Bí Mật Quả Chuông
Chương 5: Tào Can đến lễ bái tại một ngôi chùa Ba nhà tu trở thành nạn nhân của một tay bạc bịp lọc lõi
Cũng trong buổi sáng hôm ấy, Tào Can rời khỏi văn phòng của quan án, anh mặc một chiếc áo khoác bình thường, nhưng may rất đẹp và đội một chiếc mũ the đen giống như những kẻ thị dân ăn không ngồi rồi khác.
Trong bộ trang phục ấy, anh bước ra khỏi cổng thành phía bắc và thong thả đi dạo qua vùng ngoại vi thị trấn. Cuối cùng anh phát hiện ra một quán ăn nhỏ và bước vào gọi một bữa ăn trưa đạm bạc. Từ cửa sổ trên gác hai nơi anh ngồi, anh nhìn thấy mái ngói uốn cong của chùa Phổ Độ.
Sau khi thanh toán tiền, anh bảo người hầu bàn:
– Ngôi chùa mới nguy nga làm sao! Chắc là các vị tu hành kia phải sùng đạo lắm thì mới được Đức Phật ban phước lành cho như vậy!
– Tôi chẳng biết những tên đầu trọc ấy sùng đạo đến mức nào. – Anh hầu bàn lầu bầu. – Nhưng có nhiều người lương thiện ở cái huyện này sẽ rất sung sướng nếu được cắt cổ họ!
– Coi chừng cái miệng đấy, anh bạn! – Tào Can giả vờ phẫn nộ quát lên. – Anh đang nói chuyện với một người sùng bái của Tam Bảo đây.
Anh hầu bàn liếc nhìn Tào Can vẻ khó chịu rồi bỏ đi mà không nhận tiền phục vụ anh để trên bàn. Tào Can mỉm cười nhặt tiền bỏ vào túi và ra khỏi quán.
Mấy phút sau anh đã bước tới trước cổng tam quan của ngôi chùa. Anh thong thả leo lên bậc đá rồi bước vào chùa. Anh liếc mắt trông thấy ba vị hòa thượng ngồi trong căn nhà của người gác cổng đang quan sát mình. Anh bước hai, ba bước rồi bỗng đứng sững lại, thò tay vào túi lục tìm rồi nhìn quanh như một người đang gặp chuyện bối rối.
Một trong số ba người gác cổng, một vị hòa thượng đã có tuổi, bước lại gần và rất lịch sự hỏi:
– Bần tăng có thể giúp ích được gì cho vị quan khách đáng kính đây không?
– Thưa nhà sư, nhà sư thật là tử tế quá. – Tào Can đáp. – Tôi đang thử cố theo Đạo phật và tôi tới đây chính là để dâng lễ vật hèn mọn này cho phật bà Quan Âm đại từ bi. – Nói đến đây, anh lôi trong túi ra một đĩnh bạc và tung tung trên tay. – Tiếc rằng tôi vừa phát hiện ra là mình quên tiền lẻ ở nhà. Vì không có tiền lẻ mua hương, có lẽ tôi phải quay về rồi hôm khác lại đến vậy.
Vị hòa thượng nhìn đĩnh bạc bằng con mắt tham lam, rồi vội vàng nói:
– Cho phép tôi, thưa ngài, giúp đỡ ngài mua hương cúng Phật bà quan âm. – Nói rồi ông ta chạy vội về chỗ và đem lại cho anh hai xâu tiền lẻ, mỗi xâu năm mươi đồng.
Tào Can nhận tiền, trịnh trọng cảm ơn ông ta rồi đi thẳng vào sân trong, chân bước lên những phiến đá nhẵn bóng. Các căn phòng tiếp tân ở hai bên cánh gà thuộc số những căn phòng lịch sự nhất. Có hai chiếc kiệu đặt ở ngoài cửa như thể đang đợi ai và tại đây các vị hòa thượng và các chú tiểu đi lại nhộn nhịp. Tào Can đi qua khoảng sân và hai lần cửa nữa để cuối cùng đứng trước tòa đại sảnh.
Ba bề tòa đại sảnh được bao quanh bởi những bậc thềm bằng đá cẩm thạch và trông ra một cái sân rộng cũng lát đá cẩm thạch. Tào Can leo lên thềm và bước vào căn phòng đại sảnh tranh tối tranh sáng. Bức tượng Phật bà cao khoảng hai mét, được đặt trên một chân đế mạ vàng. Ánh sáng của hai cây nến khổng lồ chiếu lung linh lên chiếc lư hương bằng vàng và lên những lọ thờ đặt trên hương án.
