Lee Kun Hee - Những Lựa Chọn Chiến Lược Và Kỳ Tích Samsung
Chương 4 Bảy cuộc đời của Lee Kun Hee
“Việc trở thành doanh nghiệp tầm cỡ thế giới thật sự mang một ý nghĩa bao quát hơn so với việc thiết lập công ty tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua quá trình thế giới hóa để đạt được ưu thế cạnh tranh, phải tạo ra giá trị tập thể to lớn hơn là tạo ra giá trị của bộ phận. Từ nền tảng sức mạnh tạo ra tính hiệu quả và giá trị có thể cung cấp cho khách hàng. Nếu muốn tạo ra giá trị lớn hơn, việc chỉ thâm nhập vào thị trường thế giới là chưa đủ mà còn cần có cơ sở hạ tầng, quá trình, hệ thống để có thể nắm bắt được một phần hoặc toàn bộ vị trí ưu thế mang tính chiến lược mà tôi đề cập dưới đây.”
“Sau khi nhậm chức vào năm 1987, tôi cảm thấy thực sự hoang mang. Nền kinh tế thế giới đang cho thấy những điểm tối của sự tăng trưởng thấp và bóng đen cũng đang bao trùm nền kinh tế Hàn Quốc. Một năm sau khi nhậm chức (1988) tôi đã tuyên bố Sáng lập công ty lần hai và nhấn mạnh đến sự thay đổi, cải cách. Thế nhưng không có gì thay đổi dù nhiều năm đã trôi qua. Một thể chế (tổ chức) kiên cố trong 50 năm qua quả là quá vững chắc. Samsung vẫn không thể thoát ra được khỏi sự lầm tưởng rằng mình vẫn là số 1. Đặc biệt tôi đã bị mắc chứng mất ngủ từ suốt mùa hè cho đến mùa đông năm 1992. Tôi cảm thấy vô cùng nguy cấp khi có cảm giác rằng cả Samsung sẽ sụp đổ chứ không phải chỉ mất đi một hay hai dự án. Khi đó một ngày tôi ngủ không quá bốn tiếng. Người một bữa ăn đến ba suất bulgogi (thịt bò xào của Hàn) mới thấy đủ như tôi bỗng chốc mất cảm giác thèm ăn đến mức một ngày tôi chỉ ăn qua loa có một bữa. Năm đó tôi đã sút 10kg.”
Lee Kun Hee – người con trai thứ ba trong gia đình
Deagu – Năm 1942, thời kỳ thuộc địa 3 năm trước khi được giải phóng!
Lee Kun Hee được sinh ra trên mảnh đất Deagu nổi tiếng về táo và mỹ nhân. Vào thời đó cha ông là Lee Byung Chul đang điều hành thương hội Samsung và phát triển nhanh chóng thành công ty thương mại gần khu vực chợ Tây Môn (Seomun). Đương nhiên cha ông và bà Park Doo Eul – mẹ ông đều rất bận rộn. Ông là con trai thứ 3 trong gia đình. Vì thế Lee Kun Hee được gửi cho bà ngoại chăm sóc ngay sau khi cai sữa. Phải đến sau khi được giải phóng ông mới được gặp mẹ và những người anh của mình.
Không một ai nghĩ rằng đứa trẻ này sẽ trở thành nhà kinh doanh dẫn dắt một doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Cũng bởi vì trên ông còn có hai người anh trai là Maeng Hee và Chang Hee. Thời ấu thơ của Lee Kun Hee gắn liền với thời kỳ thế giới đang biến đổi một cách nhanh chóng. Ông sinh ra vào thời kỳ thuộc địa, ba năm sau đó toàn dân được hưởng niềm vui giải phóng, tuy nhiên chỉ năm năm sau dân tộc Hàn Quốc lại chìm trong bi kịch do sự bùng nổ cuộc nội chiến Nam – Bắc Triều Tiên ngày 25 tháng 6.
Lee Kun Hee – ở cái thời chỉ là một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi – đã phải trải qua những trang lịch sử trọng đại của dân tộc rốt cuộc đã suy nghĩ và cảm nhận được điều gì? Sau khi cuộc chiến tranh liên Triều bùng nổ, do không kịp sơ tán nên gia đình ông đã trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn dưới sự thống trị của chế độ Bắc Triều Tiên. Ngay cả sau khi Seoul được giải phóng, cuộc sống của Lee Kun Hee cũng không khá hơn chút nào. Masan, Deagu rồi lại đến Busan, vì công việc kinh doanh của cha mà ông liên tục phải chuyển nhà và chuyển trường. Cho đến năm lớp 5 , ông đã phải chuyển trường tới năm lần. Vì thế mà ông không có cơ hội kết bạn thân thiết với ai. Thời ấu thơ của Lee Kun Hee luôn cô độc và không bạn bè.
Nỗi đơn độc và cô đơn này đã ảnh hưởng như thế nào tới cậu bé Lee Kun Hee? Bản thân tôi nghĩ rằng chính điều này đã nuôi dưỡng cho cậu bé khả năng quan sát và tầm hiểu biết hơn người. Peter Drucker từng nói: “Đổi mới kinh doanh vừa là công cụ mà nhà kinh doanh đã sẵn có, vừa là phương thức giúp họ tìm ra sự thay đổi nhằm tìm kiếm cơ hội để cung cấp các lĩnh vực kinh doanh khác và các dịch vụ khác.” Nếu xét về Lee Kun Hee trên cơ sở câu nói đó thì thời thơ ấu của Lee Kun Hee chính là phương thức tìm ra sự thay đổi nhằm tìm kiếm cơ hội mới, hay bản thân ông đã tự đào tạo mình bằng cách nuôi dưỡng tư tưởng về đổi mới.
Trong ông đã dần dần hình thành khả năng lãnh đạo xuất sắc giúp Samsung tăng trưởng trở thành tập đoàn số 1 chỉ trong vòng mười năm.
Vào năm 1953, khi ông học lớp 5 trường tiểu học trực thuộc trường Sư Phạm Busan, cha ông nói rằng “Hãy đến các nước phát triển để học hỏi” và gửi ông sang Tokyo, Nhật Bản. Lee Byung Chul là một ông bố lạnh lùng và nghiêm khắc. Giống như việc những con hổ huấn luyện nghiêm khắc hổ con bằng cách đưa chúng đến vách núi, đẩy chúng xuống và để chúng tự đi lên bằng sức của mình, Lee Byung Chul cũng nuôi dạy các con của mình một cách khắc nghiệt như thế.
Nếu nhìn lại quãng thời gian ấu thơ của cậu bé Lee Kun Hee, rõ ràng chúng ta có thể biết được một thực tế rằng Lee Kun Hee đã lớn lên khác với những đứa trẻ cùng trang lứa. Dù không phải là trẻ mồ côi nhưng ông đã tự lập lớn lên như một đứa trẻ mồ côi.
Cùng sống với người anh trai thứ hai hơn 9 tuổi là Chang Hee nhưng trên thực tế phần lớn thời gian ông đều ở một mình. Tóm lại, cậu bé Lee Kun Hee đã trải qua quãng thời gian khó khăn ở Nhật, khi không được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ và không có bạn bè vì ông không nói được tiếng Nhật.
Thời gian đó Lee Kun Hee phải học cách sống một mình hơn là quan sát và học hỏi từ nước phát triển. Ông phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc, nỗi cô đơn nơi đất khách và nỗi nhớ cha mẹ. Đó là những bài tập mà Lee Kun Hee phải giải đáp trong quãng thời gian du học tại Nhật Bản.
Nơi đây tôi không tìm thấy một hình ảnh nào của Lee Kun Hee được đón nhận tình yêu từ cha mẹ và làm nũng họ, không thấy một hình ảnh nào của Lee Kun Hee được trải qua thời thơ ấu tinh nghịch đùa vui một cách thoải mái với các bạn cùng trang lứa. Trái lại tôi thấy hình ảnh của một nhà cải cách nhỏ tuổi với ý nghĩ luôn phải tìm kiếm thay đổi một điều gì đó mới có thể tồn tại. Lí do tại sao có rất ít doanh nghiệp thành công và vươn lên vị trí dẫn đầu mặc dù họ ra sức hô hào phải đổi mới chính là ở điều này. Cải cách phải trở thành thói quen, thành tập tính và giống như mạch nước ngầm chảy trong suy nghĩ.
