BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương hai mươi sáu : Những lập luận của bà Marple



Tôi có nhiều tâm tư khi lên bục giảng tối hôm ấy. Nhà thờ từ trước tối nay chưa bao giờ đông người đến như vậy. Tôi không tin rằng giáo dân đến để nghe ông Hawes giảng đạo. Bài giảng cua ông Hawes cung chuẩn bị rất chu đáo trong chừng mực có thể. Và nếu cái tin tôi làm việc này thay ông ta được lan truyền thì cũng không phải là lý do để mọi người đến dự đông đủ.

Tôi kết luận rằng mọi người tới đây để nghe giảng kinh đồng thời có dịp để trò chuyện đôi chút dưới vòm cuốn của nhà thờ khi ra về.

Ông Haydock, người không bao giờ đi lễ nhà thờ, cũng có mặt, và Lawrence cũng vậy. Tôi cũng rất ngạc nhiên, ngồi bên Lawrence là ông Hawes mặt mày xanh sao với những nếp hằn sâu. Anne Prothéro, người có thói quen đi lễ vào buổi tối mỗi chủ nhật cũng đang ngồi kia. Tôi cứ nghĩ rằng hôm nay bà ta không tới. Tôi cũng có phần ngạc nhiên thấy Lettice đi dự tối nay. Ông đại tá Prothéro trước kia vẫn bắt buộc cô phải đi dự lễ buổi sáng; đây là lần đầu tiên tôi thấy cô không làm theo ý muốn của cha cô.

Tôi cũng nhìn thấy Cram. Ngồi bên các bà già, cô gái có vẻ xinh đẹp và tràn đầy sức sống, ở cuối phòng còn có cả bà Lestrange, bà Price Ridley, bà Hartnell, bà Witherby và bà Marple nữa… Nói tóm lại cả làng đều có mặt. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh xum họp đông đúc đến như vậy.

Tác dụng của đám đông thật là lạ lùng. Nó tạo ra một bầu không khí cuốn hút lẫn nhau và tôi là người đầu tiên cảm thấy cái đó.

Theo thói quen, tôi chuẩn bị bài giảng đạo trước. Sau đó tôi đọc một cách cẩn thận và có ý thức; không hề va vấp và khuyết điểm.

Tối hôm nay tôi nói một cách bất ngờ, không chuẩn bị. Một sự ngạc nhiên thể hiện trên các khuôn mặt đang hướng về phía tôi. Một điều kỳ lạ, tôi thấy mình như là phái viên của Thượng đế và đã biến thành một diễn viên. Trước mặt tôi là một đám đông công chúng và tôi muốn thuyết phục số quần chúng ấy. Tôi thấy mình có thể lay chuyển được họ.

Khi nghĩ đến việc này, tôi không hài lòng lắm về những việc tôi đã làm. Tôi không phải là loại người thức tỉnh những tình cảm tôn giáo bằng cách làm cho họ cảm động. Tuy nhiên tối nay tôi rơi vào cách dùng những từ hoa mỹ và thần bí.

Tôi đọc một cách chậm chạp câu: “Ta không tới đây để kêu gọi cái thiện, mà để kêu gọi những kẻ lầm lỡ tự hối cải”. Tôi đọc hai lần câu ấy; tôi nghe thấy giọng nói của mình khác hẳn các giọng của ông mục sư Leonard Clément thường ngày.

Tôi thấy Griselda trên hàng ghế phía trước ngẩng đầu tỏ vẻ ngạc nhiên và Denis cũng làm theo cô ấy.

Tôi nín thở.

Cử tọa đang trong trạng thái cảm động sâu sắc. Tôi nói những kẻ lầm lỡ phải tự ăn năn hối lỗi để sửa mình một cách cuồng nhiệt. Tôi đưa ngón tay to cao lên và không biết bao nhiêu lần tôi nhắc lại :

– Chính ta đang nói với các người đây…

Và mỗi lần, tôi nghe thấy những tiếng thở dài ở nơi này, nơi khác trong phòng. Phải, tâm trạng của đám đông là một vấn đề kỳ lạ và đáng sợ.

