BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI
Chương một : Bên bàn ăn
Rất khó xác định thời điểm khởi đầu của câu chuyện này; tuy nhiên tôi chọn một ngày thứ tư, vào giờ ăn bữa chiều, ở nhà xứ. Cuộc nói chuyện lúc này chẳng liên quan gì đến những sự việc diễn ra sau đó, ngoài một vài điều ám chỉ đến câu chuyện, nhưng sau này người ta mới thấy rõ.
Tôi cắt miếng thịt bò, mở ngoặc: thịt rất dai, khi vừa ngồi xuống, và tôi nêu một ý kiến, ý kiến không mấy phù hợp với chiếc áo mục sư mà tôi đang mặc, rằng việc loại bỏ đại tá Prothéro là một việc làm có ích cho xã hội.
Ngay lúc ấy, Denis, đứa con người em trai tôi, chợt nói :
– Đó là câu nói có thể chống lại bác vào cái ngày mà người ta thấy ông ấy nằm trên vũng máu. Và Marie lúc ấy phải đi làm chứng, đúng không, Marie? Cô ấy sẽ kể lại bác vừa nói vừa vung con dao ăn lên như thế nào.
Marie, người được tôi trả công rất cao để làm những công việc ngày càng ít mệt nhọc trong nhà, làm ra vẻ sợ hãi, nói to: “Rau đây”. Nói xong cô đặt xuống trước mặt Denis một đĩa rau đầy.
– Ông ấy vẫn là con người khó chịu như vậy ư? – Vợ tôi hỏi bằng một giọng thương hại.
Tôi không trả lời ngay, vì sau khi đưa rau, Marie còn tiếp thêm bánh trông không có gì là ngon miệng cho tôi. “Không, cảm ơn”. Tôi nói. Thế là cô ta nặng tay đặt đĩa bánh lên bàn rồi bỏ đi.
– Thật đáng tiếc em lại là bà chủ nhà đoảng quá!
– Vợ tôi nói bằng giọng tự trách mình.
Tôi tán thành ý kiến ấy. Vợ tôi tên là Griselda: một cái tên rất hợp với người vợ của người mục sư. Cô ấy chỉ có một đức tính phù hợp với gia đình này. Vì với sự khoan dung…
Quan niệm trước sau của tôi là một mục sư thì không nên có vợ. Và tôi không biết những lý do bí mật nào đã thúc đẩy tôi cầu hôn với Griselda khi tôi mới chỉ quen biết cô có hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Tôi vẫn coi hôn nhân là một việc nghiêm túc, người ta chỉ quyết định sau khi suy nghĩ lâu dài trong đó sự tương hợp về những sở thích, những xu hướng của nhau là một trong những điều kiện quan trọng.
Griselda kém tôi đến hai chục tuổi. Cô ấy rất xinh đẹp và không coi đây là công việc nghiêm chỉnh. Cô ấy kém hiểu biết, và rất mệt khi phải sống với cô ấy. Cô ấy coi giáo phận là một nơi vui đùa theo ý thích. Tôi muốn chỉnh đốn tư tưởng cho cô ấy, nhưng không thành công. Và càng ngày tôi càng nhận rõ đối với một người độc thân thì cần phải theo một tôn giáo nào đó. Tôi thường trao đổi ý nghĩ này với Griselda, nhưng cô ấy chỉ cười.
– Em yêu – Tôi bảo cô – Chỉ cần em chú ý hơn một chút.
– Em đã chú ý, nhưng, anh thấy không, em càng chú ý thì công việc càng xấu hơn. Ô! Không, em không trở thành bà chủ nhà được. Em thấy tốt nhất là để Marie làm theo ý cô ta. Em thích sống dễ chịu, ăn uống có kém cũng được.
– Vậy em làm gì cho chồng em? – Tôi nói bằng giọng chê trách. (Và nhớ đến con quỷ nói trong Kinh thánh, tôi nói thêm) – Nếu để cho Marie coi sóc mọi việc trong nhà…
– Xin nghĩ đến việc anh còn may mắn chưa bị sư tử ăn thịt hoặc chưa bị thiêu cháy trên đống củi – Griselda bất chợt cướp lời – Món ăn kém, ruồi muỗi, bụi bậm thì không nên đặt thành vấn đề. Hãy kể xem giữa anh và ông Prothéro đã xảy ra chuyện gì… Dù sao những người Công giáo đầu tiên cũng có cái may mắn là không phải trông coi nhà thờ…
– Prothéro là con vật kiêu căng, tự phụ – Denis nói. Không lạ lùng gì khi thấy người vợ trước phải bỏ ông ta mà đi.
– Tôi không thấy, đúng thế, bà ấy có thể làm gì hơn nữa – Vợ tôi nói thêm.
