Để tìm gốc gác của hai mảnh “phim” về tội phạm học, Naxtia đã phải đến năm trường đại học có dạy môn tội phạm học. Sàng đi sàng lại, cuối cùng Naxtia có được trong tay bản danh sách mười học viên khóa ban đêm mùa đông năm 1993. Đọc bản danh sách đó, chị mừng rỡ thấy tên một người đã được nói đến trong một bản báo cáo gần đây của Colia.
Trường hợp Vadim Uxtinov là một trong những trường hợp kinh điển của ngành hình sự. Tìm ra hung thủ, nhưng không sao chứng minh được tội ác của hắn. Có thể chứng minh được Uxtinov có đậu xe bên cạnh xe của Marina trong cái đêm xảy ra vụ giết hai mạng người đó, nhưng làm sao chứng minh được chính hắn ta là hung thủ? Trên khẩu súng lại không tìm thấy vân tay của hắn. Mọi bằng chứng kết tội hắn, kể cả lời khai của nhân chứng Ocxana, hắn đều có thể bác bỏ.
Thật là đáng buồn khi hồ sơ vụ án mạng ở khu biệt thự “Mộng Mơ” đành phải “treo” đấy.
Nhờ tiến hành cuộc điều tra, cảnh sát phát hiện thêm nhiều chi tiết xung quanh Xoloviov. Kẻ có tên trong bản danh sách Naxtia rút ra được trong khi soát danh sách các trường có dạy môn tội phạm học, và có trong báo cáo của Colia, chính là em họ của một nhân viên Nhà xuất bản “Serkhan”. Nhân viên này mang họ là Mescov, còn có tên là Vova, chính là vệ sĩ riêng của Giám đốc Exipov. Tên tác giả hai mảnh giấy “quay phim” kia là Sikerinet, hiện là trung sĩ trong Trung đoàn Cảnh vệ của Bộ Nội vụ. Bản khai lý lịch của anh ta nằm trong tủ bộ phận tổ chức nhân sự của trung đoàn, cho nên dễ dàng so sánh nét chữ trong hai mảnh giấy kia.
– Vô lý! – Đại tá Gordeev kêu lên – Cậu có làm ăn cẩn thận không đấy? Trercaxov làm sao không nhận ra ảnh của người yêu xưa kia được?
Doxenco rất hiểu lý do thủ trưởng bực tức. Anh đã đưa ảnh tất cả những người cư ngụ trong khu biệt thự “Mộng Mơ”, kể cả ảnh Nina Iakimova, cho Trercaxov nhận mặt, nhưng anh ta bảo không quen biết bất cứ một người nào trong những tấm ảnh ấy. Mà Nina là người yêu của anh ta khi còn là sinh viên. Còn bây giờ chị ta là vợ của Gienia Iakimov, láng giềng của Xoloviov.
– Thưa đại tá, tôi làm hết sức cẩn thận. Nhưng phải công nhận Trercaxov không nhận ra được là có nguyên nhân. Sau ngần ấy năm, chị ta đã thay đổi quá nhiều. Xưa kia là một nữ sinh viên mảnh khảnh, bây giờ thành một bà chủ to béo, bệ vệ, nặng phải đến hơn một tạ. Xưa kia tóc cắt ngắn kiểu con trai, bây giờ tóc để dài, xõa xuống ngang vai, lại uốn thành những lọn quăn tít. Đấy là chưa kể bây giờ chị ta đắp phấn son dầy như trát lên mặt.
– Thôi được. Trercaxov không nhận ra. Nhưng anh ta thì có thay đổi nhiều lắm không, mà chị ta không nhận ra?
– Thưa đại tá, tôi chưa gặp được Nina Iakimov để đưa chị ta xem ảnh Trercaxov.
– Tại sao?
– Chị ta hiện đi nghỉ mát ở nước ngoài, không có mặt ở Moxcva.
– Đến khổ! Vậy là vụ án bị chững lại! Bao giờ chị ta về?
– Ngày kia ạ, thưa đại tá.
– A, thế thì cũng gần đến rồi. Nhưng tôi hy vọng các cậu đủ thông minh để chưa đánh động chồng chị ta, gã Gienia Iakimov đấy chứ?
– Vâng, đúng thế. Chúng tôi chưa đụng gì đến hắn. Chúng tôi chỉ bí mật dò tìm địa điểm hắn giấu những đứa thiếu niên kia thôi. Thoạt đầu chúng tôi kiểm tra rất kỹ khuôn viên tòa biệt thự của hắn. Sau đấy chúng tôi đến nhà bố mẹ hắn. Chỉ còn nhà nghỉ của bố mẹ vợ hắn là chúng tôi chưa đến. Nghe đâu đấy là một địa điểm khá hẻo lánh.
– Còn nơi hắn mua ma túy?
– Colia đã tìm ra nơi cung cấp thường xuyên chất độc ấy cho hắn rồi.
Đại tá Gordeev thở một hơi rất dài:
– Đời là thế. Con người ta giàu quá dễ hư hỏng, tự đầu độc mình và chuốc lấy tai họa.
