Vợ Fabien gọi dây nói tới.
Đêm mỗi chuyến chồng bay về, chị đều tính toán bước đi của tàu thư Patagonie: “Anh cất cánh ở trạm Trelew…” Rồi chị ngủ tiếp. Lát sau: “Anh phải đang tới gần San Antonio, lúc này anh phải nhìn thấy đèn sáng ở đó…” Khi ấy chị vùng dậy, mở rộng các rèm cửa và xem xét ước định bầu trời: “Những đám mây kia làm anh vướng cẳng…” Đôi khi mặt trăng lang than như một gã chăn cừu. Khi ấy người thiếu phụ lại lên giương nằm, yên lòng vì trăng và sao kia, vì ngàn vạn hiện diện đó quanh chồng chị. Quãng một giờ sáng, chị cảm thấy chồng đã gần gụi lắm rồi: “Anh ấy chẳng còn xao bao nhiêu, anh phải trông thấy Buenos – Aires rồi…” Khi ấy chị lại vùng dậy lần nữa và sắp sẵn cho chồng một bữa ăn, một bình cà phê thật nóng: “Trên cao kia lạnh lắm…” Bao giờ cũng thế, chị đón anh như thể anh vừa từ đỉnh cao tuyest phủ bước xuống: “Anh không lạnh ư? – Ồ không! – Anh cũng cứ sưởi cho ấm…” Đến một giờ mười lăm, mọi thứ đã sẵn sàng. Khi ấy chị gọi dây nói.
Đêm nay cũng như mọi đêm, chị hỏi tin:
– Fabien đã hạ cánh chưa?
Người nhân viên nghe hỏi hơi bối rối:
– Ai nói đó?
– Simone Fabien.
– À! Xin chờ một lát.
Người nhân viên chẳng dám nói gì, chuyển ống nghe cho trưởng phòng.
– Ai đó?
– Simone Fabien.
– A! … Thưa bà, có việc gì a.?
– Nhà tôi đã hạ cánh chưa?
Im lặng, cái im lặng hình như khó diễn giải nổi, rồi là câu trả lời gọn lỏn:
– Chưa.
– Anh ấy về muộn?
– Vâng…
Lại im lặng.
– Vâng… muộn.
– Á!…
Đó là một tiếng “Á” của da thịt bị thương. Một sự chậm trễ, không sao… chẳng hề gì… nhưng khi chậm trễ kéo dài…
– Á!… Vậy đến mấy giờ anh ấy sẽ về đến đây?
– Mấy giờ anh ấy sẽ về đến đây? Chúng tôi… chúng tôi không biết.
Lúc này chị đụng đầu vào một bức tường. Chị chỉ nhận được tiếng vang của chính những câu của chị hỏi.
– Phiền ông hãy trả lời cho! Anh ấy đang ở đâu?…
– Anh ấy đang ở đâu? Khoan đã…
Cái vẻ ì ạch đó làm chị phát ốm. Đằng sau bức tường kia hẳn đang diễn ra chuyện gì.
Người ta quyết định phải nói ra:
– Anh ấu cất cánh từ Commodoro lúc mười chín giờ ba mươi.
– Rồi sau đó?
– Sau đó?… Rất chậm trễ… Rất chậm trễ vì thời tiết xấu.
– A! Thời tiết xấu.
Bất công biết bao, xảo quyệt biết bao trong mảnh trăng kia đang nhàn nhã tuôn trải ánh sáng lên Buenos – Aires! Người thiếu phụ chợt nhớ ra rằng từ Commodoro bay đến Trelew mất không đầy hai tiếng.
– Vậy mà đã sáu tiến rồi anh ấy bay về Trelew. Nhưng phải có tin của anh ấy gửi các ông! Anh ấy nói gì?…
– Anh ấy nói gì với chúng tôi? Dĩ nhiên, với tiết trời thế này… chắc bà cũng biết… không nghe được tin điện.
– Tiết trời thế này!
– Vâng, thưa bà, xin quy ước là chúng tôi sẽ gọi dây nói cho bà ngay khi chúng tôi được chút tin tức gì.
– A! Các ông không biết tí gì…
– Xin chào bà…
– Không! Không! Tôi muốn nói với ông giám đốc!
– Ông giám đốc đang bận lắm, thưa bà, ông đang họp…
– A! Mặc kệ! Ông ấy làm gì mặc kệ! Tôi muốn nói với ông ấy1
Ông trưởng phòng lau mồ hôi.
– Xin bà chờ một lát…
Ông đẩy cửa phòng Rivière.
– Bà Fabien muốn nói chuyện với ông.
“Hừ, Rivière nghĩ bụng, đây chính là điều ta e ngại”. Các yếu tố xúc cảm của tấn kịch bắt đầu lộ mặt. Mới đầu ông nghĩ đến việc khước từ chúng: các bà mẹ, các bà vợ không được vào phòng giải phẫu. Người ta cũng dẹp mọi xúc cảm khi các tàu thủy gặp nguy. Những xúc cảm ấy không có ích gì cho việc cứu người. Tuy thế ông vẫn nhận lời:
– Nối máy sang phòng tôi.
Ông lắng nghe cái tiếng nói nhỏ nhoi xa xăm run rẩy kia, và lập tức ông hiểu rằng ông không thể nào trả lời. Hai người phải đối mặt nhau thật chẳng có ích gì, cực kỳ vô tác dụng cho cả hai.
– Thưa bà, xin bà bình tĩnh! Trong nghề chúng tôi phải đợi tin lâu là chuyện thường.
