Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương
Chương 8: Con Trẻ Nên Nắm Bắt Phương Pháp Quản Lý Tài Sản Từ Nhỏ
Bà cụ hàng xóm hay nói chuyện cùng đã chỉ cho tôi biết cách áp dụng nền nếp gia đình Do Thái vào gia đình mình như thế nào, nên yêu thương con cái ra sao. Theo người Do Thái, nguyên tắc có làm có hưởng sẽ rèn luyện kỹ năng sinh tồn của trẻ, nhất là kỹ năng quản lý tài sản, trước giờ họ không coi kiếm tiền là một nhu cầu cần phải đợi đến độ tuổi nhất định mới bắt đầu vun bồi, giống như quan niệm “dạy con từ thuở còn thơ” của người Trung Quốc, họ luôn cho rằng “quản lý tài sản từ nhỏ” mới là phương pháp giáo dục tốt nhất. Việc nâng cao chỉ số FQ, không chỉ để nhằm giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho trẻ, mà nó còn là một phương thức giáo dục trách nhiệm và giáo dục nhân cách.
Qua mười năm trở về quê hương, tôi nhận thấy rất nhiều tài sản của các gia tộc Israel đều được truyền qua nhiều thế hệ. Nhìn vào thực tế, người Do Thái không chỉ để lại của cải vật chất, mà còn truyền lại tố chất và kỹ năng tạo ra của cải cho con cháu mình, những thứ đó còn giá trị hơn tiền bạc. Và thứ giá trị ấy không đến từ sự thừa kế, nó đến từ phương pháp giáo dục, cụ thể là những kỹ năng quản lý tài sản từ thuở nhỏ được người Do Thái nắm bắt và vận dụng.
Người Do Thái có một phương pháp đặc biệt về giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho con cái, họ bắt đầu triển khai các bài học quản lý tài sản gia đình từ khi trẻ ba hoặc bốn tuổi, đó dường như đã thành thông lệ của cả dân tộc.
Ba tuổi: Phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá.
Bốn tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần phải lựa chọn.
Năm tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý.
Sáu tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản.
Bảy tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không.
Tám tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt.
Chín tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán.
Mười tuổi: Biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn hơn như mua giày trượt băng, ván trượt…
Mười một tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá và ưu đãi.
Mười hai tuổi: Biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm được, có quan niệm tiết kiệm.
Từ mười hai tuổi trở lên: Hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản cùng với những người trưởng thành trong xã hội.
Trẻ em Do Thái học cách quản lý tài sản trong suốt thời thiếu niên, kể từ khi chúng vừa mới bắt đầu có khái niệm về “đếm” và biết những phép tính cộng trừ đơn giản. Các bậc phụ huynh Do Thái dạy con em mình hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ giữa tiền bạc và mua sắm, họ cho trẻ vốn riêng, khác với phụ huynh Trung Quốc, họ không chủ trương cho trẻ để dành toàn bộ số tiền, ngược lại, họ khuyến khích trẻ tiêu hết tiền một cách hợp lý như, mua quà ăn vặt, đồ chơi hoặc quần áo mà trẻ thích. Sau khi chi tiêu, phụ huynh phân tích cho trẻ hiểu mua sắm như vậy là có hợp lý, có cần thiết hay không, từ đó rút ra kinh nghiệm gì, bài học gì. Họ quan niệm, thà cho con tiền tiêu vặt định kỳ và đặt ra quy định hạn chế chi tiêu còn hơn là để nó chìa tay xin tiền phụ huynh như “ăn mày”.
Khi con cái bước vào năm học cuối cấp một, phụ huynh Do Thái sẽ mở cho chúng một tài khoản ngân hàng độc lập, gửi vào đó một khoản tiền, con số có thể coi là tiền lương một tháng cha mẹ thanh toán cho trẻ. Họ sốt sắng mở tài khoản cho con không phải là để con thả sức tiêu tiền, cũng không phải là họ quá nuông chiều con hay để đỡ phải phát tiền một lần cho con, mà họ có mục tiêu giáo dục lớn hơn, đó là “quản lý tài sản”. Mỗi khi con cái sử dụng tiền không thỏa đáng, phụ huynh sẽ không dễ dàng bỏ qua cho chúng. Họ giải thích cho trẻ hiểu, nếu sắp tới con muốn có được thứ giá trị hơn, thì bắt buộc lúc này con chỉ được mua một vài thứ ít tiền. Có như vậy, trẻ mới có thể biết được hậu quả nghiêm trọng của việc chi tiêu quá đà, biết chịu trách nhiệm trước hành động chi tiêu của mình.
