BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương hai : Bữa tiệc trà của Griselda



Griselda rất thích trêu chọc tôi. Khi ăn trưa xong, tôi có ý định chuẩn bị một bài giảng đạo thật hùng hồn. Nhưng lúc này tôi thấy mình bị xáo động và chán ngán.

Lúc tôi vừa viết được vài dòng thì Lettice, người con gái của ông Prothéro, ở đâu chạy vào phòng tôi như một luồng gió.

Tôi chủ định dùng khái niệm “như một luồng gió”. Tôi đã đọc những cuốn tiểu thuyết trong đó mô tả tuổi thanh niên hăng hái trong mọi hoạt động, sinh lực dồi dào, đó là một đặc ân của họ. Còn tôi, tôi thấy những chàng trai, cô gái đến gặp tôi đều có vẻ như những bóng ma đáng mến.

Buổi chiều hôm ấy, Lettice rất giống một bóng ma. Đó là một cô gái tóc vàng, cao lớn và xinh đẹp, bao giờ cũng như vừa từ cung trăng rơi xuống. Cô đi qua cửa sổ sát đất vào nhà như một luồng gió, bỏ chiếc mũ bê-rê trên đầu ra và nói bằng giọng ngạc nhiên :

– Này! Ông đấy ư?

Có một con đường hẻm luồn qua rừng từ nhà của ông Prothéro, đến hàng rào của vườn và đến ngay cửa sổ của văn phòng của tôi. Cái đó tránh khỏi phải đi theo con đường lòng vòng trong làng để đến cửa ra vào. Tôi không ngạc nhiên khi thấy Lettice đi con đường tắt này, nhưng tôi ngạc nhiên và bực mình nên buộc lòng phải nói :

– Khi tới nhà xứ thì cô phải ngồi đợi mục sư chứ!

Cô ta tiến lên, để rơi mình hơn là ngồi xuống một trong những chiếc ghế bành lớn trong nhà. Tay vuốt tóc, mắt nhìn lên trần nhà, cô hỏi :

– Denis có nhà không?

– Từ sau bữa ăn tôi không nhìn thấy nó. Tôi cho rằng nó đã đến nhà cô để chơi quần vợt.

– Ô! Tôi hy vọng là anh ấy không tới, vì chẳng có ai ở nhà cả.

– Nó nói rằng cô đã mời nó.

– Có thể; nhưng tôi mời anh ấy vào thứ sáu kia mà, hôm nay mới thứ ba.

– Hôm nay thứ tư rồi.

– Thật đáng chán. Đây là lần thứ ba tôi quên không tới nhà bạn bè để dùng bữa.

May mắn là cái đó không làm cho cô gái bực mình.

– Griselda có nhà không?

– Cô có thể tìm vợ tôi trong xưởng họa của Lawrence Redding ở cuối vườn.

– Tôi đã cãi nhau với cha tôi về chuyện của Lawrence. Ông biết cha tôi rồi đấy. Ông ấy rất dữ tợn.

– Câu chuyện về một người đàn bà ư?

– Không, Lawrence đã vẽ tôi trong bộ đồ tắm. Cha tôi đã phát hiện ra. Tôi không hiểu tại sao lại không thể vẽ tôi đang mặc đồ tắm được, vì như vậy tôi có vẻ đang đi dạo trên bờ biển.

Cô nghỉ một chút rồi nói tiếp :

– Thật là vô lý, nhưng cha tôi đã cấm tôi không được đến nhà anh ta nữa. Tất nhiên chúng tôi, Lawrence và tôi, đã được một mẻ cười. Tôi đến đây để tới xưởng vẽ của anh ta.

– A! Không… Nếu cha cô đã cấm thì tôi cũng phản đối việc cô tới đấy.

– Trời! – Lettice thở dài – Người lớn các ông hay lo ngại! Tôi thấy quá mỏi mệt, quá mỏi mệt. Nếu có tiền thì tôi đã đi xa rồi, nhưng không tiền nên đành chịu. A! Nếu cha tôi có lòng tốt mà chết đi, như vậy mọi việc đều tốt đẹp!

– Cô có thể nói như vậy được ư, Lettice?