Ngôi nhà nghỉ của cha mẹ Nina Iakimova, họ thời con gái là Berger, nằm trong một khu rừng vắng vẻ ngoại thành, gần xa lộ đi Riga. Ngôi nhà to và được chăm sóc rất chu đáo, nhưng không có trang thiết bị mùa đông. Lúc này đang là mùa hè, nên xóm nhà nghỉ mát này có nhiều người đến nghỉ. Vì vậy hai vợ chồng ông bà Berger cũng ra đây ở.
Tiếng trả lời trong nhà vọng ra:
– Mời vào! Cổng không khóa đâu.
Bà mẹ của Nina Iakimov bước trong nhà ra hiên. Bà cụ rất đẹp theo kiểu đẹp của người già. Colia đoán bà cụ chừng bảy mươi tuổi. Dáng người thon thả và trên mặt vẫn còn sót lại những nét tinh tế, hẳn thuở trẻ bà cụ đẹp lắm.
– Chào cụ – Colia lễ phép nói – Cháu muốn nhờ cụ chỉ giúp, trong xóm này có nhà nào chúng cháu có thể thuê trong mùa hè được không ạ? Cháu chắc cụ biết tất cả các nhà nghỉ ở đây, nhà nào đã có người thuê, nhà nào chưa có.
– Sao cậu cho là tôi biết?
– Bởi cháu thấy vườn tược của cụ rất đẹp, cháu đoán cụ ở đây đã nhiều năm rồi.
Bà cụ bật cười:
– Cậu tinh mắt đấy. Nhưng điều cậu hỏi, phải ông cụ nhà tôi mới trả lời cậu được. Ông ơi! Xuống đây tôi nhờ việc này.
Trên tầng hai bước xuống một ông già khỏe mạnh. Colia nhận ra cha của Nina Iakimova, do anh đã được xem ảnh từ trước.
– Chào cụ! Cụ bà bảo cụ có thể giúp được cháu. Cháu muốn thuê nhà nghỉ mát ở khu vực này…
– Có nhà của ông Sarapov đấy – Ông già Berger đáp – Họ xây được một tòa nhà rất lớn ở quận Peredelkin, nên không dùng đến ngôi nhà nghỉ mát này, sẵn sàng cho thuê. Nhưng tôi không biết hiện nay đã có ai thuê chưa. Tôi cho cậu số điện thoại của họ, cậu liên hệ xem sao.
– Cảm ơn cụ. Nhưng rất có thể lúc này họ đang có mặt ở đây chăng?
– Không chắc đâu – Bà cụ nói chen vào – Nhưng theo tôi biết thì ông bà ấy đã ký hợp đồng cho mấy anh nhiếp ảnh thuê dài hạn, và đã nhận tiền trước rồi thì phải. Nhưng cậu cứ thử sang đó xem có đúng như vậy không? Ông lấy cho tôi mảnh giấy với cái bút, tôi vẽ đường là cậu ấy tìm ra ngay. Dễ thôi mà.
Lát sau Colia đã đứng trước khuôn viên ngôi nhà nghỉ của ông Sarapov. Anh bỗng thấy thương xót cặp vợ chồng già đáng mến kia. Chỉ nay mai, hai cụ sẽ rụng rời chân tay khi biết con gái độc nhất của họ lấy phải gã chồng sát nhân, và sau đó cô Nina tội nghiệp ấy sẽ dắt ba đứa con quay về sống với bố mẹ già.
Trước mặt Colia là ngôi nhà anh cần tìm. Cách nhà của hai cụ già Berger một quãng rất gần. Bằng cặp mắt đầy kinh nghiệm, Colia quan sát các cửa sổ, cửa ra vào treo khóa. Không có vẻ mùa đông vừa qua ngôi nhà này bỏ hoang. Qua những chi tiết rất nhỏ, Colia thấy ngay rằng suốt mùa thu và mùa đông vừa qua, vẫn có người thường xuyên đến đây. Colia thử gõ cửa xem sao, không thấy tiếng trả lời, đúng như anh dự đoán.
Ngó một lúc xong, Colia sang bên kia đường, vào nhà bên cạnh. Một người đàn ông ngồi xổm, đang sửa mấy cây hoa. Nghe tiếng chân người, ông ta đứng lên một cách vất vả, quay đầu lại, rồi bỗng nhăn mặt ôm lưng.
– Cậu hỏi gì? – Ông ta hỏi vẻ khó chịu, mặt cau lại nhìn Colia.
– Tôi muốn tìm ông Sarapov. – Colia nói giọng mềm mỏng, làm như không thấy vẻ khó chịu của người đàn ông.
– Ông ấy không ở đây từ một trăm năm nay rồi. Có nhà xây sang trọng như lâu đài ấy, còn về cái nhà nghỉ lụp sụp này làm gì!
– Tiếc quá! – Colia thở dài, làm ra vẻ thất vọng – Tôi đang muốn hỏi thuê cái nhà này. Nghe bảo thỉnh thoảng ông Sarapov có về, nên tôi cứ đánh liều ghé vào xem sao.
