Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 34: Đừng Để Những Bất Hạnh Trong Hôn Nhân Làm Ảnh Hưởng Tới Con



Hồi nhỏ, cha kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện đẹp, trong số đó có một câu chuyện ngụ ngôn rất xúc động:

Ánh nắng mùa xuân sưởi ấm mặt đất. Một bông hoa nhỏ xinh khẽ đung đưa trong gió, muốn tìm kiếm sự tương ngộ đẹp nhất cho riêng mình. Một cái cây nhỏ đang đâm chồi thu hút sự chú ý của bông hoa, bông hoa bẽn lẽn, ngượng ngùng bày tỏ tình cảm của mình với cái cây. Và thế là chúng yêu nhau. Bông hoa xinh đẹp và cái cây chỉ có thể ngắm nhìn nhau từ xa. Cái cây cố hút lấy chất dinh dưỡng, mong mình có thể vươn dài cánh tay dưới lòng đất ra thật xa để an ủi vỗ về nỗi mong chờ của bông hoa.

Mùa thu đến, cánh tay mong chờ từ lâu của cây đã vươn ra chạm đến phần rễ yếu ớt của bông hoa.

Song bông hoa đã dần dần héo tàn trong gió thu.

Cái cây không vì mất cây hoa mà bi thương tuyệt vọng, nó ôm chặt lấy hạt của bông hoa. Mùa đông năm đó, cái cây cố hết sức đưa hạt hoa xuống phần rễ của mình.

Mùa xuân thứ hai lại về, bông hoa mọc lên cạnh cái cây. Khi bông hoa ngẩng đầu lên nhìn, thấy cái cây nhỏ giờ đã lớn, nó thanh thản mỉm cười. Từ đó về sau, mỗi khi mùa xuân về, mọi người đều thấy dưới gốc một cây to mọc lên một bông hoa rất đẹp. Họ nói: Đó chính là nhân duyên đời đời kiếp kiếp của bông hoa và cái cây.

Tình yêu và hôn nhân dẫn dắt trái tim người phụ nữ hướng đến cuộc sống hạnh phúc. Dưới sự chiếu rọi của vầng sáng này, người phụ nữ trở nên dịu dàng, can đảm, thông minh và cố chấp. Dẫu cuộc sống có khổ cực, có mệt mỏi, chỉ cần cảm nhận được sự bền vững của hôn nhân, mọi phong ba bão táp đều trở nên không còn u ám, mọi khổ nạn đều gieo mầm cho sự khởi đầu mới ngọt ngào. Dù thế nào chăng nữa, hôn nhân cũng để lại dấu vết trong cuộc đời người phụ nữ, hoặc là đau khổ, hoặc là hạnh phúc.

Tôi đã từng đi trên con đường hôn nhân hạnh phúc, nhưng thật không may, tôi lại là người vợ lận đận trên con đường ấy.

Còn nhớ, hồi đó tôi và cha bọn trẻ đã ly hôn từ lâu, nhưng ở trước mặt con gái, hai người chúng tôi vẫn lặng lẽ che giấu con bé. Chỉ đến khi ở trong phòng, khoảng cách giữa tôi và cha nó mới thể hiện qua những cuộc cãi vã. Khi ấy con gái tôi mới bốn tuổi, song khả năng quan sát của con bé rất tốt. Trẻ con rất nhạy cảm. Tôi liên tục thấy con bé hé cửa quan sát hai chúng tôi. Một lát sau, bạn có thể không nghe thấy tiếng bước chân, nhưng thật ra con bé đang đứng chân trần ngoài cửa, tiếp sau một lát nữa, tôi lại nhìn thấy cặp mắt to tròn của nó. Hành động của con gái khiến tôi cảm thấy vừa sửng sốt vừa đau đớn. Tôi đã không kìm được nước mắt. Tôi muốn nói với con gái: Mẹ xin lỗi con. Vào giây phút ấy, tôi tự kiểm điểm lại bản thân thêm lần nữa, cảm thấy đủ mọi cảm xúc đan xen, lòng đau như dao cắt. Tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần trước cho con gái về việc ly hôn của cha mẹ. Những năm tháng sau này, tôi phải bỏ không biết bao nhiêu tâm huyết để bù đắp cho con.

