BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương hai mươi năm : Những chuyện ngồi lê đôi mách



Tôi cố xua đuổi ý nghĩ mình vừa nhận được một bức thư nặc danh. Sự vu khống bôi bẩn tất cả.

Tôi cầm ba lá thư kia, nhìn đồng hồ và ra đi. Tôi tự hỏi làm thế nào cùng một lúc biết chuyện muốn nói của ba bà già này. Chắc chắn là cùng một sự việc. Tôi sẽ dùng tâm lý học để kiểm tra lại.

Tôi tới đồn cảnh sát trước tiên. Tôi muốn biết ông thanh tra đã làm xong công việc ở nhà ông Prothéro chưa.

Tới đồn, tôi thấy cô Cram đang ngồi trước bàn giấy.

Cô ta chối rằng mình không mang chiếc va-li vào trong rừng.

– Ông thẩm vấn tôi chỉ vì lời nói của bà già ngồi lê đôi mách, không có việc gì để làm, nhìn ra cửa sổ vào ban đêm ư? Xin ông nhớ cho bà ta đã nhầm lẫn khi nói tôi đứng ở đầu đường vào cái ngày xảy ra vụ án mạng ấy. Nếu ban ngày mà bà ta còn nhầm lẫn vậy dưới ánh trăng ban đêm thì tránh sao khỏi. Các bà già ấy có thể nói bất cứ điều gì. Còn tôi, tôi đang ngủ say trên giường của mình! Ông phải xấu hổ vì chuyện này.

– Nếu những người nhà ông Prothéro nhận ra chiếc va-li này thì sao, cô Cram?

– Nếu vậy thì họ đã nhầm to. Không có tên, không có địa chỉ trên chiếc va-li. Mọi người đều có thể có chiếc va-li giống như vậy.

– Cô Cram, cô từ chối giải thích cho chúng tôi chuyện này ư?

– Tôi không từ chối điều gì. Ông đã nhầm, đó là tất cả. Ông và bà Marple của ông tạo ra mọi chuyện. Tôi không nói thêm một lời nào nữa. Tôi sẽ nói với sự có mặt của người luật sư của tôi. Tôi đi đây, nếu ông không bắt giam tôi.

Thay vì trả lời, ông Landormy đứng lên và mở cửa. Ngẩng cao đầu, cô Cram đi ra.

– Thái độ của cô ấy như vậy đấy – Ông thanh tra nói và ngồi xuống ghế – Cô ấy chối cãi tất cả. Có thể là bà già đã nhầm lẫn thật. Không một quan tòa nào có thể chấp nhận việc người ta nhìn rõ người dưới ánh trăng trong một khoảng cách như vậy. Phải, bà già có thể nhầm lẫn.

– Cũng có thể, nhưng thông thường thì bà Marple có lý. Do đó bà được mọi người kính trọng.

Viên thanh tra càu nhàu.

– Phải, ông Hurst cũng nói như vậy. Trời, một ngôi làng khó hiểu!

– Thế còn món đồ bằng bạc thì sao, ông thanh tra?

– Vẫn bình thường. Tất nhiên có thể có một đôi thứ là của giả. Nhưng ở Much Benham có một chuyên gia giỏi. Tôi đã gọi điện thoại cho ông ta và cho xe hơi đi đón. Chúng ta sẽ biết rõ thôi. Vì vụ ăn cắp đã hoặc sẽ xảy ra. Cả hai trường hợp cũng vậy thôi. Vụ ăn cắp không quan trọng bằng vụ giết người. Stone và cô Cram không dính líu vào vụ án mạng. Vậy tốt hơn cả là để cô ta đi…

– Tôi tự hỏi…

– Đáng tiếc cho Lawrence. Ít có người như vậy. Anh ta đang bị mọi người tẩy chay.

– Đúng thế. – Tôi mỉm cười xác nhận.

– Các bà già thường làm phiền ông. – Ông thanh tra nghiêm trang nói.