Tôi kết thúc bài giảng bằng một câu thiêng liêng, thống thiết, có lẽ là thống thiết nhất trong Kinh thánh:

“Tối nay, các ngươi phải xem xét lại linh hồn của mình”.

Trong khi giảng kinh tôi cảm thấy mình như đang bị thôi miên. Khi về đến nhà tôi mới trở lại với con người thường ngày của mình.

Tôi thấy Griselda, mặt tái xant, vịn vào tay tôi.

– Clément – Cô ấy nói – Tối nay trông anh khiếp quá. Em chưa hề nghe anh giảng kinh như thế này bao giờ.

– Anh hy vọng em sẽ có dịp để nghe. – Tôi nói và buông mình trên ghế xô-pha.

Tôi rất mệt.

– Tại sao anh lại làm như vậy?

– Một ý nghĩ điên dại đã xâm chiếm đầu óc anh một cách bất chợt.

– Ô! Chứ không phải… Chứ không phải anh có ý định như vậy ư?

– Em nói “ý định như vậy” là nghĩa làm sao?

– Em tự hỏi có phải… Anh rất kỳ lạ, Clement. Em có cảm giác rằng em không qen biết anh.

Chúng tôi ngồi vào bàn trước một bữa ăn nguội vì hôm nay là ngày nghỉ của Marie.

Có một phong thư gửi cho anh ở tiền sảnh – Griselda nói – Denis ra lấy vào đây.

Denis vẫn yên lặng từ lúc ở nhà thờ về, làm theo. Tôi cầm thư. Trên góc phong bì có chữ “Khẩn”.

– Có lẽ đây là thư của bà Marple…

Thật vậy. Tôi đọc:

Ông Clément thân mến,

Tôi muốn nói với ông một hai câu chuyện nảy ra trong óc tôi. Chúng ta phải cố gắng làm sáng tỏ sự bí mật đáng buồn này.

Nếu ông không thấy có gì là trở ngại thì tôi sẽ đến gặp ông vào lúc chín giờ rưỡi. Tôi sẽ gõ cửa sổ văn phòng của ông.

Về phần mình, liệu Griselda có thể tới nói chuyện với cháu trai tôi được không? Tất nhiên Raymond sẽ rất thích thú. Nếu không có thư trả lời, thì tôi sẽ tới vào giờ nói trên.

Chào thân ái

Jeanne Marple.

Tôi đưa thư cho Griselda.

– Em sẽ đến – Cô ấy vui vẻ nói – Một hoặc hai cốc nước quả – nước quả của nhà, là cái mà chúng ta cần vào tối chủ nhật. Bà Marple hẳn thích thú.

Denis có vẻ không vui lắm.

– Rất tốt với các bác – Nó càu nhàu – Các bác có thể nói rất nhiều về văn chương, nghệ thuật. Còn cháu thì chỉ biết ngồi nghe thôi.

– Nhưng cái đó là rất tốt đối với cháu – Grigelda lạnh lùng nói – Cháu có vị trí của mình! Hơn nữa, Raymond có tài làm hài lòng mọi người.

– Đúng, có nhiều người như vậy.

Tôi tự hỏi bà Marple sẽ nói gì với tôi. Bà già là người nhìn xa thấy rộng. Không những chỉ nhìn mà bà còn nghe thấy hầu như tất cả những điều người ta nói và từ đó bà rút ra những kết luận lô-gic và chính xác.

Nếu sau này, trong một môi trường sống khác và trở thành gian giảo, tôi sẽ rất sợ bà Marple.

Việc “nói chuyện với cháu trai” của bà Marple diễn ra sau chín giờ. Tôi ngồi đợi bà. Tranh thủ thời gian tôi lập ra một bản kê những diễn biến của vụ án theo thứ tự thời gian. Tôi không phải là người trễ nải trong công việc, nhưng tôi thích sự trật tự và ghi chép tỉ mỉ.