May thay, cuối cùng con bé cũng trở thành một cô gái nhã nhặn, tốt bụng, tích cực và có chí tiến thủ. Từ tháng 3 năm 2009, con bé bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Israel. Dù bộ phận tình báo con bé tham gia dựng trại ngoài sa mạc vô cùng gian khổ, nhưng nó vẫn kiên trì chịu đựng đến cùng. Năm ngoái, một vài người bạn Thượng Hải của tôi sang Israel chơi và có gặp con bé. Lúc về nước họ bảo tôi: “Con gái bà thật hiểu chuyện. Con bé mặc bộ quân phục từ đầu đến chân trông rất hiên ngang mạnh mẽ, nhưng không khó gần. Con bé dẫn mấy người chúng tôi đi khắp trung tâm mua sắm, nhiệt tình làm phiên dịch giúp các bác, giới thiệu với các bác đủ loại đồ đạc. Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là khi vào cửa hàng giày dép, con bé rất chịu khó chọn giày, chúng tôi cứ tưởng con bé chọn mua cho mình, không ngờ con bé chọn mua cho mẹ. Con bé nói chân mẹ cháu hơi to, nên nhìn thấy giày dép đẹp là cháu luôn để ý cho mẹ. Con bé còn nói mẹ cháu có tuổi rồi nên trách nhiệm càng lớn hơn. Con bé cũng nhờ chúng tôi khi quay về nước thì nhắn lại với mẹ nó là con bé sẽ học hành chăm chỉ để mẹ yên tâm.”

Một cặp vợ chồng không hạnh phúc có nên miễn cưỡng duy trì hôn nhân vì con cái? Cách làm này liệu có tốt cho bọn trẻ? Đến giờ những câu hỏi trên vẫn là vấn đề còn nhiều bàn cãi.

Theo kinh nghiệm của tôi, thường có ba cách thuyết phục con cái trong gia đình ly hôn như sau:

Cách thứ nhất: Cha mẹ đều là người hướng ngoại, trước giờ vẫn liên tục cãi nhau, cha không yêu mẹ, mẹ cũng không yêu cha, đây là một tấn bi kịch hôn nhân, trong đó con cái mới là người chịu ảnh hưởng nặng nề. Đối với trẻ mà nói, chuyện ly dị của cha mẹ là một sự giải thoát. Trong suy nghĩ của đứa trẻ, việc hai bên cha mẹ đều muốn giành quyền nuôi con trong bản thỏa thuận ly hôn chỉ là sự bù đắp tổn thương họ gây ra cho trẻ.

Cách thứ hai: Con cái chưa bao giờ thấy cha mẹ cãi nhau, cuộc hôn nhân giữa cha mẹ bất ngờ thay đổi, khiến trẻ không kịp trở tay. Lúc đó cha mẹ càng giỏi đóng kịch thì mức độ tổn thương của trẻ càng lớn, chúng cảm thấy mình bị ra rìa. Có khả năng trẻ sẽ đi theo hướng cực đoan, từ ngoan hiền biến thành hư hỏng.

Cách thứ ba: Xảy ra trong một số gia đình tương đối dân chủ. Con cái lờ mờ nhận ra cha mẹ mình không còn hạnh phúc, vui vẻ nữa. Bầu không khí này khiến đứa trẻ cảm nhận thay cha mẹ rằng cha mẹ quá mệt mỏi. Vì trẻ tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ cha mẹ chúng phải chịu đựng khi phải đóng kịch vì chúng. Trẻ có thể trưởng thành hơn một bậc, tạm thời không nghĩ đến mình mà nghĩ thay cho cha mẹ. Trẻ sẽ nói, chuyện ly hôn thì cha mẹ tự quyết định, nhưng đã là gia đình thì phải vui vẻ, phải có bầu không khí hòa hợp ấm cúng.

Sớm muộn gì cuộc sống hôn nhân cũng có lúc gặp trục trặc, cách giải quyết tốt nhất là các bậc cha mẹ cần khắc phục những trục trặc, vướng mắc trong gia đình để làm gương cho con cái. Sau này con trẻ sẽ biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống hôn nhân của mình.

Nhưng một khi gia đình không khắc phục được những trục trặc trong hôn nhân thì cha mẹ nên yêu con như thế nào? Và làm sao thể hiện tình yêu đó?

Israel còn mở một số trường phụ đạo chuyên biệt, nhằm giúp đỡ những vị phụ huynh đơn thân hay gặp phải sai lầm trong cách yêu thương con. Tôi cũng từng tới những trường phụ đạo này, những “kinh thư” của nhà trường đã phổ độ tâm hồn mê muội của tôi khi ấy, tôi dần biết cách xây dựng cuộc sống tốt đẹp và lạc quan bằng tình yêu thương, khiến cho các con tôi cảm nhận được tia nắng ấm áp trong cuộc sống của bốn mẹ con. Cũng nhờ nội tâm thanh thản, kiên cường của người mẹ, mà những phiền não khó tránh khỏi trong cuộc sống không thể bắt chúng tôi ngừng cất cao bài hát Auf Flügeln des Gesanges. Cuộc sống lại bắt đầu tươi mới, căng tràn.

