Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 4



Thì ra Artur Malisev trạc năm mươi tuổi nhưng trông rất trẻ và đẹp trai, giọng nói khẽ một cách bất ngờ.
– Tôi phải giữ cổ họng – Ông ta giải thích, khi thấy Naxtia phải cố gắng nghe ông ta nói – Ngày nào cũng giảng bài sáu tiếng đồng hồ ở trường, đâu phải chuyện đơn giản? Tối lại còn dạy ở các trung tâm để kiếm thêm tiền sinh sống. Cho nên ngoài giờ dạy học, tôi cố nói thật khẽ, gần như nói thầm.
Về Xoloviov, Malisev không biết gì nhiều. Hai người không thân nhau lắm, chỉ cùng là nghiên cứu sinh vào một thời gian, nhưng lại thuộc hai bộ môn khác nhau. Về chuyện bất hạnh của Xoloviov, thì Malisev nghe vợ ông ta kể, mà vợ ông ta lại nghe một chị bạn làm ở bộ phận cấp cứu kể. Chị bạn kia rất mê bộ sách “Kiệt tác Phương Đông”, chính vì thế mà chị ta chú ý đến Xoloviov trong vô số bệnh nhân được xe cấp cứu chở đến bệnh viện.
– Ông có thể cho tôi biết bà nhà đã nói chính xác như thế nào, khi kể lại lời của bà ở bộ phận cấp cứu được không? – Naxtia hỏi.
– Vợ tôi kể rằng dịch giả Xoloviov bị kẻ nào đó hành hung tàn bạo, và xe cấp cứu nhặt được ông ta ngay trên đường phố. Tất cả chỉ có thế, ngoài ra vợ tôi không kể thêm chi tiết nào nữa.
– Ông có quen bà bạn ấy của bà nhà không?
– Rất tiếc là tôi không biết bà ấy. Thậm chí tôi cũng không biết tên bà ta là gì.
– Sao lại thế được? – Naxtia ngạc nhiên – Ông không biết các bạn gái của bà nhà ư?
– Bà ta không phải bạn thân của vợ tôi. Chỉ là vợ tôi quen ở bệnh viện thôi. Theo tôi biết thì sau vụ đó, vợ tôi và bà ta có gọi điện nói chuyện với nhau thêm hai ba lần. Nhưng bà ta chưa hề đến nhà tôi bao giờ.
– Hai người quen nhau ở bệnh viện nào?
Malisev rõ ràng lúng túng:
– Tôi cũng không biết nữa.
– Ôi, sao lại thế được, thưa ông Malisev? Hay ông chưa kể ra hết với tôi?
Malisev đỏ mặt, chuyển sang tìm bật lửa, trong khi chiếc bật lửa nằm ngay trước mặt ông ta.
– Bà hiểu cho… Hồi ấy tôi đang đi công tác, vợ tôi nạo thai giấu tôi. Chính vì vậy tôi không biết vợ tôi nằm bệnh viện nào.
– Nhưng sau thì ông cũng vẫn biết chuyện bà nhà nạo thai chứ? – Naxtia nhận xét.
– Đúng thế.
Malisev ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Naxtia.
– Tôi biết chẳng thể giấu được bà. Bà làm ở cơ quan cảnh sát, bà chưa moi hết ra được thì bà còn chưa để tôi yên. Đúng vậy không?
– Nói chung, đúng thế. – Naxtia gật đầu.
– Vả lại chuyện này cả trường đại học đều biết cả. Bây giờ hai vợ chồng tôi đã ly hôn. Hồi đó bà ấy có thai là với một người đàn ông khác, cái thai bà ta nạo ấy. Bởi vậy bà ấy giấu tôi. Bà ấy giấu tôi được một thời gian. Nhưng rồi ông kia đề nghị bà ấy lấy ông ta. Hiện hai người đã ra sống ở nước ngoài. Họ có một doanh nghiệp rất lớn tại Bờ biển Ngà. Toàn bộ sự thật là như vậy.
– Xin lỗi. – Naxtia nói giọng nhận lỗi – Tôi không định bắt ông phải kể lại câu chuyện không vui kia. Nhưng tôi rất cần tìm cái bà làm ở bộ phận cấp cứu. Ông có giúp tôi được không?
– Không. – Malisev giơ hai tay tỏ vẻ bất lực.
– Liệu tôi có thể liên lạc với bà vợ cũ của ông được không?
– Tôi không có số điện thoại của bà ấy. Bà ấy hiện ở Ghine, cụ thể là Bờ biển Ngà.
– Tôi hiểu – Naxtia thở dài – Có thể những bạn gái vợ cũ của ông biết bà ấy nạo thai ở bệnh viện nào chứ?
Malisev nêu lên vài cái tên, và Naxtia ghi tất cả vào sổ tay.
– Nhưng tôi không tin họ có thể giúp gì được cho bà. Vợ cũ của tôi tính rất kín đáo, chưa chắc bà ấy đã lộ ra với ai, nhất là với bạn phụ nữ. Thêm nữa, bà ấy cần giữ tuyệt đối bí mật mới quan hệ với nhà triệu phú kia, và bà ấy đã giữ bí mật được rất lâu. Nếu bà ấy tâm sự với một bạn gái nào thì chuyện ngoại tình kia lập tức lộ ra ngay, trước đó nhiều.
Naxtia cười:
– Ông Malisev, tôi không muốn làm ông buồn, nhưng sự thật muôn thuở là chồng bao giờ cũng là người biết cuối cùng. Rất có thể người xung quanh đã biết chuyện bà nhà ngoại tình trước ông nhiều.
– Không phải – Malisev lắc đầu – Tôi tin rằng trường hợp này không như thế.
Naxtia không hiểu tại sao ông này lại quả quyết đến như vậy, nhưng chị không hỏi sâu thêm. Chẳng nên khơi lại nỗi đau của ông ta.
Tuy nhiên hy vọng vào những bạn gái vợ cũ của Malisev đã không có cơ sở. Phần vì đó không phải là những bạn gái thân thiết lắm, phần vì vợ cũ của Malisev quả là người hết sức kín đáo, cho nên không ai biết được bà ta đã nạo thai ở bệnh viện nào. Thêm vào đó, Moxcva có rất nhiều bệnh viện, và nạo thai là chuyện rất bình thường. Nằm viện vài ngày, có khi chỉ một ngày, sáng vào, chiều đã ra rồi, cho nên bạn bè ít khi đến bệnh viện thăm. Vậy Naxtia chỉ còn một cách duy nhất: kiểm tra tất cả các bệnh viện, xem cách đây hai năm, bệnh viện nào nhận một phụ nữ đến nạo thai tên là Anna Maliseva. Rồi lấy danh sách tất cả những phụ nữ có mặt ở bệnh viện đó trong cùng thời gian, lựa ra những người công tác trong bộ phận cấp cứu. Cả một khối lượng công việc đồ sộ, mà để làm gì? Không phải để tìm thủ phạm, mà chỉ để tìm người phụ nữ khẳng định việc Xoloviov có bị đánh đập tàn bạo. Chưa kể người phụ nữ đó liệu có trong đội cấp cứu đưa anh ta đến bệnh viện không, hay cũng lại chỉ nghe người khác nói. Đặt trường hợp, sau tất cả những công việc ấy, Naxtia khẳng định chuyện Xoloviov bị đánh đập tàn nhẫn là có thật, thì sau đó thế nào? Chuyện ấy có liên quan gì đến vụ những đứa thiếu niên bị mất tích không? Rồi với kẻ mất trí nào đó đã ăn trộm những băng hình kia? Không có liên quan nào hết. Vả lại, sẽ không ai cho phép Naxtia sử dụng ngần ấy thời gian lao động quý giá chỉ vào một việc là tìm ra sự thật về người tình cũ của chị, một người không dính líu vào một vụ án hình sự nào và cũng chưa bị nghi là có dính vào.