– Tôi không muốn cha tôi chết nếu ông ấy chịu nhượng bộ về vấn đề tiền bạc. Tôi không ngạc nhiên khi thấy mẹ tôi phải bỏ ông ấy. Ông có biết tôi cứ tưởng là bà ấy chết rồi không? Tôi tự hỏi ông trẻ tuổi đi cùng bà là người thế nào? Ông ấy có đẹp trai không?

– Những chuyện đó xảy ra trước khi cha cô tới đây.

– Tôi tự hỏi mẹ đẻ tôi hiện nay ra sao? Tôi giả thiết rằng sau đó Anne đã có quan hệ với cha tôi. Bà mẹ kế ấy ghét tôi. Bà ta đối xử đứng đắn với tôi; nhưng bà ta rất ghét tôi. Bà ta không còn trẻ trung gì nữa nên cha tôi không hài lòng. Chắc chắn ông ấy sẽ bỏ bà ta vào một dịp nào đó.

Tôi bắt đầu tự hỏi cô Lettice có ý định ngồi suốt buổi chiều nay trong văn phòng của tôi không.

– Ông có nhìn thấy những chiếc đĩa nhạc của tôi đâu không? – Cô ấy hỏi tôi.

– Không.

– Thật là phiền. Không biết tôi đã để chúng ở đâu. Tôi cũng vừa đánh mất một con chó. Chiếc đồng hồ tay của tôi cũng không biết ở đâu, nhưng cái đó không có gì là quan trọng vì nó không chạy nữa. Trời! Tôi buồn ngủ quá! Tôi đang tự hỏi tại sao, vì tôi ngủ dậy lúc mười một giờ, cuộc sống thật nặng nề, đúng không? Tôi phải đi đây. Tôi phải đến xem nơi khai quật của giáo sư Stone.

Tôi nhìn đồng hồ bàn và thấy đã năm giờ kém hai mươi phút rồi.

– Thế ư? Thật đáng sợ. Tôi tự hỏi họ đang đợi tôi hay là họ đã đi rồi. Tốt nhất là tôi đến chỗ họ.

Cô gái đứng lên và vội vàng chạy đi sau khi quay lại bảo tôi :

– Ông nói cái đó với Denis, đúng không?

Tôi máy móc trả lời là được, nhưng khi cô đi khỏi thì tôi nhớ ra không biết mình phải nói với Denis cái gì. Rồi tôi thấy chuyện đó cũng chẳng có gì là quan trọng so với chuyện ông Stone. Giáo sư Stone là một nhà khảo cố học nổi tiếng, đang tạm trú tại nhà hàng Lợn lòi xanh, mới tới làng tôi thời gian gần đây, để khai quật trên cánh đồng của ông Prothéro. Đã có nhiều cuộc cãi vã giữa ông ta và ông đại tá về hưu và tôi thú vị khi thấy Lettice được ông Stone mời đến xem việc khai quật của mình.

Tôi chợt nghĩ Lettice là một cô gái điệu bộ. Không biết cô ấy có hợp với cô Cram, thư ký của nhà khảo cổ không. Cram là một cô gái hai mươi nhăm tuổi, đầy sức sống, thích ăn diện, thích những nơi náo nhiệt, miệng hình như nhiều răng so với mức bình thường.

Dân làng cũng có những ý kiến khác nhau về cô này: có phải cô vốn dĩ là người như vậy hay cô làm ra vẻ như vậy để mong sau này mình sẽ trở thành bà giáo sư Stone không?

Tôi cho rằng ngôi nhà của ông Prothéro có nhiều vấn đề. Ông đại tá tái kết hôn cách đây năm năm. Bà Prothéro mới là một thiếu phụ rất xinh đẹp nhưng tính nết có đôi chỗ khó hiểu. Tôi vẫn nghĩ rằng quan hệ giữa mẹ kế với con chồng không được êm đẹp lắm.

