Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 29: Cho Con Cá Không Bằng Cho Cần Câu



Ở Israel, nhà nhà đều biết đến câu chuyện của người đánh cá.

Người đánh cá nọ có kỹ thuật đánh cá hạng nhất, được mọi người tôn là “ngư vương.” Nhưng về già, “ngư vương” rất khổ não vì kỹ thuật đánh cá của ba người con trai của ông đều rất tầm thường. Ông thường kể lể nỗi khổ tâm của mình với mọi người: “Tôi thật sự không hiểu, kỹ thuật đánh cá của tôi giỏi như thế, tại sao các con tôi lại kém cỏi vậy? Tôi truyền dạy cho chúng từ khi chúng bắt đầu hiểu chuyện, từ những thứ cơ bản nhất, nói cho chúng biết làm sao giăng lưới dễ bắt được cá nhất, làm sao chèo thuyền mà không làm kinh động đến cá, làm sao dụ cá vào rọ.”

“Khi chúng lớn lên, tôi còn dạy chúng nhận biết thủy triều, phân biệt luồng cá… Tất cả những kinh nghiệm được rút ra từ những nhọc nhằn vất vả bao năm qua của mình tôi đều truyền lại cho chúng. Vậy mà bây giờ, kỹ thuật đánh cá của chúng thậm chí còn không bằng con cái của những ngư dân hạng bét!”

Một người đi đường, sau khi nghe ông giãi bày tâm sự, trầm ngâm hỏi: “Có phải ông vẫn luôn nắm tay các con, hướng dẫn chúng đánh cá không?”

“Đúng vậy, để chúng nắm được kỹ thuật đánh cá, tôi dạy chúng rất kỹ, rất kiên nhẫn.”

“Chúng làm theo từng động tác của ông đúng không?”

“Tất nhiên rồi, để chúng không đi đường vòng, tôi luôn cho chúng bắt chước tôi.”

Người đi đường đúc kết: “Nói như vậy thì chỗ sai của ông đã quá rõ rồi. Ông mới chỉ truyền kỹ thuật cho các con chứ chưa cho chúng luyện tập. Đối với tài năng mà nói, không có tập cũng đồng nghĩa với không có kinh nghiệm, đều không thể trở thành người xuất chúng.”

Ngư vương nắm được rất nhiều kinh nghiệm và bí quyết đánh cá qua những năm tháng bể dâu của cuộc đời mình, ông muốn truyền lại vốn quý ấy cho các con trai, hy vọng họ có thể đi đường tắt, nhanh chóng trở thành vua cá. Song ông đã đi sai “nước cờ”, dẫn đến dục tốc bất đạt.

Quả thật, những người làm cha làm mẹ chúng ta ai cũng có vốn sống quý giá cho riêng mình giống ngư vương kia, có ai không nóng lòng muốn truyền lại cho con? Nhưng hầu hết chúng ta đều phạm vào một sai lầm, xem thường mẫu số chung của mọi phương pháp giáo dục hiệu quả, đó là: Trải Nghiệm.

Mỗi người khi mới sinh ra đều giống như một tờ giấy trắng, mỗi lần trải qua một sự việc hay vấp ngã đều trở thành một bài văn sinh động trong cuộc sống, bản thân chúng ta đều có thể viết nên một cuốn tiểu thuyết cuộc đời đặc sắc, muôn màu muôn vẻ trên tờ giấy trắng của chính mình, mà không cần cha mẹ phải chấp bút viết thay. Tôi trích dẫn một câu nói như sau: Tấm lòng cha mẹ luôn lo lắng, không nỡ nhìn thấy con vấp ngã; cha mẹ cần buông tay, rèn con như lửa thử vàng, lớn lên từ gió sương mới thành người tài giỏi.

Về Israel không lâu, Huy Huy nói với tôi là nó muốn mua một chiếc xe đạp second-hand. Tôi nghĩ có xe đạp thằng bé đi học sẽ thuận tiện hơn, nên mua một chiếc đáp ứng mong muốn của con.

