BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI
Chương năm : Những lập luận của cảnh sát
Mãi tới gần bảy giờ tôi mới từ trang trại cuối làng trở về. Khi tới hàng rào nhà xứ thì cánh cổng vườn bật mở: Lawrence hiện ra. Thấy tôi, anh đứng sững lại, và tôi sửng sốt khi thấy bộ dạng của anh ta. Mặt tái xanh như xác chết, tay chân run lẩy bẩy, mắt nhìn ngơ ngác, anh ta như người mất trí.
Tôi tự hỏi có phải anh ta say rượu không, nhưng ngay sau đó tôi thấy không phải như vậy.
– Thế nào? – Tôi hỏi – Anh đến gặp tôi đấy ư?… Đáng tiếc là tôi không có mặt ở nhà sớm hơn… Anh có muốn vào trong nhà không? Tôi đã có một cuộc hẹn với ông Prothéro, nhưng tôi tin rằng ông ta không ngồi lâu đâu.
– Ông Prothéro ư? – Lawrence nói – (Và anh ta bật cười). Ông Prothéro ư? Nào! Ông vào trong nhà mà xem. Đúng thế! Ôi Thượng đế!
Tôi mở to mắt. Bất giác tôi đưa tay ra, nhưng anh ta đã bước lùi lại.
– Không! – Anh ta kêu lên – Để tôi đi. Tôi cần suy nghĩ. Cần phải như vậy.
Anh ta bỏ chạy, và chỉ một thoáng anh ta đã ra tới đường dẫn vào trong làng. Tôi ngạc nhiên, đứng lặng một lúc và quả quyết rằng Lawrence đang trong cơn say.
Tôi đi tiếp vào nhà xứ. Cửa ra vào vẫn để mở, tuy nhiên tôi vẫn bấm chuông. Marie chạy đến, lau tay vào chiếc áo tạp dề trước ngực.
– Ông đấy ư? – Cô ta hỏi.
– Ông đại tá Prothéro đã tới chưa? – Tôi hỏi.
– Ông ấy ngồi trong văn phòng của ông từ lúc sáu giờ mười lăm phút.
– Cô có nhìn thấy Lawrence vào đấy không? – Tôi hỏi thêm.
– Có, cách đây mấy phút anh ta tới và hỏi ông. Tôi trả lời ông có việc đi vào trong làng và ông đại tá cũng đang đợi ông trong văn phòng. Anh ta nói mình cũng phải đợi thôi; chắc rằng hai người đang ngồi với nhau.
– Nhưng không – Tôi nói – Tôi vừa gặp anh ấy, anh ấy đã đi vào làng rồi.
– Nhưng tôi không nghe thấy tiếng chân anh ta đi. Anh ta đến mới cách đây chừng hai phút đồng hồ thôi… Bà chủ Londres vẫn chưa về. Tôi gật đầu.
Marie đi vào bếp; tôi đi dọc hành lang và mở cửa bước vào phòng.
Ánh nắng ban chiều qua cửa sổ chiếu vào căn phòng làm tôi chói mắt. Sau khi bước một hai bước, bất chợt tôi dừng lại.
Trong một giây đồng hồ, tôi không nhận ra mình đã nhìn thấy gì.
Đại tá Prothéro nằm gục xuống bàn giấy trong một tư thế đáng sợ. Một vũng nước màu đen từ đầu ông ta chảy xuống mặt bàn và sàn nhà.
Tôi cố giữ bình tĩnh và đến bên xác chết. Sờ vào người thấy da thịt đã lạnh toát. Nhấc tay lên thì tay lại rơi xuống, bất động. Ông ta chết vì một viên đạn bắn vào đầu.
Tôi vội vàng ra cửa và gọi Marie. Cô ta chạy lên. Tôi ra lệnh cho cô đi tìm bác sĩ Haydock càng nhanh càng tốt. Tôi bảo nói với ông ta đã có một tai nạn xảy ra.
Tôi quay vào văn phòng, khép cửa lại, ngồi đợi ông thầy thuốc.
May mắn là Marie thấy ông bác sĩ đang ở nhà. Ông ấy vội vàng chạy đến, Haydock là một người to béo, mặt hơi cau có nhưng rất thật thà và tốt bụng.
Không nói một lời, tôi chỉ vào xác chết. Là một bác sĩ giỏi, ông bình tĩnh, không tỏ vẻ cảm động. Ông cúi xuống nhìn xác người, khám nghiệm rất nhanh. Sau đó ông quay lại nhìn tôi.
– Thế nào? – Tôi hỏi.
– Ông ấy vừa chết cách đây khoảng nửa tiếng đồng hồ.
– Tự sát ư?
– Không thể như vậy được! Hãy nhìn vết thương. Hơn nữa, nếu là tự sát thì vũ khí đâu?
Đúng thế. Trong phòng không có khẩu súng nào.
– Tốt nhất là không nên động vào ông ấy – Haydock còn nói – Tôi sẽ gọi điện thoại cho cảnh sát.
Ông nhấc máy và nói. Ông kể vắn tắt câu chuyện rồi gác máy và đến bên tôi.