– Người ta đánh lừa anh đấy. Sarapov đã cho người khác thuê rồi. Thuê dài hạn, trả tiền trước. Những người thuê vẫn thường đến đây nghỉ, đi toàn xe ô-tô nước ngoài. Khoảng năm người. Họ làm gì tôi không biết. Được cái họ không làm ầm ĩ, chỉ đến nghỉ ngơi rồi đi, không hát hò, không mở nhạc xập xình. Họ đến nghỉ một hôm rồi hôm sau lại đi. Mỗi người một ô-tô.
– Họ đến đây vẫn những người ấy hay mỗi lần lại những người khác, thưa ông?
– Tôi không chú ý lắm, hình như vẫn những chiếc ô-tô ấy. Nhưng anh hỏi làm gì?
– Tiện thì tôi hỏi thôi – Colia nói – Thôi, chào ông, tôi về Moxcva đây. Nhân tiện hỏi ông thêm. Ông có biết hai cụ Berger không?
– Biết. Họ ở kia kìa. – Người đàn ông trỏ.
– Ông biết chị con gái của hai cụ, chị Nina chứ?
– Biết. Nhưng đã lâu không thấy chị ta về đây. Hồi chị ta còn nhỏ, hè nào hai ông bà chẳng đưa về đây nghỉ mát. Nhưng từ ngày lấy chồng là biệt tăm. Cả chị ta cả chồng chị ta…
Thấy người đàn ông có vẻ đã không muốn tiếp, Colia chào rồi đi.
– Thế mà chúng ta tìm tận đâu đâu! Thì ra ngay trước mũi – Naxtia nói với Colia lúc nghe xong anh ta báo cáo – Dám bố trí nơi hành lạc chỉ cách nhà bố mẹ vợ vài trăm mét. Liều, thằng cha liều thật.
– Không liều lắm đâu. Theo tôi đoán thì hắn sử dụng ngôi nhà đó chủ yếu vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông. Vào những thời gian đó xóm nhà nghỉ mát ấy vắng tanh. Nhưng tôi quan tâm nhiều đến những người đi ô-tô nước ngoài đến đó.
– Theo anh thì như thế nghĩa là sao?
– Tôi e đó còn là một ổ điếm trai. Nhưng thôi, tôi sẽ phải quần thằng cha Xlavic một mẻ rồi mới có thể kết luận được.
– Vậy theo anh đoán, thằng cha Iakimov nhốt bọn trẻ vào cũi sắt, rồi cho bọn nước ngoài thuê để lấy tiền hay sao?
– Tôi cho là như thế, và tôi tin tôi đoán không sai.
– Anh sẽ đến khám cái nhà ấy chứ?
– Vâng, tất nhiên. Tôi gặp chủ nhà, ông Sarapov rồi. Ông ta kể là đã cho một người thuê từ tháng Mười Một năm ngoái. Một người đàn ông rất lịch sự. Theo lời ông ta miêu tả thì người ký hợp đồng thuê không phải Iakimov.
– Nhất định phải có một tên nào đó trông nom bọn thiếu niên chứ. Tất nhiên không phải Iakimov.
– Vậy ý cô thế nào?
– Anh liên hệ với đồn cảnh sát khu vực nhờ họ điều tra, xem người trông nom bọn trẻ ở đó là ai, và ngôi nhà nghỉ đó hoạt động ra sao. Họ quản lý an ninh quá sơ sài. Thành thử thời bây giờ bọn tội phạm tha hồ hoành hành. Cụ thể anh đã thỏa thuận với chủ nhà, ông Sarapov, thế nào?
– Sáng mai tôi sẽ gặp ông ấy và cùng đến đấy. Ông ta có sẵn chìa khóa dự trữ, sẽ đem theo.
*
Trước khi đến khu biệt thự “Mộng Mơ” gặp Xoloviov, Naxtia ghé qua căn hộ của ông ta trong nội thành. Con trai ông ta là Igor ra mở cửa.
Căn hộ bừa bộn, bẩn thỉu đến mức Naxtia không tưởng tượng nổi. Ngoài Igor còn một vài thiếu niên nữa đi lại vơ vẩn trong phòng, đờ đẫn như kẻ mộng du, mặc may ô đen và quần bò đen, quấn trên đầu cũng lại chiếc khăn đen. Thì bản thân Igor cũng ăn mặc tương tự như thế.
– Cậu tiếp khách mà ăn mặc như thế à? – Naxtia vừa bước vào phòng vừa hỏi.
– Còn xem khách nào chứ! – Thằng bé cười khẩy – Bà là cảnh sát chứ gì? Nếu vậy thì luật pháp cho phép ăn mặc tùy thích. Tôi đâu phải con nít mà không hiểu luật pháp.
– Ra cậu đã chuẩn bị để đón mọi tình huống – Naxtia điềm tĩnh nói – Nhưng tôi không làm ở bộ phận dính đến ma túy đâu.
– Nếu vậy, bà đến đây làm gì? Tôi không làm gì khác cả.
– Chắc không?
Thằng bé đột nhiên trở thành hỗn hào. Cặp mắt nó nheo lại, vừa căm uất vừa khinh bỉ.