Khi đi đá bóng cùng bọn trẻ hàng xóm, Huy Huy hỏi chúng có ai biết ở đâu bán xe đạp không.

Brown, cậu bé mười bốn tuổi nhà bên cạnh nhanh nhảu lên tiếng: “Tớ biết một người cần bán xe đạp cũ, tớ sẽ giúp cậu liên hệ với anh ta.”

Huy Huy vô cùng cảm động, lập tức cảm ơn: “Tốt quá rồi, cảm ơn Brown. Vậy làm phiền cậu nhé!”

Nhà tôi và nhà hàng xóm vẫn đối xử với nhau rất tốt, họ biết chúng tôi là gia đình đầu tiên di dân từ Trung Quốc ở Kiryat Shmona, nên thường ngày rất quan tâm đến chúng tôi, tôi thường làm nem rán và đưa cho Huy Huy mang sang biếu họ, còn họ cũng thường làm các loại điểm tâm cho chúng tôi thưởng thức. Tôi nghĩ, thằng bé nhà bên chủ động nhận lời giúp đỡ, thì nhất định nó sẽ giúp. Hơn nữa thằng bé cũng biết Huy Huy muốn mua xe đạp chở nem rán đi bán cho tiện, nên nó sẽ chú ý giúp con tôi.

Quả nhiên, chưa đến hai ngày, Brown chạy sang gõ cửa tìm Huy Huy, “Tớ liên hệ giúp cậu rồi, giá cả là 150 shekel. Bây giờ bọn mình đi lấy xe được rồi đấy.”

Huy Huy lấy tiền rồi đi theo cậu bạn hàng xóm. Xuống dưới nhà, thằng bé bảo Huy Huy đứng đấy đợi, nó sang con đường trước mặt dắt xe qua. Huy Huy nhận xe, đưa tiền cho Brown, sau đó thằng bé quay lại con đường ban nãy đưa tiền cho người bán.

Mấy hôm sau, Huy Huy về đến nhà, ủ rũ nói với tôi: “Mẹ ơi, con gặp người chủ bán xe đạp rồi, anh ta nói chỉ bán với giá 100 shekel, sao Brown lại bán cho con với giá 150 shekel? Tại sao bạn ấy có thể kiếm của con nhiều tiền như thế chứ?”

Huy Huy nói nó không hiểu tại sao cậu bạn hàng xóm muốn kiếm 50 shekel của nó. Nghe vậy, tôi cũng ngỡ ngàng, không hiểu tại sao thằng bé lại ăn chặn tiền của bạn? Loáng một cái đã kiếm được một phần hai giá trị chiếc xe! Tại sao nó không biết thông cảm cho người khác?

Nhưng mặt khác, Huy Huy cũng thiếu suy nghĩ trong chuyện này, nó quá non nớt.

Khi các bậc cha mẹ thấy con mình đưa ra quyết định sai lầm, họ đều đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Nhưng những lúc như thế, chúng ta càng cần phải để cho bọn trẻ có không gian suy nghĩ, đừng ép chúng đi vào ngõ cụt.

Ngược lại, đối với tôi, khi con cái đưa ra quyết định không mang lại kết quả như ý muốn, tôi cảm thấy vui vì qua đó bọn trẻ nhận được một bài học quý giá và hình thành thói quen tự chịu trách nhiệm.

Tôi hỏi Huy Huy: “Khi Brown bảo con không cần sang con đường trước mặt, sao con lại nghe lời bạn, đứng nguyên tại chỗ? Sao con không đi theo bạn, hỏi han thêm?”

Huy Huy hỏi lại tôi: “Nếu là mẹ, mẹ sẽ làm thế nào ạ?”

“Con trai, mẹ không phải là con. Nếu mẹ ở đó, mẹ sẽ hủy bỏ cuộc mua bán này. Nhưng không sao, mẹ biết con rất muốn mua chiếc xe này nên con hãy coi như là mình mất tiền mua một bài học.”

“Lúc đó có thể nói mua hoặc không mua sao mẹ? Lời đã trót nói ra, con không nói không được.”