Tôi lại phải ngừng suy nghĩ. Lần này là thầy trợ tế của tôi, ông Hawes. Ông ấy muốn biết nội dung cuộc gặp gỡ của tôi với ông Prothéro. Tôi nói ông đại tá lấy làm tiếc về những ý kiến quá khích của mình, nhưng chắc rằng còn vấn đề gì nữa nên ông ấy mới tới đây. Tôi cũng chê trách cách xử sự của ông Hawes và buộc ông phải làm theo những quyết định của tôi. Ông Hawes công nhận những ý kiến của tôi là đúng.

Khi thầy trợ tế ra về, tôi cảm thấy ân hận vì mình đã không kịp thời giúp đỡ ông.

Tôi thở dài khi thấy đồng hồ đã chỉ năm giờ kém mười lăm (nhưng thực ra mới chỉ có bốn giờ rưỡi thôi; nhà tôi để đồng hồ nhanh mười lăm phút) và tôi đi ra phòng khách.

Bốn người trong giáo phận của tôi, tách trà trên tay, đang ngồi đấy. Griselda đứng ở đầu bàn; cô ấy đang cố gắng làm tròn bổn phận của bà chủ nhà, nhưng cô đã phải chạy đi, chạy lại quá nhiều.

Tôi bắt tay từng người và ngồi xuống ghế giữa bà Marple và bà Wetherby.

Bà Marple là một bà già tóc bạc, có vẻ hiền lành và đáng mến. Ngược lại bà Wetherby là người hay gây gổ, giọng chua như dấm. Tuy nhiên, người nguy hiểm nhất vẫn là bà Marple.

– Các bà thấy giáo sư Stone và cô Cram là những người như thế nào? – Griselda hỏi.

Tôi nhớ đến mấy câu vè của Denis châm chọc người nữ thư ký ấy và định bụng đọc lại để thăm dò phản ứng của những giáo dân của mình, nhưng may thay tôi đã kìm lại được.

Bà Wetherby nói :

– Không, một cô gái đứng đắn thì không ai làm việc này – Và bà mím đôi môi mỏng dính lại để tỏ vẻ phản đối.

– Không làm việc gì kia? – Tôi hỏi.

– Không làm thư ký cho một người đàn ông độc thân – Bà nói rõ hơn vẻ vẻ khinh bỉ.

– A! Bà bạn khốn khổ của tôi – Bà Marple nói – Nhiều người đàn ông có vợ rồi cũng tồi tệ không kém. Bà có nhớ chuyện bà Molie Carter bất hạnh không?

– Bà muốn nói những người chồng xa vợ ư? – Bà Wetherby hỏi lại.

– Và cả những người chồng có vợ kè kè bên cạnh nữa – Bà Marple lẩm bẩm – Tôi nhớ…

Tôi chán ngán và cắt đứt sự hồi tưởng lại ấy bằng cách nói :

– Hình như trong thời đại chúng ta đang sống, người phụ nữ cũng có thể làm những công việc của nam giới trong một điều kiện giống nhau.

– Một điều kiện là cùng với người đàn ông độc thân, về nông thôn, sống trong cùng một quán trọ ư? – Bà Price Ridley nghiêm khắc hỏi lại.

– Bà Wetherby nói thầm vào tai bà Marple :

– Hai phòng trên cùng một tầng lầu nữa!

Hai bà gật đầu nhìn nhau.

Bà Hartnell, một bà hay nói, lớn tiếng nhận xét :

– Người đàn ông khốn khổ ấy đã mắc bẫy mà không biết. Ông ta ngây thơ như đứa trẻ mới lọt lòng. Các vị sẽ thấy ngay thôi… Thật đáng tiếc. Ông ta lại hơn cô gái những hai mươi nhăm tuổi.

Bà ấy không nói nhiều hơn. cả bốn bà đều dừng câu chuyện này tại đây và nói sang những chuyện khác. Một bà nói về cuộc đi nghỉ của những đứa trẻ trong đội đồng ca, một bà nói về câu chuyện đáng tiếc trong cuộc họp của Hội các bà mẹ, bà thứ hai nói về những bức họa trong nhà thờ của chúng tôi. Bà Marple nhìn Griselda một cách ranh mãnh.

– Các bà không cho rằng – Vợ tôi nói – Cô Cram muốn tìm một công việc thú vị và cô ấy chỉ coi ông Stone như ông chủ của mình ư?

