BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười bốn : Những ý kiến của bác sĩ



Khi trở về nhà xứ thì tôi gặp bà Hartnell. Tôi phải đứng lại mười phút để nghe bà nói về sự thiển cận và vô ơn của những con người khốn khổ. Sự thật là những người nghèo khổ ấy không ưa bà Hartnell. Tôi hoàn toàn tán thành thái độ của họ. Nhưng hoàn cảnh buộc tôi phải thận trọng. Tôi an ủi người con chiên của mình rồi tiếp tục đi.

Xe hơi của ông Haydock đuổi kịp tôi ở khúc quành đường đi vào nhà xứ.

– Tôi vừa đưa bà Prothéro về nhà. – Ông kêu tôi khi đi qua.

Khi tôi về gần đến nhà thì đã thấy ông ấy đứng chờ tôi ngoài hàng rào.

– Hãy đến nhà tôi ngồi một phút.

Tôi nhận lời.

– Đúng là một vụ án kỳ cục – Ông nói trong khi ném chiếc mũ xuống ghế.

Ông mở cửa phòng khám và ngồi sụp xuống một chiếc ghế bành bọc da.

Tôi kể lại cho ông nghe việc chúng tôi đã xác định được giờ giấc khi có tiếng nổ. Ông nghe với một vẻ lơ đãng.

– Như vậy là bà Prothéro vô can – Ông nói – Tôi rất sung sướng khi được biết không phải là bà ta, cũng không phải là Lawrence. Tôi quý trọng cả hai người ấy.

Tôi tin ông. Tuy nhiên tôi vẫn chưa rõ tại sao sau khi được trả lại tự do họ vẫn tỏ ra thất vọng.

Tôi nêu lên ý kiến đó và nhắc lại tôi tin vào sự trung thực của họ. Phải, đã có một tình bạn sâu nặng giữa Anne và Lawrence. Nhưng tại sao họ vẫn tỏ ra u sầu như vậy?

Ông bác sĩ cố gắng đứng lên và nói :

– Tôi muốn nói về ông Hawes. Chuyện của ông ta làm tôi rất bối rối.

– Ông ấy ốm nặng ư?

– Thành thật mà nói thì ông ấy không ốm. Chắc ông đã biết ông ấy mắc chứng mộng du, như mọi người thường nói chứ?

– Không – Tôi ngạc nhiên trả lời – Ông ta không bao giờ nói chuyện này. Ông ta mắc chứng ấy từ khi nào?

– Đã một năm nay. Ông ấy đã đi nằm bệnh viện và người ta đã kết luận ông đã khỏi bệnh. Đó là một chứng bệnh thuộc về tâm thần. Biểu hiện của bệnh thay đổi thất thường.

Ông Haydock đứng trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp :

– Thật đáng khủng khiếp khi nghĩ đến cái thời người ta thiêu sống những mụ phù thủy. Tôi tin chắc đến một ngày nào đó người ta cũng làm như vậy với một số tội nhân thời nay.

– Tôi không thuộc loại người phản đối tội tử hình.

– Không phải như vậy (ông ngừng nói một lúc). Ông mục sư thân mến – Ông nói tiếp một cách chậm chạp – Ông có biết nhiều khi tôi tự hào về nhiệm vụ của mình hơn là nhiệm vụ của ông không?

– Tại sao vậy?

– Vì nhiệm vụ của ông là phân biệt rõ cái thiện với cái ác, tôi không tin vào việc làm ấy. Cái làm tôi sợ nhất là sự lẫn lộn giữa những người mang bệnh và những kẻ phạm tội. Người ta không treo cổ một người chỉ vì anh ta mắc chứng ho lao.

– Chắc chắn là như thế vì người ấy không nguy hiểm cho xã hội.

– Xét về mặt nào đó thì không phải như vậy: anh ta làm lây truyền bệnh đó cho đồng loại. Nhưng hãy lấy một trường hợp khác, như hoàng đế Trung Hoa chẳng hạn. Ông không cho ông ta là một tội phạm ư? Xin nhớ rằng tôi cũng nghĩ đến những vấn để xã hội như ông. Xã hội cần được bảo vệ. Nhưng tôi nói phải tống giam những người như vậy, không cho họ gây hại cho những người khác… làm cho họ biến hẳn đi, nếu cần… phải, tôi nghĩ như vậy. Chỉ có điều không nên gọi việc đó là sự trừng phạt và nhất là đừng để sự xấu hổ rơi xuống đầu những người vô tội trong gia đình họ.

Tôi tò mò nhìn ông Haydock.

– Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông nói như vậy – Tôi bảo ông.