Nhìn vào điểm này, tôi nghĩ cậu bé Lee Kun Hee chính là một nhà cải cách. Ông là một nhà cải cách nhỏ tuổi say sưa xem hàng nghìn tập phim nhằm quên đi hoàn cảnh mà bản thân phải đối mặt thời thơ ấu, nuôi dưỡng cho chính mình sức mạnh của lối tư duy đa chiều và tìm tòi sự thay đổi nhằm tạo cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để giải đáp bài toán đó, ông đắm chìm trong những bộ phim, chơi cùng chú chó của mình và tìm hiểu máy móc. Những điều này đã trở thành nền tảng giúp cho Lee Kun Hee có được cái nhìn sâu sắc và khả năng quan sát có thể nhìn xuyên thấu bản chất của kinh doanh cùng với cách tư duy đa chiều – yếu tố cần thiết để trở thành một nhà kinh doanh tài năng đã đưa Samsung trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Nó khiến ông có thể hưởng thụ sự cô độc và buồn tẻ, giúp ông định hình nhiều suy nghĩ đa dạng.
Ở Nhật ông bị mọi người trêu đùa gọi là Josenjing – kẻ cô độc. Để xoa dịu nỗi buồn đó, sự lựa chọn của ông là phim ảnh. Với hơn 1.300 bộ phim đã xem, ông tự đặt mình vào lập trường của nhiều nhân vật, khi thì là nhân vật chính, lúc là nhân vật phụ, nhân vật đóng những vai nhỏ, thậm chí là đạo diễn phim, người quay phim… và thưởng thức nó. Bằng cách đó ông đã hình thành thói quen suy nghĩ theo nhiều góc độ và mang tính chất đa chiều. Thói quen suy nghĩ này được tỏa sáng khi ông ở vị trí của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp sau này – vị trí rất cần đến lối tư duy đa chiều.
Với việc xem một số lượng phim khổng lồ, ông đã từng mơ ước trở thành đạo diễn phim. Sau này chính ông cũng đã thổ lộ mơ ước đó và sang Mỹ để có cơ hội được gặp trực tiếp Steven Spielberg. Có lẽ việc xem rất nhiều phim điện ảnh và phim tài liệu ngay cả sau khi đã trưởng thành cũng chính là thói quen được hình thành từ khi đó.
Cả ngày một mình vừa hưởng thụ nỗi cô độc vừa đắm chìm trong phim ảnh và thưởng thức phim ảnh theo nhiều cách đa dạng, cậu bé Lee Kun Hee đã trải nghiệm và cảm nhận một thế giới đầy sắc màu và vượt qua quãng thời gian du học Nhật Bản cô đơn đó.
Vijay Sathe – giáo sư ngành quản trị kinh doanh Học viện Quản trị kinh doanh Druck đã có lần đưa ra khuôn khổ đánh giá chiến lược bằng phương thức đạt được mục đích từ việc “liệu đó là chiến lược vì mục đính gì”. Khuôn khổ (frame work) POSE với ý nghĩa mục đích (Purpose), mục tiêu (Objectives), chiến lược (Strategy), thực thi (Execution) là công cụ hữu dụng dành cho các nhà quản lý ở mọi giai đoạn và đây cũng là công cụ phát triển nghiên cứu của tiến sĩ Peter Drucker trở thành cơ sở nền tảng của việc thực thi giữa chiến lược với chiến lược. Tuy nhiên đối với cậu bé Lee Kun Hee, mặc dù chỉ là học sinh tiểu học nhưng đã tự mình tiếp nhận và thực hiện khuôn khổ POSE – cách thức và chiến lược để đạt được mục tiêu mà các nhà kinh tế học thế giới đề ra.
Ông đã tạo dựng mục đích phải sống một cuộc sống tốt hơn và khắc phục hoàn toàn nó tại Nhật – nơi ghi dấu nỗi cô đơn và buồn chán của ông. Không chỉ có vậy, mục tiêu lớn nhất khiến cha ông gửi ông sang Nhật Bản là để học hỏi. Mục đích lớn đó được đặt lên vai Lee Kun Hee – một đứa trẻ mới chỉ là học sinh tiểu học. Và ông đã bắt đầu học cách đi tìm giải pháp để thực hiện mục đích đó. Cái lọt vào mắt ông đầu tiên chính là phim Nhật mà thông qua đó ông đã có thể học hỏi và trải nghiệm nước Nhật. Trong quá trình đó, mục tiêu khắc phục hiện thực buồn chán và cô đơn cũng được đan xen vào một cách tự nhiên. Từ đây, ông đã xây dựng nên những chiến lược. Những chiến lược này không chỉ dừng lại ở việc xem phim mà ông còn suy nghĩ và trải nghiệm trên lập trường đa dạng của các nhân vật trong phim. Từ đó ông bước vào thực thi những chiến lược sau khi xem hàng nghìn bộ phim.
Lee Kun Hee nhỏ tuổi đã tự mình trang bị cho bản thân một công cụ hữu dụng mang tên khuôn khổ POSE mà chính ông đã từng không biết đến nó và chính vì điều này mà dưới con mắt của mọi người, ông đã trở thành nhà chiến lược thực thi được nó.
Một cách giải quyết khác mà Lee Kun Hee nhỏ tuổi chìm trong sự cô đơn đã lựa chọn chính là chú cún của mình. Sau khi lên cấp 2, ông bắt đầu nuôi chó. Chú chó đối với ông lúc đó không đơn thuần chỉ là thú cưng nuôi trong nhà, mà là một người bạn hàng ngày cùng cậu chủ nhỏ trò chuyện, tắm chung, ngủ chung, thậm chí còn hơn cả một người bạn.
Đối với một người không có lấy một người bạn để giãi bày tâm sự, tin tưởng và dựa dẫm như ông thì chú chó chính là người bạn như thế. Với một kẻ cô đơn, dù rất muốn nhưng lại không thể kết bạn với dù chỉ một người để giãi bày lòng mình thì chú chó là một người bạn lí tưởng nhất. Tình yêu đối với chú chó của ông về sau này đã được phát huy tác dụng. Năm 1979, tại triển lãm các giống chó trên thế giới tổ chức tại Nhật Bản, một cặp chó giống Jindo thuần chủng của Hàn Quốc cũng được tham gia. Nhờ đó mà nguồn gốc xuất xứ đầu tiên của loài chó Jindo tại Hàn Quốc đã được kiểm chứng và loài chó Jindo này đã được đăng kí tên trong Hiệp hội các giống chó thế giới.
Cùng với thú nuôi chó, còn có một sở thích mà ông hăng say khác đó là tháo lắp máy móc. Ông mua các loại máy móc sau đó tháo rời nó ra rồi lắp ráp vào. Đây chính là cơ sở cho tuyên ngôn về chiến lược kinh doanh mới đóng vai trò mang tính quyết định trong công cuộc đưa Samsung Electronics vươn lên thành doanh nghiệp hàng đầu sau này. Trong thời gian đi công tác tại Los Angeles, ông trực tiếp tháo rời VCR của Samsung và VCR của Toshiba. Sau khi phân tích ông đã đưa ra chiến dịch kinh doanh mới. Nhờ sở thích tháo lắp máy móc mà những chiến lược mới được thực thi.
Nhà cải cách vĩ đại Steve Jobs đã nói trong buổi phỏng vấn cho tạp chí Smithsonian về lễ nhận giải thưởng Computer World rằng lần đầu tiên ông nhìn thấy máy tính là vào năm 10 hay 11 tuổi gì đó. Lee Kun Hee được gửi sang Nhật năm lớp 5 tiểu học. Tuổi mà Lee Kun Hee chìm trong tình yêu với chú chó của mình và lần đầu thử tháo lắp ráp máy móc tương đương với tuổi khi mà Steve Jobs lần đầu tiên nhìn thấy máy tính. Trong buổi phỏng vấn đó Steve Jobs nói rằng ông hoàn toàn đắm chìm vào máy tính khi ông lần đầu tiên nhìn thấy nó. Còn Lee Kun Hee trò chuyện cùng chú chó của mình và đắm chìm vào việc tháo lắp máy móc. Cả 2 người đã trở thành những nhà cải cách vĩ đại.
–
Một Lee Kun Hee học về con người
Bước vào lớp 8 trung học sau khi kết thúc quãng thời gian du học tại Nhật Bản và trở về nước, Lee Kun Hee nhập học tại trường cấp 2 và cấp 3 dành cho giới thượng lưu. Sau khi lên cấp 3, ông tham gia môn đấu vật, đây là ảnh hưởng của đấu vật chuyên nghiệp một thời là trào lưu khi Lee Kun Hee còn ở Nhật. Tại Nhật Bản thời kỳ đó, Judo và đấu vật là hai môn thể thao rất được yêu thích. Còn ở Hàn Quốc đương nhiên Taekwondo là bộ môn được yêu thích hơn. Với Lee Kun Hee – người lớn lên ở Nhật, tính cảm thụ cũng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, ông bị cuốn hút bởi hai môn là Judo và đấu vật, sau khi băn khoăn suy nghĩ, cuối cùng ông chọn môn đấu vật.