Ông đã bước tới cái ranh giới ở đó vấn đề đặt ra không phải là một nỗi đau khổ nhỏ bé riêng biệt, mà là bản thân vấn đề hành động. Sừng sững trước mặt Rivière không phải là vợ Fabien mà là một ý nghĩ khác của cuộc sống. Rivière chỉ có thể lắng nghe, chỉ có thể thương hại cái tiếng nói nhỏ nhoi kia, cái tiếng ca cực kỳ buồn thảm nhưng thù địch kia. Bởi vì hành động, cũng như hạnh phúc riêng tư, đều không chấp nhận sự chia sẻ: chúng xung đột nhau. Bản thân người đàn bà kia cũng lên tiếng nhân dan một thế giới tuyệt đối, nhân danh những nghĩa vụ và quyền hạn của mình? Cái thế giới một ánh đèn đặt lên bàn khi chiều xuống, của một thịt da đòi hỏi thịt da, của một xứ sở những hy vọng, những âm êm, những kỷ niệm. Người đàn bà ấy đòi tài sản của mình và như thế là có lý. Và cả Rivière nữa, cũng có cái lý của mình nhưng ông chẳng có gì đối lập nổi với cái chân lý của người đàn bà kia. Ông đã nhìn ra cái chân lý của riêng mình dưới ánh sáng một ngọn đèn mọn mằn trong nhà, cái chân lsy không biểu đạt nổi và không có bộ mặt người.
– Thưa bà…
Chị ta chẳng nghe nữa. Ông cảm thấy chị ta ngã xuống gần như dưới chân ông sau khi đã dùng hai nắm đấm yếu ớt đập đến kiệt lực vào bức tường.
Một bận, một kỹ sư nói với Rivière khi hai người cúi xuống một người bị thương gần chiếc cầu đang xây: “Cái cầu kia liệu có đáng giá một gương mặt bị đè nát?” Không một ai trong đám dân quê ấy sẽ được đi con đường mới mở này, lại chấp nhận giày nát cái khuôn mặt khủng khiếp kia để tránh đi vòng qua một cây cầu khác. Mặc dù vậy người ta vẫn cứ xây những cây cầu. Người kỹ sư đã nói thêm: “Quyền lợi chu do các quyền lợi riêng hợp thành: nó không biện bạch thêm cho một tí gì khác.” – “Mặc dù vậy, sau này Rivière đã đáp lời anh ta, nếu kiếp người là vô giá, chúng ta vẫn cứ hành động tựa hồ như còn một cái gì khác cao giá hơn kiếp người”… Nhưng đó là cái gì chứ nhỉ?
Và mơ màng nghĩ đến tổ bay, Rivière thấy tim mình thắt lại. Hành động phá vỡ cái hạnh phúc ngay cả khi đó là hành động xây cầu, Rivière không tài nào không tự nêu câu hỏi: “Nhân danh cái gì?”
“Những con người kia, ông nghĩ bụng, họ có thể sắp bỏ mạng, lẽ ra họ có thể được sống hạnh phúc”. Ông nhìn rõ những gương mặt ngả vào nhau trong thánh đường vàng son các ngọn đèn chiếu xuống. “Nhân danh cái gì ta lôi họ ra khỏi đó?” Nhân danh cái gì ông giằng họ ra khỏi hạnh phúc cá nhân? Định luật hàng đâu chẳng phải là bảo vệ những hạnh phúc đó? Nhưng chính ông đã phá tan chúng. Và mặc dầu vậy, một ngày nào đó, như là định mệnh, các giáo đường vàng son kia sẽ tan vỡ như những ảo ảnh. Tuổi già và cái chết hủy hoại chúng, còn tàn nhẫn hơn bản thân ông. Có lẽ còn có cái gì khác nữa, bền dai hơn nhiều, để mà cứu vãn, phải chăng Rivière hành động để cứu vãn cái phần đó của con người? Nếu không, hành động sẽ không được biện minh.
“Yêu thương, chỉ yêu thương thôi, thật là lối cụt!” Rivière cảm thấy một cách mơ hồ về một nghĩa vị còn cao cả hơn nghĩa vụ yêu thương. Hoặc giả đóc cũng là một tình cảm dịu mềm nhưng khác biết bao so với những tình âu yếm khác. Ông chợt nhớ một câu nói: “Vấn đề là làm cho những người kia trở thành bất tử…” Ông đã đọc ở đâu điều đó? “Cái mà các người đeo đuổi bên trong mình rồi sẽ chết”. Ông nhớ lại một đền thờ thần mặt trời củ người Inca cổ xưa xứ Perou. Những tảng đá thẳng đứng trên núi. Nếu thiếu chúng, liệu còn lại cái gì của một nền văn minh cường thịng đè nặng sức của đá lên con người ngày nay như một sự ăn năn? “Nhân danh cái khắc nghiệt gì, hoặc nhân danh cái tình yêu kỳ lạ nào, kẻ chăn dân xưa kia đã ép buộc đám con dân kéo cả ngôi đền kia lên núi và áp đặt họ dựng nên hình ảnh muôn đời của họ?” Rivière lại mơ màng nghĩ đến những đám đông ở những thành phố bé nhỏ chiều chiều quẩn quanh bên quán nghe nhạc. “Cái thứ hạnh phúc ấy, cái thứ bộ đồ thắng ngựa ấy…”, ông nghĩ. Người chăn dân kia, nếu như không có chút tình thương trước khổ đau con người, nhưng hẳn đã có tình thương mênh mông trước cái chết của con người, mà thương hại cả chủng loại sẽ bị biển cát xóa sạch. Và con người ấy ít ra đã dẫn dắt dân tộc họ dựng lên những tảng đá để hoang mạc cũng không vùi lấp được.