạn đấy.
Phát triển tác phong lãnh đạo. Tác phong lãnh đạo là một khía cạnh quan trọng để được cất nhắc trong quân đội. Kinh doanh, chính phủ, và những tổ chức phi lợi nhuận cũng chẳng khác gì. Nếu bạn không cư xử như người đã được thăng chức, hậu quả sẽ là bạn còn không nhận được cơ hội để mà cố gắng vì nó nữa cơ. May mắn thay, phong thái này có thể học được. Nếu những vị “ghế trên” ở công ty bạn không cười to, vậy bạn cũng đừng cười lớn. Nếu họ nghiêm trang, bạn cũng phải nghiêm trang. Nếu người thành công nhất bạn thấy luôn đứng thẳng và ngồi thẳng lưng mọi lúc, bạn cũng phải bắt chước như vậy.
Tác phong cũng có thể tùy từng lúc, cũng như với những người này bạn nói chuyện một kiểu, với người khác lại nói chuyện kiểu khác vậy. Bạn không cần phải từ bỏ con người thật của mình; bạn chỉ cần học cách hành động giống người đã được thăng tiến thôi – nếu việc thăng tiến ấy quan trọng với bạn. Ngay cả việc bắt tay với lực khác nhau bạn cũng còn phải học nữa là! Đừng khó chịu với sự thật này, hãy chú ý và thích nghi với nó!
Nếu bạn từng đọc sách về nghệ thuật giao tiếp, bạn sẽ không xa lạ khi biết rằng 55% những gì thể hiện trong giao tiếp là qua ngôn ngữ cơ thể, 38% là giọng nói và sắc điệu giọng, và chỉ có 7% là chuyển tải qua từ ngữ mà bạn dùng. Ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và sắc điệu là những phần quan trọng trong tác phong lãnh đạo của bạn. Có được tác phong của những người có quyền lực sẽ đưa bạn đến gần quyền lực đó hơn.
Vấn đề phụ nữ làm lãnh đạo
Bất cứ khi nào nắm vai trò lãnh đạo, bạn chắc chắn đã bị đặt dưới tầm soi của kính hiển vi, điều này càng chính xác hơn với phụ nữ. Ứng xử theo cách bạn muốn mọi người nghĩ về mình thực sự rất quan trọng. Nếu bạn muốn mọi người coi mình là người đáng tin cậy, bạn phải hành xử thật đáng tin, nói lời phải giữ lấy lời, được người khác coi là người biết giữ chữ tín, và đừng dính tới những chuyện phiếm.
Và dù bạn có thích hay không, khi bạn là một nữ lãnh đạo, người ta sẽ soi từng bước đi của bạn; họ sẽ gán ghép những quan hệ hoàn toàn không có thực vào bạn. Vậy nên, lúc nào bạn cũng cần phải nhận rõ hình ảnh bạn trong mắt nhân viên trái ngược thế nào với hình ảnh bạn muốn tạo dựng.
Bạn làm điều này thế nào đây? Hãy xây dựng vòng phản hồi với những người bạn tin cậy, những người sẽ trung thực với bạn về những gì người khác nhìn thấy ở bạn. Xác định những người đang làm việc cho mình trong các vai trò khác nhau. Ví như bạn có thể lấy thông tin và nảy ra ý tưởng từ một chuyên gia trong lĩnh vực nhất định nào đó. Bạn có thể tâm tình với một hai người bạn thân, người có thể khiến bạn thật thoải mái và tha hồ xả những cơn giận dữ, nhưng họ phải là những người cực kỳ đáng tin cậy mới được. Cuối cùng, bạn cần ai đó ở ghế cao hơn, ai đó có thực quyền để quan tâm đến bạn, để hướng dẫn bạn, và là người có thể giúp sự nghiệp của bạn hiện hữu.
Và, có những người nắm quyền trong tay và bạn muốn nuôi dưỡng mối liên minh với họ. Họ có thể có quyền lực địa vị hoặc quyền bính cá nhân; điều đó không quan trọng. Giúp đỡ họ, được họ biết tiếng, có giá trị với họ trước khi nhờ vả họ. Đừng chỉ chăm chăm mỗi việc xây dựng mối quan hệ, còn phải quản trị mối quan hệ đó nữa.
Bạn làm thế nào để được chú ý? Phụ nữ thường hay miễn cưỡng khoe thành tích. Bạn không nên ngại “khoe” thành công với những người cần biết những thành tích của mình. Đó không phải là khoe khoang khoác lác hay kiêu căng ngạo mạn gì cả, đó là nhấn mạnh những dự án bạn tham gia và đóng góp của bạn đã làm nên khác biệt. Và đó thực sự là điều, một nhà điều hành nên làm. Nếu điều đó chưa tự nhiên lắm với bạn, bạn phải học.