– Tôi đâu có mời bà đến?
– Điều ấy thì cậu nói đúng. – Naxtia bình thản nói. Chị tính không nên làm căng với thằng bé này. Vài ba đứa trẻ dùng ma túy chưa phải là nguyên nhân đủ để chị gây căng thẳng với chúng – Tôi muốn nói chuyện với cậu về cha cậu.
– Chà, bà hết giáo dục tôi, bây giờ lại hỏi đến ông bố tôi – Giọng Igor kéo dài, giễu cợt – Xin bà để tôi yên và để yên cả ông bố tôi nữa.
– Tôi sẽ để cậu yên, nếu cậu chịu trả lời mấy câu tôi sẽ hỏi.
– Được thôi, nhưng bà hỏi nhanh lên đấy.
– Tôi sẽ cố đến mức nhanh nhất. Tại sao cha cậu không muốn cậu cùng ở với ông ấy?
Thằng bé cười phá lên thô bỉ:
– Không phải ông ấy không muốn, mà tôi không muốn.
– Cậu chưa hiểu câu tôi hỏi. Cậu không muốn thì tôi biết rồi, nhưng tôi muốn biết tại sao cha cậu không muốn?
– Chịu – Igor phẩy tay – Ông ấy tưởng tượng ra thứ gì đó có trời biết.
– Cụ thể là thứ gì?
– Số tiền. Tôi đã nói thật với ông ấy là số tiền ấy tôi thấy trong hòm thư, để trong một phong bì, nhưng ông bố không tin, bảo số tiền ấy do tôi đón đường ăn cướp của ông ấy. Đúng là điên!
– Nhưng quả thật cậu không cướp của ông ấy chứ?
– Chứ còn gì nữa! Tôi đâu phải thằng điên. Tôi nhặt được số tiền để ở đó, thế là tôi tiêu vung. Ông bố thấy tôi diện áo bludông da, hỏi tiền ở đâu ra. Tôi nhặt được chẳng lẽ tôi dại dột nộp cảnh sát, bà thử nghĩ xem? Tiền bỏ vào thùng thư nhà tôi kia mà.
– Chuyện ấy xảy ra hồi nào?
– Hồi ông bố nằm bệnh viện. Nằm ít ngày rồi ra viện. Về đến nhà ông ấy thấy tôi có áo mới, loại xịn, đắt tiền, thế là ông ấy gây sự. Tôi bảo: “Tiền ấy là con tình cờ nhặt được”, nhưng ông bố bảo “Cút đi, tao không muốn nhìn thấy mặt mày nữa!” Thế là từ đấy, ông ấy không nhìn mặt tôi nữa thật.
– Cha cậu vì sao phải vào viện? Gặp chuyện gì à?
– Bị bọn côn đồ đánh, cướp đi số tiền rất lớn đựng trong cặp da. Chẳng là ông ấy vừa lĩnh nhuận bút ở nhà xuất bản, đang trên đường về nhà.
– Hay ông ấy nghĩ cậu cùng bè bạn đón đường cướp của ông ấy?
– Tôi chẳng biết ông ấy nghĩ thế nào. – Igor lảng tránh câu hỏi.
– Nhưng sao cậu không nói rõ cho ông ấy thấy?
– Nói làm gì, một khi ông ấy không tin tôi?
– Cậu không thương cha cậu tàn tật mà phải sống một mình sao?
– Bà lại định “giáo dục” tôi rồi!
– Thôi được. Nhưng cậu đừng quên điều này: cha cậu đã làm mọi thứ để cảnh sát không đụng đến cậu, mặc dù ông ấy tin rằng chính cậu đã rủ bè bạn đón đường cướp số tiền đựng trong cặp kia. Rồi ông ấy còn cho người đem giấy xác nhận thương tật đến cho cậu để cậu khỏi phải làm nghĩa vụ quân sự. Tôi nói thế không phải để “giáo dục” cậu mà chỉ thông báo để cậu biết. Thôi, chào cậu.
Xoloviov thay đổi đến mức làm Naxtia kinh hoàng. Hai má lõm xuống. Cặp mắt ngơ ngác, đầy oán giận. Giọng nói ngày xưa ngọt ngào thì ngày nay đanh lại.
– Xoloviov, những điều em sắp nói sẽ làm anh đau lòng, nhưng ta phải nói thật mọi thứ.
– Em dọa anh đấy hẳn? – Ông ta đùa nhưng giọng vẫn rầu rĩ – Em nói đi, anh không sợ đau lòng đâu.
– Nhưng trước khi nói, em cần hỏi anh vài câu, cũng sẽ làm anh khổ tâm đấy. Em không hỏi anh bị gì mà phải tháo hai khớp chân. Chuyện ấy em biết rồi. Anh bị chúng đánh hung hãn, vậy mà anh không hề báo cảnh sát. Phải chăng anh không muốn hại thằng Igor?
– Anh không hiểu em nói gì?