Tào Can cúi gập người vái lạy ba lạy. Sau đó, để lấy lòng đám hòa thượng, anh dùng tay phải làm ra vẻ như thả mấy đồng tiền vào chiếc thùng gỗ được đặt ở đó để nhận lễ vật, trong khi đó anh dùng ống tay áo trái (bên trong đựng hai xâu tiền xu) gõ nhẹ vào bên ngoài vỏ thùng để làm giả tiếng kêu của đồng tiền rơi vào trong.
Anh đứng im một lát trước chân tượng, hai tay chắp trước ngực, lại vái chào ba vái rồi bước ra ngoài. Anh đi vòng sang bên phải, nhưng nhanh chóng gặp phải một chiếc cổng khép kín. Anh đang tự nhủ không biết là mình có nên thử mở cửa không thì có một hòa thượng bước ra hỏi:
– Phải chăng quý khách muốn gặp sư trụ trì của chúng tôi?
Tào Can vội vàng lịch sự từ chối và quay ngược trở lại. Anh lại đi qua trước mặt tòa đại sảnh và lần này anh vòng sang trái. Anh đi theo hành lang có mái che tới một cầu thang dẫn xuống một cánh cổng nhỏ trên có ghi dòng chữ: “Người không có nhiệm vụ xin miễn vào”.
Không để ý đến lời thông báo lịch sự này, Tào Can vội vàng đẩy cửa mở ra và thấy mình lọt vào một khu vườn cảnh diệu kì. Trong vườn có một lối đi dạo lượn quanh co giữa các khóm hoa và những hòn núi giả, trong khi đó, ở đằng xa, dưới tán lá xanh là mái ngói xanh lam bóng lộn với những khung gỗ sơn đỏ của dãy nhà chòi xinh xắn đang phản chiếu ánh nắng lấp lánh.
Đây chính là chỗ dành cho khách ngủ qua đêm, – Tào Can nghĩ, rồi anh ẩn mình vào bụi cây, cởi nhanh áo ngoài, lộn trái ra và lại mặc vội vào. Nguyên là chiếc áo khoác này được lót bên trong một cách khéo léo bằng một lớp vải gai thô với những miếng vá, giống như loại áo của tầng lớp thợ thủ công. Sau đó anh lột mũ vải nhét vào ống tay áo, lấy một miếng vải xấu xí buộc quanh đầu và xắn ống quần lên để cho hở xà cạp ra. Cuối cùng anh lôi trong ống tay áo ra một túi vải xanh nhỏ.
Túi vải này là một trong những phát minh tài tình của Tào Can. Khi mở ra trông nó giống như một chiếc túi đơn sơ, thường được dùng để đựng các đồ bao gói. Chiếc túi này có hình vuông, nhưng những nếp gấp khéo léo cũng như một loạt mẩu tre nhỏ được may giấu vào bên trong có thể cho phép tạo cho chiếc túi có nhiều hình dạng khác nhau, từ hình dạng chiếc túi đựng quần áo giặt, đến hình dạng chiếc túi đựng sách của người buôn bán sách cũ. Trước đây, trong quãng đời nhiều nghề của mình, không biết Tào Can đã sử dụng bao nhiêu lần phát minh quý giá này.
Lúc này thì anh điều chỉnh cách thanh tre sao cho chiếc túi có hình dạng của một chiếc túi thợ mộc. Mấy phút sau, anh bước ra lối đi dạo, lưng hơi còng một chút, làm ra vẻ như đang xách chiếc túi nặng.
Lối đi này dẫn đến một nhà chòi nhỏ duyên dáng nằm dưới bóng cây tùng già. Hai cánh cửa sơn đỏ có đóng đinh đồng đang để mở, cho thấy bên trong có hai chú tiểu đang quét dọn.
Tào Can bước vào nhà và chẳng nói chẳng rằng, anh tiến thẳng đến chỗ chiếc giường lớn để sát bức tường phía trong. Anh vừa nói lầu bầu trong mồm mấy tiếng, vừa ngồi xổm xuống rồi lấy trong ống tay áo ra một chiếc thước dây và bắt đầu đo giường.
– Lại thay giường khác à? – Một chú tiểu hỏi.
– Các ngươi lo việc của mình đi! – Tào Can càu nhàu. – Các ngươi có tiền cho lão thợ mộc khốn khổ này không?
Cả hai chú tiểu bật cười bỏ đi. Họ vừa đi khỏi là lập tức anh chàng thợ mộc giả danh liền đứng dậy nhìn quanh.