Tôi chưa kịp trả lời, Huy Huy đã sực hiểu: “Mẹ, con hiểu rõ rồi, con biết mình thật quá non nớt.”

Cậu bé bán xe đạp cho Huy Huy hồi đó mười lăm tuổi, còn Huy Huy nhà tôi mười bốn tuổi. Hai từ “hiểu rõ” của Huy Huy bao hàm rất nhiều ý nghĩa, người làm mẹ như tôi không cần nói thêm nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải dạy lẽ phải cho con trai. Tôi bảo Huy Huy, không được vì chuyện Brown chiếm dụng 50 shekel mà mất đi niềm tin vào tình bạn, mất đi niềm tin vào lòng trung thực. Cái được mất trước mắt không quan trọng, quan trọng là được hay mất đều phải thay đổi tính nết của mình, đó là làm một người chính trực, làm một người lý tưởng.

Sau chuyện này, tôi không ngờ Huy Huy học được một quan niệm cơ bản về kinh doanh là nắm bắt mối liên hệ giữa giá thành và lợi nhuận. Chi phí Brown giúp Huy Huy liên hệ với người bán xe, gọi điện thoại liên lạc, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, đều tính vào giá thành của chiếc xe đạp. Quan niệm này cho Huy Huy một bài học kinh doanh. Làm ăn buôn bán thì phải kiếm lời, đương nhiên giữa bạn học, giữa hàng xóm láng giềng và giữa bạn bè với nhau có thể tính theo cách khác.

Xã hội mở cửa chịu ảnh hưởng của văn hóa đa nguyên, càng ngày càng trở nên phức tạp, vì vậy các bậc phụ huynh cần dẫn dắt con em mình tích cực suy nghĩ, nhận biết về mọi sự việc, nếu không, chẳng những con cái chúng ta không làm nên trò trống gì, mà còn dễ bị người khác lừa gạt, không bảo vệ được bản thân mình. Có điều, xét từ mong muốn chủ quan của phụ huynh, chúng ta lại không muốn con trẻ vướng vào những chuyện phức tạp, vì ở độ tuổi của mình, chúng giống như một loài động vật nhỏ, tuy lớn lên trong xã hội loài người, phải chịu ràng buộc, nhưng cơ bản nó không thể hiểu hết được những đạo lý rắc rối của con người. Con trẻ cần tìm tòi và học hỏi, cần một quá trình tự điều chỉnh hành vi của bản thân, càng cần sự bao dung và thấu hiểu của người lớn, cũng cần người lớn cho chúng một không gian riêng.

“Sự kiện chiếc xe đạp” cho Huy Huy một bài học thiết thực, mặc dù bài học này có vẻ không chiều theo ý muốn của thằng bé, nhưng nó lại rất đáng quý. Sau này, Huy Huy bước vào ngành kim cương, trong chuyện làm ăn giao dịch, nó luôn phân tích, suy nghĩ mọi việc thấu đáo, gặp cơ hội làm ăn nó đều không khinh suất, hấp tấp, biết suy xét ý tứ trong lời nói của đối phương, phân tích nguồn gốc và sự thật của thông tin, rồi mới quyết định ứng đối ra sao. Từ “Sự kiện chiếc xe đạp”, Huy Huy cũng rút ra một chân lý là làm kinh doanh phải lấy thành tín làm gốc, không được tính toán cái lợi trước mắt. Như vậy, bạn bè của nó ngày càng nhiều, việc làm ăn ngày càng mở rộng, từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Philippines… Huy Huy thường nói: “Hồi đó, mẹ không trách con bị cậu bạn hàng xóm lừa, ngược lại mẹ còn nhắc nhở con làm kinh doanh quan trọng nhất là làm người. Ở Israel, một người vừa khôn ngoan vừa xấu xa, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện kinh doanh. Trong giao dịch, con chưa bao giờ sợ người khôn ngoan, con chỉ sợ người không giữ chữ tín và danh dự. Thương nhân cần phải khôn ngoan thì mới có thể tiếp tục làm ăn, hợp tác lâu dài.”

