Trạm Commodoro Rivadavia không còn nghe thấy gì nữa, nhưng ở cách đó một nghìn kilomet, hai mươi phút sau, trạm Bahia Blanca nhận được một bức điện thứ hai:
“Chúng tôi hạ cánh. Chúng tôi vào trong mây…”
Sau đó là mấy tiếng của một văn bản khó hiểu hiện ra ở trạm vô tuyến điện Trelew:
“… không trông thấy gì…”
Sóng ngắn là như vậy đó. Ở đằng ấy thì nhận được chúng, còn ở đây như tai điếc. Sau đó, chẳng ai biết vị trí ở đâu, tất cả thay đổi. Tổ bay kia, chẳng ai biết vị trí ở đâu, đã nhaajnra cho những người đang sóng, ngoài không gian, và trên những tờ giấy trắng của các trạm vô tuyến điện, đó đã là những bóng ma đang viết.
Xăng đã hết, hoặc người phi công đã đặt con bài cuối cùng vì hỏng hóc: hạ xuống đất êm ả?
Tiếng nói từ Buenos – Aires ra lệnh cho Trelew:
“Hỏi nó cái đó”.
Trạm nhận vô tuyến điện giống như một phòng thí nghiệm: đầy những kền, những đồng và máy ghi áp lực, hệ thống các đường dẫn. Các thợ máy trực mặc bờ lu trắng, lặng lẽ, dường như đang lom khom theo dõi chỉ một thực nghiệm.
Bằng những ngón tay tinh tế, họ dùng vào các công cụ, họ thăm dò bầu trời từ tính như những người lần mò các nguồn suối đương tìm mạch vàng.
– Họ không trả lời?
– Họ không trả lời.
Có thể họ sắp nhận được cái tín hiệu không biết chừng sẽ là tín hiệu sống. Nếu chiếc máy bay và các đèn hiệu trở lên được tới các vì sao, chắc là họ có thể nghe thấy ngôi sao kia ca hát.
Thời khắc vần trôi. Trời thật sự như máu chảy. Liệu chuyến tàu còn tiếp tục bay không? Mỗi giây đồng hồ lại cướp đi một cơ may. Và thời gian đang trôi kia dường như đang hủy hoại. Như thể ròng rã hai mươi thế kỷ thời gian đụng chạm tới ngôi đền, thời gian lần đường đi trong đá hoa cương và làm tan rã ngôi đền thành cát bụi, thì đây hàng thế kỷ ăn mòn tích tụ lại trong mỗi giây đồng hồ và đe dọa một tổ bay.
Mỗi giây đồng hồ cướp đi theo một chút gì.
Tiếng nói ấy của Fabien, tiếng cười kia của Fabien, nụ cười mỉm ấy. Im lặng bao chùm sân bay. Một thứ im lặng mỗi lúc một nặng nề như sức nặng một biển cả trùm lên tổ bay kia.
Chợt ai đó nhận xét:
– Một giờ bốn mươi. Giới hạn cuối cùng của ét xăng: không thể nào họ lại còn đang bay được.
Và thế là hoàn toàn im lặng.
Có cái vị gì chua chát và nhạt nhẽo dâng lên cửa miệng như những khi kết thúc chuyến đi xa. Có cái gì đã hoàn tất mà chẳng ai hay biết gì hết, có cái gì ghê tởm. Và mặc dù ở đây bóng lộn những kền và những mạch máu bằng đồng, vẫn thấy nỗi buồn ngự trị những công xưởng phá sản. Toàn bộ những vật tư kia sao mà nặng nề, vô dụng, đã đổi chức năng một đống nặng những cành khô.
Chỉ còn việc đợi trời sáng.
Vài giờ nữa cả xứ Argentina sẽ ngoi lên ánh sáng ngày, và mấy người kia vẫn ở đó như trên một bãi biển trước một tấm lưới đang được kéo, kéo từ từ, và chẳng ai hiểu trong lưới có gì.
Ở trong văn phòng, Rivière nhận thấy cái trạng thái nghỉ ngơi chỉ xảy ra trong những tai họa lớn, khi định mệnh giải thoát con người, Ông đã cho báo động cảnh sát cả một tỉnh. Ông không còn làm gì nổi nữa, phải chờ thôi.
Thế nhưng ngay cả trong nhà có tang cũng phải ngăn nắp trật tự. Rivière ra hiệu cho Robineau:
– Gửi điện cho các trạm dừng phía Bắc: “Chúng tôi dự kiến tàu thư Patagonie chậm khá lâu. Để tàu thư châu Âu không chậm lại nhiều quá, chúng tôi ghép tàu thư Patagonie với tàu thư châu Âu chuyến sau”.
Người đàn ông hơi gập người về phía trước. Nhưng rồi ông cố sức gượng và chợt nhớ điều gì đó nghiêm trọng. À, phải rồi! Và để khỏi quên mất:
– Ông Robineau.
– Thưa ông Rivière?
– Ông thảo ngay một công văn. Cấm các phi công cho máy chạy qua một nghìn chín trăm vòng phút: họ đang tàn sát các động cơ của ta.
– Rõ, thưa ông Rivière.
Rivière cúi gập người xuống thêm chút nữa. Ông đang có nhu cầu cao hơn tất cả, nhu cầu được yên tĩnh một mình.
– Được rồi, Robineau. Được rồi, anh bạn…
Và Robineau thấy hoảng sợ vì vẻ bình đẳng đó trước những bóng đêm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.