– Anh đừng lảng tránh. Bây giờ không còn là lúc lảng tránh nữa. Bây giờ là lúc nói thật, nói thẳng ra với nhau. Vì sự thật là con trai anh không dính dáng đến vụ cướp ấy. Anh hãy tin em và tin nó. Con trai anh có thể có nhiều tật xấu, nhưng việc nó rủ bè bạn đón đường để đánh anh, cướp tiền của anh là điều hoàn toàn không có.
– Sao em dám khẳng định thế?
– Em đã điều tra. Em phải thú nhận với anh một điều, em có lỗi với anh. Em không phải người của công ty bảo hiểm.
– Vậy em là…
– Em vẫn làm ở chỗ ngày trước. Trong ngành công an. Hôm trước, khi em bảo làm cố vấn pháp luật cho một doanh nghiệp, thế mà anh cũng tin! Em rất ngạc nhiên. Tưởng anh phải hiểu em hơn kia chứ: đời nào em chịu bỏ sự nghiệp em yêu quý, đổi lấy một công việc nào khác! Thấy anh tin câu nói dối của em, em rất buồn “Thì ra anh ấy chẳng hiểu gì mình cả!” Nhưng thôi, đấy không phải điều quan trọng. Sau vụ án mạng, em phải bám sát khu biệt thự “Mộng Mơ” này. Và những điều em khám phá ra làm em kinh hoàng. Rồi em sẽ kể hết anh nghe tất cả những gì em khám phá ra được ở đây. Nhưng bây giờ em muốn nghe anh kể những gì đã xảy ra vào tháng Mười Hai năm chín mươi ba ấy. Anh nhận tiền nhuận bút ở nhà xuất bản, cho vào cặp, rồi đi về. Lúc đó trời đã tối. Anh bị mấy tên côn đồ đón đường, đánh anh trọng thương rồi lấy đi chiếc cặp da. Xe cứu thương đến, chở anh vào viện. Sau đó thế nào?
Xoloviov im lặng. Tuy nhìn vẻ ngoài thấy ông ta bình thản, nhưng Naxtia biết trong lòng ông ta đang nổi cơn sóng dữ.
– Em hãy hứa với anh là sẽ không làm gì hại cho cháu Igor, được không?
– Em hứa. Vả lại cháu Igor sẽ không làm sao, vì nó không tham gia vào vụ cướp tiền của bố nó.
– Thôi được, anh xin kể. Sau đấy, thằng cha Avtaev, Phó giám đốc “Serkhan” đến thăm anh, hắn làm ra vẻ lúng túng, mãi mới nói ra được…
Hắn nói:
– Ông Xoloviov, chúng tôi đã tra khảo tất cả nhân viên nhà xuất bản, xem có ai lộ ra cho người ngoài biết việc chiều hôm đó ông lĩnh nhuận bút không. Tất cả thề rằng không. Tôi xin ông phải thật bình tĩnh… tôi mới dám nói điều này. Riêng cậu nhân viên nhiếp ảnh bảo đã trót lộ ra với Igor con trai ông, bởi nó hỏi hôm nào cha nó lĩnh nhuận bút. Cậu nhiếp ảnh nói với cháu Igor ngay sáng hôm đó. Tất nhiên chúng tôi đã kỷ luật cậu ta, đuổi cậu ta rồi. Sáng nay tôi có trao đổi chuyện này với Exipov, thấy trong tai họa của ông, Nhà xuất bản cũng có phần lỗi. Dù sao thằng cha nhiếp ảnh kia cũng là người trong nội bộ nhà xuất bản… Cho nên ông yên tâm, sau đây hai ngày, chúng tôi xin bồi thường đầy đủ số tiền nhuận bút ấy cho ông. Còn đối với cháu Igor thì quả thật, chúng tôi chưa biết nên làm thế nào, có nên báo cảnh sát không… Còn chờ quyết định của ông.
Lúc đầu anh bảo anh không tin thằng Igor có thể làm như thế, nhưng lão Avtaev đưa ra những chứng cứ không thể phủ nhận. Cuối cùng y hỏi “Vậy bây giờ nếu ông đồng ý, chúng tôi sẽ làm theo cách này.” Anh hỏi ngay “Cách nào?” Y đáp: “Chúng tôi sẽ chặn không cho vụ của ông lọt đến cơ quan cảnh sát, đồng thời huỷ mọi bằng chứng kết tội cháu Igor”. Y nói thế.
Nằm trong viện, anh suy nghĩ rất nhiều. Anh quyết định không thể nhìn mặt thằng con được nữa. Lúc đó anh có rất nhiều tiền, anh tậu tòa biệt thự này và ra ở đây. Nhân tiện nói thêm, chính Avtaev giới thiệu với anh là đang có người cần bán một khu đất, đã có sẵn bản vẽ, và ai mua có thể thay đổi… Vậy mà bây giờ em còn thuyết phục anh rằng thằng Igor không dính dáng đến vụ cướp và hành hung anh hôm ấy!
– Đúng thế, bởi em biết kẻ nào đã bố trí toàn bộ sự việc hôm ấy.
– Kẻ nào?
– Các bạn anh ở Nhà xuất bản “Serkhan”.
– Vô lý! Sao em có thể nghĩ ra một điều vô lý đến như thế?