Lee Kun Hee cực kỳ hâm mộ Yeok Do San – một tuyển thủ đấu vật chuyên nghiệp của Hàn Quốc. Điều này đã trở thành động lực trực tiếp giúp ông tham gia vào môn đấu vật. Một Lee Kun Hee – cô độc chỉ ngồi xem phim và trò chuyện với chú chó của mình lần đầu tiên đổ mồ hôi thi đấu với đối thủ là con người thực sự và bắt đầu chơi thể thao.
Tham gia vào môn vật ông được đặt cho biệt danh là “Gấu trắng” và lần đầu tiên được sống cùng với những người bạn cùng lứa tuổi, được cùng nhau luyện tập và cùng nhau trải qua quãng thời gian vui vẻ. Đó là trải nghiệm ngạc nhiên và tuyệt diệu đối với Lee Kun Hee. Ông đã chăm chỉ luyện tập mà không hề bỏ buổi nào trong suốt ba tuần của kỳ nghỉ. Cuối cùng ông tham gia thi đấu ở hạng mục đô vật hạng bán trung (welterweight) tại một cuộc thi quy mô toàn quốc và giành được giải thưởng. Với nhân duyên đó, sau này ông đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội đấu vật Hàn Quốc trong suốt 15 năm đồng thời cũng tài trợ rất nhiều cho Hiệp hội.
William Shakespeare nói: “Chúng ta biết bản thân mình là ai, nhưng ta lại không thể biết ta có thể trở thành cái gì”. Cậu bé Lee Kun Hee đã từng như thế. Một cậu bé từng say mê với phim ảnh và chú chó của mình giờ đây lại say sưa với môn đấu vật – một môn thể thao có thể gọi là quá khích, tham gia hội thi đấu vật toàn quốc và còn giành được giải thưởng. “Liệu tính cách của Lee Kun Hee có thật sự là hướng nội và trầm tĩnh không? Hay hoạt bát và cởi mở? Tôi cho rằng ông là nhân vật tồn tại tất cả các tính cách đó. Vì vậy mà trong ông hình thành lối tư duy, phân tích và tổng hợp đa góc độ và đa phương diện.
Tuy nhiên khi gần học hết lớp 8, vì một chấn thương nhỏ mà ông bị gia đình ép phải từ bỏ môn đấu vật và chuyển sang môn bóng bầu dục. Tham gia sinh hoạt bộ môn bóng bầu dục, ông lại được trải nghiệm thêm một lần nữa sự thay đổi về ý thức.
Khác với môn đấu vật chỉ có một đối thủ và một mình cũng có thể làm tốt thì môn bóng bầu dục lại là môn thể thao đồng đội. Bóng bầu dục hoàn toàn không giống với một môn thể thao trong nhà như đấu vật. Trước hết, bóng bầu dục được biết đến như là một môn thể thao với tinh thần chiến đấu cao độ, một khi tiếng còi khai trận đã vang lên, dù là mưa hay tuyết rơi cũng không thể làm cho trận đấu bị gián đoạn. Bên cạnh đó, bóng bầu dục còn là môn thể thao đồng đội, cần có tinh thần đoàn kết, phối hợp ăn ý của tất cả các thành viên trong đội để giành chiến thắng. Bóng bầu dục còn yêu cầu ở người chơi một thần kinh thép để có thể thành công trong các pha đoạt bóng và thoát khỏi vòng vây.
Thông qua môn bóng bầu dục, Lee Kun Hee đã thấm nhuần ý chí chiến đấu, sự đoàn kết và tinh thần tập thể. Cuối cùng, bóng bầu dục đã rèn luyện cho ông một tinh thần vượt khó để có thể chiến thắng và vượt qua bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Đây đều là những đức tính cần có ở một nhà kinh doanh khi điều hành doanh nghiệp trong tương lai. Sau này, Lee Kun Hee đã coi bóng bầu dục, bóng chày và golf là ba môn thể thao truyền thống của Samsung. Điều này xuất phát từ việc ông muốn giữ tinh thần của môn bóng bầu dục mà ông đã học được khi còn nhỏ và đồng thời cũng muốn truyền lại tinh thần ấy cho nhân viên của mình.
Nhà triết học kinh doanh vĩ đại Yogi Berra từng là cầu thủ bóng chày đã nói rằng: “Chỉ cần theo dõi cũng có thể quan sát được nhiều thứ.” Lee Kun Hee cũng theo dõi hàng nghìn bộ phim bằng nhiều góc độ. Thấy vẫn còn thiếu, ông còn học thêm cả đấu vật, thậm chí cả môn bóng bầu dục và ông đã lớn lên như thế. Vậy những thứ mà ông quan sát, học và cảm nhận được nhiều đến mức nào? Khi ta đem so sánh một người đọc hàng nghìn cuốn sách và nhập chúng vào ý thức của họ với một người không làm được như thế ta sẽ thấy có một sự khác biệt rất lớn trong ý thức cũng như suy nghĩ. Không sai khi nói rằng ông là một người “khổng lồ nhỏ bé”. Thông qua hàng nghìn bộ phim xem hồi nhỏ, mà một khối lượng lớn những kiến thức, kinh nghiệm đã thấm nhuần trong tiềm thức của ông.
Về điểm này Lee Kun Hee là một con người đáng sợ. Điều mà những người bình thường tuyệt đối không thể làm được thì ông đã thực hiện thành công ngay từ khi còn nhỏ. Đó chính là bằng chứng rằng ông mang trong mình khả năng tập trung và sức mạnh tinh thần vượt trội. Nếu tìm hiểu kỹ về ai đó, chúng ta có thể nắm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của họ trong lòng bàn tay. Từ đó, có thể đưa ra đánh giá chính xác nhất về con người họ. Do đó, có thể nói rằng đến thời điểm này, tôi đã nắm rất chắc về Lee Kun Hee, và theo ý kiến của cá nhân của tôi, ông là một con người vô cùng đáng nể vì.
Càng tìm hiểu sâu về ông tôi lại càng cảm nhận được ông là một nhà cải cách năng động, vững vàng, kiên định như Thái Sơn. Phải chăng vì thế mà trong tôi không có suy nghĩ nào khác ngoài hình ảnh về một con người có uy lực? Đây thực sự là những cảm nhận của tôi về chủ tịch Lee Kun Hee.
Lên cấp 3, Lee Kun Hee đã bắt đầu có bạn, đó chính là cựu nghị sĩ Hong Sa Deok. Hồi tưởng lại những điều về Lee Kun Hee, người bạn thân thiết thời cấp 3 – nghị sĩ Hong Sa Deok cho rằng một trong số điểm mạnh chính là việc Lee Kun Hee tìm hiểu sâu sắc về con người.
Nếu là học sinh cấp 3, thì cần phải học hành chăm chỉ các bộ môn ở trường. Nhưng rốt cuộc, môn học về con người là môn học như thế nào? Lee Kun Hee từng có dịp chia sẻ với người bạn thân của mình về việc ông học tập và tìm hiểu một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với đa số mọi người là:
“Tôi học chăm nhất môn học liên quan đến con người.”
Thật sự là ông đã học môn Khoa học con người chăm chỉ hơn tất cả những môn học khác ở trường. Việc học tập ở trường thì kết thúc ngay sau khi hoàn thành kỳ thi, thế nhưng việc học, suy ngẫm về con người thì dùng được cả đời, đặc biệt là đối với những nhà kinh doanh có vai trò và trách nhiệm dẫn dắt một nguồn nhân lực đông đảo. Tại sao ông lại học về con người, hơn nữa còn học rất chăm chỉ?
Điều này được lý giải là do ông đã trải qua thời thơ ấu khác với những đứa trẻ bình thường khác. Từ khi vừa lọt lòng mẹ, Lee Kun Hee đã lớn lên trong vòng tay của bà ngoại. Vậy mà ngay khi vừa cảm nhận được vòng tay ấm áp của mẹ, ông được gửi sang Nhật và nhận sự chăm sóc của người khác chứ không phải mẹ ruột của mình. Điều thiếu thốn đối với ông là tình cảm. Đặc biệt với một tuổi thơ không có lấy một người bạn đúng nghĩa do phải chuyển trường thường xuyên thì sự thiếu thốn về tình cảm con người đó lại trở nên tha thiết và cấp bách hơn. Điều này ngày càng thôi thúc và dần hình thành trong ông thói quen nghiên cứu chuyên sâu về con người, để rồi cuối cùng trở thành một trong những lĩnh vực yêu thích của Lee Kun Hee.