Tôi học tập “mẫu thân Mạnh Tử ba lần chuyển nhà”, đưa các con về Israel, mong muốn mang lại một tương lai rộng mở hơn cho chúng trong khả năng cho phép của mình; khi tôi nhận ra quan niệm giáo dục của mình có thể kìm hãm sự trưởng thành của các con, tôi hạ quyết tâm làm một người mẹ gương mẫu, thực hiện cải cách giáo dục tại gia, bước ra khỏi phương pháp giáo dục chất lượng thấp, nhen nhóm kỹ năng và tố chất vào sâu thẳm tâm hồn con.

Trên vạn dặm đường đời, tình mẹ luôn thiết tha sâu lắng. Giờ ba đứa con của tôi đều đã trưởng thành, xuất sắc hơn cả những gì tôi tưởng tượng, hai cậu con trai giống như năm xưa từng hứa, một đứa tặng tôi một chiếc chìa khóa của căn biệt thự, một đứa tặng tôi một chiếc chìa khóa ô tô. Còn cô con gái út, tuy vẫn chưa tặng tôi chiếc khóa két sắt chứa đầy châu báu, nhưng tôi tin rằng, ngày tôi được cầm chiếc chìa khóa ấy không còn bao xa nữa.

Các con tôi lần lượt tìm bến đỗ cuộc đời mình, cánh buồm của tôi cũng phải bắt đầu một hành trình mới. Năm 2003, sau một thời gian quen biết thầy giáo Trần, giảng dạy tại một trường cao đẳng ở Thượng Hải, tôi báo tin mình sắp kết hôn cho các con biết. Dĩ Hoa tới gặp vị hôn phu của tôi, nó thầm nghĩ, gọi thầy giáo Trần bằng chú thì không thích hợp, không tôn trọng mẹ, còn ngay lập tức gọi thầy là cha thì nó cũng cảm thấy ngượng ngùng.

“Dượng, con chào dượng!” Trong tích tắc, Dĩ Hoa chợt nhớ ra một cách xưng hô phù hợp hơn cả.

“Dượng, con mời dượng hút thuốc.” Dĩ Hoa kính cẩn đưa một điếu thuốc lá mời thầy giáo Trần.

“Xin lỗi con, dượng không hút thuốc.” Thầy giáo Trần không có thói quen hút thuốc.

“Như vậy tốt hơn, hút thuốc có hại cho sức khỏe.” Dĩ Hoa nói.

Tôi không ngờ Dĩ Hoa xưa nay vẫn là đứa hướng nội vậy mà nó có thể nói ra những câu tình sâu nghĩa nặng: “Dượng, con cảm ơn dượng đã ở bên mẹ con trong những lúc cô đơn, chúng con là phận làm con nhưng đều không thể ở bên, bầu bạn cùng mẹ”.

Dĩ Hoa viết số điện thoại của mình ra giấy rồi nói tiếp, “Đây là số điện thoại di động của con, nếu mẹ con và dượng có chuyện gì mâu thuẫn, không có chỗ nào trút bầu tâm sự, thì dượng cứ gọi điện cho con. Con sẽ có mặt trong vòng hai mươi bốn tiếng. Xin dượng tin tưởng, chúng con sẽ phân xử công bằng, nếu mẹ con bắt nạt dượng, dượng nhất định phải báo cho chúng con biết đấy. Anh em con hết sức ủng hộ dượng.”

Nói xong, Dĩ Hoa bước lên phía trước, ôm thầy giáo Trần, trịnh trọng nói: “Giao mẹ cho dượng rồi, chúng con không còn lo lắng về mẹ nữa. Chúng con rất vui, cảm ơn dượng!”

Sau khi gặp Dĩ Hoa, rất lâu sau thầy giáo Trần vẫn chưa thể lấy lại bình tĩnh. Lúc thì ngồi trầm ngâm trên ghế sô pha, lúc thì đứng dậy đi lại trong phòng khách, rồi nói với tôi rằng: “Làm sao con em lại xuất sắc đến vậy? Phần lớn các bậc cha mẹ tái hôn đều phải mời con cái tới, dùng đủ mọi cách thuyết phục chúng, mong chúng thông cảm. Đằng này các con của em lại nói cảm ơn với anh.”

Trước khi tới gặp thầy giáo Trần, ba đứa con tôi đã bàn bạc trước với nhau, chúng nhất trí để Dĩ Hoa ra mặt đại diện. Dĩ Hoa gặp thầy giáo Trần, có lòng chúc phúc cho tôi: “Chúng con đều rất yêu mẹ, đây là gia đình mới của mẹ, chúng con hy vọng nó sẽ tiếp thêm động lực để mẹ vui sống khi không có chúng con ở bên!”

Đôi khi sự quan tâm các con dành cho thầy giáo Trần còn làm tôi hơi ghen tỵ.

Chúng đi nước ngoài về đều mua quà cho thầy giáo Trần trước. Con trai lớn mua đồng hồ, con trai thứ mua giày. Thỉnh thoảng, tôi hỏi các con sao không mua quà cho mẹ, chúng sẽ nói đùa: “Vì mẹ sẽ tự đi mua mà.”

