Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 6



Cặp mắt to màu tro điềm tĩnh và nghiêm nghị nhìn thẳng vào Xoloviov.
– Tôi là Marina, nhân viên hãng “Electrotech”. Máy ông làm sao?
Xoloviov đã vượt qua rất nhanh phút ngỡ ngàng ban đầu, bây giờ tò mò ngắm nghía người phụ nữ trẻ do hãng dịch vụ máy tính cử đến. Không hiểu tại sao, xưa nay Xoloviov đinh ninh rằng chuyên gia về virut cứ phải là nam giới. Bây giờ đứng trước mặt ông là một phụ nữ trẻ, tầm thước, trạc hai mươi bảy, ba mươi tuổi, đôi mắt rất to, chiếm tới một nửa khuôn mặt và cặp môi mềm mại.
– Tôi bị mất cả một “phai” – Ông nói – Phí công cả một ngày làm việc.
– Còn các phai trước đó?
– Hình như không sao. – Xoloviov nói không được tự tin lắm.
– Thậm chí không bị hỏng? – Người phụ nữ mắt màu tro hỏi.
– Tôi chưa kiểm tra. Tôi không dám bật máy, sợ lại mất thêm.
– Thế là đúng – Marina tán thành – Bây giờ ta xem thử. Máy của ông để đâu?
– Trong kia – Andrei nói ngay – Để tôi đưa cô vào.
Cậu giúp việc dẫn người phụ nữ trẻ sang phòng làm việc. Xoloviov chậm chạp đi theo họ.
– Ông dùng những đĩa nào? – Marina hỏi, sau khi bật máy.
– Tôi để trong hộp kia.
– Chỉ những đĩa này thôi à? Hay cả những đĩa của người khác?
– Không, tôi chỉ dùng những đĩa này.
– Ông có đưa những đĩa này cho ai không?
– Tất nhiên là có. Tôi là dịch giả mà, cho nên tôi phải lưu vào đĩa để đưa nhà xuất bản. Họ chuyển vào máy của họ rồi trả lại cho tôi. Cô cho rằng virut là do máy của nhà xuất bản?
– Có thể. Ông cho tôi xem những đĩa ông đã đưa nhà xuất bản. Ta kiểm tra virut ở những đĩa đó trước.
– Đây, những đĩa này. – Xoloviov đưa một số đĩa cho Marina.
– Lần cuối cùng ông sử dụng “Bác sĩ” là bao giờ?
– “Bác sĩ”? – Xoloviov chưa hiểu.
– Là chương trình chống virut. – Marina giải thích.
Xoloviov lúng túng:
– Tôi chưa dùng đến thứ đó. Từ ngày lắp máy là tôi sử dụng luôn. Tôi hiểu rất ít về bên trong của nó. Chưa bao giờ tôi gặp trục trặc như thế này.
– Bao giờ chẳng phải có lần đầu tiên – Marina cười rất duyên dáng, triết lý – Bây giờ tôi cho chương trình mới vào, kiểm tra các đĩa của ông.
Xoloviov thích thú theo dõi các động tác của người phụ nữ mắt to màu tro. Hai bàn tay Marina nhỏ nhắn, các ngón đều đặn và hơi phồng lên, móng tay cắt ngắn, không qua thợ sửa sang. Toàn bộ con người cô ta có gì đó dịu dàng, nồng hậu, ấm cúng, với giọng nói hơi cao và cặp mắt rụt rè như mắt con nai. Tuy nhiên cô ta lại rất tự tin khi làm các động tác trên máy tính.
– Tôi đoán không sai – Marina thở dài – Tất cả các đĩa của ông đều có virut. Ông đã chung sống với virut suốt ba tháng qua. Chắc ít khi ông xem lại các phai cũ phải không?
– Đúng thế – Xoloviov ngạc nhiên – Sau khi đưa nhà xuất bản, tôi không đụng gì đến chúng nữa.
– Hẳn nào. May mà bây giờ ông mới bị đấy. Nếu như ông thỉnh thoảng đưa các phai cũ vào thì virut còn phá phách từ trước đây nhiều.
– Vậy bây giờ làm thế nào?
– Chữa thôi. Ông vội không? Có thể đợi tôi lâu được không?
– Lâu lắm không?
– Tôi chưa biết. Bây giờ tôi bắt đầu làm là sẽ biết. Có thể các chương trình “Bác sĩ” của tôi không đủ, tôi phải về nhà lấy thêm. Bây giờ tôi thử phục hồi phần ông đã làm mất, ông muốn thế không? Nhưng ngay việc đó cũng đòi hỏi một số thời gian.
– Cô Marina, tôi đề nghị cô làm tất cả những gì có thể làm được – Xoloviov quả quyết nói – Công lao động của cô sẽ được thanh toán hậu hĩnh, cô hãy tin là như thế. Nhưng tôi rất cần máy này lại làm việc bình thường, càng sớm càng tốt.
– Tôi hiểu – Người phụ nữ nhếch mép cười – Vậy ta bắt đầu. Xin lỗi, tên ông là gì?
– Xoloviov.
– Tốt lắm, thưa ông Xoloviov, tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm. Ông ghi tên phai bị hủy hôm qua ra cho tôi.
Xoloviov viết ra mảnh giấy một cái tên ngắn, đưa cho Marina. Đúng lúc đó chuông ngoài cửa reo. “Naxtia”, Xoloviov thoáng nghĩ. Có khi cô ta đến hôm nay lại tốt. Marina còn phải sửa chữa lâu, mình chưa thể làm việc được. Lúc đầu, Xoloviov ngây thơ tưởng Marina chỉ chữa mười phút là xong, sau đó ông có thể ngồi tiếp tục làm việc được ngay, cô làm lại phần bị mất hôm qua. Nhưng bây giờ, xem chừng phải chờ một tiếng là ít.
Xoloviov lăn xe đẩy sang phòng khách. Cậu giúp việc đã đưa Naxtia vào đó rồi. Hôm nay Xoloviov thấy Naxtia còn đẹp hơn hôm trước. Và ông ngạc nhiên thấy tim mình đập thình thình. Ông tự nhủ “Lại thế nữa kia đấy! Xoloviov, cậu phải tự kiềm chế chứ!”
– Andrei, cậu ở trong đó với cô Marina, xem cô ấy cần gì. Mang trà hay cà phê vào mời cô ấy uống, nếu còn phải làm lâu.
– Marina? – Naxtia ngạc nhiên hỏi – Anh có khách à? Ra vì thế mà anh bảo em đến hôm qua, chứ không phải hôm nay?
– Em ghen đấy à? – Xoloviov cười – Máy vi tính của anh trục trặc, phải mời thợ. Đâu phải lỗi tại anh mà có một phụ nữ trẻ, xinh đẹp đến đây.
– Việc gì phải gọi thợ – Naxtia nhún vai – Sao anh không bảo em?
– Em cũng giỏi vi tính à? Anh tưởng em là luật gia, đâu phải thợ máy móc?
– Em sửa được. Nhiều lần em đã phải sửa máy tính. Chồng em dạy em. Cho nên nói để anh biết, sau này lỡ cần sữa chữa gì.
– Cảm ơn. Em ăn gì nhé?
– Cho em tách cà phê thôi.
– Vậy ta vào bếp.
– Sao anh phải tự làm lấy? Sao không gọi cậu giúp việc?
– Để cậu ta ngồi bên phòng làm việc. Anh không muốn để người lạ ngồi một mình trong đó. – Xoloviov nói và bỗng thấy ngượng là mình quá đa nghi.
– Anh có những bí mật ghê gớm lắm à? Hay những kho báu vô giá?
– Hoàn toàn không – Xoloviov cười vang – Chỉ là anh không thích… Biết nói thế nào để em hiểu đây? Chỉ là anh không thích. Có vậy thôi.
– Đó là chuyện bình thường. – Naxtia gật đầu.
