Âm Mưu Ngày Tận Thế

CHƯƠNG 15



Ngày thứ tư – London.
Thứ năm, ngày 18 tháng Mười.
Leslie Mothershed có thần tượng là Robin Leach. Là một người ham mê chương trình “Phong cách của những người giàu có và nổi tiếng”, Mothershed chăm chú theo dõi cách đi đứng, ăn mặc và nói năng của những vị khách của Robin Leach, bởi vì anh ta tin rằng một ngày nào đó, mình cũng sẽ xuất hiện trên chương trình nầy. Từ khi còn là một cậu bé, anh ta đã cảm thấy rằng số mệnh của mình là phải trở thành một nhân vật nào đó, giàu và nổi tiếng.
– Con là người rất đặc biệt đấy, – mẹ anh ta vẫn thường nói. – Con của mẹ rồi đây sẽ nổi tiếng khắp thế giới.
Cậu bé con thường đi ngủ với lời nói đó vang vang trong tai cho đến khi cậu ta thực sự tin là như thế.
Khi lớn lên, Mothelshed biết rằng mình có những khó khăn: Cậu ta không hề biết rõ mình sẽ trở nên nổi tiếng và giàu có bằng cách nào. Một dạo, Mothershed ám ảnh với ý nghĩ sẽ trở thành một ngôi sao màn bạc, thế nhưng cậu ta lại có tính nhút nhát khác thường. Cũng đã thoáng thèm muốn trở thành một ngôi sao bóng đá, nhưng cậu ta lại không phải là một vận động viên. Rồi lại nghĩ tới việc trở thành một khoa học gia nổi tiếng, hay một luật gia vĩ đại, có trong tay những ngân khoản khổng lồ. Thật không may, học lực của cậu ta vào loại xoàng và rồi cậu ta rời ghế nhà trường mà cũng không gần hơn được chút nào với ước vọng. Đơn giản là cuộc sống nầy không công bằng. Về mặt thể lực, trông cậu thật thiếu cảm tình, gầy, với nước da xanh nhợt, ốm yếu và cậu thấp tủn, chỉ có một mét sáu lẻ một chút. Mothershed luôn nhấn mạnh tới cái chỗ lẻ ấy. Cậu tự an ủi mình với một thực tế là những người nổi tiếng đều có khổ người thấp: Napoléon, Dudley Moore, Dustin Hoffman, Peter Falk…
Nghề duy nhất thực sự làm cho Leslie Mothershed thấy thích thú là chụp ảnh. Song nó thật là đơn giản. Ai cũng có thể làm được. Người ta chỉ cần ấn cái nút.
Mẹ cậu đã mua cho cậu một cái máy ảnh nhân sinh nhật lần thứ sáu của cậu và đã không tiếc lời ngợi ca những tấm ảnh mà cậu chụp được. Khi lên mười, Mothershed đã tin rằng cậu là một nhà nhiếp ảnh sáng giá. Cậu tự nhủ rằng mình hoàn toàn có tài như Ansel Adams, Richard Avedon, hay Margaret Bourke White. Với một khoản cho vay của bà mẹ, Leshe Mothershed đã mở một hiệu ảnh ngay trong cái căn hộ ở Whitechpel của mình.
– Hãy bắt đầu bằng việc nhỏ, – bà mẹ nói, – nhưng nghĩ lớn. Và đó chính là điều Leslie đã làm. Anh ta bắt đầu rất nhỏ và nghĩ thì rất lớn, nhưng thật không may là anh ta không hề có tài năng nhiếp ảnh. Anh ta chụp những cuộc diễu hành, những con vật, những bông hoa và tin tưởng gửi chúng cho tất cả các tờ báo và tạp chí, và chúng luôn luôn bị gửi trả. Mothershed tự an ủi mình rằng tất cả những thiên tài đều đã bị phản bác trước khi tài năng của họ được công nhận. Anh ta tự cho mình là một kẻ tử vì đạo trước chủ nghĩa vật chất tầm thường.
Và rồi, từ trên trời cơ hội lớn cho anh ta đã tới. Người anh em họ của bà mẹ anh ta, làm việc cho hãng xuất bản Anh Harper Collins, tiết lộ vớí Mothershed rằng họ đang chuẩn bị làm một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Thuỵ Sĩ.
