Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng

SLOVENIA, NGON QUÊN ĐƯỜNG VỀ



Một set menu hải sản được dọn lên bàn ăn hướng ra Địa Trung Hải xanh thẳm lấp loáng nắng trưa, trong những cơn gió lồng lộng thổi từ biển – Piran, Slovenia.
Có tiếng gõ cửa phòng, tôi choàng dậy thấy trời đã sáng rỡ, nhìn mấy con chim đậu ngoài cửa hót vui vui. “Loạng choạng” ra mở cửa, tôi thấy chị chủ khách sạn bưng lên một đĩa bánh nhìn đã thấy thèm. Chị có vẻ áy náy khi thấy tôi mắt nhắm mắt mở, nhưng tôi xua tay “Ồ không, giờ này dậy là trễ quá rồi”, rồi đón lấy đĩa bánh. “Chị tử tế quá, cảm ơn chị.”
Tôi tự pha cho mình một ly cà phê rồi ra ban công nhấm nháp bánh. Loại bánh chị đem lên cho tôi là gibanica, bánh truyền thống Slovenia và các nước vùng Balkan, được sắp thành một lớp bột mỏng, loại bột nướng cắn vào giòn như bánh sừng trâu của Pháp, ở giữa kẹp phô mai ngọt mềm mại và hạt poppy giống mè đen li ti. Ban công nơi phòng tôi nhìn xuống thung lũng xanh rờn thích mắt, không khí buổi sáng vùng núi xứ Alps làm người nhẹ tênh. Thật là một ngày khởi đầu có lý cho một kỳ nghỉ đúng nghĩa.
Trước khi đến Sovenia (thuộc Nam Tư cũ), tôi đã có hơn tám tháng không rời khỏi nước Anh ngoại trừ một chuyến đi ngắn ngủi đến miền Bắc xứ Wales. Nhưng xứ Wales cũng tính là Anh vì mọi thứ không khác gì mấy. Vốn hay đi đó đây, tám tháng đủ làm tôi cuồng chân không chịu nổi, vì vậy tôi rất trông đợi những ngày ở đất nước Đông Âu ít người biết đến này. Đất nước nhỏ bé nhưng dường như có tất cả: những dãy núi xứ Alps trùng điệp quanh năm tuyết phủ, có Địa Trung Hải nóng bỏng, có những con sông chảy xiết đầy cá, những cánh đồng nho ngút ngàn và đặc biệt có những món ăn ngon lành nhưng ít ai biết đến.
Đêm đầu tiên ở đây, tôi đã ăn món cá nướng tuyệt ngon trong một nhà hàng nhỏ phong cách Balkan. Khi gọi cá nướng, tôi tưởng sẽ được đem ra một miếng philê cá nhỏ nhưng không ngờ đầu bếp cho nguyên một con cá khổng lồ dài gần hai gang tay lên bếp. Nhà hàng có bếp nướng đặt trực tiếp ở chỗ những nơi khác làm quầy bar, khách có thể nghe thấy tiếng xèo xèo của mỡ cá và mùi thơm dậy lên làm chảy nước miếng. Lớp da cá chín vàng giòn, bên trong thịt trắng muốt và chắc nịch, ăn với khoai tây và món rau spinach địa phương luộc trộn muối hột và dầu ôliu đậm đà, kèm ngụm rượu vang trắng làm đê mê đầu lưỡi.
Nhắc đến rượu vang, có thể nói tôi chưa đến bất cứ nơi đâu rượu rẻ như ở đây. Một ly rượu ở một nhà hàng sang trọng chỉ dưới 1 euro, mà rượu ngon đàng hoàng, khô, ngọt và thanh, không thua kém các loại vang nổi tiếng của Pháp, Ý, Tây Ban Nha… Những cánh đồng nho xanh rờn ở Slovenia cũng là một trong những điểm du lịch, trong đó có luống tuổi đời trên dưới 400 năm, được cho là luống nho già nhất thế giới còn cho trái. Có lần tôi thắc mắc hỏi sao rượu Slovenia ngon vậy nhưng không thấy bán ở những nước khác, mới biết rượu ở đây làm ra chỉ đủ cho dân bản xứ dùng.