Vào bếp, Naxtia pha cà phê rồi họ đem ra ngoài phòng khách. Câu chuyện giữa họ mãi không ăn nhập và Xoloviov không hiểu tại sao hôm qua ông lại năn nỉ Naxtia đến chơi, và tại sao ông tin rằng ông ta nhớ cô.
Quả hôm qua Xoloviov có nhớ và sáng nay, lúc đợi Naxtia đến, ông có thấy vui. Vậy mà bây giờ Naxtia đã ngồi đây, ông lại chẳng biết nói chuyện gì với cô. Hay tại lúc này mình không có hứng trò chuyện? Mệt mỏi, bực dọc chăng? Và Xoloviov rất ngạc nhiên thấy Naxtia đã thay đổi quá nhiều. Trước đây bao nhiêu năm, Naxtia cởi mở, không giấu ông chuyện gì, cho nên họ nói chuyện với nhau rất dễ. Còn bây giờ, Xoloviov hoàn toàn không hiểu trong đầu Naxtia đang nghĩ gì, tại sao cô ta đến đây. Thậm chí ông không biết nên nói gì với cô ta.
– Em đọc cuốn sách của anh chưa? – Xoloviov hỏi, cố giữ cho không khí khỏi gượng gạo.
Naxtia đột nhiên tươi lên và Xoloviov cảm thấy đây là một điềm tốt.
– Đọc rồi. Rất hay, quả là rất hay. Chưa bao giờ em nghĩ truyện hình sự phương Đông lại hấp dẫn đến thế. Em thức đến tận nửa đêm để đọc, quên cả ngủ. Nhưng thú thật là em có cảm giác như truyện này em đã đọc ở đâu rồi.
– Vô lý – Xoloviov phản đối – Những truyện này lần đầu tiên được dịch ra tiếng Nga.
– Nhưng nếu không phải tiếng Nga? Có thể em đã đọc qua bản tiếng Pháp hay tiếng Anh thì sao?
– Anh không tin. Theo anh biết thì duy nhất Nhà xuất bản “Serkhan” được tác giả này cho phép dịch tác phẩm của ông ta. Nhưng chưa biết thế nào. Em thấy thứ gì quen thuộc: cốt chuyện chăng?
– Không. Thứ gì đó rất khó nhận ra. Gần như một mùi vị. Nhưng chắc em tưởng tượng ra thôi. Bởi văn chương làm gì có mùi vị?
Xoloviov thở phào nhẹ nhõm. Cuộc trò chuyện đã được khởi động và hẳn sẽ cứ thế vận hành, về văn học, ông có thể nói chuyện hàng giờ, thậm chí hàng ngày, nhất là với Naxtia, một người rất chịu nghe, nếu có bác lại ý gì thì cũng rất tế nhị, tóm lại một người tiếp chuyện thông minh tuyệt vời. Không những thế, đề tài này lại không sợ chệch sang những đề tài khác mà Xoloviov rất muốn tránh.
Thỉnh thoảng Andrei vào phòng khách, nhưng rồi lại ra ngay để sang phòng làm việc. Khoảng nửa giờ sau, Marina ra khỏi phòng làm việc.
– Thưa ông Xoloviov, tôi đã tìm được phai hôm qua của ông, tôi muốn ông kiểm tra lại, xem có bị hỏng chút nào không. Căn cứ vào tính chất hỏng, tôi sẽ dễ kiếm chương trình chống virut thích hợp.
– Xin lỗi Naxtia, một phút thôi. – Xoloviov vừa nói vừa quay xe đẩy.
Naxtia ngồi lại trong phòng khách và lập tức thấy thoải mái hẳn. Dù sao, ngồi với người tình xưa kia cũng bắt chị phải căng thẳng đầu óc. Rất khó giữ được sự bình thản và tỉnh táo, khi bên cạnh mình là một người đàn ông đáng mến, đã có với mình biết bao kỷ niệm.
“Đâu phải lỗi ở anh, nếu như một phụ nữ trẻ xinh đẹp đến đây”. Cô Marina kia quả là xinh đẹp: dáng vóc nhỏ bé và cặp mắt màu tro. Nhưng Naxtia không thấy thích khi cô gái ấy nhìn chị. Cái nhìn soi mói, đánh giá và hỗn hào. Nhưng phải công nhận, thái độ như vậy chẳng có gì lạ, khi cô ta thấy một phụ nữ giữ quan hệ thân thiết với một người đàn ông tàn tật. Mà làm sao cô ta biết được mối quan hệ giữa mình và Xoloviov? Mà có thể còn do một nguyên nhân khác: Andrei. Suốt thời gian vừa rồi thằng cha ngồi trong phòng làm việc để giám sát Marina, nhưng tất nhiên cũng kể cho cô ta nghe đủ thứ. Hẳn hắn đã phàn nàn về mụ đàn bà quen cũ của ông chủ bám ông chủ ghê quá! Để làm gì kia chứ? Chỉ làm vướng chân ông chủ hắn. Naxtia thầm bật cười: “Thằng cha ghen với mình, muốn giữ chủ hắn không bị rơi vào tay mình”.
Naxtia đứng lên, lững thững đi lại trong gian phòng khách rộng lớn. Bên ngoài cửa sổ là cánh rừng, vẫn còn ảm đạm kiểu mùa đông, bất chấp thời tiết tháng Tư đã ấm áp. Giữa tòa biệt thự và cánh rừng là con đường trải nhựa, nhưng không nối với con đường nào khác, mà chỉ dân đến tòa biệt thự cuối cùng trong khu “Mộng Mơ”. Đường chạy phía ngoài và có nhánh chẻ vào từng tòa biệt thự. Nhờ vậy, trong các tòa biệt thự rất yên tĩnh. Anh chàng hàng xóm Iakimov nói đúng, bảo hễ có người lạ đến đây là mọi người nhìn thấy ngay. Lại một lần nữa, Naxtia cố nghĩ xem các biệt thự này và những người cư trú trong đó liên quan gì đến số thiếu niên da nâu, tóc đen bị mất tích kia. Chị thả óc tưởng tượng cho tha hồ bay bổng theo đủ mọi hướng, nhưng vẫn chưa thấy loé lên một tia sáng nào. Những người có khả năng bị nghi ngờ thì suốt ngày đi làm vắng, còn người ở lại trong khu “Mộng Mơ” thì không thể nghi họ được. Nghi ngờ họ thì đúng là ngu xuẩn. Toàn ông bà già về hưu, người giúp việc gia đình, có thêm một người tàn tật và gã giúp việc ông ta nữa. Xem chừng không có mối liên quan nào giữa vụ án và khu biệt thự này. Mọi thứ chỉ do Naxtia tưởng tượng, do chị nằm mơ thấy. Naxtia thầm tính, sẽ thôi không đến đây nữa.
Mải suy nghĩ, Naxtia không nghe thấy tiếng Xoloviov vào.
– Bây giờ ta dùng bữa – Ông ta hớn hở nói – Ơn Chúa, cô Marina kia quả đã cứu được đoạn văn anh dịch hôm qua.
Naxtia lắc đầu:
– Cảm ơn anh, em phải về thôi. Đến giờ rồi.
– Sao vội thế? – Xoloviov xịu xuống – Em mới ngồi đây được một lúc.
– Đã đến giờ em phải về – Naxtia dịu dàng nhắc lại – Anh đừng giận.
– Tiếc quá – Xoloviov thở dài – Bao giờ em lại đến?
– Em sẽ gọi điện cho anh.
– Bao giờ?
– Xoloviov, em đã có chồng, lại đang đi làm – Chị cười – Anh đừng đòi ở em những thứ em không thể thực hiện được. Không phải lúc nào em cũng được hoàn toàn tự do, được làm theo ý mình. Khi nào có thể được, em sẽ đến.