Căn phòng này tuy không có cửa sổ, trừ một lỗ tròn trổ ở trên cao bức tường cuối phòng và nó nhỏ đến nỗi một đứa bé cũng khó bề chui lọt. Chiếc giường mà anh vừa giả vờ đo được làm bằng gỗ mun khảm xà cừ. Chiếc giường được phủ khăn trải giường bằng gấm. Ở đầu giường có một chiếc bàn nhỏ làm bằng gỗ cẩm lai chạm trổ, trên có đặt một bếp lò và một bộ ấm chén pha trà bằng đồ sứ hảo hạng. Trên một bức tường có treo bức tranh lụa cỡ lớn vẽ Phật bà Quan Âm, còn ở cạnh một bức tường khác có một chiếc bàn lịch sự, cũng bằng gỗ cẩm lai, trên có đặt một chiếc lư hương và hai cây đèn nến to. Cuối cùng là một chiếc ghế đẩu thấp. Mặc dù chú tiểu vừa mới quét nhà và thông gió, nhưng mùi hương thơm ngát vẫn còn vương trong không khí. “Bây giờ, – Tào Can tự nhủ – là lúc ta phải tìm cho ra lối vào bí mật của căn phòng.”
Anh bắt đầu tìm từ chỗ khả nghi nhất: đó là bức tường phía sau bức tranh vẽ Phật bà. Anh soi xét kĩ càng để cố tìm ra kẽ hở của một cánh cửa di động nào đó. Vô ích, xem xét những bức tường khác cũng không đem lại kết quả gì. Sau đó anh đứng lên bàn với tay sờ xung quanh mép cái lỗ tròn trên tường xem nó có khả năng mở rộng ra khi cần thiết không. Ở đây anh cũng chẳng phát hiện ra điều gì.
Sự thất bại này đã làm cho Tào Can phật ý, bởi vì anh vẫn tự cho mình là chuyên gia trong lĩnh vực cửa ngầm.
“Trong những ngôi nhà cũ đôi khi người ta làm cửa sập ở dưới sàn nhà. Nhưng những căn nhà chòi này mới được làm từ năm ngoái. Các vị hòa thượng có thể bố trí một chiếc cửa bí mật ở tường, còn chuyện đào hầm ngầm thì khó có thể tiến hành mà không gây chú ý. Dù sao ta cũng chẳng thấy một khả năng nào khác.”
Thế là anh bắt đầu cuộn tấm thảm trải sàn nhà lên và quỳ thụp xuống dùng mũi dao lách từng kẽ đá lát để xem xét. Kết quả cũng chẳng hơn gì.
Vì không dám ở lại lâu trong phòng, nên Tào Can phải bỏ dở công việc điều tra. Khi ra khỏi nhà, anh liếc nhanh vào mấy bộ bản lề cửa nhưng chẳng thấy có gì khác thường. Anh thở dài đóng cửa lại và dành thời gian cuối cùng để xem xét ổ khóa. Nó cũng chẳng khác gì so với những ổ khóa cùng loại.
Tào Can đành quay trở lại lối đi ban nãy, sau đó anh nấp vào một bụi cây rậm, lột áo mũ mặc lại giống như ban đầu, rồi bước ra không để ai nhìn thấy.
Trong khi đi dạo qua mấy khoảng sân nữa, anh ghi nhận được nơi ở của các vị tu hành và vị trí của các phòng dành cho các ông chồng của các bà đi cầu tự.
Khi quay trở lại cổng chính, anh liền bước vào phòng gác cổng. Anh gặp lại ba vị tu sĩ mà anh đã làm quen lúc mới tới.
– Tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đã tử tế cho tôi mượn tiền lẻ! – Tào Can lịch sự bảo vị hòa thượng già nhất nhưng lại không rút tiền ra trả.
Vì không muốn tỏ ra khiếm nhã để khách phải đứng, vị tu sĩ già liền mời anh ngồi và hỏi anh có thích uống trà không.
Tào Can trịnh trọng nhận lời mời. Bốn người ngồi quanh bàn nhấm nháp từng ngụm trà. Được một lát, Tào Can mở đầu câu chuyện:
– Có lẽ các vị không thích từ bỏ mấy đồng xu kia của mình. Các vị cho tôi vay tiền mà tôi chẳng thể nào dùng được, bởi vì khi tôi muốn lấy tiền để mua hương tôi mới phát hiện ra rằng dây buộc tiền không có nút. Thế thì làm sao tôi tháo ra được.
– Vị tân khách nói nghe lạ quá! – Vị sư trẻ nhất đáp. – Ngài có thể vui lòng cho chúng tôi xem lại xâu tiền được không?
Tào Can rút xâu tiền đưa cho nhà sư, anh ta vội vàng vạch từng đồng để xem sợi dây.
