Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 2



Họ uống cà phê trong phòng khách ấm cúng, sau khi đuổi Andrei lên tầng hai, về phòng của cậu ta. Naxtia chăm chú nhìn con người mà đã hơn mười năm nay chị không gặp lại. Trông vẻ ngoài, Xoloviov rất ít thay đổi, chỉ mỗi một cái khác là chiếc xe đẩy. Vẫn khuôn mặt rắn rỏi, điển trai và rất nam nhi ấy. Vẫn cặp mắt trìu mến, nhìn chị vừa nồng nàn vừa như xuyên thấu. Mái tóc màu nâu nhạt vẫn dầy như xưa, thậm chí tóc mai chưa có sợi nào bạc.
– Anh chưa hiểu nguyên nhân nào khiến em đến đây?
– Tính thất thường của phụ nữ thôi mà. – Naxtia đáp để khỏi phải trả lời thẳng vào câu hỏi.
– Vậy là điều mới đấy – Xoloviov cười dè dặt – Theo anh nhớ thì hồi trước em không hề có tính thất thường.
– Em khác xưa rồi.
– Nhiều không?
– Nhiều. Anh không hình dung nổi, anh Xoloviov, là em thay đổi nhiều đến mức nào đâu.
– Nhưng anh vẫn rất vui được gặp lại em.
– Cảm ơn anh. Nghe anh nói em rất sung sướng.
– Nhưng em nói thật đi, em đến đây để làm gì? Từ ngày hai chúng ta chia tay nhau, em chưa năm nào chúc mừng sinh nhật của anh.
– Anh hỏi em đến đây để làm gì à? Chính em cũng không biết. Có thể em muốn gặp lại anh, xem sau ngần ấy năm, hiện giờ anh ra sao. Chẳng phải hồi ấy em đã yêu anh, em nói thế mặc dù có lẽ anh không muốn nhắc đến chuyện xưa.
– Sau ngần ấy năm hiện giờ anh ra sao à? – Xoloviov nhắc lại câu nói – Anh thành góa bụa và tàn tật. Bây giờ thì em thỏa trí tò mò rồi chứ?
– Em rất tiếc cho anh – Naxtia nói rất khẽ, nhìn thẳng vào mắt Xoloviov – Anh có muốn kể em nghe về chuyện đó không?
– Không. Nhắc lại chẳng để làm gì. Chuyện đã qua, chẳng thể gỡ lại được.
– Tùy anh. Nếu vậy ta không nhắc lại chuyện đó nữa.
Cặp mắt Xoloviov chuyển sang đằm thắm, khiến trong khoảnh khắc, Naxtia lại bị cặp mắt màu ghi kỳ lạ kia quyến rũ.
– Còn em, Naxtia, em hoàn toàn không thay đổi một li nào hết – Xoloviov nói có phần hồ hởi – Em vẫn ranh ma như ngày xưa. Chớp rất nhanh mọi câu nói hớ của đối phương để khai thác có lợi cho em. Hiện nay em làm gì? Cố vấn pháp lý cho một doanh nghiệp nào phải không?
– Tất nhiên. Ngày nay luật gia đều làm thuê cho các doanh nghiệp hết.
– Nhất là em thông thạo nhiều ngoại ngữ – Xoloviov nói tiếp – Mấy thứ tiếng nhỉ? Hình như ba thì phải, nếu anh nhớ không sai.
– Năm – Naxtia cười chữa lại – Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha. Tuy nhiên anh nói đúng đấy, bởi các ngôn ngữ Latin giống nhau đến nỗi có thể tính gộp chúng vào làm một.
– Phải rồi, thông minh như em, lại thông thạo nhiều ngoại ngữ như thế mà ở lại ngành công an thì chẳng thi thố được cái gì. Em còn nhớ không, hồi em mới tốt nghiệp đại học, em lo cuống lên, chỉ sợ không được phân về một cơ quan công an nào, mà cuối cùng lại bị phân công làm cố vấn pháp lý cho một cơ quan nào đó, đúng không nhỉ? Anh còn nhớ là em rất thích mặc đồng phục và đeo lon. Bây giờ nghĩ lại thì đúng là buồn cười, phải thế không? Thời nay cố vấn pháp lý loại lâu năm như em giá trị lắm, nhất là trong ngành kinh tế và nhà đất. Luật sư hiện nay là những người kiếm được nhiều tiền nhất đấy.
Bao năm nay Naxtia đã quen với kiểu nói này rồi. Hồi đầu chị rất cáu, nhưng rồi nghe mãi đâm nhàm tai. Quá nhiều người cho rằng việc chị yêu thích ngành công an là không bình thường.
– Làm doanh nghiệp ở chỗ em, kiếm khá chứ?
– Không khá lắm. Anh đã biết tính em thích yên ổn rồi. Em không thích làm ở văn phòng nào kiếm được bộn tiền nhưng bằng những con đường bất hợp pháp. Còn nếu kiếm tiền theo cách hợp pháp, thì trừ thuế đi, chẳng còn bao nhiêu.
– Nhưng em vẫn đủ tiền tậu được ô-tô riêng đấy thôi?
– Xe của chồng em đấy.
– Thì ra em lại có thêm cả chồng.
Xoloviov không giấu nổi nỗi ngạc nhiên, khiến Naxtia không nhịn được, phá lên cười. Xoloviov vốn kiêu ngạo khủng khiếp. Chẳng lẽ anh ấy cho rằng sau khi chia tay, mình vẫn tiếc nuối, ôm mối tình ấy cho đến lúc chết hay sao?
– Anh chàng diễm phúc đó là ai vậy? Một nhà kinh doanh, thuộc tầng lớp “Nga Mới” chắc?
– Không. Tiến sĩ khoa học, Giáo sư, Viện sĩ Hàn lâm, Giải thưởng quốc gia, vân vân và vân vân. Thêm vào tất cả những thứ đó là một chiếc ô-tô nữa.
– Một cách móc ngoặc có lợi đấy – Xoloviov nhếch mép cười khẩy – Thế lấy chồng già, em không sợ sẽ phải làm bà quả phụ trẻ hay sao?
– Em không sợ.