Bước xuống bậc hiên, Naxtia ngồi vào xe, nhưng chưa ra đến đường cái, chị đã dừng xe trước cửa tòa biệt thự số 12. Toàn bộ gia đình Iakimov đều có nhà. Anh chồng vốn e thẹn, nay có mặt vợ lại càng lúng túng. Cô vợ, Nina Iakimova rõ ràng bắt nạt chồng. Đấy là ấn tượng đầu tiên của Naxtia, mà ấn tượng đầu tiên rất dễ sai. Chỉ lát sau Naxtia nhận thấy mỗi khi nhìn anh chồng thấp và xấu xí, cặp mắt Nina tràn đầy âu yếm. Và tuy giọng chị ta nói to, nghe như ra lệnh, nhưng nhà nữ doanh nghiệp này không bao giờ dám có một cử chỉ thô lỗ với chồng.
Naxtia nhớ lại lời bình phẩm của em trai chị, Xasa, về người phụ nữ này “Đẹp, nhưng cái gì cũng quá. một chút: chiều cao, giọng nói, mái tóc”. Xasa nói đúng. Nina đẹp, khuôn mặt có những nét tinh tế, làn da mịn màng, nhưng thân hình to lớn, tóc quăn dầy, thả xuống hai vai. Chị ta tiếp Naxtia một cách e dè, thận trọng, nhưng cố làm ra vẻ niềm nở.
– Mời chị vào trong nhà – Chị ta nói – Chồng tôi đã kể về chị cho tôi nghe rồi, cả bọn trẻ cũng kể nữa.
Còn Iakimov thì đứng sau lưng vợ, thỉnh thoảng lấm lét, sợ hãi nhìn vợ. Naxtia thầm buồn cười. Chắc chị ta ghen với mình! Rõ ràng chị ta yêu chồng, vì thế chị ta nghi ngại mình. Một người phụ nữ nào đó, mới tình cờ quen chồng chị ta, thế mà đã đến đây gặp anh ta trong lúc vợ anh ta đi vắng. Đúng là một cặp ngộ nghĩnh.
– Tôi chỉ ghé vào một phút thôi – Naxtia nói, đứng ngoài tiền sảnh, từ chối không vào trong nhà, lúc này bừa bộn những chiếc xe đạp và giày trượt tuyết – Chắc ông nhà còn nhớ, tôi làm ở hãng bảo hiểm. Hãng chúng tôi nhận cả bảo hiểm nhà cửa, cho nên hãng cử tôi đến đây. Tôi muốn nhờ ông bà vui lòng thăm dò hộ xem các gia đình trong khu này, có ai muốn mua bảo hiểm nhà cửa không. Chẳng là tôi không quen ai trong khu nhà này, ngoài ông nhà đây và ông Xoloviov ở nhà bên cạnh. Nhưng ông bạn Xoloviov của tôi lại không giao thiệp với ai cả.
Naxtia đã tưởng Nina sẽ trả lời thay cho chồng, nhưng chị ta chỉ im lặng, đưa mắt nhìn chồng vẻ dò hỏi.
Anh chồng lúng búng:
– Bà muốn tôi nói với người ta cụ thể những gì?
– Hãng chúng tôi sẽ cử đại diện đến đây, xem xét, đánh giá từng tòa biệt thự, rồi nêu lên các điều khoản trong hợp đồng mua bảo hiểm: Sau khi khách góp khoản tiền đầu tiên, hãng chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm vật chất đối với tình trạng của tòa biệt thự. Nếu trong hai mươi tòa biệt thự, chỉ cần một nửa mua bảo hiểm của hãng chúng tôi, hãng chúng tôi cũng sẽ tổ chức một trạm canh gác tại khu “Mộng Mơ” này, hai mươi tư trên hai mươi tư. Quả là tiền bảo hiểm hơi cao, nhưng hãng chúng tôi làm ăn đứng đắn, sẽ có trách nhiệm cao. Vì vậy, thưa ông Iakimov, ông vui lòng hỏi giúp các gia đình xung quanh cho.
– Tôi sẽ hỏi. – Iakimov gật đầu.
Đột nhiên Nina hỏi:
– Anh nghĩ sao, hay gia đình ta mua trước, làm gương cho các gia đình khác?
Naxtia đánh giá cao cử chỉ ấy của người vợ. Chị ta chưa nói sẽ mua bảo hiểm ngôi nhà, nhưng vẫn làm như hỏi ý kiến chồng. Mà cũng có thể chị ta làm ra vẻ thế thôi, chứ thật ra chị ta không cần bàn bạc với chồng. Naxtia ngày càng thấy mến đôi vợ chồng này.
– Ý kiến hay đấy – Iakimov vui vẻ nói – Gia đình chúng tôi là một rồi. Tất nhiên tôi sẽ rủ thêm vài gia đình nữa, và khi nào có độ ba bốn gia đình nhận mua bảo hiểm, tôi sẽ báo để hãng của bà cử người đến.
Ra khỏi nhà gia đình Iakimov, Naxtia cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Chị đâu quan tâm đến những người muốn mua bảo hiểm tòa nhà của họ. Thứ Naxtia cần quan tâm là những ai từ chối bảo hiểm và từ chối việc tổ chức canh gác khu nhà này. Bởi trong số họ sẽ có những người rất không muốn người lạ đến xem xét tỉ mỉ nhà cửa họ, từng gian phòng một, kể cả gian hầm. Tất nhiên chưa phải những người đó đã làm điều gì phạm pháp, nhưng những người sẵn sàng để người lạ đến xem xét thì hẳn là không làm gì sai trái.
Buổi gặp Xoloviov hôm nay để lại trong lòng Naxtia một cảm giác khá lạ. Chị có cảm giác như hai võ sĩ gặp nhau trên võ đài, nhìn chằm chằm vào nhau rất lâu, nhớ lại những cuộc đọ sức trước kia, và bây giờ đang cố tìm hiểu xem đối thủ hiện ra sao. Đánh giá xong, họ lao vào trận đấu, nhưng rồi một người lùi ra, biến đâu mất tăm không trở lại võ đài nữa. Không một lời giải thích. Người kia còn lại, không hiểu ra làm sao, liệu trận đấu có tiếp tục hay không. Anh ta đi đi lại lại trên võ đài, nhảy nhót, nắn gân bắp, và vẫn tính toán chiến thuật sẽ áp dụng cho phần sau của trận tỉ thí. Naxtia cảm thấy mình là kẻ bỏ chạy, và chị không sao hiểu nổi, thế là chị tự phê phán mình hay coi đó chỉ là chuyện bình thường.
Trên suốt chặng đường về nhà, Naxtia chưa gạt đi được hết cảm giác mình là người có lỗi.
Ngay đầu giờ làm việc sáng thứ Hai, Xvalov đã đem đến bản danh sách những người thuê các băng hình kia tại các quầy, vẻ mặt anh ta không chỉ cau có mà giận dữ. Chắc anh ta đã phải làm cả mấy ngày nghỉ, lẽ ra được rảnh rỗi để làm việc gì đó kiếm thêm ít tiền, như hầu hết các nhân viên trẻ tuổi trong ngành cảnh sát. Họ kiếm thêm bất chấp lệnh trên nghiêm cấm. Vậy mà anh ta phải làm cái công việc tỉ mẩn vô tích sự này.
Sau cuộc họp giao ban chớp nhoáng, Naxtia đem đĩa mềm của chị vào phòng máy tính, hy vọng được dùng một máy nào rảnh, tiếp tục làm việc. Naxtia tìm được một máy đang rảnh rỗi, mở tập danh sách Xvalov đưa, bắt đầu truy nạp vào máy. Chị làm rất nhanh, những dòng chữ chạy thoăn thoắt trên màn hình màu xanh nhạt, ngón tay gõ liên tiếp trên bàn phím.
Công việc này đòi hỏi tập trung tư tưởng cao độ, không được lầm, không được đánh sai cột này sang cột nọ, dòng này sang dòng kia. Trí nhớ của Naxtia rất tốt, thêm vào đó là niềm khao khát truy nạp hết các dữ liệu này vào trong máy để tìm ra tên kẻ trộm, cũng tức là kẻ đã quan tâm đến tất cả mười bốn băng hình bị mất trộm kia.
