BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười : Tiếng nổ trong rừng



Nhận xét về bà Marple của Melchett không mấy hay ho.

– Bà già khô đét ấy tưởng mình biết tất cả – Ông càu nhàu – cả đời bà ấy không ra khỏi làng! Thật là ngu ngốc! Tôi tự hỏi làm thế nào bà ấy biết cuộc sống được!

Tôi nhẹ nhàng nói với Melchett rằng đúng là bà Marple không hiểu cuộc sống viết với chữ S lớn, nhưng bà hiểu mọi chuyện diễn ra trong làng Saint Mary Mead này.

Melchett phải thừa nhận điều đó. Tóm lại chúng tôi vừa tìm được một nhân chứng quý báu, rất quý báu đối với bà Prothéro.

– Tất nhiên, chúng ta không nghi ngờ gì những điều bà ấy nêu ra.

– Ông có thể yên tâm: nếu bà Marple đã nói bà Prothéro không mang theo súng trong người thì ông có thể tin được. Nếu ông còn nghi ngờ về chi tiết đó thì bà ấy sẽ đấu tranh đến cùng.

– Đúng thế. Bây giờ, tốt hơn cả là chúng ta vào thăm xưởng họa.

Cái được gọi là xưởng họa thực ra chỉ là một nhà kho. Nó không có cửa sổ mà chỉ có một cửa ra vào mở rộng. Tỏ ra hài lòng về cuộc đi thăm này, khi xong việc, ông Melchett nói là mình muốn đến nhà xứ cùng với viên thanh tra.

– Nhưng trước đó tôi phải về đồn cảnh sát đã. – Ông bảo tôi.

Khi trở về nhà, tôi nghe thấy có tiếng cười nói. Mở cửa phòng khác ra: cô Cram đang ngồi bên Griselda trên đi-văng. Hai người đang nói chuyện râm ran.

– Anh Clément! – Griselda kêu to.

– Xin chào ông Clément – Cô Cram nói – Những chi tiết về cái chết của ông đại tá thật là khủng khiếp. Con người khốn khổ.

– Cô Cram – Vợ tôi nói – tỏ ý giúp đỡ đoàn hướng đạo sinh của chúng ta. Chắc anh còn nhớ, chủ nhật tới, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc quyên góp cho quỹ từ thiện chứ?

Tôi nhớ việc này. Nhưng cũng như tôi, trong giọng nói của mình, Griselda không tin chỉ vì việc ấy mà cô Cram tới nhà xứ.

Cô Cram nói tiếp câu chuyện bỏ dở :

– Cái tin đó như một cú đánh bằng gậy vào người tôi! Một tội ác trong ngôi làng yên tĩnh này! Yên tĩnh đến mức không có lấy một rạp chiếu bóng, chưa nói đến phim có lồng tiếng nữa. Và khi nghe nói người bị hại là đại tá Prothéro thì tôi không tin. Con người đáng mến! Ông ấy không có vẻ gì là người sắp bị giết hại.

Tôi không biết những đặc điểm gì ở con người chứng tỏ mình có bị giết hại hay không như cô Cram nói. Có một lớp người đặc biệt sẽ là nạn nhân của những tội ác ư? Dù sao, cái đầu bướng bỉnh có mớ tóc vàng của cô Cram cũng không tin rằng sẽ có chuyện này.

– Nhưng – Griselda nói – Làm thế nào mà cô Cram biết được tin này?

Tôi sợ sự thật thà của vợ tôi làm cho khách tới thăm khó chịu nhưng cô ta đã ngồi ngả về đằng sau, cười lớn để lộ hai hàm răng trắng muốt.

– Bà Clément, lời bà vừa nói chẳng đúng chút nào. Ai có thể giấu bà được điều gì kia chứ? Có phải là không tự nhiên khi đi tìm hiểu những tình tiết của một vụ án như vụ này không? Dù sao tôi tới đây vẫn là mong được giúp đỡ những hướng đạo sinh của bà. Thật là thú vị! Nhất là đối với tôi, người đang chán nản. Có đấy! Có đấy! Ô! Không phải là tôi không thích công việc đang làm. Hơn nữa giáo sư Stone lại rất đáng mến! Nhưng một người con gái còn có nhu cầu đi đây đi đó, nhu cầu giải trí, ngoài những giờ ngồi bên bàn giấy và ngoài bà, bà Clément, thì còn ai thích sống ở đây, ngoài những bà già lắm điều?

