Thăng Quan Tiến Chức

10. PHA SINH TỐ MAY MẮN + CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG ĐÚNG CÔNG THỨC



May mắn thì sao?
Khác với các nhà quản lý cấp trung, những nhà điều hành cấp cao thường cho rằng thành công họ có được phần nhiều dựa vào may mắn. Điều đó ít nhiều cũng đúng. Tài năng, nỗ lực và siêng năng cũng tựa như những hạt giống vậy. Dù hạt giống có tốt đến mức nào, chúng vẫn cần có mưa để nảy mầm và phát triển. Chúng cũng cần có thời gian không bị tác động bởi những yếu tố không kiểm soát được.
May mắn là yếu tố kỳ lạ trên thế giới. Nó không ngẫu nhiên mà có. Bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị cho may mắn. Nếu mảnh đất bạn định gieo trồng không đủ tơi xốp, hãy chuyển sang chỗ khác. Nếu năm nay trời không mưa, hãy chuẩn bị hạt giống gieo năm sau. Hầu như toàn bộ xã hội nông nghiệp đều có những vũ điệu hay những nghi lễ cầu mưa, bởi họ tin họ có thể “vận động” được may mắn. Cách hay nhất để vận động may mắn là luôn sẵn sàng chào đón cuộc viếng thăm của vận may.
Ví dụ, mùa mưa hay đến vào cùng một thời điểm hàng năm. Nếu bạn nhìn thấy trước được vận may, giống như bác nông dân biết trước cơn mưa sẽ đến lúc nào, và gieo hạt đúng thời điểm, bạn sẽ sẵn sàng cho mùa mưa. Vận may sẽ phát thưởng cho những người biết chuẩn bị. Kết quả này hoàn toàn chẳng phải ngẫu nhiên. Một người đầy tham vọng với sự nghiệp của mình từng chia sẻ: “Càng chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu, tôi càng thêm may mắn bấy nhiêu.” Bạn cần phải có được công thức đúng cho ly sinh tố May mắn; có phương pháp và lanh lẹ, may mắn sẽ mỉm cười với bạn.
Tất cả chúng ta có thể quá si mê khái niệm kế hoạch sự nghiệp: Tôi sẽ làm thế này, sau đó tôi sẽ được dự cuộc tập huấn đó, và tôi sẽ đủ tiêu chuẩn để đảm nhận việc đó, và thế là tôi sẽ nắm được cơ hội… Nhất là khi chúng ta thường nhồi nhét điều này vào đầu những sinh viên năm cuối và các thạc sĩ trẻ. Lập kế hoạch hành động, và hành động theo đúng kế hoạch. Bạn phải nắm rõ đường đi nước bước của mình. Đừng có dại leo lên ván nhảy và nhắm mắt nhắm mũi lao xuống hồ bơi trong khi chưa kiểm tra lượng nước trong hồ. Cẩn thận nhé! Chớ mạo hiểm! Phải lường đến cả những bất trắc!
Đôi khi, bạn có thể sẽ quá sa đà vào bản kế hoạch. Thực tế có nhiều người máy móc tuân thủ kế hoạch theo đúng trình tự lại không tiến được xa. Bạn không thể trở thành sếp trước 40 tuổi khi bạn cứ an phận, dè dặt, bảo thủ, máy móc và nhất nhất theo đúng kế hoạch. Bất cứ khi nào bạn gặp một nhà điều hành hoặc quản lý ở tuổi 34 tuổi, bạn sẽ thấy cô ta chẳng hề bám sát theo kết hoạch ban đầu chút nào!
Như trong Hải quân, người ta có nói, bạn phải biết ứng biến.
Vậy bạn tạo ra may mắn trong kế hoạch nghề nghiệp thế nào?
Bạn cần phải trau dồi những kỹ năng mình có. Bạn phải học tập và suy luận không ngừng. Bạn cần phải thấy, thừa nhận, và khắc phục những nhược điểm của mình. Chúng tôi xin phép được bàn luận sâu thêm về may mắn và lanh lẹ.
Một chủ nhà băng táo bạo
“Hồi tôi hai mươi ba, trưởng phòng Marketing của một ngân hàng nhỏ chỗ tôi đột ngột qua đời, khiến công việc cả phòng đều rối tinh cả lên. Tôi chỉ mới làm ở đó chưa đầy một năm. Nhưng tôi vẫn đánh bạo chạy lên văn phòng chủ tịch và nói: “Cháu muốn làm ở vị trí đó. Cháu có thể làm được.” Ông ấy đáp, “Cậu phải cẩn thận với những gì cậu muốn đấy!”. Vậy là ở cái tuổi 23, tôi phụ trách một đội toàn những anh chị tuổi 25 và một ngân sách trị giá cả triệu đô. Có thể ông chủ tịch đinh ninh rằng tôi sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì, nhưng thực tế, sự nghiệp của tôi lại lên như diều gặp gió. Mấy người bạn của tôi có công việc ngon hơn, nhưng chỉ trong vài năm, tôi đã bỏ xa được họ. Muốn được thì phải xin, bí quyết của tôi chỉ có thế. Cha tôi đã dạy tôi như vậy.
“Sao có những người vẫn để vuột mất cơ hội? Trái ngược với dạn dĩ là rụt rè. Và rụt rè chưa bao giờ là cá tính đáng giá cả. Nếu lần nào phải chọn lựa, bạn cũng chọn phương án ít mạo hiểm nhất và mang tính phòng thủ cao nhất, bạn sẽ được chú ý nếu đó đã là khuôn mẫu.
“Và tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề vệ sinh nữa. Đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm đấy. Bạn biết luật salad rau bina không? “Chớ bao giờ ăn salad bina trước buổi phỏng vấn vì răng bạn sẽ bám màu xanh”. “Luật” này còn quan trọng hơn quần áo, cốt cách, mời ra ngoài ăn tối hay những thứ kiểu kiểu vậy. Qua chuyện này, người ta còn đánh giá xem bạn có diễn đạt lủng củng không, cách viết của bạn có buồn cười không, bạn có hoạt bát không, đời sống công việc của bạn có kỷ luật hay không… Chẳng ai muốn hợp tác với một người làm việc và có thói quen làm việc không phản ánh được hình ảnh người ta muốn xây dựng về công ty cả.
“Nói tóm lại, quá bảo thủ và ngại đương đầu với mạo hiểm, và làm việc không đến nơi đến chốn là những lý do khiến người ta vuột mất cơ hội thăng tiến.