Mà có thật là Xoloviov không dính vào và không bị nghi ngờ là dính vào hay không?
Naxtia không thuộc loại người sợ không dám nhìn thẳng vào sự thật.
– Cô đừng lao vào vụ đám thiếu niên ấy nữa – Đại tá Gordeev nổi cáu – Đừng tưởng tượng ra nhiều thứ vớ vẩn.
Ngay từ sáng nay ông đã cáu kỉnh, về chiều có dịu bớt, nhưng vẫn chưa bình thường. Từ sáng, Naxtia đã thảo từng điểm cần làm ngay trong phương án điều tra vụ trộm băng hình đưa lên cho ông, và bây giờ chị đến gặp để hỏi xem ông đã tiến hành những bước đi nào rồi. Thì ra chưa bước đi nào được tiến hành. Lại một lần nữa vướng mối quan hệ giữa các bộ phận. Vụ trộm quầy băng hình chỉ là vụ nhỏ, thuộc phạm vi cảnh sát cấp quận chứ không phải cấp thành phố, nếu như vụ đó không liên quan đến những vụ trọng án nào khác. Đó là quan niệm của đại tá Gordeev và bản thân Naxtia Camenxcaia cũng nghĩ như vậy, nhưng khốn nỗi Phòng Cảnh sát quận lại không chịu tuân lệnh họ. Trong khi đó, đại tá Gordeev kiên quyết không chịu đưa vấn đề này lên Ủy ban thành phố giải quyết, ông giải thích cho Naxtia:
– Cô nên nhớ rằng chuyện các thiếu niên bị mất tích kia có hình dạng giống hệt nhau chỉ chúng ta biết. Mà cũng chỉ là chúng ta nhận xét thấy như vậy thôi, chưa có bằng chứng gì cụ thể. Tôi nói chúng ta đây là bốn người: Corotcov, Colia, cô và tôi. Hết. Cô thừa biết nếu chúng ta lộ điều nhận xét đó của chúng ta ra cho nhiều người khác cùng biết thì hậu quả sẽ ra sao rồi. Chỉ cần hôm nay chúng ta công bố rằng trong vô số thiếu niên bị mất tích nổi bật lên một nhóm có dáng hình Do Thái thì lập tức sáng mai các báo sẽ đưa tin giật gân này, và sẽ bình luận rằng tại Moxcva hiện có một tổ chức bí mật bài Do Thái. Những tờ báo đó sẵn sàng đưa mọi thứ, chỉ cốt để giúp họ bán chạy. Họ sẵn sàng đăng cả những lời đồn đại, nói xấu, thậm chí dối trá. Thế là những người Do Thái ở Moxcva đâm hoang mang, đòi chính quyền phải có những biện pháp bảo vệ họ. Cô bé ơi, ta chẳng nên đụng đến một vấn đề tế nhị như vậy. Tất nhiên trong lãnh đạo thành phố có những người biết cách dập tắt lời đồn đại. Nhưng mâu thuẫn sắc tộc là vấn đề gay cấn bậc nhất, không phải chỉ bây giờ mà trong mọi thời đại. Và khó giải quyết nhất. Đụng đến vấn đề ấy là phải hết sức tế nhị, thận trọng và biết nhìn xa. Trong khi vấn đề ở đây thật ra chỉ là có một tên khốn kiếp thích những đứa trẻ trai có hình dạng như vậy, bất kể thuộc sắc tộc nào. Khốn nhưng sẽ không ai chịu tin là như thế, bởi đang sẵn có hàng đông người kiếm được lợi trong việc đẩy cao mâu thuẫn sắc tộc, biến mọi chuyện dính đến sắc tộc thành những vụ bê bôi lớn lao. Thời gian này lại là thời điểm sắp tiên hành Tổng tuyển cử, cô đừng quên.
– Tôi không quên – Naxtia buồn bã thở dài – Chỉ có điều Phòng cảnh sát quận không chịu tìm cho ra tên trộm ấy.
– Cái cậu đã có sáng kiến soát các hình trong những băng hình ấy, cậu ta thông minh đấy. Liệu giao cho cậu ta việc này có được không, cô thấy thế nào?
– Nhưng thủ trưởng của cậu ta sẽ không chịu. Không ai cho vụ trộm ấy là quan trọng. Họ chỉ cho là một vụ trộm vặt.
– Vậy thì ta đánh lừa họ. – Đột nhiên đại tá Gordeev nói.
– Lừa thế nào, thưa đại tá?
– Đấy thuộc quận nào?
– Quận Tây. Phường Ga Metro “Molodejnaia”.
– Trên địa bàn ấy hiện có vụ nào thuộc cấp sở không?
– Có, hai vụ – Naxtia gật đầu. Chị bắt đầu đoán được ý của thủ trưởng – Một xác chết Colia đảm nhiệm, và một xác chết – Lexnicov. Xác chết Colia đảm nhiệm thì kèm thêm cả tội ăn trộm vật quý, tranh, nữ trang. Có hợp không ạ?
– Hợp đấy. Vậy là cô đã hiểu rồi. – Đại tá Gordeev khen ngợi ngắn gọn.
Nửa giờ sau, ông đã ra lệnh cho cảnh sát quận Tây cử một cán bộ hỗ trợ với Colia, đặc trách công việc điều tra về các vụ trộm và đường dây tiêu thụ những thứ ăn trộm được. Anh ta đúng là người Naxtia đang cần, và không ai có thể trách đại tá là sử dụng người của quận hỗ trợ cho đội trọng án của Sở.
Naxtia tính sáng mai sẽ gặp người cán bộ điều tra của quận kia, còn bây giờ, chị quyết định đến nhà Xoloviov.
– Nào, bây giờ anh kể em nghe anh nhớ em như thế nào. – Naxtia nói, ngồi xuống chiếc ghế salông êm ái.
– Nhớ lắm! – Xoloviov đáp, vẫn nụ cười giễu cợt mọi khi trên môi.
Naxtia cảm thấy hôm nay Xoloviov hơi khác, không giống như anh ta hôm sinh nhật. Mặc chiếc áo len cổ lọ màu xanh lam, mái tóc bù xù, Xoloviov rất giống anh ta cách đây mười hai năm: tự tin, hồ hởi, và tươi vui.
