BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương bốn : Đại tá Prothéro



Tôi quên mất việc mình đã mời Lawrence tối nay tới dùng bữa nên đã rất ngạc nhiên khi thấy Griselda chạy lăng xăng và báo tin bữa ăn sẽ sẵn sàng trong hai phút nữa.

– Em hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp – Từ trên thang gác cô ấy nói vọng xuống – Theo anh nói cần tổ chức bữa ăn để đãi khách, em đã làm một vài món.

Có thể nói, bữa ăn có vợ tôi tham giá chuẩn bị thì lại tệ hơn. Marie chơi ác cô ấy bằng cách rán cháy hoặc xào nửa sống nửa chín những thứ Griselda mua về. Món sò huyết của cô ấy thì không ai nếm được miếng nào vì ngồi vào bàn rồi người ta mới nhận ra trong nhà không có dụng cụ mở sò.

Tôi đã sợ Lawrence không tới – anh ta rất dễ dàng xin lỗi – nhưng, ngược lại, anh ta đến rất đúng giờ và cả bốn người cùng vào phòng ăn.

Lawrence là con người rất hấp dẫn. Đúng là không thể chối cãi được… Tôi cho rằng anh ta ba chục tuổi là cùng. Tóc nâu, mắt xanh nhưng rất sáng và vô tư lự. Đó là một chàng trai hoàn thiện về mọi vẻ. Anh ta có vẻ là người ưa thể thao, là một tay súng giỏi và là một diễn viên nghiệp dư. Anh ta có tài kể chuyện. Tôi cho trong người của anh ta có dòng máu Ái Nhĩ Lan. Tôi cũng thấy anh ta là một họa sĩ hiện đại, một nghệ thuật mà tôi mù tịt.

Tất nhiên tối nay có đôi chút đãng trí, nhưng anh ta vẫn ân cần với mọi người. Tôi cũng thấy anh ta là một họa sĩ hiện đại, một nghệ thuật mà tôi mù tịt.

Tất nhiên tối nay có đôi chút đãng trí, nhưng anh ta vẫn ân cần với mọi người. Tôi tin chắc rằng cả Griselda và Denis đều không thấy anh ta có vẻ gì là khác thường cả. Tôi cũng có thể như vậy nếu tôi không biết đã có chuyện gì xảy ra.

Griselda và Denis rất vui, họ nói về giáo sư Stone và cô Cram và nhấn mạnh trong làng đã nói ầm lên về việc này. Nghe hai người nói tôi không thấy đâu là ranh giới tuổi tác giữa Griselda với Denis và cả giữa họ với tôi nữa. Denis gọi tôi là bác Clément và gọi vợ tôi một cách trống không là Griselda.

Vợ tôi và cháu trai tôi còn định nói nhiều nữa nhưng tôi thấy mình không đủ can đảm để ngăn họ lại. Tôi nghĩ thật đáng tiếc khi có một ông mục sư nhút nhát như vậy.

Lawrence vui vẻ tham gia vào câu chuyện. Tôi không để ý nhưng cũng thấy rõ nhiều lúc anh ta thường nhìn trộm tôi và tôi cùng không ngạc nhiên lắm khi anh ta đi theo tôi vào văn phòng sau bữa ăn.

Khi còn hai người, anh ta thay đổi thái độ. Nét mặt ấy trở nên nghiêm trang, đầy lo ngại và cả độc ác nữa.

– Thưa ông, ông đã biết bí mật của chúng tôi – Anh ta nói – Ông sẽ làm gì?

Tôi trả lời rằng mình không thể trả lời thay bà Prothéro được. Anh ta tỏ ra là người thông hiểu vấn đề.

– Tất nhiên – Anh ta nói ngay – Vì là mục sư nên ông buộc phải nói như vậy. Tôi nói như vậy không phải để làm ông bực mình, hơn nữa tôi cho rằng ông có lý. Nhưng tình yêu của chúng tôi không đơn thuần là vấn đề tình cảm thông thường.