Ông ta thở dài sau đó nói tiếp :

– Vẫn có ý kiến về Archer.

– Ông định tố cáo anh ta ư?

– Đúng thế, đây là ý nghĩ đầu tiên đến với tôi. Có những lá thư nặc danh nói rõ về hắn ta.

– Thư nặc danh ư? Ông thường nhận được những lá thư nặc danh ư?

– Ô! Chuyện thường thôi. Chúng tôi nhận được hàng tá thư loại đó mỗi ngày. Phải, người ta nói là phải đề phòng Archer. Hắn bị nghi ngờ ngay từ đầu. Cái phiền là hắn có chứng cứ ngoại phạm. Cái đó không có mấy ý nghĩa, nhưng không thể coi thường nó.

– Ông muốn nói gì khi cho rằng chứng cứ ngoại phạm ấy không mấy ý nghĩa?

– Thế này, buổi chiều hôm ấy hắn đã đi cùng hai người bạn. Một lời làm chứng như vậy thì không mấy giá trị. Những kẻ như Archer và đồng bọn thì có thể thề về bất cứ chuyện gì. Người ta không thể tin vào lời chúng nói. Nhưng mọi người lại không hiểu như vậy. Hội đồng xét xử bao gồm nhiều thành phần. Họ không hiểu gì cả; mười trong số mười hai vị ấy tin vào nhân chứng mà không chú ý đến tư cách của những người này. Nhưng ông yên tâm, Archer đã viện Thượng đế tối cao mà thề rằng hắn không phải là thủ phạm.

– Anh ta không được tin tưởng như Lawrence. – Tôi mỉm cười.

– Không phải như vậy đâu! – Ông thanh tra nói.

– Người ta chú trọng nhiều đến quá khứ của anh ta. – Tôi nói to.

– Ông sẽ rất ngạc nhiên khi biết nhiều bị cáo gây được cảm tình với hội đồng xét xử. – Viên thanh tra buồn rầu nói.

– Ông có tin rằng Archer là thủ phạm không?

Tôi ngạc nhiên khi thấy, ngay từ đầu, ông Landormy không có ý kiến cá nhân về vụ án. Ít nhiều ông ta chỉ căn cứ vào lời khai của nhân chứng.

– Tôi muốn biết chắc chắn hơn. A! Nếu có một dấu vân tay hoặc một vết chân chân! Hoặc người ta đã nhìn thấy hắn quanh quẩn ở nhà xứ lúc ấy. Lúc này thì chưa thể bắt giam hắn được. Người ta chỉ thấy hắn đến gần nhà Lawrence, nhưng là để nói chuyện vỏi bà mẹ. Bà mẹ của Archer là một người can đảm.

A! Nếu tôi có được một chứng cứ, chứng cứ tống tiền chẳng hạn. Nhưng người ta đã biết cái gì là chính xác trong vụ này? Chỉ toàn là lý thuyết, lý thuyết, lý thuyết. Thật đáng tiếc, chỉ có một bà già như vậy trong làng này, ông Clément. Tôi đánh cuộc rằng bà ta sẽ nhìn thấy những cái phải để mắt đến.

Tôi tạm biệt ông Landormy. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông ta tỏ ra dễ chịu!

Người tôi đến đầu tiên là bà Hartnell. Có lẽ bà ta đã đứng trong cửa sổ rình tôi vì tôi chưa kịp bấm chuông thì cánh cửa đã mở ra. Bà ta bắt tay tôi và dẫn tôi vào trong nhà.

– Ông thật đáng mến khi tới nhà! Vào đây, chúng ta có thể nói chuyện dễ dàng hơn.

Chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, lớn hơn chuồng thỏ một chút. Bà Hartnell đóng cửa và bí mật chỉ cho tôi một chiếc ghế (trong phòng chỉ có ba chiếc). Bà ta có vẻ rất thích thú.

– Tôi không phải là một phụ nứ thích những chuyện ngồi lê đôi mách. – Bà mở đầu câu chuyện.