Naxtia dễ dàng đọc được dòng ý nghĩ thầm kín trong óc Xoloviov. Lúc này hẳn anh ấy đang nghĩ rằng do lấy một ông chồng có danh vọng cao nhưng già cho nên mình muốn kiếm bồ, và quyết định chọn người yêu cũ. Dù sao cũng hơn là tìm một người tình mới. Người cũ đã được thử thách và đáng tin cậy hơn. Hẳn Xoloviov cho rằng chính vì động cơ ấy mà khi nghe tin vợ anh ta đã chết, hiện anh ta sống một mình, mình đã tìm đến đây. Còn chuyện tàn tật thì bây giờ mình mới biết. Chắc chắn Xoloviov sắp nói ra một câu nào theo hướng ấy đây.
– Bây giờ thấy anh tàn tật như thế này hẳn em thất vọng lắm?
Vậy là mình đoán không sai. Xoloviov không thay đổi gì hết. Đột nhiên, giống như bao nhiêu năm về trước, Naxtia bỗng cảm thấy dễ chịu ngồi bên cạnh người đàn ông này.
Chị nghe thấy sau lưng có tiếng chân rón rén trên cầu thang, Andrei đang xuống. Không ngoái đầu lại, Naxtia cúi xuống, trìu mến hôn lên môi Xoloviov.
– Xin lỗi – Tiếng Andrei vọng đến – Thưa ông chủ, đã đến lúc tôi bày bàn ăn chứ ạ?
Naxtia điềm tĩnh đứng thẳng dậy, vươn vai khoan khoái.
– Đúng vậy đấy, anh Xoloviov ạ. Anh phải thết khách chứ, dù là khách không mời. Tôi phải xin lỗi cậu trước, bởi tôi sẽ không giúp gì cậu được đâu. Tôi nấu nướng rất tồi. Tôi sẽ chỉ ngồi để hưởng niềm vui được bên cạnh ông chủ cậu thôi. Đã bao nhiêu năm tôi không được hưởng niềm vui ấy. Anh không phản đối chứ, anh Xoloviov?
Naxtia lại ngồi xuống đi-văng rồi đưa lên môi tách cà phê đã nguội.
– Mẹ em ra sao rồi? – Xoloviov hỏi.
– Vẫn khỏe. Bà sang công tác Thụy Điển mấy năm, vừa mới về. Thú thật đi, Xoloviov, hồi ấy anh cũng thầm mê mẹ em, đúng không nào?
Xoloviov bật cười. Tiếng cười của ông sảng khoái. Ông vẫn thích nhớ lại những năm làm luận án Phó tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của mẹ Naxtia. Bà Nadejda Camenxcaia là một phụ nữ vừa có trình độ khoa học cao, vừa đẹp một cách quý phái.
– Anh công nhận. Mẹ em được mọi đàn ông mê, bất kể trẻ hay già. Nhưng anh sợ mẹ em thì đúng hơn. Rất sợ. Naxtia này, anh tình cờ thấy một số cuốn sách đề tên người dịch là Camenxcaia, có phải sách của em dịch không đấy?
– Chính là em. Em làm đôi chút để khỏi phí trình độ ngoại ngữ hồi còn ít tuổi em đã vất vả biết bao để có được. Vả lại, công việc ấy làm em thích thú mà lại có thêm ít tiền.
Dần dần không khí giữa hai người không còn căng thẳng như lúc ban đầu. Họ đã thoải mái trò chuyện. Trong lúc ăn, họ vẫn huyên thuyên nói, như thể chưa hề xa nhau ngần ấy năm trời. Andrei ngồi im lặng, vẻ mặt khó hiểu, làm như anh ta không nghe và không hề quan tâm đến câu chuyện giữa ông chủ và bà khách. Naxtia đã thử vài cách kéo anh ta vào câu chuyện, nhưng người giúp việc chỉ đáp lại từng câu ngắn gọn, còn nói chung, anh ta ngồi im lặng. Đến sáu giờ rưỡi thì có tiếng chuông reo ngoài cửa, Andrei hình như thở phào nhẹ nhõm.
Naxtia tò mò nhìn ba người khách mới đến – những người lãnh đạo Nhà xuất bản “Serkhan”, nơi Xoloviov là cộng tác viên. Họ mới đúng là những người “Nga Mới” điển hình, dùng xe ô-tô nước ngoài, lúc nào cũng kè kè điện thoại di động, thản nhiên khi nói về những khoản tín dụng hàng triệu rúp. Naxtia thỉnh thoảng bắt gặp cặp mắt họ nghi ngại liếc nhìn chị, mặc dù cả ba người cố tỏ ra không để ý đến chị, chỉ nói với chủ nhà và người giúp việc, và xoay quanh những chuyện công việc chỉ họ mới hiểu được. Naxtia nhanh chóng thấy ngán thái độ kẻ cả ấy. Giá vào trường hợp khác, chị đã bỏ về, nhưng hôm nay chị đang làm nhiệm vụ. Nghĩa là phải dẹp xúc cảm sang một bên và giấu cho kín lòng tự ái.
Naxtia đang cần tìm hiểu khu biệt thự này, tìm hiểu tòa nhà này. Cũng có nghĩa chị cần đến Xoloviov. Vậy thì chị phải chịu đựng, bất kể những người kia đối xử với chị như thế nào.
Cố không làm họ chú ý đến mình, Naxtia lặng lẽ rời khỏi phòng ăn, ra gian tiền sảnh rộng thênh thang, lấy trong tủ áo tấm áo khoác ngoài. Rồi choàng áo lên vai, chị bước ra hiên. Một bên là bậc đi xuống sân, một bên là đường dốc cho xe đẩy. Các cửa sổ tầng một đều sáng ánh đèn. Tiếng cười nói vui vẻ trong nhà vọng ra. Đột nhiên Naxtia cảm thấy cô đơn khủng khiếp, không ai cần đến chị, quan tâm đến chị.
Tỳ tay lên lan can, Naxtia lấy thuốc lá ra châm lửa hút. Mấy chủ xuất bản kia đang nghĩ gì? Hẳn họ cho chị là một mụ đàn bà ngu dốt và nghèo, đến đây định chài một đàn ông giàu có, khai thác tình trạng ông ta tàn tật và không có khả năng kiếm được gái trẻ xinh đẹp? Chắc bọn họ nghĩ như thế. Chính vì vậy họ nhìn mình bằng cặp mắt khó chịu. Họ không cần giấu diếm nỗi khinh bỉ. Này, mụ vô liêm sỉ kia, đừng hy vọng vô ích. Ông ta không phải thứ dành cho mụ đâu!