– Thôi được. Hôm ấy có mấy tên hành hung anh?
– Ba.
– Anh nhìn rõ mặt chúng chứ?
– Lờ mờ thôi, vì lúc đó trời đã tối..
– Đáng tiếc, bởi anh có thể nhận diện một tên trong số đó, hiện ảnh hắn đang trong túi em. Hắn lôi giấy tờ trong cặp anh ra để xem, và khi nhét vào đã vô ý nhét luôn cả hai mảnh giấy nhỏ của hắn. Dựa vào hai mảnh giấy đó, em đã lần ra được hắn. Anh biết hắn là ai không? Em con chú con bác của Vova Mexcov.
– Vệ sĩ riêng của Exipov?
– Đúng thế. Thằng em họ hắn là trung sĩ ở trung đoàn cảnh vệ, cũng trong ngành công an.
– Anh vẫn thấy chưa thể tin lời em được. Nhà xuất bản “Serkhan” làm thế nhằm mục đích gì kia chứ? Ho đang rất cần anh, và rất quý anh. Hơn nữa, họ còn chịu bồi thường anh toàn bộ số tiền bị mất. Sau hôm Avtaev đến, họ cho chuyển anh đến bệnh viện tốt nhất Moxcva để anh điều trị.
– Anh cho là họ quý anh?
– Tất nhiên. Và họ gây ra mâu thuẫn giữa anh với thằng Igor để làm gì?
– Chỉ đơn giản anh là người đem lại những khoản lợi nhuận lớn cho họ. Họ cần giữ chân anh. Họ không muốn anh bỏ ra nước ngoài. Họ không muốn làm hai cha con anh ghét bỏ nhau, đúng thế, nhưng đó là hậu quả những việc kia của họ. Họ không muốn cảnh sát điều tra chuyện này, và dùng con bài Igor để chặn tay anh, để anh không báo cảnh sát. Họ biết tính anh cả tin nên đã khai thác cái tính ấy.
Còn một chi tiết nữa. Em không muốn nhắc đến người đã khuất, nhưng gã giúp việc Andrei căm ghét em. Tại sao? Tại bọn chúng rất không muốn có người phụ nữ nào bên cạnh anh, có thể ảnh hưởng đến hướng di của anh. Bọn chúng muốn anh cứ làm cho chúng mãi, làm như một tên nô lệ bị xích chân, không đi đâu, không nghĩ thứ gì khác. Nhưng thôi, ta tạm gác chuyện này lại, bây giờ em kể về nhà văn Nhật Bản đang nổi tiếng lừng lẫy thế giới, Otori Mitio, anh nghe xong sẽ hiểu ra toàn bộ vấn đề.
Hắn bắt dầu căm thù Misa Trercaxov từ buổi tối liên hoan sinh viên, khi Trercaxov nhảy với Nina Berger. Hôm đó trường hắn mời cả trường Plekhanov cùng tham gia.
Lần đầu tiên nhìn thấy Nina, Gienia Iakimov nhận ra, tuy đã tán tỉnh nhiều cô gái, nhưng chưa cô nào làm hắn ưng ý như thế này. Hắn tìm cách bắt chuyện với Nina, nhưng chỉ nói với nhau được vài câu thì Nina đã bỏ hắn chạy ra với một cậu trai vóc cao, tóc dài màu hung, và hắn thấy mắt cô gái ánh lên một tình cảm tha thiết. Hắn uất lên đến tận cổ và căm thù cậu sinh viên kia đến tận xương tủy.
Từ giây phút đó Gienia Iakimov không còn nghĩ được thứ gì khác ngoài Nina. Hắn bám theo cô như cái bóng, biết được nhà cô, rình để nhìn thấy cô mọi lúc, khi cô đến trường và giờ tan học, khi cô xuống ga xe điện ngầm, khi cô vào nhà. Hắn như phát điên lúc nhìn thấy Nina và Misa Trercaxov khoác tay nhau xuống ga xe điện ngầm, ôm nhau hôn đắm đuối trong bóng tối của rạp chiếu bóng.
Iakimov gầy tọp đi, mất ngủ, ăn không thấy ngon miệng nữa. Rồi hắn nghe tin về vụ bê bối đồng tính của Misa Trercaxov, về nỗi nhục nhã của Nina Berger. Hắn lập tức chạy đến an ủi cô gái.
Nina mãi mới nhận ra hắn. Hắn xót xa thấy Nina gầy tọp đi, da mặt xanh lướt. Hắn kéo cô vào một quán giải khát. Đang ăn chiếc bánh, bỗng nhiên Nina đặt bánh xuống bàn, chạy vào phòng vệ sinh. Vừa chạy vừa lấy bàn tay ôm chặt miệng. Hắn hiểu ngay. Hôm sau, lúc gặp lại, hắn nói:
– Nina, hãy lấy tôi. Dù thế nào đi nữa, cái thai trong bụng Nina vẫn cần có bố. Lấy tôi, Nina sẽ sinh nó khi Nina đã có chồng. Tôi sẽ nhận nó là con tôi, và tôi hứa sẽ yêu quý nó, chăm sóc cuộc đời và tương lai cho nó.
