Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú
Chương 1: GẶP GỠ TRIỆU PHÚ NHÀ BÊN
Mấy người này không thể là triệu phú được!
Nhìn chẳng giống triệu phú chút nào: quần áo không giống triệu phú, ăn uống và cư xử cũng chẳng giống triệu phú, thậm chí tên tuổi cũng không phải triệu phú.
Vậy những triệu phú “ra dáng triệu phú” đâu cả rồi?
Người đã nói những điều trên là Phó Chủ tịch một quỹ tín thác. Những nhận xét này được đưa ra sau một buổi phỏng vấn và dùng bữa tối với một nhóm mười triệu phú “thế hệ thứ nhất” mà chúng tôi mời đến tham gia.
Và quan điểm này nhận được hầu hết sự đồng tình từ phía những người không giàu có, vốn bị ám ảnh bởi suy nghĩ cứ là triệu phú thì phải sở hữu quần áo thời trang, đồng hồ đắt tiền và những sản phẩm xa xỉ khác.
Thật ra số tiền mà anh bạn Phó Chủ tịch này đổ vào quần áo nhiều hơn hẳn bất kỳ một triệu phú Mỹ điển hình nào, cụ thể là:
– Anh ta đeo chiếc đồng hồ 5.000 đô-la, trong khi đa số các triệu phú không bao giờ tiêu quá 1/10 của 5.000 đô-la cho một cái đồng hồ đeo tay cả.
– Anh ta lái một chiếc xe nhập khẩu đời mới sang trọng, trong khi hầu hết các triệu phú thường sử dụng các kiểu xe cũ. Chỉ rất ít triệu phú dùng xe nhập khẩu. Số triệu phú đi xe nhập khẩu loại sang lại càng ít hơn.
– Anh ta thuê xe, trong khi số triệu phú từng thuê xe để đi lại không nhiều.
Nhưng cứ thử hỏi một người Mỹ trưởng thành xem ai ra dáng triệu phú hơn: anh bạn Phó Chủ tịch hay một trong số những người đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi? Chúng tôi cược rằng đa số mọi người sẽ chọn anh bạn kia. Vẻ bề ngoài hoàn toàn có thể đánh lừa người ta.
Có lẽ khái niệm này được diễn đạt chính xác nhất bởi những người giàu có và từng trải ở Texas. Họ gọi kiểu người như anh bạn Phó Chủ tịch quỹ tín thác của chúng tôi là “Mũ to, mà bò chẳng có”.
Lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy câu thành ngữ này là từ một người đàn ông Texas. Anh ta sở hữu một cơ sở làm ăn rất phát đạt chuyên tái chế các loại động cơ chạy đầu diesel cỡ lớn. Chiếc xe anh ta dùng đã mười năm tuổi, trang phục của anh ta thường là quần jeans và áo cao bồi may từ da hoẵng. Anh sống trong một ngôi nhà giản dị ở khu dân cư có mức sống dưới trung bình. Hàng xóm của anh chỉ toàn là nhân viên bưu điện, lính cứu hỏa và thợ sửa máy.
Sau khi đã chứng minh sự thành công của mình về mặt tài chính bằng những con số thực tế, người đàn ông Texas bảo chúng tôi:
Công ty của tôi không có vẻ gì hào nhoáng. Tôi không chơi đùa, cũng chẳng diễn kịch. Khi mới gặp tôi, các đối tác người Anh nghĩ tôi là tài xế xe tải của công ty. Họ nhìn khắp lượt văn phòng, nhìn tất cả mọi người, trừ tôi. Thế rồi ông trưởng đoàn thốt lên: “Ôi, chúng tôi quên mất mình đang ở Texas!”. Mũ của tôi không to, nhưng bò thì tôi có hàng đàn.
CHÂN DUNG MỘT TRIỆU PHÚ
Do chúng ta không thể biết chắc rằng người triệu phú điển hình của mình là nam hay nữ, nên trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng tôi tạm gọi người triệu phú điển hình là “ông ấy”, “anh ấy”.