Naxtia thầm nghĩ, không biết họ sẽ nhìn mình ra sao, nếu mình trang điểm và mặc một trong những bộ váy áo mẹ mình gửi từ Thụy Điển về cho mình? Chỉ cần muốn, Naxtia sẽ đẹp như một ngôi sao điện ảnh. Nhưng vấn đề là ở chỗ chị không bao giờ muốn thế. Trừ phi đó là vì công việc. Còn tự ý thì không bao giờ. Chị không thú chuyện đó.
– Chị ra đây nghỉ đôi chút để rồi lại vào dự tiệc phải không? – Tiếng người nói ngay bên cạnh.
Naxtia quay đầu lại, thấy một người đàn ông dáng ngộ nghĩnh, trạc bốn mươi tuổi hoặc ít hơn đôi chút, ăn mặc luộm thuộm, để ria mép dài và rậm, giống như trong bức tranh vẽ những người Kozac. Anh ta mặc bộ quần áo rất sang, thắt cà vạt, tay ôm một gói nhỏ. Anh ta đi bộ, và Naxtia đoán là hàng xóm.
– Đúng hơn là tôi để khách khứa được nghỉ, khỏi phải nhìn thấy tôi – Naxtia vui vẻ đáp – Tôi hơi nghiêm chỉnh quá, làm họ mất thoải mái.
– Bà thấy có đông khách không? – Anh chàng “Kozac” hỏi và Naxtia cảm thấy hình như anh ta có vẻ sợ hãi.
– Không. Ba người thôi. Mời ông vào, cửa mở đấy.
– Tôi ngại quá – Không hiểu sao anh ta lại lúng túng – Tôi tưởng không có ai, định sang chúc mừng ông Xoloviov, biếu ông ấy một món quà sinh nhật nhỏ. Nhưng nếu có khách thì có lẽ tôi không vào đâu.
– Tại sao?
– Vì… – Anh ta lại lúng túng hơn nữa, khiến Naxtia đâm thấy mến anh ta – Không tiện. Tôi không quen ai trong đó. Thôi, để mai tôi sang.
– Ai lại thế! – Naxtia quyết định ngắt lời anh ta – Quà và lời chúc mừng ngày kỷ niệm sinh nhật mà lại mai mới đem sang thì mất hết ý nghĩa. Bản thân tôi cũng không quen ai trong số khách ấy. Vậy tôi với ông, ta làm quen với nhau nào, rồi cùng vào, thành một phe đối lập với phe những người lạ kia.
Naxtia vui vẻ nháy mắt với anh chàng “Kozac” rồi chìa tay:
– Tôi là Naxtia. Tôi là người quen cũ của Xloviov. Ngày xưa ông ấy là học trò của mẹ tôi.
– Còn tôi là hàng xóm, nhà bên cạnh – Anh ta nắm chặt bàn tay Naxtia – Tên tôi là Gienia.
Naxtia khoác tay anh ta, quăng mẩu thuốc lá hút dở dang, rồi gần như lôi anh chàng nhút nhát này vào nhà.
– Tôi đưa một vị khách nữa đến – Vừa đến cửa, Naxtia nói to, thích thú nhận thấy vẻ khó chịu hiện lên trên mặt ba người của nhà xuất bản – Xin giới thiệu, ông Gienia, hàng xóm của Xoloviov. Nào, Gienia, mời ông cạn ly với chúng tôi.
Cậu giúp việc Andrei vẫn vẻ mặt lạnh lùng khó hiểu, rót sâm banh vào các cốc rồi đặt lên khay, bưng đến mời người hàng xóm. Bộ ba Nhà xuất bản “Serkhan” miễn cưỡng phải ngưng cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề gì đó, lịch sự nâng cốc nhưng mắt chăm chú nhìn anh chàng “Kozac” mới đến. Anh chàng này lúng túng, mãi mới thốt lên được.
– Ông Xoloviov… Xin chúc mừng ông nhân dịp sinh nhật. Tôi không biết chúc ông điều gì đây… ý tôi là… Nói chung tôi rất vui thấy bạn bè ông đến dự cuộc vui này. Điều này quan trọng lắm đấy. Con người ta phải được cảm thấy có những người khác quan tâm đến mình, và đến chúc mừng mình, không phải chỉ chúc mừng lấy lệ, mà thật sự yêu quý mình. Nói chung, sống trên đời phải thấy có người cần đến mình. Tôi xin chúc ngôi nhà của ông không cô đơn và không bị quên lãng…
– Cảm ơn anh Gienia – Xoloviov nồng nhiệt nói – Rất cảm ơn anh đã sang chúc mừng tôi. Xin cạn cốc về những lời tốt đẹp của anh.
– Ta đứng vào gần bàn một chút – Naxtia nói khẽ với người hàng xóm – Họ đang bận bàn công việc, ta chẳng quan tâm làm gì. Bao nhiêu thức ăn ngon kìa, ta cứ ăn, mặc họ.
Gienia ngoan ngoãn theo chân Naxtia ra chỗ đi-văng, và chị gần như ấn anh ta ngồi xuống. Chị thấy Gienia rất ngượng nghịu, đang muốn về.
– Ông đến ở đây lâu chưa? – Naxtia vừa hỏi vừa lấy thức ăn vào đĩa cho anh chàng hàng xóm.
– Ngay từ đầu, khi người ta mới xây khu biệt thự này. Tôi trong số những người dọn đến đây đầu tiên. Gần như cùng một lúc với ông Xoloviov.
Lạ nhỉ, Naxtia thầm nghĩ. Hai người sống sát vách nhau, vậy mà anh chàng này lại ngượng, không sang chơi. Như thể hôm nay là lần đầu tiên anh ta sang đây. Mà tại sao thời buổi bây giờ, một con người vụng về, cả thẹn như thế này lại được làm chủ cả một tòa biệt thự sang trọng, đắt tiền. Muốn kiếm được khoản tiền lớn để tậu nó phải là người ranh ma, táo tợn lắm kia chứ. Còn anh chàng này thì do đâu?