Rồi bà hạ giọng :

– Ông không nghe thấy trong làng người ta nói gì ư?

– Không may là tôi không nghe thấy gì.

– Chúng ta đồng ý với nhau. Không ai ghê tởm những chuyện như vậy bằng tôi. Tôi thấy mình có bổn phận phải nói với ông thanh tra rằng tôi đã đến nhà bà Lestrange buổi chiều hôm ấy và bà ta không ở nhà… Tôi không muốn được cảm ơn vì tôi chỉ làm theo bổn phận của mình. Trên thế gian này, người ta chỉ gặp những chuyện vô ơn. Như hôm qua, ông Baker…

– Phải, phải – Tôi nói ngay để tránh nghe câu chuyện dài dòng – Đúng thế. Thật đáng buồn. Nhưng bà nói rằng…

– Người ta không biết đâu là một người bạn tốt. Khi gặp những người nghèo khó, tôi có đôi lời an ủi họ. Ôỉ Không bao giờ tôi được người ta biết đến…

– Bà đã nói với ông thanh tra rằng mình đã đến nhà bà Lestrange ư?

– Đúng thế… Nhưng ông ta không chú ý. ông ta nói khi cần thì ông ta hỏi tôi những tin tức mới… Ông ta không nói chính xác như vậy, nhưng cũng thế thôi. Tôi không biết cách người ta tuyển dụng cảnh sát ra sao nữa!

– Tôi cũng vậy. Nhưng bà muốn nói với tôi điều gì?

– Từ nay tôi thề là không nói những chuyện bí mật với những con người ấy nữa. Dù sao ông mục sư cũng là một người tốt…

Bà ta nói rõ hơn :

– Có những mục sư…

Tôi cũng đoán ra được bà ta xếp tôi vào loại nào trong số các mục sư.

– Nếu tôi có thể giúp bà được việc gì… – Tôi mở đầu câu chuyện.

– Tôi có ý thức hoàn thành bổn phận của mình – Bà Hartnell tặc lưỡi nói – Tôi không muốn kể lại những chuyện ấy. Tôi kinh tởm những cái đó. Nhưng bổn phận là bổn phận.

Tôi vẫn lắng nghe.

– Người ta cho tôi biết – Mặt hơi đỏ lên, bà ta nói tiếp – rằng bà Lestrange nói rằng bà ta ở nhà cả buổi chiều và bà ta không mở cửa chỉ vì… bà không thích tôi. Thực ra tôi tới nhà bà là để làm bổn phận của mình. Nhưng bà ta đã đối xử với tôi như vậy đấy.

– Bà ấy bị mệt. – Tôi ôn tồn nói.

– Mệt ư? Thật là chuyện nhảm nhí! Ông dễ tin người, ông Clément. Bà ta không mệt. Đúng là bà ta không dự phiên tòa! Với một giấy chứng nhận của bác sĩ Haydock! Nhưng bà ta đã xỏ mũi ông bác sĩ… Tôi nói đến đầu rồi nhỉ!

Tôi không trả lời. Với bà Hartnell người ta không thể phân biệt đâu là nội dung câu chuyện, đâu là lời bình luận ít nhiều độc ác như bà ta thường sử dụng.

– A! Phải, tôi nói đến đoạn tôi đến nhà bà Lestrange. Nói rằng mình ở nhà suốt buổi chiều là bà ta nói dối vì tôi biết rõ là bà ta không có mặt ở nhà.

– Sao bà biết?

Mặt của bà Hartnell đỏ lên. Người không biết có thể cho rằng bà ta ít nói.

– Tôi đã gõ cửa – Bà ta giải thích – Và tôi bấm chuông hai lần, nếu không phải là ba. Bất chợt tôi cho rằng chuông đã hỏng.

Tôi thấy bà Hartnell có vẻ hài lòng khi nói như vậy tuy bà không dám nhìn thẳng vào mặt tôi.