Lần này Andrei không có nhà, cậu ta đến nhà xuất bản lấy sách bản quyền tác giả. Không có cậu ta, Naxtia cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Xưa nay chị có tính không chịu được có người thù ghét mình bên cạnh, thậm chí nỗi thù ghét đó được người kia giấu kín. Hai người đem bánh mì kẹp thức ăn và cà phê ra phòng khách ngồi nhấm nháp.
– Còn em, có nhớ anh không? – Xoloviov hỏi.
– Nhớ một chút, – Naxtia cười đáp – vào khoảng giữa hai công việc cấp bách hoặc giữa hai cuộc thảo hợp đồng, em luôn nghĩ đến anh. Chúng ta tiếp tục bàn về mối quan hệ giữa hai chúng ta hay chọn đề tài khác thú vị hơn?
– Về mối quan hệ giữa hai chúng ta! Đấy là đề tài thú vị nhất. Em không cho là như thế sao? Naxtia chăm chú nhìn Xoloviov: chà, anh ta lại định chinh phục mình bằng cách nhắc lại chuyện cũ chăng? Vẫn tính hợm mình như xưa!
– Có lẽ anh nói đúng – Naxtia gật đầu – Nhưng em nghĩ ta chẳng nên lặp lại chuyện xa xưa. Từ bấy đến nay cả hai chúng ta đều đã đổi khác, cho nên ta hãy quên chuyện cũ đi. Coi như bắt đầu một mối quan hệ mới. Và nếu như vậy thì chúng ta còn biết quá ít về tình trạng của nhau hiện nay. Nếu anh đồng ý coi đây là một mối quan hệ mới, thì ta nên kể về bản thân mình cho nhau nghe.
Xoloviov bật cười:
– Tính nết của em quả là không chịu nổi. Hơn chục năm qua, em đã mất hết chất mơ mộng và bây giờ em thành lý trí, thực tế và logic khủng khiếp. Tại sao em bảo anh đã thành một con người khác? Anh vẫn y nguyên như thế, vẫn y hệt như Xoloviov mà em đã yêu.
– Không thể có chuyện ấy được – Naxtia nhẹ nhàng phản đối – Qua ngần ấy năm trời, bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong cuộc sống của anh cũng như của em! Và những chuyện đó tất phải để lại dấu vết chứ? Anh đã trải qua một tấn bi kịch, cái chết của vợ anh. Rồi việc anh hỏng hai chân, không đi được nữa. Anh lại giàu lên ghê gớm và nổi tiếng nữa. Sao anh dám bảo anh vẫn y hệt như ngày xưa, không thay đổi gì hết?
– Giàu thì đúng, còn nổi tiếng thì chưa chắc.
“Còn về cái chết của vợ và tình trạng tàn tật thì sao anh cố tránh không nhắc đến?” Naxtia thầm nghĩ.
– Chắc quá đi ấy chứ – Chị đáp ngay – Rất nhiều độc giả hâm mộ tên tuổi anh.
– Em căn cứ vào đâu mà nói như vậy?
Naxtia thấy trên mặt Xoloviov sự thật lòng muốn nghe Naxtia trả lời về điều này. Xưa nay Xoloviov ham danh vọng, rất thích nổi tiếng. Nhưng lần này Naxtia thấy không phải anh ta muốn nghe chị tâng bốc mà thật sự muốn nghe chị đánh giá.
– Bà bác sĩ ở bộ phận Cấp cứu hôm đó chở anh đến bệnh viện là một độc giả hâm mộ anh.
Đột nhiên trên mặt Xoloviov hiện lên một nỗi uất hận, mà anh ta phải cố ghìm lại để khỏi văng ra những lời chửi rủa.
– Ngay sau đấy bà ta gọi điện cho bạn bè và người quen, báo tin ông Xoloviov, người dịch những cuốn sách trong bộ “Kiệt tác Phương Đông” bị đánh đập tàn bạo trên đường phố. Bà ta rất thương xót cho anh.
Bây giờ thì Naxtia đã hoàn toàn tin chắc rằng câu chuyện về Xoloviov bị hành hung tàn bạo là có thật.
Nhưng tại sao vụ ấy không được đưa vào báo cáo của cảnh sát? Đấy cũng là một trọng án, vì nạn nhân sau đó đã thành người tàn tật. Thủ phạm nếu ra tòa có thể bị kết án tám năm tù là ít. Xoloviov đã bao che kẻ tội phạm, điều này đã rõ ràng. Tại sao anh ta không chịu báo cho ai biết? Mà tại sao con trai anh ta, nhất là các bác sĩ, không báo sự việc này cho cơ quan cảnh sát, khi họ nhận vào viện nạn nhân của một vụ hành hung tàn bạo? Tại sao? Bởi vì không ai quan tâm đến ai. Bởi vì đã một số năm gần đây, người ta không thấy phải làm theo pháp luật hoặc theo chỉ thị. Bởi vì bây giờ tất cả mọi người đều chỉ nghĩ đến bản thân, mặc kệ nỗi bất hạnh của người khác.
– Hồi đó bà ta gọi điện cả cho em – Naxtia vẫn nói tiếp, coi như không có gì xảy ra – Thú thật là chính từ hôm đó em bắt đầu nghĩ nhiều đến anh và quyết định đến thăm anh. Lúc đó em chưa biết Xvetlana đã chết. Rồi em lại ngập ngừng. Sau đấy em bận túi bụi vào chuẩn bị đám cưới, lại tuần trăng mật. Nhưng cuối cùng em vẫn đến gặp anh đấy thôi.
– Em làm thế là rất đúng. Em không biết thấy em lại đến, anh vui biết chừng nào đâu.
Naxtia biết Xoloviov lại định lảng sang đề tài khác, nhưng chị đâu chịu, vả lại Naxtia đâu có quan tâm đến chuyện tình cảm giữa hai người.
– Trong những cuốn truyện Phương Đông anh dịch, anh cho cuốn nào là đạt nhất? – Naxtia hỏi – Em tin vào cách đánh giá của anh. Anh nêu tên cuốn nào, em sẽ đọc cuốn đó.
– Em nên đọc tất cả, và sẽ không sơ bị thất vọng đâu. Tất cả đều tuyệt hay. Từ cốt truyện, tính cách nhân vật đến đối thoại.
– Nhưng trong số đó vẫn có cuốn nào hay nhất chứ – Naxtia nói – Cuốn nào anh thích nhất ấy.
– Anh thích nhất ấy à? Nếu vậy thì là cuốn “Lưỡi kiếm”. Nhưng cuốn ấy các hiệu sách đều không còn. Bán hết từ năm ngoái rồi. Nếu em muốn đọc, anh đưa em bản của anh..
– Cảm ơn anh. Nhất định em sẽ đọc.