“Phòng nhân sự là nơi cuối cùng được biết ai sẽ được thăng tiến và lý do tại sao. Bạn phải chủ động bước đến nơi nỗi đau đang dày vò và chia sẻ với những người chịu ảnh hưởng từ “nỗi đau” đó nhiều nhất – những người liên quan đến công việc đang gián đoạn. Quên bên nhân sự đi. Bạn phải hỏi xin những gì bạn muốn. Chẳng ai dâng đồ ngon đến tận miệng bạn đâu.”

Kế hoạch của bạn tiến xa đến đâu?

Những người cầu quan – những người có định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng chứ không phải những người theo đuổi hàng tá công việc – hoạch định sự nghiệp kỹ càng hơn những người bình thường. Họ tự đặt mình vào đúng vị trí để vươn tới thành công trong tương lai. Họ trau dồi những kỹ năng, họ tìm gặp đúng người, và tích lũy kinh nghiệm để vươn lên. Nhưng vươn xa đến mức nào, bạn có thể lập kế hoạch cụ thể được không?
Bất kỳ ai không hướng đến hai vị trí đều là những người chưa đủ nhìn xa trông rộng. Với những người cầu quan muốn tiến tới thành công nhanh chóng, họ lập ra kế hoạch trong khoảng hai đến năm năm. Đó là tầm nhìn gần của những ai suy nghĩ chín chắn. Còn tầm nhìn xa thì sao?
Xem ra, tầm nhìn sự nghiệp không nên vượt quá 20 năm. Nếu kế hoạch của bạn dài hơn 20 năm, có thể bạn đang quá mơ mộng và viễn tưởng rồi đó. Hãy suy nghĩ lại. Ngay cả mạng Internet ngày nay cũng đã được 20 tuổi đâu. Bill Gates cũng bước chân vào ngành công nghiệp phần mềm và trở thành người giàu nhất thế giới cũng chưa mất đến 20 năm. Tất cả những thông tin bạn cần để lập kế hoạch cũng thường sẽ thay đổi nhiều trong mỗi 20 năm. Rồi 20 năm sau, thời gian sẽ thay đổi những kiến thức chúng ta biết và những niềm tin ngày hôm nay về Công nghệ sinh học, công nghệ nano, địa chính trị, môi trường và cả tôn giáo nữa.
Công việc của bạn có khi cũng sẽ không được cần đến nữa. Luật có thể sẽ thay đổi, làm ảnh hưởng đến thị trường của bạn. Thị hiếu công chúng có thể sẽ thay đổi, làm cho dịch vụ của bạn không còn cần thiết nữa. Không ai là người không thể thay thế cả, và theo thời gian, có thể sẽ có một vài công việc không cần nhân công nữa, mà sẽ được thay bằng một cái nút bấm, hiểu theo đúng nghĩa đen.
Phải biết nhìn xa trông rộng, ít nhất cũng phải năm đến mười năm, nhưng chớ có vượt qua con số 20 kẻo vỡ mộng đấy.
Đừng vuột mất cơ hội
Cơ hội lúc nào cũng ở quanh ta. Bạn chỉ cần học cách nhìn ra cơ hội mà thôi.
Cơ hội ở xung quanh ta, nhưng bạn phải có khả năng nhận ra chúng. Nói về cơ hội, chỉ một thứ thôi, nó giống như cô nhân tình dễ chinh phục vậy. Nếu bạn không thấy và không biết đánh giá cô ta, cũng giống như bạn vuột mất cô ta. Và cô ta sẽ đi mất.