– Tôi không muốn bắt anh phải hy sinh như thế.
– Tôi yêu Nina và tôi không cần biết cha đứa bé là ai, tôi chỉ cần biết nó là con Nina. Thế là đủ đối với tôi. Tôi chỉ cần được lấy Nina, mọi thứ khác không có ý nghĩa gì hết. Nina hãy xin thôi học ở trường Plekhanov đi, để khỏi nghe những tiếng xì xào khó chịu.
Nina thấy cách giải quyết đó là hợp lý. Sau khi thi xong học kỳ, cô xin chuyển sang trường Đại học Kinh tế. Và đứa con cô, khi được sinh ra, quả là có bố hẳn hoi.
Nhưng Gienia Iakimov không lường trước được rằng, mối căm thù kia hắn không dứt nổi. Hắn không thể yêu đứa con không phải của hắn như những đứa con khác. Hắn thấy trong đứa trẻ có nét của Trercaxov. Và mỗi lần ngủ với vợ, hắn hình dung Nina đang ngủ với gã đồng tính kia, thậm chí hắn thầm hỏi họ dùng tư thế làm tình nào.
Đến lần có thai thứ ba, Nina muốn nạo, hắn không chịu.
– Nhưng em rất bận, làm sao trông con được?
– Anh sẽ nghỉ việc trông nó. Em cứ làm công việc của em bình thường. Anh muốn có nhiều con.
Đứa con của Trercaxov càng lớn lên càng giống bố nó, khiến Gienia Iakimov càng uất hận. Hắn căm Trercaxov đã làm cuộc sống của hắn thành địa ngục. Hắn nảy ý định giết Trercaxov, nhưng lại sợ người ta phát hiện ra. Hắn nghĩ bao nhiêu đêm, cuối cùng vạch ra được một kế hoạch tuyệt vời. Nhưng rồi hắn thấy bên cạnh Trercaxov có cậu bé Oleg Butenco xinh đẹp giống hệt Nina thuở còn là sinh viên. Hắn bèn thay đổi kế hoạch đi đôi chút.
Để có tiền tiến hành các công việc cần thiết, hắn tổ chức một ổ điếm thiếu niên, phục vụ khách làng chơi đồng tính. Hắn chọn ngôi nhà nghỉ mùa hè của Sarapov, gần nhà nghỉ của bố mẹ vợ hắn.
Lợi dụng lúc Trercaxov đi làm vắng, Iakimov gọi điện cho Oleg Butenco. Cậu trai ngây thơ tin ngay, nhận gặp hắn, bởi cậu ta đã cạn số ma túy dự trữ… Thế là hắn đem ma túy đến. Để khỏi để lại vết giày, hắn lật thảm trải sàn lên để đi. Sau đó hắn giết Oleg và để lại những bằng chứng nhằm làm cơ quan cảnh sát nghi cho Trercaxov. Sau khi xóa mọi vết tích vụ giết người, hắn nhét cuốn sổ tay của một trong số những cậu thiếu niên hắn bắt cóc vào một chỗ kín đáo trong căn hộ của Trercaxov. Rồi hắn nhét mẩu dây vàng rứt ở cái cà vạt của Trercaxov vào túi một trong những cái xác thiếu niên bị chết do ma túy.
Bây giờ Iakimov chỉ còn việc tìm những cậu thiếu niên thích hợp, bắt cóc, chở đến ngôi nhà nghỉ hè kia. Khi cậu nào chết do ma túy, hắn chở xác đi, bỏ ở một góc phố nào đó.
Khi đọc báo thấy đăng tin Trercaxov bị bắt, hắn thở phào nhẹ nhõm. Vậy là xong. Từ nay, hắn có thể ăn no ngủ kỹ.
Về đến cơ quan, Naxtia ngạc nhiên không thấy cả Colia lẫn Doxenco. Hai chàng nhân viên ấy đã hẹn cuối giờ làm việc sẽ về đây gặp Naxtia để bàn công việc tiếp theo. Chị bèn gọi điện cho đại tá Gordeev.
– Hai cậu ấy đi bắt Sikerinet. – Đại tá Gordeev nói.
– Sao đã bắt hắn?
– Cậu Corotcov báo cáo với tôi là đã có đủ bằng chứng rồi. Tấm ảnh của hắn đã được xác nhận. Trong hồ sơ về vụ vợ Xoloviov bị giết, có đoạn miêu tả nhận dạng của một trong hai hung thủ. Đó là một gã đàn ông, người ta đã mấy lần thấy hắn bám theo chị ta, nhưng cho đến nay cảnh sát chưa tìm ra tung tích hắn. Nhân đây, tôi nói thêm, trong số hung thủ giết vợ Xoloviov, ngoài Sikerinet, còn cả anh họ của hắn, Vova Mescov vệ sĩ riêng của Exipov. Hai đứa không dám gây án mạng tại Moxcva vì Xoloviov biết mặt Mescov. Gây án ở xa Moxcva, bọn chúng yên tâm hơn. Tóm lại, hai cậu nhân viên của cô đang đi bắt cả hai đứa. Cô sẽ đợi họ về chứ?