Hoàn thành bản kê, Naxtia nhìn đồng hồ, hoảng hốt kêu lên: đã sắp hết giờ làm việc buổi chiều. Vậy mà chị chưa làm được việc gì khác ích lợi ngoài bản kê đáng ghét này. Mà việc chị cần làm thì biết bao nhiêu. Naxtia đành tự an ủi rằng trong số những việc đó, không có việc gì cấp bách lắm, mà nếu có thì đại tá đã cho người gọi chị rồi.
Naxtia in bản kê ra giấy rồi mệt mỏi quay về phòng làm việc. Tại đây, mặc dù thời tiết ấm áp, vẫn ẩm thấp thế nào ấy. Chị cắm siêu đun nước pha cà phê. Mãi đến giờ, chị mới nhận ra là do làm việc nhiều quá, mắt chị nhức nhối. Bước ra cửa sổ, Naxtia nhìn ra đường phố, theo đúng lời khuyên vệ sinh lao động. Chị nhìn thấy trên phố Petrovka những cô gái trẻ trong bộ thời trang sặc sỡ, vui vẻ, hồn nhiên, ơn Chúa, họ chưa biết đến đau khổ. Naxtia sực nhớ một đoạn trong cuốn “Lưỡi kiếm” đọc hôm qua, đoạn kể về một nhân vật băn khoăn quá nhiều những vấn đề không thể giải quyết được, cũng đưa mắt ra cửa sổ, nhìn những con người đang đi vội vã, “y cảm thấy một nỗi buồn, giống như của con chim bị nhốt trong lồng, nhìn đàn bướm nhởn nhơ bên ngoài”. Naxtia lại cảm thấy như đã đọc ở đâu rồi, một thứ gì quen thuộc, giống như một mùi hương nhè nhẹ.
Dòng suy nghĩ của chị lại quay sang Xoloviov. Không biết anh ta có nhớ mình, có mong mình đến không? Nếu nhớ thì cái gì đã khiến anh ta quan tâm đến Naxtia hôm nay? Nỗi buồn cô đơn? Và mỗi người mới đến là một niềm vui chăng? Hay cuối cùng anh ta đã nhìn thấy và biết quý phẩm chất của mình mà nhiều năm về trước chưa nhìn thấy và chưa hiểu? Ôi, nhưng nghĩ chuyện đó làm gì kia chứ? Dù Xoloviov nghĩ gì đi nữa thì kế hoạch Naxtia cũng không thay đổi, cả thái độ của chị đôi với ông ta cũng vậy. Xoloviov thông minh, tốt bụng, nhưng trong trái tim chị đâu còn chỗ cho ông ta. Hay vẫn còn?
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, Naxtia thấy lòng mình xốn xang. Tuy biết rõ chị không cần đến Xoloviov, nhưng vẫn có một sức mạnh nào đấy đẩy chị về phía ông ta. Không phải chỉ do vụ đám thiêu niên kia mất tích. Một sức hút nào đó thúc đẩy chị về phía đó, ngôi nhà ấy, đến với Xoloviov. Nhưng tại sao? Tại sao kia chứ?
Ocxana khoan khoái duỗi người trên đi-văng rồi ngồi dậy. Cô ta không cần giữ ý với Vadim. Thậm chí khi ông ta đi ngang qua, Ocxana vẫn không thấy cần phải ngồi dậy. Mối quan hệ giữa hai người mang tính công việc đến nỗi họ không còn nghĩ đến thứ quan hệ nào khác. Đêm qua Ocxana đi ngủ muộn, nằm lì trên đi-văng cho đến giữa trưa, và nếu buổi sáng Vadim có sang thì cô vẫn nằm, chỉ kéo chăn lên che người. Rồi khi cô tung chăn dậy, cứ để nguyên tấm thân trần như vậy, đi tìm mặc tấm áo choàng trong nhà, Ocxana cũng không cần bảo Vadim quay mặt đi. Nhưng phải công nhận ông ta không nhìn cô bằng cặp mắt thèm thuồng như cậu vệ sĩ Vova của Giám đốc Exipov, ông ta cũng không thốt lên mấy câu châm chọc như thằng cha Tổng biên tập Xemion.
– Tỉnh ngủ hẳn chưa, đủ sức nghe chuyện rồi chứ? – Vadim hỏi, đưa tách cà phê lên môi.
Anh ta đến cách đây nửa giờ, tự pha lấy cà phê và kẹp thức ăn vào khoanh bánh mì, bảo cô rằng anh ta mới bàn giao phiên trực xong, về đây và đang rất đói. Ocxana thích thú ở chỗ Vadim không bắt cô phải làm thứ công việc nội trợ nào, nấu nướng hoặc bày thức ăn ra bàn. Nếu thấy cần, anh ta chỉ xin lỗi rồi tự làm lấy. Kể cũng hiểu được thôi, vì Vadim đến đây không phải để thăm hỏi mà chỉ để làm việc.
– Nào, anh nói đi, Vadim. Em nghe đây.
– Cô có nghe nói đến một nhà văn tên là Ed MacBein không?
– Hình như em có nghe thấy một cái tên hao hao như thế, nhưng không dám chắc.
– Có nghĩa cô chưa đọc sách của anh ta chứ gì?
– Chưa.
– Vậy thế này. MacBein chỉ là bút danh. Tên thật của anh ta không phải thế. Anh ta còn có một bút danh nữa, là Ivan Hanter.
– Sao lại phải lấy hai bút danh? – Ocxana ngạc nhiên.
– Để giữ độc giả. Anh ta dùng bút danh Ed MacBein cho những truyện vụ án ở đồn cảnh sát tám mươi bảy, còn bút danh Hanter cho những cuốn nghiêm chỉnh, viết về những vấn đề xã hội. Nhưng độc giả nào đọc cả hai loại sách kia, của MacBein và của Hanter đều dễ dàng nhận thấy cả hai loại sách đều do cùng một tác giả viết. Bởi không một nhà văn nào bỏ được văn phong quen thuộc của mình, đúng vậy không? Mỗi nhà văn là một con người hoàn chỉnh, có quan điểm, có hệ thống giá trị, có ngôn ngữ văn chương, cả phương pháp bố trí cốt chuyện và phát triển hành động riêng của mình. Độc giả có kinh nghiệm lập tức thấy ngay hai tác giả kia chỉ là một. Chính qua nhận xét đó tôi nảy ra ý tưởng này nữa. Có thể tổ chức cuộc thi độc giả. Nhưng muốn thế, nhà xuất bản phải có quan hệ chặt chẽ với các tác giả. Không phải mối quan hệ thông qua người trung gian mà là quan hệ trực tiếp. Nhà xuất bản cần được sự đồng ý của tác giả, xuất bản một cuốn sách mới nào đó dưới bút danh mới hoặc không ghi tên tác giả.
Ocxana chưa hiểu ngay ý đồ của Vadim. Khi Vadim bắt đầu kể, cô ta chưa hiểu tại sao làm như thế lại đem lại tiền, và nói chung tại sao cần phải làm như thế. Nhưng càng nghe, Ocxana càng hiểu dần, và thấy ý đồ ấy quả là đơn giản và logic. Bây giờ đâm cô ngạc nhiên sao giám đốc Exipov lại không nghĩ ra được điều ấy.
– Cô hình dung xem, xuất hiện một cuốn sách trong bộ sách đang nổi tiếng, nhưng lại không đề tên tác giả. Ngoài bìa, bên cạnh tên nhà xuất bản, chỉ ghi dòng chữ: “Chú ý: đây là cuộc thi”. Độc giả tò mò mua cuốn sách xem thử thi gì.
Ocxana gật đầu:
– Tất nhiên ai cũng sẽ chú ý.