Mọi người yên lặng. Chắc chắn không bà nào tán thành ý kiến ấy. Bà Marple phá tan sự yên lặng bằng cách vuốt ve bàn tay của Griselda.

– Cô em thân mến – Bà nói – Cô còn trẻ quá. Và tuổi trẻ thì không độc ác.

Griselda bực mình cãi lại, nói tuổi trẻ cũng có thể độc ác.

– Tất nhiên – Bà Marple nói mà không để ý đến ý kiến không tán thành ấy – Cô bao giờ cũng nghĩ đến cái tốt cho mọi người.

– Xem nào, bà cho rằng cô ấy sẽ kết hôn với ông già hói trán ấy ư?

– Tôi cho rằng ông ta có tiền – Bà Marple nói – Tôi cũng cho rằng tính nết ông ta không đến nỗi xấu đâu. Bữa nọ đã chẳng có một trận cãi nhau giữa ông ta với đại tá Prothéro là gì?

Mọi cái đầu đều cúi xuống để nghe cho rõ.

– Ông đại tá nói ông ta là một kẻ dốt nát.

– Đối với ông Prothéro thì cái đó không làm tôi ngạc nhiên, thật là vô lý! – Bà Price Ridley nói.

– Tôi cũng vậy – Bà Marple ngắt lời bà Price Rieley – Đối với ông đại tá thì tôi không ngạc nhiên, nhưng còn nói vô lý thì… Bà có nhớ, ngày trước có một người đàn bà tới đây nói mình đi quyên tiền cho quĩ từ thiện không? Mụ ta biến mất sau khi thu được một số tiền lớn và sau đó người ta điều tra thấy mụ chẳng ở một hội từ thiện nào cả. Người ta thường rất dễ tin người, cho rằng ai cũng như mình.

Tôi không nghĩ đến việc xem xét bà Marple có phải là người đáng tin cậy hay không.

– Ông ta đã chẳng có chuyện với họa sĩ Lawrence cứu đấy ư? – Bà Wetherby hỏi.

Bà Marple gật đầu.

– Đại tá Prothéro đã tống cổ anh ta ra khỏi nhà mình; hình như anh chàng đã vẽ cô Lettice trong bộ đồ tắm thì phải. Các bà có thấy câu chuyện này rất đáng chú ý không?

– Tôi vẫn cứ cho rằng giữa những người này có một chuyện gì đó – Bà Price Ridley nói – Anh chàng này vẫn rình mò quanh quẩn nhà ông đại tá. Thật đáng tiếc là cô gái ấy không còn mẹ nữa. Một người mẹ kế thì chẳng ăn nhằm gì.

– Tôi cho rằng anh ta thích bà Prothéro kia. – Bà Hartnell nói thêm vào.

– Đúng là một thiên tiểu thuyết ái tình lãng mạn, các bà không thấy sao? – Bà Wetherby nhạy cảm nói – Chàng trai ấy có vẻ rất tốt.

– Một kẻ ăn chơi trụy lạc thì đúng hơn – Bà Hartnell cắt ngang – Các bà có thể hiểu khác đi thế nào? Một nghệ sĩ này! Paris này! Những cô người mẫu này! Tất cả!

– Vẽ một cô gái trong bộ đồ tắm thì không đứng đắn rồi. – Bà Price Ridley bất bình nói.

– Anh ấy cũng đang vẽ cho tôi. – Griselda nói mà không giữ ý.

– Nhưng không phải trong bộ đồ tắm. – Bà Marple cãi lại.

– Vâng, như vậy thì tệ quá. – Griselda long trọng khẳng định.

– Đừng có mà nghịch ngợm! – Bà Hartnell muốn tỏ ra rộng lượng nói, nhưng các bà khác đều phật ý.

– Cô bé Lettice đã kể cho ông nghe những chuyện buồn phiền của mình, đúng không? – Bà Marple hỏi tôi.

– Cô ấy đã kể ư?

– Phải, tôi thấy cô bé đã băng qua vườn để tới ô cửa sổ sát đất văn phòng của ông.

Bà Marple biết rõ mọi việc. Việc làm vườn của bà ấy chỉ là một cái cớ và việc nhìn những con chim bằng chiếc ống nhòm cũng thật đáng ngờ.

