BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI
Chương hai mươi mốt : Nhà thơ hiện đại và nhà khảo cổ
Tôi là một trong số người thán phục Raymond West. Ngoài việc là một văn sĩ có tài, anh còn là một nhà thơ nữa. Những bài thơ của anh không có con chữ nào viết hoa cả; tôi cho rằng đây là một loại thơ hiện đại. Còn những nhân vật trong tiểu thuyết của anh thì thường gây ác cảm với bạn đọc và có một cuộc sống vừa đau khổ, vừa tẻ nhạt.
Raymond là cháu gọi bà Marple bằng cô. Bà già nghe cháu nói chuyện với một sự chăm chú đáng khen ngợi, thỉnh thoảng có những cái nháy mắt bông đùa; tôi tin chắc rằng anh ta không nhận ra cái đó.
Chàng trai ấy được lòng Griselda với một sự nhanh chóng kỳ lạ. Họ lúc nào cũng nói chuyện về những vở kịch “hiện đại”. Những trang trí “hiện đại”. Griselda ra vẻ làm vui lòng Raymond nhưng tôi thấy cô ấy rất có cảm tình với anh.
Trong khi tôi nói chuyện với bà Marple, tôi nghe thấy anh ta nói đi, nói lại như một điệp khúc câu: “… anh như đã bị đem chôn”. Cái đó làm tôi bực mình. Và bất chợt tôi nói :
– Anh tưởng tượng rằng chúng tôi ở làng Mary Mead này chết cả hay sao?
Raymond ngoáy ngoáy điếu thuốc lá.
– Tôi cho rằng ngôi làng của ông như một chiếc ao tù.
Anh ta đợi chúng tôi kêu lên, nhưng không ai có phản ứng gì.
– Sự so sánh của cháu không hay đâu, Raymond thân mến – Bà Marple nói – vì ta không thấy cái gì sống hơn là một giọt nước trong cái ao tù ấy.
– Sống… nếu muốn nói như vậy là sống. – Nhà văn có tài nói.
– Cũng vậy thôi. – Bà Marple nói.
– Cô coi mình như một dân cư trong cái ao tù ấy ư?
– Không, cháu thân mến, nếu ta không nhầm thì trong cuốn sách cuối cùng của mình cháu đã nói một câu tương tự.
Những nhà văn có tài thường không thích người ta đối lập họ với những cuốn tiểu thuyết họ đã viết. Raymond cũng vậy.
– Cái đó thì hoàn toàn khác. – Anh ta nói ngay.
– Cuộc sống thực tế và cuộc sống trong sách đều giống nhau cả – Bà Marple bình tĩnh nói – Người ta sinh ra, lớn lên, gặp gỡ đồng loại, va vấp một đôi lần, rồi đám cưới, rồi sinh con đẻ cái…
– … Và rồi người ta chết – Raymond nói thêm – Và cái chết không kèm theo một giấy chứng nhận nào. Chết giữa lúc đang sống…
– Nói về cái chết – Griselda nói xen ngang – Anh nên biết trong làng vừa xảy ra một vụ án mạng.
Raymond xua đuổi tội ác bằng một làn khói thuốc lá.
– Một tội ác ư? Thật là thô bạo, một tội ác! Tôi không thích nói về cái đó.
Tôi không tin anh ta. Không ai có thể vô tâm với tội ác được. Những người bình thường như tôi và Griselda thì không khó khăn gì mà không tìm hiểu nhưng một người như Raymond lại nói mình không quan tâm đến nó ít nhất trong năm phút đồng hồ.
Nhưng bà Marple đã nói :
– Trong bữa ăn Raymond và tôi đã nói những chuyện khác.
– Tất nhiên tôi quan tâm đến mọi chuyện xảy ra ở địa phương. – Raymond nói và nhìn bà Marple rồi cười với vẻ chiều lòng.
– Anh có ý kiến gì không? – Griselda hỏi.
– Hợp lý nhất – Anh ta nói (và lại ngoáy ngoáy điếu thuốc lá) – Hợp lý nhất là chỉ có một người đã giết ông Prothéro.
– Thế ư? – Vợ tôi hỏi lại.
Chúng tôi nhìn vào miệng anh ta đợi câu trả lời.
– Đó là ông mục sư! – Anh ta chỉ vào tôi và khẳng định.
Tôi run người lên.
– Tất nhiên – Anh ta nói thêm – Tôi biết không phải là ông. A! Cuộc sống không đúng như nó phải thể hiện. Nhưng hãy hình dung tấn thảm kịch: người trông coi nhà thờ bị ông mục sư giết ngay tại nhà xứ. Thật tuyệt vời.