Thật ra, Huy Huy không vấp ngã ở “Sự kiện chiếc xe đạp”, thì sớm muộn gì nó cũng vấp ngã ở lần khác, vì đó là quy luật tất yếu của sự trưởng thành. Sau những dịp tổng kết kinh nghiệm, tôi nhận ra, con cái thường không thể đưa ra phán đoán chính xác khi chưa có tri thức phong phú cùng với khả năng tư duy logic tốt. Nhưng những yếu tố này sẽ được bồi đắp dần dần trong quá trình trưởng thành của chúng, nên chúng cũng sẽ dần có khả năng lựa chọn chính xác. Trong quá trình này, việc trẻ tích lũy kinh nghiệm là rất quan trọng, nói cách khác, cha mẹ bắt buộc phải cho trẻ cơ hội tập đưa ra quyết định như thế nào. Trong quá trình luyện tập, trẻ không thể tránh khỏi những phán đoán sai lầm, nhưng chính kinh nghiệm sai lầm đó là cơ sở cho trẻ đưa ra những quyết định đúng đắn sau này.

Chúng ta mang một sinh mệnh mới đến với thế giới, là để cho chúng tự trải nghiệm, tự lĩnh hội. Đó chính là ý nghĩa của câu “Cuộc đời là hành trình, không phải là đích đến.” Nhưng chúng ta thường vì quá lo lắng cho con mà tàn nhẫn bóp nghẹt sự tự do của sinh mệnh ấy.

Tôi cũng từng mắc phải sai lầm tương tự. Có một lần, trường học của Muội Muội tổ chức cuộc thi thiết kế trang phục cho búp bê Barbie. Tôi mua cho nó rất nhiều búp bê Barbie, thường ngày con bé rất thích cầm kéo may quần áo cho búp bê. Có lúc nó bày một dãy búp bê Barbie trong phòng của mình, ban đầu tôi còn không hiểu nó có dụng ý gì, nhưng tôi không xen vào công việc của con bé, về sau tôi mới phát hiện, thì ra con bé đang tự chơi một mình.

“Xin chào!” Con gái tôi nói chuyện với một con búp bê Barbie.

“Chào bác sỹ, tôi thấy trong người không khỏe, cô có thể khám cho tôi không?”… Con bé thay quần áo cho các loại búp bê Barbie, rồi cùng chơi với chúng.

Muội Muội rất để tâm đến trang phục dự thi của búp bê Barbie, con bé sử dụng thành thạo kéo và máy khâu trong nhà, nó khoác lên người búp bê Barbie miếng vải đủ màu sắc sặc sỡ, ngoài ra nó còn làm một chiếc mũ xinh xinh, bên trên gắn một chiếc lông vũ.

Nhưng có một số công đoạn cắt may khá phức tạp, con gái tôi luống cuống chân tay, không biết làm thế nào, đành bỏ sang một bên chơi đồ hàng. Cuối cùng tôi làm giúp con gái, mặc dù trang phục tôi làm hài hòa hơn so với trang phục con bé tự thiết kế, song nghĩ một chút, tại sao tôi lại làm hộ con gái chứ?

Nếu tôi cứ luôn ôm “lòng thương hại” dại dột ấy, dùng “cây kéo” của mình cắt bỏ tất cả trở ngại của con cái để bọn trẻ dễ dàng có được thứ mình muốn, dễ dàng làm những việc mình muốn, vậy các con tôi sẽ càng khó có được một cơ thể khỏe mạnh và tính cách kiên nhẫn trong quá trình “lăn lộn”, ngược lại sẽ dễ trở thành những kẻ thất bại, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội cạnh tranh gay gắt trong tương lai. Các bậc cha mẹ thật sự yêu thương con cái cần dùng sự hiểu biết của mình giúp con rèn luyện đôi cánh chắc khỏe, chứ không phải ngăn chúng chui ra khỏi cái kén.

