BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười sáu : Ba thám tử nghiệp dư



Tôi vừa ra đến cửa thì gặp ông Haydock. Liếc mắt về phía Landormy đang ra khỏi cổng, ông ấy hỏi tôi :

– Ông ta đã hỏi bà Lestrange chưa?

– Rồi. – Tôi nói.

– Tôi hy vọng là ông ta tỏ ra lễ độ chứ?

Lễ độ là một nghệ thuật mà Landormy chưa được giáo dục nhiều, hơn nữa tôi không muốn làm phiền lòng ông Haydock nên tôi trả lời là ông thanh tra đã làm việc tốt.

Haydock gật đầu và vào trong nhà. Khi đi vào làng, tôi thấy viên thanh tra đang bước những bước nặng nề. Tuy không ưa tôi nhưng ông ta cần có những hướng dẫn có ích.

– Ông thấy bà ta là người thế nào? – Ông ta đột nhiên hỏi tôi.

Tôi đáp là mình chẳng biết gì cả.

– Bà ta có nói lý do mình cư trú tại làng này không?

– Không.

– Tuy nhiên đôi lúc ông có gặp bà ta chứ?

– Gặp những tín đồ là bổn phận của tôi.

– Phải, tất nhiên.

Ông ta yên lặng trong một hai phút đồng hồ, nhưng ý định muốn nói mạnh hơn.

– Theo tôi, tất cả những cái đó là giả dối. – Ông ta nói.

– Ông tin là như vậy ư?

– Nếu ông muốn biết quan điểm của tôi, thì tôi sẽ không ngạc nhiên khi kết luận đây là một vụ tống tiền.

Một giả thiết như vậy thì thật là vô lý nếu người ta nghĩ đến gia sản của ông Prothéro. Nhưng người ta không nên tin chắc vào điều gì cả. Có phải ông đại tá này sống một cuộc sống hai mặt không! Hơn nữa bà Marple cũng đã có một ý kiến tương tự.

– Cái đó đối với ông là có thể có ư? – Tôi hỏi.

– “Tôi không biết, ông Clément, nhưng nó rất phù hợp với những gì mà chúng ta đã biết. Tại sao một phụ nữ ‘lịch sự’ như vậy lại về sống trong ngôi làng hẻo lánh này? Tại sao bà ta lại đến nhà ông Prothéro vào cái giờ bất tiện như vậy? Tại sao bà ta lại tránh gặp mặt vd và con gái ông này? Phải, tất cả những cái đò đều rộ ràng nhưng rất khó thú nhận. Và tội tống tiền sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Nhưng chúng ta sẽ có cách để bà ta phải nói lên sự thật thôi.

Cái đó có thể là điểm đặc biệt quan trọng trong công cuộc điều tra. Nếu ông Prothéro có một cuộc sống bí mật, có một điều gì đó làm ông ta mất danh dự… thì ông sẽ thấy ngay cái viễn cảnh của công tác của chúng ta”.

Nói cho đúng ra sự lập luận của ông Landormy khá lô-gic.

– Tôi sẽ cố gắng làm cho những người giúp việc phải nói ra – Ông nói tiếp – Có thể họ đã nghe được từng mẩu trong cuộc chuyện trò giữa ông đại tá và bà Lestrange. Ông đã biết những người giúp việc… Nhưng anh ta đã thề rằng mình không nghe thấy gì cả. Ông có hình dung ra việc anh ta nấp ở ngoài cửa để nghe trộm cuộc viếng thăm quỷ quái đó. Phải, ông đại tá đã cự anh về việc tự ý dẫn bà ta vào phòng khách và nói là cho anh ta thôi việc. Anh ta không ưa gia đình này và từ lâu anh đã muốn rời bỏ nó.

– Đúng thế ư?

– Lại thêm một người nữa không ưa ông đại tá. Ông không nghi ngờ gì người này ư? Anh ta tên là gì nhỉ?

– Tên anh ta là Rives – Tôi không nói là không nghi ngờ. Điều tôi muốn nói là người ta không thể nào biết được. Và tôi không thích những lời đường mật.

Tôi tự hỏi Rives có nghĩ cách làm việc của ông thanh tra không.

– Bây giờ đến lượt người lái xe đây – Ông thanh tra nói tiếp.

– Ông có thể cho tôi ngồi nhờ xe được không? Tôi có việc cần bàn với bà Prothéro.

– Việc gì?

– Tang lễ.

– A! (Landormy thất vọng) Tòa sẽ họp vào ngày mai, thứ bảy.

– Phải. Tang lễ có thể cử hành vào thứ ba tuần sau.