Rất nhiều phụ huynh Trung Quốc lo con tiêu tiền lung tung, nên “tước đoạt” cơ hội cầm tiền của con. Ví dụ, con cần mua thứ gì đều phải chìa tay xin tiền cha mẹ; ngay cả tiền mừng tuổi của con, phụ huynh cũng nói “để cha/mẹ giữ cho”, tịch thu toàn bộ số tiền mừng tuổi. Phụ huynh Do Thái cho rằng, cách làm tai hại như vậy sẽ khiến cho trẻ có thói quen xin tiền cha mẹ, đến khi có tiền chúng sẽ mau chóng tiêu hết sạch, thiếu ý thức lập kế hoạch chi tiêu.
Sáng suốt hơn, các gia đình Do Thái còn cho thanh thiếu niên bắt chước cha mẹ quản lý tài khoản ngân hàng để giúp con em mình có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống tương lai. Khi con cái được khoảng mười hai tuổi, phụ huynh thường mở sổ tay chi tiêu, thông báo cho các thành viên biết tình hình chi tiêu trong gia đình, giúp con cái hiểu chúng cần phải quản lý “tài chính” gia đình như thế nào.
Ngoài việc dạy con sử dụng tiền một cách khoa học từ lúc tám, chín tuổi, phụ huynh Do Thái còn khuyến khích con lao động để kiếm tiền tiêu vặt. Một hôm, con trai tôi mang về nhà một vé xem biểu diễn saxophone, giá vé chỉ có 2 shekel, buổi biểu diễn do bạn cùng lớp của nó tổ chức. Nghe con tôi nói, nhà cậu bạn đó thuộc tầng lớp trung lưu, giàu có trong vùng, thằng bé mở buổi biểu diễn, ngoài mong muốn thưởng thức âm nhạc ra, nó còn muốn tích lũy tiền trong tài khoản. Cha thằng bé mở cho nó một tài khoản cá nhân, bên trong là tiền mồ hôi công sức nó rửa xe ô tô, dọn nhà vệ sinh, bán hàng rong trước cổng nhà, giúp việc ở cửa hàng bánh bao.
Chẳng nhẽ cha thằng bé là thần giữ của? Chẳng nhẽ người cha này không yêu con?
Về sau, tôi gặp cha thằng bé trong một buổi họp phụ huynh ở trường, tôi đến hỏi chuyện, ông ấy cởi mở chia sẻ: “Việc mở tài khoản khiến con tôi hiểu rõ một nguyên tắc ngay từ nhỏ là: Không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng. Trên thế giới này không có lương thực cho không, nó phải được đền đáp từ những gì nó cống hiến cho xã hội và nó phải đạt được thành công thông qua sự nỗ lực của bản thân. Ngoài ra, tài khoản còn giúp con tôi thấy được giá trị đồng tiền kiếm được bằng chính sức lao động của mình. Nếu nó muốn làm một vài cuộc đầu tư nhỏ, ví dụ mua hàng hóa đem bán lẻ, tôi sẽ vui vẻ hướng dẫn nó cách kinh doanh.”
Bạn đừng nghĩ đây là chuyện tầm phào, kỹ năng quản lý tài sản của con đến từ những bài học vỡ lòng về giáo dục quản lý tài sản của cha mẹ. Phụ huynh Do Thái coi bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con là một cách bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, đặc biệt là cách tạo ra của cải. Ví dụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty McCall đã học cách quản lý tài sản từ bé:
Thuở nhỏ, cha tôi từng hỏi tôi: “Một cân đồng đáng giá bao nhiêu tiền?” Tôi trả lời: “35 xu thưa cha.” Cha tôi nói: “Đúng vậy, tất cả người dân bang Texas đều biết một cân đồng có giá 35 xu, nhưng con là con trai của một người Do Thái vì vậy con cần phải hiểu một cân đồng trị giá 35 đô-la. Con thử lấy một cân đồng làm một tay nắm cửa xem sao.” Hai mươi năm sau, cha tôi qua đời, một mình tôi kinh doanh cửa hàng đồ đồng. Năm 1974, để làm mới tượng Nữ thần Tự do, chính phủ Mỹ thanh lý đống rác bên dưới bức tượng, kêu gọi các nhà thầu đến đấu giá, nhưng nhiều tháng trôi qua, vẫn không có tín hiệu khả quan. Nhìn thấy dưới chân bức tượng là một đống đồng thau, ốc vít, vật liệu gỗ, tôi không đưa ra bất cứ điều kiện gì, đăng ký mua ngay lập tức. Rất nhiều người cười thầm cho rằng hành động của tôi là ngu xuẩn. Nhưng khi tôi nấu chảy đồng, đúc thành pho tượng Nữ thần Tự do loại nhỏ, dùng xi măng và gỗ gia công làm chân đế, chì và nhôm làm chìa khóa quảng trường New York. Thậm chí, đất cát bụi bẩn trên bức tượng Nữ thần Tự do cũng được gói lại bán cho các cửa hàng hoa. Đống phế liệu mang về cho tôi 3,5 triệu đô-la, một cân đồng có giá cao gấp một vạn lần trước đó, những người từng cười nhạo tôi đều tỏ ra kinh ngạc. Đống rác ở New York đã làm nên tên tuổi của tôi, tất cả đều phải cảm ơn cha tôi đã truyền đạt kỹ năng quản lý tài sản cho tôi từ lúc còn nhỏ. Quản lý tài sản là một cách sáng tạo.
