Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 16



Nghe xong, Vadim rất thông cảm với Ocxana, nhưng không đưa ra được phương cách nào để tìm ra thủ phạm đã giết Marina “Nai con” và Andrei.
– Chuyện này thì tôi chịu – Vadim thú thật – Tôi không có khả năng về loại chuyện đó. Chỉ còn một cách là cô đến gặp cơ quan cảnh sát và kể họ nghe tất cả những gì cô biết xung quanh hai vụ án mạng ấy. Biết đâu sẽ giúp được họ tìm ra thủ phạm.
– Em hoang mang quá – Ocxana rên rỉ – Sao em lại đến nông nỗi này kia chứ? Hai năm nhẫn nhục phục vụ hắn, vậy mà hắn coi trọng đồng tiền hơn em…
– Nhưng tôi còn chưa hiểu một điều: sao thằng cha gác cửa lại cho tên tội phạm ấy vào gặp Giám đốc mà không ngăn lại nhỉ?
– Vì hắn đến cùng với tên vệ sĩ Vova của Exipov.
– Vậy à? Chuyện lý thú đấy! – Vadim nói vẻ hy vọng.
– Lý thú thế nào?
Đột nhiên Oexana tủi thân vô cùng. Vadim chỉ coi cô là phương tiện để ông ta kiếm tiền. Trong con mắt Vadim, Ocxana chỉ là một đồ vật, không phải con người, chưa nói đến là một cô gái xinh đẹp trẻ trung. Vadim đã từng cởi hết quần áo của cô, và ngay lúc đó, Ocxana không hề thấy một tia thèm muốn nào trong cặp mắt ông ta. Lúc ấy, chính cô lại khao khát muốn Vadim ôm ấp và làm tình với cô. Nhưng hôm đó cô đã ghìm lại, bắt ép mình phải chung thủy với Exipov để đạt được mục tiêu xa hơn, cao hơn: có rất nhiều tiền và được lấy một người cô sẽ yêu thật sự và cùng với anh ta chung sống suốt đời. Nhưng trong tâm trạng hoang mang hôm nay, Ocxana bỗng thấy cần sự an ủi vỗ về của Vadim, cần được yêu ông ta.
– Tha lỗi cho tôi, Ocxana! – Vadim trìu mến dè dặt vuốt vai cô gái – Nhưng tất cả những việc hai chúng ta làm không phải chỉ vì tương lai của tôi mà vì cả tương lai hạnh phúc của cô nữa.
– Em sẽ không bao giờ có hạnh phúc. – Ocxana nghẹn ngào nói.
– Tại sao?
– Em không thể hạnh phúc nếu thiếu anh, Vadim. – Cô nói, gần như hét lên.
Vadim giật mình, lùi lại.
– Cô nói gì vậy, Ocxana?
– Bởi đúng là như thế. Em yêu anh. Em không cần bất cứ người đàn ông nào khác ngoài anh.
Vadim buông tay khỏi vai cô gái trẻ, bước ra chỗ tủ rượu. Anh ta rót vodka vào cốc, pha thêm nước lọc, bước tới, đưa Ocxana:
– Cô uống đi. Một hơi thôi đấy.
Cô gái ngoan ngoãn uống một hơi cạn ly rượu, rồi đặt ly xuống cạnh đi văng. Cô biết nước mắt làm mặt cô sưng húp và xấu đi, nhưng cần gì: chỉ hai ngày nữa cô sẽ chết kia mà!
– Cô em thân mến! Tôi rất cảm ơn cô có lòng yêu mến tôi, nhưng tôi yêu một phụ nữ khác mất rồi. Tôi không phải triệu phú, không phải quan chức cấp cao, tôi chẳng là cái gì hết. Cô yêu mến tôi như vậy quả là vô cùng vinh dự cho tôi, nhưng tôi không thể nhận tình cảm ấy được, tôi rất lấy làm tiếc.
– Cô ấy đẹp lắm phải không?
– Không, nhưng đấy là người phụ nữ tôi yêu nhất trên đời.
