BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười ba : Ở đầu dây



Tôi ngạc nhiên tự hỏi không biết trong óc bà Price Ridley đã nảy ra ý nghĩ gì và tại sao bà ấy lại đến đồn cảnh sát. Liệu bà ấy có lời làm chứng quyết định không? Chúng tôi sẽ biết ngay thôi.

Khi tới nơi chúng tôi thấy bà Price Ridley đang nói gì đó với một nhân viên cảnh sát trong lúc anh ta tỏ ra rất bối rối. Người ta có thể thấy sự bất bình của bà qua sự rung động của chiếc mũ có buộc nhiều dải lụa.

Thấy chúng tôi bà Price Ridley ngừng nói ngay.

– Bà là bà Price Ridley? – Ông đại tá ngả mũ và hỏi.

Tôi nói ngay :

– Thưa bà, cho phép tôi được giới thiệu đây là đại tá Melchett, cảnh sát trưởng, như bà đã biết.

Bà Price Ridley nhìn tôi một cách nghiêm khắc, sau đó mỉm cười với ông Melchett.

– Chúng tôi vừa đến thăm bà – Ông giải thích – Nhưng người ta nói bà đã đến đồn rồi.

Bà Price Ridley bắt đầu nói :

– À! Tôi rất hài lòng khi nhận ra người ta đã chú ý đến mọi việc! Thật là xấu hổ! Xấu hổ thực sự!

Đúng, vụ án mạng là một sự xấu hổ. Tôi thấy ông Melchett tỏ ra ngạc nhiên.

– Bà có chút ánh sáng nào làm sáng tỏ tấn thảm kịch ấy không? – Ông hỏi.

– Cái đó – Bà Price Ridley trả lời – Cái đó là công việc của các ông, là công việc của cảnh sát. Tại sao chúng tôi phải đóng thuế, đóng phụ phí, tôi hỏi ông như vậy?

Ai mà biết được có bao nhiêu câu hỏi tương tự đặt ra trong một năm của bà?

– Thưa bà, tôi xin đảm bảo với bà – Ông Melchett nói – Chúng tôi đang làm hết sức mình.

– Ông làm hết sức của ông, nhưng ông này – Bà chỉ tay vào người cảnh sát thường trực – Không thèm nghe tôi trình bày câu chuyện.

Bà Price Ridley tỏ vẻ bực mình. Chúng tôi nhìn người nhân viên.

– Bà này được gọi điện thoại – Anh ta nói – Nếu tôi hiểu đúng thì người ta đã nói với bà những lời tục tĩu.

– Tôi bắt đầu hiểu ra – Ông Melehett nói – Chúng tôi đang có nhiều việc. Bà đến để khiếu kiện, đúng không?

Ông Melchett là người khôn ngoan. Đứng trước một bà già đang nổi giận thì chỉ có một việc phải làm là nghe bà ta nói. Khi nói hết thì họa may bà ta mới nghe anh nói.

Bà Price Ridley tấn công tiếp.

– Không được để những chuyện như vậy xảy ra nữa. Được gọi đến máy điện thoại để nghe chửi ngay tại nhà mình! Phải, chửi rủa! Tôi không có thói quen nghe chửi. Từ sau chiến tranh, đạo đức đã suy đồi! Mọi người nói năng bừa bãi! Còn ăn mặc thì người ta cả gan…

– Tôi cũng có nhận xét như vậy – Ông Melchett cắt ngang – Nhưng đã xảy ra việc gì vậy?

Bà Price Ridley nín thở; tình hình có thể tốt hơn.

– Người ta gọi tôi đến máy điện thoại…

– Lúc nào?

– Trưa hôm qua, không, nói cho đúng là chiều hôm qua, khoảng sáu rưỡi. Chuông điện thoại réo. Tôi tới nghe một cách vô tư. Và ngay lập tức tôi bị người ta chửi rủa, dọa nạt…

– Nhưng người ta đã bảo bà thế nào?

Bà Price Ridley đỏ mặt :

– Tôi từ chối nhắc lại.

– Những lời tục tĩu ư? – Người nhân viên gợi ý.

– Người ta đã nói với bà những lời thô bạo ư? – Ông đại tá căn vặn.

– Còn tùy thuộc vào cách hiểu như thế nào là thô bạo của ông.

– Bà có hiểu những lời của người đối thoại không? – Đến lượt mình, tôi hỏi.

– Tất nhiên, tôi hiểu chứ.

– Có thể đây – Tôi mỉm cười nêu ý kiến – Không phải là thô bạo ư?

Bà Price Ridley cáu kỉnh nhìn tôi.

– Một người có giáo dục thì không bao giờ được nói những lời như vậy, đúng không? – Tôi hỏi.