Tất nhiên Naxtia sẽ đọc. Cả cuốn “Lưỡi kiếm”, cả những cuốn khác Xoloviov dịch. Chỉ cốt để biết tại sao anh ta lại thích cuốn ấy nhất. Hãy nói cuốn sách nào ngươi thích nhất, ta sẽ nói ngươi đang nghĩ đến cái gì lúc ngươi đọc cuốn sách ấy. “Nhưng khoan đã – Naxtia vội tự nhủ thầm – Cô đang làm cái trò gì đấy? Cô cần biết anh ta nghĩ gì và cảm xúc thế nào trong khi dịch cuốn sách ấy chăng? Cô muốn tìm hiểu anh ta hay sao? Cẩn thận đấy? Khéo lại mê anh ta lần nữa mất thôi! Đừng ngu xuẩn thế. Đừng đi sâu vào tâm hồn anh ta làm gì!”
Xvalov, cán bộ điều tra của quận Tây, còn trẻ và giống loại “Nga Mới” hơn là một nhân viên cảnh sát theo quan niệm thông thường. Vạm vỡ, cơ bắp chắc nịch, đầu húi cua, anh ta lái chiếc xe “Volkxvagen” màu xanh lam khá đẹp, tay lúc nào cũng cầm điện thoại di động. Naxtia biết một phút nói chuyện bằng điện thoại di động tốn một đô-la, quá đắt đối với lương một nhân viên cảnh sát. Anh ta kiếm đâu ra ngần ấy tiền? Chị thầm nghĩ một cách khó chịu.
– Ôi, tôi nhớ ra chị rồi – Anh ta vui vẻ nói với Naxtia – Chị là cán bộ cõ, chuyên gia về môn hình sự học.
Rất có thể. Hàng năm, khi học viên năm cuối cùng chuẩn bị đi thực tập, Naxtia đều đến giảng một số bài mục thực hành. Mục đích để lựa ra những học viên có tư duy sáng tạo nhất. Sau đó, đại tá Gordeev đến kiểm tra thêm lần chót và chọn lấy vài người trong số đó về thực tập ở Sở Cảnh sát thành phố. Một là, sở lúc nào cũng thiếu nhân lực, hai là, trong số thực tập sinh ấy có thể chọn ra những người sau này đưa vào cơ quan Sở.
– Hồi ấy chị đã chọn cậu Oleg vào thực tập ở đội điều tra hình sự của chị, chị còn nhớ không? – Xvalov tiếp tục nói.
Naxtia nhớ ra rồi. Lần ấy để lại cho chị một trong những kỷ niệm đau lòng nhất. Trong những giờ thực hành Naxtia thấy Oleg nhanh trí và có cách suy nghĩ sáng tạo, chị bèn lựa y, đưa vào đội trọng án. Nhưng y lại bắt cá hai tay, làm luôn cho cả bọn tội phạm, khiến việc điều tra rối mù lên, cuối cùng, y giết đội trưởng Morozov, làm tàn tật thiếu tá Larxev, và bản thân y cũng bị giết. Họ bắn nhau dữ dội, nhưng Larxev bắn giỏi hơn, đã hạ được y. Naxtia tự hỏi, liệu cậu Xvalov này có biết bạn cậu ta chết trong trường hợp nào không?
Naxtia giải thích cho Xvalov nghe tỉ mỉ kế hoạch thu lượm thông tin, nhằm tìm ra thủ phạm vụ trộm băng hình. Khối lượng công việc xem ra rất lớn, và chị thấy cậu ta có vẻ ngại ngùng. Hơn nữa, chị còn thấy cậu ta hình như hiểu chưa đúng dòng suy nghĩ của chị.
Xvalov miễn cưỡng nói:
– Vậy là tôi phải đến tất cả những điểm chị đề ra?
– Không phải chỉ đến, mà là ghi chép tất cả họ tên những người quan tâm đến các băng hình kia.
– Nhưng ta có được hỏi giấy tờ căn cước của họ đâu, mà chắc gì họ đã tự khai tên tuổi?
– Cậu phải nghĩ cách dò ra chứ.
– Bằng cách nào kia chứ? – Xvalov ngơ ngác hỏi.
Naxtia đã suýt nổi cáu. Cậu này ra chỉ muốn nhàn.
Nhưng có điều lạ là tại sao hôm trước cậu ta lại nghĩ ra được cách xem nội dung từng bộ phim ấy nhỉ? Đã có ai mách nước cho cậu ta chăng?
– Chà, khối lượng công việc nhiều lắm đấy. – Xvalov nói giọng ngần ngại.
– Có thể – Naxtia gật đầu – Nhưng cần thiết. Đây là chuyện đi tìm những người có khả năng là kẻ sát nhân cho nên phải làm tất cả những gì để giúp cho việc khám phá. Tôi nhắc anh thêm, ta phải giữ tuyệt đối bí mật những chi tiết, cụ thể là về các thiếu niên mất tích kia. Anh hiểu ý tôi chứ?
Naxtia có cảm giác cậu ta không hiểu tí nào hết. Khéo cậu Xvalov này sẽ làm hỏng hết mọi việc thôi. Nhưng không còn cách nào lùi được nữa rồi. Mình đã đưa cậu ta vào đội, và cậu ta đã biết hết mọi chi tiết về đám thiếu niên bất hạnh kia. Bây giờ gạt cậu ta ra cũng gay.
Buổi tối, Naxtia đến bệnh viện thăm cô em dâu. Tất nhiên Xasa đã rất cố gắng cho nên Đasa được nằm trong một phòng riêng, có tủ lạnh và tivi. Nhìn khuôn mặt xanh lướt của người phụ nữ trẻ, Naxtia thấy đau nhói trong tim. Đasa chưa biết là từ nay sẽ không sinh đẻ được nữa.
Naxtia dịu dàng nói:
– Em lo gì, mới hai mươi tuổi, còn tha hồ mà đẻ.
– Em khao khát đứa này quá – Đasa nói rất khẽ – Hôm ấy là một đêm tuyệt vời của anh Xasa và em… thôi, em nói thế là chị đã hiểu.
– Đasa yêu quý, em và Xasa yêu nhau, những đêm như thế còn vô vàn. Em đừng buồn. Hai vợ chồng em định kỳ kỷ niệm ngày cưới này sẽ đi Paris chứ gì? Sẽ tuyệt vời biết bao nếu em có thai đứa sau ở Pháp.
– Chỉ còn một tháng nữa là đến kỷ niệm ngày cưới – Đasa mếu máo – Không kịp đâu. Bác sĩ bảo phải kiêng gần chồng ba tháng.
– Hôm nào em ra viện?
– Một tuần nữa, nếu không có biến chứng gì. Chị tha lỗi. – Đasa chống tay lên, lau nước mắt – Em sẽ cố không khóc nữa. Chính em có lỗi, còn khóc lóc gì nữa. Lẽ ra em chẳng nên đẩy cái máy khốn kiếp ấy.
Alecxei đã kể cho vợ nghe, nguyên nhân là do Đasa đẩy cái máy giặt, cô ta vốn là người nội trợ năng nổ.
Đúng là lỗi tại cô ta thật. Nhưng không vì thế mà Naxtia giảm được nỗi thương xót cô em dâu.
Ra đến hành lang, Naxtia gặp em trai đang khuân hai bọc to hoa quả vào.