– Còn cô Lettice nữa. – Tôi nói.

Cô Cram lắc đầu.

– Cô ta khinh ghét hạng người phải làm việc để kiếm sống như tôi. Tuy nhiên tôi nghe nói cô ta cũng đang đi tìm việc, cả cô ta nữa. Nhưng ai thuê mướn con người ấy kia chứ? Có chăng chỉ được ba bảy hai mươi mốt ngày. Cô ta nên đi làm người mẫu và đi dạo phố. Đúng, tôi nghĩ như vậy là thích hợp.

– Cô ấy sẽ là một người mẫu xinh đẹp. – Griselda nói – Dù sao, cô ấy ăn nói cũng có phần cay độc. Nhưng cô ấy nói mình phải đi kiếm sống khi nào?

Cô Cram có vẻ bối rối, nhưng rồi cũng nhanh trí nói :

– Bà cho rằng cái đó không có ý nghĩa gì ư? Phải, cô ta đã có ý định ấy. Tôi cho rằng cô ta sống không hạnh phúc lắm. Tôi thì tôi không muốn sống trong cùng một nhà với một bà mẹ ghẻ chút nào! Dù chỉ trong hai phút đồng hồ.

– Phải, cô là người có tính cách của mình – Griselda nói một cách nghiêm chỉnh.

Cô Cram tỏ vẻ hài lòng.

– Đúng thế – Cô ta xác nhận – bà hiểu tôi rất rõ: người ta có thể điều khiển tôi nhưng phải bằng sự dịu dàng. Tôi không phải là người bảo sao làm vậy. Hơn nữa tôi đã báo trước với ông giáo sư rằng tôi phải có thời gian nghỉ ngơi. Các nhà bác học thường coi các cô gái như những cỗ máy: ít khi họ biết đến sự có mặt của họ.

– Làm việc với một giáo sư thì rất thú vị, đúng không? Nếu cô có đôi chút kiến thức về khảo cổ học thì thật là tuyệt vời.

– Ồ! Bà biết rồi đấy, tôi không hiểu biết nhiều. Mặt khác, tôi thấy thật là, nói thế nào nhỉ – thật là kỳ cục khi đào người chết hàng trăm năm lên. Nhưng ông giáo sư lại không có mặt ở đó, ông ta còn bận ăn uống.

– Sáng hôm nay ông ấy có đến chỗ khai quật không? – Griselda hỏi.

– Không, ông ta mệt và không thích thú làm việc nữa. Do vậy tôi có thời gian rảnh rỗi.

– Tôi lấy làm tiếc khi thấy ông ấy khó ở. – Tôi nói…

– Ồ! Không sao. Chúng tôi không có người chết thứ hai để đào bới. Nhưng, ông Clément, ông nói xem, sáng hôm nay ông đã đi với các nhà điều tra. Họ nghĩ gì về vụ này?

– Họ chưa tin chắc lắm. – Tôi chậm chạp trả lời.

– A! – Cô Cram kêu lên – Họ tin rằng Lawrence là thủ phạm ư? Một chàng trai xinh đẹp. Phải nói rằng anh ấy là một diễn viên điện ảnh. Khi chào ai, anh ta có nụ cười rất tươi. Khi nghe tin anh ấy bị bắt, tôi không tin vào đôi tai của mình nữa. Có đầy đủ lý do để nói rằng các nhân viên cảnh sát của chúng ta đều là những kẻ ngốc nghếch.

– Cô không thể chê trách gì được họ đâu vì chính Lawrence đã đi tự thú mình là thủ phạm trong vụ này.

– Thế nào? Thế nào?

Cô gái tỏ ra quá đỗi ngạc nhiên.

– Anh chàng khốn khổ! Nếu tôi đã gây ra một tội ác thì tôi không để bị bắt! Tôi tưởng Lawrence khôn ngoan kia. Anh ấy có nói tại sao mình giết ông Prothéro không? Vì đã cãi nhau ư?