– Lislie, họ vẫn chưa chọn được người nhiếp ảnh vậy cháu nên sang Thuỵ Sĩ ngay đi và mang về vài tấm ảnh có tầm cỡ thì cuốn sách nầy có thể sẽ là của cháu.
Lislie Mothershed vội vã thu xếp hành trang và lên đường đi Thuỵ Sĩ. Anh ta biết, một cách thật sự, rằng đây chính là cơ hội mà anh ta đã tìm kiếm. Cuối cùng thì những kẻ ngu ngốc cũng sắp phải công nhận một tài năng. Anh ta thuê một chiếc xe ở Geneva và đi khắp nơi chụp hình những ngôi nhà gỗ kiểu Thuỵ Sĩ, những thác nước, và những đỉnh núi cao tuyết phủ. Anh ta chụp cảnh hoàng hôn, bình minh và cảnh những người nông dân đang làm việc trên những cánh đồng.
Và rồi, giữa những thứ đó, số mệnh đã can thiệp và thay đổi cuộc sống của anh ta. Trên đường đến Bern, động cơ xe của anh ta bị hỏng. Anh ta dừng xe lại bên lề đường, bực tức. Vì sao lại là mình? Anh ta ngồi đó, cáu kỉnh, tiếc cho thời gian bị mất và món tiền phải trả để kéo xe đi sửa. Mothershed rên rĩ, vì sao những chuyện nầy luôn xảy ra với mình nhỉ? Phía sau anh ta mười lăm kilômét là làng Thun. Mình sẽ gọi xe kéo ở đó, Mothershed nghĩ. Như vậy thì không đến nỗi quá đắt.
– Anh ta vẫy một chiếc xe chở dầu chạy ngang.
– Tôi cần một cái xe kéo, – Mothershed giải thích. – Anh có thể dừng lại một cái gara nào đó ở Thun và bảo họ đến đây hộ tôi được không?
Người lái chiếc xe bồn lắc đầu.
– Hôm nay là chủ nhật anh bạn ạ. Gara gần nhất có thể vẫn làm việc sẽ phải là Bern.
– Bern à? Từ đây đến đó phải năm chục kilômét.
– Tôi sẽ phải trả cả đống tiền mất.
Người lái xe bồn mỉm cười.
– Đúng thế. Ở đó họ sẽ tính giá làm ngày chủ nhật mà. – Và anh ta rồ ga chuẩn bị cho xe chạy.
– Gượm đã. – Nhà nhiếp ảnh khó khăn lắm mới thốt ra lời.
– Tôi sẽ trả tiền cho chiếc xe kéo từ Bern.
– Được, tôi sẽ bảo họ phái ai đó đến đây.
Lislie Mothershed ngồi buồn nản trong chiếc xe hỏng của mình. Tất cả những gì mình cần là thế nầy đây, anh ta cay đắng nghĩ. Anh ta đã chi quá nhiều tiền để mua phim và bây giờ lại sẽ phải trả tiền cho một thằng ăn cắp nào đó để kéo chiếc xe nầy đi. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ dài đằng đẵng, chiếc xe kéo mới đến. Khi người thợ máy bắt đầu móc sợi dây cáp từ chiếc xe tải vào chiếc xe của anh ta thì từ phía bên kia con đường có một vầng sáng loá, kèm theo là một tiếng nổ lớn, và Mothershed ngẩng lên, thấy một vật thể sáng loá rơi từ trên trời xuống. Chiếc xe duy nhất khác trên xa lộ lúc bấy giờ là một chiếc bus du lịch, và nó dừng lại sau chiếc xe của Lislie. Hành khách trên chiếc xe bus vội vã chạy về phía xảy ra vụ tai nạn. Mothershed lưỡng lự, giằng xé giữa tính tò mò và việc muốn tiếp tục lên đường. Anh ta quay người và đi theo những hành khách của chiếc xe bus.
Khi đến nơi xảy ra sự cố, anh ta đứng đó chết lặng.
Lạy Chúa, anh ta nghĩ, đó không phải là sự thật. Anh ta nhìn chằm chằm vào chiếc đĩa bay… Lislie Mothershed đã nghe chuyện về những vật thể lạ và đã đọc về chúng, nhưng chưa bao giờ anh ta tin rằng chúng có thật.