Ông thanh tra có vẻ bối rối. Ông ta đưa cho tôi một cành ô-liu ý muốn nói mời tôi cùng tham dự cuộc thẩm vấn người tài xế…

Manning, người lái xe, là một chàng trai hai mươi bốn hoặc hai mươi nhăm tuổi. Sự có mặt của ông Landormy làm cho anh ta bối rối.

– Nói xem, anh bạn… – Ông thanh tra lên tiếng – Tôi muốn anh cho biết một số sự việc.

– Vâng, thưa ông… chắc chắn là như vậy, thưa ông. – Con người khốn khổ ấy lắp bắp nói.

Anh ta sợ hãi như chính mình đã gây ra tội ác không bằng.

– Anh đã chở ông chủ vào trong làng đúng không?

– Vâng, thưa ông.

– Vào lúc mấy giờ?

– Vào lúc năm giờ rưỡi.

– Có cả bà Prothéro đi theo chứ?

– Vâng, thưa ông.

– Anh có cho xe dừng lại dọc đường không?

– Không, thưa ông.

– Khi tới nơi thì anh làm gì?

– Ông đại tá xuống xe; ông nói mình đi bộ, không cần xe nữa. Bà chủ có một vài việc mua bán. Bà chủ có một vài việc mua bán. Bà để những gói hàng vào trong xe. Tôi đánh xe trở về nhà một mình.

– Anh để lại bà Prothéro ở trong làng ư?

– Vâng, thưa ông.

– Lúc ấy là mấy giờ?

– Sáu giờ mười lăm phút, thưa ông. Đúng mười lăm phút.

– Anh đỗ xe ở đâu?

– Ở bãi đất trống trước cổng nhà thờ, thưa ông.

– Ông Prothéro có nói với anh là mình đi đâu không?

– Ông chủ nói là mình đến trạm thú y để chữa cho một trong những con ngựa của mình.

– Anh về nhà ngay ư?

– Vâng, thưa ông.

– Hừ – Ông Landormy càu nhàu – Tôi cho rằng đã hết… A! Cô Lettice đây rồi.

Cô Lettice đang đi về phía chúng tôi. Cô bước những bước chậm chạp.

– Đánh xe ra, Manning – Cô nói – Chở tôi đi, được không?

– Được, thưa cô.

Anh ta đến bên chiếc xe, mở nắp xe ra.

– Xin cô một phút thôi, cô Lettice – Viên thanh tra nói – Tôi cần kiểm tra lại thời khóa biểu vào chiều hôm qua của mọi người. Cô không thấy gì là phiền phức chứ?

Cô Lettice nhìn thẳng vào mặt ông ta.

– Tôi không chú ý đến giờ giấc. – Cô nói.

– Nào, tôi cho rằng sau bữa ăn trưa cô đã đi.

Cô gật đầu.

– Cô đi đâu?

– Chơi quần vợt.

– Với ai?

– Với anh em nhà Hartley Napiers.

– Ở Much Benham ư?

– Và cô về vào lúc mấy giờ?

– Tôi không biết. Tôi đã nói rằng tôi không chú ý giờ giấc kia mà.

– Cô trở về lúc bảy giờ rưỡi. – Tôi nói.

– Đúng thế – Cô Lettice nói – Khi tôi về thì bà Anne đang bị một cơn choáng, bà Griselda phải đỡ bà ta.

– Xin cảm ơn cô – Ông thánh tra kết luận – Đó là tất cả những gì tôi muốn biết.

– Thật là kỳ cục! – Cô Lettice nói thêm – Chẳng có lợi ích gì cả.

Và cô gái đi ra nơi xe đỗ.

Ông thanh tra vỗ tay vào trán.

– Cô ta còn quên một cái gì đó! – Ông ta nói.

– Không phải đâu – Tôi nói chữa lại – Nhưng cô ấy muốn làm việc nghiêm chỉnh kia.

– Bây giờ tôi sẽ thẩm vấn những người hầu gái. – Landormy quyết định.

Tôi cho rằng khó lòng mà ưa được ông thanh tra này, nhưng người ta phải cúi đầu bái phục nghị lực và tính kiên trì của ông ta.

Tôi hỏi Rives rằng tôi có thể gặp bà Prothéro được không?

– Bà chủ đang nghỉ, thưa ông.

– Như vậy, tốt hơn cả là tôi không nên làm phiền bà ấy.

– Ông có thể đợi một lát. Tôi biết bà chủ đang rất muốn gặp ông. Trong bữa ăn trưa bà đã nhắc lại việc này.