Vậy một triệu phú Hoa Kỳ điển hình có những đặc điểm gì? Anh ta sẽ miêu tả bản thân mình như thế nào?
Tôi 57 tuổi, đã kết hôn và có 3 con. Khoảng 70% những người như tôi đóng góp hơn 80% thu nhập của gia đình.
Trung bình cứ 5 người thì có 1 người đã nghỉ hưu. Và khoảng 2/3 số người như tôi hoạt động tự doanh. Thú vị chứ, số người hoạt động tự doanh chiếm chưa đến 20% tổng số lao động ở Mỹ, nhưng lại chiếm đến 2/3 số triệu phú. Thêm nữa, trong chúng tôi, cứ 4 người làm tư nhân thì có 3 người tự coi mình là doanh nhân. Phần lớn số còn lại làm những nghề nghiệp độc lập như bác sĩ hay kế toán.
Nhiều loại hình kinh doanh mà chúng tôi tham gia có thể được xem là bình thường đến tầm thường. Chúng tôi là những nhà thầu hàn kim loại, người bán đấu giá, chủ trang trại trồng lúa, chủ bãi đậu xe-nhà di động, nhà cung cấp dịch vụ diệt sâu bệnh, người buôn bán tiền xu và tem, nhà thầu gạch lát nền.
Khoảng một nửa trong số những bà vợ của chúng tôi làm việc tại nhà. Nếu có hoạt động bên ngoài, công việc lý tưởng nhất cho họ là giáo viên.
Phần thu nhập chịu thuế hàng năm của gia đình chúng tôi là 131.000 đô-la (tính trung bình), trong khi thu nhập bình quân của chúng tôi là 247.000 đô-la. Lưu ý là những người có thu nhập vào khoảng từ 500.000 đô-la đến 999.999 đôla chiếm (8%) và từ 1 triệu đô-la trở lên (5%) đã kéo con số trung bình 131.000 đô-la kia tăng lên.
Bình quân giá trị tài sản ròng của gia đình chúng tôi là 3,7 triệu đô-la. Tất nhiên, một số người trong chúng tôi tích lũy được nhiều hơn thế. Gần 6% số hộ triệu phú có giá trị tài sản ròng hơn 10 triệu đô-la. Do nhóm thiểu số 6% trên đã đẩy con số trung bình tăng lên nên thống kê lại, một gia đình triệu phú điển hình (thuộc nhóm giữa) có giá trị tài sản ròng vào khoảng 1,6 triệu đô-la.
Tính trung bình, phần tổng thu nhập chịu thuế hàng năm của chúng tôi chiếm chưa đến 7% giá trị tài sản. Nói cách khác, chúng tôi sống nhờ vào chưa đến 7% tài sản của mình.
Hầu hết chúng tôi (khoảng 97%) đều có nhà riêng và giá trị trung bình của những bất động sản này khoảng 320.000 đô-la. Một nửa trong số chúng tôi sống tại một ngôi nhà suốt hơn 20 năm. Nhờ vậy, chúng tôi tận hưởng được phần giá trị gia tăng ngay dưới mái nhà mình.
Hầu hết chúng tôi chưa bao giờ thấy thiệt thòi vì không được hưởng bất kỳ khoản thừa kế nào. Khoảng 80% trong số chúng tôi là những triệu phú “thế hệ thứ nhất”.
Mức sống của chúng tôi thấp hơn nhiều so với khả năng cho phép. Chúng tôi mặc những bộ quần áo không quá đắt và lái những chiếc xe sản xuất trong nước. Chỉ một số ít trong chúng tôi dùng mẫu xe đời mới nhất, và cũng rất ít người từng thuê xe để đi lại.
Hầu hết những người vợ của chúng tôi đều rất chi li trong việc lên kế hoạch và lập ngân sách chi tiêu trong gia đình. Trên thực tế, chỉ có 18% trong số chúng tôi phản đối quan điểm “Hoạt động từ thiện phải bắt đầu từ chính ngôi nhà mình” và đa số chúng tôi đều phải thừa nhận rằng trong chuyện tiền nong, các bà vợ chặt chẽ hơn chúng tôi rất nhiều.