– Anh ta không thể chứng minh được rằng mình đã giết người. – Tôi nói.

– Tại sao? Chính miệng anh ấy nói như vậy kia mà?

– Anh ta đã nói như vậy. Nhưng cảnh sát không tin.

– Tại sao anh ấy lại nói như vậy?

Không muốn cho cô Cram biết điều này nên tôi đã nói chung chung :

– Cảnh sát cũng thường nhận được những lá thư tự thú kiểu này.

– Anh ấy điên rồi. – Cô Cram nói bằng giọng khinh bỉ.

Rồi cô nói thêm :

– Tôi thì không bao giờ làm như vậy.

– Tôi tin là như thế.

– Cuối cùng – Cô ta thở dài – đã đến giờ tôi phải về rồi.

Cô đứng lên :

– Việc Lawrence đi tự thú là một tin mới với ông giáo sư!

– Ông ta có quan tâm đến vụ này không?

Cô Cram cau mày ngạc nhiên.

– Ông ấy rất kỳ cục. Người ta không thể hiểu là ông ấy đang quan tâm về vấn đề gì. Ông ấy sống trong quá khứ. Ông ấy mất rất nhiều tiền của để có một lưỡi dao han gỉ đã đào được, nói đây là dao mà Ladru đã dùng để cắt cổ những người vợ chưa cưới của mình.

– Xin thú nhận là tôi rất đồng ý với cô.

Cái nhìn của cô Cram vừa tỏ ra khó hiểu, vừa thể hiện sự khinh thường. Cô ta tạm biệt chúng tôi sau khi nói rất nhiều lời chào.

– Cô ấy không đến nỗi xấu tính như người ta nói – Griselda lên tiếng – Cô ấy cũng giống mọi người nhưng phải cái hơi to béo và thích ồn ào thôi. Mọi người không nên ghét bỏ cô ấy. Em đang tự hỏi điều gì đã khiến cô ấy tới đây?

– Sự tò mò.

– Đúng. Chắc chắn là như vậy. Bây giờ, anh Clément, cho em biết những gì anh nắm được. Em đang rất muốn biết.

Tôi ngồi xuống và thuật lại những gì đã xảy ra sáng hôm nay; vợ tôi lúc nãy, lúc khác đề ra những câu hỏi để sau đó xuýt xoa vì ngạc nhiên. Khi tôi nói xong, cô ấy nói một cách giản đơn :

– Thế là Lawrence là tình nhân của Anne chứ không phải là của Lettice ư? Chúng ta đều mù cả! Có phải vì thế mà bà Marple đã nói một cách bóng gió hôm trước không?

– Đúng thế. – Tôi trả lời và quay mặt đi.

Marie bước vào.

– Có hai ông khách… họ đến theo ủy nhiệm của các tòa báo, họ nói như vậy. Ông có muốn tiếp họ không?

– Không, không. Chắc chắn là không. Cô bảo họ tới gặp ông Landormy ở đồn cảnh sát.

Marie gật đầu rồi quay đi. Tôi gọi cô lại.

– Khi xong việc, cô trở lại đây; tôi muốn hỏi cô vài điều.

Một lần nữa, Marie lại gật đầu.

Sau đó một vài phút cô ta quay lại.

– Tôi rất khó mời họ đi – Cô nói – Họ nài nỉ. Họ bảo “không” không phải là câu trả lời. Họ muốn gì hơn?

– Marie, có thể chúng ta còn bị họ làm phiền nữa, tôi sợ là như vậy. Nhưng đây là cái tôi muốn biết: cô có tin chắc rằng mình không nghe thấy tiếng nổ không?

– Nghe thấy tiếng súng người ta giết ông ấy ư? Chắc chắn là không, tôi không nghe thấy; nếu nghe thấy tôi đã chạy lên nhà xem có chuyện gì xảy ra rồi.

– Phải, nhưng… (tôi nhớ lại lời bà Marple nói bà có nghe thấy tiếng nổ ở trong rừng và tôi thay đổi câu hỏi của mình)… nhưng cô có nghe thấy tiếng nổ từ một hướng khác không, từ trong rừng chẳng hạn?