– Em nên mang cuốn sách nào hấp dẫn cho Đasa đọc còn hơn – Naxtia nói, hôn vào má em trai – Cô ấy đang cần khuây khỏa.
– Em có đưa sách rồi nhưng Đasa không muốn đọc sách.
– Em phải làm thế nào để nó đọc. Em là chồng nó kia mà? Phải ép vợ chứ. Cứ suốt ngày tiếc đứa con thì ích gì cho ai? Mà chị nghĩ, càng đưa nó ra viện sớm càng tốt. Nằm đây cô ấy càng héo hon thôi. Khóc suốt từ sáng đến tối.
– Em hiểu – Xasa nói – Chị vội đi đâu à?
– Cũng không vội lắm. Có gì thế?
– Quay vào phòng Đasa với em. Em đã ngồi trong ấy từ sáng hai lần rồi. Lần này đem hoa quả vào, ngồi độ mươi phút nữa thôi, rồi em sẽ chở chị về.
Naxtia quay lại phòng bệnh. Đasa nghĩ hôm nay sẽ không ai vào thăm nữa nên thoải mái khóc. Nhìn thấy thế Naxtia không chịu nổi. Chị lẳng lặng ra ngoài hành lang, để mặc hai vợ chồng với nhau. Khoảng hai mươi phút sau, Xasa ra. Nét mặt cậu ta bối rối, rầu rĩ.
– Chị nói đúng – Xasa nói lúc hai chị em xuống thang gác – Phải đưa cô ấy về nhà thôi. Sáng mai em sẽ gặp bác sĩ chính, yêu cầu cho ra viện và em xin nhận mọi trách nhiệm. Ở nhà có con còn đỡ buồn. Mẹ em chăm sóc cô ấy không kém gì ở bệnh viện đâu. Không gì bằng mẹ.
Naxtia tin là Xasa sẽ làm được như thế. Nếu bệnh viện không chịu cho Đasa về, đưa tiền là xong. Khi đụng đến vợ con, Xasa không bao giờ tiếc tiền. Cậu ta lại là nhà kinh doanh giỏi, biết rõ rằng tiền giải quyết được mọi khó khăn.
Ngồi trong xe trên đường về, Xasa im lặng rồi đột nhiên hỏi:
– Chị với anh Alecxei vẫn yên ổn chứ?
– Tất nhiên rồi, nhưng sao em lại hỏi?
– Em cảm thấy hình như anh ấy có điều gì băn khoăn. Hai anh chị không giận nhau đấy chứ?
– Cậu thừa biết là anh chị không giận nhau bao giờ. Có lẽ anh ấy mệt mỏi gì đó.
– Naxtia, chị đừng giấu em. Em biết nếu anh Alecxei mệt thì trông anh ấy sẽ thế nào. Còn bây giờ rõ ràng anh ấy bối rối điều gì đó.
– Vớ vẩn – Naxtia gạt đi, chị biết rõ chồng mình đang nghĩ ngợi chuyện gì: chuyện mối quan hệ giữa chị với Xoloviov – Này, trong giới kinh doanh của cậu, cậu có biết một phụ nữ tên là Iakimova không?
– Nina?
– Đúng thế. Nina Iakimova.
– Nữ quái đấy. – Đây là lần đầu tiên từ lúc ngồi trong xe Xasa cười – Đáo để có thừa. Phất lên ghê gớm. Giàu khủng khiếp. Sao chị hỏi đến mụ ta?
– Tò mò thôi. Chị tình cờ quen với chồng chị ta. Chị quan tâm đến chị ta chỉ hoàn toàn là chuyện riêng tư, em hiểu chứ. Chị quen chồng mụ ta không phải trong công việc điều tra mà là tình cờ thôi.
– Nghe bảo chồng mụ chỉ ngồi nhà trông con, có đúng thế không?
– Đúng. Đưa con đến trường và đến nhà trẻ, đón chúng về, nấu ăn. Em đã gặp chị ta bao giờ chưa?
– Tất nhiên là gặp nhiều lần.
– Trông chị ta ra sao?
– Ra sao à? – Xasa khoát tay – Nhân vật rất quái đản. Đẹp, nhưng cái gì cũng quá một chút. Chiều cao, thân hình, giọng nói, mái tóc. Giá mỗi thứ giảm xuống một phần ba thì vừa.
– Em có nghe đồn những gì về chị ta không?
– Biết trả lời chị thế nào nhỉ? Nói có cũng được mà nói không cũng được.
– Em kể ngắn gọn xem nào?
– Khó kể lắm – Xasa lại cười – Chị ta không từ một thủ đoạn nào hết. Chị ta mua tất cả các cấp to, nếu không mua được thì chị ta dùng sức ép.
– Về đời tư của chị ta thì thế nào?
– Về chuyện ấy thì em không thấy ai nói gì với em. Có vẻ mụ ta chưa hề có tai tiếng gì. Nếu chị muốn biết thì lúc nào gặp, chị hỏi thẳng mụ ta ấy. Mà cũng chẳng cần. Theo em, thằng đàn ông nào định chinh phục mụ ta thì ít ra phải cao hai mét, nặng tạ hai, trong túi có vài chục triệu, tất nhiên triệu đô-la. Và chưa vợ. Tuổi chừng bốn mươi nhăm, năm mươi, không được già hơn. Và còn phải biết cách trị mụ nữa. Chị bảo kiếm đâu ra loại đàn ông ấy?
– Thôi được rồi – Naxtia hoài nghi – Em nói quá đấy chứ. Em biết chồng chị ta thế nào không? Thấp hơn chị, ăn mặc luộm thuộm, con người chất phác, dễ mến, thậm chí hay e thẹn nữa chứ. Rất lành hiền. Chăm chỉ công việc nội trợ, và xem chừng không kiếm ra thêm đồng nào.
– Lạ đấy nhỉ? – Xasa bật cười – Sao mụ ta lấy một thằng chồng như thế nhỉ? Phụ nữ bao giờ cũng chọn nhân tình khác hẳn chồng.
– Có lẽ em nói đúng. – Naxtia trầm ngâm đồng ý.
Xe đã đến nhà Naxtia.
– Vào chị đi – Naxtia mời – Bây giờ em về nhà ngồi một mình làm gì? Cháu gửi bên ông bà ngoại rồi.
– Vâng. – Xasa nhận lời.
Khó ai tin được rằng hai chị em cùng cha khác mẹ lại chỉ mới quen nhau cách đây một năm rưỡi, trước đó họ chỉ biết sơ sơ về nhau nhưng chưa gặp nhau lần nào. Xasa kém chị tám tuổi. Hai chị em gặp nhau trong một trường hợp chẳng thú vị gì, vậy mà về sau lại biến thành tình thân đặc biệt, cả Naxtia và chồng chị bây giờ lúc đó đều rất quý Đasa, người sau này thành em dâu chị. Naxtia và Xasa là con cùng cha khác mẹ, cả hai chị em đều sung sướng được kết thân với nhau. Họ giống nhau cả bề ngoài, cả tính tình, mặc dù lớn lên trong hai môi trường khác nhau. Vì cả hai chị em đều giống cha, cụ Pavel Camenxki. Cả hai đều cao, gầy, tóc vàng, cả hai đều có phần khô khan, lý trí, thận trọng và rất khe khắt đối với bản thân. Trong khi đó, cả hai lại đều rất dễ thông cảm với nỗi đau khổ của người khác, nhất là người thân.