Chúng tôi luôn có một quỹ dự phòng. Nói cách khác, chúng tôi tích lũy đủ của cải để sống yên ổn trong ít nhất 10 năm mà không cần làm việc. Do đó, những người có giá trị tài sản ròng 1,6 triệu đô-la có thể sống thoải mái trong hơn 20 năm. Sự thật là chúng tôi có thể sống được lâu hơn thế vì chúng tôi tiết kiệm được ít nhất 15% thu nhập.
Chúng tôi giàu gấp 6,5 lần những hàng xóm không phải triệu phú, nhưng trong khu phố này, họ lại đông hơn chúng tôi ít nhất 3 lần. Phải chăng họ chọn cách đánh đổi sự giàu có để nắm giữ quyền sở hữu những thứ đồ dùng cao cấp và xa xỉ?
Nhìn chung, học vấn của chúng tôi tương đối cao. Chỉ khoảng 1/5 không tốt nghiệp đại học. Nhiều người có bằng cấp cao. 8% có bằng về luật, 6% có bằng về y khoa, 18% có bằng Thạc sĩ và 6% có bằng Tiến sĩ. Chúng tôi tin rằng học vấn rất quan trọng đối với bản thân cũng như con cháu, vì thế chúng tôi không tiếc tiền bạc cho việc học hành.
Khoảng 2/3 trong số chúng tôi làm việc từ 45 đến 55 tiếng mỗi tuần.
Chúng tôi là những nhà đầu tư khó tính. Trung bình, mỗi năm chúng tôi dành gần 20% thu nhập thực có của gia đình để đầu tư. Đa số dành ít nhất 15%. 79% có ít nhất một tài khoản tại một công ty môi giới, tuy nhiên chúng tôi tự mình đưa ra các quyết định đầu tư.
Gần 20% tài sản của gia đình chúng tôi nằm dưới dạng các chứng khoán giao dịch như cổ phiếu niêm yết công khai và các quỹ tương hỗ. Thế nhưng chúng tôi hiếm khi bán đi cổ phần của mình. Thậm chí, chúng tôi còn đầu tư nhiều hơn vào đó để dự trù kế hoạch lương hưu. Trung bình, 21% tài sản của gia đình chúng tôi nằm ở các hoạt động kinh doanh tư nhân.
Nhìn chung, chúng tôi cảm thấy con gái thường bị hạn chế về khả năng tài chính hơn con trai. Ngay cả trong cùng một phạm vi nghề nghiệp thì đàn ông vẫn có khuynh hướng kiếm nhiều tiền hơn phụ nữ. Chính vì thế, chúng tôi không ngại san sẻ tài sản cho các con gái. Còn đám con trai, và đàn ông nói chung, luôn có rất nhiều cách để kiếm tiền. Chúng không nên trông cậy vào những khoản trợ cấp từ cha mẹ.
Vậy nghề nghiệp lý tưởng cho con cái chúng tôi là gì? Con cái chúng tôi nên cân nhắc đến hoạt động cung cấp dịch vụ có giá trị cao cho giới nhà giàu. Nói chung, về vấn đề tài chính thì người cố vấn được chúng tôi tin cậy nhất chính là kế toán của mình. Luật sư cũng hết sức quan trọng. Vậy nên, chúng tôi khuyên con cái nên chọn lĩnh vực kế toán và luật.
Tôi là một kẻ hà tiện. Còn lý do nào nữa để tôi phải dành ra cả hai ba tiếng đồng hồ bị mấy tác giả này phỏng vấn đời tư nhỉ? Họ trả cho tôi 100 đô-la, 200 đô-la, 250 đô-la. Ồ, và họ còn đưa ra một lời đề nghị khác – ấy là quyên góp số tiền mà tôi được trả ấy vào quỹ từ thiện ưa thích của tôi, trên danh nghĩa của tôi. Nhưng tôi đã bảo họ rằng: “Tôi thích làm từ thiện cho chính mình đây này”.
ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM “GIÀU CÓ”
Hãy yêu cầu một người Mỹ bất kỳ giải thích từ giàu có. Hầu hết sẽ đưa ra định nghĩa mà ai cũng thấy trong từ điển, tức là những người dư dả về vật chất.
Chúng tôi lại định nghĩa theo cách khác. Chúng tôi không định nghĩa sự giàu có từ khía cạnh sở hữu vật chất thông thường. Nhiều người thể hiện một lối sống xa hoa kỳ thực nắm giữ rất ít hoặc chẳng hề nắm giữ bất cứ khoản đầu tư, tài sản có giá trị gia tăng, tài sản tạo thu nhập, cổ phiếu phổ thông, trái phiếu, công ty tư nhân, quyền khai thác đầu mỏ/ khí đốt hay đất lâm nghiệp nào. Ngược lại, những người giàu có theo đúng định nghĩa của chúng tôi lại vô cùng hài lòng vì nắm trong tay một lượng lớn tài sản có giá trị gia tăng thực.
Danh nghĩa của sự giàu có
Một cách để chúng tôi xác định ai đó giàu có hay không là dựa vào giá trị tài sản ròng – những thứ còn lại chứ không phải những thứ mất đi. Trong hầu hết các trường hợp (trừ một số trường hợp tài chính đặc thù), giá trị tài sản ròng mà một người sở hữu được xác định bằng cách lấy tổng giá trị tài sản hiện tại trừ đi các khoản phải trả. Trong cuốn sách này, chúng tôi xác định một người được xem là giàu khi tài sản ròng của họ có giá trị từ 1 triệu đô-la trở lên. Theo đó, cứ mỗi 100 triệu hộ gia đình Mỹ thì chỉ có 3,5 triệu hộ được xem là giàu có, chiếm tỷ lệ 3,5%. Và chừng 95% số triệu phú Mỹ có giá trị tài sản ròng nằm trong khoảng từ 1 triệu đến 10 triệu đô-la. Phần lớn nội dung thảo luận của cuốn sách này sẽ tập trung vào nhóm người này.
Tại sao lại tập trung vào họ?
Vì khối lượng tài sản như vậy hoàn toàn có khả năng dành dụm được trong một thế hệ. Và nhiều người có thể làm được điều đó.
Tích lũy bao nhiêu là vừa?
Một cách khác để xác định sự giàu có của một người, một hộ gia đình là dựa vào mức giá trị tài sản ròng kỳ vọng. Thu nhập và độ tuổi là hai yếu tố then chốt quyết định giá trị tài sản nên có của một cá thể. Nói cách khác, thu nhập của bạn càng cao thì giá trị tài sản ròng kỳ vọng của bạn càng lớn (giả sử bạn đang làm việc và chưa về hưu). Tương tự, thời gian bạn còn tạo ra thu nhập càng dài bao nhiêu thì khả năng tích lũy tài sản của bạn sẽ càng cao bấy nhiêu. Như vậy, những người có thu nhập cao thì có khả năng đến khi lớn tuổi sẽ tích lũy được nhiều của cải hơn những người trẻ có thu nhập thấp hơn.
Từ đó suy ra, không nhất thiết phải có thu nhập hàng triệu đô-la mỗi năm thì bạn mới là người giàu. Chẳng hạn thông thường, giá trị tài sản kỳ vọng tương ứng dành cho phần lớn người Mỹ ở độ tuổi từ 25 đến 65 có thu nhập thực hàng năm là từ 50.000 đô-la trở lên. Như vậy, người sở hữu khối tài sản có giá trị cao hơn mức trên là đã có thể được xem là giàu có so với những người khác trong cùng nhóm thu nhập hay độ tuổi.
Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Làm sao một người có thể được xem là giàu có nếu, ví dụ, giá trị tài sản của anh ta chỉ là 460.000 đôla? Kiểu gì thì anh ta cũng không phải là triệu phú.
Ví dụ, Charles Bobbins là một lính cứu hỏa 41 tuổi còn vợ anh là thư ký. Tổng thu nhập hàng năm của hai vợ chồng là 55.000 đô-la. Theo nghiên cứu của chúng tôi, giá trị tài sản tích lũy của nhà Bobbins đáng lẽ chỉ xấp xỉ 225.000 đô-la. Nhưng con số thực tế lại cao hơn nhiều so với những người khác cùng độ tuổi, cùng thu nhập, thậm chí còn cao hơn so với mức bình quân xã hội.
Do khéo xoay xở chi tiêu trong phạm vi thu nhập của một lính cứu hỏa và một thư ký mà họ vẫn còn dôi ra một khoản để tiết kiệm và đầu tư. Xem ra họ không phung phí tiền bạc và với lối sống này thì vợ chồng Bobbins có thể chu cấp cho bản thân và cả gia đình trong vòng 10 năm tới mà không cần phải đi làm nữa. Rõ ràng, so với những người ở cùng độ tuổi và mức thu nhập thì gia đình Bobbins quả thực giàu có.
Trường hợp của John J. Ashton, bác sĩ 56 tuổi, lại khác. Mức thu nhập hàng năm của ông ta khoảng 560.000 đô-la và giá trị tài sản ròng của ông ta là 1,1 triệu đô-la. Mọi người có thể nói là bác sĩ Ashton giàu thật, nhưng theo định nghĩa của chúng tôi thì không phải.
Với mức thu nhập như thế, cộng với độ tuổi hiện tại, lẽ ra giá trị tài sản tích lũy của bác sĩ Ashton phải trên 3 triệu đô-la mới đúng. Vấn đề nằm ở phong cách tiêu xài của ông ta. Theo bạn, liệu bác sĩ Ashton có thể chu cấp cho bản thân và gia đình trong bao lâu nếu ông ấy không tiếp tục làm việc nữa? Có lẽ chỉ hai năm, nhiều nhất là ba năm.
Làm sao biết bạn đã đủ giàu?
Cho dù bạn bao nhiêu tuổi, thu nhập ra sao thì ngay lúc này, giá trị tài sản của bạn nên là bao nhiêu mới phải? Sau nhiều cuộc khảo sát nhóm những người thu nhập cao, hoặc có giá trị tài sản ròng cao ở nhiều mức khác nhau, chúng tôi đã xây dựng được một số phương trình tính tài sản dựa trên các biến số thu nhập và tuổi tác. Tuy nhiên, để tính toán giá trị tài sản kỳ vọng của một người thì công thức được phát triển từ kinh nghiệm thực tế dưới đây lại phù hợp hơn nhiều.
Lấy số tuổi của bạn nhân với thu nhập thực trước thuế (số bình quân hàng năm) mà gia đình bạn có được từ tất cả các nguồn. Kết quả thu được đem chia cho 10. Con số sau cùng này chính là giá trị tài sản ròng mà bạn nên tích lũy được.
Ví dụ:
Giả sử ông Anthony O. Duncan, 41 tuổi, mỗi năm thu nhập 143.000 đô-la và được hưởng một khoản lợi nhuận 12.000 đô-la từ các thương vụ đầu tư. Phần giá trị tài sản kỳ vọng của ông Duncan sẽ được tính theo các bước sau:
(1) Xác định tổng cộng thu nhập một năm của ông Duncan: 143.000 + 12.000 = 155.000 (đô-la)
(2) Lấy 155.000 nhân với 41 (số tuổi), ta được:
155.000 x 41 = 6.355.000 (đô-la)
(3) Chia kết quả tìm được ở bước (2) cho 10, ta có giá trị tài sản ròng của ông Duncan như sau:
6.355.000/10 = 635.500 (đô-la)
Tương tự, nếu bà Lucy R. Frankel, năm nay 61 tuổi và có tổng thu nhập thực hàng năm là 235.000 đô-la thì giá trị tài sản ròng của bà nên là 1.433.500 đô-la.