– Ông làm nghề gì, ông Gienia? Tôi hỏi thế có quá tò mò không đấy?
Gienia lại càng ngượng nghịu.
– Không đâu. Tôi chỉ trông nom nhà cửa, dạy bảo mấy đứa con. Vợ tôi là nhà kinh doanh… Tóm lại, tôi chỉ ở nhà.
Naxtia chợt nhớ. Anh ta chính là Gienia Iakimov. Biệt thự số 12. Vợ là Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, chuyên buôn bán trang bị nội thất, sửa chữa nhà cửa. Chồng không làm gì. Chà, thì ra chính là anh chàng này đây. Đọc các tài liệu đựng trong những chiếc phong bì gắn vào từng tòa biệt thự trên bản sơ đồ khu “Mộng Mơ”, Naxtia lại hình dung những người trong gia đình Iakimov này khác hẳn. Naxtia hình dung bà chủ tòa biệt thự số 12 là một phụ nữ trung niên, táo tợn, nhưng xinh đẹp. Chị ta dùng tiền “mua” một gã đàn ông đẹp mã và khỏe về tình dục, để anh ta chuyên phục vụ chị ta mà không bắt anh ta phải làm gì thêm. Thì ra sự thật lại khác, vai trò thành đảo ngược. Chị ta kiếm tiền, còn anh chồng trông nom nhà cửa và con cái. Mà như thế có khi lại là hay đấy.
– Ông bà có mấy cháu?
– Ba đứa.
– Chà! Vậy thì công việc của ông cũng vất vả đấy?
– Tôi làm tròn nhiệm vụ – Anh ta cười ngượng nghịu – Không để bà vợ tôi phải than phiền bao giờ.
Naxtia gợi chuyện để anh chàng kể về những người trong khu biệt thự này. Khác với Xoloviov, sống thầm lặng và hầu như không quan hệ với ai, Gienia Iakimov lại quen biết tất cả mọi người, bởi suốt ngày anh ta chỉ ở nhà. Hàng xóm luôn gửi con cái nhờ anh ta trông giúp mỗi khi họ phải đi đâu vắng, và luôn cầu cứu anh ta, mỗi khi có thứ gì hỏng hóc.
Với nụ cười trên môi, Naxtia khôn khéo đưa ra những câu hỏi để Iakimov trả lời vào đúng những điều chị cần biết. Chị không thể ghi chép, cũng không gặng hỏi chuyện gì, cố tạo cho cuộc trò chuyện diễn ra thoải mái, vô tư. Và Naxtia cũng không để lộ mối quan tâm của mình, thậm chí nhiều lần chị làm ra vẻ nghe một cách lơ đãng.
Thỉnh thoảng Naxtia bắt gặp cặp mắt ngạc nhiên của Xoloviov. Hẳn ông ta đang nghĩ, mục đích của Naxtia là đến với ông, đâu phải đến với hàng xóm của ông. Tại sao chị vẫn bình thản khi thấy ông không quan tâm gì đến chị. Chắc do mấy vị khách ở nhà xuất bản mải mê bàn chuyện làm ăn, nên Naxtia đành phải bắt chuyện với người hàng xóm của ông, người chị mới gặp lần đầu, và bản thân Xoloviov cũng chỉ hơi quen? Xoloviov biết rõ tính nết Naxtia “xưa kia”, cô gái đã từng yêu ông đến mức cuồng si, quên cả lòng tự trọng và sự giữ gìn. Còn “Naxtia bây giờ” thì thản nhiên nhắc lại chuyện ngày xưa, không một chút xúc động. Thế nghĩa là sao?
Xoloviov chốc chốc lại nhìn Naxtia. Đôi khi ông ta không nghe thấy cuộc tranh luận của mấy người Nhà xuất bản “Serkhan”. Dần dần thấy vậy, anh chàng Xemion, Tổng biên tập Nhà xuất bản “Serkhan”, cao lớn, có khuôn mặt hồn hậu, cũng bắt đầu chú ý đến Naxtia. Còn bản thân Naxtia, chị thầm nghĩ, vậy là bước đi đầu tiên đã thuận lợi. Mọi người đã thấy rằng mình có quyền nói chuyện riêng với chủ nhà. Đi tiếp thêm bước nữa, Naxtia!
Chị chậm rãi rời khỏi chiếc đi-văng nệm bọc da màu cà phê nhạt, khoan thai bước đến gần Xoloviov.
– Thế nào, nhà chuyên gia tài ba có thừa về văn học phương Đông? – Naxtia nhếch mép cười, hỏi – Anh đã có thể dành cho khách phụ nữ vài phút được chưa? Kẻo em sắp phải về rồi.
– Ôi, tôi xin lỗi – Vị Giám đốc thấp béo và rậm râu vội vã nhận lỗi – Chúng tôi mải lôi kéo ông Xoloviov vào toàn chuyện công việc. Rất tiếc là bà phải về quá sớm.
– Ông nói thật đấy chứ? – Naxtia làm ra vẻ thật thà hỏi – Tại sao ông lại “tiếc”, ông không định chinh phục tôi đấy chứ?
Naxtia cúi đầu, chăm chú nhìn Exipov, vì anh ta thấp hơn chị cả một cái đầu.
– Tôi đâu dám – Exipov vội vã đáp – Theo tôi thì anh bạn Xemion của tôi đây có vẻ mê bà. Bà không thấy chốc chốc anh ta lại liếc nhìn bà hay sao?