– Cô ấy bao nhiêu tuổi?
– Nhiều.
– Nhiều là bao nhiêu? Ba mươi? Ba mươi nhăm?
– Nhiều hơn cô, thậm chí nhiều tuổi hớn cả tôi. Nhưng điều ấy quan trọng gì đâu?
Ocxana bước ra chỗ tủ rượu, rót thêm một ly vodka nữa, uống cạn rồi ngồi xuống đi-văng, gục đầu khóc nức nở…
Cuối cùng người ta đã biết rõ về khẩu súng tên hung thủ đã giết Marina và Andrei. Khẩu súng được xác định là của Bộ Quốc phòng và bị thất lạc trong cuộc chiến tranh ở Tresnia, nghĩa là không có gì đặc biệt. Trên báng súng không tìm ra được vết vân tay nào.
Doxenco hỏi Naxtia:
– Có khả năng bọn Nhà xuất bản “Serkhan” định thanh toán Xoloviov không?
– Hoàn toàn không – Naxtia đáp – Cậu thấy đấy, Giám đốc nhà xuất bản là Exipov đã một mực bảo vệ Xoloviov, có nghĩa bọn họ đang rất cần ông ta. Xoloviov là dịch giả đem bộn tiền đến cho họ.
– Nhưng họ không sợ ông ta phát hiện ra tờ giấy về số lượng in sách kia hay sao?
– Sợ chứ! Chính vì thế họ mới phái Marina đến lục tìm. Nhưng khả năng vì sợ thế mà giết Xoloviov thì khó có. – Naxtia lắc đầu.
– Hay họ cử người đến giết Marina?
– Cũng không có lý. Marina chưa hoàn thành công việc, họ giết cô ta để làm gì?
– Chị nói đúng – Doxenco gật đầu – Vậy đấy là một tên giết người ngẫu nhiên. Và như vậy thì khó có thể tìm ra. Và vụ án coi như bế tắc.
Naxtia trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Bây giờ tôi với cậu chia nhau. Cậu đi sâu thêm về Nhà xuất bản “Serkhan”, còn tôi tìm hiểu thêm về Xoloviov. Dù sao chúng ta cũng phải bám lấy khu biệt thự “Mộng Mơ”, vì vấn đề Trercaxov vẫn còn treo ở đấy.
Đêm hôm đó, trời đổ mưa rào. Sau mấy ngày nóng bức, trận mưa làm thời tiết dịu hẳn xuống. Naxtia choàng thức giấc. Đêm qua mát trời, chị ngủ một giấc say sưa, nên bây giờ trong người rất sảng khoái.
Naxtia nhè nhẹ dậy để khỏi đánh thức chồng. Uống xong tách cà phê nóng, chị lấy xe của Alecxei, lao thẳng đến khu biệt thự.
Cửa biệt thự của Xoloviov mở toang. Người cảnh sát viên vẫn ngồi canh gác ngoài gian tiền sảnh.
– Chào chị. – Anh ta mừng rỡ nói khẽ.
– Vẫn yên tĩnh chứ? – Naxtia hỏi.
– Vâng. Ông ta gặng hỏi tôi bao nhiêu lần về chị, nhưng tôi nói không quen chị.
Naxtia gật đầu rồi đi vào. Xoloviov vẫn ngồi trong phòng làm việc, mải mê trước máy vi tính. Chị quan sát, đoán ông ta đang chữa bản thảo, bởi bên cạnh không có bản tiếng Nhật.
Thấy tiếng động, Xoloviov quay đầu ra, sững sờ, cổ họng tắc lại, không nói được câu gì. Mấy tờ giấy rơi xuống đất. Naxtia cúi xuống, nhặt chúng, đặt lên bàn rồi ôm nhẹ Xoloviov, hôn lên môi ông ta.
– Anh mong em biết chừng nào, Naxtia!
– Em vừa đi nghỉ Hắc Hải với chồng về. Anh vẫn làm việc đều đấy chứ?
– Bây giờ anh chỉ còn công việc, và… em, Naxtia.