Tính Naxtia rất ghét đến trễ. Bao giờ chị cũng ra khỏi nhà sớm, đề phòng dọc đường xảy ra chuyện gì cản trở, thí dụ giao thông ách tắc, hoặc xe buýt bị hỏng máy phải đỗ lại sửa chữa. Hôm nay Naxtia hẹn gặp Xvalov trên quảng trường Comxomolxcaia, nhưng chị đến sớm tới hai mươi phút, cho nễn chị quyết định đi lang thang dọc phố một chút, xem các quầy sách.
Rất nhiều sách của Nhà xuất bản “Serkhan”, và chúng đập vào mắt Naxtia do màu sắc bìa lòe loẹt. Chị ngạc nhiên thấy cả cuốn “Lưỡi kiếm”, cuốn sách mà Xoloviov bảo xuất bản từ năm ngoái, nay đã bán hết. Naxtia thầm nghĩ: “Anh ta phóng đại thành công của bộ sách”. Chị vẫn quyết định mua một cuốn, mặc dù Xoloviov đã đưa chị cuốn của ông ta. Chị tính sẽ trả lại cuốn kia cho ông ta, đề phòng lỡ xảy ra chuyện gì. Ngoài ra chị mua thêm ba cuốn nữa trong bộ “Kiệt tác Phương Đông”. Xoloviov quả quyết rằng tất cả những cuốn truyện điều tra hình sự đó đều thú vị ngang nhau, mà hai vợ chồng Naxtia đều cùng thích đọc tiểu thuyết hình sự.
Chủ quầy thấy bà khách thích loại sách này, bèn bắt chuyện luôn:
– Bà may đấy, cuốn “Bí mật thời gian” chỉ còn mỗi một bản này. Cuốn ấy bán rất chạy. Nguyên từ sáng đến giờ tôi đã bán được sáu bản.
– Nói chung, bộ sách này bán chạy chứ? – Naxtia hỏi.
– Rất chạy. Bà biết không, khách thường xuyên hỏi xem cuốn mới đã ra chưa. Nhiều khách mua còn đặt cọc trước ấy chứ.
– Còn cuốn “Bí mật thời gian” này là bản cuối cùng thật à? – Naxtia hỏi lại cho chắc chắn – Quầy không còn bản nào nữa?
– Đấy là hôm nay. Mai họ sẽ chở đến thêm. Tôi có lệ cứ mỗi cuốn, mỗi ngày chỉ lấy ba bốn bản thôi. Tất nhiên loại sách nào bán chạy có thể lấy thêm, mỗi cuốn lấy một chục bản chẳng hạn. Còn loại sách không bán chạy thì tôi chỉ lấy một bản.
– Bà bắt đầu bán cuốn “Bí mật” này lâu chưa?
– Gần một tháng rồi.
Naxtia lững thững trên quảng trường, xem những quầy hàng khác. Sách trên bìa in huy hiệu mấy chữ “KTPĐ” quấn vào nhau được bầy khắp các quầy, và các chủ quầy đều ca ngợi bộ sách này bán chạy. Hèn nào Xoloviov chẳng giàu. Hẳn anh ta được trả nhuận bút theo mức đặc biệt. Nhất là nếu anh ta không làm theo kiểu bán đứt mà hưởng phần trăm theo giá bán và số lượng.
Bỏ sách vào xắc, Naxtia đến chỗ hẹn với Xvalov. Cậu ta đến trễ, đã quá giờ hẹn năm phút rồi mà chưa thấy cậu ta đâu. Naxtia nhăn mặt. Chị rất không thích ai trễ hẹn.
Cuối cùng cậu ta cũng đến, trễ mất mười lăm phút. Cậu ta không buồn xin lỗi, mà lôi trong cặp ra những tờ giấy. Vẻ mặt cậu ta rạng rỡ.
– Tôi chép ra đây những tư liệu trích trong sổ theo dõi hàng ngày của ba mươi điểm cho thuê băng hình. Mất trọn hai ngày vất vả.
– Có bao nhiêu điểm cho thuê tất cả? – Naxtia hỏi ra vẻ hờ hững.
– Bảy mươi tư.
– Nghĩa là anh sẽ phải mất thêm ba ngày nữa – Naxtia điềm tĩnh nói – Mà sao anh nhìn tôi cứ như tôi bắt anh làm việc cho riêng tôi ấy?
– Công việc hàng ngày của tôi đã quá bận rồi. – Xvalov cáu kỉnh nói.
– Thì tôi cũng thế. Kẻ làm chúng ta đau đầu chính là thằng cha tội phạm còn đang nhởn nhơ ngoài đường kia. Tôi với anh chứ không phải ai khác chịu đau đầu vì nó. Tôi đề nghị anh luôn nhớ là như thế, đồng ý không?
Cất những tờ giấy vào túi xách, Naxtia quay về sở làm những việc khẩn cấp. Mãi mười giờ tối chị mới về đến nhà. Trên bàn bếp có mảnh giấy dành cho chị.
Anh đi dạy, muộn mới về. Bữa ăn tối trong tủ lạnh. Chịu khó hâm lên, đừng lười. Hôn em.
Chà, Alecxei biết tính vợ. Tính lười của Naxtia nhiều khi lên đến mức phi lý, chứ không hâm nóng thức ăn là chuyện thường. Nếu thức ăn có thể ăn nguội được là chị ăn luôn, còn nếu không thể ăn nguội được thì chị chỉ cắt khoanh bánh mì nhai với pho mát hoặc xúc xích, chiêu bằng cà phê đặc là xong bữa.
Lần này Naxtia ngập ngừng một chút rồi quyết định ăn tạm một khoanh bánh mì kẹp thức ăn, đợi chồng về ăn bữa tối một thể. Cắt khoanh bánh mì và lát mỡ thỏi xong, chị ngồi thoải mái, duỗi hai chân lên một chiếc ghế khác, mở cuốn “Lưỡi kiếm” vừa mua ở quầy sách ra đọc. Sách được viết bằng thứ văn chương rất hay, tình tiết diễn ra dồn dập, mấy trang đầu thật sự cuốn hút.
Một lát sau, Naxtia ngạc nhiên nhận thấy ngón tay chị dùng để giữ trang sách đen lại. Mực in chăng? Chị lấy ngón tay khác thử xoa nhẹ lên chữ: chữ bị phai. Chị đưa cuốn sách lên ngửi: còn nguyên mùi mực của những cuốn sách mới xuất xưởng từ nhà in ra.
Naxtia lật trang cuối, xem ngày tháng năm in. Đưa sắp chữ: ngày 26 tháng Giêng 1995. Ký lệnh in: 3 tháng Ba 1995. Nghĩa là sách đã ra hơn một năm, vậy mà mực chưa thật khô. Cả mùi nhà in nữa. Vô lý. Hay là số sách này in bổ sung? Nhưng như thế phải ghi rõ trong trang cuối cùng chứ? Như vậy, cuốn này phải là đã in từ năm ngoái.