Bạn cần học cách phát triển những kế hoạch ngẫu nhiên thành kế hoạch của chính mình và dựng thật nhiều cảnh với nhiều biến thể trong vở kịch của mình. Bạn cần phải học cách chú tâm vào đó với toàn bộ sức mạnh và tiềm lực. Nếu bạn vô tình tiếp cận được một nhân vật quyền lực và nhiều tiềm năng nào đó, phải nhanh chóng triển khai một kế hoạch đầu tư vào nhân vật đó. Học cách xem xét những cơ hội mà bạn chưa lường trước được. Đó là chìa khóa quan trọng nhất.
Chuyển hướng bất ngờ
Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Biết đâu trong lúc tán gẫu với người bạn đường trên máy bay, cuối cùng bạn lại nhận được một công việc mới, ở một lĩnh vực mới. Bạn chưa bao giờ nghĩ tới công việc đó dù chỉ một giây trước cuộc chuyện trò định mệnh kia, trong khi người bạn đường của bạn lại là một vị tai to mặt lớn trong ngành. Bạn không thể tính trước được những chuyện như thế, đúng không.
Hoặc bạn đang tìm việc mới vì bế tắc với chuyện phân công công việc ở công ty. Việc phân công đó sẽ khiến bạn không có tương lai. Hãy thử áp dụng phương pháp “diễn thuyết nơi thang máy” vào mạng lưới của mình xem sao. “Diễn thuyết nơi thang máy” là một công cụ tiêu chuẩn cho những ai đi tìm việc. Đó chỉ đơn giản là bắt chuyện với một người như Bill Gates, hay với ai đó có ảnh hưởng lớn, khi họ đi cùng thang máy với bạn và bạn phải lên bốn hoặc sáu tầng nữa. Giới thiệu ngắn gọn nhất có thể về bản thân, về những gì bạn có thể làm được và bạn đang tìm kiếm kiểu cơ hội nào.
Chuyên viên phân tích ESPN Doris Burke đã phải “chữa cháy” trước ống kính khi người đọc bản tin chưa xuất hiện. Đến phút cuối cùng, nhà đài cho cô làm dẫn chính luôn, và cô đã nhanh chóng nổi tiếng ngay sau đó. Doris có tính trước chuyện này không? Dĩ nhiên là không.
Dick Cheney đã phát biểu tại LSU, trong lần đó, ông đưa ra quan điểm sau: “Vào chính cái ngày tốt nghiệp trường Đại học Wyoming, tôi chẳng có tham vọng nào cho đời sống cộng đồng này cả… Các bạn sẽ rời LSU với những kế hoạch cụ thể trong đời. Hoạch định kế hoạch là điều tốt. Có kế hoạch cụ thể, bạn sẽ tập trung phát triển tốt hơn vào mục tiêu mà mình đã định và tương lai bạn theo đó cũng chắc chắn hơn. Nhưng tôi cược rằng, trong mười năm tới, sẽ có rất nhiều bạn ở đây thấy rằng, mình đang đi theo một con đường hoàn toàn khác, bởi lẽ cơ hội sẽ đến với bạn rất bất ngờ. Hãy luôn chú ý theo dõi những thời điểm, những con người sẽ đến với bạn và dẫn dắt bạn đi theo hướng khác.” Và đó cũng là lời khuyên đầy khôn ngoan dành cho chính bạn nữa.
Xin chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian ðọc cuốn sách này. Chúng tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này thực sự hữu ích cho bạn, góp phần vào việc thăng tiến của bạn. Chúc con đường quan lộ của bạn luôn được hanh thông!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.