Bản thân tôi không giàu có, chỉ số FQ của tôi cũng không cao, nhưng sau khi tiếp cận phương pháp giáo dục quản lý tài sản của các gia đình Israel, tôi cảm thấy bừng tỉnh. Một số liệu điều tra đăng trên tạp chí của người Do Thái cho thấy: Người được bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản càng sớm, thu thập sau này càng cao. Vì người sớm khơi dậy kỹ năng quản lý tài sản thì ý thức sự nghiệp cũng sớm manh nha, sớm lĩnh ngộ khái niệm đầu tư, ngày sau đi làm càng có triển vọng hơn với người khác. Người Do Thái có sức mạnh lớn nhất trong lĩnh vực kinh tế thương mại, bao gồm rất nhiều ông chủ của các công ty tài chính khổng lồ; Alan Greenspan nguyên chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ; George Soros “cá sấu cổ phiếu”; Warren Buffett “vị thần cổ phiếu” giàu thứ hai thế giới… Đó không phải là do tư chất quản lý tài sản của người Do Thái xuất sắc hơn các dân tộc khác, mà là do họ nắm giữ kỹ năng quản lý tài sản ngay từ thuở nhỏ.
Khi còn làm một bà mẹ Trung Quốc truyền thống, tôi cho rằng, mình nên cho con ít va chạm với đồng tiền thì tốt hơn, tiêu tiền, kiếm tiền là chuyện sau này đi làm. Quả thật, dạy con không coi trọng tiền bạc là một phẩm chất đạo đức tốt, nhưng phẩm chất này cũng không hề mâu thuẫn với việc bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản. Người Do Thái hiểu rõ, kiếm tiền tức là phản đối làm nô lệ của đồng tiền. Lúc các con tôi mới tới Israel, thầy giáo từng đặt cho chúng một câu hỏi: “Khi bị côn đồ tấn công, bắt buộc phải bỏ trốn, em sẽ mang theo thứ gì?” Đối với câu hỏi này, bạn đưa ra câu trả lời là “tiền” hay “đá quý” đều sai. Vì bất luận là tiền hay đá quý, một khi bị cướp thì đều mất hết. Đáp án chính xác ở đây phải là “trí tuệ”.
Thay đổi quan niệm cũng là một cuộc cách mạng. Giáo dục con cái theo nguyên tắc có làm có hưởng cùng với kỹ năng quản lý tài sản đã làm thay đổi phương pháp dạy con trước đây của tôi, ba đứa con của tôi cũng nhận ra khoảng cách giữa chúng và trẻ em Israel cùng trang lứa, nên rất sốt ruột muốn trở thành những đứa trẻ đầy dũng khí và có được kỹ năng sinh tồn độc lập. Là người mẹ, tôi có thể đảm đương trọng trách cải cách gia đình hay không? Liệu tôi có thể cho bọn trẻ một cuộc sống phát triển bền vững?
Phương pháp bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản của người Do Thái
Do Thái là dân tộc giàu có và thông thái bậc nhất, phương pháp giáo dục quản lý tài sản của họ có thể làm khuôn mẫu cho cả thế giới.
Giai đoạn thứ nhất: Nhận biết tiền
Khi con còn đang bi bô tập nói, các bậc cha mẹ Do Thái sẽ dạy chúng phân biệt tiền xu và tiền giấy, để cho chúng hiểu “tiền bạc có thể mua được bất cứ thứ gì chúng muốn”, quan trọng hơn là “tiền ở đâu mà có”.
Sau khái niệm và hứng thú sơ bộ đối với tiền bạc, phụ huynh đi sâu vào quan niệm quản lý tài sản “dùng tiền đổi vật.”