– Tôi chưa biết có nên đợi hay không, thưa đại tá.
– Tôi nghe giọng nói thấy cô mệt quá rồi đấy. Về nhà nghỉ đi. Yên tâm, hai cậu nhân viên của cô không trốn đi đâu mà lo. Mai cô sẽ biết tin thôi.
– Vâng, có lẽ tôi nên về nhà. – Naxtia thở dài nói.
Sáng hôm sau, mọi công việc vẫn diễn ra như thường lệ: nhận báo cáo về những vụ án mới, hội ý, lên kế hoạch phá án, vân vân và vân vân. Gần năm giờ chiều, Naxtia sang phòng Corotcov và Colia.
– Vậy là xong một vụ án. – Corotcov hồ hởi nói.
Chuông điện thoại reo trên bàn làm việc của Colia. Anh ta nhấc máy, nói một câu ngắn rồi đặt máy xuống, nhìn đồng hồ.
– Lexnicov gọi từ sân bay Seremetievo. Nina Iakimov đã ra khỏi máy bay, đang kiểm tra hộ chiếu. Bây giờ ta uống trà rồi đi, là vừa kịp chị ta về đến nhà chị ta đấy.
Naxtia thở dài, cố nén cơn xúc cảm, chỉ chực làm chị òa khóc.
– Có thật chúng ta đã phá xong vụ án không?
– Thật, Naxtia ạ. Vậy là chúng ta đã kết thúc vụ “thiếu niên Do Thái”. Nhưng sao cô khóc? Cô thương xót cho ai à?
– Không. Chỉ là bao nhiêu căng thẳng bỗng nhiên được giải tỏa. Các anh cười tôi phải không? Tôi đi pha trà cho các anh uống. Thế là chấm dứt một quãng thời gian căng thẳng. Hoàn toàn chấm dứt!
Sau đó vài ngày, Xoloviov gọi điện cho Naxtia.
– Có đúng gã láng giềng Gienia Iakimov của anh là thủ phạm không? – Xoloviov hỏi độp ngay.
– Tại sao anh hỏi thế? – Naxtia dè dặt hỏi lại.
– Bây giờ tôi mới hiểu ra. Thì ra suốt thời gian qua, Naxtia toàn nói dối tôi. Cô đến chúc mừng tôi hôm kỷ niệm sinh nhật, hoàn toàn không phải do tình cảm, vậy mà tôi đã hí hửng hy vọng.
– Xoloviov, anh hiểu cho…
– Không cần thanh minh, Naxtia. Tôi hiểu rồi. Cô dùng tôi làm bình phong để cô điều tra láng giềng của tôi. Vậy mà tôi ngu, cứ tưởng bở. Lúc nào cũng mong cô đến. Cô tàn nhẫn quá đấy, Naxtia!
– Xoloviov! Sao tàn nhẫn bằng Iakimov? Anh nên thấy thế. Và tha thứ cho em, nếu anh thấy có thể tha thứ được.
– Cô giả dối với tôi. – Xoloviov vẫn chưa buông tha.
– Đúng thế – Naxtia công nhận – Nhưng anh cũng đã từng giả dối với em. Ngày đó, đã bao nhiêu năm về trước. Mà hồi ấy, em có nói một lời nào trách cứ anh đâu?
– Vậy là cô trả mối thù xưa?
– Trường hợp này không phải do em muốn trả thù. Chỉ đơn giản là nhiệm vụ buộc em phải làm như thế. Biết làm sao được? Đôi khi em đành phải làm ai đó đau lòng. Em hy vọng anh hiểu được cho em. Một lần nữa, xin lỗi anh.
– Không. Tôi không bao giờ tha thứ cho cô!
– Nếu vậy thì cũng đành.
Naxtia nhẹ đặt máy xuống, với tay lấy điếu thuốc lá. Lại một lần nữa mình có lỗi với một người. Nhất là lần này, mình đã phá vỡ cuộc sống đang yên lành, sung túc của anh ta. Nhà xuất bản “Serkhan” chỉ ít hôm nữa sẽ tan rã, có nghĩa là không còn việc dịch, không còn nhuận bút nữa. Tất nhiên Xoloviov sẽ làm cho một nhà xuất bản khác, nhưng tình hình không còn như trước. Xoloviov sẽ không còn được trổ tài “Ảo thuật văn chương” để biến những cuốn truyện tầm thường, nhạt nhẽo, văn chương lá cải, viết sai cả chính tả, thành những tác phẩm tài hoa. Tiền nhuận bút cũng không thể nhiều như trước. May mà mình còn làm được một việc tốt cho anh ta: hàn gắn được tình cảm giữa hai cha con…
Đành để anh ta oán giận vậy, Naxtia đột nhiên cứng rắn lên. Làm sao chiều ý được tất cả mọi người? Mình đâu phải đồng tiền vàng để đem lại hớn hở cho khắp cả mọi người, bất kỳ ai? Mình có nhiệm vụ mà mình có bổn phận tiến hành với toàn bộ khả năng của mình.
HẾT