– Tôi không thích phát triển lý thuyết của mình. Tôi đã trót cưỡi lên ngựa rồi. Ông là một người thông minh, ông Clément, và ông biết rõ như tôi rằng không nên nói như vậy đối với một mục sư. Tâm hồn ông cao cả nên ông không hề nghĩ đến những chuyện này.

– Tuy nhiên tôi phải chú ý đến mọi ý kiến nêu lên.

– Trời, có phải chúng ta là những người đầu óc chật hẹp và thường thỏa mãn, nên chúng ta không dám phê phán những cái chúng ta không hiểu không? Tôi trở lại câu chuyện: tôi thành thật tin rằng tội ác làm cho người thầy thuốc quan tâm ngang bằng sự chú ý của ông mục sư và viên cảnh sát. Còn trong tương lai thì ai mà biết được…

– Ông sẽ tìm ra phương thuốc chạy chữa chứ?

– Sao lại không? Đây là một tư tưởng cao cả, ông Clément. Ông đã nghiên cứu về thống kê tội phạm chưa? Không ư… Ít người chú ý đến khoa học này. Tôi thì tôi đã nghiên cứu. Ông sẽ ngạc nhiên khi được biết số lượng những vụ giết người của những thiếu niên. Ông hãy nhớ lại chuyện thằng bé Neil đã giết năm bạn gái của nó trước khi bị nghi ngờ; đến lúc ấy nó vẫn là đứa trẻ xinh xắn, dễ bảo và thông minh. Và con bé Lyli Rose, một đứa trẻ ở xứ Galles, đã giết ông chú mình, với lý do ông ta đã ăn cắp bánh của đứa cháu, ông có nhớ không? Về nhà được nửa tháng, nó lại giết người chị chỉ vì một gói kẹo. Những kẻ điên rồ, tôi nói với ông như vậy! Cả hai đứa, không đứa nào bị treo cổ cả. Người ta chỉ giam chúng lại thôi. Tôi không hiểu chúng sẽ hối hận vào một ngày nào đó không? Tôi xin thú nhận, tôi nghi ngờ những bé gái: việc chúng thích thú nhất vào thời kỳ này là được xem người ta chọc tiết lợn. Clément, ông biết những kẻ tự sát lúc này thường ở lứa tuổi nào không? Từ mười lăm đến mười sáu tuổi. Có thể có một sự chênh lệch lớn giữa số vụ tự giết mình và số vụ giết người. Tất cả những cái đó, theo tôi, là vấn đề chữa bệnh hơn là vấn đề đạo đức.

– Thật khủng khiếp.

– Không, ông Clément, đây là vấn đề mới đấy. Phải nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng cái đó thường làm cho cuộc sống của chúng ta nặng nề thêm.

Ông Haydock ngồi xuống, mặt cau lại với vẻ mệt mỏi, rất mệt mỏi.

Rõ ràng là ông không đợi câu trả lời trực tiếp. Ông nhìn tôi với vẻ bực bội.

– Những cái đó nói với ông điều gì, ông Clément? Các ông đang nghĩ gì? Trả lời đi.

– Không nghĩ gì cả. Thời gian này, chúng ta nghĩ nhiều đến tội ác, và tôi tự hỏi liệu ông có thể giúp vào việc tìm ra sự thật không? Đó là tất cả.

Sự giận dữ của ông Haydock biến mất. Mắt nhìn thẳng vào khoảng không như đang tìm cách giải một câu đố khó chưa bao giờ nghĩ tới.

– Nếu tôi nghi ngờ… nếu tôi biết… tôi sẽ làm bổn phận của mình, ông Clement. Ít nhất thì tôi cùng hy vọng như vậy.

– Chỉ còn việc ông thực hiện cái bổn phận ấy như thế nào thôi.

Ông nhìn tôi bằng cặp mắt khó hiểu.

– Đấy là vấn đề mà mỗi người đều đặt ra trong suốt cuộc đời của mình. Và mỗi người đều có câu trả lời riêng.

– Ông chưa có câu trả lời của mình ư?

– Chưa.

Tôi thấy tốt nhất là thay đổi đề tài câu chuyện.

– Thằng Denis, cháu tôi, rất thích thú với vụ này. Nó để toàn bộ thời gian vào việc tìm ra dấu chân và mẩu thuốc lá.

Ông Haydock cười :

– Nó bao nhiêu tuổi rồi?

– Vừa sang tuổi mười sáu. Vào tuổi này thì chưa có sự suy nghĩ nghiêm chỉnh được! Nó cho mình là một Sherlock Holmes hoặc một Arsène Lupin.

Ông Haydock suy nghĩ rồi nói :

– Một chàng trai bảnh bao. Ông định cho nó làm nghề gì?