Naxtia lấy một cuốn khác trong xắc ra – cuốn Xoloviov đưa chị. Y hệt cuốn kia, trang cuối cũng in đúng ngày tháng năm như vậy. Nhưng cuốn này không có mùi nhà in, và chữ xoa lên không bị phai. Tại sao vậy? Hai cuốn cùng in một lúc kia mà?
Lập tức óc Naxtia hoạt động theo hướng toán học. Chủ quầy bán sách nói rằng mỗi hôm chỉ lấy một chục cuốn. Cứ cho là năm cuốn đi. Trong thành phố Moxcva có bao nhiêu quầy sách? Khoảng ba trăm. Cứ cho là hai trăm đi. Năm cuốn nhân với hai trăm là một ngàn mỗi ngày. Vậy mà trong này ghi số lượng in là bao nhiêu? Bảy mươi ngàn bản. Có nghĩa bán trong bảy mươi ngày là hết. Đấy là chỉ riêng thành phố Moxcva. Còn các thành phố khác cũng bán sách của Nhà xuất bản “Serkhan” chứ! Đây, trên trang cuối có ghi tên các đại lý chính của nhà xuất bản ở các địa phương. Mười hai cửa hiệu trong mười hai tỉnh của nước Nga. Tạm cho là một nửa số sách in ra được đem bán tại thủ đô Moxcva, nửa kia đem bán các tỉnh. Có nghĩa là ba mươi nhăm ngàn. Bán trong ba mươi nhăm ngày. Có thể thời gian đầu mỗi ngày năm cuốn, nhưng sau đấy tốc độ tiêu thụ giảm dần chăng? Nhưng chủ quầy sách nói rằng cuốn “Bí mật thời gian” đã bán từ gần một tháng nay rồi, và chỉ riêng hôm nay, bà ta đã bán được bảy cuốn. Không, ở đây có vấn đề! Không thể có chuyện cuốn “Lưỡi kiếm”, cuốn bán chạy nhất trong bộ sách lại nằm ế trên quầy suốt một năm, trong khi số lượng in chỉ là bảy mươi ngàn bản. Nếu đúng ra, sách phải bán hết từ tháng Năm hoặc tháng Sáu năm ngoái kia chứ. Thì cứ cho là tháng Bảy. Nhưng bây giờ đã là tháng Tư năm sau… Tại sao vẫn còn sách trên quầy sách ở trước cửa ga xe lửa Leningradxki?
Có tiếng mở khóa cửa, Alecxei về.
– Bài giảng hôm nay ra sao?- Naxtia hỏi, âu yếm áp má vào vai chồng.
– Bình thường. Sao em chưa ăn tối, hử!
– Em đợi anh. Anh thừa biết em không thể ngồi ăn một mình, em buồn. Bây giờ ta cùng ăn.
Alecxei nhếch mép cười:
– Phải rồi, bây giờ anh chồng yêu quý hâm nóng thức ăn, bầy ra bàn, rồi ta cùng ăn. Thôi được, em ngồi đấy. Em không thay đổi được tính nết đâu mà. Em đọc cuốn gì đấy?
– “Kiệt tác Phương Đông”, về cuộc sống Nhật-Mỹ.
– Còn cuốn kia?
– Hai cuốn như nhau.
– Em mua cho ai à?
– Không. Nhưng anh dừng tay một lát đã.
Alecxei đã đặt chảo thịt rán lên bếp, rồi khéo léo cắt cà chua ra thành những lát mỏng, quay lưng về phía vợ.
– Em cứ nói đi, anh nghe đây. – Anh nói mà không quay đầu lại.
– Em muốn anh nhìn vào đây cơ.
– Nếu vậy thì em đợi một lát đã.
Alecxei hoàn thành rất nhanh món salat, lau tay rồi bước đến gần vợ. Naxtia nói:
– Anh nhìn hai cuốn sách này, rồi phát biểu nhận xét.
– Hai cuốn y hệt nhau.
– Rồi sao nữa?
Alecxei mở cả hai cuốn sách, chăm chú nhìn trang bìa phụ, trên đó Naxtia không nhận thấy có gì đặc biệt. Bên trên là tên tác giả nguyên tác, in đen, Akira
Nakahara. Giữa trang là tên sách “Lưỡi kiếm”. Bên dưới là biểu tượng Nhà xuất bản “Serkhan”, hình một cái đầu hổ.
– Hai cuốn khác nhau. – Cuối cùng anh ngẩng đầu lên nhìn vợ, ngạc nhiên nói.
– Sao anh biết?
– Hai cuốn in bằng hai kỹ thuật khác nhau. Cuốn này, – Anh cầm lên cuốn sách của Xoloviov – in bằng kỹ thuật ôpsét, còn cuốn kia in bằng kỹ thuật photocopy. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy.
– Em thì không biết cách phân biệt. Anh dựa trên cái gì?
– Mực in. Kỹ thuật ốpsét thì chữ đều nhau, còn kỹ thuật photocopy thì những chữ hoa to, chân hơi mờ một chút. Em nhìn thử xem.
Bây giờ thì Naxtia đã thấy.
– Như thế nghĩa là sao? – Naxtia nhẹ nhàng hỏi, linh cảm thấy ở đây có vấn đề quan trọng.
– Nghĩa là không phải hai cuốn in cùng một lần. Nhưng tại sao em hỏi anh? Hẳn em có nghi vấn gì về chúng?
– Vì em thấy mực phai ra ngón tay – Naxtia nói, chìa đầu ngón tay ra cho chồng nhìn thấy – Mà tại sao sách rất mới, – trang cuối lại ghi là in từ năm ngoái, ôi, cháy mất rồi kìa, anh!
Alecxei vội chạy ra bếp, tắt lửa:
– Cháy mất một ít. Chỉ tại những câu hỏi về ấn loát của em đấy.
– Em xin lỗi – Naxtia buồn bã nói – Em không cố tình.
Lát sau hai vợ chồng ngồi lặng lẽ ăn, nhưng Naxtia không ghìm nổi:
– Anh Alecxei, kỹ thuật ốpsét cụ thể là thế nào?
– Thôi đi, giảng ra mất thời gian, và rắc rối lắm.
– Anh giảng đơn giản thôi, kiểu như cho người chậm hiểu ấy. Nói sơ qua những nét lớn. Em muốn biết hai kỹ thuật ấy khác nhau thế nào.
– Em cần lắm à?
– Không cần lắm nhưng cần. Chắc không liên quan đến những vụ án em đang điều tra, nhưng khi chưa hiểu cái gì, em thấy chưa yên.
– Thoạt đầu người ta soạn văn bản trên máy vi tính, sau đó người ta chế bản. Em hiểu rồi chứ?
– Hiểu.
– Bắt đầu từ đây thì có hai cách nhân bản. Từ chế bản, người ta chuyển lên một tấm cao su. Còn phương pháp photocopy thì em biết rồi.