– Lời giải thích in trên bìa sau. Cuốn này của một tác giả quen biết, sách của ông ta đã ra nhiều trong bộ sách này và sẽ còn ra tiếp. Nhưng tên tác giả chúng tôi giữ kín. Tất nhiên chỉ là tạm thời. Rồi sau đấy, công bố nội dung cuộc thi, ai đoán trúng tên tác giả sẽ được thưởng. Muốn đoán trúng cần căn cứ vào cách hành văn, những hình tượng và ý tưởng, ngôn ngữ và cấu trúc câu văn tác giả đó hay sử dụng. Ta ấn định một thời hạn nhận thư giải đáp, thí dụ trong vòng ba hoặc bốn tháng. Đặt giải thưởng rất lớn. Độc giả nào quan tâm sẽ làm gì nào?
– Làm gì ạ? – Ocxana vẫn chưa hiểu.
Cô ta nghe Vadim nói mà như bị thôi miên. Trong lúc nghe cô mất đi khả năng độc lập sáng tạo, mà bị cuốn theo lời giải thích và kết luận của Vadim.
– Độc giả sẽ mua cuốn sách đó, hy vọng tìm ra được tác giả của nó là ai và được nhận giải thưởng. Cô em thân mến, cô nên nhớ rằng, một trong những đặc điểm của con người thời nay là khao khát được nổi tiếng. Vậy là kết quả đầu tiên: cuốn sách sẽ bán rất chạy. Bây giờ đến kết quả tiếp theo. Độc giả mua cuốn sách về, nhưng phát hiện ra là câu đố không dễ giải. Khốn nỗi trong óc độc giả đã xuất hiện một niềm ham thích lao vào cuộc đỏ đen. Một là anh ta đã bỏ tiền ra mua cuốn sách. Hai là anh ta đã ôm hy vọng sẽ giật được giải thưởng, cô hiểu chứ? Tuy nhiên anh ta cũng bị cản bởi một nỗi nghi ngờ, ta sẽ không giật được giải này, mà có khi giải đã rơi vào tay người khác rồi.
– Nghĩa là ta phải kích lòng ham muốn giật giải kia lên. – Ocxana rụt rè đưa ra ý kiến.
– Cô em thông minh lắm. Nhà xuất bản “Serkhan” sẽ mua một số phút trên truyền hình hoặc một số dòng trên trang báo, thông báo cho độc giả biết rằng cho đến lúc này vẫn chưa ai giải đáp đúng. Đồng thời công bố tăng thêm số giải thưởng. Nếu như cuộc điều tra nhu cầu độc giả của thằng cha Exipov đạt kết quả thì y có thể ước lượng được số độc giả khá chính xác, biết được cả họ thích đọc báo nào, nghe chương trình truyền hình hoặc nghe đài phát thanh nào. Căn cứ vào đó mà liệu cách quảng cáo. Thế là độc giả đọc được thông báo trên, thấy vẫn còn hy vọng giật giải, họ bắt đầu… Nào, theo ý cô em thì độc giả bắt đầu làm gì nào?
Bây giờ Ocxana mới hiểu hết ý đồ của người đàn ông thuê cô. Vadim quả là thông minh. Exipov cũng thông minh, nhưng còn thua xa Vadim…
– Độc giả bắt đầu mua những cuốn sách khác trong bộ sách, những cuốn họ chưa đọc. – Ocxana thích thú reo lên.
– Tất nhiên rồi. Nhưng họ sẽ chỉ mua một số nào thôi, còn thì mượn của bè bạn, người quen biết. Cứ thế, độc giả lao đi tìm đọc tất cả những cuốn chưa đọc trong bộ sách. Khốn nỗi mượn của bạn bè đâu phải dễ, họ có thể đi vắng, có thể đánh mất cuốn sách đó, thậm chí có thể giữ lại để nghiên cứu, tham gia cuộc thi. Vậy là đành phải mua. Nhưng trên các quầy chỉ có những cuốn sách mới in, những cuốn in trước đó đã bán hết từ lâu. Cô hiểu rồi chứ?
– Và nhà xuất bản có thể in lại những cuốn đã hết để bán. – Ocxana nói.
Trong hai năm vừa qua, bắt nhân tình với Giám đốc Exipov, và dưới sự chỉ đạo của Vadim, Ocxana đã hiểu biết khá nhiều về hoạt động xuất bản. Cô ta hiểu rằng in thêm, nhưng vẫn để nguyên những dữ liệu về số lượng in và ngày in, thì sẽ trốn được thuế và quịt được tiền nhuận bút.
– Nếu ý đồ của tôi cô tán thành… Mà cô tán thành chứ? – Vadim hỏi.
– Tất nhiên rồi.
– Vậy thì đấy là nhiệm vụ tiếp theo của cô trong thời gian tới. Việc điều tra xã hội học đã tiến hành chưa?
– Đã tiến hành sao được? Thứ Bảy vừa rồi, Exipov mới đưa ra bàn với hai đồng sự.
– Anh ta thuyết phục được họ chứ?
– Anh Vadim ạ, Exipov là người hành động. Ngay cả khi anh ta biết anh ta sai, anh ta vẫn buộc người khác phải nghe theo mình. Hai người kia làm sao cưỡng nổi anh ta.
– Tốt lắm. Cô hãy cố nhét vào đầu Exipov để anh ta thấy rằng cuộc điều tra xã hội học kia sẽ cung cấp rất nhiều tư liệu bổ ích sau này. Trong đó có cả việc nên quảng cáo ở đâu để đến được đông đảo độc giả. Cô hiểu rồi chứ, Ocxana?
– Em hiểu rồi. Em sẽ suy nghĩ xem em nên làm thế nào.
– Suy nghĩ đi, cô em, suy nghĩ đi. Tôi với cô sẽ còn phải làm rất nhiều việc, để sau đây ba năm, hai chúng ta sẽ giàu sụ.
– Ôi, ba năm! Lâu quá. – Ocxana thở dài.
– Chỉ kẻ nào biết kiên nhẫn chờ đợi, kẻ đó mới thành công – Vadim nhếch mép cười – Nhưng đã qua hai năm rồi, chỉ còn ba năm nữa thôi. Nghĩ cho kỹ thì chẳng phải là lâu. Chưa kể sau ba năm nữa, cô có thể yên tâm bỏ nghề người mẫu thời trang, tha hồ hưởng thụ cuộc sống. Cô có thể lấy chồng, đẻ bao nhiêu con tuỳ thích, muốn ăn gì thì ăn, không phải lo giữ “co” nữa. Sau ba năm, cô sẽ có đủ tiền để không cần phải làm gì. Cô có thể kiếm cậu nào cô thật sự yêu, chứ không phải lấy thằng cha nào vì tiền nữa. Đấy mới là sự tự do cao nhất: tự do lưạ chọn. Để đạt được mục tiêu ấy, ta có thể chịu đựng một thời gian.
– Còn anh? – Đột nhiên Ocxana hỏi.
– Tôi làm sao?
– Anh định dùng sự tự do của anh để làm gì?
– Hiện nay tôi chưa nghĩ – Vadim nhếch mép cười – Đầu tiên là tôi xin thôi việc, thứ công việc lương chết đói mà lại cướp mất những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Tôi bị mất vào cơ quan hiện nay gần hai chục năm trời rồi còn gì. Tôi cố chịu đựng thêm một thời gian nữa rồi xin đủ. Sau đấy tôi sẽ chỉ ngồi mà hưởng. Tôi cho rằng như thế mới là công bằng.