Ẩm thực Slovenia chịu ảnh hưởng qua lại từ nhiều nước láng giềng. Những năm dưới sự cai trị của đế quốc Áo – Hung mang lại những món xúc xích và bánh strudel của Áo, món súp goulash và thịt bò hầm của Hungary. Ảnh hưởng của Đức có thể thấy qua việc bắp cải và khoai tây có mặt hầu hết trong những bữa chính. Miền Nam giáp với Ý nên cũng du nhập nhiều món Ý như cơm risotto, mì sợi và không thể không nhắc đến pizza.
Tôi đã đi Ý hai lần, ăn nhiều pizza chính hiệu Ý nhưng món pizza ngon nhất thế giới tôi từng được ăn lại ở Slovenia, tại một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường đi xuống từ lâu đài Bled. Đó là một buổi chiều mưa bất chợt, tôi đang tham quan lâu đài trên cao nhìn xuống hồ thì mưa bắt đầu lắc rắc, làm tôi phải chạy hụt hơi xuống mấy trăm bậc thang vì sợ mưa lớn bị kẹt lại ởì khổ. Xuống đến hồ ngồi vào chỗ có mái che nhìn mưa dầm, cảnh hồ nên thơ, có bầy thiên nga xinh đẹp nhưng nhìn hoài cũng chán, tôi đội mưa đi lòng vòng kiếm chỗ ăn.
Đi bộ một lúc, tôi thấy quán pizza có ban công mái che thắp đèn ấm áp, chỗ ngồi nhìn ra tháp nhà thờ và những căn nhà gỗ xinh đẹp treo những giỏ hoa tươi nước nhỏ long tong. Tôi hơ tay trên nến đặt giữa bàn, gọi một pizza cỡ nhỏ nhưng lại được mang ra một chiếc to như chiếc mâm. Lớp bột bên dưới và rìa bánh giòn rụm nhưng bên trong lại dẻo mềm nhờ lớp phômai vàng nhạt lẫn với cà chua đỏ óng ánh, bề mặt đầy hải sản mực, cá, tôm, cua, sò, vẹm, đúng nghĩa “ngon quên trời đất”. Mưa sụt sùi ngoài kia vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp biết bao! Đang ăn, một khách bước vào nhìn tôi kêu lên “Trời, gặp bạn ở đây!”, tôi nhận ra cô gái người Ailen ngồi cùng chuyến xe buýt từ sân bay thủ đô Ljubljana đến Bled. Cô mở cuốn sách du lịch trên tay, hỏi “Bạn cũng biết nhà hàng này qua sách?” tôi lắc đầu: “Không, tôi tình cờ khám phá ra. Số tôi luôn gặp xui với thời tiết nhưng hay gặp hên chuyện ăn uống”.
Sau năm ngày, tôi luyến tiếc chia tay thành phố Bled non xanh nước biếc. Dĩ nhiên trước khi đi không quên ăn bằng được món bánh kem (Kremna rezima) nổi tiếng, được sáng chế tại đây sau Thế chiến thứ hai. Người Slovenia ở vùng khác vẫn thường lặn lội đến tận Bled để ăn những ăn món này. Tôi chọn quán bánh ngọt Smon có logo hình con gấu liếm kem, chỉ cần nhìn lượng khách dài ngoằng xếp hàng ra tận cửa là thấy yên tâm.
Có lẽ quán có tới hàng trăm loại bánh và kem khác nhau, xếp lớn trong tủ kính, ai hảo ngọt vào đây chắc không thể kềm lòng được. Tôi gọi món “quốc hồn” ở đây rồi ngồi trong cái nắng xứ Alps cũng ngọt như bánh, ngắm nghía mãi không dám ăn vì sợ hết. Bánh thoảng mùi vani, được sắp thành nhiều lớp, dưới cùng là lớp bột giòn mỏng, đến một lớp dày sữa trứng dẻo giống món tráng miệng custard của Anh, rồi một lớp kem dày mềm mịn màng, loại kem tươi phết trên bánh sinh nhật, trên nữa là mấy lớp bột giòn, trên cùng rắc đường trắng li ti trên tuyết.