Giai đoạn thứ hai: Kỹ năng cầm tiền
Hiện nay, trẻ em Trung Quốc gặp phải vấn đề lớn nhất là sử dụng tiền tiêu vặt như thế nào. Một số phụ huynh Trung Quốc không cho con tiền tiêu vặt, trong khi đó phụ huynh Do Thái lại cho rằng, tước bỏ cơ hội cầm tiền của con sẽ khiến con dựa dẫm vào cha mẹ, chỉ biết ngửa tay xin tiền.
Rockefeller đặt ra một vài quy tắc nhỏ trong việc sử dụng tiền tiêu vặt cho John, cháu của ông như sau:
1. Ban đầu Rockefeller chỉ cho John 1 đô la 50 xu tiền tiêu vặt mỗi tuần;
2. Cuối mỗi tuần, sau khi kiểm tra các khoản chi tiêu, nếu cha mẹ thấy John thực hiện tốt việc ghi chép chi tiêu trong tuần, thì sang tuần sau cậu bé sẽ được nhận thêm 10 xu;
3. Để dành ít nhất 20% tiền tiêu vặt;
4. Ghi chép chính xác, rõ ràng từng khoản chi;
5. Khi chưa được cha mẹ đồng ý, John không được phép mua đồ dùng đắt đỏ.
Khi trẻ được khoảng mười tuổi, phụ huynh Do Thái mở cho con một tài khoản ngân hàng riêng và bỏ vào đó một số tiền nhất định, mục đích là để cho nó biết quản lý tài sản một cách thông minh và khoa học, chứ không máy móc, mù quáng.
Vào lần đầu tiên khi con cái giữ nhiều tiền, phụ huynh sẽ kịp thời hướng dẫn con em mình cách chi dùng thỏa đáng. Nếu phụ huynh phát hiện ra con mình mua sắm linh tinh, họ sẽ trao đổi với trẻ rằng, con cần giữ lại một số tiền nhất định trong tài khoản, rồi cùng con lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm ngắn hạn. Đến lúc đó, nếu con vẫn chưa thể kháng lại sức hấp dẫn của những thứ khác, thì buộc chúng phải chịu trách nhiệm trước hoạt động tiêu xài không hợp lý của mình. Cách làm này có ưu điểm là giúp trẻ biết liệu cơm gắp mắm ngay từ nhỏ, biết cân nhắc đến các khoản chi tiêu sắp tới và kế hoạch chi tiêu lâu dài.
Giai đoạn thứ ba: Kỹ năng kiếm tiền
Mọi người thường đề xướng tăng thu giảm chi, trong đó tiết kiệm chi tiêu luôn được đề cao, song làm sao tăng thu nhập còn quan trọng hơn. Nói một cách chính xác thì đó là bồi dưỡng ý thức kiếm tiền của con để cho chúng hiểu được những quy tắc kiếm tiền, quy tắc quay vòng vốn, hiểu được những đạo lý đơn giản về báo đáp và thù lao qua những ví dụ thực tế trong lao động. Những bài học vỡ lòng như vậy, sẽ mang đến của cải vật chất và tinh thần to lớn cho trẻ.
Giai đoạn thứ tư: Tri thức quản lý tài sản
Ngoài việc dạy con chi tiêu hợp lý, kiếm tiền hiệu quả ra, phụ huynh có thể nói cho con biết những tri thức quản lý tài sản cơ bản, hướng dẫn chúng thực hiện một vài cuộc đầu tư nhỏ. Hiện nay, ở Trung Quốc cũng có ngân hàng tung ra thị trường loại “tài khoản trẻ em”, hướng đến đối tượng thanh thiếu niên. Phụ huynh chỉ cần đưa con em mình tới ngân hàng làm một số thủ tục cần thiết để mở tài khoản cá nhân, giải thích cho chúng hiểu vì sao phải gửi tiền vào ngân hàng, tại sao lãi suất tiền gửi khác nhau, điền thông tin vào phiếu gửi tiền và phiếu nhận tiền như thế nào, chuyển tiền ra sao.
Giai đoạn thứ năm: Châm ngôn quản lý tài sản
Người Do Thái bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của. Ngược lại, họ coi “giáo dục quản lý tài sản” cũng là một cách “giáo dục đạo đức” hay “giáo dục nhân cách”. Mục đích của việc làm cho trẻ hiểu được luân lý lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, không chỉ đơn thuần là truyền bá tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn, mà ý nghĩa sâu xa là giúp con trẻ trang bị những hiểu biết cần thiết và giá trị quan đúng đắn của cuộc đời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.