Tôi lưu ý anh ta rằng câu này người ta đã nói nhiều lần từ khi trái đất được gọi là trái đất rồi. Một nụ cười kỳ cục hiện lên đôi môi anh ta.

– Ông muốn nói ai cũng cho trường hợp của mình là độc nhất ư? Có thể là đúng. Nhưng có một việc mà ông không nên nghi ngờ.

Anh ta nói giữa họ từ trước tới nay chưa có hành động gì đáng trách.

– Anne là một người đàn bà đứng đắn và thật thà nhất mà tôi biết. – Anh ta nói tiếp.

Sẽ có việc gì xảy ra? Anh ta không có ý kiến gì cả.

– Nếu chuyện này xảy ra trong một cuốn sách – Lawrence nói bằng giọng bi thảm – Thì lão già ấy sẽ phải chết… việc này sẽ rất tốt cho mọi người.

Tôi không tán thành.

– Ô! Tôi không nói mình sẽ đâm dao găm vào lưng lão ta. Tuy nhiên tôi rất cảm ơn ai làm được việc này. Tôi tin chắc rằng không một ai nói một điều tốt đẹp nào về lão ta cả. Tôi tự hỏi tại sao người vợ trước của lão không làm việc này. Tôi đã gặp bà ấy mấy năm trước đây, tôi thấy bà là người có gan làm đấy. Sự yên lặng của bà thật đáng sợ. Còn lão thì lúc nào cũng gắt gỏng, cãi lộn với mọi người; đúng là một con quỉ. Tính nết mới đáng sợ làm sao! Ông không biết Anne đã khổ sở như thế nào đâu. Nếu có tiền tôi sẽ mang bà ta đi mà không cần giải thích gì cả.

Anh ta ngừng lời. Tôi nói với anh ta bằng giọng nghiêm chỉnh; tôi yêu cầu anh đi khỏi Saint Mary Mead. Ở lại đây thì ích gì. Anh ta chỉ làm khổ cho bà Prothéro thôi. Người ta nói ra nói vào rồi thể nào cũng đến tai ông đại tá. Không, cái đó không giải quyết được gì cả.

Lawrence cãi lại :

– Ông mục sư, không ai biết gì cả, trừ ông.

– Chàng trai, anh không hiểu dân làng tôi rồi; mỗi người là một nhà thám tử. Tin tôi, mọi người ở đây đều biết những việc thầm kín của anh. Cả nước Anh này không một nhân viên cảnh sát nào có tài bằng một bà cao tuổi luôn ngồi trong nhà của chúng tôi.

– Như vậy càng tốt – Anh ta kêu lên – Mọi người đều cho rằng tôi mê cô Lettice!

– Anh cho rằng cô Lettice cũng nghĩ như vậy ư?

Câu hỏi của tôi làm Lawrence phải suy nghĩ. Cô Lettice đang nghi ngờ anh. Anh biết rõ điều đó.

– Đây là một cô gái kỳ lạ – Anh ta nói tiếp – Người ta nói cô ta sống trên cung trăng, nhưng tôi thấy không phải. Có phải là cô ta giả bộ như thế không? Lettice biết rất rõ việc mình làm. cần nói thêm cô ta là người thích trả thù. Ông không biết cô ta căm ghét Anne như thế nào đâu! Thật là không thể giải thích nổi. Khi tôi nói như vậy thì cô ta lại căm thù bà mẹ kế hơn. Tuy nhiên, Anne đối xử với người con chồng như một vị thánh.

Tôi không tin vào lời anh ta. Đối với một người đang yêu thì người yêu của anh ta luôn luôn là một bà thánh. Nhưng, theo tôi biết, Anne vẫn nhường nhịn cô gái và xử sự tốt với cô, và tôi ngạc nhiên khi thấy trưa nay Lettice nói bằng giọng hằn học về bà ta.