– Một chuyện tồi tệ! – Ông nói – Ông phát hiện ra người chết trong hoàn cảnh nào?
Tôi giải thích cho ông rõ.
– Một chuyện tồi tệ! – Ông nhắc lại – Một chuyện tồi tệ!
– Đây… là một tội ác ư? – Tôi nghẹn ngào hỏi lại.
– Tôi cũng thấy như vậy. Thật là kỳ quặc. Tôi tự hỏi người ta muốn gì ở ông già này? Ông ấy không gần gũi mọi người, nhưng người ta không thể giết người vì cái đó.
– Có một chuyện làm tôi ngạc nhiên – Tôi nói – Chiều nay tôi nhận được một cú điện thoại nói có một giáo dân sắp từ trần. Khi tôi tới nơi thì mọi người đều kinh ngạc. Người ốm đã bình phục và vợ ông ta khẳng định là không hề gọi dây nói cho tôi.
Ông Haydock cau mày.
– Tôi hiểu… Người ta đã kéo ông ra xa… Còn vợ ông, bà ấy đâu?
– Cô ấy đi Londres từ sáng nay.
– Còn con hầu?
– Ô! Nó ở trong bếp phía đầu nhà xứ.
– Phải. Rất có thể cô ta không nghe thấy gì cả. Một chuyện tồi tệ! Một chuyện tồi tệ!… Những ai biết việc ông Prothéro sẽ tới đây vào chiều nay?
– Ông ta nói điều này vào sáng hôm nay ở giữa làng. Theo thói quen, ông ta nói rất to. Mọi người đều nghe thấy.
– Điều đó có nghĩa là cả Saint Mary Mead đều biết việc này. Ông có biết ai giết ông ấy không?
Vẻ mặt tái xanh, cái nhìn ngơ ngác của Lawrence xuất hiện trong óc tôi. Tôi không kịp nói vì có tiếng chân người trong hành lang.
– Cảnh sát! – Ông Haydock nói và đứng lên. Ông ta vừa làm ra vẻ ta đây quan trọng vừa tỏ ra lo lắng.
– Xin chào các vị! – Ông ấy nói với chúng tôi – Ông thanh tra sắp tới. Trong khi chờ đợi tôi phải làm theo những chỉ thị của ông ấy. Nếu tôi không nhầm thì đại tá Prothéro đã bị giết chết trong nhà xứ, đúng không?
Nói tới đây ông ta ngừng lại, ném về phía tôi một cái nhìn nghiêm khắc và nghi ngờ. Tôi cố gắng giữ vẻ thản nhiên của một người vô tội.
Ông Hurst bước đến bên bàn giấy rồi ra lệnh :
– Không được động vào xác chết trước khi ông thanh tra đến đây.
Nói đoạn ông ta lấy trong túi ra một cuốn sổ tay và nhấm đầu chiếc bút chì nhìn tôi.
Một lần nữa tôi thuật lại hoàn cảnh phát hiện ra xác ông Prothéro. Sau khi ghi chép đầy đủ, ông ta quay sang ông Haydock.
– Theo ông, ông bác sĩ, nguyên nhân của cái chết là gì?
– Bị một viên đạn bắn vào đầu.
– Thế còn vũ khí?
– Tôi chưa thể trả lời chính xác khi chưa lấy đầu đạn ra. Nhưng tôi cho đây là một khẩu súng cỡ nhỏ – một khẩu mô-de chẳng hạn.
Tôi nhớ lại câu chuyện tối hôm qua. Lawrence nói rằng mình có một khẩu súng lục.
Người cảnh sát mắt tròn xoe nhìn tôi.
– Ông nói sao, thưa ông?
Tôi lắc đầu tỏ ý mình không biết gì. Vì mới chỉ là những nghi ngờ nên tôi chưa thể nói được.
– Ông cho rằng tội ác xảy ra lúc nào? – Ông Hurst hỏi ông bác sĩ.
Ông Haydock ngập ngừng một lúc.
– Ông ấy chết được nửa tiếng đồng hồ thì tôi tới nơi, không hơn.
Hurst quay sang hỏi tôi :
– Cô người hầu của ông có nghe thấy tiếng súng nổ không?
– Theo tôi biết thì không. Nhưng tốt nhất là ông hỏi nó.
Đúng lúc ấy thì thanh tra cảnh sát Landormy trên một chiếc xe hơi từ Much Benham tới.
Landormy là một người có nước da nâu, hoạt bát, lúc nào cũng cau có. Mắt đen, rất lanh lợi. Ông ta còn là một người thô bạo, hay gắt gỏng.
Ông ta khẽ gật đầu để đáp lại lời chào của chúng tôi rồi chộp lấy cuốn sổ tay của người dưới quyền và chăm chú đọc. Ông ta nói nhỏ vào tai Hurst vài câu gì đó rồi đến bên xác người.
– Người ta đã xê dịch xác chết rồi, phải không? – Ông ta hỏi.
– Tôi không động đến ông ta. – Haydock trả lời.
– Cả tôi cũng vậy. – Tôi nói thêm.