Sự thiếu thốn về con người mà ông cảm nhận một cách sâu sắc khi còn nhỏ cuối cùng lại đơm hoa kết trái trong việc đào tạo nhân tài và thiên tài kinh doanh. Tôi đã từng thắc mắc rằng ngoài Lee Kun Hee ra liệu có còn ai học và nghiên cứu sâu về con người? và điều này được giải đáp trong cuốn Cách làm việc của Mark Zuckerberg. Trong cuốn sác này, nhà báo kinh tế, nhà quản trị kinh doanh lỗi lạc người Nhật Teruya Kuwabara có viết rằng Facebook đang biến đổi nhanh chóng phong cách sống của nhân loại, chính là kết quả của việc nghiên cứu về con người.
Làm thế nào mà một cậu thiếu niên lại có thể nói rằng lĩnh vực mà cậu quan tâm và học chăm chỉ nhất là khoa học con người? Đó là điều khác biệt và phi phàm của Lee Kun Hee. Trong số những người trung niên bước qua tuổi 30 và sang tuổi 40 đang sống trên mảnh đất này, cũng như những doanh nhân điều hành doanh nghiệp có được bao nhiêu phân trăm số người có thể nói rằng môn học mà họ học tập chăm chỉ nhất là môn học về con người? Liệu có được khoảng 10%? Bản thân tôi cũng chưa từng học về con người. Vậy mà ngay từ khi còn là một học sinh cấp 3, Lee Kun Hee đã nói rằng môn học mà ông học hành chăm chỉ nhất là học về con người. Ông quả là một con người đáng sợ, và không còn định nghĩa nào khác để đưa ra ngoài định nghĩa rằng ông là một chiến lược gia đáng sợ.
Lần thứ hai trong đời Lee Kun Hee sang Nhật du học, đó là khi vừa tốt nghiệp cấp 3 và lý do cũng giống như với lần đầu. Khi đó là vào năm 1965, Lee Kun Hee nghe lời cha, sang Nhật để học hỏi nền văn hóa văn minh của một nước tiên tiến. Tại Nhật Bản, ông theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Waseda.
Với tính cách yêu thích việc đào sâu, tìm hiểu nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực còn chưa được biết đến, lần thứ hai trở lại đất nước Nhật Bản đã mang lại cho cậu thanh niên nhiều trải nghiệm khác với lần đến đây lúc còn nhỏ. Việc kết bạn với những thành viên của nhóm Yakuza (băng nhóm tội phạm đường phố ở Nhật Bản) là một trong những điều đó. Thay vì gọi là kết bạn, ta nên gọi mối quan hệ này là sự giao lưu về học tập con người của Lee Kun Hee thì đúng hơn.
Ta phải đi đến đâu mới có thể tìm hiểu và giao du với những thành viên băng nhóm Yakuza khét tiếng trên toàn thế giới? Điều này chỉ có thể xảy ra khi đến với Nhật Bản. Lee Kun Hee giao du với những thành viên Yakuza trong suốt khoảng một năm và quãng thời gian này đã thực sự trở thành “khóa học” bổ ích nhất đối với người chăm chỉ nghiên cứu về con người như Lee Kun Hee.
Một trong những điều thú vị nhất mà Lee Kun Hee đã trải nghiệm khi ở Nhật là được gặp gỡ và học hỏi từ Yeok Do San – đô vật xuất sắc nhất trong giới đấu vật chuyên nghiệp Nhật Bản khi ấy. Ông thường xuyên tới gặp Yeok Do San để học tập về con người.
Lee Kun Hee là một con người đáng sợ. Bởi bất kể là lĩnh vực nào đi chăng nữa, nhưng một khi ông đã coi đó là lĩnh vực của mình, ông tuyệt đối không bao giờ đánh mất vị trí số 1 thế giới vào tay người khác. Hơn nữa, ông còn sẵn sàng gặp gỡ với bất kỳ tổ chức nào, giao du với bất kỳ nhân vật nào với mục đích học tập về con người. Thế nhưng ông lại không có niềm ham mê đối với việc học tập ở trường.
Câu nói “Môn mà tôi học chăm chỉ nhất là học về con người” mà Lee Kun Hee từng nói với người bạn cấp 3 của mình là cựu nghị sĩ Hong Sa Deok không phải là lời nói suông. Ông là nhà chiến lược tài ba đã nghiên cứu về con người chăm chỉ hơn bất cứ ai. Để học về con người ông đã gặp gỡ những thành viên của Yakuza và thường xuyên đi với họ, nhưng không chỉ thỏa mãn với điều đó, Lee Kun Hee còn thường xuyên gặp gỡ Yeok Do San – người hùng của đấu vật chuyên nghiệp Nhật Bản.
Lee Kun Hee tìm hiểu về con người vào quãng thời gian của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khi mà các bạn cùng trang lứa đang tụ tập hay hẹn hò. Đây chính là lý do mà tôi cho rằng ông là một nhà chiến lược phi phàm.
Trong lúc Lee Kun Hee đang tận hưởng niềm vui thú với cuộc sống du học tại Nhật Bản và gần như sắp bị đình chỉ học thì cha ông là Lee Byung Chul một lần nữa nói rằng Lee Kun Hee cần phải trải nghiệm ở một thế giới rộng lớn hơn, đó chính là nước Mỹ và ngay lập tức, Lee Kun Hee chuyển tới học tại trường Đại học George Washington (Mỹ).
Trong thời gian du học tại Mỹ, ông đi học bằng ô tô và đổi ô tô tới sáu lần. Đổi ô tô nhiều lần không phải là ông tiêu tiền hoang phí, mà điều này cũng giống như việc kiếm lời khi biến 600 đô-la thành 700 đô-la. Qua sáu lần đổi xe là bấy nhiêu lần ông học và nghiên cứu về cấu tạo của từng chiếc xe đó. Có lẽ ai cũng biết rằng kinh nghiệm đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo nên thương hiệu ô tô Samsung trong tương lai sau này của ông.
Khi đó Lee Kun Hee hoàn toàn say mê với ô tô, tuy rằng việc học ở trường có phần chểnh mảng. Chuyên ngành chính của Lee Kun Hee là Kinh tế học. Ngoài ra ông còn học thêm một chuyên ngành phụ là Truyền thông, nhưng ông không tìm được chút hứng thú đặc biệt nào trong học tập. Cho đến tận lúc đó, việc tìm hiểu về con người và xe ô tô vẫn thu hút ông hơn là việc học tập ở trường lớp.
Vào kỳ nghỉ, ông bắt đầu đi du lịch, điểm đến là đất nước Mexico rộng lớn. Tuy nhiên do vấn đề về visa mà ông đã không thể quay trở lại Mỹ. Lúc này chủ tịch Lee Byung Chul đã đưa ra chỉ thị muốn ông sang Đông Kinh (nay là Tokyo) Nhật Bản. Chỉ thị đó lại chính là ý đồ mà cha ông muốn ông đến gặp Hong Na Hee – người sau này đã trở thành người bạn đời của ông.
Nhà tư tưởng vĩ đại cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh Cố Viêm Võ đã cảnh báo việc chỉ ngồi ở bàn viết hoặc bàn luận những điều vô bổ là việc làm tốn công vô ích, bản thân ông đã đọc 10 nghìn cuốn sách và đi bộ mười nghìn dặm. Đặc biệt ông rời khỏi nhà vào lúc 45 tuổi và đi du ngoạn trong suốt 25 năm. Trước đó ông đã đọc mười nghìn quyển sách và có cách nhìn nhận trên nhiều phương diện như âm vận học, khảo cổ học, chú giải, lịch sử, văn học… và để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Ông đã để lại cho hậu thế câu nói này trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm của bản thân mình.
“Hãy đọc mười nghìn cuốn sách và đi du ngoạn 10 nghìn dặm.”
Lí do ông nói câu này có lẽ vì ông ngẫm ra trong suốt cuộc đời mình rằng đây chính là một trong những phương pháp tốt và hiệu quả nhất để con người trưởng thành, phát triển và vượt lên chính mình. Nhưng liệu Lee Kun Hee có biết đến câu nói này? Lee Kun Hee đã du lịch đến Mexico và trải nghiệm một thế giới rộng lớn. Nhớ lại lúc ông xem phim không chỉ đơn thuần là giết thời gian thì tôi cho rằng lần này cũng không phải ông chỉ đi đơn thuần là để du lịch mà để trực tiếp trải nghiệm một thế giới rộng lớn và mở rộng bản thân theo cách của chính mình.
Một Lee Kun Hee không phù hợp với công việc kinh doanh
“Thành công hay thất bại? Tiếp tục phát triển trường tồn hay sẽ bị sụp đổ?
Tất cả điều này phụ thuộc vào việc bản thân bạn làm như thế nào hơn là vào môi trường xung quanh.”