Tôi từng đọc một bài tản văn của nữ tác giả Tất Thục Mẫn có tựa đề là Học khám bệnh, kể về một câu chuyện có thật, xảy ra giữa Tất Thục Mẫn và con trai bà. Vì vậy, tôi khâm phục Tất Thục Mẫn ở điểm bà là người mẹ can đảm, đồng thời cũng khâm phục sự hiểu biết của bà.

Bài văn kể, có một lần con trai bà bị ốm, vì muốn thằng bé biết tự lập nên dù bản thân bà là bác sĩ nhưng bà vẫn để cho nó tự đi tới bệnh viện khám bệnh. Trong lúc con trai một mình đi khám bệnh, trong lòng bà thấp thỏm không yên, bốn bề dậy sóng: “vì lo cho con, thương con, nên mẹ cảm thấy thời gian trôi đi thật nặng nề.” Đó vốn là tình cảm yếu mềm ẩn trong trái tim người mẹ. Nhưng, tình mẫu tử đích thực cũng là một thử thách đối với người làm mẹ như bà: “mẹ hiểu rõ trách nhiệm làm mẹ của mình. Vậy nên, con trai, con đừng trách mẹ lạnh lùng trong lúc con đang ốm. Một ngày nào đó, con phải rời xa mẹ, tự mình đương đầu với biết bao khó khăn trong cuộc sống. Mẹ nhất định sẽ giúp đỡ con, mẹ sẽ cho con một tấm bản đồ chỉ dẫn, có lẽ nó không hoàn toàn chính xác, nhưng đó là trách nhiệm của mẹ.”

Không phải tất cả các bà mẹ đều có can đảm làm như Tất Thục Mẫn, nhưng bà là một tấm gương sáng của các bà mẹ thật sự yêu con trên khắp thế gian: Đừng để con trẻ trở thành kẻ tầm thường khi chúng rời xa chúng ta.

Phương pháp bồi dưỡng kỹ năng xử lý những vấn đề đột xuất

1. Lắng nghe là một liều thuốc bổ. Lắng nghe không có nghĩa là cha mẹ dạy trẻ “con cần phải làm như thế nào”, “con không nên làm gì.” Lắng nghe chỉ đơn giản là cha mẹ làm một thính giả có lòng nhẫn nại, khéo hiểu ý con và vỗ về tâm hồn con những lúc chúng cảm thấy tủi thân.

2. Khi con đột nhiên gặp vấn đề khó khăn, khó tránh khỏi những biểu hiện chần chừ, lưỡng lự, thậm chí còn không biết phải xử trí ra sao. Cha mẹ cần giúp con làm rõ suy nghĩ của mình, cho chúng một cơ hội trao đổi.

3. Cha mẹ cần phải có phản hồi kịp thời khi con tự giải quyết thành công một việc nào đó. Ngoài ra, ý kiến của cha mẹ chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là mệnh lệnh.

4. Trong cứng ngoài mềm. Đừng để cho con cảm thấy cha mẹ giám sát và điều khiển tất cả các hoạt động của chúng, nếu không cha mẹ sẽ dễ làm hao mòn khả năng tự xử lý những vấn đề đột xuất của con.

5. Nếu con có bản tính nhu nhược, nhát gan, thiếu quyết đoán. Cha mẹ không nên làm con bị kích động, mà cần dẫn dắt, gợi mở cho con nói ra nỗi sợ hãi trong lòng mình, cần thông cảm với những nỗi lo lắng băn khoăn, tiếp nhận cảm nhận, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ chúng. Ngoài ra, cha mẹ nên tích cực đưa con đến những nơi công cộng, rèn luyện tầm nhìn của chúng, loại bỏ nỗi lo sợ đối với môi trường lạ và tăng tính thích nghi khi gặp vấn đề đột xuất.

6. Cần bồi dưỡng thói quen “tự nghĩ cách” cho con. Ban đầu phụ huynh có thể nói cho trẻ biết cách làm thế nào, nhưng quan trọng nhất là từng bước bồi dưỡng kỹ năng phán đoán cho trẻ, giúp trẻ biết tự nghĩ cách xử lý vấn đề. Không nên giúp trẻ làm tất cả mọi việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.