Vậy ở độ tuổi và mức thu nhập hàng năm của bạn, giá trị tài sản ròng tương xứng nên là bao nhiêu? Bạn ở mức nào trên thang thước đo giàu có? Nếu bạn ở nhóm những người có lượng tài sản tích lũy cao nhất thì bạn được gọi là PAW (prodigious accumulator of wealth), một người tích lũy của cải xuất sắc. Nếu đứng trong nhóm dưới cùng thì bạn là một UAW (under accumulator of wealth), hay một người tích lũy của cải kém. Bạn là PAW, UAW hay chỉ là AAW (average accumulator of wealth), người tích lũy của cải trung bình?
Ở đây, chúng tôi còn rút ra được một quy tắc đơn giản khác. Đó là để trụ vững trong danh sách PAW, giá trị tài sản của bạn nên cao gấp hai lần mức kỳ vọng. Cụ thể, giá trị tài sản ròng của ông Duncan nên là 1.271.000 đô-la. Nếu giá trị tài sản ròng của ông Duncan xấp xỉ 1,27 triệu đô-la hoặc hơn thế thì ông ấy quả là một người tích lũy của cải xuất sắc.
Ngược lại, nếu giá trị tài sản của ông Duncan chỉ bằng một nửa hoặc chưa đến một nửa mức kỳ vọng dành cho những người cùng độ tuổi và mức thu nhập, tức là từ 317.750 đô-la trở xuống, thì ông ấy sẽ bị xếp vào danh sách UAW.
PAW và UAW
PAW rất giỏi làm giàu. Thật vậy, so với những người cùng độ tuổi và mức thu nhập thì họ giỏi tích lũy tài sản ròng hơn. Một PAW điển hình thường tích lũy được khối lượng tài sản có giá trị lớn hơn ít nhất 4 lần một UAW. So sánh những đặc điểm của PAW và UAW là phần công việc đem lại cho chúng tôi nhiều thông tin nhất trong toàn bộ chương trình nghiên cứu kéo dài suốt 20 năm qua.
Hai trường hợp thực tế sau là ví dụ cho thấy rõ điểm khác biệt giữa PAW và UAW. Ông Miller “Bubba” Richards, 50 tuổi, là chủ cửa hàng bán lẻ xe-nhà di động. Tổng thu nhập hộ gia đình của ông trong năm vừa rồi là 90.200 đô-la. Theo phương trình tính tài sản ở trên, giá trị tài sản ròng kỳ vọng của ông Richards là 451.000 đô-la. Nhưng “Bubba” là một PAW. Giá trị tài sản ròng thực tế của ông ấy đã là 1,1 triệu đô-la.
Để so sánh, ta lấy trường hợp của James H. Ford II, 51 tuổi, là luật sư. Năm ngoái, thu nhập của ông ấy là 92.330 đôla, nhiều hơn Richards đôi chút. Vậy giá trị tài sản ròng thực tế của Ford là bao nhiêu? Mức tài sản kỳ vọng của ông ấy là bao nhiêu? Giá trị tài sản ròng thực tế của Ford là 226.511 đô-la, còn tài sản kỳ vọng của ông ấy (cũng sử dụng phương trình tính tài sản nói trên) là 470.883 đô-la. Theo định nghĩa của chúng tôi, ông Ford là một người tích lũy của cải kém, tức một UAW.
Ông Ford học đại học 7 năm trời, làm sao lại có thể không giàu bằng một người bán lẻ xe-nhà di động được chứ? Nhưng thực tế là giá trị tài sản ròng của ông Richards lớn gấp gần năm lần so với của ông Ford, trong khi độ tuổi và thu nhập của hai người là xấp xỉ nhau. Vậy để giải đáp thắc mắc trên, các bạn hãy tự đặt ra hai câu hỏi đơn giản hơn sau đây:
– Một luật sư và gia đình ông ta cần bao nhiêu tiền để duy trì lối sống của tầng lớp trung-thượng lưu?