Anh ta đưa tôi vào phòng khách và bật đèn vì các bức mành đều được hạ xuống.

– Chuyện xảy ra thật đáng buồn. – Tôi nói.

– Vâng, thưa ông.

Rives trả lời một cách lễ phép. Tôi nhìn anh ta. Dưới cái vẻ thản nhiên kia, anh ta đang suy nghĩ gì? Anh ta có thể nói ra được không? Cái mặt nạ của một người đầy tớ tốt không có vẻ gì là của con người cả.

– Có gì mới không, thưa ông? – Anh ta lại hỏi.

Đằng sau câu hỏi ấy, người ta có thấy vẻ lo ngại không?

– Không – Tôi đáp – Người ta chưa biết thêm điều gì.

Tôi không phải chờ đợi bà Prothéro lâu. Chúng tôi bàn về tang lễ và ra một vài quyết định. Sau đó bà ta nói một cách bất chợt :

– Ông Haydock là một con người đáng mến.

– Ông ta là người tốt nhất mà tôi biết.

– Ông ấy rất tốt với tôi. Nhưng tại sao ông ấy có vẻ buồn!

Tôi thấy ông bác sĩ không phải như vậy. Tôi nói ý nghĩ ấy với bà ta.

– Trước nay tôi ít chú ý tới ông ấy. – Bà Prothéro giải thích.

– Cái bất hạnh đôi khi mang lại sự sáng suốt.

– A! Đúng vậy!

Bà yên lặng một lát rồi hỏi tôi :

– Ông Clément, có một chuyện mà tôi không hiểu. Nếu chồng tôi bị giết ngay sau khi tôi bỏ đi thì tại sao tôi không nghe thấy tiếng súng?

– Có thể sau đó hung thủ mới nổ súng.

– Nhưng còn giờ ghi trên lá thư 6 giờ 20 thì sao?

– Con số đó được kẻ giết người, hoặc một người nào đó ghi thêm vào, ai mà biết được.

Mặt bà ta tái đi.

– A! Thật đáng sợ!

– Bà thấy con số này có phải chính tay ông nhà viết không?

– Cả lá thư – Bà ta nói – Cũng không giống nét chữ ông ấy.

Có sự thật trong nhận xét đó. Những chữ viết nguyệch ngoac, rất khó đọc, không phải là cách viết của ông Prothéro.

– Ông có tin chác người ta không nghi ngờ Lawrence nữa không?

– Tôi tin rằng anh ta không phạm tội.

– A! Ông Clément, thủ phạm có thể là ai? Chồng tôi được ít người ưa, nhưng tôi tin rằng ông ấy không có kẻ thù thực sự. Ít nhất không phải là loại kẻ thù như vậy.

Tôi gật đầu.

– Thật là bí mật.

Tôi thầm nhớ đến lời bà Marple nói có đến bảy người không muốn sự tồn tại của ông đại tá. Là những ai?

Khi rời khỏi nhà ông Prothéro, tôi có ý định duyệt lại bản kế hoạch của mình. Tôi đi theo con đường nhỏ, nhưng khi tới hàng rào tôi rẽ vào con đường có nhiều bụi cây để vào trong rừng. Tôi đến nơi rừng bắt đầu rậm rạp. Tôi đi chậm và bất chợt tôi nghe thấy một tiếng động ở đâu đây. Tôi đứng lại và nhận ra đấy là Lawrence. Anh ta cầm trên tay một cục đá to. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh ta cười lớn.

– Không – Anh ta nói – Đây không phải là cột mốc mà là dấu hiệu hòa bình.

– Dấu hiệu hòa bình ư?

– Nếu ông muốn, thì đây là cơ sở để thương lượng. Tôi phải tìm một cái cố để đến thăm bà Marple và người ta bảo tôi muốn làm bà ta hài lòng thì không gì bằng biếu bà một cục đá để bà xây dựng một khu vườn kiểu Nhật Bản.

– Đúng thế, nhưng anh muốn gì ở bà ấy?

– Để xem bà Marple đã nhìn thấy những gì chiều hôm qua. Tôi không chỉ nói đến những việc lớn mà cả những chi tiết nhỏ có thể đưa chúng ta đến sự thật. Biết đâu đấy. Kế cả những việc bà ta thấy không cần thiết báo cho cảnh sát.

– Có thể là như vậy.

– Dù sao đây cũng là việc làm thử. Ông Clément, tôi muốn theo đuổi việc này tới cùng, vì tình yêu của Anne. Tôi không tin ông Landormy: ông ta khá nhanh nhẹn, nhưng nhanh nhẹn thì không thay thế được thông minh.

