Im lặng đến mấy phút. Jane Plenderleith sau khi nhìn nhà thám tử nhỏ bé như để đánh giá một lần nữa, đưa mắt nhìn vào khoảng không, dáng vẻ bồn chồn, thân hình căng cứng. Và khi Poirot phá vỡ sự im lặng, thì hình như trong cô trút được một gánh nặng. Poirot hỏi:
– Cô đốt lò sưởi này từ lúc nào?
– Đốt lò ấy à? – Cô lặp lại, vẻ lơ đãng – Sáng nay, ngay lúc mới về.
– Trước, hay sau khi lên gác.
– Trước.
– À, ra thế. Củi đã được chuẩn bị trước hay cô phải xếp từ đầu?
– Đã sẵn cả. Tôi chỉ việc đánh diêm.
Giọng cô tỏ vẻ sốt ruột cho là ông này hỏi chỉ để cho có chuyện. Có lẽ là thế, vì Poirot lại tiếp:
– Tôi thấy trong phong bà Allen chỉ có một lò sưởi khí đốt.
– Chỉ có phòng này là lò sưởi bằng củi, các phòng khác đều sưởi bằng khí.
– Và các cô cũng nấu ăn bằng bếp ga?
– Như tất cả mọi người hiện nay.
– Đúng vậy. Như thế đỡ vất vả.
Jane Plenđerleith nói xong, dậm chân vẻ bứt rứt, đột nhiên hỏi:
– Cái ông thanh tra Japp ấy… có được coi là cảnh sát giỏi?
– Ông ấy phán đoán rất tinh, mọi người đều khâm phục. Làm việc không quản mệt nhọc, khó có điều gì thoát khỏi mắt ông ấy.
Poirot quan sát cô gái. Dưới ánh lửa, đôi mắt cô xanh trong.
– Cái chết của người bạn hẳn khiến cô bị sốc mạnh?
– Ồ vâng, thật khủng khiếp.
Lời đáp giật giọng, có vẻ thành thật.
– Cô không ngờ tí nào?
– Tất nhiên không.
– Vì thế cô cho là việc ấy không thể xảy ra…
Giọng nói thân mật của thám tử dường như làm cho Jane bớt giữ thế thủ. Cô trả lời ngay một cách tự nhiên:
– Đúng vậy. Dù Barbara có tự tử, tôi cũng không tưởng tượng chị ấy chết bằng cách ấy.
– Bà ấy có súng mà?
Jane Plenderleith phác một cử chỉ nóng nẩy:
– Đành vậy, nhưng khẩu súng ấy… Ồ!… chỉ là vật kỷ niệm. Chị ấy đã sống ở những nơi hẻo lánh nên giữ súng cho lấy lệ… chứ không có ý đồ gì, tôi cam đoan.
– A! Sao cô dám chắc như vậy?
– Ồ, ví dụ một hôm nói chuyện tự tử, chị ấy bảo cách tốt nhất là biến khỏi cõi đời là mở vòi ga, đóng kín cửa rồi lên giường đi ngủ. Tôi nói lại là tôi thì không thề nào nằm chờ chết như thế, thà bắn một phát vào đầu là xong. Chị ấy trả lời không bao giờ dám tự tử bằng súng vì sợ run tay bắn trượt.
– Tôi hiểu – Poirot nói – Đúng là lạ, vì trong phòng bà ấy có lò sưởi ga.
– Vâng, không hiểu tại sao chị ấy không dùng nó.
– Đúng là kỳ lạ, phải không?
– Tất cả mọi thứ đều không có vẻ tự nhiên. Tôi vẫn chưa thề nào nghĩ rằng chị ấy tự tử, thế mà là tự tử thực ư?
– Có một khả năng khác.
– Ông nói gì?
Poirot nhìn thẳng vào cô gái:
– Có thể là bà ấy… bị ám sát.
– Ô, không! (Jane Plenđerleith giật mình lùi lại vì kinh sợ). Không! Không thể!
– Kinh hãi thật, nhưng cô cho là có thể không?
– Nhưng, cửa ra vào, cửa sổ đều đóng từ bên trong.
– Cửa ra vào khóa thật, nhưng không thấy chìa khoá, vậy có thể nó được khóa từ bên ngoài cũng được, bên trong cũng được.
– Nếu không thấy chìa khoá… thì đúng là khóa từ bên ngoài rồi, nếu không chìa khóa phải ở đâu đó trong phòng…
– Rất có thể nó còn đó, vì ta chưa lục soát kỹ. Chìa khóa cũng có thể bị vứt qua cửa sổ và có người nhặt lên.
– Ám sát! – Jane Plenđerleith lầm bầm, khuôn mặt thông minh thể hiện những ý nghĩ đang tiến triển – Có lẽ ông nói đúng.
– Nhưng nếu là giết người, phải có động cơ. Liệu cô có biết động cơ nào không?
Jane thong thả lắc đầu, mặc dù vậy, một lần nữa, Poirot có cảm giác cô này cố tính giấu giếm điều gì.
Cửa mở, Japp đi vào. Poirot đứng dậy:
– Tôi đã gợi ý với cô Plenderleith rằng bà Allen chết không do tự tử.
Japp hơi ngỡ ngàng, nghiêm khắc nhìn Poirot:
– Không nên vội có ý kiến dứt khoát. Phải xem tất cả các giả thuyết.
Nói rồi, ông lại gần cô gái:
– Cô đã nhìn thấy vật này chưa? – ông chìa bàn tay trong đó có một vật nhỏ hình bầu dục bằng men xanh.
Jane lắc đầu:
– Không, chưa nhìn thấy bao giờ.
– Không phải của cô hay của bà Allen?
– Không, thứ này phụ nữ không dùng.
– À, vậy cô biết nó là cái gì?
– Rõ quá. Đó là một nửa của cái khuy cài cổ tay áo đàn ông.