– Tôi không muốn cho danh thiếp vào thùng thư, như vậy là không lịch sự và, mặc dầu có nhiều nhược điểm có thể có, tôi không phải là người bất lịch sự.

Bà Hartnell nói một cách thản nhiên.

– Rồi tôi nghĩ là nên đi một vòng xung quanh nhà, gõ vào cửa kính. Tôi nhìn qua các cửa sổ: không có ai cả, tuyệt đối không có ai cả.

Tôi hình dung sự việc đã xảy ra. Cho rằng trong nhà không có người, bà Hartnell muốn thỏa mãn sự tò mò của mình. Bà ta muốn kể cho tôi nghe vì thấy tôi là người dễ tin hơn là ông thanh tra cảnh sát.

Tôi chỉ đơn giản đặt ra một câu hỏi :

– Lúc ấy là mấy giờ, bà Hartnell?

– Theo tôi nhớ, thì có thể là gần sáu giờ. Tôi về đến nhà thì sáu giờ mười. Bà Prothéro tới nhà xứ vào lúc sáu giờ rưỡi. Và trong khoảng thời gian ấy ông đại tá khốn khổ chết gục trên bàn giấy! Thế gian này thật đáng buồn làm sao!

– Đúng là một thế gian rất khó chịu.

Tôi đứng lên.

– Đó có phải là những điều bà muốn nói với tôi không?

– Tôi cho rằng chúng có thể có một giá trị nào đó.

– Có thể là như vậy.

Không muốn nghe thêm nữa, tôi rút lui trước vẻ thất vọng của bà Hartnell.

Bà Witherby đón tiếp tôi một cách rất nồng nhiệt.

– Ông mục sư, ông rất đáng mến! Ông dùng trà nhé? Ông không muốn dùng gì ư? Mời ông ngồi lên chiếc ghế bành này. Ông đến nhanh như vậy thì thật là tốt. Ông tận tâm với mọi người.

Câu chuyện được tiếp tục bằng cái giọng ấy. Bà Witherby nói vòng vo trước khi đi vào sự việc.

– Trước hết ông nên biết tôi có những nguồn tin chính xác. Ở làng Saint Mary Mead này nguồn tin chính xác thường do những người giúp việc đưa ra!

– Bà không muốn nói rõ hơn ư?

– Không, tôi đã hứa là sẽ giữ bí mật, ông Clément. Với tôi lời hứa là cái rất thiêng liêng.

Bà ta nói một cách long trọng.

– Cứ cho rằng một con chim nhỏ đã nói với tôi như thế này…

Thật là ngu ngốc. Tôi quán át sự phản ứng của người đối thoại.

Nhưng bà ta đã nói tiếp :

– Con chim nhỏ nói với tôi rằng nói đã trông thấy một bà mà tên tuổi cũng không được nêu lên.

– Một con chim nữa ư?

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bà Witherby bật cười vỗ vào vai tôi.

– Ông mục sư thân mến – Bà ta vui vẻ nói – Ông cũng là người thích đùa.

Sau khi lấy lại vẻ nghiêm trang, bà thực hiện cái bổn phận nói tiếp :

– Phải, một bà nào đó… Và ông có biết bà này đi đâu không? Bà ta đi trước cửa nhà xứ, mắt nhìn về phía chân trời nhưng thực ra đang quan sát xem có ai theo dõi mình không.

– Và con chim nhỏ ấy đã làm gì? – Tôi hỏi.

– Nó đến cửa hàng cá.

Tôi biết những cô hầu trong làng thường đi lang thang mọi nơi mỗi khi ra khỏi nhà chủ.

– Lúc ấy là gần sáu giờ. – Bà Witherby cúi đầu xuống nói với vẻ bí mật.

– Vào ngày nào?

Bà Witherby kêu lên :

– Vào ngày xảy ra vụ án mạng. Tôi chẳng đã nói với ông rồi sao?

– Tôi không tin. Bà ta tên là gì?

– Tên bà ta bắt đầu bằng con chữ L.