Câu chuyện đến đây thì Griselda và Denis xông vào phòng nói tôi không nên coi Lawrence như là người bạn cũ như vậy.

– Trời! – Griselda ném mình vào một chiếc ghế bành… – Tôi muốn có một cảm giác mạnh… muốn chứng kiến một vụ giết người hoặc một vụ cướp của.

– Tôi cho rằng ở làng này thì chẳng có gì mà ăn cướp – Lawrence nói cốt để lấy lòng mọi người – Trừ hàm răng giả của bà Hartnell…

– Hai hàm răng đánh lập cập vào nhau nghe rất khó chịu, nhưng anh nhầm đấy. Ở nhà ông Prothéro có bộ đồ bạc rất quý: dĩa, lọ đựng muối, cốc và tất cả những thứ khác; chúng trị giá đến hàng ngàn bảng Anh.

– Ông già sẽ hạ anh bằng khẩu súng chỉ huy của ông ta – Denis cãi lại – Và cái đó cũng không làm ông ta ngán đâu.

– Ô! Nhưng ai có súng lục rơ-von-ve kia chứ?

– Tôi cũng có một khẩu mô-de. – Lawrence nói.

– Thật ư? Rõ ràng là kỳ cục! Làm thế nào mà anh có được vũ khí đó?

– Một kỷ vật thời chiến. – Anh ta trả lời vắn tắt.

– Hôm nay ông Prothéro đã cho ông Stone xem những đồ bạc đó. Ông giáo sư rất thích.

– Có phải hai người đã cãi nhau về việc khai quật không? – Griselda hỏi.

– Ô! Hai người đã làm lành với nhau rồi – Denis trả lời – Tôi xin thú nhận mình không thể hiểu được người ta đào bới để làm gì.

– Tôi lo ngại về ông Stone này – Lawrence nói – Tôi cho rằng ông ấy rất đãng trí, ông ta không có vẻ gì là một nhà khảo cổ cả.

– Do tình yêu đấy thôi. – Denis kêu lên và đọc một đoạn thơ về tình yêu.

– Bây giờ tôi phải đi thôi – Lawrence nói – Xin cảm ơn ông bà Clément về buổi tối vui vẻ này.

Griselda và Denis tiễn anh ta. Một lát sau chỉ có một mình Denis quay lại. Có một chuyện gì đó làm nó bực mình. Lông mày cau lại, nó đi quanh quẩn trong phòng, chân đá vào bàn ghế.

Đồ gỗ của chúng tôi thuộc loại xấu, sợ chúng bị hư hại, tôi nhắc nhở Denis.

– Cháu xin lỗi. – Nó nói.

Và sau một lúc yên lặng, nó nói tiếp :

– Chuyện ngồi lê đôi mách, thật là nhục nhã.

Tôi ngạc nhiên. Tính nết của Denis thường điềm đạm kia mà.

– Có chuyện gì vậy?

– Cháu không thể nói với bác được.

Tôi càng ngạc nhiên hơn.

– Đúng thế. Không biết có nên nói hay không? Không nói là hơn cả vì nó quá tồi tệ.

Khác với thường ngày, Denis vốn là một người cởi mở.

Cùng lúc ấy thì Griselda trở về phòng.

– Bà Wetherby vừa ra khỏi đây. Bà ấy đến để báo tin rằng Lestrange đi từ lúc tám giờ mười lăm, bây giờ vẫn chưa về. Không ai biết bà ấy đi đâu cả.

– Nhưng biết để làm gì kia chứ?

– Nhưng bà ấy không đến nhà ông Haydock. Bà Wetherby tin chắc là như vậy: bà ấy đã gọi điện thoại cho bà Hartnell, ở kế bên nhà ông bác sĩ, nhưng bà này cũng không biết.

– Đúng đây là một chuyện bí mật đối với anh – Tôi nói – Không biết mọi người ăn nghỉ vào lúc nào. Có lẽ họ phải kê bàn ăn bên cửa sổ để quan sát mọi việc xảy ra trong làng.