Anh ta há hốc mồm, kinh hãi trước cái cảnh tượng kỳ quái. Vỏ chiếc đĩa bay đã bị tung ra, và anh ta có thể thấy hai cái xác ở trong đó, nhỏ thó, với những cái đầu to, mắt trũng, không có tai và gần như không có cằm. Họ có vẻ như đang mặc những bộ quần áo bằng kim loại màu bạc.
Nhóm du khách chung quanh anh ta đứng nhìn trong sự im lặng ghê sợ. Người đàn ông đứng cạnh anh ta ngất xỉu. Một người đàn ông khác quay đi và nôn mửa. Một tu sĩ có tuổi nắm chặt lấy chuỗi hạt và cứ lảm nhảm điều gì đó.
– Lạy Chúa, – ai đó nói. – Đó là một cái đĩa bay.
Và đối với Mothershed thì đó chính là lúc Chúa hiện hình. Một điều kỳ diệu đã rơi ngày vào trong lòng anh ta. Anh ta, Lislie Mothershed, đã có mặt tại chỗ, với máy ảnh, để ghi lại câu chuyện thế kỷ nầy.
Không một tờ báo hay tạp chí nào trên thế giới nầy lại bác tấm hình mà anh ta sắp chụp. Một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Thuỵ Sĩ ư? Thiếu chút nữa thì anh ta cười váng lên với cái ý nghĩ đó. Anh ta sắp làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên. Tất cả các chương trình của Robin Leach đầu tiên. Anh ta sẽ bán những tấm hình của mình cho các tờ London Times, Sun, Mail, Mirror – Cho tất cả các báo chí tiếng Anh và cho cả các báo chí nước ngoài nữa – Le Figaro và Paris Match, Oggi và Der, Tag, Time và USA Today. Báo chí khắp nơi sẽ năn nỉ để có được những tấm ảnh của anh ta. Nhật Bản và Nam Phi, Nga và Trung Quốc và không biết những đâu nữa. Mothershed thấy tim mình đập rộn lên vì quá hồi hộp. Mình sẽ không cho kẻ nào được độc quyền cả. Từng tờ báo sẽ phải trả tiền trực tiếp cho mình. Mình sẽ bắt đầu với giá một trăm nghìn bảng một tấm, có thể là hai trăm ngàn. Và mình sẽ bán đi bán lại. Anh ta bắt đầu sốt sắng nhẩm tính số tiền sắp sửa thu được.
Lislie Mothershed mải mê với tương lai may mắn của anh ta đến mức suýt quên cả việc chụp ảnh.
– Ôi lạy Chúa. Xin lỗi, – anh ta nói, không biết là với ai nữa, và chạy như bay trở lại xe để lấy bộ độ nghề chụp ảnh.
Người thợ máy đã nâng bổng một đầu chiếc xe hỏng lên và sẵn sàng kéo nó đi.
– Chuyện gì đang xảy ra ở đó thế? – Anh ta hỏi.
– Hãy lại đó mà xem. – Mothershed đáp.
Hai người chạy ngang qua đường về phía cánh rừng, và Mothershed chen qua đám du khách.
– Xin lỗi, xin lỗi.
– Anh ta điều chỉnh ống kính máy ảnh và bắt đầu chụp cái vật thể bay lạ kia với những hành khách kỳ dị của nó. Mỗi khi tiếng máy kêu tạch, Mothershed lại nghĩ, Một triệu bảng… một triệu bảng nữa… một triệu bảng nữa.
Vị tu sĩ bước qua chỗ anh ta và nói:
– Đó là gương mặt của quỷ Satăng.
Satăng, mẹ kiếp, Mothershed hào hứng nghĩ. Đó là gương mặt của tiền bạc. Đây sẽ là những bức ảnh đầu tiên chứng tỏ rằng thật sự có tồn tại những đĩa bay. Và rồi, đột nhiên, một ý nghĩa khủng khiếp nảy ra trong đầu anh ta. Nếu những tờ tạp chí chết tiệt kia cho rằng những tấm ảnh là giả thì sao? Đã có hàng đống những tấm ảnh giả về những vật thể bay lạ. Cơn hào hứng của anh ta biến mất. Nếu như họ không tin mình thì sao? Và đó là lúc Lislie Mothershed chợt có một ý nghĩ khác.
Có chín nhân chứng đang đứng xung quanh anh ta. Dù chỉ là vô tình, họ sẽ xác nhận tính chân thực cho phát hiện của anh ta.