Đúng như lời nói của Jim Collins, Lee Kun Hee vừa là một doanh nhân dám đương đầu với thử thách mạo hiểm để giành chiến thắng, vượt qua tính cách, xuất thân và sự thất bại của bản thân vừa là một con người bình thường như bao người khác. Trên thế gian này không có bữa trưa nào là miễn phí, tôi tin chắc rằng Samsung của ngày hôm nay cũng không phải tự nhiên mà thành và nhà kinh doanh vĩ đại không phải vốn dĩ sinh ra đã có tài kinh doanh.
Qua cuộc đời của chủ tịch Lee tôi học được rằng một nhà kinh doanh vĩ đại được tạo ra phụ thuộc vào việc tự bản thân họ làm như thế nào. Về nước vào năm 1966, Lee Kun Hee vào làm việc tại đài truyền hình Đông Dương. Tháng 1 năm 1967, ông đính hôn với bà Hong Na Hee. Đám cưới được tổ chức vào ngày 30 tháng 4 năm đó, sau khi bà Hong Na Hee tốt nghiệp đại học.
Sau khi kết hôn ông vào làm việc tại phòng thư kí của Samsung với vai trò là một nhân viên thực tập. Lọc tìm những bài báo liên quan đến Samsung và dùng bút đỏ đánh dấu là một trong những công việc ông phải làm. Ngoài ra, một công việc nữa của ông là tháp tùng cha khắp mọi nơi, thậm chí cả khi cha ông đi đánh golf.
Thế rồi, cuối năm đó ông quay trở lại Mỹ. Bởi quyền kinh doanh được trao lại cho người con trưởng là Lee Maeng Hee và cũng bởi ở Samsung ông không còn việc gì lớn để làm nữa. Tuy nhiên vào cuối năm 1968, tức một năm sau đó cha ông – Lee Byung Chul đã gọi ông trở lại và chỉ định ông là giám đốc truyền thông của tập đoàn.
Năm 1961, Lee Byung Chul đã gửi Lee Kun Hee sang Mỹ và dặn dò phải chuyên tâm học về truyền thông. Sau khi Lee Kun Hee nhập học trường Đại học George Washington, ông cũng để con trai mình học truyền thông như một môn chuyên ngành phụ. Ở đây chúng ta có thể cảm nhận được một diện mạo của Lee Byung Chul với phong cách của một nhà chiến lược vô cùng khắt khe. Nhưng nếu nhìn theo một góc độ khác, có lẽ Lee Byung Chul nhận thấy Lee Kun Hee, khi đó mới ở độ tuổi ngoài 20 với cá tính đặc biệt không phải là một người phù hợp để điều hành công ty nên ông đã cố gắng định hướng cho Lee Kun Hee tập trung học về lĩnh vực truyền thông. Câu nói của Lee Byung Chul với Lee Kun Hee khi chàng trai này đang ở độ tuổi 20 đã nói thay cho điều đó:
“Điều hành công ty có vẻ không hợp với tính cách của con, vậy con nghĩ sao nếu như con học truyền thông?”
Nhà văn, nhà thơ T.S Eliot – người được trao giải Nobel văn học năm 1948 – từng nói rằng để biết được chúng ta có thể đi đến đâu, phải chịu đựng những hiểm nguy gì thì phải đi thật xa. Và chỉ những người làm như thế mới có thể biết là họ có thể đi xa đến đâu.
“Chỉ có những người dám đối mặt với nguy hiểm và thử đi xa mới có thể biết được mình có thể đi bao xa.”
Dựa vào câu nói này thì rõ ràng cậu thanh niên Lee Kun Hee khi ấy vẫn không biết là bản thân có thể tiến xa đến đâu. Bởi ông không biết liệu mình có thành công với vị trí là nhà kinh doanh hay không và điều mà bản thân ông thích thú là cái gì, ông chưa từng một lần chịu chấp nhận nguy hiểm và thử bước xa hơn. Ở độ tuổi 20, ông cũng không chấp nhận thử thách với hiểm nguy và cũng không một ai thúc giục ông phải chấp nhận nguy hiểm và tiến xa hơn. Cho đến thời điểm đó, môi trường xung quanh ông là như thế. Kết quả ông vẫn chỉ là một con người bình thường.
Ngày 22 tháng 9 năm 1966, chủ tịch Lee Byung Chul tuyên bố nghỉ hưu và ông đã chọn Lee Maeng Hee là người kế vị theo cách thức trao quyền thừa kế truyền thống. Nguyên nhân dẫn đến việc làm này của ông là do tác động của những chỉ trích về Samsung và “vụ buôn lậu đường hóa học”, nỗi lo lắng về người con trai thứ hai Chang Hee bị bắt, cùng với cảm giác bị những người ông từng tin tưởng phản bội.
Tháng 7 năm 1967, sau tám tháng kể từ khi Lee Byung Chul tuyên bố nghỉ hưu, tại cuộc họp Ban giám đốc Tập đoàn Samsung Lee Maeng Hee chính thức được trao quyền lãnh đạo tập đoàn.
“Sau này chúng tôi sẽ gửi gắm toàn bộ công việc của Samsung cho ông Lee Maeng Hee.”
Họ đã chính thức giao phó quyền điều hành cho người con trai trưởng của Lee Byung Chul là Lee Maeng Hee. Nhận quyền điều hành Samsung, Lee Maeng Hee đã nỗ lực không kể ngày đêm nhằm tái kiến thiết Samsung khi đó đang rơi xuống địa ngục vì vụ việc của công ty phân bón Hàn Quốc (Ngày 24 tháng 5 năm 1966 Công ty phân bón Hàn Quốc mà Samsung đang xây dựng đã ngụy trang 2.259 bao đường hóa học (khoảng 55 tấn) thành vật liệu xây dựng để mang đi tiêu thụ thì bị bại lộ). Tuy nhiên, với một người đàn ông ở độ tuổi 30 chưa có kinh nghiệm nên chưa đủ tài lực để tái kiến thiết một tập đoàn to lớn như Samsung và bất bình bắt đầu nảy sinh khắp nơi.
Một Samsung mà Lee Byung Chul gây dựng trong suốt 30 năm đã không thể vực dậy được chỉ với ý chí của một chàng thành niên trẻ tuổi. Những thành viên đồng sáng lập công ty cùng với nhân vật chủ chốt đã chính thức báo cáo với Lee Byung Chul rằng cứ theo đà này không chừng Samsung sẽ sụp đổ.
Cuối cùng, vài năm sau đó, vào ngày 12 tháng 6 đầu mùa hè năm 1968, Lee Byung Chul tuyên bố trở lại điều hành Samsung.
Cuối năm 1969, người anh thứ hai của Lee Kun Hee nộp đơn lên Nhà Xanh cáo buộc rằng cha mình – Lee Byung Chul đã thực hiện những hành vi bất chính như buôn lậu 1 triệu đô-la ra nước ngoài, công ty CJ và công ty Cheil Industries trốn thuế, khai khống tăng kinh phí nhiều hơn so với thực tế khi xây dựng chùa Hyeon Chung. Tuy nhiên, tổng thống Park Chung Hee đã không coi đây là một vấn đề lớn. Ông chỉ đưa ra chỉ thị tìm hiểu về vụ việc buôn lậu ngoại tệ và yêu cầu giải quyết. Khi biết được sự việc này Lee Byung Chul cho gọi Chang Hee và yêu cầu rời khỏi Hàn Quốc ngay lập tức, cho đến khi nào ông còn sống thì không được phép đặt chân quay lại đất nước Hàn Quốc.
Lee Byung Chul kể từ lúc này cũng bắt đầu nghi ngờ Lee Maeng Hee. Bởi Maeng Hee – một người có quan hệ tiếp xúc gần gũi với phía Nhà Xanh lại để cho một đơn tố cáo được đưa tới tay Tổng thống Park Chung Hee, điều này đủ để Lee Byung Chul nghĩ rằng Maeng Hee là kẻ đồng lõa.
Như vậy, cả con trai trưởng Maeng Hee và con trai thứ hai Chang Hee đã không có duyên với vị trí người thừa kế Tập đoàn Samsung. Đặc biệt, Lee Maeng Hee đã được trao một cơ hội rất lớn nhưng đã để vuột khỏi tầm tay. Trường hợp của con trai thứ hai Chang Hee đã để lại sự luyến tiếc cho mọi người. Nếu như ông cố gắng chịu đựng và nhẫn nại thêm một chút thì có thể mọi chuyện sẽ khác.