– Điều kiện tài chính của tôi không cho phép gửi nó và trường đại học. Nó muốn làm việc ở hãng tàu buôn. Nó đã thi trượt ngành hải quân rồi.

– Đúng thế, đó là một cuộc sống nặng nhọc. Thằng bé có thể gây ra những điều tồi tệ, phải, những điều tồi tệ!

– Ồ! Tôi phải đi thôi – Tôi phải kêu lên – Tôi đã chậm mất tiếng đồng hồ trong bữa ăn rồi.

Gia đình tôi đã ngồi vào bàn khi tôi trở về. Mọi người yêu cầu tôi kể lại những việc đã làm sáng hôm nay. Denis chăm chú nghe chuyện cú điện thoại của bà Price Ridley. Nó thích thú hình dung ra bà già suýt ngất đi khiến người ta phải cho bà uống một cốc nước mận.

– Đáng đời bà già lắm điều! – Nó kêu to – Đó là cách nói tàn bạo nhất trong làng này. Tiếc rằng cháu không phải là người gọi dây nói. Cháu sẽ làm cho bà ấy phát điên lên. Nói xem, bác Clément, liệu người ta có gọi bà lần thứ hai không?

Tôi phải đe nó không được làm như vậy. Không có gì nguy hiểm hơn là sự quá khích của những người trẻ tuổi thời nay.

Nhưng Denis đã trở lại vẻ người lớn.

– Sáng nay cháu đã chơi quần vợt với Lettice. Bác biết không, Griselda, cô ấy rất đau buồn nhưng không để lộ ra mặt.

– Cái ngược lại mới đáng ngạc nhiên – Vợ tôi ngẩng mặt lên nói.

Griselda không thích người con gái của ông Prothéro.

– Anh thấy không công bằng với Lettice.

– Thế ư? – Griselda hỏi lại.

– Có rất nhiều người không để tang.

Griselda yên lặng và tôi cũng vậy. Denis nói tiếp.

– Cô ấy không thổ lộ với ai, ngoài cháu. Cô ấy rất khổ tâm và nhất quyết phải hành động.

– Rồi cô ta sẽ thấy – Tôi nói – Ông Landormy cũng rất muốn như vậy. Ông ta sẽ tìm ra sự thật bằng mọi biện pháp.

– Nhưng anh đã biết thế nào là sự thật chưa, anh Clément? – Bất chợt vợ tôi hỏi.

– Rất khó nói, em yêu. Về phần mình, anh chưa có ý kiến gì cả…

– Anh nói rằng ông thanh tra sẽ tìm ra nguồn gốc của những cú điện thoại gọi cho bà Price Ridley và cho anh, đúng không?

– Hoàn toàn đúng.

– Ông ta không tìm ra đâu. Rất khó!

– Không phải! Tổng đài ghi chép đầy đủ những cuộc đàm thoại.

– À!

Vợ tôi chìm đắm trong suy nghĩ.

– Bác Clement – Denis hỏi – Tại sao sáng nay bác lại bực mình với cháu? Nhắc lại việc bác nói muốn ông Prothéro không có mặt trên đời này nữa là cháu chỉ nói đùa thôi.

– Phải – Tôi nói – Nhưng mỗi việc đều có thời gian của nó. Và ông Landormy là người không thích đùa. Ông ta cho đây là chuyện thật thà thẩm vấn Marie và sẽ đưa cho bác một trát tống giam. Cháu sẽ thấy.

– Ông ấy thấy rõ là cháu nói đùa mà.

– Ông Landormy không nhận ra người ta nói đùa. Ông ta không có thời gian để nghiên cứu tâm lý con người.

– Bác có ưa ông ấy không, bác Clément?

– Không, bác không thích ông ấy. Bác ghét ông ấy ngay khi mới gặp. Nhưng bác không nghi ngờ gì việc ông ta không thể tiến bộ trong nghề nghiệp được…

– Bác có cho rằng ông ấy sẽ tìm ra kẻ giết ông Prothéro không?

– Nếu không đạt được cái đó thì cũng không phải là ở chỗ ông ta không cố gắng.

Marie bước vào.

– Ông Hawes muốn gặp ông – Cô nói – Tôi đã mời ông ấy vào phòng khách. Đây là lá thư gửi cho ông. Người ta chờ trả lời. Trả lời miệng cũng được.

Tôi xé phong bì và đọc:

Ông Clément thân mến,

Tôi sẽ rất biết ơn ông nếu ông tới gặp tôi vào chiều nay, càng sớm càng tốt. Tôi đang rất bối rối và muốn xin ý kiến ông.

Người bạn thân thiết của ông

Estelle Lestrange.

– Hãy nói tôi sẽ tới sau đây nửa tiếng đồng hồ nữa.

Tôi đứng lên và vào phòng khách.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.