– Một người bán lẻ xe-nhà di động và gia đình ông ta cần bao nhiêu tiền để duy trì lối sống của tầng lớp trung lưu, hay thậm chí là của tầng lớp lao động?
Rõ ràng, so với người bán lẻ xe-nhà di động Richards thì luật sư Ford phải chi một khoản lớn hơn đáng kể từ thu nhập của gia đình để duy trì và thể hiện một đời sống dành cho thành phần thượng lưu trong xã hội. Hãng xe hơi nào mới xứng với địa vị của một luật sư? Tất nhiên là của các hãng xe cao cấp nước ngoài rồi. Ai cần mặc những bộ comple thượng hạng đi làm mỗi ngày? Ai cần tham gia ít nhất là một câu lạc bộ thể thao danh giá? Ai cần những bộ đồ ăn bằng bạc xa xỉ của hãng Tiffany?
Như vậy, ông Ford, một UAW, sẽ có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn các PAW. Các UAW thường có khuynh hướng “vung tay quá trán”, hay chú trọng đến tiêu dùng và xem nhẹ nhiều yếu tố nền tảng cốt lõi của việc tích lũy của cải.
TRÔNG CẬY VÀO AI: TỔ TIÊN HAY CHÍNH MÌNH?
Làm thế nào những người có nền tảng khiêm tốn lại có thể trở thành triệu phú bằng chính đôi tay mình, như hầu hết số triệu phú Mỹ? Tại sao biết bao nhiêu người có nền tảng kinh tế xã hội tương tự như vậy lại không bao giờ tích lũy nổi, dù chỉ là một số tiền khiêm tốn?
Hầu hết những người đã trở thành triệu phú đều tự tin vào khả năng của mình. Họ không phí thời gian lo lắng xem cha mẹ họ giàu hay không, cũng không tin rằng người giàu lại cứ phải sinh ra trong nhung lụa. Ngược lại, những ai có nền tảng khiêm tốn mà tin rằng chỉ có người giàu mới sinh ra triệu phú thì họ tức là đã sớm tự xác định mình sẽ làng nhàng như vậy suốt đời. Bạn có quan niệm rằng phần lớn các triệu phú đều sinh ra trong “bọc điều” không? Nếu có, bạn hãy cân nhắc những số liệu thống kê liên quan đến các triệu phú Hoa Kỳ mà chương trình nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện:
– Chỉ có 19% số triệu phú nhận được thu nhập dưới bất cứ hình thức nào từ một quỹ tín thác hoặc một tài sản.
– Chưa đến 20% số triệu phú có từ 10% tài sản trở lên là do được thừa kế.
– Hơn một nửa chưa từng được nhận, dù chỉ 1 đô-la, tiền thừa kế.
– Số triệu phú từng được cha mẹ, ông bà hay họ hàng cho từ 10.000 đô-la trở lên chỉ chiếm chưa đến 25%.
– Đến 91% chưa từng được cho, dù chỉ 1 đô-la, quyền sở hữu một công ty gia đình.
– Gần một nửa chưa từng được cha mẹ hay họ hàng hỗ trợ bất cứ khoản học phí nào khi học đại học.
– Chưa đến 10% tin là mình sẽ nhận được tài sản thừa kế.
Như vậy, triển vọng tươi sáng vẫn đang chào đón những ai muốn làm giàu mà không nhờ thừa kế. Kết luận này được khẳng định từ hơn 100 năm trước. Trong cuốn The American Economy (Nền kinh tế Hoa Kỳ), tác giả Stanley Lebergott đã dẫn ra một nghiên cứu được thực hiện năm 1892 với 4.047 triệu phú ở Mỹ. Và trong đó có tới 84% “là những triệu phú tự lập thân, vươn tới đỉnh cao mà không nhờ đến tài sản thừa kế”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.