Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương
Chương 25: Không Bồi Dưỡng Con Thành “Thai Nhi Quá Hạn”
Có vị phụ huynh hỏi Makarenko, một nhà giáo dục nổi tiếng:
“Bây giờ con tôi coi trời bằng vung, không ai quản nổi, rốt cuộc tôi phải làm sao?”
Makarenko hỏi ngược lại anh ta: “Anh thường xuyên gấp chăn cho cháu?”
“Vâng, tôi thường xuyên gấp chăn cho con!”
Makarenko lại hỏi: “Anh thường xuyên lau giày da cho nó?”
“Đúng vậy, tôi thường xuyên lau giày cho con!”
Makarenko nói: “Tật xấu của con anh xuất phát từ những chỗ đấy.”
Hồi mới về Israel, Huy Huy tham gia hoạt động cắm trại dã ngoại do nhà trường tổ chức. Nhà trường chỉ giới thiệu sơ qua về địa điểm cắm trại, còn những vật phẩm cần mang theo thì học sinh phải tự lên danh sách.
Tôi vốn nghĩ như trước đây, giúp Huy Huy chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như đồ ăn, bình nước, băng y tế cá nhân… để cho thằng bé đi ngủ sớm lấy sức, đến khi nó đi cắm trại tôi không cần phải lo lắng điều gì nữa.
Nhưng cũng vào lúc này, những lời khuyên tôi không nên ôm đồm mọi việc, nếu không là hại con của mấy chị hàng xóm lại văng vẳng bên tai, ngăn cản hành động của tôi. Tôi giấu lòng mình, dùng ánh mắt quan sát Huy Huy bận trong bận ngoài chuẩn bị các loại vật dụng cho chuyến đi, thằng bé còn hăm hở hơn cả lần tôi giúp nó chuẩn bị.
Sau một hồi bận rộn, Huy Huy trèo lên giường đi ngủ, tôi nén lòng tò mò, không đi kiểm tra ba lô của thằng bé, chỉ trông thấy ba lô căng phồng.
Hai ngày sau, Huy Huy đi cắm trại trở về. Tôi vồn vã hỏi con: “Sao rồi, đi cắm trại tốt chứ con?”
Huy Huy đáp: “Tất cả đều rất tốt mẹ ạ, chỉ có điều con quên mang con dao con nên mỗi lần cần dùng đến đều phải hỏi mượn bạn. Con nhớ là mình phải bỏ dao vào ba lô nhưng vì lúc đi vội quá nên con quên khuấy đi mất. Lần sau đi cắm trại, con nhất định phải lên danh sách trước, đảm bảo không xảy ra sơ suất.”
Sớm muộn con cái cũng phải tách khỏi cha mẹ và bước ra ngoài xã hội, phương pháp giáo dục gia đình của người Do Thái nhắc nhở các bậc phụ huynh nên tập cho con em mình kỹ năng tự lo liệu mọi việc trong trường hợp đột xuất, để đến khi rời khỏi vòng tay cha mẹ, chúng biết sống tự lập, biết giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Khi tham dự tiệc sinh nhật của các bạn học, các con tôi phát hiện ra, món quà sinh nhật con trai thích nhất vẫn là hộp đồ nghề “phiên bản trẻ em”, trong đó có cưa tay, bào, tuốc nơ vít và các loại tua vít khác nhau… Cha mẹ dạy cho bọn trẻ biết công dụng, tính năng của những dụng cụ này để trẻ nắm được thao tác chính, tự sửa đồ chơi của mình hoặc giúp cha mẹ sửa chữa một số đồ dùng nhỏ bé trong nhà. Các bậc cha mẹ Israel cho rằng: Một đứa trẻ không có cơ hội và ham muốn mày mò vào đồ vật từ nhỏ, thì sẽ không có trí sáng tạo. Họ không lo những dụng cụ này làm trẻ bị thương, ngược lại, họ muốn trẻ loại bỏ cảm giác sợ hãi, dạy trẻ tìm hiểu chúng một cách cẩn thận và sử dụng thành thạo.