Naxtia cười:
– Anh có công việc này là rất tốt đấy. Sách bán chạy, hẳn nhà xuất bản phải trả anh nhiều tiền lắm. Nhìn ngôi nhà này đủ biết. Nhưng thế nào anh lại quan hệ với họ, anh chưa kể em nghe đấy.
Xoloviov suy nghĩ một chút rồi nói:
– Một sự tình cờ thôi. Hôm ấy, cách đây hơn hai năm rồi, nhà xuất bản lần đầu tiên đưa cuốn sách của một tác giả Nhật, nhờ anh đọc hộ và xem nếu có thể thì dịch cho họ. Anh đem về đọc và thấy kinh hoàng. Một thứ văn tồi tệ khủng khiếp. Tác giả bất chấp mọi quy tắc ngữ pháp. Ngôn ngữ thì nghèo nàn. Thậm chí viết sai cả chính tả. Chỉ được mỗi cốt truyện, đúng là ly kỳ, nhiều tình huống và nhân vật quái đản.
Lúc ấy anh đang cần việc làm thêm nên bảo họ, thôi được, tôi cứ thử xem. Thế là anh bắt tay vào dịch. Nhà xuất bản bảo anh thoải mái chữa văn của nguyên bản. Em biết đấy, tính anh thích tìm tòi văn chương. Thế là vừa dịch anh vừa sửa văn cho tác giả. Hễ thấy những chỗ lẽ ra phải phát triển, mà tác giả nói cụt lủn, anh bèn bổ sung bằng sức tưởng tượng của bản thân, mở rộng đoạn văn. Anh khắc họa cho mỗi nhân vật thành một hình tượng có sức sống. Nhất là những đoạn tả tình, tả cảnh, thì hoàn toàn của anh. Cuối cùng, chỉ còn cốt truyện là của tác giả. Đọc xong bản dịch, nhà xuất bản đưa in, và thành công ngay…
Naxtia bật cười.
– Nhưng anh vẫn giữ nguyên tên tác giả?
– Tất nhiên rồi. Vì cốt truyện là của ông ta. Về mặt này thì anh không thể bằng ông ta được. Tác gia có vẻ là người lang bạt, đi rất nhiều nơi, quen rất nhiều người và nghe được rất nhiều chuyện. Chỉ phải cái ông ta không biết viết văn. Có thể nói hoàn toàn không biết viết.
– Và ông ta vẫn được hưởng nhuận bút cho nguyên bản?
– Tất nhiên.
– Hẳn nào khi đọc bản dịch của anh, em luôn có cảm tưởng đã đọc được ở đâu rồi. Thì ra chính là kiểu văn của anh. Và anh thú nhận đi, là trong khi nâng cao tác phẩm, anh sử dụng khá nhiều ý văn của các tác giả khác, thậm chí khai thác vốn sống của chính anh.
Xoloviov cười:
– Em tinh lắm. Nhưng người khác, mấy ai biết? Vả lại nhà xuất bản càng không cần quan tâm, họ chỉ cần sách bán chạy và họ có lãi…
– Nhưng họ đã bóc lột anh quá đáng. Họ tái bản rất nhiều lần, nhưng không cho anh biết. Họ quỵt của anh tiền nhuận bút những lần in sau.
Naxtia đã có lần kể với Xoloviov việc chị tìm thấy tờ giấy ghi số lượng in kia.
Xoloviov lại bùng lên cơn giận dữ:
– Quân khốn kiếp! Thảo nào chúng sợ anh phát hiện ra tờ kế hoạch in ấy, sợ anh đưa ra ánh sáng thì chúng chết.
– Vì thế mà anh nóng ruột gặp em, để lấy tờ giấy ấy?
– Không phải. Anh mong gặp em chỉ vì anh… rất nhớ em.
Naxtia đứng dậy.
– Ta sang bếp đi. Em pha cà phê và làm thứ gì anh ăn điểm tâm. Và đừng tìm cách quyến rũ em đấy. Em không tin đâu.