– Ô! (Marie ngừng lại một lúc). Có chứ, bây giờ tôi nhớ ra rồi, tôi có nghe thấy. Không nhiều, chỉ một tiếng nổ thôi. Một thôi. Tiếng nổ thật là kỳ cục.

– Lúc ấy khoảng mấy giờ?

– Giờ ư?

– Đúng thế, mấy giờ?

– Tôi không thể nói chính xác được. Có thể là sau bữa dùng trà thường ngày.

– Cô cố nhớ lại xem.

– Không, tôi không thể. Tôi có nhiều việc phải làm, tôi ấy! Tôi không có thời gian để nhìn đồng hồ xem mấy giờ. Và cái đó cũng chẳng ích gì cả: chuông báo thức chậm đến bốn mươi nhăm phút mỗi buổi sáng. Còn cái cách ông vặn đồng hồ nhanh lên nữa! Trong nhà này, người ta không thể biết lúc nào là mấy giờ cả.

Cái đó giải thích những bữa cơm trong gia đình tôi lúc sớm, lúc muộn, nhưng thường là muộn.

– Có phải sau lúc ông Lawrencra về không? – Tôi hỏi thêm.

– Không, ông ta vừa ra về. Mươi mười lăm phút thôi, không hơn.

Tôi hài lòng lắc đầu.

– Thưa ông – Marie nói tiếp – Ông còn điều gì hỏi không, vì tôi còn món thịt quay trên lò và món canh sắp sôi trên bếp.

– Đó là tất cả. Cô có thể đi.

Marie đi khỏi và tôi quay sang Griselda :

– Thật là vô ích khi đòi hỏi Marie nói câu “Thưa ông” và “Thưa bà”.

– Em đã nhắc nhở, nhưng cô ta không nhớ. Đây là một người hầu mới vào nghề.

– Anh công nhận – Tôi nói – Nhưng không thể “mới vào nghề” suốt đời được! Phải dạy dỗ cô ấy.

– Đến đây thì em không thể đồng ý với anh được – Griselda – Anh biết chúng ta đã bỏ ra nhiều tiền để thuê một người giúp việc. Nếu cô ta thạo việc thì cô ta đã rời bỏ chúng ta để đi làm cho một nhà khác. Ngược lại, khi cô ta còn làm ăn vụng về thì chúng ta có thể yên tâm vì không ai muốn thuê cô ta cả.

Hẳn mọi người thấy rõ những phương pháp quản lý nhà cửa của vợ tôi không phải hoàn toàn thiếu logic. Bây giờ chỉ còn mong chờ sự chuyển biến trong việc làm của Marie thôi.

– Dù sao – Griselda nói tiếp – Anh cũng nên tỏ ra độ lượng với cô ta và anh nên biết cô ta không thể thương hại ông Prothéro trong khi ông ấy tống cổ người chồng chưa cưới của cô ta vào tù.

– Ông ta cho bắt giam chồng chưa cưới của Marie ư?

– Về tội săn bắn trộm, đúng thế. Anh đã biết anh ta, người vẫn cùng Marie đi với nhau hai năm nay.

– Anh không biết.

– Clément, anh yêu, anh chẳng biết gì cả!

– Thật kỳ lạ – Tôi nói tiếp – Mọi người đều nói tiếng nổ từ trong rừng phát ra.

– Em chẳng thấy có gì là kỳ lạ cả – Griselda nói – Người ta thường nghe thấy tiếng súng ở trong rừng. Khi nghe thấy một tiếng nổ nào đó, người ta đều cho rằng từ trong ấy phát ra. Đó là thói quen. Nếu tiếng nổ nghe được từ hướng khác, Marie sẽ biết có chuyện không bình thường trong nhà. Nhưng cửa sổ nhà bếp lại quay sang hướng khác!

Cửa phòng lại bật mở.

– Đại tá Melchett đã trở lại – Marie báo tin – Ông ấy cùng ông thanh tra muốn gặp ông. Họ đang chờ trong văn phòng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.