– Đây này! – Anh ta đắc thắng reo lên – Đây là nút buộc, hay là tôi nhầm chăng?
Tào Can cầm lại xâu tiền mà không thèm nhìn rồi anh bảo vị sư cao tuổi nhất:
– Thật là lạ! Dù sao tôi vẫn xin đánh cuộc năm mươi xu rằng các vị sẽ không tìm thấy được nút buộc nữa.
– Chơi luôn! – Vị tu sĩ trẻ vội reo lên.
Tào Can cầm xâu tiền quay ba vòng trên đầu rồi đưa cho ba vị tu sĩ bảo:
– Bây giờ các vị hãy tìm xem nút buộc ở chỗ nào?
Cả ba vị hòa thượng vạch đi vạch lại từng đồng xu mà vẫn không tìm thấy được nút buộc nằm ở đâu.
Tào Can cầm lấy xâu tiền rồi điềm nhiên đút vào ống tay áo. Sau đó anh quẳng một đồng xu lên bàn và tuyên bố:
– Tôi sẽ cho các vị một cơ hội để gỡ lại tiền. Các vị hãy tung đồng tiền này lên, tôi xin đánh cuộc năm mươi xu rằng nó sẽ rơi xuống với mặt sấp nằm trên.
– Đồng ý! – Vị tu sĩ cao tuổi vừa nói vừa tung đồng tiền lên. Khi đồng tiền rơi xuống, cả bốn người đều cúi sát nhìn.
– Sấp! – Tào Can tuyên bố. – Như vậy là khoản tiền các vị cho tôi vay đã được hoàn trả. Nhưng vì tôi không muốn để các vị bị thiệt, nên bù lại, tôi sẵn sàng bán cho các vị đĩnh bạc này với giá năm mươi xu. – Anh vừa nói vừa lấy đĩnh bạc ra khỏi ống tay áo và tung tung trên tay.
Ba vị tu sĩ hoàn toàn ngơ ngác không hiểu. Vị cao tuổi nhất tự nhủ chắc ông khách của họ hơi bị ấm đầu, nhưng ông không muốn bỏ qua một đĩnh bạc như thế kia. Thế là ông lấy ra một xâu năm mươi xu nữa đặt lên bàn.
– Các vị vừa mua được một món rất hời. – Tào Can lưu ý. – Đây là một đĩnh bạc rất đẹp và hơn nữa, rất dễ mang.
Nói xong anh thổi một cái, đĩnh bạc liền quay vài vòng trên bàn. Trên thực tế đó là một đĩnh bạc giả giống y như thật, được làm bằng giấy thiếc.
Tào Can lừa bịp ba nhà sư
Tào Can nhét xâu tiền vừa kiếm được vào ống tay áo và lấy ra một xâu tiền khác. Anh chỉ cho ba vị tu sĩ thấy cái nút buộc xâu tiền là một kiểu nút đặc biệt. Chỉ cần dùng ngón tay bóp nó lại là biến nó thành một chiếc nút thòng lọng có thể nằm lọt chính xác vào lỗ đồng tiền. Nếu người ta lần từng đồng một thì sẽ không nhìn thấy được nút buộc, bởi vì nó sẽ di động cùng với đồng tiền mà nó đang nằm gọn trong lỗ. Để kết thúc, Tào Can chỉ cho ba người xem hai mặt của đồng tiền vừa được dùng để chơi sấp ngửa: cả hai mặt đều là mặt sấp.
Ba vị tu sĩ cười ồ lên và hiểu rằng ông khách là một tay bạc bịp chuyên nghiệp.
– Bài học tôi vừa giảng cho các vị cũng đáng giá một trăm năm mươi xu đấy. – Tào Can bình thản nhận xét. – Còn bây giờ thì chúng ta hãy bàn đến những chuyện nghiêm túc. Tôi đã nghe nói đến những trận mưa tiền tại chùa này và tôi tự nhủ: “Nào, ta thử đến đó một lát xem sao!” Và thế là tôi thấy rằng hình như ở đây các vị phải tiếp rất nhiều khách sang. Có một điều là tôi cũng có nhiều quan hệ và cũng thạo nghề ăn nói. Liệu các vị có muốn thuê tôi tìm “khách hàng” cho các vị không? Tôi biết cách thuyết phục những ông chồng nào hay do dự để họ cho phép vợ mình ngủ qua đêm ở chỗ các vị!
Vị tu sĩ già lắc đầu và Tào Can vội nói thêm:
– Tôi không lấy nhiều tiền công đâu. Chẳng hạn chúng ta có thể thoả thuận là tôi lấy mười phần trăm tiền hương hoa của những vị khách do tôi giới thiệu.