Khi Huy Huy đi nghỉ đông kiêm làm việc ở sân trượt tuyết, thằng bé nhận ra hầu hết phụ huynh Do Thái đều dạy trẻ đi men theo sườn núi để phán đoán độ dày của tuyết và tốc độ trượt; phán đoán mỗi chỗ ngoặt và lao xuống dốc liệu người phía sau trượt nhanh hơn có đâm vào mình không. Các bậc cha mẹ còn đưa một số tay đua nhí tới “trượt đêm”, để trẻ dần dần biết phán đoán phương hướng đường trượt qua việc quan sát bầu trời sao.
Trẻ em Israel dũng cảm và thận trọng, không tách rời sự dạy bảo chu đáo của cha mẹ, như khi trèo đèo lội suối, phụ huynh hướng dẫn trẻ quan sát thế nước trong khe núi, tìm chỗ nông, dòng nước chảy chậm nhất để lội qua một cách an toàn. Khi lên núi, phụ huynh không cho trẻ đi cáp treo, mà dạy trẻ nhìn vào bản đồ, chọn đường lên núi, dựa vào đó để xác định xem mình có phải đeo dây an toàn, có cần cầm theo gậy hay không, đồng thời phải mang đầy đủ đồ ăn và thức uống. Qua nhiều lần rèn luyện trèo đèo lội suối, trẻ dần trở thành một nhà thám hiểm tí hon.
Để phối hợp với cách giáo dục buông tay của gia đình, các trường học ở Israel cũng bổ sung một số bài học tương ứng, thậm chí những bài học này còn được triển khai từ giai đoạn trẻ đi mẫu giáo. Khi con gái tôi đi mẫu giáo, nó đã được tiếp nhận phương pháp giáo dục buông tay của nhà trường, ngay đến bản thân tôi cũng nhận được không ít lợi ích.
Khi tới Israel, con gái Muội Muội của tôi vừa tròn ba tuổi, tôi đưa con bé đi nhà trẻ. Một hôm, tôi tới trường đón Muội Muội, nó không đợi được đến khi về nhà, liến thoắng kể cho tôi nghe một việc xảy ra trong nhà trẻ.
Câu chuyện như sau:
Ngày hôm đó có một tiết học ngoài trời. Cô giáo dẫn tất cả các bạn nhỏ trong lớp của con gái tôi ra sân sau. Ở đó có một cây táo, tuy không cao nhưng rất chắc khỏe và sai quả. Cô giáo bế một bạn nhỏ lên cây, sau đó cô giả vờ biến mất.
Tất nhiên bạn nhỏ đó chẳng dám nhúc nhích.
Lúc sau, cô giáo quay lại, bế bạn nhỏ xuống và nói với mọi người: “Nếu các con thật sự muốn ăn quả trên cây, thì phải biết tự trèo cây hoặc đi tìm thang. Miếng bánh không từ trên trời rơi xuống. Nếu có một người bế con lên cây rồi bỏ đi, con phải làm thế nào?”
Muội Muội kể lại câu chuyện cho tôi nghe: “Hôm nay có một bạn ngồi trên cây không leo xuống được. Cô giáo hỏi: Tại sao? Con thưa với cô giáo, người Thượng Hải cũng có một câu chuyện nhỏ:
Con chuột nhỏ, lên bàn mỡ, ăn vụng mỡ, con mèo kêu, không xuống nổi. Cô giáo rất ngốc, con nói nửa buổi, nói đi nói lại mấy lần, thế mà cô vẫn không hiểu.”
“Nhưng, chuyện cô kể, con hiểu rồi.” Con gái ngửa mặt tự hào nói.
Tôi hỏi: “Muội Muội, con được gì nào?”
Con gái trịnh trọng trả lời: “Không nên ỷ vào bất cứ người nào, phải dựa vào chính mình.”
Vậy là con gái tôi đã theo kịp giáo dục mầm non của người Do Thái. Ví dụ trên thể hiện đặc trưng tư duy của người Do Thái. Đặt vào vị trí của những người nước ngoài, cách làm của cô giáo không đúng chuẩn mực, nhưng xét trong giáo dục gia đình của người Do Thái thì đây lại là chuyện rất bình thường. Phụ huynh Do Thái nói: “Lặp lại như vậy vài lần, trẻ không còn tâm lý ỷ lại nữa.”