Bà Witherby không nói gì thêm. Cho rằng tin tức của bà dã cạn, tôi đứng lên.

– Ông sẽ không nói gì với cảnh sát đấy chứ? – Bà ta nói khi bắt tay tôi – Tôi sợ phải đứng trả lời trước tòa.

– Trong nhiều trường hợp – Tôi nói – Tòa cũng cho phép nhân chứng ngồi để khai báo.

Tôi ra về trước vẻ bối rối của bà Witherby.

Tôi còn phải gặp bà Price Ridley nữa. Bà này đi thảng vào vấn đề :

– Tôi không muốn dính líu với các cơ quan pháp luật – Bà Price Ridley tuyên bố khi bắt tay tôi – Ông hiểu tôi chứ? Mặt khác khi thấy có chuyện gì tôi muốn các quan chức chính quyền được báo trước.

– Về chuyện bà Lestrange ư? – Tôi hỏi.

Bà ta ngạc nhiên nhìn tôi.

– Đây là một việc rất đơn giản – Bà ta nói tiếp – Con hầu Clara của tôi đã ra hàng rào để hít thở không khí trong vài phút. Đó là nó nói, còn tôi thì cho rằng nó ra đợi thằng bé đưa cá. Thằng bé đã mười bảy tuổi, có thể ve vãn bọn con gái được rồi. Tôi nói đến đâu nhỉ? A! Phải, Clara đang đứng ở đấy thì nó nghe thấy một tiếng hắt hơi khác thường.

– A!

Tôi đợi bà nói tiếp.

– Đó là tất cả – Bà Price Ridley nói – Tôi nhắc lại: nó đã nghe thấy tiếng hắt hơi. Có thể là ông cho tôi đã nhầm lẫn và Clara mới chỉ có mười chín tuổi chăng?

– Vâng, có thể cô ta đã nghe thấy một tiếng hắt hơi, nhưng cái đó có nghĩa lý gì?

Bà Price Ridley nhìn tôi với vẻ thương hại.

– Nó nghe thấy tiếng hắt hơi ấy vào cái ngày xảy ra vụ án, vào thời điểm trong nhà ông không có ai cả. ông hiểu chứ? Kẻ giết người lúc ấy đang rình rập ở đâu đó xung quanh nhà xứ. Ông chỉ có một việc cần làm ngay: tìm ra người bị cảm cúm trong ngày hôm ấy.

– Thưa bà, tôi thấy rất dễ dàng để tìm ra bí mật này. Cô hầu nhà tôi bị cảm cúm mấy hôm nay chưa khỏi hẳn. Cô ta thường hắt hơi! Có lẽ cô hầu nhà bà đã nghe thấy…

– Đây là tiếng hắt hơi của đàn ông kia! – Bà Price Ridley ngắt lời tôi – Hơn nữa, đứng ngoài hàng rào thì không thể nghe thấy tiếng hắt hơi từ trong bếp của con hầu nhà ông được.

– Bà cũng không thể nghe thấy tiếng hắt hơi từ văn phòng của tôi được. Tôi nghi ngờ chuyện này.

– Tôi đã nói với ông là hắn đang rình rập xung quanh nhà xứ. Sau khi Clara bỏ đi thì hắn qua cửa chính để vào nhà.

– Mọi cái đều có thể.

Tôi cố nói bằng giọng tin chắc nhưng không được và bà Price Ridley nhìn tôi với vẻ nghi ngờ.

– Ô! Tôi biết người ta thường không hiểu điều tôi nói.

– Tôi thì tôi hiểu chứ.

– Tôi rất yên tâm. Đó là tất cả những điều tôi muốn nói.

Bà Price Ridley ngả đầu ra phía sau, mắt nhắm lại như đã quá mệt mỏi vì cuộc sống. Tôi cảm ơn và chào tạm biệt bà.

Ra đến cửa tôi gặp Clara.