– Vâng, cô ấy đã kể lại với tôi. – Tôi thú nhận.

– Ông Hawes tỏ ra quá mệt mỏi – Bà Marple nói – Ông không giao cho ông ấy nhiều việc đấy chứ?

– Ồ! – Bà Wetherby vội kêu lên với vẻ đắc ý – Tôi quên không kể cho các bà nghe một chuyện thú vị. Trước khi tới đây tôi đã trông thấy ông bác sĩ Haydock từ nhà bà Lestrange đi ra.

Các bà nhìn nhau.

– Có thể là bà ấy ốm đau gì đó – Bà Price Ridley gợi ý.

– Trong trường hợp như vậy thì đây phải là một chứng bệnh bột phát, vì chiều nay, lúc ba giờ, tôi vừa thấy bà ấy đi dạo trong vườn. Lúc ấy bà ta còn rất mạnh khỏe.

– Có thể ông Haydock và bà ấy là bạn cũ – Bà Price Ridley nói – Ông ấy vốn là người thận trọng kia mà.

– Thật là lạ lùng, không thể tưởng tượng nổi – Bà Wetherby nói tiếp.

– Nói cho đúng ra… – Griselda bí mật nói nhỏ.

Và mọi cái đầu lại háo hức cúi xuống.

– Theo tôi biết – Griselda long trọng nói – Chồng bà Lestrange là một nhà truyền giáo – Đây là một câu chuyện khủng khiếp. Ông ấy bị dân bản xứ ở châu Phi giết và ăn thịt, đúng, ăn thịt. Bà vợ bị bắt buộc phải kết hôn với tên tù trưởng. Ông bác sĩ lúc ấy ở trong đoàn truyền giáo, đã cứu được bà.

Trong một lúc sự kinh ngạc lên tới cực điểm, rồi bà Marple đã nói bằng giọng chê trách nhưng kèm theo một nụ cười :

– Chuyện trẻ con! – Bà đập vào cánh tay Griselda – Việc cô vừa làm thật là dại dột, cô em. Nếu cô cứ dựng chuyện, có thể có người sẽ tin. Và nhiều khi cái đó dẫn đến những phiền phức khác.

Có sự khó chịu trong bữa tiệc trà. Hai bà đứng lên xin phép ra về.

– Tôi tự hỏi là đã có chuyện gì giữa Lawrence và Lettice – Bà Wetherby vẫn thắc mắc – Tôi chắc chắn là có cái đó. Bà Marple, bà nghĩ sao?

Bà Marple ra vẻ suy nghĩ.

– Tôi thì tôi không tin. Không phải với Lettice đâu mà với Lettice khác kia.

– Nhưng ông đại tá có cho là như vậy không?

– Đối với tôi ông ấy vẫn làm ra vẻ ngốc nghếch – Bà Marple nói – Đúng là loại người có một ý nghĩ sai lầm trong đầu mà không dám phanh phui ra. Bà còn nhớ lão Joc Bucknell, chủ cũ của quán Lợn lòi xanh không? Lão ta đã làm om xòm lên khi cho rằng gã Bailey ve vãn con gái lão. Nhưng đối tượng của gã này lại là cô vợ xỏ lá của lão kia!

Trong lúc nói bà ta nhìn tận mặt Griselda; tôi tức điên người lên.

– Bà Marple – Tôi bảo bà – Chúng ta không nên suy diễn, đúng không? Lòng nhân đức của những người công giáo là không nghĩ đến cái xấu, bà đã biết rõ. Người ta có thể gây ra nhiều tệ hại với những lời nói xấu của mình.

– Ông mục sư thân mến, ông đứng trên mọi sự việc ở đời này! Nhưng, đối với tôi, tôi lo ngại, vì từ lâu tôi đã nghiên cứu về tính cách của con người, tôi thấy điều tốt có ít thôi. Đúng là có những chuyện ngồi lê đôi mách của những kẻ lười biếng, thiếu lòng nhân từ, chẳng có gì bảo đảm, nhưng trong đó cũng có cái đúng, phải không?

Nói xong, bà Marple ra về.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.