– Nhưng tại sao lại phải in hai lần. In ngay một lúc không được sao?
– Có lẽ in hai lần kinh tế hơn. Số bản in lần thứ nhất không phải đọng lại trong kho lâu. Vả lại, lần đầu chưa biết nhu cầu độc giả là bao nhiêu. Họ tạm in bảy chục ngàn bản, vì năm chục thì ít mà một trăm ngàn thì e nhiều quá.
– Anh Alecxei ạ, em cảm thấy ở đây có chuyện lậu thuế. Nhà xuất bản không khờ dại như vợ anh đâu. Bởi nếu là em, thì em khai đúng số lượng in và nộp thuế đầy đủ. Đằng này họ chỉ khai số bảy mươi ngàn và nộp thuế theo số đó, còn những lần in sau họ nhân bản bằng photocopy rồi lờ đi, không khai báo và cũng không nộp thuế, coi như đã nộp lần trước rồi.
– Em định sang ban thanh tra thuế vụ đấy à?
– Không đời nào. Em chỉ muốn nghe anh giảng để tập thể dục cho bộ óc em thôi.
– Vậy mà anh đã thoáng nghĩ hay em định giúp cho ông bạn Xoloviov đòi tiền thêm của mấy tên cá mập trong ngành xuất bản.
Naxtia đỏ mặt. Chồng chị nói không đúng. Naxtia không hề nghĩ đến Xoloviov. Vả lại, căn cứ vào sự giàu có của anh ta thì rõ ràng nhà xuất bản không hề ăn chặn tiền của anh ta. Nhưng Alecxei nhìn thấy điều gì đó, đã nghi ngờ và cảnh giác. Thậm chí có vẻ anh còn tự ái.
Đúng là mình khờ khạo quá, Naxtia thầm nghĩ. Sao lại đem chuyện in ấn này ra nói chuyện với chồng!
– Anh hiểu sai em rồi, anh yêu – Naxtia điềm tĩnh nói – Xoloviov không liên quan gì đến chuyện này. Chỉ là ngẫu nhiên mà mấy cuốn sách em đem ra hỏi anh lại là cuốn anh ta dịch, có vậy thôi.
– Thế thì tốt – Alecxei dễ dàng đồng ý – Anh ta không liên quan gì thì tốt. À, em có chương trình gì thứ Bảy này chưa? Hay em vẫn đi làm?
– Không. Mai em nghỉ nhà. Em đang cần làm vài việc trên máy vi tính.
– Hôm nào em lại đến gặp Xoloviov?
– Kìa, anh!
– Không phải anh có ý gì như em tưởng đâu. Anh chỉ muốn hỏi em để bố trí việc sử dụng ô-tô thôi. Bao giờ em cần đến xe?
– Nếu anh không phản đối, em muốn sử dụng ngày Chủ nhật. Còn nếu Chủ nhật anh cũng phải dùng thì em có thể đi vào ngày mai, thứ Bảy, hoặc thứ Hai tuần sau.
– Em cứ sử dụng theo kế hoạch của em – Alecxei gật đầu – Chủ nhật anh không đi đâu cả.
– Cảm ơn anh.
Không khí giữa hai vợ chồng bỗng căng thẳng. Naxtia cố nghĩ cách giải tỏa, nhưng chưa nghĩ ra cách nào thú vị.
– Alecxei, em rất không muốn nhìn thấy anh băn khoăn – Naxtia nói giọng kiên quyết – Em đã nói rồi, vấn đề chỉ là em cần khám phá vụ án. Chín bé trai bị mất tích rồi bị chết. Tại nơi nào đó trong thành phố Moxcva này có một con quỷ. Hắn nhốt bọn trẻ kia, chích ma túy cho chúng rồi cưỡng dâm chúng, cho đến khi chúng chết vì bị tiêm chích quá liều. Tên khốn kiếp đó là một con quỷ, một thằng điên loạn. Hôm nào em cũng tưởng như lại một ông bố bà mẹ nào sắp báo tin con trai họ đi đâu không thấy về. Trong vụ này, em chỉ có một đầu mối có thể nắm lấy để điều tra, đó là khu nhà nơi Xoloviov cư trú. Em không thể không đến đó. Anh hiểu cho em. Đấy là trách nhiệm, là công vụ của em. Đấy cũng là bổn phận của em đối với những ông bố bà mẹ bất hạnh kia. Họ khốn khổ lao đi tìm con hàng tháng trời để rồi cuối cùng thấy xác con họ đã chết. Nhưng tâm trạng của anh đối với em cũng không kém phần quan trọng. Anh là chồng em, em yêu anh, và em sẵn sàng làm mọi thứ để anh được thanh thản. Em rất không muốn để anh bị nỗi ghen vô căn cứ dằn vặt. Nhưng nếu anh cứ tự làm khổ anh như thế này, em đến phải bỏ công việc kia.
– Em nói thế nghĩa là sao?
– Em sẽ thôi không đến gặp Xoloviov nữa.
– Thế còn những đứa trẻ trai kia? Rồi cha mẹ chúng nữa?
– Đành vậy thôi. Để một người khác điều tra vụ ấy, người nào chồng không có tính ghen.
Alecxei cười ngượng ngùng, nhưng rõ ràng anh đã được giải tỏa.
– Tha lỗi cho anh, Naxtia. Anh không biết là chuyện này làm em khổ tâm đến mức ấy. Thôi, từ nay anh sẽ không băn khoăn chuyện đó nữa.
– Và em vẫn đến gặp Xoloviov được?
– Tha hồ. Bao nhiêu lần cũng được.
– Và anh không vì thế mà tự dằn vặt bản thân nữa?
– Vẫn – Alecxei cười vang – Chỉ cốt để trêu chọc em thôi. Để em hiểu rằng mỗi khi em có chuyện gì suy nghĩ thì phải cho anh biết đó là chuyện gì, bởi biết đâu anh có thể giúp ích được em.
– Anh đúng là đáng ghét!
Naxtia hiểu rằng mối căng thẳng giữa hai vợ chồng thế là đã được giải tỏa. Mối căng thẳng đó kéo dài cả một tuần, từ tối thứ Sáu trước, khi chị đến chúc mừng sinh nhật của Xoloviov. Cả một tuần qua, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng, lạnh nhạt, mặc dù cả hai đều cố đối xử điềm tĩnh và thân tình. Những mối căng thẳng đó rất nguy hiểm, chúng để lại trong lòng mỗi con ngươi những thương tích không bao giờ kín miệng, mặc dù chúng ta không quát tháo, chửi rủa, thậm chí không to tiếng với nhau. Naxtia nhớ lại một câu chị vừa đọc được trong cuốn “Lưỡi kiếm”: “Con người có cặp mắt u sầu, đấy là con người thuở nhỏ chưa bao giờ khóc, dù anh ta bị ai đó đánh chửi”. Câu đó Naxtia cảm thấy như đã nghe được ở đâu rồi, nhưng lúc này chị không muốn bỏ công lục lọi trong ký ức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.