– Câu chuyện đã xảy ra như thế này. Tôi tưởng đây là một cuộc nói chuyện bình thường. Tôi nhấc máy điện thoại. Bất chợt nghe thấy những tiếng chửi rủa.

– Chửi rủa ư?

– Chửi rủa, phải chửi rủa! Tôi sợ…

– Những lời dọa nạt ư?

– Phải, tôi không quen nghe những lời dọa nạt.

– Nhưng người ta đã dọa nạt bà thế nào? Hành hung ư?

– Không, có nghĩa là…

– Thưa bà, hình như bà không muốn nói thật. Nào, cho chúng tôi biết bà đã bị đe dọa ra sao?

Bà Price Ridley vẫn không chịu nói rõ ràng.

– Tôi không nhớ. Lúc ấy tôi rất hốt hoảng! Rồi cuối cùng… kẻ khốn kiếp đó cười phá lên.

– Bà có chú ý đấy là tiếng đàn ông hay tiếng đàn bà không?

– Đó là thứ tiếng nói trại đi. Tôi không thể xác định được. Lúc thì cộc cằn, lúc thì the thé. Một tiếng nói rất lạ.

– Kẻ đó muốn giả danh. – Ông đại tá kết luận.

– Nhưng đấy là một sự phạm tội, gây thiệt hại cho thần kinh người khác.

– Thôi được, chúng tôi sẽ điều tra vụ này. Ông thanh tra, tôi giao cho ông việc tìm ra nguồn gốc của cú điện thoại ấy. Còn bà, bà nhất định không cho chúng tôi biết kẻ ấy đã nói những gì ư?

Có một sự đấu tranh thấy rõ trên ngực bà Price Ridley. Bà sợ bị trả thù ư?

– Nhưng các ông phải giữ kín chuyện này đấy? – Bà bắt đầu câu chuyện.

– Chắc chắn là như vậy – Ông Melchett khuyến khích.

– Nó bảo tôi: “Mụ là kẻ chuyên đi gieo rắc những chuyện bê bối!”. Nghe rõ chưa, đại tá Melchett: mụ chuyên đi reo rắc những chuyện bê bối! Nó còn nói: “Lần này thì mụ đã đi quá xa, Scotland Yard đang theo dõi mụ về tội vu khống”.

– Và bà đã sợ hãi, đúng không? – Ông Melchett nói và vuốt ria mép để giấu một nụ cười.

Nhưng bà Price Ridley vẫn nói tiếp :

– Nó nói thêm: “Nếu từ nay trở đi không giữ mồm, giữ miệng thì mụ sẽ gặp cái tồi tệ nhất”. Sự đe dọa thểhiện rõ trên giọng nói kia. Tôi cố gắng cất tiếng hỏi lại: “Ai đấy?” Giọng nói ấy đáp: “Kẻ báo thù không thể bị bắt!”. Tôi không thể không kêu lên một tiếng hãi hùng. Thật là khủng khiếp, đúng không? Tuy nhiên ở đầu dây đằng kia, kẻ vô danh ấy lại cười… phải, nó đã cười lên the thé. Đến đây là hết. Tôi hỏi tổng đài số máy nào vừa gọi điện thoại cho tôi thì ở đây người ta trả lời là không biết! Ông biết ngành bưu chính viễn thông rồi đấy: chẳng biết cái gì cả.

– Đúng thế! – Tôi nói thêm vào.

– Tôi cảm thấy rất mệt – Bà Price Ridley nói tiếp – Rất mệt và rất bối rối, tới mức khi nghe thấy tiếng nổ trong rừng tôi cũng giật bắn người lên. Ông thấy đấy người ta đã hại tôi đến mức nào!

– Bà đã nghe thấy tiếng súng ư? – Landormy hỏi.

– Trong tình trạng tinh thần của tôi lúc ấy thì đây là một phát đại bác. Tôi kêu lên một tiếng và ngã vật xuống ghế xô-pha. Con hầu Clara phải cho tôi uống một cốc nước mận.

– Thật đáng xấu hổ, đáng xấu hổ – Ông Melchett nói – Nhưng tiếng nổ có to không? Ở gần hay xa?

– Ông biết đấy, tôi đã rất hoảng hốt.

– Tất nhiên, tất nhiên. Lúc ấy là mấy giờ? Có nói thì chúng tôi mới có thể tìm ra kẻ đã gọi điện thoại cho bà được.

– Lúc ấy là sáu giờ rưỡi. Khoảng ấy.

– Bà không thể nói chính xác hơn ư?

– Chiếc đồng hồ treo trên lò sưởi của tôi vừa gõ nửa tiếng và tôi tự nhủ: “Chắc chắn là đồng hồ chạy nhanh rồi”. Đồng hồ nhà tôi vẫn thường chạy nhanh như vậy. Tôi xem đồng hồ tay của mình, đồng hồ chỉ sáu giờ mười, nhưng đưa nó lên tai thì đồng hồ đã chết từ lúc nào rồi. Tôi lại tự nhủ: “Chờ chuông đồng hồ nhà thờ vậy”. Rồi có chuông điện thoại, tôi không chú ý đến giờ giấc nữa.