Vậy là đã rõ. Anh ta muốn gạt mình sang cho anh chàng có bộ mặt vui vẻ kia “xử lý”. Sau đây anh này sẽ làm như tán tỉnh mình, bắt chuyện, chê bai Xoloviov đủ kiểu, rồi tiễn mình ra xe, tin chắc rằng chủ nhà đã thôi không còn quan tâm gì đến mình nữa. Phương pháp đó cũ kỹ quá rồi, chỉ lừa được những kẻ khờ khạo, ấy vậy nhưng nhiều khi cũng đạt kết quả đấy. Không người đàn ông nào chịu được khi thấy “bạn gái” của mình hôn một người đàn ông khác. Vậy là mấy người này tìm cách gạt mình ra khỏi Xoloviov. Tại sao họ không muốn anh ấy gần gũi một người phụ nữ nhỉ? Hay ba vị ở nhà xuất bản này quá “dính” với Xoloviov, muốn giữ chặt anh ấy cho riêng họ? Tình bạn giữa họ với Xoloviov gắn bó đến như vậy sao? Không, không thể có chuyện ấy được. Đám “Nga Mới” này làm sao có được tình bạn cao quý đến thế. Hay họ muốn “bạn gái” của Xoloviov phải là người của họ, để cô ta bảo vệ quyền lợi cho họ? Hoặc lúc này họ đang có chuyện bất đồng nào đó với Xoloviov, cho nên chưa muốn để cô ta đến đây dự kỷ niệm sinh nhật anh ấy. Dù sao thì rõ ràng là họ muốn ngăn chặn mọi phụ nữ khác kết thân với dịch giả của họ. Mà cũng có thể không có chuyện bất đồng, chỉ đơn giản là cô ta đi đâu vắng nên không đến đây được.
Naxtia kiên quyết nắm lấy càng xe đẩy, và bất chấp phép lịch sự, chị đẩy xe, đưa Xoloviov sang phòng làm việc của ông. Sau khi cẩn thận khép kín cửa, Naxtia đẩy xe ra gần cửa sổ, rồi ngồi lên bệ cửa, quay mặt về phía ông.
– Ta nói chuyện riêng với nhau vài phút rồi em về.
– Còn sớm mà!
– Em phải về. Xoloviov, anh thấy thế nào? Em đến đây hôm nay liệu có ích gì không, hay hoàn toàn vô ích?
– Điều đó tùy thuộc ở em.
Xoloviov nhún vai, cố tạo vẻ mặt thản nhiên, làm như ông không tha thiết chút nào đến vấn đề này.
– Về phía em thì em quyết định rồi. Còn phía anh thì sao?
– Anh chưa hiểu ý định của em cụ thể là thế nào – Xoloviov nói, giọng cáu kỉnh – Còn nếu em muốn biết ý anh thì anh đề nghị em phải nói cho rõ ý của em đã.
– Cũng được – Naxtia thở dài nói – Mười hai năm trước đây, anh không yêu em, anh không cần đến em, em chỉ là đứa con gái làm vướng chân anh. Hồi ấy anh hoàn toàn không quan tâm đến em, nhưng anh vẫn thường xuyên đến gặp em, thậm chí còn làm tình với em. Phải rất lâu sau, em mới hiểu được rằng anh làm ra bộ yêu em chỉ vì sợ mẹ em. Anh sợ em giận hờn, thưa với mẹ, bịa ra đủ thứ để nói xấu anh và thế là anh sẽ không bảo vệ thành công được luận án. Khi nhìn ra được sự thật ấy, em lập tức để anh yên. Em phải nói rằng khi ấy em vô cùng đau đớn, Xoloviov. Em đã quá yêu anh. Hôm nay em đến đây chính để thử xem tình cảm em đối với anh có thay đổi không, và em vui mừng thấy anh tiếp em hoàn toàn bình thản. Còn em, khi ngồi bên anh, cũng không còn run rẩy nữa. Và khi chạm vào người anh, tim em không còn đập thình thình nữa. Anh đã thành một người khác, và em cũng vậy. Nhưng mặt khác, em ngạc nhiên thấy em lại có thể bắt đầu yêu anh. Một “em khác”, có thể yêu một “anh khác”. Theo nghĩa một mối tình hoàn toàn mới, như thể giữa hai người mới quen nhau. Có điều ngày nay em đã biết cách điều khiển tình cảm của mình. Em nhắc lại, em có thể lại yêu anh, nhưng toàn bộ vấn đề là ở chỗ, có bõ làm như thế không? Nếu em thấy là “bõ” thì em sẽ phát triển tình cảm và bắt đầu yêu anh. Không khó khăn gì hết. Có điều nếu em quyết định yêu anh, nhưng anh lại không muốn thì sao? Cho nên bây giờ em muốn nghe chính anh trả lời. Chẳng cần nhiều lời và chẳng cần phân tích lại câu chuyện ngày xưa. Em chỉ cần anh trả lời ngắn gọn, anh có muốn em tiếp tục đến đây với anh không? Hay anh muốn em cuốn xéo khỏi cái nhà này ngay bây giờ và đừng bao giờ đến đây nữa?
Vậy là Naxtia đã làm tất cả những gì cần thiết cốt để Xoloviov mời chị tiếp tục đến đây. Nữ thanh tra cảnh sát Naxtia Camenxcaia cần đến ngôi nhà này và chủ nhân của nó, thì dù để đạt mục đích ấy, chị phải nói dối, chị cũng sẵn sàng nói dối. Cần phải đóng kịch, chị sẵn sàng đóng kịch. Chị diễn vai một phụ nữ mê trai. Trước kia, Naxtia đã phải chịu rất đau khổ, đau khổ đến mức chị tưởng không thể vượt qua nổi. Nhưng từ bấy đến nay đã hơn mười năm trôi qua, trong lòng chị không còn chút oán hờn nào với người đàn ông này nữa. Và nói chung, đối với Naxtia, lúc này Xoloviov chỉ là một người như trăm ngàn người đàn ông khác, không gợi lên trong chị một chút cảm xúc nào. Như thể chưa hề có chuyện chị yêu ông ta. Nhưng nếu vì nhiệm vụ, chị phải gây nỗi đau cho ông ta, chị cũng làm ngay không chút ngập ngừng, vả lại, đau đến đâu cũng không thể bằng nỗi đau của Naxtia ngày đó. Nhưng thậm chí nếu nỗi đau có lớn đến như vậy thì, theo kinh nghiệm chị đã trải qua, Xoloviov vẫn vượt qua được, không làm ông ta chết đâu. Cho nên nếu như rồi đây, Xoloviov có phải chịu vài phút đau khổ nào đó, sau khi nhận ra sự thật về động cơ của người phụ nữ mà ông yêu, thì rồi ông ta sẽ vượt qua được thôi.