Có lần, tôi cùng con trai đi tản bộ ở vùng ngoại ô thành phố Tel Aviv, chúng tôi bắt gặp một cặp vợ chồng trẻ cho đứa con trai sáu tuổi học lái xe. Khi chiếc ô tô trẻ em của thằng bé sa vào vũng bùn, cha mẹ nó chỉ nói “Đi qua!” rồi tiếp tục đi thẳng. Quả thực, thằng bé không làm sao lái được chiếc xe đi qua vũng bùn đó, nó đành phải xuống xe, đẩy từng tí. Khi thằng bé lái xe chạy bon bon tới chỗ cha mẹ, đầu ướt đẫm mồ hôi, cha mẹ nó vui vẻ khen: “Giỏi lắm! Con giống một người đàn ông thực thụ rồi đấy!”
Vì phụ huynh Do Thái chú trọng việc tập “buông tay” con, nên trẻ em Do Thái từ mười tám tuổi trở lên hoàn toàn có đủ kỹ năng sống độc lập. Theo họ, con cái trở thành “thai nhi quá hạn” là phụ lại tấm lòng cha mẹ dành cho một sinh mệnh hoàn hảo và cũng là sự thất bại của cha mẹ trong giáo dục.
Tôi liên tưởng đến một số bài báo gần đây đưa tin, hầu như các nhà trọ ở thôn Bối Cương, thôn Bắc Đình xung quanh một trường Đại học thuộc thành phố Quảng Châu đều có phụ huynh ở lâu dài “đi học cùng con”, người ở xa nhất đến từ Thẩm Dương. “Công việc” chính của họ là chăm lo chuyện ăn uống sinh hoạt hằng ngày của con em mình. Trên thực tế, không chỉ có Quảng Châu, những “thôn cùng học” tương tự như vậy đã sớm phân bố rải rác trên khắp Trung Quốc, như thôn Hạ Sa của Đại học Hàng Châu. Hai năm trước còn có bài báo đưa tin một bà mẹ Phúc Châu, vì con đi học ở Thanh Đảo nhớ nhà, muốn ăn hoành thánh tự gói, nên đã đi máy bay mang một bát hoành thánh cho con.
Những câu chuyện như thế này, thật khiến người ta thao thức khôn nguôi. Phụ huynh có muôn vàn lý do để đi học cùng con em mình, nhưng chung quy lý do phổ biến nhất vẫn là lo lắng con ở bên ngoài không biết làm việc gì; lo con không vượt qua được cám dỗ của thế giới bên ngoài, đi vào con đường sai trái… Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn là mình nên đi làm “bảo mẫu” cho con.
Tôi cũng từng là một bà mẹ không thể rời mắt khỏi con năm phút. Nhưng từ khi chịu ảnh hưởng bởi phương pháp giáo dục con cái của người Do Thái, tôi bắt đầu suy nghĩ: Rốt cuộc cha mẹ phải yêu thương và che chở cho con đến tận bao giờ? Đặc biệt là sau khi so sánh khoảng cách về kỹ năng sinh tồn giữa Dĩ Hoa và Huy Huy với những đứa trẻ Do Thái cùng lứa, tôi tự hỏi, phải chăng người mẹ không nên chiếm hữu, bá đạo và độc đoán?
Năm Huy Huy mười lăm tuổi, tôi thực hiện một lần “nuôi thả” kéo dài một tháng. Thời điểm ấy, tôi và Dĩ Hoa đều tới Tel Aviv, trong nhà chỉ còn lại một mình Huy Huy, đó là lần đầu tiên nó trông nhà một mình trong thời gian dài như vậy. Nói thực, lúc đó trong lòng tôi luôn thấp thỏm lo âu. Dù sao năm xưa, khi theo hội đoàn sản xuất tình nguyện Cao Bưu về nông thôn, tôi cũng chỉ lớn hơn Huy Huy bây giờ một tuổi. Nhưng tôi nghĩ, qua mấy năm tiếp xúc với cách giáo dục gia đình tại quê hương, Huy Huy không còn là tiểu hoàng đế cơm bưng tận miệng như lúc đầu nữa, giờ nó cần phải có kỹ năng tự quản lý cuộc sống của mình, nên tôi coi đây như là một lần “bay thử”, kiểm tra thành quả giáo dục của mình.