– Chưa hết đâu – Griselda nói thêm – Các bà ấy còn biết rõ ở quán Lợn lòi xanh, phòng của giáo sư Stone và phòng của cô Cram ở bên nhau, nhưng… (vợ tôi đưa một ngón tay lên long trọng nói tiếp): không có cửa thông nhau giữa hai phòng ấy đâu.

– Thật đáng tiếc!

Câu nói của tôi làm Griselda bật cười.

Hôm sau là ngày thứ năm; mới sáng ra cũng đã lắm chuyện. Hai bà trong giáo khu của chúng tôi cãi nhau về việc trang hoàng lại nhà thờ. Tôi không thể can thiệp được. Hai bà đều run lên vì giận dữ. Đây không hoàn toàn là một sự việc đáng buồn, về phương diện tâm lý nó cũng có một ý nghĩa nào đó… Tôi cũng đã trách mắng hai đứa trẻ ở đội đồng ca: chúng nhai keo trong giờ làm việc, và tôi thấy phiền muộn là không làm tròn bổn phận của mình với sự nghiêm khắc cần thiết. Tôi còn phải làm yên lòng người chơi đàn oóc-gan, không hiểu vì lý do gì, anh ta tỏ ra bực bội trong công việc. Cuối cùng, bốn bà tín đồ bất bình với bà Hartnell về chuyện gì đó, giận dữ tới nhờ tôi giải quyết vụ việc.

Khi trở về nhà thì tôi gặp ông đại tá Prothéro đang rất vui vẻ: trong vai trò người phụ trách công tác tư pháp trong địa hạt, ông vừa cho bắt giam ba người săn bắn trái phép.

– Phải nghiêm khắc! – Ông kêu lên bằng một giọng lanh lảnh. (Ông thường nói to vì ông nặng tai) -Đúng, phải nghiêm khắc! Phải làm gương cho những kẻ khác. Cái thằng Archer mất dạy đã đe dọa tôi, nói là sẽ trả thù tôi. Tôi bảo thẳng vào mặt nó, nó sẽ được trả thù, nếu lần sau tôi bắt gặp nó bắn một con chim trĩ nữa. Thích gì làm nấy. Thích gì làm nấy… bây giờ có nhiều người thích gì làm nấy quá. Ông thường thương hại cánh đàn bà và trẻ con. Thật là sai lầm. Nhảm nhí. Tôi tự hỏi tại sao một người đàn ông không bị trừng phạt khi phạm tội chỉ vì hắn đã khóc thút thít về vợ con của hắn? Tôi thì tôi giải quyết công việc theo cách khác kia: một bác sĩ, một luật sư, một cha cố, một tên săn bắn trộm hoặc một kẻ nát rượu nếu phạm tội thì đều bị pháp luật trừng trị như nhau. Ông có đồng ý với tôi không?

– Ông quên rằng chức phận buộc tôi phải đặt vấn để đạo đức lên trên hết: đó là lòng nhân từ.

– Đúng! Đúng! Nhưng tôi là con người của pháp luật. Không ai phản đối tôi được, phải không?

Tôi yên lặng và ông ta bực mình hỏi :

– Tại sao ông không trả lời tôi? Ông đang nghĩ gì?

Ngập ngừng một lúc, rồi tôi lên tiếng :

– Đại tá Prothéro, tôi nghĩ đến phút lâm chung của mình, lúc ấy tôi không thể trình bày với Thượng đế mình chỉ là một người sống theo đúng pháp luật được. Điều đó có nghĩa rằng tôi không giải quyết công việc đơn thuần theo pháp luật…

– A! Hy vọng là tôi làm tròn bổn phận của mình. Chúng ta không nên thảo luận vấn đề này nữa. Như đã bàn bạc, chiều nay tôi đến nhà ông. Thỏa thuận với nhau sáu giờ mười lăm phút thay vì sáu giờ, nếu không có gì bất tiện cho ông. Tôi phải đi gặp một người trong làng.