Mothershed quay lại trước nhóm du khách.
– Thưa quý bà và quý ông, – anh ta nói to. – Nếu tất cả quý vị muốn có ảnh của mình được chụp ở đây, xin đứng thành hàng và tôi vui lòng được gửi cho mỗi vị một tấm, tặng không thôi.
Những tiếng kêu lên vui vẻ. Chỉ trong tích tắc, các du khách trên chiếc xe bus, trừ vị tu sĩ, đã đứng thành hàng bên cạnh xác của chiếc vật thể bay kia. Vị tu sĩ đầy vẻ ái ngại. Ông ta nói:
– Tôi không thể, đó là quỷ dữ.
Mothershed cần vị tu sĩ. Ông ta sẽ là nhân chứng có sức thuyết phục nhất trong tất cả.
– Đó chính là vấn đề, – Mothershed cố thuyết phục. – Cha không thấy sao? Đây chính là lời chứng của cha về sự tồn tại của quỷ dữ.
Và sau cùng thì vị tu sĩ đã bị thuyết phục.
– Đứng giãn ra một chút, – Mothershed yêu cầu, – để chúng ta còn có thể nhìn thấy cái đĩa bay chứ.
Các nhân chứng sửa lại chỗ đứng.
– Được rồi. Rất tốt. Tuyệt. Giữ nguyên thế nhé, nào.
– Anh ta chụp khoảng nửa tá ảnh nữa và lấy ra một cái bút chì và một mẩu giấy.
– Nếu như các vị ghi tên và địa chỉ lại, tôi sẽ lo để mỗi vị nhận được một tấm ảnh.
Anh ta không có ý định gửi tấm ảnh nào đi cả để mỗi vị nhận được một tấm ảnh. Tất cả những gì anh ta muốn chỉ là những nhân chứng để chứng thực mà thôi. Hãy để mặc những tờ báo và tạp chí chết tiệt kia lo chuyện đó.
Và rồi, đột nhiên, anh ta nhận thấy một vài người trong nhóm du khách kia cũng có máy ảnh. Anh ta không thể để cho ai nữa ngoài anh ta có những bức ảnh nầy. Chỉ có những tấm ảnh đề “Do Lislie Mothersheđ chụp” mới được tồn tại mà thôi.
– Xin lỗi, – anh ta nói với tất cả. – Những ai trong số quý vị có máy ảnh, nếu các vị muốn tôi sẽ chụp giúp để các vị có vài tấm trong máy của chính các vị.
Những chiếc máy ảnh được nhanh chóng trao cho Lishe. Khi anh ta quỳ xuống để lấy khuôn hình cho lần chụp đầu, không ai để ý thấy rằng Mothershed bật mở buồng phim và cứ để nó hở như thế. Thế, một chút ánh sáng mặt trời tươi đẹp nầy sẽ giúp cho những tấm ảnh biến mất. Thật tệ, các bạn của tôi, nhưng chỉ có những người chuyên nghiệp mới được phép chớp lấy các cơ hội lịch sử của bọ.
Mười phút sau, Mothershed đã có tất cả tên và địa chỉ của đám khách du lịch. Anh ta nhìn chiếc đĩa bay một lần cuối và phấn khởi nghĩ: Mẹ nói thật đúng, mình sẽ trở nên giàu có và nổi tiếng.
Anh ta không thể nào đợi tới lúc quay trở về London để rửa những tấm ảnh quý giá kia.
– Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế nhỉ?
Suốt đêm, các đồn cảnh sát ở khu vực Uctendort ngập trong những cú điện thoại.
– Có kẻ nào đó cứ lảng vảng xung quanh nhà tôi…
– Có những thứ ánh sáng lạ phía bên ngoài…
– Đàn gia súc của tôi đang phát điên lên. Hẳn phải có những con sói đâu đây…
– Có ai đó làm khô kiệt máng nước của nhà tôi…
Và cú điện thoại khó giải thích trong số đó:
– Nầy, sếp, ngài nên phái nhiều xe kéo ra trục xa lộ chính ngay đi thôi. Một cơn ác mộng. Tất cả giao thông đã ngừng trệ.
– Cái gì hả? Vì sao?
– Không ai biết cả. Tất cả các động cơ xe đều chết đột ngột.
Đó là một đêm mà họ sẽ không bao giờ quên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.