Hoàn cảnh của Lee Kun Hee đã lập tức quay 180 độ, vừa là nguy cơ đồng thời cũng là cơ hội lớn nhất đã tìm đến ông. Tục ngữ Anh có câu “Một người chèo thuyền giỏi không xuất thân từ vùng biển lặng sóng.” Đối với Lee Kun Hee khi đó mới 25 tuổi ông đã gánh vác nhiệm vụ quan trọng lãnh đạo Tập đoàn Samsung mà đáng lẽ là thuộc về người anh trai cả và anh trai thứ hai của ông. Tuy nhiên chỉ trong chốc lát sự tồn tại của hai người anh đã biến mất trước mắt ông. Trách nhiệm và nghĩa vụ quan trọng của một thuyền trưởng lái con tàu lớn có tên Samsung đã được chuyển toàn bộ sang cho Lee Kun Hee.
Có lẽ đây là áp lực lớn nhất mà Lee Kun Hee phải trải qua ở độ tuổi gần 30. Lúc bấy giờ, ông chỉ là một người lái thuyền bình thường không hơn không kém song đã phải chèo lái trên vùng biển xưa vốn lặng sóng thì nay đã thêm nhiều gió to sóng lớn do hai người anh trai tạo nên. Đây là nguy cơ cao nhất có thể khiến Lee Kun Hee bị gục ngã nhưng cũng là cơ hội có một không hai để ông có thể trở thành người thừa kế xứng đáng của Samsung.
Không trốn chạy và chấp nhận định mệnh là người thừa kế
Năm 1973, Lee Byung Chul đã nói với Lee Maeng Hee rằng, nếu không thể làm tốt được tất cả mọi việc thì hãy chỉ làm những việc mà bản thân có thể làm tốt. Đây cũng là lời nói hàm ý sâu xa, không chỉ có con trưởng – Lee Maeng Hee mới có thể trở thành người thừa kế. Hay nói cách khác, Lee Byung Chul đang nghĩ đến quyết định chọn một người mới cho vị trí này.
Và đúng như lời ông nói, vào tháng 9 năm 1976, đêm trước khi Lee Byung Chul sang Nhật để phẫu thuật khối u phổi, ông tập hợp mọi người lại và tuyên bố: “Sau này ta sẽ để cho Kun Hee dẫn dắt Samsung.”
Tất cả mọi người trong gia đình đều bất ngờ và đối với con trai trưởng là Lee Maeng Hee có lẽ cú sốc đó còn nặng nề hơn. May mắn thay vào đêm đó Lee Kun Hee vẫn đang ở Nhật.
Tháng 8 năm 1977, sau khi Lee Byung Chul trải qua cuộc phẫu thuật thành công tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Tokyo, ông đã tuyên bố Lee Kun Hee chính thức trở thành người thừa kế của Samsung.
Chủ tịch Watanabe Miti của Tập đoàn Dịch vụ Thực phẩm Watami, với doanh thu hàng năm đạt 1 nghìn 200 tỷ won, trong cuốn Tổ chức chiến đấu đã từng đề cập tới một trong những tư chất quan trọng mà nhà lãnh đạo phải có, đó là sức mạnh dám đối đầu và không trốn chạy.
“Không chạy trốn và dám đối đầu với thực tại. Chỉ cần điều đó thôi đủ chứng minh một người bình thường mang trong mình tư chất của một nhà lãnh đạo. Đó là người khi gặp phải một bài toán vượt quá khả năng của bản thân thì năng lực bản thân từ 100 sẽ trở thành 120. Sau đó, khi đối mặt với bài toán với độ khó 140 thì người ấy sẽ nâng năng lực lên 140 bằng cách trực tiếp đối đầu và giải quyết bài toán.”
Nếu coi câu nói trên là điều kiện cần thì Lee Kun Hee là một người có 200 phần năng lực và thậm chí còn hơn thế. Ông không trốn chạy mà thẳng thắn đối đầu với thực tại và tương lai bằng tinh thần ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ lớn lao mà bản thân được giao phó. Bằng cách xây dựng, thực hiện chiến lược và giải quyết những bài toán vượt quá tầm năng lực, một lần nữa ông đã cho thấy mình là một nhà lãnh đạo có năng lực vượt trội. Đây cũng chính là cái tôi (bản ngã) của Lee Kun Hee mà một người chưa từng tìm hiểu về ông cũng có thể phát hiện được.
Việc Lee Kun Hee – một người không phù hợp cả về thể chất lẫn năng lực lại có thể trở thành người thừa kế doanh nghiệp lớn – Samsung là vì tư chất và sự phi phàm được ẩn sâu bên trong. Một điều đáng ngạc nhiên hơn là ngay từ khi con nhỏ Lee Kun Hee đã tự mình rèn luyện và phát triển tư chất và sự phi phàm ấy một cách đầy chiến lược giống như con chim ác là cắp từng chiếc lá về xây tổ.
Thực tế có không ít những chiến lược gia vĩ đại được tôi luyện bằng kinh nghiệm, nỗ lực và tinh thần học tập không ngừng. Nhưng việc Lee Kun Hee thể hiện diện mạo mang phong thái của một nhà chiến lược ngay cả trước khi ông có được nỗ lực, kinh nghiệm và học tập ghi lại dấu ấn như một câu chuyện thần bí khác về ông.
Cuối cùng, ngày 29 tháng 2 năm1979 Lee Kun Hee đã vượt qua hai người anh ưu tú của mình trở thành phó chủ tịch Tập đoàn Samsung. Đây cũng là xuất phát điểm cho những bài học kinh doanh đầy gian khó. Nó diễn ra cho đến năm 1987 khi chủ tịch Lee Byung Chul qua đời.
Bài học về kinh doanh thời kỳ đầu dần dần trở thành thử thách khó khăn và kết thúc trong thất bại. Trước và sau thời điểm năm 1979 – năm ông nhậm chức phó chủ tịch, dự án đầu tiên mà ông đảm nhiệm là dự án mua lại Công ty Yoo Gong (nay là Công ty năng lượng SK). Nhưng dự án này cuối cùng đã thất bại. Tiếp đó, ông lại thử trong lĩnh vực phát triển tài nguyên ở nước ngoài, nhưng may mắn đã không mỉm cười và ông tiếp tục gặp thất bại. Nguyên nhân là vì cuộc biến động dầu mỏ lần 2 đã không kéo dài như dự tính ban đầu. Giá dầu thô nhanh chóng ổn định trở lại nên hiệu quả của dự án kinh doanh năng lượng bị giảm sút.
Kể từ đó, Lee Kun Hee phải trực tiếp đưa ra quyết định. Dường như Lee Kun Hee đang giẫm lên thất bại của người anh trai cả Lee Maeng Hee đã từng vấp phải. Vì vậy, việc ông bị coi thường là điều không tránh khỏi.
Những áp lực tinh thần mà Lee Kun Hee phải chịu đựng trong thời kỳ này có lẽ ngay cả những nhân viên đã và đang chật vật nhất nơi công sở cũng không thể tưởng tượng được. Những vị giám đốc của các công ty vừa và nhỏ trên đất nước Hàn Quốc hẳn đều hiểu rằng khi bản thân phải chịu toàn bộ trách nhiệm về một điều gì đó là một việc khó khăn đến mức nào. Do đó, trong thời kỳ khủng hoảng tiền tệ IMF rất nhiều giám đốc của các công ty vừa và nhỏ đã đi đến sự lựa chọn cực đoan. Bởi vì, khi quyền hạn và địa vị càng cao thì trách nhiệm và nghĩa vụ mà họ phải gách vác lại càng lớn.
Thách thức thất bại tiếp nối thất bại
Kể từ sau khi được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch tập đoàn, tinh thần của Lee Kun Hee sa sút trầm trọng vì những thất bại trong việc mua lại Công ty Yoo Gong và dự án năng lượng. Đặc biệt, vào năm 1982, ba năm kể từ khi giữ chức phó chủ tịch, Lee Kun Hee – người từng yêu thích ô tô và tốc độ, đã gặp tai nại khi đâm vào một chiếc xe trên đại lộ Yang Jae. Tai nạn xảy ra và ông bị hất ra khỏi xe.
Không chỉ có vậy, những tin đồn, tai tiếng rùm beng liên tiếp càng khiến ông thêm mệt mỏi. Ông đã phải ra nước ngoài sống cho đến năm 1986. Cũng chính lúc này, một nhân vật người Nhật Bản đã trở thành niềm an ủi đối với ông là Tokugawa Ieyasu – người có thể được tôn là bậc thầy của sự nhẫn nại.
“Tôi nghĩ rằng có những người đã nhẫn nại chịu đựng sự chỉ đạo của người khác trong suốt 48 năm, vậy có gì mà tôi không thể làm được.”