Vadim ra khỏi phòng, Ocxana đóng cửa lại, đi tắm rồi miễn cưỡng ngồi ăn điểm tâm. Cô ta thích ăn ngon, cho nên những món ăn kiêng này làm cô luôn căm ghét. Cháo bo bo và cà rốt để giữ da, rau thì là để chống phù nề, cà chua và dưa chuột không hiểu vì sao lại chứa ít calo. Trong khi đó, Ocxana thèm ăn thịt bò rán với khoai tây và bắp cải muối, thích món canh Ukraina ngầu nghi của mẹ hay nấu, có ớt cay và mỗi đĩa canh có một thỏi mỡ nổi lềnh bềnh. Ocxana còn thích bánh ga tô, bánh quy bơ. Đã có người bảo Ocxana thích toàn những thứ tầm thường, nhưng cô ta thích bánh ga tô từ nhỏ, thứ bánh ga tô bên trên có một lớp kem màu, vẽ thành hình bông hoa. Có thể những thứ đó là tầm thường, nhưng Ocxana rất thích nhớ lại thời thơ ấu. Thuở nhỏ cô đã được sống hạnh phúc êm đềm, được cha mẹ chiều chuộng. Cô quý tất cả những gì giúp cô nhớ lại thời thơ ấu, cho dù cô bị chê là tầm thường. Nhưng thôi, đành vậy. Vadim nói đúng, phải kiếm cho được nhiều tiền để có thể sống theo ý mình, không phải tự mình hành hạ mình như thế này nữa. Ăn thì kiêng khem, làm thì vất vả, rồi phải ngủ với người mình không yêu, mặc dù anh ta là một người đàn ông không đến nỗi tồi.
Đã nhiều lần Vadim cảnh báo Ocxana: “Đừng bao giờ cô nghĩ đến chuyện bắt nhân tình với người nào khác ngoài Exipov. Cô chịu khó vậy. Nếu cậu ta bắt gặp cô ngủ với một thằng đàn ông nào khác, toàn bộ kế hoạch của tôi với cô sẽ tan thành mây khói. Tôi thì còn có thể kiếm một đứa khác thay cô, chứ cô thì mất hết”.
Và Ocxana đã cố gắng chịu đựng. Cô ta gần như đã mang một định kiến, là Vadim bao giờ cũng đúng. Giống như khách đi mua hàng. Nếu không theo đúng lời căn dặn của Vadim, sau này cô sẽ không được hưởng phần lãi suất. Dần dần, những ý tưởng của Vadim do cô “gà” cho Giám đốc Exipov đã đem lại kết quả. Thấy thế, cô càng tin rằng Vadim không bao giờ sai.
“Nhưng sau này anh đoạt lấy nhà xuất bản của họ bằng cách nào?” đôi khi cô hỏi Vadim.
Nhưng câu trả lời của Vadim thường mập mờ, rối rắm, khó hiểu. Chỉ một lần Vadim nói ra hơi rõ:
“Tôi muốn bọn họ thật giàu. Nhưng là giàu theo cách thức phạm pháp. Đến khi họ thành nhà xuất bản lớn nhất, có uy thế nhất, lợi nhuận của họ lên đến mức khổng lồ, tôi sẽ yêu cầu họ chia một phần lãi cho tôi. Họ không thể từ chối, bởi mỗi đồng rúp của họ đều bất hợp pháp, và tôi có đầy đủ bằng chứng. Thấy vậy, các Giám đốc ‘Serkhan’ chỉ còn một cách là chia lãi cho tôi, nếu không, họ sẽ đi tù hết”.
“Thế nếu họ thôi, không in lậu nữa? Anh sẽ làm cách nào để ép họ được?”
“Một là họ sẽ không thôi. Thằng ăn trộm không thể nào thôi không ăn trộm. Đã thành một thứ bệnh mãn tính. Tiền làm hư con người. Một khi kẻ nào đã nghiện tiền bạc thì giống như nghiện ma túy, chỉ ngày càng nặng thêm chứ không bao giờ bỏ được”.
“Hai là?”
Vadim lúc đó nhếch mép cười, khẽ búng vào mũi cô gái:
“Điều thứ hai thì cô em chưa nên biết. Đêm sẽ không ngủ được đâu”.
Khi đó Ocxana không hỏi thêm, nhưng cô cũng không quên câu nói kia.
Đọc mãi những cái họ tên, Naxtia chóng cả mặt. Đó là lúc chị cảm thấy rất có thể mình đã lao vào một việc làm vô ích, nhưng không thể bỏ lại dỏ dang, mà đành phải đi đến cùng. Càng ngồi lâu trước bảng kê to lớn, Naxtia càng cảm thấy tìm tên ăn trộm băng hình theo kiểu này sẽ không thể đem lại kết quả. Khốn nhưng Naxtia không có tính chịu bỏ dở một công việc giữa chừng bao giờ.
Trong phòng làm việc, khói thuốc lá mù mịt, và cà phê uống nhiều quá để lại trên lưỡi Naxtia một vị đắng khó chịu. Nhưng chị vẫn ngồi, chĩa cặp mắt đã mệt rã rời vào tấm bảng kê rất lớn trải trên bàn, tiếp tục đọc họ tên những người đã thuê băng hình tại các quầy “rẻ” kia. Đôi khi Naxtia tưởng như, thậm chí cảm thấy, mình đã thấy lóe ra một quy luật nào đó, nhưng rồi chỉ lát sau cảm giác đó lại biến mất. Không một họ tên nào được lặp lại ở tất cả mười bốn cột. Thậm chí không một họ tên nào được lặp lại đến mười lần. Nếu như dự đoán của Naxtia là đúng, tức là tên ăn trộm kia đã thuê cả mười bốn băng hình, thì bây giờ chị thấy rõ rằng hắn đã không khai tên thật. Nếu như Naxtia tin chắc rằng tên gian đã dùng các tên khác nhau, thì dứt khoát chị sẽ tìm ra được. Tuy mất nhiều công sức và thời gian, nhưng chị sẽ tìm được ra. Khốn nỗi Naxtia lại không tin chắc là như thế, và chị đã hết niềm hăm hở ban đầu. Trong óc chị thầm nghĩ: “Naxtia, cô lầm rồi, điều cô dự đoán đã không đúng. Quăng cái bản kê này đi, xé vụn nó ra, rồi đi tìm phương án điều tra khác”.
Naxtia đứng dậy, lấy tay xoa nắn eo lưng đã nhức nhối, mở toang cửa sổ để xua bớt khói thuốc lá trong phòng ra, rồi sang phòng bên cạnh, nơi hai nhân viên của chị là Corotcov và Colia làm việc. Corotcov nói chuyện điện thoại, còn Colia thì đang cắm cúi viết báo cáo. Nhìn thấy Naxtia, anh ta ngẩng đầu lên ngạc nhiên:
– Cô vẫn còn ở đây à? Chúng tôi tưởng cô về nhà từ lâu rồi.
– Cả hai anh cùng nghĩ như thế hay từng người một?
Colia cười vang thích thú, vì có lý do để giải lao một chút.
– Cùng. Hai chúng tôi định sang cô lấy ấm đun cà phê, nhưng nhìn đồng hồ bèn bảo nhau rằng giờ này chắc chắn cô về rồi.
– Thế hai anh không thể đi vài bước sang ngó thử hay sao?
– Cô Naxtia! – Colia giận dữ – Hai chúng tôi là điều tra viên, là thám tử, đúng như thế không? Nếu như mỗi lần dự đoán lại chạy đi điều tra thì sẽ chẳng làm xong việc nào hết. Mà cô còn luôn chê chúng tôi là cái gì cũng cùng làm, đi đâu cũng cùng đi, xem xét cái gì cũng cùng xem xét. Nhưng chính cô đã dạy chúng tôi làm như thế, cô còn trách gì nữa?
– Thôi được – Naxtia phẩy tay – Hai anh cứ đổ hết tội lên đầu tôi. Bao giờ lỗi cũng là do tôi. Anh sáng tác cái gì thế, Colia? Làm thơ à?
– Trường ca về vụ bắt công dân Belov trên phố Belov. Tên bài thơ đặc sắc đấy chứ, cô công nhận chưa?
– Anh vừa nói cái gì thế? – Naxtia cau mặt.
Tim đập thình thình, như thể chị vừa nghe thấy một chuyện hoàn toàn bất ngờ.
– Đúng, tôi nói thế. Hôm nay công dân Anatoli Belov bị bắt giữ trên phố Tướng Belov. Một sự trùng hợp rất lạ, cô không thấy sao? Tên tội phạm có họ giống tên phố nơi hắn bị bắt. Sao mặt cô tái đi thế kia? Cô quen cái tay Belov ấy hay sao? Thân chủ của cô à?