– Như vậy anh la người mà người ta gọi là thám tử tư đấy.

Trong tiểu thuyết thì họ là những người tài giỏi. Nhưng trong thực tế, tôi tự hỏi, họ có thể ngang tầm với những thám tử chuyên nghiệp không.

Lawrence ranh mãnh nhìn tôi và cười :

– Còn ông, ông mục sư, ông vào trong rừng làm gì?

Tôi đỏ mặt.

Tôi cho rằng ông cũng làm một việc như tôi. Kẻ giết người vào văn phòng nhà xứ như thế nào? Hai giả thuyết: qua con đường nhỏ và hàng rào hoặc qua cổng chính. Giả thuyết thứ ba… Nhưng có giả thuyết thứ ba không? Tôi muốn tìm những bụi cây bị xéo nát xung quanh nhà xứ.

Tôi thừa nhận là mình cũng định làm như vậy.

– Tôi mới bắt đầu tìm kiếm thôi – Lawrence nói – Nhưng tôi muốn gặp bà Marple trước hỏi xem chiều hôm qua bà ta đã nhìn thấy những ai đi qua con đường nhỏ trong khi chúng tôi đang ở trong xưởng họa.

Tôi lắc đầu.

– Bà ấy quả quyết là không có ai nữa.

– Phải, đó là theo ý nghĩ của bà ta thôi. Thật là ngốc nghếch khi tôi nói điều này với ông. Có thể là đã có một người nào đó đi qua, tôi không biết là ai, như một nhân viên đưa thư, một người bán sữa, hoặc cũng có thể là một đứa trẻ ở cửa hàng thịt… tóm lại một người nào đó mà sự có mặt của họ là rất tự nhiên khiến ta không chú ý đến.

– Anh đã đọc tiểu thuyết trinh thám của Chesterton ư?

Anh ta không cãi lại.

– Ông thấy có thể có một cái gì đó nếu làm theo cách này không?

– Có chứ, sao lại không?

Chúng tôi cùng đi đến nhà bà Marple. Bà đang làm vườn; khi thấy chúng tôi xuất hiện ở hàng rào bà cất tiếng gọi.

– Hừ! – Lawrence nói – Đứng đây bà ta có thể nhìn thấy cả thế giới.

Bà Marple thân mật tiếp chúng tôi và rất thích thú khi thấy một cục đá to mà Lawrence biếu bà.

– Anh thật đáng mến, Lawrence.

Được khuyên khích bởi sự đón tiếp ấy, Lawrence nêu ra một lô câu hỏi. Bà già chăm chú nghe.

– Phải, phải, tôi hiểu anh muốn nói gì rồi. Nhưng anh hãy tin rằng không có ai đi qua đây cả.

– Bà tin chắc chứ, bà Marple?

– Hoàn toàn tin chắc.

– Bà có nhìn thấy ai đi vào trong rừng không? – Tôi hỏi.

– Ô! Rất nhiều người. Giáo sư Stone, cô Cram: đây là con đường ngắn nhất để đi tới nơi khai quật. Lúc ấy khoảng hai giờ. Rồi ông giáo sư lại trở về và gặp lai anh với bà Prothéro, anh nhớ không?

– Như vậy thì – Tôi nêu ý kiến – anh Lawrence và bà Prothéro cũng nghe thấy tiếng nổ như bà Marple nói.

Tôi nhìn Lawrence.

– Phải – Anh ta cau mày nói – Hình như tôi đã nghe thấy: nhưng bao nhiêu… một tiếng, hai tiếng?

– Tôi chỉ nghe thấy một tiếng thôi. – Bà Marple nói.

– Ô! Tôi mơ hồ nhớ điều này thôi – Lawrence nói – Tôi rất muốn nhớ… nếu tôi có thể nhớ được… Nhưng lúc ấy tôi đang mải…

Anh ta bối rối, ngừng nói.

Tôi húng hắng ho. Bà Marple thay đổi đề tài câu chuyện.

– Ông thanh tra bảo tôi cố nhớ xem tôi nghe thấy tiếng nổ ấy trước hay sau khi anh Lawrence và bà Prothéro rời khỏi xưởng họa. Tôi không thể trả lời một cách chính xác với ông ta được. Nhưng càng nghĩ tôi càng quả quyết đó là sau.

– Thế là – Lawrence thở dài – giáo sư Stone được coi là ngoại phạm. Ông ta không có lý do gì để bị nghi ngờ là đã giết ông Prothéro cả.

– Tôi – Bà Marple nói – tôi cho rằng thận trọng hơn cả là nghi ngờ mọi người. Biết đâu đấy…

Tôi yêu cầu Lawrence mô tả tiếng nổ mà anh ta nói đã nghe thấy.