Xoloviov nắm bàn tay Naxtia kéo về phía mình. Naxtia nhảy trên bệ cửa sổ xuống, ngồi lên đầu gối Xoloviov. Ông hôn Naxtia rất nồng nàn, rất lâu, và rất thành thạo. Mấy lần ông đưa cặp môi xuống lướt trên làn da cổ chị. Một tay ông ôm ngang eo Naxtia, một tay ông mân mê cặp vú của chị bên trong tấm áo len rộng thùng thình. Naxtia lắng nghe tình cảm bản thân. Chị không thấy xúc động chút nào hết. Lạy Chúa, cách đây mười hai năm, mỗi khi được Xoloviov hôn như thế này, cô gái trẻ Naxtia ngày ấy tưởng như chết lịm đi. Nhưng bây giờ chị không có cảm giác gì hết. Chị cũng không thấy khó chịu, không đẩy ra rồi nhăn mặt khinh bỉ, như trường hợp nếu một người đàn ông xa lạ có hành vi như thế với chị. Nhưng cảm giác đê mê như ngày xưa cũng không có.
Naxtia nhẹ nhàng gỡ ra khỏi vòng tay Xoloviov, đứng lên, ra ngồi lên bệ cửa sổ như cũ.
– Em vẫn chưa nghe thấy câu trả lời của anh, Xoloviov. Em chưa hiểu anh có muốn em tiếp tục đến đây nữa không.
– Nhưng chính em đâu có muốn đến nữa.
Xoloviov chăm chú nhìn Naxtia và cặp mắt ông ta vô cùng nồng nàn.
– Em đừng tự dối lòng mình, Naxtia. Em không cần đến anh. Anh là kẻ tàn tật, trong khi em là một phụ nữ trẻ trung, khỏe mạnh. Em có những nhu cầu sinh lý bình thường, mà anh không thể thỏa mãn được. Lúc anh hôn em, em không cảm xúc gì hết. Vậy tại sao em làm tất cả những chuyện này.
– Em đã nói với anh rồi, thì ra mười hai năm qua anh chưa già giặn thêm chút nào, vẫn y hệt ngày xưa. Đôi với anh, thứ quan trọng nhất vẫn là làm tình – Naxtia vừa nói vừa cười, vuốt ve bàn tay Xoloviov – Và anh vẫn chưa hiểu gì hết. Bây giờ em về nhà với ông chồng tài ba, để anh ở lại đây một mình suy nghĩ thêm về những điều em nói. Mai em sẽ lại đến và chúng ta trao đổi thêm. Em hy vọng ngày mai mấy ông bạn làm ăn của anh sẽ không cản trở chúng ta. Thôi, em về nhé. Anh đừng tiễn, em sẽ lẳng lặng đi ra, và không chào mấy con cá mập tư bản chủ nghĩa của anh đâu. Muốn ra ngoài chỉ có một cách qua phòng khách thôi à?
– Không. Có cửa ra thẳng ngoài tiền sảnh kia kìa.
– Mai gặp nhau, anh yêu. – Naxtia cười, nói, lúc chị đã ra đến cửa.
Xoloviov gật đầu, mắt hoài nghi nhìn theo.
Naxtia ra gian tiền sảnh. Cửa phòng khách mở và chị nghe rõ tiếng tranh luận ầm ĩ vẳng đến. Chị rẽ ngang vài bước nhìn vào bếp. Andrei đang thầm thì chuyện gì rất khẽ với anh chàng hàng xóm ria mép dài Iakimov. Nghĩa là trong phòng khách chỉ có mấy vị khách ở nhà xuất bản.
Chị thận trọng, nhấc tấm áo khoác ra khỏi mắc rất khẽ, tai lắng nghe câu chuyện giữa họ.
-… việc ấy thì cần phải có “Nai con” – Viên Giám đốc kinh doanh Avtaev nói – Nếu không thì không thành được đâu.
Tổng biên tập Xemion nói giọng dè dặt:
– Khó nhỉ? Nếu xảy ra chuyện đó thì bao công lao mấy năm nay thành vô ích hết hay sao?
Giám đốc Exipov ngắt lời:
– Không phải bàn nữa. Cần thiết là ta cứ làm. Bất kể thành hay bại…
Vậy là đã rõ: trong ba người kia, ai là trùm, Naxtia thầm nghĩ, trong lúc mở khóa cửa, bước ra ngoài.
 
*
 
Alecxei ngồi duỗi chân trên đi-văng xem bộ phim hình sự trên truyền hình. Cạnh đó, trên sàn là chiếc khay có những tách và đĩa uống trà. Naxtia hiểu ngay rằng chồng chị đã ngồi xem truyền hình suốt từ bữa ăn trưa đến giờ.
– Anh làm sao thế, Alecxei? – Chị lo lắng hỏi.
– Không sao cả – Alecxei xoắn những sợi tóc quăn màu hung đỏ – Anh đình công.
– Lý do?
– Mấy thằng cha ở trường Cao đẳng không chịu trả thù lao bài giảng. Bọn họ bảo sau khi thi xong mới trả. Hẳn là để còn xem kết quả thi của sinh viên ra sao đã.
– Thế bao giờ thi?
– Tháng Năm.
– Không sao! – Naxtia huýt sáo – Nghĩa là vẫn túi rỗng chứ gì? Đành kỷ niệm suông ngày cưới hai chúng mình vậy.
Họ cưới nhau cách đây một năm, ngày 13 tháng Năm. Họ đi đăng ký cùng một hôm với cậu em cùng cha khác mẹ của Naxtia, tên là Xasa. Cậu em rất thích kiểu đám cưới hai cặp như vậy, và vạch ra kế hoạch là tất cả những lần kỷ niệm ngày cưới sau này, hai chị em đều sẽ tổ chức chung. Lần kỷ niệm đầu tiên này, Xasa định cả bốn đi một chuyến du lịch sang Paris. Lần thứ hai, sang Vienna, lần thứ ba sang Roma. Naxtia đã gạt đi bởi biết cậu em làm gì có đủ tiền, và bản thân vợ chồng chị cũng làm gì có. Chồng chị, Alecxei, có thể kiếm được vô số tiền, nếu nhận lời đi giảng bài cho các trường đại học nước ngoài và ký với họ những hợp đồng nghiên cứu khoa học. Nhưng anh không muốn đi đâu một mình nếu không có Naxtia đi cùng. Trong khi đó thì Naxtia lại nhất quyết không chịu nghỉ việc. Bởi vậy hai vợ chồng thường xuyên phải tính chuyện giật gấu vá vai trong sinh hoạt hàng ngày.