– Vì lý do gì? – Tôi hỏi.
– Động cơ ư? Thật thú vị.
– Một âm mưu, có được không? Tôi thích viết loại tiểu thuyết này. Tôi thấy nó rất phức tạp. Hàng tuần, hàng tháng, ông mục sư quan hệ với người ấy trong mọi buổị lễ; họ sống bên nhau trong nhà thờ. Nhưng ông mục sư vẫn ghét bỏ người kia. Không đúng với đạo đức. Sự ghét bỏ vẫn tăng lên và, một ngày nọ…
Raymond chấm câu với một cử chỉ khoa trương.
– Anh có thấy mình giống câu chuyện vừa kể không, Clément? – Griselda hỏi tôi.
– Không hề. – Tôi thật thà trả lời.
– Người ta đã nói với tôi – Bà Marple nêu ý kiến – Gần đây ông muốn ông ấy biến mất, đúng không?
(Thằng Denis đáng nguyền rủa! Nhưng dù sao tôi cũng có lôi. Tại sao tôi lại có ý nghĩ dại dột như vậy?)
– Đúng thế – Tôi nói – Tôi đã rất ngổc nghếch nhưng sáng hôm ấy ông ta không giận tôi.
– Đáng tiếc! – Raymond nói – Ông thấy không; nếu trong tiềm thức ông có ý định loại trừ ông Prothéro thì ông không có ý nghĩ ấy được.
Anh ta thở dài :
– Giả thuyết của tôi không đứng vững được. Phải xây dựng ở đây thành một vụ án mạng bình thường thôi. Một kẻ săn bắn trộm đã trả thù hoặc một cái gì đó tương tự.
Câu chuyện không đi xa hơn.
– Cô Cram vừa đến thăm tôi – Bà Marple nháy mắt và nói – Chỉ là một cái cớ để nói chuyện thôi.
– Và cô ta đã nói gì? Tôi thấy không ai hay đặt điều như cô ta.
– Một loạt câu chuyện mà tôi không hỏi; về bản thân cô ấy, về những người đã chết ở Ấn Độ, và nhiều chuyện khác nữa. Ông có biết cô ấy nghỉ cuối tuần ở nhà ông Prothéro không?
– Không.
– Tôi không biết Anne đã mời cô ấy hay là cô ấy đã gợi ý dưới lý do nào, làm thư ký chẳng hạn… Bà Prothéro có nhiều thư từ phải trả lời! Cái đó dễ thôi vì giáo sư Stone không ở nhà, cô ấy rỗi việc…
– Stone ư? – Raymond hỏi lại – Ông ấy là nhà khảo cổ, đúng không?
– Đúng, ông ta khai quật trên cánh đồng của ông Prothéro.
– Đó là một người nổi tiếng – Raymond nói – Cháu đã gặp ông ấy trong một bữa tiệc cách đây không lâu. Cháu và ông ấy đã có một cuộc nói chuyện thú vị. Cháu phải gặp lại ông ấy mới được.
– Anh không gặp may rồi – Đến lượt tôi nói – Vì ông ta đã đi nghỉ cuối tuần ở Londres. Trưa nay anh đã gặp ông ta ở nhà ga đấy.
– Nhưng tôi gặp ông kia mà, ông mục sư. Người đi bên ông lúc ấy là một ông thấp bé, mang kính.
– Phải, ông Stone đấy.
– Không phải, ông mục sư thân mến, đấy không phải là ông Stone!
– Thế nào? Thế nào? Đấy không phải là ông Stone ư?
– Dù sao đấy cũng không phải là Stone, nhà khảo cổ. Tôi biết ông ấy rất rõ. Không, người ấy không phải là ông Stone, kể cả hơi giống ông Stone.
Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau. Tôi bảo bà Marple.
– Thật kỳ lạ.
– Chiếc va-li… – Bà Marple lên tiếng.
– Nhưng tại sao? – Griselda hỏi.
Bà Marple nói tiếp :
– Cái đó làm tôi nhớ lại một kẻ giả danh làm thợ sửa chữa đường ga đi vào từng nhà…
– Một kẻ lừa đảo – Raymond nói – A! Việc này trở nên thú vị đây!
– Cái cần biết là xem ông ta có liên quan gì đến cái chết của ông Prothéro không?
– Không hẳn thế, nhưng…
Và tôi nhìn bà Marple.
– Lại một điều kỳ lạ nữa – Bà già nói – Một điều kỳ lạ khác hẳn.
– Phải – Tôi nói và đứng lên – Phải báo ngay cho ông thanh tra cảnh sát.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.