– Tại sao?
Trong câu hỏi của Xoloviov, Naxtia cảm thấy chứa một nỗi buồn sâu thẳm, khiến chị cũng bối rối. Nhưng chị vội gạt ngay niềm cảm xúc yếu đuối ấy. Anh ta cô đơn nên dễ yêu, bất kể người đàn bà nào anh ta cũng có thể yêu được. Đấy, như Marina…
– Không, em muốn không bao giờ anh nói đến chuyện ấy nữa. Để em đẩy xe. Ta sang bếp đi.
Tìm đoạn dây vàng của cái cài cà vạt không đơn giản chút nào. Hai điều tra viên Colia và Corotcov phải đọc kỹ tất cả các biên bản về việc phát hiện ra tám cái xác thiếu niên kia. Thấy không kết quả, họ quyết định đi gặp từng gia đình, đầu tiên là những gia đình có con bị hại, nhưng xác không phải do cảnh sát phát hiện mà do đám trẻ.
Cuối cùng họ đã tìm ra được một cậu bé tên là Volodia. Sau khi nghe hai cảnh sát viên khéo léo hỏi, cậu bé móc trong túi ra một sợi dây chuyền mạ vàng nhỏ xíu. Corotcov nhận ra ngay đúng là sợi dây gắn vào cái cài cà vạt của Trercaxov.
– Đúng rồi. Em nhặt được nó ở đâu?
Volodia nắm lại bàn tay.
– Cạnh… cái người chết ấy. Em giữ lại vì nghĩ thứ này chẳng có giá trị gì.
– Cho chú tạm giữ, xong việc chú sẽ trả. Được không?
– Vâng. – Cậu bé tiếc rẻ đưa sợi dây óng ánh cho Corotcov.
Sợi dây được đưa cho Trercaxov nhìn và anh ta xác nhận ngay, đúng là ở cái cài cà vạt của anh ta bứt ra.
Sau khi nghe Naxtia hỏi, vị quan chức đặc trách về văn hóa Nhật Bản ở Bộ Ngoại giao nhăn trán:
– Nakahara à? Tôi chưa nghe thấy tên nhà văn ấy. Hẳn là một cây bút không có một chút tên tuổi nào.
– Vậy ông biết ở Nhật có nhà văn nào nổi tiếng về thể loại hình sự hay trinh thám không?
– Biết chứ. Gần đây mới nổi lên một ngôi sao trong lĩnh vực văn học này. Đó là Otori Mitio. Ông ta vừa xuất hiện, lập tức nổi tiếng thế giới. Sách của ông ta được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, và bán rất chạy, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Ấn Độ. Nhiều tác phẩm của ông ta được quay thành phim và đều thuộc loại phim được khán giả rất hâm mộ. Nhất là ở Ấn Độ.
– Ấn Độ?
– Chắc bà đã biết Ấn Độ là nước sản xuất số lượng phim cao bậc nhất thế giới. Mỗi năm họ sản xuất tới tám trăm năm mươi bộ phim mới. Và vấn đề nan giải đối với họ là kiếm đâu ra chất liệu văn học để làm phim. Thế là họ sử dụng không chỉ tác phẩm văn học mà cả phim ảnh nước ngoài, thay đổi đi chút ít: tên nhân vật đổi thành tên Ấn Độ, địa điểm thành địa điểm Ấn Độ, xào xáo thêm đôi chút nữa, thế là xong. Cho nên khi xem phim Ấn Độ, bà luôn thấy hao hao giống một bộ phim nào đó bà đã xem. Tôi nói chuyện đó để bà thấy tại sao truyện của Otori Mitio được dịch ra và được quay thành phim nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đoán có lẽ hiện nay ông ta là nhà văn giàu nhất thế giới dấy.
– Vậy tại sao chúng ta không dịch sách của ông ta ra tiếng Nga?
– Chắc do không có tiền trả nhuận bút… Tôi nghĩ thế. Vì nhà văn tầm cỡ như thế nhuận bút phải rất lớn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.