– Người ta đã cung cấp những tin tức rất sai cho anh, anh bạn ạ. – Vị tu sĩ già lạnh lùng đáp. – Tôi biết là những người có tính ghen ghét đã tung ra những tin đồn xấu xa về ngôi chùa này, nhưng đó hoàn toàn chỉ là bịa đặt. Tôi hiểu một kẻ vô lại như anh, có thể chỉ nhìn thấy những điều xấu xa ở khắp mọi nơi, nhưng trong trường hợp này, thì anh bạn hoàn toàn nhầm lẫn. Nếu như ngôi chùa của chúng tôi giàu có thì điều đó hoàn toàn chỉ nhờ sự phù hộ của phật bà Quan Âm đại từ đại bi.
– Xin lỗi! – Tào Can vui vẻ đáp. – Tôi công nhận với ngài là nghề của chúng tôi rất hay đa nghi! Chắc là các ngài phải đề ra mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ danh dự cho các bà khách chứ?
– Tất nhiên. – Vị sư già đáp. – Trước hết, sư trụ trì đáng kính của chúng tôi rất thận trọng trong việc chọn người để cho ngủ qua đêm ở đây. Đầu tiên ngài hỏi chuyện những người phụ nữ mới đến tại phòng đón tiếp và ngài sẽ không cho phép họ ở lại, nếu ngài nghi ngờ đức tin của họ đối với Đức Phật, hoặc nếu như ngài cảm thấy tình hình tài chính – tình hình xã hội của họ không có gì chắc chắn. Sau khi người đàn bà cùng chồng cầu nguyện xong tại tòa đại sảnh thì người chồng phải thết đãi một bữa cơm cho sư trụ trì và các vị cao niên trong chùa. Việc này nói chung khá tốn kém, nhưng người đầu bếp của chúng tôi là một người tài giỏi không ai bì kịp. Cuối cùng sư trụ trì dẫn hai vợ chồng người cầu tự tới một trong số các nhà chòi dành riêng cho khách được xây trong vườn lớn ở phía sau chùa. Anh chưa nhìn thấy dãy nhà ấy đâu, nhưng xin đảm bảo với anh là chúng được xây theo một thị hiếu tuyệt vời. Tất cả có sáu nhà chòi. Trong mỗi nhà đều treo một bức tranh vẽ bức tượng Phật Bà, mà anh đã nhìn thấy bày trong tòa đại sảnh. Như thế các bà sẽ có thể được tưởng niệm suốt đêm về đức hạnh của phật bà Quan Âm đại từ đại bi. Sau khi bà khách vào nhà rồi thì ông chồng bà đóng cửa lại, tự tay khóa cửa và giữ chìa khóa. Ngoài ra sư trụ trì của chúng tôi còn dán một băng giấy niêm phong cánh cửa, còn ông chồng thì được phép đóng con dấu riêng của mình lên hai đầu băng giấy. Sáng hôm sau, ông chồng đến mở cửa và chỉ có ông được phép xé băng giấy niêm phong đó. Bây giờ thì anh hiểu là ở đây không thể có một chút nghi ngờ nào chứ?
Tào Can buồn bã gật đầu:
– Phải, – Anh lẩm nhẩm – các vị hoàn toàn có lí. Thật đáng tiếc! Nhưng xin ông hãy nói cho tôi biết: có bao giờ người cầu tự không đạt được kết quả như ý muốn không?
– Điều đó chỉ xảy ra nếu tinh thần của người đàn bà không trong sạch hoặc nếu bà ta không thật sự tin vào Đức Phật. Có một số người lại đến lần thứ hai, nhưng có người thì chẳng bao giờ trở lại nữa.
Tay vân vê mấy sợi lông ở nốt ruồi, Tào Can hỏi:
– Có bao giờ xảy ra trường hợp là khi người cầu tự sinh được con mà lại quên nhà chùa không?
– Không – Vị tu sĩ tươi cười đáp. – Đôi khi người ta còn mang cả kiệu chở lễ vật đến biếu. Và nếu như ngẫu nhiên mà người ta quên mất cái hành vi xã giao nhỏ mọn này thì sư trụ trì của chúng tôi sẽ gửi một bức thư cho người mẹ mới sinh nở, để nhắc nhở nghĩa vụ mang ơn của bà ta đối với nhà chùa.
Tào Can còn hỏi nhiều chuyện nữa mà không thu được một thông tin cần thiết nào, thế là một lát sau, anh từ biệt họ ra về.
Anh trở về tòa án theo một con đường vòng vèo quanh co.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.