– Đúng thế, thưa ông, đúng thế. Tôi đã nghe thấy tiếng hắt hơi. Và xin thề với ông đây không phải là một tiếng hắt hơi bình thường!

Tất cả những gì liên quan đến tội ác đều không bình thường cả. Tiếng nổ cũng không bình thường. Tiếng hắt hơi cũng vậy. Có thể đây là tiếng hắt hơi đặc biệt của bọn giết người.

Tôi hỏi cô gái lúc ấy là mấy giờ. Cô ta trả lời rất mơ hồ: có thể là giữa sáu giờ mười lăm phút và sáu giờ rưỡi. Dù sao cái đó cũng xảy ra trước lúc bà chủ nghe thấy cú điện thoại định mệnh ấy.

Tôi hỏi cô ta có nghe thấy tiếng nổ nào đó không. Cô ta nói mình đã nghe thấy một tiếng nổ khá to. Tóm lại, không nên tin chắc vào lời của Clara.

Trước khi tới hàng rào, tôi có ý định đến thăm một người bạn. Tôi nhìn đồng hồ tay: tôi còn đủ thời gian làm việc này trước buổi lễ tối nay. Tôi đến nhà ông Haydock. Ông bác sĩ có vẻ buồn phiền. Vụ án đã làm ông già đi một phần.

– Tôi rất hài lòng khi được gặp ông – Ông ấy nói – Có gì mới không?

Tôi cho ông ấy biết những khám phá mới về Stone.

– Một tên kẻ cắp tầm cỡ! – Ông kêu lên- Cái đó giải thích nhiều vấn đề. Lão ta đã khôn khéo “cải trang” nhưng, đối với tôi, lão ta đã phạm nhiều sai lầm. Có lẽ ông Prothéro cũng đã nhận ra cái đó. Ông nhớ hai người đã cãi nhau không? Ông nghĩ như thế nào về cô Cram? Cô ấy có dính líu vào vụ này không?

– Chưa thể biết được. Tôi thì tôi không tin… Cô ta khá ngu ngốc.

– Tôi thì khác. Tôi thấy cô ấy khá tế nhị. Và cô ấy rất mạnh khỏe, không hề làm phiền đến các đồng nghiệp của tôi.

Tôi còn nói với ông Haydock sự lo ngại về ông Hawes, thầy trợ tế của tôi và tôi nói thêm rằng tôi muốn ông ta có thời gian nghỉ ngơi. Haydock có vẻ khó chịu. Giọng nói của ông rất khó hiểu.

– Phải như vậy là tốt – Ông chậm chạp nói – Một chàng trai khốn khổ! Một chàng trai khốn khổ!

– Tôi cho rằng ông không thích ông ấy lắm, đúng không?

– Đúng thế. Nhưng tôi thương hại những người tôi không ưa thích!

Sau một lúc im lặng, ông Haydock nói thêm :

– Tôi rất thương hại số phận của ông Prothéro. Ông già khốn khổ! Không ai ưa ông ta cả! Ông ta rất tự cao và kiêu ngạo! Ông ta vẫn như vậy từ thời còn trẻ tuổi.

– Ông quen ông Prothéro? Tôi không biết…

– Đúng thế. Tôi quen ông ấy từ thời còn ở Westmorland. Đã lâu lắm rồi. Hai chục năm về trước.

Hai chục năm – Tôi nghĩ. Griselda hai mươi tuổi. A! Thời gian thật là kỳ cục.

– Đó là những chuyện ông muốn nói với tôi ư, ông Clément?

Tôi ngạc nhiên về câu hỏi ấy. Ông Haydock nhìn tôi chằm chằm.

– Còn một chuyện nữa, đúng không? – Ông ấy hỏi.

Tôi ra hiệu là đúng.

Khi tới đây, tôi đã tự hỏi có nên nói chuyện này hay không. Tôi quyết định là mình phải nói. Tôi yêu Haydock hơn bất cứ ai trên đời này. Đó là một người tốt hiểu theo mọi nghĩa của từ này. Tôi thấy nói điều này với ông là có ích.