Người phải “ngậm đắng nuốt cay” nhẫn nhịn dưới quyền của kẻ khác suốt quãng thời gian dài dặc mà ông nói đến chính là Tokugawa Ieyasu. Với 13 năm sống trong cảnh bị bắt làm con tin, 20 năm dưới quyền của Nobunaga và 15 năm dưới quyền của Toyotomi, Ieyasu đã để lại cho đời sau một câu nói bất hủ: “Cuộc đời giống như một con đường dài nặng gánh, vì vậy tuyệt đối không nên vội vàng.” Có lẽ câu nói này của Ieyasu đã khắc sâu trong thâm tâm Lee Kun Hee khó có thể xóa nhòa.
Giống như Tokugawa Ieyasu trị vì thiên hạ sau khi đã nhẫn nại kiên trì chờ đợi được nghe tiếng chim hót, Lee Kun Hee nghĩ rằng nếu mình kiên nhẫn và chịu đựng thì cơ hội sẽ tìm đến. Ông đã chuẩn bị và chờ đợi thời cơ bằng cách tự học tập và tìm tòi. Chính tinh thần ham học, say mê tìm tòi, nỗi cô độc và đam mê là những thứ ông đã chuẩn bị cho bản thân mình.
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn và nghịch cảnh. Tuy nhiên, có người sẽ vượt qua khó khăn và nghịch cảnh đó để ngày càng vươn xa hơn, ngược lại, cũng có người bị chính gian nan, thử thách đó vùi dập không thể thoát ra được. Và càng với những nhân vật vĩ đại thì những khó khăn và nghịch cảnh đó lại càng lớn.
Dự cảm trước được cái chết của mình, để khích lệ các học trò dễ dàng vượt qua mọi khó khăn khi tôn sư qua đời, Mạnh Tử đã từng nói như sau:
“Ông trời trước khi giao việc lớn cho một người đều gây khó dễ cho họ. Ông trời bắt họ phải làm việc cật lực, khiến họ đói khát, làm cho cuộc sống của họ túng thiếu và mỗi việc họ làm đều không được như mong muốn. Điều này là để rèn giũa tâm trí, nuôi dưỡng tính nhẫn nại và giúp cho họ làm được những việc mà bình thường bản thân họ cho là không thể. Chẳng phải Thuận Đạo đã được tiến cử trong khi làm việc đồng áng, Phó Thuyết từ một kẻ đi xây thành trở thành nhân tài được trọng dụng và Quản Trọng cũng được trọng dụng khi đang ở trong ngục đó sao?”
Giống như lời giáo huấn của Mạnh Tử, những khó khăn và nghịch cảnh xảy ra với Lee Kun Hee, là do sự sắp đặt để giúp ông rèn tính kiên trì và chịu đựng trước khi đảm nhận việc lớn. Trải qua thời kỳ đầy khó khăn và nghịch cảnh đó, Lee Kun Hee đã trở thành nhà lãnh đạo điềm tĩnh hơn, biết nhẫn nại hơn và không hề chần chừ khi quyết định những vấn đề hệ trọng. Nhờ những khó khăn, nghịch cảnh đó mà Lee Kun Hee đã có thêm sự nhẫn nại và điềm tĩnh để hoàn thành những vai trò tưởng chừng như ông không thể nào thực hiện được.
Chủ động học tập và nỗ lực chính là nhân tố cần thiết trong việc nuôi dưỡng và phát triển con người. Và cần một điều kiện khác nữa, đó chính là thời gian. Người không biết nhẫn nại, đợi chờ và chịu đựng sẽ không bao giờ làm được chuyện lớn. Thậm chí để ăn được một món ăn ngon chúng ta cũng phải biết chờ đợi. Và Lee Kun Hee là một trong những người hội tụ đầy đủ tố chất của một người nhẫn nại.
Theo quy luật của tự nhiên, thời điểm ngay trước khi mặt trời mọc vào buổi sáng là lúc trời tối nhất. Và khi khoảnh khắc tối tăm nhất ấy đi qua cũng là lúc ánh sáng mặt trời soi tỏa khắp thế gian. Cuộc đời cũng vậy. Ai cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn và thử thách. Khi cảm thấy mệt mỏi và bí bách nhất là lúc ta nhất định phải chịu đựng. Bởi thời điểm để chúng ta vượt lên đã ở ngay trước mắt.
Lee Kun Hee đã trở thành người lãnh đạo Tập đoàn Samsung khi còn rất trẻ, 46 tuổi. Ngày 1 tháng 12 năm 1987, đã diễn ra lễ nhậm chức của tân chủ tịch Tập đoàn Samsung. Với sự tham gia của 1.300 thành viên của tập đoàn bao gồm ban giám đốc, lãnh đạo cấp cao và đại diện nhân viên, Lee Kun Hee mặc dù chỉ là người con trai thứ ba của Lee Byung Chul nhưng đã vượt qua hai người anh của mình để trở thành chủ tịch tập đoàn.
Sau khi trở thành người thừa kế của Samsung, ông đã trải qua 15 năm khó khăn. Có lẽ quãng thời gian dài của thách thức và nhẫn nại đó chính là tiền đề quan trọng giúp ông đủ tự tin và tâm thế để trở thành một nhà kinh doanh cứng rắn và quyết đoán hơn trước.
Năm 1988 – một tháng sau khi ông nhậm chức – đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tập đoàn Samsung. Lễ kỷ niệm đã được tổ chức trang trọng tại Nhà thi đấu Thể dục dụng cụ Olympic tại Seoul. Tại đây Lee Kun Hee đã tuyên bố Sáng lập lần thứ hai của Samsung với lời hứa vì “một ngày mai vĩ đại” của một sinh mệnh lớn lao. Trong không khí trang trọng của sự kiện ấy, Lee Kun Hee bắt đầu trăn trở. Phải làm thế nào để tạo ra một Samsung khác với hình ảnh Tập đoàn Samsung vững mạnh đã được điều hành theo phong cách của Lee Byung Chul – cha ông và đưa nó lên vị trí doanh nghiệp hàng đầu thế giới?
Ở cương vị chủ tịch không có nghĩa là mọi việc đã xong xuôi. Kể từ đây, cuộc sống thực sự của nhà lãnh đạo mới chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, chính những nhân viên thân cận nhất của cha ông – Lee Byung Chul – những người mở đường lại vô cùng cứng rắn và cũng là đối tượng cần cải cách hơn ai hết. Lấy trứng chọi đá – một tảng đá vô cùng kiên cố như Samsung thì cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đợi thời cơ. Trưởng phòng thư ký của Samsung – So Byung Hae – người đã tâm huyết và làm việc như cánh tay phải của Lee Byung Chul, được coi là hiện thân của Lee Byung Chul và là người có quyền cao nhất ở Samsung. Những công việc kinh doanh thường nhật của Samsung không phải do Lee Byung Chul mà do So Byung Hae trực tiếp điều hành. Vì trong thời gian này, một năm thì có khoảng hơn bốn tháng Lee Byung Chul sống tại Nhật.
Trách nhiệm nặng nề nhất ngay sau khi nhậm chức là cái bóng quá lớn của cha
Từ năm 1987, khi nhậm chức chủ tịch đến năm 1993, khi tuyên bố chiến lược kinh doanh mới, trong vòng 5 năm ấy, Lee Kun Hee không phải một chủ tịch thực sự. Không sai nếu nói rằng đó là thời kỳ mà ông không thể cho người ta thấy được khả năng lãnh đạo đặc biệt. Dự án thu mua Công ty Micro Five (MFC) và dự án thành lập công ty liên doanh với Pai Osa của Pháp mà ông triển khai ngay sau khi nhậm chức đã không đạt được thành quả đáng kể nào. Vì thế ông bị đem ra so sánh với cha mình – người từng tự hào với chiến tích bất khả chiến bại trong kinh doanh.
Toàn thể nhân viên, phòng thư kí, ngôn luận và người dân Hàn Quốc đã thể hiện sự lo ngại về Lee Kun Hee và có lẽ chính điều này đã vô hình trung tạo ra cho ông sự căng thẳng và áp lực.
“Liệu Lee Kun Hee có thể dẫn dắt Samsung tốt như Lee Byung Chul không?”
Câu nói ấy được truyền tới tai Lee Kun Hee và nó gây ra áp lực nặng nề đối với ông. Những khó khăn và áp lực ấy khác xa so với áp lực và căng thẳng mà một nhân viên bình thường làm việc trong công ty gặp phải. Có lẽ đây cũng là thời kỳ khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời đối với cá nhân Lee Kun Hee. Nếu lúc đó Lee Kun Hee lãnh đạo Samsung theo lối vận hành xưa cũ giống như hình thức kinh doanh thế hệ thứ 2 khác thì bây giờ, như lời ông đã nói, Samsung có thể đã không còn tồn tại.
Vào năm 1997, ông xuất bản cuốn tuyển tập các bài luận và nếu đọc tuyển tập này ta sẽ thấy rõ ông đã phải trải qua thời kỳ căng thẳng, mệt mỏi đó như thế nào kể từ sau khi nhậm chức.