Vào lúc chín giờ rưỡi, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa sổ. Tôi ra mở cửa cho bà hàng xóm. Một chiếc khăn quàng kiểu Shetland trùm đầu và vai bà. Bà Marple có vẻ già hơn thường ngày.

– Ông thật đáng mến… và Griselda cũng vậy. Raymond rất kính phục bà ấy… Không, tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ này cũng được.

Tôi đặt chiếc khăn quàng Shetland lên một chiếc ghế khác và ngồi trước mặt bà. Chúng tôi nhìn nhau mà không nói gì. Một nụ cười nở trên khuôn mặt của bà Marple.

– Tôi có cảm giác rằng – Bà cất tiếng – ông sắp hỏi tôi lý do gì mà tôi quan tâm đến vụ này. Đây không phải là công việc của phụ nữ… Không, xin ông cứ để tôi giải thích.

Bà ngừng lời, mặt đỏ lên, rồi nói tiếp :

– Ông thấy không: khi sống xa lánh và độc thân như tôi thì người ta cần một công việc. Ngoài việc đan áo còn việc từ thiện, việc săn sóc thiếu niên, nhi đồng… có thể có cả việc vẽ tranh nữa. Phải, tôi biết… công việc của tôi là quan sát tính cách con người. Rất khác nhau và rất hấp dẫn! Tất nhiên trong một ngôi làng nhỏ, không có gì để vui chơi, giải trí, như làng này, tôi đã trở nên thành thạo trong công việc mình đã chọn. Tôi bắt đầu bằng việc phân loại con người, như kiểu phân loại chim và hoa ấy. Lúc đầu có thể nhầm lẫn, nhưng ngày càng ít đi. Phải biết rút kinh nghiệm, đặt ra những câu hỏi… Đó là công việc không mấy nặng nhọc nhưng rất hấp dẫn… Khi có một nhận định về một sự việc và kiểm tra lại thấy nói là đúng thì rất thú vị.

– Và những nhận định của bà thường đúng cả chứ? – Tôi cười và hỏi lại.

– Tôi rất sợ mình sẽ trở nên kiêu căng, tự phụ trước những thành công ấy. Nhưng tôi tự hỏi là liệu mình có thành công trong những vụ việc phức tạp không? Liệu mình có thể giải đáp được những vấn đề quan trọng không? Nói một cách lô-gic thì điều đó có thể đạt được. Sau khi đi thạo chiếc xe đạp trẻ con thì người ta dễ dàng đi xe đạp người lớn.

– Đấy là nói theo lý thuyết, còn trong thực tế…

– Cũng vậy thôi – Bà Marple ngắt lời tôi – Cái mà người ta gọi là trường phái phân tích các nhân tố đã chẳng làm như vậy sao? Trong các vụ việc thường có vấn đề tiền bạc, sự ham muốn, tình yêu nam nữ, tất nhiên còn có những nhân tố khác nữa: con người rất kỳ cục nếu ta biết rõ về họ. Những người bình thường đôi khi có những hành động không bình thường. Chỉ có một cách để đi đến sự thật là so sánh một người cụ thể với những người anh ta đã biết. Ông sẽ rất ngạc nhiên khi thấy không có quá nhiều loại người đâu.

– Bà làm tôi sợ – Tôi nói – Như kiểu tôi đang được phân tích dưới một ống kính hiển vi ấy.

– Hãy tin tôi, tôi không nói theo cách củ ông cảnh sát trưởng Melchett hoặc của ông thanh tra Landormy đâu. Ông có biết là tôi nghĩ về ông Landormy khốn khổ như thế nào không? Đó là một cô bán giày muốn bán cho ông một đôi giày da màu đen với lý do là nó vừa với số đo của chân ông và nhất định không chấp nhận việc ông đòi mua đôi giày da màu vàng!

– “Đây là một định nghĩa rất chính xác về viên thanh tra ấy!