– Em ăn tối nhé? – Alecxei hỏi, nhấc tấm chăn mỏng ra, ngồi dậy, lấy chân quờ tìm đôi dép chuyên môn lọt đi đâu ấy.
– Cảm ơn, em không đói.
– Em ăn ở đâu rồi à? Vì chắc không phải em đi thẳng từ cơ quan về nhà.
Từ lâu Naxtia đã thôi không phải cân nhắc xem nên “nói dối hay nói thật” khi đụng đến quan hệ giữa hai vợ chồng. Chị đã chọn một phương án duy nhất, là nói thật. Một là Alecxei đã biết Naxtia từ năm chị mười lăm tuổi, và hoàn toàn tin tưởng rằng vợ anh không bao giờ làm điều gì không trong sạch. Thứ hai, anh là một nhà toán học thật sự có tài, một nhà thông thái, biết cách tư duy rành mạch, chính xác, không để xúc cảm ảnh hưởng, cho nên anh phát hiện được mọi sự dối trá. Ba là, tất cả những gì xảy ra giữa Naxtia và Xoloviov cách đây mười hai năm anh đều đã biết. Chồng chị dũng cảm chấp nhận sự thật ấy, và đã phải chịu nỗi đau khổ dằn vặt suốt hơn một chục năm qua, lo sẽ không lấy được người phụ nữ duy nhất anh yêu. Nỗi lo lắng ấy đến nay vẫn còn để lại dấu vết trong lòng anh. Chỉ cần có một biểu hiện nhỏ là anh ghen khủng khiếp, sợ mất chị. Bởi ngoài Naxtia ra, anh không thấy cần bất cứ một phụ nữ nào khác. Chính vì vậy, Naxtia hiểu rằng không nên để chồng vương vấn một chút nghi ngờ nhỏ, nếu không, Alecxei sẽ phát điên lên mất.
– Em ăn tiệc.
– Trong giờ làm việc? – Alecxei ngạc nhiên nhìn vợ. Chưa bao giờ có chuyện Naxtia đi dự tiệc trong giờ làm việc.
– Việc đó cần cho công tác, anh yêu ạ. Em đến nhà Xoloviov.
Chị không cần hỏi xem anh có nhớ đó là ai không, bởi chị biết chắc chắn chồng chị nhớ.
– Ra thế.
Alecxei cố giữ điềm tĩnh, và Naxtia đánh giá rất cao phẩm chất đó của chồng.
– Anh ấy ở khu nhà, nơi bọn em đang nghi là có kẻ tội phạm cũng sống tại đó. Em cần phải có cớ để đến khu nhà đó. Không chỉ đến một lần, mà còn phải thường xuyên lui tới khu nhà đó cho đến lúc tìm ra được thủ phạm. Không có gì thuận lợi hơn là dưới cái vỏ đến gặp Xoloviov. Ngày xưa em yêu anh ta, nhưng chuyện đã không thành, và bây giờ vợ anh ta đã chết, em nối lại tình thân là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Anh hiểu rồi chứ?
– Tất nhiên. Việc ấy hoàn toàn tự nhiên. Thế còn anh thì sao, chuẩn bị ly hôn chứ?
– Alecxei! Anh nói thế mà nghe được à?
Naxtia ngồi xuống đi-văng, bên cạnh chồng. Chị ôm cổ anh, áp má vào vai anh.
– Đấy là công việc, anh yêu. Chỉ là công việc thôi, không hề có gì khác. Chuyện ngày xưa đã chấm dứt ngần ấy năm rồi. Bây giờ tình cảm em với Xoloviov tuyệt đối không còn gì. Em đâu còn là đứa con gái khờ khạo. Em đề nghị anh đừng băn khoăn chuyện đó. Bởi em có thể giấu chuyện em đến gặp Xoloviov, mà anh vẫn không biết gì hết. Nhưng em thấy không có gì phải giấu anh. Xoloviov bây giờ không là cái gì đối với em hết. Hoàn toàn không. Anh ta chỉ là chủ nhân ngôi nhà mà em cần thường xuyên đến.
Alecxei không nói gì, chỉ lặng lẽ vuốt tóc vợ.
– Nhưng anh ta… Xoloviov biết em đến nhà anh ta chỉ là vì công việc?
Alecxei nhìn thấu vào tận đáy vấn đề. Naxtia thu mình, nép vào người chồng. Không giấu anh ấy được điều gì. Nếu Alecxei không thông minh đến như vậy thì Naxtia đã chẳng yêu và lấy làm chồng.
– Anh ta không biết, anh yêu ạ.
– Nghĩa là anh ta đinh ninh rằng em đến là để gặp lại người tình cũ?
– Alecxei!
– Naxtia, hai chúng mình quen biết nhau đã hai chục năm, ta chẳng nên giấu diếm nhau điều gì, chẳng nên cân nhắc từng lời để không nói toạc ra sự thật. Vậy em đã làm cho Xoloviov hiểu lý do em đến gặp anh ta là gì?
– Đúng như anh đã đoán ra. Em bảo em đến để kiểm tra lại xem em đã hoàn toàn không còn tình cảm gì nữa với anh ta hay không. Hôm nay kỷ niệm sinh nhật anh ta. Em lợi dụng thời cơ ấy để đến gặp.
– Em tin là đúng như em nói chứ?
– Em tin. Ôi, Alecxei! Vì Chúa, anh đừng tự làm khổ anh nữa. Về chuyện em không còn một li tình cảm nào với Xoloviov, thì em đã biết rõ từ nhiều năm về trước. Và nếu chỉ để thẩm tra tình cảm bản thân thì em chẳng cần đến nhà anh ta. Nhưng em cần phải có một cái lý do, để đưa ra với anh ta.
– Thế em không sợ, bây giờ vợ anh ta đã chết, rất có thể anh ta lại muốn nối lại tình cảm với em à?