– Griselda – Tôi bực mình nói – Anh không thể chịu được điều em vừa nói…
– Nào, anh yêu, cho em biết, anh đã có chuyện gì với ông ấy? Về vấn đề gì? Có phải là chuyện ông Hawes hoa chân múa tay trong khi trò chuyện không?
Hawes là thầy trợ tế mới của chúng tôi. Ông mới về đây được ba tuần lễ. Vẫn theo truyền thông cũ, ông ăn chay vào ngày thứ sáu. Ngược lại, ông Prothéro rất ghét cái đó.
– Không, không phải mới đây. Ông ta mới chỉ nói ám chỉ về điều đó thôi. Việc cái cọ bắt nguồn từ tờ giấy bạc một đồng bảng chết tiệt của bà Price Ridley.
Bà Price Ridley là một trong những người hoạt động tích cực nhất trong giáo hội của chúng tôi. Nhân ngày giỗ con trai, bà ấy nói là mình góp một bảng cho cuộc lạc quyên. Khi họp đểbáo cáo lại kết quả của cuộc vận động đóng góp, người ta tuyên bố bà đã đóng mười xi-linh. (Một bảng bằng hai mươi xi-linh – ND). Bà ấy đến kêu ca với tôi và tôi đã nói có thể là bà đã nhầm lẫn.
– Chúng ta không còn trẻ nữa – Anh bảo bà ấy và cố lái câu chuyện sang hướng khác – Và chúng ta phải trả giá cho sự già cả của mình.
Không ngờ câu nói ấy của tôi làm cho bà Price bực mình. Bà ấy nói đây là một việc gian lận, và tỏ vẻ ngạc nhiên là tại sao tôi lại không đồng ý với bà. Sau đó bà ấy bỏ đi, và tôi cho rằng bà ấy đi kể chuyện này với ông Prothéro. Ông đại tá về hưu này là một người hay gây sự mỗi khi có điều kiện. Một lần nữa ông ấy làm cho câu chuyện trở thành ầm ĩ.
Đáng tiếc hơn, việc ấy lại xảy ra vào thứ tư – Tôi có buổi giảng đạo vào sáng thứ tư – làm tôi rất buồn phiền đến tận cuối ngày.
– Em cho rằng cái đó làm ông ta rất thích thú – Vợ tôi nói như để tóm tắt một cách vô tư câu chuyện – Không một người nào tới bên ông ta nói một câu “ông mục sư thân mến”, không một ai thêu giày, mạng tất cho ông ta nhân dịp lễ Noel. Vợ và con gái của ông ta chán ông lắm rồi. Em cho rằng ông ta rất vui mừng khi thấy mình còn có vẻ quan trọng.
– Đây không phải là lý do để ông ấy làm phiền người khác. Anh thấy ông ấy không cân nhắc lời nói ấy. Có phải ông ta muốn kiểm tra sổ sách thu chi của nhà thờ không, dưới cái lý do là có thể có một sự thâm thủng? Đúng là danh từ mà ông ấy đã nói: thâm thủng! Có phải ông ấy nghi ngờ có một sự hà lạm quỹ của giáo khu không?
– Không một ai có ý nghĩ ấy, anh thân mến. Anh đứng trên mọi sự ngờ vực và anh có thể làm mọi chuyện anh muốn. Nhưng nhà thờ chớ có quản lý quỹ truyền giáo. Vì em rất ghét đám giáo sĩ, bao giờ em cũng ghét bọn họ.
Tôi không tán thành ý kiến này của Griselda, nhưng Marie đã bưng lên một đĩa cơm nửa chín, nửa sống. Tôi định bụng chê món ăn này thì vợ tôi lại nói những người Nhật Bản vẫn ăn như vậy và phải học lấy trí thông minh của họ.
– Em cho rằng – Cô ấy nói thêm – Chúng ta cứ ăn như thế này cho đến chủ nhật thì bài giảng đạo của anh sẽ rất tuyệt.
– Cầu Chúa che chở cho con – Tôi rùng mình và nói – Chiều mai ông Prothéro sẽ tới đây và anh sẽ nói chuyện với ông ấy. Bây giờ anh phải chuẩn bị cho cuộc nói chuyện tối nay… Còn em, Griselda, chiều nay em làm gì?
– Bổn phận của em – Griselda nói – Bổn phận người vợ của ông mục sư là chuẩn bị bữa trà vào lúc bốn giờ rưỡi chiều.
– Có những ai dự?
Cô ta tính trên những đốt ngón tay với vẻ nghiêm trang: bà Price Ridley, bà Wetherby, bà Hartnell và cả bà Marple đáng sợ nữa.
– Trong tất cả các bà, anh thích bà Marple hơn cả, vì bà ấy còn biết bông đùa.