Còn ông, ông Clément, tôi tin chắc rằng ông cũng nắm được nhiều chi tiết về tội ác ấy chẳng kém gì ông ta. A! nếu chúng ta cùng nhau hợp tác…”

– Tôi cũng nghĩ như vậy. Vì mỗi người chúng ta đã là một Sherlock Holmes.

Tới đây tôi cho bà Marple biết về ba lá thư đã nhận được trưa nay; tôi kể cho bà nghe tại sao bà Prothéro lại phát hiện ra bức chân dung bị đâm nát mặt, về thái độ kỳ lạ của cô Cram ở đồn cảnh sát và cuối cùng sự xác nhận của ông Haydock về mảnh kim loại màu xám khác thường ấy.

– Vì đã phát hiện ra những chuyện này – Tôi nói – Tôi mong có một vai trò quan trọng nào đó! Nhưng có lẽ nó chẳng liên quan gì đến vụ án mạng mà chúng ta đang điều tra.

– Gần đây tôi đọc nhiều truyện trinh thám của Mỹ; tôi cho rằng cái đó sẽ có ích…

– Có chuyện về a-xít py-rích không?

– Có chuyện một người bị đầu độc bằng a-xít py-rích và mỡ cừu.

– Nhưng trong vụ này thì không ai bị đầu độc cả. Chúng không có liên quan gì với nhau.

Tôi đưa cho bà Marple bản kê tôi vừa viết xong.

– Tôi cố gắng kê ra đây những vụ việc quan trọng theo thứ tự thời gian trong vụ án mà chúng ta quan tâm.

Tôi xin chép lại ở đây bản kê ấy.

Thứ năm, ngày 21, lúc 12 giờ 30 phút – Đại tá Prothéro yêu cầu tôi hoãn lại cuộc gặp mặt vào lúc 6 giờ 15 phút thay vì 6 giờ. Câu nói của ông có thể cả làng đều nghe thấy.

12 giờ 45 phút – Khẩu súng lục của Lawrence được nhìn thấy lần cuối trên chỗ để thường ngày của nó. Điều này do bà Archer đính chính lại vì trước đây bà nói là không nhớ rõ.

5 giờ 30 phút (khoảng) – Vợ chồng ông Prothéro từ nhà đi xe hơi vào trong làng.

5 giờ 30 phút (chính xác) – Tôi nhận được một cú điện thoại giả danh gọi từ mọt ngôi nhà vắng chủ ở phía bắc nhà ông Prothéro.

6 giờ 15 phút (hoặc trước sau một hai phút) – Ông Prothéro tới nhà xứ. Cô hầu Marie đưa ông vào văn phòng.

6 giờ 20 phút – Bà Prothéro theo con đường nhỏ đi qua vườn tới cửa sổ văn phòng. Bà ta không nhìn thấy ông đại tá.

6 giờ 29 phút – Một cú điện thoại từ xưởng họa của Lawrence (tin của trạm bưu điện cung cấp) gọi cho bà Price Ridley.

6 giờ 30 đến 6 giờ 35 phút – Một tiếng nổ được nghe thấy – trùng hợp với cú điện thoại nói trên. Theo Lawrence và Stone thi cái đó xảy ra sớm hơn, nhưng theo bà Price Ridley thì hợp lý hơn.

6 giờ 45 phút – Lawrence vào văn phòng nhà xứ và phát hiện ra xác ông Prothéro trong đó.

6 giờ 48 phút – Tôi gặp Lawrence.

6 giờ 55 phút – Bác sĩ Haydock đến khám nghiệm tử thi.