– Tôi không thể nói được: đó là một tiếng nổ bình thường. Tôi cho rằng nó có khi chúng tôi đang ở trong xưởng họa. Vì có những bức tường nên tiếng nổ không to lắm, do đó chúng tôi không chú ý.

Và còn những lý do khác nữa. – Tôi tự nhủ.

– Tôi cần hỏi lại Anne – Anh ta nói tiếp – Có thể bà ấy nhớ. Gần đây trong làng đã có một sự việc lạ lùng cần được giải thích rõ. Bà Lestrange, một phụ nữ bí mật của làng Saint Mary Mead, đã có cuộc gặp với ông già Prothéro vào sau bữa ăn chiều hôm thứ tư. Về vấn đề gì? Ông già không hề nói lại chuyện này với vợ và con gái.

– Có thể là ông mục sư đã biết. – Bà Marple gợi ý.

Tại sao bà già này biết chuyện tôi đã tới nhà bà Lestrange chiều hôm ấy? Đối với tôi đó là một câu đố rất khó. Tôi lắc đầu nói mình không biết gì cả.

– Còn ông thanh tra, ông ấy nghĩ như thế nào? – Bà Marple hỏi.

– Ông ta đã gặng hỏi người hầu xem anh ta có nghe được gì nếu anh ta đứng ngoài cửa không, nhưng anh ta cũng không đứng nghe trộm.

– Và cả bà Prothéro cũng không biết gì cả.

– Tôi muốn nói đến những người hầu gái kia. Các cô ấy rất sợ cảnh sát. Nhưng đối với một chàng trai xinh đẹp – xin lỗi anh Lawrence – một chàng trai xin đẹp đã bị nghi oan – Tôi tin chắc các cô ấy sẽ nói tất cả.

– Tối nay tôi sẽ thử làm như vậy xem sao – Lawrence nói bằng giọng quả quyết – Cảm ơn bà Marple đã đề xuất ý kiến ấy.

Tốt nhất là chúng tôi làm tiếp công việc của mình. Tôi chào bà Marple và chúng tôi đi vào rừng.

Chúng tôi đến một nơi có dấu vết một người nào đó đã rẽ sang bên phải. Lawrence nói mình đã đi theo lối này nhưng không kết quả gì, nhưng tôi quyết định cứ đi tiếp xem sao.

Đi được một vài mét thì mất dấu vết. Chính đây là nơi Lawrence đã đi ra và gặp tôi lúc nãy.

Chúng tôi đi theo một lối mòn và thấy những bụi cây bị xơ xác. Đi một quãng nữa thì thấy đường trở về nhà xứ. Chúng tôi đến bên một bức tường và những bụi cây rậm rạp. Tường xây khá cao và phía trên cắm những mảnh chai. Nếu có kẻ nào dựng vào đây một chiếc thang thì chắc chắn chúng tôi đã nhìn thấy.

Chúng tôi đang đi dọc theo bức tường thì nghe thấy tiếng cành khô gãy. Tôi chạy lại phía sau một lùm cây thì đó là viên thanh tra cảnh sát.

– Này ông – Landormy nói – ông và Lawrence đấy ư? Hai ông làm gì ở đây?

Chúng tôi nói rõ ý định của mình cho ông ta hay.

– Các ông có lý – Landormy nói – Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi đã tìm kiếm ở đây một tiếng đồng hồ. Các ông có muốn nghe ý kiến của tôi không?

– Gì vậy?

– Kẻ giết ông Prothéro không đi lối này. Không có dấu vết gì ở trên tường cũng như ở những nơi khác. Hắn đi vào bằng cổng chính. Không có con đường nào khác.

– Không thể như vậy được! – Tôi kêu lên.

– Sao lại không? Ông để ngỏ cổng. Ai cũng có thể vào nhà ông được. Hắn không cần xuống bếp. Ông đi vắng và hắn biết rõ bà Clément đang ở Londres. Denis không dùng trà vào buổi chiều. Rõ như ban ngày! Bằng cách ấy, hắn không cần trở ra qua làng, ở trước hàng rào có một lối đi vào rừng. ít nhất là bà Price Ridley không ra khỏi nhà vào lúc ấy, hắn không lo ngại điều gì, càng không lo ngại nữa nếu hắn đi men theo tường. Không nên quên cửa sổ nhà bà Price Ridley quay ra tường. Nói tóm lại: kẻ giết người vào nhà xứ bằng cổng chính.

Phải, có thể mọi việc đã diễn ra như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.