– Trong làng có những người độc miệng. Thực ra bà ấy biết mọi chuyện xảy ra và bao giờ cũng có những kết luận.
Như đã nói, Griselda kém tôi hai chục tuổi. Vào tuổi tôi, người ta coi những cái tồi tệ là cái thật nhất.
– Dù sao – Denis nói – Cũng không nên tính cháu vào bữa trà chiều nay.
– Tại sao?
– Vì gia đình nhà ông Prothéro đã mời cháu tới chơi quần vợt.
– Thằng nói xạo! – Griselda nói.
– Denis bỏ chạy. Chúng tôi vào văn phòng.
– Em đang tự hỏi còn ai đến dùng trà nữa – Griselda nói và tới ngồi bên bàn – Giáo sư Stone và cô Cram, em giả thiết như vậy, có thể có thêm bà Lestrange nữa. Anh có thấy kỳ cục khi bà ta ở đâu tới cư trú ở làng này mà cứ ru rú ở trong nhà, không đi tới đâu không? Cái đó như trong truyện trinh thám ấy. Anh nghĩ sao: “Người đàn bà bí mật có bộ mặt xinh đẹp với nước da tai tái ấy là ai? Quá khứ của bà ta ra sao? Không ai biết cả. Chắc chắn bà ta mang theo một vật gì đó trong người”. Em thì em cho rằng bác sĩ Haydock đã biết rõ về bà này.
– Em đọc quá nhiều truyện trinh thám, Griselda. – Tôi nhẹ nhàng nói.
– Còn anh thì sao? Vợ tôi cãi lại. Bữa nọ em đi tìm cuốn Dấu vết trên cầu thang và đã thấy nó trên bàn giấy của anh. Em đã hỏi anh đã đọc nó chưa và em đã thấy gì?
Tôi cố gắng không để đỏ mặt.
– Ngẫu nhiên anh nhặt được nó thôi. Trong sách có một câu nói làm anh chú ý và…
– Em hiểu sự ngẫu nhiên ấy – Griselda nói (và cô ấy đọc với một vẻ cảm động) – Griselda đứng lên, chạy qua căn phòng và ôm hôn thắm thiết người chồng già của mình.
Cùng lúc ấy cô làm theo điều mình đang nói.
– Đây có phải là một việc làm khác thường không? – Tôi hỏi.
– Nhưng đúng như thế! Clément, anh cần biết, em có thể lấy được một ông bộ trưởng, một công tước, một ông giám đốc công ty giàu sụm, một ông lãnh chúa hạng xoàng, hoặc một anh chàng bất cần đời dễ chịu, nhưng chính anh là người mà em chọn lựa, đúng không? Anh không ngạc nhiên ư?
– Vào thời ấy, đúng là anh có ngạc nhiên và anh thường tự hỏi tại sao em lại hành động như vậy?
Griselda cười.
– Em có cảm tưởng rằng mình có một quyền lực rất lớn – Cô thì thầm – Những người khác cho em là kỳ lạ, nhưng trước mặt họ em là một người đàn bà dê chịu. Ngược lại, đối với anh, em thể hiện tất cả những cái mà anh không thích, tất cả những gì mà anh không thừa nhận, khiến anh không thể vượt qua em được. Tính tự phụ của em không thành công. Thà rằng làm một kẻ có một tội lỗi bí mật, dễ chịu hơn là một người có đầy vinh quang vô ích. Em rất khó chịu với anh, không ngừng hành hạ anh, nhưng anh vẫn tôn thờ em, vẫn say mê em. Anh có say mê em không, anh yêu?
– Anh rất yêu em, thật vậy.
– Ô! Clément, anh tôn thờ em; anh có nhớ ngày ở Londres em đã gửi cho anh một bức điện và anh nhận được nó từ tay người em gái bà giám đốc bưu chính vì bà chị đã quên không gửi nó đi, đúng không? Lúc ấy anh ra sao? Anh có nhớ anh đã gọi điện thoại cho Scotland Yard để nhờ họ tìm em, anh đã gây ra một chuyện rất lớn.
Người ta ghét những chuyện mình thích nhắc lại. Thời ấy tôi đã quá ngu ngốc.
– Nếu không còn chuyện gì nữa, em yêu – Tôi bảo Griselda – Anh đi chuẩn bị cho cuộc nói chuyện tối nay.
Cô ấy thở dài một cách khó chịu, vuốt lại mớ tóc của tôi rồi nói :
– Anh không yêu em nữa rồi, đúng thế. Hãy coi chừng, em sẽ đi gặp nhà nghệ sĩ ấy đây. Và hãy nghĩ đến một vụ om xòm trong giáo khu này.
– Nó đã có không ít vụ như vậy rồi – Tôi ôn tồn trả lời.
Griselda bật cười, gửi cho tôi một nụ hôn gió và chạy vụt ra cửa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.