– Không, tôi không quen ai có cái họ đó. Anh có bản đồ Moxcva không?
Câu hỏi hoàn toàn mang tính hình thức, vì trong ngăn bàn của Colia bao giờ cũng có sẵn hàng chục tấm bản đồ thành phố Moxcva và tỉnh Moxcva. Colia say mê nghiên cứu bản đồ từ thuở nhỏ.
– Cô cần gì cứ hỏi đi, tôi trả lời được ngay, không cần xem bản đồ.
– Không, tôi cần một tấm bản đồ.
Colia thở dài, mở ngăn bàn, lấy ra một bó bản đồ, tất cả đều sờn rách do sử dụng quá nhiều, và tấm bản đồ nào cũng chi chít những vết mực đánh dấu. Trên mặt Colia hiện lên nỗi tự ái đối với Naxtia, là chị đã không tin ở trí nhớ của anh ta.
– Tôi mượn được không? Sáng mai tôi trả.
– Cô cứ lấy – Colia phụng phịu – Cô thích tự lập quá đấy.
– Đừng lầu bầu nữa – Naxtia trìu mến xoa làn tóc của anh chàng điều tra viên – Corotcov nói chuyện điện thoại xong thì bảo anh ta sang tôi mà lấy cà phê. Tôi sẽ pha sẵn để trả công mượn tấm bản đồ.
Naxtia đi nhanh về phòng mình, trải tấm bản đồ lên chiếc bàn trống. Rồi liếc nhìn tấm bảng kê danh sách. Chà, đây rồi, cái dòng chữ lúc nãy đã làm chị tưởng như đã thoáng “thấy vấn đề”, nhưng rồi ý nghĩ ấy đã biến đi mất. Đó là điểm cho thuê băng hình trên phố Conovalov. Tên một khách thuê băng cũng là Conovalov. Như thế thì sao? Họ Conovalov này rất phổ biến, giống như các họ Ivanov hoặc Cuznetsov.
Không, không hẳn là như thế. Ta vẫn nên kiểm tra xem. Naxtia tìm trên bản đồ phố Conovalov, rồi chăm chú đọc tên những phố trong khu vực đó, thỉnh thoảng lại quay sang bảng danh sách kiểm tra lại. Đây rồi. Trong mỗi cột đều có một tên người có họ trùng với tên phố có quầy cho thuê băng hình trong khu vực Cuzminki-Perovo. Poletaev, Sumilov, Mikhailov, Papernik, Conovalov, Plusev, Cuscov. Thậm chí cả Perov và Cuzmin. Bảy cái họ. Mỗi cái họ này nằm trên hai cột, còn bốn cái họ như thế nằm trên bốn cột. Tổng cộng là mười bốn. Tất cả mười bốn cột đều có họ người thuê băng hình trùng với tên phố. Lạy Chúa, chẳng lẽ mình đã khám phá ra được rồi sao?
Naxtia rời khỏi bàn để bản đồ, ngồi xuống bàn của mình, ôm đầu. Nếu đúng như vậy, thì tìm ra tên gian cũng không dễ dàng gì! Mỗi lần hắn khai ra một cái họ, không lần nào dùng họ thật của hắn. Nhưng tại sao hắn nghĩ ra được cách đó? Chắc hắn quen dùng họ của bè bạn, người quen biết, bạn học cùng lớp, bạn học cùng trường đại học. Có thể họ của đồng nghiệp. Họ của hàng xóm. Cũng có thể hắn mở danh bạ điện thoại rồi lấy bừa một cái họ nào đấy. Hoặc lấy họ những người nổi tiếng, những người được đặt làm tên phố. Tất nhiên không phải Puskin, Gorki, hay Sverdlov. Hắn chọn những cái họ đơn giản hơn: Mikhailov… Conovalov… Cuzmin… Đúng là như thế rồi. Nhưng muốn làm như vậy hắn phải rất thuộc khu vực đó. Hắn sống ở đấy hay làm việc ở đấy?
Naxtia hít một hơi thật sâu, cố ghìm lại một tiếng cười chỉ chực rú lên. Chị nhấc tấm bản đồ, vớ bình cà phê chạy sang phòng làm việc bên cạnh. Lần này người nói chuyện điện thoại là Colia, còn Corotcov thì loay hoay quết pho mát lỏng lên những khoanh bánh mì.
– A! – Anh ta reo lên – Tôi đang định sang cô xin cà phê cô đã hứa cho, vậy mà cô lại thân chinh đem sang.
– Đừng mừng vội. Tôi đem sang không chỉ cà phê đâu, mà cả công việc cho anh đấy.
– Ôi, đừng – Corotcov rên rỉ – Tôi mong rằng cô nói đùa.
– Đúng là tôi nói đùa thôi – Naxtia công nhận – Tôi đã nghĩ ra cách tìm thằng cha ăn trộm băng hình rồi.
Corotcov sửng sốt, tay cầm dao ngưng lại giữa chừng.
– Cô nói thật đấy chứ?
– Anh bảo tôi đừng nói đùa kia mà! – Naxtia nhún vai, rồi lấy một khoanh bánh mì trên bàn – Hắn cư trú hoặc làm việc trong khu vực Cuzminki- Perovo.
– Colia! – Corotcov hét to, quăng con dao ăn xuống bàn – Đừng nói chuyện điện thoại nữa. Mau lên, ra đây.
Colia nhăn mặt, nói thêm một câu cuối cùng rồi đặt máy.
– Chỉ tạỉ mình đưa cho cô ấy tấm bản đồ – Colia càu nhàu – Bây giờ cô ấy trả ơn bằng cách bắt mình phải bỏ dở cuộc nói chuyện với cô người yêu. Cô đúng là vô ơn. Có chuyện gì vậy?
Naxtia kể tóm tắt điều phát hiện của mình, sau khi vất vả nghiên cứu bảng danh sách đặc kín các tên họ.
– Chà, hay quá đấy – Colia quên cả nỗi tự ái lúc nãy, reo lên mừng rõ – Nhưng cô Naxtia ạ, khu vực cô vừa nêu ra ấy rộng lắm. Làm sao tìm ra được hắn?
– Cần phải xem trên bản đồ vị trí của các quầy cho thuê băng hình hắn đến thuê, rồi ướm thử theo quận Tây. Dùng cách đó ta có thể khoanh vùng để tiến hành điều tra. Colia, đấy là công của anh, không có tấm bản đồ ấy ta sẽ không làm được gì đâu. Và anh còn có thể kể ra trong khu vực đó có những khu nhà cao tầng nào lớn và có những xí nghiệp nào đóng.
Colia nhìn đồng hồ, nói:
– Thế lúc nào thì được sống?
– Thôi đi – Corotcov chen vào, anh chàng này thì lại muốn kéo dài thời gian để chậm phải về nhà – Tôi thừa biết cậu đã về với cô Valia của cậu đâu! Cậu còn đến với cô bồ của cậu nữa chứ.
Sau khi ly dị vợ, một thời gian rất dài Colia sống một mình, cố tìm một cô nào để chung sống lâu dài, nhưng mãi không gặp. Gần đây anh mới quen được một nữ nhân viên văn phòng của Sở Cảnh sát thành phố, tên là Valia. Do có căn hộ riêng nên anh không phải hẹn hò ở đủ mọi nơi. Thế là cô Valia đến ở chung với anh. Sáng sáng Colia đưa cô ta đến cơ quan, chiều, cô ta nấu ăn, chờ anh về. Valia rất thông cảm với nghề cảnh sát của người tình.
Họ uống cà phê và ăn bánh mì kẹp thức ăn rất nhanh, rồi trải rộng tấm bản đồ ra, bắt đầu làm việc. Thằng cha lấy họ theo phố đã thuê đủ cả mười bốn băng hình tại tám điểm cho thuê khác nhau. Đánh dấu tám vị trí đó lên bản đồ, Colia lịch sự nhưng kiên quyết đề nghị hai đồng sự đừng đứng sau lưng, phả hơi thở vào gáy anh, tốt nhất là để yên cho anh làm một mình. Naxtia và Corotcov chiều ý anh, đứng lên, đi ra ngoài.