Viên thanh tra nhìn kỹ những vật đặt trên bàn rồi nhìn vũng máu như để tự hỏi mình.
– A! – Ông ta kêu lên bằng giọng đắc thắng – Đây là cái chúng ta cần tìm. Khi ngã xuống, xác chết đã làm đổ chiếc đồng hồ bàn. Chúng ta sẽ biết ngay thời điểm gây ra tội ác thôi. Sáu giờ hai mươi hai phút. Bác sĩ, ông nói ông Prothéro chết lúc nào?
– Tôi cho rằng khi tôi tới đây thì ông ấy đã chết được nửa tiếng đồng hồ rồi, nhưng…
Viên thanh tra nhìn đồng hồ tay của mình.
– Bảy giờ năm phút. Tôi nhận được tin mười phút trước đây, có nghĩa là bảy giờ kém năm. Người ta phát hiện ra xác chết lúc bảy giờ kém mười lăm. Nếu tôi hiểu đúng thì các ông đã điện ngay cho cảnh sát. Cứ cho rằng các ông quan sát xác người mất mười phút… Chỉ xê dịch nhau một vài giây đồng hồ thôi!
– Tôi không thể bảo đảm thời gian chính xác – Một lần nữa ông Haydock lại nói – Tất cả chỉ là tương đôi thôi.
– Được! Được! – Viên thanh tra nói.
Tôi cố nói xen vào :
– Tuy nhiên chiếc đồng hồ ấy…
– Xin lỗi ông – Landormy cắt ngang – Nếu muốn biết điều gì, tôi sẽ hỏi ông. Thời gian qua đi rất nhanh. Cái mà tôi cần, đó là sự yên tĩnh tuyệt đối.
– Vâng… tuy nhiên… tôi muốn nói…
– Yên tĩnh tuyệt đối! – Landormy nhìn tôi bằng cặp mắt giận dữ và nhắc lại.
Tôi phải làm theo ý kiến của ông ta. Landormy tiếp tục quan sát bàn giấy.
– Tại sao ông Prothéro lại ngồi đây? – Ông ta càu nhàu – Ông ấy định viết gì chăng?… Ô! Cái gì đây?
Ông ta lấy và giơ lên một tờ giấy. Chúng tôi lại gần để nhìn cho rõ.
Đây là tờ giấy lấy từ tập giấy viết thư có tiêu đề của nhà xứ ra, phía trên cùng viết 6 giờ, 20 phút dưới đó là:
Ông Clément thân mến,
Tôi lấy làm tiếc là không thể đợi ông ta lâu hơn nữa, tôi cần…
Chữ viết bằng những nét nguyệch ngoạc.
– Thật rõ như ban ngày… Landormy khẳng định – Ông ấy ngồi đây để viết những dòng chữ này, một kẻ thù đã nhẹ nhàng đi vào bằng cửa sổ sát đất và bắn khi ông ấy đang viết. Chúng ta còn cần tìm hiểu gì thêm nữa?
– Tôi muốn nói với ông… – Tôi lại nói.
– Tôi không hỏi ý kiến ông… Xem nào, có dấu chân không?
Ông ta quỳ xuống và bò ra cửa sổ.
– Tôi cần nói để ông rõ… – Tôi bướng bỉnh nhắc lại.
Landormy đứng lên, không giận dữ nhưng nói một cách quả quyết :
– Rồi đây chúng ta sẽ đi vào những chi tiết. Tôi yêu cầu các ông ra khỏi căn phòng, mọi người đều phải rời khỏi đây.
Chúng tôi đi ra như những đứa trẻ.
Người ta có thể nói nhiều tiếng đồng hồ đã qua đi, nhưng thực ra lúc này mới có bảy giờ mười lăm phút.
– Thế đấy! – Ông Haydock nói – Khi con lừa này cần đến tôi, ông bảo hắn gặp tôi ở phòng phẫu thuật. Tạm biệt.
– Bà chủ đã về. – Marie báo tin.
Mắt cô gái trợn tròn, vẻ mặt tỏ ra bối rối.
– Bà về cách đây năm phút. – Cô người hầu nói rõ hơn.
Tôi tới gặp Griselda trong phòng khách. Vợ tôi sợ hãi, tay chân run rẩy.
Tôi thuật lại cho cô ấy về sự việc đã xảy ra. Cô ấy chăm chú nghe.
– Lá thư đề 6 giờ, 20 phút – Tôi nói để kết thúc câu chuyện – Và chiếc đồng hồ chết khi kim chỉ sáu giờ, hai mươi phút.
– Nhưng – Griselda – Sao anh không bảo ông rằng đồng hồ nhà mình vẫn lấy nhanh lên mười lăm phút?
– Không, anh chưa nói, vì ông ta không cho anh nói… Anh đã làm mọi việc có thể.
Griselda bực mình, cau mày.
– Nhưng, Clément – Cô ấy nói – Cái đó làm cho sự việc thêm phức tạp. Chiếc đồng hồ chết chỉ sáu giờ hai mươi phút, nhưng thực tế chỉ là sáu giờ năm phút, lúc ấy thì đại tá Prothéro chưa đến nhà xứ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.