Một phần nữa, phụ nữ thường hay phản ứng không được bình tĩnh khi họ tiếp cận công việc từ lập trường tình cảm. Bạn không bao giờ muốn bị sa thải chỉ vì bị kích động và đã thể hiện cảm xúc ấy ra đúng không? Bạn không bao giờ muốn có người nói, “Ồ, bà ta chỉ đang bị kích động thôi.” Dĩ nhiên ai cũng có cảm xúc, nhưng con người mà bạn muốn thể hiện ra cho người khác thấy phải thật chuyên nghiệp và trưởng thành. Sống thật với cảm xúc trong căn phòng kín chỉ có mình mình thôi. Rồi khi đã bình tĩnh trở lại, tiếp cận những xung đột trên lập trường khắc phục chứ không phải trên lập trường tình cảm cá nhân. Không phải, “Ta có thể hòa thuận với nhau không?”, mà phải là, “Ta sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?”
Vài phụ nữ cảm thấy họ phải mang cá tính đàn ông để được thành công hoặc được cất nhắc, nhưng đó hoàn toàn không phải vấn đề. Những phụ nữ thành công thực sự là chính mình, nhưng cũng biết cách liên kết với đàn ông. Bạn phải liên kết với người có quyền hành và nguồn lực mình cần để thực hiện công việc của mình, dù người đó có là đàn ông hay đàn bà đi nữa. Bạn cần phải thoải mái bên cạnh những người có quyền và có ảnh hưởng. Nhưng bạn vẫn có thể nữ tính và thực sự thành công. Chuyện đó chẳng có gì đáng thắc mắc cả.
Và với những phụ nữ đang đứng hàng chóp bu, cần phải cực kỳ chủ động trong quản trị nghề nghiệp. Rất nhiều phụ nữ phạm sai lầm khi cứ khư khư làm mãi những công việc vốn truyền thống dành cho phụ nữ như Nhân sự hay marketing, và những việc tương tự. Và các nghiên cứu đã chỉ ra, một trong những lý do khiến phụ nữ không được cất nhắc là vì họ không có kinh nghiệm quản lý nói chung, không có kinh nghiệm kỹ thuật, không có nền tảng về tài chính. Vậy nên, nếu bạn thực sự muốn tiến bước trên quan lộ, bạn phải đặt mình vào những vị trí mang trọng trách lãnh đạo khác nhau trong tổ chức.
Điều đó cực kỳ quan trọng. Bạn có thể muốn tiến bước trong bộ phận chế tạo hoặc sản phẩm, rồi sau đó tiến lên bên bộ phận IT, và sau đó là marketing, rồi phân phối, tìm kiếm bề ngang khác với tìm kiếm chiều sâu, nên bạn phải nhảy các vị trí để đảm nhận trách nhiệm quản lý chung. Đó là cách đàn ông họ làm, và họ biết làm vì họ thường có người coi ngó cho mình trong sự nghiệp, giúp đỡ họ. Phụ nữ thường không có những người đó, và họ cần phải tìm kiếm.
Một đề xuất nữa, và đề xuất này cực kỳ quan trọng. Khi người ta đang tiến bước, họ thường có xu hướng ngày càng quản lý theo chiều đi xuống; họ tốn phần lớn năng lượng tinh thần vào việc quản lý người của mình. Nhưng một khi bạn đang trên đà thăng tiến, bạn còn phải chú ý quản lý bên ngoài, quản lý bên trên và chú ý đến tất cả các bên liên quan. Bạn phải nắm được những kỹ năng trên. Những người hôm nay còn là đồng nghiệp ngang cấp, hôm sau đã có thể lên làm sếp bạn rồi, hoặc họ cũng có thể giúp bạn lên sếp, vậy nên những mối quan hệ này cực kỳ quan trọng. Bạn cần liên kết với nhiều người ở mọi phòng ban trong tổ chức, ngay cả trong trường hợp việc của họ và việc của bạn không có những kết nối rõ ràng. Nếu tôi là trưởng ban IT, tôi cần phải biết giám đốc bên tài chính là ai.

Lời khuyên tốt nhất dành cho các bạn trẻ là gì? Bạn phải biết rõ mình. Bạn phải có khao khát thăng tiến cực độ, để có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong thế giới phức tạp, nhanh chóng và đầy stress ngày nay. Và nếu bạn không có được khao khát đó, cũng được thôi; tìm xem bạn khao khát điều gì, và cứ thế theo đuổi khát khao của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.