Phòng của Naxtia rất lạnh. Lúc nãy, kẹp tấm bản đồ dưới nách, chị phấn khởi quá đi ra mà quên không đóng cửa sổ, cho nên gió lạnh tha hồ thổi vào. Từ lúc đó đến giờ đã khá lâu, nên trong phòng lạnh buốt như trong tủ lạnh. Được cái không khí lại tuyệt đối trong lành.
Corotcov vội vã đóng cửa sổ, vai anh run rẩy. Naxtia lấy áo khoác trong tủ ra mặc vào người. Lúc này đã muộn, nhưng chị biết mình chưa thể về nhà. Ít nhất cũng phải sau khi Colia nghiên cứu và đưa ra ý kiến của anh. Naxtia không thể chờ cho đến sáng mai mới nghe ý kiến anh, vì nếu như thế, suốt đêm nay chị sẽ thao thức mất thôi.
Corotcov hỏi:
– Naxtia, cô tin chắc chắn là cô suy luận đúng chứ?
– Tôi chưa biết – Naxtia thở dài, mệt mỏi nhắm mắt lại – Tôi chưa dám quả quyết điều gì. Thậm chí có lúc tôi nghĩ, không khéo làm gì có thằng cha đó trên đời, tất cả chỉ là do óc hoang tưởng của tôi tạo nên. Và chúng ta đang đuổi theo một cái bóng. Làm gì có thằng cha bệnh hoạn ấy. Đó chỉ là một huyền thoại. Tất cả những gì tôi với anh Colia làm từ đầu đến giờ chỉ tốn công vô ích.
– Nhưng mấy đứa bé trai con đó hình dạng lại giống hệt nhau – Corotcov cãi – Điều đó thì không phải chúng ta bịa ra. Tất cả chúng ta đều xem kỹ các tấm ảnh, cả cô, đại tá Gordeev, cả tôi và Colia. Không thể cả bốn người đều cùng hoang tưởng giống nhau. Thêm nữa, trong số chín đứa ấy, tám đứa là gốc Do Thái. Điều này thì tuyệt đối chính xác, không thể hồ nghi. Naxtia, cô mất tinh thần rồi chăng?
– Có lẽ thế. – Naxtia nói rất khẽ.
Bỗng nhiên Naxtia thấy toàn thân rã rời, thậm chí chị không muốn nói một lời nào nữa.
– Vậy tôi phải làm gì để cô tỉnh táo trở lại? Tôi ra phố mua cho cô gói kem nhé? Hay mấy cái kẹo? Cô muốn không?
Naxtia lắc đầu, mở mắt.
– Cảm ơn. Anh tốt quá. Đừng quan tâm đến tinh thần suy sụp của tôi lúc này. Anh kể chuyện gì đi thì hơn.
– Chuyện của tôi thì cô biết hết rồi – Corotcov cười – Thằng con trai vẫn đang lớn, bà mẹ vợ vẫn đau ốm. Cô Lialka vợ tôi thì suốt ngày cáu gắt. Toàn bộ chỉ là như thế.
– Còn cô Luxia?
Mối tình giữa Corotcov với một phụ nữ tên là Luxia kéo dài đã lâu, nhưng họ phải đợi cho mấy đứa con trưởng thành đã, Gorotcov có một đứa, Luxia hai đứa.
– Hiện Luxia đang đi công tác. Họ cử cô ấy đi Primorie cả một tháng. Đội của cô ấy được giao nhiệm vụ lên bản dự đoán tình hình tội phạm trong năm năm tới. Thậm chí họ còn phải làm hai bản, tuỳ theo ai sẽ thắng cử trong cuộc bầu Tổng thống sắp tới nữa.
– Anh nhớ cô ấy lắm phải không?
– Nhớ chứ – Corotcov thú nhận – Rất nhớ.
– Corotcov này, đã bao giờ anh gặp một mối tình lặp lại chưa?
– Nghĩa là sao?
– Anh gặp lại cô người tình anh đã có thời yêu say đắm, và bây giờ anh nối lại mối tình ấy. Anh đã gặp tình trạng như thế bao giờ chưa?
– Chưa. Nhưng sao cô hỏi tôi chuyện ấy?
– Tò mò thôi. Tôi muốn biết nếu trường hợp đó xảy ra thì thế nào.
– Thôi đi! Cô thú thật cho tôi nghe đi. Cô đã gặp lại người tình thuở xưa và bây giờ cô lại thấy yêu anh ta chứ gì?
– Đâu có? Đã bảo tôi chỉ nghĩ thế thôi.
– Tôi không tin. – Corotcov nói giọng quả quyết.
Anh ta sắp sửa nói thêm để vạch ra là Naxtia nói dối thì một tiếng đập rất lớn của ai vào bên kia bức tường.
– Colia gọi. Ta sang đi. Xem anh ta phát hiện được gì thêm.
Naxtia chưa kịp nhận ra tại sao bao nỗi mệt mỏi lúc trước biến đâu mất sạch. Mới một phút trước đây, chị còn ngả lưng lên thành ghế, chỉ ao ước một điều là được ngả lưng, đánh một giấc, vậy mà bây giờ chị đã hiểu ngay tiếng đập tường ở phòng bên cạnh nghĩa là gì.
– Thế nào, anh Colia? Thấy được gì rồi phải không? – Naxtia hỏi, cố ghìm giọng nói run rẩy, không biết do đâu.
– Có lẽ tôi tìm ra rồi. Xin hai nhà thám tử nhìn vào đây. Đây là những điểm cho thuê băng hình thằng cha hay lui tới, vì tiện đường cho hắn nhất, có lẽ thế. Ta hãy nói cho gọn, bởi việc tôi đo và tính toán như thế nào không quan trọng, điều quan trọng là kết quả. Hoặc hắn cư trú ở đây – Colia dùng bút chì đỏ khoanh một vòng tròn nhỏ – Và hắn thường xuyên đi lên phía Bắc, hoặc hắn cư trú ở đây, và thường xuyên đi về phía Nam, về phía trung tâm. Xét cả hai trường hợp đó thì hắn phải làm một nghề rất đặc biệt.
– Tại sao? – Naxtia hỏi.
– Cô thử nêu lên thật nhanh mười phố gần với phố Petrovca tôi xem. – Colia yêu cầu.
– Ngõ Colobovxki phố Tverxcaia, phố Puskinxcaia, phố Sekhov… – Naxtia tắc.
– Vậy là cô không rành khu vực này lắm – Colia cười chế giễu – Thế các phố gần nhà, cô có gọi tên lên được không?
– Anh nói đúng – Naxtia nghĩ ngợi rồi nói – Muốn nhớ tên các phố phải làm một nghề chuyên môn nào đó thật.
– Thí dụ thợ chuyên sửa chữa thứ gì đó, khiến hắn thường xuyên phải đi các phố trong khu vực. – Corotcov gợi.
– Chính thế. Hoặc một nghề nào đó tương tự. – Vậy là trước tiên, ta phải kê ra những tổ chức nào quan hệ với các nhà trên những phố nằm trong khu vực Cuzminki-Perovo. Đầu giờ sáng mai đã có được chưa, anh Colia?
– Sẽ cố gắng. Nhưng cô chưa thưởng tôi về khám phá vừa rồi đấy. Và cô nên biết rằng Valia đang ngồi nhà nóng lòng chờ gã thám tử để cùng ăn bữa tối.
– Anh Colia! – Naxtia nhìn chàng điều tra viên bằng cặp mắt khiến anh ta không chịu nổi, phá lên cười – Anh là một thám tử thiên tài. Tôi nói điều này, anh nghe cho rõ: nếu thằng cha bệnh hoạn ấy có thật và chúng ta tìm được ra nó, tôi hứa sẽ dựng tượng đài để ghi nhớ công ơn anh. Thôi, các bạn! Giải tán, về!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.