Như đã nhắc tới ở trên, Slovenia tuy nhỏ bé nhưng có vị trí địa lý khiến nhiều nước châu Âu lớn phải lấy làm ghen tị. Vì chỉ gần hai giờ đồng hồ trên xe, tôi đã rời xứ Alps núi non chập chùng để đến với Địa Trung Hải ngập nắng và gió, mang theo mùi muối biển mặn. Phố cổ Piran đẹp như tranh với bờ biển chan hòa nắng, có những con thuyền trắng giương buồm, những ngôi nhà xưa ở quảng trường mong phong cách Venice, những quán ăn dưới giàn nho chín mọng đầy khách ăn uống nói chuyện rôm rả. Ở đây, tôi như sống trên thiên đường vì món. Hôm đầu tiên, súp nấu với vẹm xanh lẫn những sớ cá nạc thơm ngon mặn mà như tô bánh canh cá dầm miền Trung Việt Nam, cà rốt xắt mỏng, bên dưới là những hạt gạo mềm nở bung, ăn kèm bánh mì nhỏ bằng bàn tay phết bơ và dĩ nhiên, rượu vang.
Món súp cá ngày hôm sau khác hẳn, nấu với rất nhiều cà chua nghiền đỏ tươi kèm rau thơm nhuyễn. Tôm lột vỏ đỏ hồng lặn bên dưới chung với cá trắng phau, ăn với bánh mì nướng xắt khoanh chấm dầu ôliu. Mỗi loại súp ngon mỗi kiểu, ngọt lừ vì nấu bằng hải sản tươi. Súp cá ngày thứ hai này là món khai vị cho một set menu buổi trưa giá chỉ 14 euro của một nhà hàng hạng sang bên biển. Trong khi đó, thực đơn này ở những nhà hàng sang trọng thuộc thành phố khác của châu Âu sẽ có giá gấp ba, gấp bốn lần, vì ngoài súp cá còn có món chính philê cá nướng than vàng óng, ăn kèm một tô rau trộn khổng lồ đầy dưa leo, cà chua, xà lách, bắp ngọt và hành tây, cuối buổi lại tráng miệng bằng ly cocktail trái cây xắt hạt lựu chua chua ngọt ngọt. Bàn tôi ngồi hướng ngay ra Địa Trung Hải xanh thẳm lấp loáng nắng trưa, trong những cơn gió lồng lộng thổi từ biển thật thích. Về lại Anh, mỗi lần tôi khoe bữa ăn này bụng ai cũng sôi lên sùng sục.
Ở Slovenia, tôi thích thú nhận ra ngay cả ở những thành phố du lịch vẫn không thấy bóng dáng quán ăn nhanh hay các chuỗi cà phê toàn cầu. Đất nước Đông Âu này vẫn tự hào là một trong những nơi khởi nguồn “ăn chậm”, với những buổi họp mặt bạn bè, những bữa ăn ở các nông trang hoặc các nhà hàng theo trào lưu này. Mỗi bữa từ tám món trở lên, tất cả đều được nấu theo kiểu cổ, được mang ra lần lượt và mỗi món được dùng với mỗi loại rượu khác nhau. Bữa “ăn chậm” cũng là dịp trò chuyện trong không gian ấm áp thư giãn, để vào tuần lễ mới tiếp tục với công việc bận rộn.
Nhưng tôi không tham gia vào bữa “ăn chậm” nào, một phần vì mỗi bữa cơm tám món chắc sẽ lên cân vùn vụt, một phần vì chỉ một tuần ăn uống bình thường ở Slovenia thôi đã ngon quên đường về.
London, 1-2010


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.