Sự thật chứng minh, lần đó tôi cho Huy Huy cơ hội sống độc lập có tác dụng rất lớn đối với sự trưởng thành của nó. Hằng ngày thằng bé đều gọi điện cho tôi, báo cáo hành tung của nó trong ngày: “Mẹ, tiếng Hebrew của con có tiến bộ rồi, thầy giáo khen con đấy.” “Mẹ ạ, buổi tối con và bạn cùng tới quảng trường Tự Do bán hàng, bán được rất nhiều tinh dầu, con đã nhờ các bạn ở Thượng Hải gửi giúp một tải qua đường bưu điện!” “Mẹ ơi, hôm nay con đổi món, con và A Phi ăn cơm rang Dương Châu, còn cho thêm rất nhiều lạp xưởng. A Phi ăn no đến nỗi không đi nổi…”
(A Phi là một chú chó lùn của nhà tôi, Huy Huy coi nó như một thành viên quan trọng trong gia đình, chăm sóc nó từng li từng tí.)
Sau khi tôi và Dĩ Hoa trở về nhà, tôi nhận ra Huy Huy hoàn toàn có thể gánh trách nhiệm làm chủ gia đình, nó sắp xếp mọi việc trong nhà đâu ra đấy, còn dán từ vựng Hebrew lên tường, vừa làm việc nhà, vừa lẩm nhẩm học, sắp xếp cuộc sống một cách ngăn nắp, trật tự. Ngoài ra, nó còn tự nấu nướng, ăn uống khỏe mạnh, chứng tỏ kỹ năng sinh tồn của nó hơn hẳn ngày trước.
Tôi kể cho rất nhiều bà mẹ Trung Quốc nghe chuyện tôi “nuôi thả” Huy Huy, họ có ý xem thường. Nhưng có một bà mẹ có con gái đã mười tuổi kể rằng, trong quá trình nuôi dạy con gái, cô ấy luôn sợ này sợ nọ, cũng mắc bệnh đa nghi thường thấy ở rất nhiều bà mẹ, chỉ sợ thói đời làm hại con cái mình, nên muốn dốc toàn bộ sức lực của mình che chở cho con lâu hơn nhiều hơn, biết rõ làm vậy là không tốt cho con, song trong lòng lại chẳng nỡ. Bà mẹ này còn tự an ủi chính mình: “So với bạn bè xung quanh, em vẫn chưa được coi là người mẹ nuông chiều con cái một trăm phần trăm đâu, nhìn chung con gái em vẫn rất tự lập. Vợ chồng em không đưa con đi học, nhưng có mấy người bạn phê bình em, bảo em tuyệt đối không được mang con cái ra đánh cuộc, thua một lần là mất tất, phải cẩn thận từng li từng tí mới được.”
“Khi nào chúng ta mới có thể để con cái rời khỏi tầm mắt của mình?”
“Phải đợi đến khi con hoàn toàn có khả năng rời khỏi tầm mắt của cha mẹ, nếu không thì làm sao?”
Vì không yên tâm nên phụ huynh vẫn không chịu buông tay, đến khi ngoảnh đầu nhìn lại, con trẻ đã trở thành “thai nhi quá hạn”, phải chăng đó cũng là một dạng khác của thất bại?