Điều làm tôi cảm động hơn là bọn trẻ còn cẩn thận mua một số sách chăm sóc sức khỏe cho thầy giáo Trần đọc, vì chúng biết ông ấy phải hạn chế ăn đường nên sợ tôi nấu nướng không đúng tiêu chuẩn. Chúng giả bộ nghiêm túc nói: “Mẹ tuyệt đối không được làm đồ ngọt cho dượng ăn, nếu không chúng con khóa tủ lạnh trong nhà lại đấy!”

Ly hôn có làm tổn thương con cái về lâu dài hay không? Giới giáo dục hôn nhân gia đình hiện vẫn đang nghiên cứu tìm hiểu đề tài này, ai cũng bảo vệ ý kiến riêng mình và chưa có phán quyết rõ ràng. Nhưng có một điều chắc chắn là, nếu như ly hôn là không thể tránh khỏi, thì các bậc cha mẹ đơn thân sau khi ly hôn nhất định phải biết cách yêu thương con cái.

Thuở nhỏ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sống trong cảnh cha mẹ ly dị như vậy. Sau khi chia tay chồng, mẹ ông cho ông tiếp cận cơ hội giáo dục tốt đẹp, còn cha ông vẫn thường xuyên khích lệ ông quyết chí vươn lên, theo đuổi lý tưởng của mình qua những lá thư qua lại. Vì thế cuốn sách đầu tiên ông viết lấy tựa đề Cha tôi. Từ đó có thể thấy, các bậc cha mẹ ly dị đều có thể đem đến cho con em mình sự mạnh mẽ khi trưởng thành, quan trọng là phải biết thể hiện tình yêu với con.

Bốn sai lầm trong cách yêu con của cha mẹ đơn thân

Sai lầm thứ nhất: Quá nhiều ám thị tình cảm

Khi xuất hiện mâu thuẫn và các vấn đề trong quá trình trưởng thành của con, nhiều phụ huynh thường quy kết, đổ lỗi cho sự không hoàn chỉnh của gia đình, truyền cho con tư tưởng gia đình đơn thân là không bình thường, khiến bản thân con cũng nghĩ mình khác với các bạn cùng trang lứa. Ví dụ, một số phụ huynh thường nói những câu tương tự như “con thật đáng thương” làm trẻ có cảm giác mặc cảm, tự ti. Thật ra, cha mẹ thường xuyên cãi nhau cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới sự trưởng thành của trẻ. Cha mẹ đơn thân là một hiện tượng bình thường của xã hội, miễn sao phụ huynh không cho con những ám thị tình cảm sai lầm. Nếu chúng ta biết cách xử lý tốt, những bất hạnh trong hôn nhân không thể ảnh hưởng tới sự trưởng thành của con cái, con trẻ vẫn có thể sống vui vẻ, khỏe mạnh cả về tâm lý và thể chất.

Sai lầm thứ hai: Liên tục bài xích đối phương

Rất nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn, bên nuôi con thường không muốn người kia tiếp xúc với con, có khi còn chuyển chỗ ở tới nơi người kia không tìm được, ngăn con không gặp được cha hoặc mẹ của nó. Còn có phụ huynh cảm thấy đối phương vô cùng xấu xa, nên truyền cho con ý nghĩ thù hận như “Tuyệt đối không được giống cha (mẹ) mày”, con nghe nhiều sẽ hình thành tâm lý bác bỏ cha (mẹ). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao con cái của các gia đình đơn thân lại thường có tính cách lệch lạc.

Sai lầm thứ ba: Quá nuông chiều con

Nuông chiều con cái là bệnh chung của rất nhiều gia đình và thường thể hiện rõ hơn ở phụ huynh đơn thân. Phụ huynh đơn thân cho rằng, cha mẹ ly dị là rất có lỗi với con, nên khi con có bất cứ yêu cầu gì, bất luận về tinh thần hay về vật chất, phụ huynh đều đáp ứng một cách vô điều kiện. Lâu dần, trẻ sẽ dễ hình thành khiếm khuyết trong tính cách như lầm lì, tự kiêu, buông thả, ích kỷ.

Sai lầm thứ tư: Suy sụp tinh thần

Trước hết, người mẹ đơn thân cần phải tự động viên, không được suy sụp tinh thần, đặc biệt là ở trước mặt các con, người mẹ phải tỏ ra ung dung điềm đạm, như vậy mới có thể khiến trẻ có cảm giác an toàn. Khi đối diện với những lời đồn thổi, suy đoán lung tung, người mẹ đơn thân vẫn cần giữ vững tinh thần trách nhiệm, cần biết quý trọng bản thân mình và yêu cuộc sống để làm lá chắn cho con.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.