“Sau khi nhậm chức, vào năm 1987, tôi cảm thấy thực sự hoang mang. Nền kinh tế thế giới đang cho thấy những điểm tối của sự tăng trưởng thấp và bóng đen cũng đang bao phủ nền kinh tế Hàn Quốc. Một năm sau khi nhậm chức (1988), tôi đã tuyên bố Sáng lập công ty lần thứ hai và nhấn mạnh đến sự thay đổi, cải cách. Thế nhưng không có gì thay đổi dù nhiều năm đã trôi qua. Một thể chế (tổ chức) kiên cố trong 50 năm qua quả là quá vững chắc. Samsung không thể thoát ra khỏi sự lầm tưởng rằng mình vẫn là số 1. Đặc biệt, tôi đã bị mắc chứng mất ngủ từ suốt mùa hè cho đến mùa đông năm 1992. Tôi cảm thấy vô cùng nguy cấp khi có cảm giác rằng cả Samsung sẽ sụp đổ chứ không phải chỉ mất đi một hay hai dự án. Khi đó một ngày tôi ngủ không quá bốn tiếng. Người một bữa ăn đến ba suất bulgogi (thịt bò xào của Hàn) mới thấy đủ như tôi bỗng mất cảm giác thèm ăn đến mức một ngày tôi chỉ ăn qua loa một bữa. Năm đó tôi đã sút 10kg.”
Nếu suy nghĩ một cách đơn thuần, ta có thể nghĩ rằng Lee Kun Hee chỉ thừa hưởng và duy trì vị trí chủ tịch mà cha ông đã dọn sẵn đường. Vậy có gì là mệt mỏi và khó khăn? Thế nhưng với những người đã thử kinh doanh dù chỉ một lần chắc chắn sẽ hiểu rõ rằng so với việc duy trì công ty thì việc tổ chức lại và phát triển nó còn khó khăn hơn nhiều. Và vai trò của một nhà lãnh đạo lại càng quan trọng hơn khi đó là một tập đoàn, không chỉ đơn thuần là 1 hay 2 mà là hàng chục công ty hợp lại.
Tại sao nhiều thế hệ kinh doanh thứ hai lại coi điều hành là việc quá dễ dàng và phá hỏng nó?
Nguyên nhân ở chỗ là kinh doanh không hề đơn giản như vậy. Những nhà sáng lập ra công ty bình thường ngắn cũng từ mười năm cho đến trên 20 năm, mà dài cũng phải từ 30 năm cho đến 40 năm mới có thể điều hành một cửa hàng nhỏ. Sau đó từng bước một học hỏi, nghiên cứu, lĩnh hội công việc kinh doanh để leo lên được vị trí nhà kinh doanh, nhưng những người thuộc thế hệ kinh doanh thứ hai thường rút ngắn quãng thời gian dài cần có để tích lũy và lĩnh hội những kinh nghiệm thực tiễn và khả năng kinh doanh. Họ được thừa kế vị trí của một nhà lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp nhưng lại không chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉ mang những thứ viển vông ra bàn luận. Chính vì thế, phần lớn các doanh nghiệp sẽ sớm bị phá hủy.
Con đường chông gai lại tiếp tục mở ra
Nếu như năm 2002 là năm đỉnh cao trong sự nghiệp của Lee Kun Hee và trong lịch sử Samsung, thì năm 2005 lại là năm tối tăm nhất trong cuộc đời ông với muôn vàn tai ương ập đến.
Tại lễ nhận bằng Tiến sĩ danh dự về Triết học của Đại học Goryeo, ông đã gặp phải sự phản đối và lăng mạ của nhiều sinh viên. Hơn nữa, sự kiện này do phía nhà trường nằng nặc mời ông tham gia chứ không phải ông chủ động đề xuất nhận học vị đó.
Sự việc trên là chỉ là mở màn cho những khó khăn liên tiếp mà ông sắp gặp phải. Tiếp đó, ngày 22 tháng 7 cùng năm, Hồ sơ tuyệt mật bị đưa tin rộng rãi trên truyền hình, làn sóng phản đối ngày càng lan rộng. Trước cửa trụ sở chính của Samsung, hơn 110 đoàn thể lao động nhân dân đã chủ trì tổ chức lễ thắp nến nhằm yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc Samsung đưa hối lộ và nghe lén Cơ quan an ninh quốc gia (nay là Viện thông tin quốc gia). Buổi lễ này diễn ra đều đặn vào 7 giờ tối thứ 5 hàng tuần ngay trước trụ sở Samsung trong suốt một thời gian dài. Họ hát bài “Đại Hàn dân quốc là nước Cộng hòa Samsung hay sao?“ và hô khẩu hiệu yêu cầu “Bắt giữ Lee Kun Hee và công khai Hồ sơ tuyệt mật”.
Sự tàn nhẫn còn ập đến với cả gia đình ông vào ngày 18 tháng 11 năm 2005 khi Lee Yoon Hyeong, con gái út mà ông coi như báu vật đã treo cổ tự tử tại chung cư ở New York. Kẻ đầu bạc đưa tiễn kẻ đầu xanh, không biết ông đã phải than khóc, thức trắng đêm bao nhiêu trong nỗi đau và cú sốc lớn lao đó? Đối với bất cứ người cha nào, đây có lẽ là nỗi đau và là một thử thánh quá tàn nhẫn.
Việc sắp đặt trái phiếu chuyển đổi (Convertible bonds) của Everland Samsung cũng vỡ lở trong thời kỳ này. Tóm lại, năm 2005 với Lee Kun Hee là năm tăm tối nhất.
Thế nhưng khó khăn thử thách vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng 10 năm 2007, sự kiện quỹ đen bị tố giác do tuyên bố lương tâm của nguyên trưởng phòng pháp chế bộ phận tái cơ cấu Tập đoàn Kim Yong Cheol đã khiến Lee Kun Hee phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất chưa từng có.
Tiếp đó, những nghi ngờ về quỹ đen hay thừa kế tài sản một cách bất hợp pháp cũng khiến Lee Kun Hee liên tiếp gặp khó khăn. Cuộc thanh tra đặc biệt Samsung đã được tiến hành nhằm điều tra những vụ việc phi pháp của Lee Kun Hee với tâm điểm xoay quanh sự việc nghi ngờ ông tạo ra quỹ đen của Samsung, sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác. Phòng làm việc riêng cũng như nhà của những người thân cận của ông bị kiểm tra và tịch thu. Đặc biệt, việc điều tra xem ông có vận động hành lang để giúp Lee Jae Yong thừa kế quyền kinh doanh hay không, cùng với việc nghi ngờ rằng ông đã trích lập một quỹ đen với khoản tiền lớn để hối lộ các đối tượng như: chính trị gia, kiểm sát viên, quản lý chính phủ,… cũng đã được tiến hành.
Vụ điều tra đặc biệt về cổ phiếu mượn tên người khác trị giá 400 triệu won (400 nghìn đô-la) đã bị phát hiện và nghi ngờ về việc Lee Kun Hee có can thiệp vào việc thừa kế bất hợp pháp của con trai và con gái ông được làm sáng tỏ. Trước tình hình đó, Lee Kun Hee buộc phải tuyên bố rút lui khỏi vị trí lãnh đạo vào năm 2008 trước quốc dân.
Tuy nhiên, cuộc điều tra đặc biệt này xét ở khía cạnh nào đó, lại trở thành cơ hội chuyển họa thành phúc khi ông chủ trương rằng tài sản do người khác mang tên ấy là tài sản thừa kế, do đó ông được sở hữu độc quyền với tài sản đó mà không phải đóng thuế. Nhưng vào ngày 14 tháng 2 năm 2012, người anh cả của ông là Lee Maeng Hee lại kiện ông ra tòa yêu cầu hoàn trả tài sản thừa kế, khiến ông thêm một lần nữa phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng lớn hơn. Những thử thách và khủng hoảng lặp đi lặp lại trong cuộc đời ông xâu chuỗi lại có thể trở thành một bộ phim truyền hình dài tập.
Một lần nữa, ác mộng về việc điều tra đặc biệt Samsung đã quay trở lại và lần này ông lại phải đối mặt với tình thế khủng hoảng lớn hơn. Tôi tò mò không biết liệu rằng Lee Kun Hee sẽ thoát khỏi khủng hoảng lần này như thế nào.
Lee Kun Hee là người tuyệt đối không bị lung lay dù cho những thử thách và nghịch cảnh lớn từ bên ngoài có gây áp lực lớn như thế nào. Và càng ở trong tình huống khó khăn, ông lại càng có thêm sức mạnh để phát triển Samsung hơn nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.