Ghi chú: Chỉ có hai người không có chứng cứ ngoại phạm từ 6 giờ 30 đến 6 giờ 35 phút là cô Cram và bà Lestrange. Cô Cram nói lúc ấy mình đang ở nơi khai quật. Có thể nói rằng cô ta vô can. Bà Lesrange rời khỏi nhà ông Haydock sau 6 giờ, nói mình có một cuộc hẹn. Với ai? Ở đâu? Chắc chắn là không hẹn với ông Prothéro vì theo lịch thì ông ta đang phải nói chuyện với tôi. Mặt khác không tìm ra được động cơ mà bà ta giết hại ông đại tá. Cái chết của ông ấy không mang lại lợi ích nào cho bà cả. Và cũng không có chuyện bà ấy tống tiền ông đại tá. Bà Lestrange không thể làm một việc hèn hạ như vậy. Hơn nữa người ta cũng không thể tưởng tượng được việc bà ăn cắp khẩu súng của Lawrence là có thật.

Đây là nội dung bản kê của tôi.

– Tất cả đều rõ ràng – Bà Marple nói sau khi đọc xong – Rõ ràng. Đàn ông có tài lập các bảng thống kê!

– Nhưng bà đồng ý với bảng này chứ? – Tôi hỏi.

– Chắc chắn là như vậy rồi.

Tôi đặt ra một câu hỏi vẫn dằn vặt tôi lâu nay :

– Bà Marple, bà nghi ngờ ai? Có lần bà nói bà nghi bảy người…

– Đúng thế – Bà trả lời một cách lơ đãng – Mỗi người nghi ngờ một người khác. Cái đó đã thấy rõ.

Bà không hỏi tôi nghi ngờ ai.

– Vấn đề là – Bà nói tiếp – phải có câu trả lời thích hợp cho mỗi câu hỏi. Nếu ông giải đáp được mọi vấn đề thì rất tốt. Nhưng rất khó! Nếu không có lá thư ấy…

– Lá thư nào? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

– Phải, lá thư. Ông không nhớ là tôi đã nói rồi sao? Tôi đã băn khoăn ngay từ đầu. Trong đó có cái gì đó rất lạ lùng.

– Tuy nhiên, lúc này mọi cái đã rõ ràng. Lá thư đó được viết vào lúc sáu giờ ba mươi và một bàn tay bí mật, chắc chắn là của kẻ giết người, đã viết thêm và 6 giờ 20. Tôi cho rằng chúng ta đã rõ rồi.

– Cả cách giải thích như vậy cũng chưa ổn.

– Thế nào?

– Xin ông nghe đây.

Bà Marple cúi xuống để nói tiếp :

– Bà Prothéro đi qua vườn như tôi đã nói. Bà ấy đến bên cửa sổ văn phòng nhà xứ. Bà ấy nhìn vào trong nhưng không thấy ông đại tá.

– Phải, vì ông ấy đang viết thư.

– Chính cái đó là không ổn. Cái đó xảy ra vào 6 giờ 20. Chúng ta đã đồng ý với nhau ông ấy không thể viết thư này trước 6 giờ 30 để nói ông không thể chờ lâu hơn nữa. Nhưng tại sao 6 giờ 20 ông ấy lại ngồi trước bàn giấy?

– Tôi không nghĩ đến điều này. – Tôi chậm chạp nói.

– Nói xem, ông Clément, nếu chúng ta chú ý ngay từ đầu thì sao nhĩ? Đứng trước cửa sổ, bà Prothéro cho rằng trong văn phòng không có ai, bà ấy tưởng thế. Như vậy thì bà ấy không thể vào xưởng họa để gặp Lawrence được. Như vậy là thiếu thận trọng! Tưởng rằng trong văn phòng không có người thì trong căn phòng phải rất yên tĩnh. Cái đó cho chúng ta ba giả thiết, đúng không?

– Bà muốn nói rằng…

– Giả thiết thứ nhất: ông đại tá đã chết từ trước đó. Nhưng tôi không tin điều này. Chỉ có năm phút đồng hồ. Bà ấy hoặc tôi phải nghe thấy tiếng súng nổ; hơn thế nữa cái đó không thể giải thích tại sao ông Prothéro lại ngồi trước bàn giấy. Giả thiết thứ hai: ông đại tá đang viết thư, nhưng đó phải là một lá thư khác hẳn với lá thư mà người ta đã tìm thấy. Và giả thiết thứ ba…

– Giả thiết thứ ba là văn phòng không có ai, bà Prothéro có lý.