– Em không sợ. Nếu như ngày đó anh ta không yêu em, thì bây giờ anh ta cũng không thể yêu. Kinh nghiệm thế giới cho thấy tình yêu không phụ thuộc vào chuyện có vợ hay không. Ngoài ra, em chưa kể với anh… Xoloviov bây giờ tàn tật. Hỏng hai chân. Di chuyển phải dùng xe đẩy.
– Tai nạn à?
– Hiện em chưa rõ. Anh ta không muốn kể em nghe, và em cũng không nài. Nhưng không cần anh ta kể em cũng sẽ biết, không khó khăn gì mấy. Alecxei, ta quên chuyện ấy đi, được không? Chuyện vặt vãnh mà anh làm to ra để làm gì? Anh hỏi tại sao em không muốn ăn tối, em bảo em đã ăn ở nhà Xoloviov. Ta hãy coi chuyện chỉ có như vậy. Chúng ta nên cho qua. Giá như em nói, em ăn tối ở nhà Chukin hoặc Khrevkin, thì anh sẽ chẳng suy nghĩ gì hết, đúng không nào? Bây giờ ta coi Xoloviov đối với em chỉ là một người quen biết, giống như trăm ngàn người quen biết khác, thế thôi. Anh đừng nghĩ đến anh ta nữa. Em yêu anh, đã lấy anh, và em muốn sống với anh trọn đời. Ta uống trà đi.
Naxtia đứng lên, kéo chồng dậy. Nhìn mái tóc bù rối của Alecxei, đột nhiên chị so sánh anh với Xoloviov. Đúng là Xoloviov đẹp trai hơn, và có cặp mắt nồng nàn mà Alecxei không bao giờ có. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà chị yêu Alecxei, nhà toán học tài ba tóc hung của chị. Bây giờ Naxtia ghét nhất là loại nam giới tự tin vào sức quyến rũ tình dục của mình và dùng cái đó để khuất phục phụ nữ. Bây giờ chị thích loại đàn ông giúp được chị làm tròn sứ mệnh của chị.
Khách đã về hết từ lâu, nhưng Xoloviov vẫn ngồi trong phòng làm việc. Ông đã cho Andrei lên gác ngủ, bảo cậu ta rằng ông sẽ tự vào giường lấy, không cần cậu ta giúp. Cuộc đến thăm của Naxtia làm ông mất đi niềm thanh thản mọi khi. Cách xử sự của ông đối với Naxtia ngày xưa rõ ràng là tồi tệ, và mỗi lần nhớ lại, Xoloviov đều cảm thấy không vui. Do đấy ông đã quyết định thôi, không nhớ lại chuyện ấy nữa.
Xoloviov chưa bao giờ là một chiến sĩ kiên quyết đạt bằng được mục tiêu mà ông cho là chân chính và cần thiết. Ông thường lựa theo hoàn cảnh, chọn cách xử sự nào hợp với ý thích của ông nhất. Mặc cho sự đời trôi chảy. Xoloviov chẳng muốn thay đổi cái gì hết. Chuyện gì đã xảy ra coi như đã xong. Khi ông nhận ra rằng cô con gái của bà giáo sư hướng dẫn ông làm luận án mê ông đến mất trí, ông chọn cách dễ dàng nhất là khai thác tình yêu ấy, vừa hưởng thụ vừa khỏi làm cô bé giận. Xoloviov đã quen lối phó mặc cho dòng nước cuốn đi, chứ không cưỡng lại hoàn cảnh.
Hồi đó, Xoloviov biết cô bé Naxtia đau khổ, biết rằng cách đối xử của mình gây nỗi đau cho cô. Lúc đầu ông tự bắt mình tin rằng ông yêu cô gái, nhưng rồi ông không giấu nổi sự thật. Ông biết mình có lỗi, nên ông không muốn nhớ lại chuyện đó. Quên nó đi. Và Xoloviov đã quên được.
Hôm nay cô ta đến đây nhằm mục đích gì? Trả thù chăng? Cô ta muốn hưởng niềm thích thú thấy mình trở thành kẻ bất lực, thấy mình gặp tai họa chăng? Bởi cô ta đâu còn yêu mình? Xoloviov thấy điều này rất rõ. Tuy nhiên… Mà biết đâu đấy? Quả là tối nay, khi hôn nhau mình thấy cô ta không hề xúc động gì hết, nhưng xúc động trong lần đụng chạm đầu tiên chưa phải đã nói lên sự thật, vả lại, tuổi tác cũng có phần ảnh hưởng. Naxtia bảo cô ta bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Sắp tròn ba mươi sáu. Cô ta đã ở tuổi mà con người ta dễ thành lạnh lùng và lý trí. Thậm chí có phần chua chát. Và cũng là tuổi phụ nữ thường rất đẹp. Kiểu đẹp của một người đàn bà vừa chín. Hôm nay cô ta đẹp hơn rất nhiều so với mười hai năm về trước.
Tuy Naxtia không trang điểm nhưng Xoloviov đánh giá được các đường nét tinh tế và quý phái, cả trên khuôn mặt, cả trong dáng người. Đôi chân thon dài chắc nịch, eo nhỏ, cặp vú cao, mái tóc dầy, hai bàn tay nuột nà, gò má nhô lên vừa mức, mũi thẳng. Loại phụ nữ dành cho những đàn ông biết người biết của. Loại phụ nữ mà nếu chỉ nhìn thoáng qua chúng ta không chú ý, nhưng một cặp mắt tinh đời sẽ nhận ra được chân giá trị.
Mai cô ta sẽ lại đến. Liệu Xoloviov có muốn cô ta đến lần thứ hai nữa hay không? Ông cố suy nghĩ, nhưng tính ông không quen suy nghĩ cái gì lâu. Cứ để mặc cho sự đời trôi chảy. Cứ để cô ta lại đến, và cứ để cô ta lại yêu mình. Bây giờ chuyện đó không làm Xoloviov băn khoăn nữa, bởi tình trạng tàn tật đã giải thoát cho ông mọi trách nhiệm đối với phụ nữ. Xoloviov quá cô đơn, và một phụ nữ yêu ông cũng chẳng sao. Nhất là ông quá xa trung tâm thành phố, Naxtia không thể đến hàng ngày được. Cô ta lại đã có chồng. Vậy là, Xoloviov kết luận, chỉ có tốt thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.