Tôi kể lại câu chuyện giữa tôi với bà Hartnell và bà Witherby.

Ông bác sĩ yên lặng một lúc rồi lên tiếng :

– Đúng thế, ông Clément, đúng thế. Bà Lestrange là một người bạn cũ của tôi. Nhưng tôi hành động không vì lý do ấy. Giấy chứng nhận mà tôi cấp cho bà ấy chỉ nhằm tránh cho bà những phiền muộn như ông đã đoán ra thôi.

Ông ta ngừng nói một lúc.

– Nói riêng với nhau được không, ông Clément? Bà Lestrange đang trong tình trạng nguy hiểm.

– Thế nào?

– Bà ấy sắp chết vì một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi cho rằng bà ấy chỉ sống được một tháng nữa thôi, một tháng, không hơn. Bây giờ thì ông hiểu tại sao tôi muốn tránh cho bà ấy bị thẩm vấn trước tòa chứ?

Sau một lúc yên lặng, ông nói tiếp :

– Khi người ta thấy bà ấy đi trên đường vào buổi chiều phi thường ấy đó là lúc bà ấy tới nhà tôi.

– Ông chưa bao giờ nói chuyện này…

– Tôi không muốn câu chuyện đến tai những bà ngồi lê đôi mách. Lúc ấy không phải là giờ khám bệnh, đúng thế. Nhưng ông có thể tin là hôm ấy bà Lestrange đến nhà tôi.

– Tuy nhiên bà ta không còn ở đây khi tôi cho người đến tìm ông khi phát hiện ra xác chết, đúng chứ?

– Không… (ông bác sĩ có vẻ bối rối). Bà ấy đã đi. Bà có một cuộc hẹn.

– Hẹn ở đâu? Ở nhà bà ta ư?

– Tôi không biết, ông Clément. Lời danh dự mà nói, tôi không biết gì cả.

Tôi tin ông. Tuy nhiên…

– Thế một người vô tội bị treo cổ thì sao? – Tôi hỏi.

Ông Haydock lắc đầu.

– Không. Sẽ không có ai bị treo cổ sau vụ án mạng này. Ông cứ tin ở tôi.

Tôi không tin là như vậy, nhưng có một sự tin chắc trong giọng nói của ông.

– Sẽ không có ai bị treo cổ cả. – Ông ấy nhắc lại.

– Thế còn Archer thì sao?

– Anh ta không khôn ngoan đến mức lau chùi dấu vân tay trên súng sau khi bắn đâu.

– Cái đó thì đúng rồi.- Tôi nói.

Một ý nghĩ thoáng trong óc, tôi lấy trong túi ra một mẩu kim loại màu nâu đã nhặt được trong rừng ra. Tôi đưa nó cho ông và hỏi đây là cái gì.

– Hừ! Hừ! – Ông Haydock ngập ngừng nói – Đây là a-xít py-rích. Ông thấy nó ở đâu?

– Đó là bí mật của Sherlock Holmes.

Ông ấy cười.

– A-xít py-rích có những tính chất gì?

– Thế nào? Ông không hiểu ư? Đó là một chất nổ…

– Chắc chắn là như vậy, nhưng nó còn được dùng để làm gì nữa?

Ông bác sĩ gật đầu.

– Dùng để chữa bệnh, đặc biệt là điều trị các vết bỏng. Thật là kỳ diệu.

Tôi đưa tay ra, ông Haydock bất đắc dĩ phải trả tôi mảnh kim loại ấy.

– Chắc chắn là nó ít giá trị – Tôi nói – Nhưng tôi đã thấy nó ở một nơi rất bất ngờ.

– Ông không muốn nói là ở đâu ư?

Tôi không nói. Đã có nhiều chuyện bí mật. Tôi cũng phải giữ những bí mật riêng của mình.

Tôi rất khổ tâm khi nghĩ đến việc ông Haydock có thể cho rằng tôi không tin ông sau khi tôi ra về.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.