– Bà muốn nói sau đó thì ông đại tá mới vào văn phòng ư?

– Phải.

– Nhưng tại sao ông ta lại có hành động ấy?

Bà Marple giơ một tay lên trời tỏ vẻ không hiểu.

– Chúng ta phải tìm hiểu dưới một góc độ khác hẳn thôi.

– Nhiều khi cũng có chuyện như vậy; ý ông muốn nói thế ư?

Tôi không trả lời vì đang mải suy nghĩ những lập luận của bà Marple.

Bà già đứng lên.

– Tôi phải về thôi. Tôi rất hài lòng được nói chuyện với ông… chúng ta chưa tiến lên được bước nào, đúng không?

– Để nói rõ ý nghĩ của mình với bà – Tôi vừa nói vừa đưa cho bà chiếc khăn quàng – thì vụ này làm tôi qua bối rối.

– Đây không phải là ý kiến của tôi. Tôi cho rằng nếu có một phương pháp đúng thì có thể giải thích được tất cả. Đó là sự thừa nhận có những chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Tất nhiên trong vụ này có nhiều sự trùng hợp như vậy.

– Đây là ý kiến của bà ư? Tôi muốn biết rõ cái lý thuyết ấy.

Tôi nhìn bà Marple trong khi đặt ra câu hỏi như vậy.

– Tôi thừa nhận lập luận của mình còn nhiều lỗ hổng. Có một việc mà tôi chưa hiểu. A! Nếu nội dung của lá thư đó khác đi…

Bà thở dài và lắc đầu. Bà đến bên cửa sổ lấy tay vạch bụi cây trên chậu cảnh. Những lá cây sát mép chậu đã héo khô.

– Ông biết không, ông Clément, phải thường xuyên tưới nước cho loại cây này. Nó cần nước, cây cảnh khốn khổ! Con hầu của ông phải cho cây uống nước hàng ngày, nó không làm việc này ư?

– Cô ta làm việc này và các việc khác nữa.

– Nó mới vào nghề.

– Phải. Griselda ít bảo ban cô ta. Cô ấy chỉ muốn dù sao cũng phải có một người hầu. Bữa nọ Marie đã định xin thôi việc.

– Tôi cứ tưởng nó gắn bó với ông bà kia.

– Đó là do cô Lettice làm cho cô ta bực mình.

– A! – Bà Marple kêu lên.

Bà già đang định bước qua cửa sổ thì bỗng nhiên dừng lại.

– Trời! – Bà lẩm bẩm như đang nói với chính mình – Ta ngu ngốc quá! Đúng thế! Hoàn toàn có thể chấp nhận được.

– Bà nói gì?

Bà nhìn tôi với bộ mặt đau buồn.

– Không có gì. Tôi mới nảy ra một ý nghĩ. Tôi phải về đây. Tôi sẽ suy nghĩ thêm. Tôi đã tỏ ra rất kỳ cục.

– Bà không kỳ cục đâu. – Tôi an ủi bà.

Tôi đưa bà ra vườn.

– Nào, bà Marple, bà không thể cho tôi biết là bà đang nghĩ gì ư?

– Tôi không muốn nói vào lúc này. Tôi có thể nhầm lẫn. Tôi không tin. Đây là hàng rào rồi. Không cần đi xa hơn. Tôi cảm ơn ông.

– Lá thư vẫn còn là vật cản trở, đúng không? – Tôi hỏi trong khi bà già đang khép lại rào chắn.

– Lá thư ư? Nhưng đấy không phải là lá thư thật. Tôi không tin. Chào ông Clément.

Bà vội vàng đi theo con đường nhỏ để về nhà. Tôi đứng yên nhìn theo bà. Tôi chỉ còn biết suy nghĩ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.