Bà Price Ridley nói một hơi; đến đây thì bà ngừng lại để thở.

– Được rồi, chúng tôi sẽ giải quyết vụ này. Bà yên tâm.

Bà ta nghiêm khắc nhìn tôi. Không nghi ngờ gì nữa: bà Price Ridley hãy còn nhớ chuyện tờ giấy bạc một bảng!

– Thời gian gần đây trong làng xảy ra nhiều chuyện kỳ quái – Bà còn nói với ông Melchett – Rất kỳ quái. Đại tá Price Ridley muốn làm rõ mọi chuyện. Nhưng đã có việc gì xảy đến với con người khốn khổ ấy? Sau đây thì đến lượt tôi ư?

Nói tới đây, bà buồn bã lắc đầu ra về.

Ông Melchett nói nhỏ với tôi :

– Chúng ta không gặp may rồi.

Sau đó ông đưa mắt nhìn Landormy. Với vẻ nghiêm chỉnh, ông ta gật đầu :

– Chúng ta đã thấy rõ, – Cuối cùng thì ông ta nói – ba nhân chứng đã nghe thấy tiếng nổ. Chỉ còn việc tìm ra ai là người bắn súng. Lawrence đã làm công việc của chúng ta bị chậm lại. Có rất nhiều dấu vết khác mà tôi không xem xét nữa khi tin rằng anh ta là thủ phạm. Tất cả phải làm lại từ đầu. Việc trước tiên là tìm ra kẻ đã gọi dây nói.

– Người đã gọi điện cho bà Price Ridley ư?

– Không. Tôi muốn nói đến cú điện thoại gọi cho ông mục sư kia. Chúng ta cũng phải giải quyết yêu cầu của bà này, nếu không bà ta còn làm phiền chúng ta nữa.

– Đúng – Ông Melchett nói – Đây là việc rất quan trọng.

– Sau đó chúng ta phải biết rõ mỗi người đã làm gì trong khoảng thời gian từ sáu đến bảy giờ chiều hôm qua. Mỗi người nhà của ông Price Ridley cùng như mỗi người trong làng.

Tôi kêu lên :

– Như vậy thì mất rất nhiều công sức.

– Tôi thường nhận những nhiệm vụ khó khăn. – Landormy kiêu hãnh nói.

Và ông ta nói thêm :

– Chúng tôi bắt đầu từ ông, ông Clément.

– Xin sẵn sàng – Tôi nói – Tôi bị gọi đến máy điện thoại lúc năm giờ rưỡi.

– Người gọi là đàn ông hay đàn bà?

– Tiếng đàn bà. ít nhất thì tôi cho là như vậy. Tôi cho rằng đây là bà Abbott đang nói.

– Ông không biết giọng nói của bà Abbot ư?

– Không. Ông biết không: lúc ấy tôi cũng không nghĩ đến việc ai đã gọi điện cho mình.

– Và ông ra đi ngay ư?

– Vâng.

– Đi bộ? Ông không có xe đạp ư?

– Không.

– Được rồi. Ông đi trong bao lâu?

– Chừng hai dặm, bất kể đó là con đường nào.

– Nhưng đường ngắn nhất là đường xuyên qua rừng, đúng không?

– Nhưng đây là đường xấu. Tôi đi qua cánh đồng.

– Con đường bắt đầu từ hàng rào của nhà xứ ư?

– Cũng vậy thôi.

– Còn bà Clément lúc ấy đang ở đâu?

– Vợ tôi đi Londres. Cô ấy đi xe lửa về vào lúc năm giờ rưỡi.

– Thế là đủ. Tôi đã gặp cô người hầu của ông. Ở nhà xứ như vậy là xong. Tôi sẽ đến nhà ông Prothéro. Tôi sẽ nói chuyện với bà Lestrange. Bà ta đã đến nhà ông đại tá tối hôm trước. Thật là kỳ lạ. Có rất nhiều chuyện kỳ lạ trong vụ này.

Tôi công nhận đúng như vậy.

Liếc nhìn đồng hồ, tôi thấy đã tới giờ ăn trưa. Tôi mời ông Melchett đến nhà tôi ăn tạm, nhưng ông ta từ chối, nói mình sẽ tới quán Lợn lòi xanh. Quán này có nhiều thức ăn ngon, có thịt rán và rau. Tôi cho rằng sự lựa chọn của ông Melchett là khôn ngoan vì sau khi đã thẩm vấn gắt gao Marie thì chắc chắn ông sẽ không được cô ta phục vụ chu đáo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.