– Đồng ý!

Ông đại tá vung vẩy chiếc can và bỏ đi. Khi quay lại tôi gặp ông Hawes, thầy trợ tế. Hình như ông này đang bị bệnh. Tôi định trách cứ về những công việc ông ấy đã làm, nhưng thấy ông như vậy tôi không nỡ.

Tôi phân tích những thiếu sót của ông nhưng ông không chịu thừa nhận. Cuối cùng ông thú nhận là mình đang ốm và hứa là sẽ làm theo những lời khuyên của tôi. Tôi cho ông ấy về nghỉ.

Về đến nhà, tôi ăn rất nhanh rồi tiến hành một vài cuộc thăm viếng. Griselda lợi dụng ngày thứ năm rỗi rãi để đi Londres.

Tôi trở về nhà lúc bốn giờ kém mười lăm phút chiều. Đang dự định chuẩn bị bài giảng đạo cho ngày chủ nhật tới thì Marie vào báo tin là Lawrence đang đợi tôi ở văn phòng.

Lawrence đang đi đi, lại lại trong phòng với vẻ lo âu. Anh ta mặt mày ngơ ngác và tái xanh. Thấy tôi, anh ta bất chợt quay trở lại và nói ngay :

– Ông Clément, tôi đã suy nghĩ những điều ông nói với tôi hôm qua; phải, tôi đã suy nghĩ rất kỹ; đêm hôm qua tôi không hề chợp mắt. Ông có lý: tôi phải cắt đứt chuyện này và ra đi.

– Con trai…

– Ông rất có lý khi nói về Anne. Ở lại đây, tôi sẽ gây ra cho cô ấy những phiền muộn… Cô ấy rất tốt… rất tốt… Phải, tôi phải đi. Tôi đã gây ra cho cô ấy nhiều phiền muộn rồi…

– Tôi cho rằng anh chỉ có thể có một quyết định. Cái đó đối với anh quả là nặng nề, nhưng hãy tin tôi, rồi anh sẽ thấy đây là cách tốt nhất.

Lawrence nói tiếp :

– Ông cần lưu ý tới Anne. Cô ấy cần có một người bạn.

– Tôi sẽ làm mọi việc mình có thể, anh cứ yên tâm.

– Cảm ơn ông Clément. (Anh ta bắt tay tôi). Ông rất tốt. Tối nay tôi đi gặp cô ấy để nói lời tạm biệt. Sau đó tôi về chuẩn bị hành lý để sáng mai đi sớm. Việc này không đáng gì so với một cơn hấp hối kéo dài. Xin cảm ơn ông đã cho tôi mượn nhà kho. Tôi lấy làm tiếc là chưa hoàn thành bức chân dung của bà Clément…

– Không nên bận tâm về cái đó, anh bạn. Tạm biệt. Thượng đế sẽ phù hộ anh.

Khi Lawrence ra về, tôi cói viết bài giảng đạo nhưng không được. Tôi không thể không nghĩ đến chàng trai khốn khổ ấy – cả anh ta và Anne.

Lúc năm giờ ba mươi phút, lúc tôi đang uống một tách trà nguội, thì có tiếng chuông điện thoại réo. Có người báo tin rằng ông Abott, ở trang trại cuối làng, đang hấp hối và mời tôi tới ngay.

Tôi gọi điện để báo tin này cho ông Prothéro vì trang trại ấy cách đây hai dặm (một dặm Anh bằng 1.609 mét – ND), tôi không thể trở về đúng sáu giờ mười lăm phút như đã hẹn với ông được. Tôi lại không biết đi xe đạp nữa.

Người ta cho biết đại tá Prothéro vừa ra khỏi nhà. Tôi đi sau khi bảo Marie rằng có thể tôi sẽ về vào lúc sáu giờ rưỡi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.