Tôi thường bắt gặp một hiện tượng ở các nhà hàng của Israel, cha mẹ không gọi món thay con, mà để trẻ tự chọn. Trẻ trực tiếp nói với nhân viên phục vụ: “Cho cháu một cái sandwich, trong đó có hai miếng jăm bông, trứng gà gần chín, rau sống và có thể cho thêm ba lát cà chua.” Chúng luôn tỏ ra tinh tế và cụ thể. Trong khi đó, ở Trung Quốc, khi cha mẹ hỏi: “Con muốn ăn gì?”. Trẻ thường đáp: “Con ăn gì cũng được ạ.” Giáo dục gia đình của Trung Quốc chưa tôn trọng đầy đủ quyền tự chủ của trẻ, căn bản phụ huynh không có ý thức rèn tính tự chủ cho con em mình. Sau khi trẻ nói ăn gì cũng được, cha mẹ sẽ gọi món thay trẻ, đến khi đồ ăn được đưa lên, trẻ lại ngúng nga ngúng nguẩy không ăn, nói là không thích, nhưng cho nó tự do chọn món thì nó cũng có biết gọi món nào đâu. Vì vậy, chúng ta đừng bắt bẻ, cuộc sống thay đổi phức tạp làm con trẻ không có chủ kiến.
Có một bài đồng dao Trung Quốc khá hài hước: “Một dây dưa ra hai trái dưa hấu, một trái to, một trái nhỏ. Trái nhỏ núp dưới lá xanh, sợ ánh mặt trời chiếu rọi, nâng niu từ bé không vận động, thời gian trôi qua quả vẫn bé tèo. Một trái dưa, to tròn, vui vẻ tắm nắng, nào sợ sấm sét gầm trời, lớn thôi thổi trong gió trong mưa, biến thành một em bé khỏe mạnh.” Cha mẹ hay mủi lòng, quá ôm đồm việc của con sẽ biến chúng thành một người lười biếng, yếu ớt. Chúng ta không sao kể hết những bài học “Tôi gieo nhân rồng, nhưng toàn thu về bọ chét.” Cha mẹ hãy buông tay, buông chân để cho con em mình tự vẫy vùng trong biển đời, như vậy trẻ mới có thể vượt qua sóng gió mà không bị nhấn chìm. Tố chất bắt buộc phải có của những bậc làm cha làm mẹ ngày nay là cần bước ra khỏi sai lầm, không làm thay con cái, không bồi dưỡng trẻ thành “thai nhi quá hạn”.
Một số phương pháp giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng cho mình
1. Để con tự sắp xếp thời gian. Giống như người lớn, con trẻ cũng có thời gian riêng của mình. Nếu người lớn toàn quyền sắp xếp quỹ thời gian của trẻ, bản thân trẻ chỉ việc thực hiện, vậy thì vĩnh viễn chúng ta không bao giờ có thể tập cho chúng tính tự chủ. Khi con cái còn quá nhỏ, cha mẹ hãy cho trẻ tự sắp xếp những việc chúng muốn làm vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày, miễn sao không xảy ra nguy hiểm. Chúng có thể vui chơi, đọc sách hay vẽ tranh tùy thích. Tất nhiên cũng có lúc chúng bận ngược bận xuôi mà chẳng làm được việc gì, nhưng dần dần chúng sẽ biết quý trọng thời gian và biết phân bổ thời gian hợp lý.
2. Cho con một không gian độc lập. Ở trong không gian đó, chỉ cần con trẻ không làm hại bản thân, không xâm phạm người khác, chúng có thể tùy ý nô đùa, học tập, cười nói thả cửa, trút hết những điều bất mãn trong lòng. Phụ huynh không nên tự tiện can thiệp vào không gian riêng của con cái. Điều này cực kỳ có lợi cho sự phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
3. Đối với những đứa trẻ nhỏ tuổi, trước hết, phụ huynh cần dạy chúng biết tự phục vụ mình, tự xúc cơm ăn, mặc quần áo, đi vệ sinh, rửa chân tay, giặt khăn tay, bít tất. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể sắp xếp để chúng giúp người lớn làm một số việc tùy theo sức của mình như quét dọn nhà cửa, đổ rác, thậm chí là rửa bát, giặt quần áo, nấu cơm.
4. Phụ huynh tự giảm bớt gánh nặng của mình không có nghĩa là bỏ mặc con cái, không ngó ngàng gì, mà là dạy trẻ tự làm những việc chúng có thể làm, tập làm những việc chúng chưa biết làm, bồi dưỡng trẻ thành một người tự lập.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.