Bố Đã Từng Yêu

Chương 4



Chúng tôi ở ngoài vườn trong suốt thời gian còn lại của buổi chiều.
Hai con bé nhảy nhót xung quanh ông chúng trong khi ông đang chú tâm vá víu lại chiếc xích đu cũ kỹ. Tôi ngồi trên bậc thềm, ngắm chúng từ xa. Trời lạnh, đẹp. Mặt trời chiếu lấp lánh qua tóc chúng và tôi thấy chúng thật xinh xắn.
Tôi nghĩ đến Adrien. Anh ấy đang làm gì nhỉ? Vào chính giây phút này, anh ấy đang ở đâu? Với ai?
Và cuộc sống của chúng tôi, nó sẽ giống cái gì đây?

Mỗi suy nghĩ lại làm tôi xuống tinh thần thêm một chút. Tôi quá mệt mỏi. Tôi nhắm mắt lại. Tôi mơ thấy anh đến. Có tiếng động cơ trong sân, anh ngồi xuống cạnh tôi, anh hôn tôi và đặt ngón tay lên miệng tôi để tạo bất ngờ cho bọn trẻ. Tôi vẫn còn cảm thấy sự dịu dàng của anh nơi cổ mình, giọng nói của anh, hơi ấm của anh, mùi da anh, tất cả đều ở đây.
Tất cả đều ở đây…

Chỉ cần nghĩ đến thôi.

Sau bao nhiêu lâu thì người ta có thể quên được mùi hương của người đã yêu mình? Và khi nào thì đến lượt mình, người ta sẽ hết yêu?
Ước gì người ta chìa cho tôi chiếc đồng hồ cát.
Lần cuối cùng chúng tôi ôm nhau, tôi là người hôn anh. Ở trong thang máy trên phố Flandre.
Anh để yên.

Vì sao? Vì sao anh lại để yên cho một người phụ nữ mà anh không còn yêu hôn anh? Vì sao cho tôi miệng anh? Và cánh tay anh?
Điều này thật vô nghĩa.

Chiếc xích đu đã được sửa xong. Pierre liếc nhìn tôi. Tôi quay đầu sang hướng khác. Tôi không muốn gặp ánh mắt ông. Tôi lạnh, nước mũi chảy đầy môi và tôi phải đi làm cho nhà tắm nóng lên cái đã.

– Con có thể giúp gì được cho bố không? Ông đã thắt một chiếc khăn lau quanh hông.
– Lucie và Marion ngủ rồi à?
– Vâng.
– Chúng nó sẽ không bị lạnh đấy chứ?
– Không, không, chúng rất ổn. Tốt hơn là bố nói xem con có thể làm được gì…
– Con có thể khóc làm sao cho bố không buồn lòng một lần xem… Có thể việc nhìn thấy con khóc vô cớ sẽ làm bố dễ chịu. Này, cắt cho bố cái này, ông nói thêm khi chìa cho tôi ba củ hành tây.

– Bố thấy con khóc quá nhiều à?
– Ừ.
Im lặng.
Tôi lấy cái thớt gỗ nằm gần bồn rửa và ngồi xuống đối diện ông. Gương mặt ông lại căng thẳng. Chỉ nghe thấy tiếng ngọn lửa reo tí tách.

– Ý bố không phải như thế…
– Sao ạ?
– Ý bố không phải như thế, bố không nghĩ là con khóc quá nhiều, bố chỉ thấy bức xúc. Trông con thật xinh xắn khi con cười…

– Con có muốn uống chút gì không? Tôi gật đầu.

– Mình sẽ để nó nóng lên một chút, nếu không thì sẽ thật đáng tiếc… Con có muốn một ly Bushmills trong lúc chờ đợi không?
– Không, cám ơn bố.
– Sao thế?
– Con không thích rượu whisky.
– Khổ thân! Nó chẳng liên quan gì đâu. Nếm cái này cho bố…
Tôi đưa chiếc ly lên môi và thấy nó thật ghê người. Tôi đã không ăn gì từ nhiều ngày nay, tôi bị say. Con dao tôi cầm trượt trên lớp vỏ củ hành tây và gáy của tôi bay bổng. Tôi suýt cứa đứt một ngón tay mình. Tôi cảm thấy thật dễ chịu.

– Nó ngon đấy chứ? Patrick Frendall tặng nó cho bố nhân dịp bố sáu mươi tuổi. Con có nhớ Patrick Frendall không?

– Ừm… không.
– Có mà, có mà, bố tin là con đã gặp ông ấy tại đây, con không nhớ à?
Cái gã to vật với cánh tay khổng lồ…
– Cái ông đã tung Lucie lên không đến mức mà con bé suýt phát nôn ấy ạ?

– Chính xác, ông Pierre vừa trả lời vừa rót tiếp cho tôi một ly.
– Vâng, con nhớ rồi…
– Bố rất quý ông ấy, bố thường hay nghĩ về ông ấy… Thật là lạ, bố coi ông ấy là một trong những người bạn thân nhất của mình trong khi bố chỉ biết sơ về ông ấy…
– Bố có bạn thân?
– Tại sao con lại hỏi bố vậy?
– Con hỏi thế thôi ạ. Đúng ra… Con chẳng biết gì hết. Chỉ là con chưa từng nghe bố nói về họ.
Bố chồng tôi chăm chú thái những lát cà rốt. Bao giờ cũng vậy, thật thú vị khi nhìn một người đàn ông lần đầu tiên trong đời làm bếp. Cái cách theo sát từng dấu chấm phẩy trong công thức nấu ăn này giống như thể đầu bếp trứ danh Ginette Mathiot là một nữ thần rất nhạy cảm.
– Ở đây ghi là “thái cà rốt thành những khoanh cỡ trung bình”, con nghĩ thế này đã được chưa?
– Hoàn hảo!
Tôi cười. Không có gáy đỡ, cái đầu tôi lắc lư trên hai vai.
– Cám ơn… Bố đang nói đến đâu nhỉ? À ừ, các bạn của bố… Thật ra, bố đã có ba người bạn… Patrick, người mà bố quen trong một chuyến du lịch ở Roma. Một kẻ sùng đạo trong giáo xứ của bố… Đó là chuyến du lịch đầu tiên của bố mà không có cha mẹ đi cùng… Lúc đó bố mười lăm tuổi. Bố chẳng hiểu những điều mà gã người Ailen to gấp hai lần bố lúng búng nói nhưng bố và ông ấy đã gắn bó với nhau ngay lập tức. Ông ấy đã được những con chiên ngoan đạo nhất thế giới nuôi dạy, còn bố thì vừa mới thoát ra khỏi sự kìm kẹp của gia đình… Hai con chó được thả rông trong Thành phố vĩnh hằng… Ôi cái chuyến hành hương ấy!…

Ông vẫn còn xúc động khi nói về chuyện đó.

Ông đảo qua đảo lại những lát hành tây và cà rốt trong nồi cùng với thịt ba chỉ hun khói, mùi rất thơm.

– Và tiếp theo là Jean Théron mà con đã biết và anh trai của bố, Paul, người con chưa từng gặp mặt bởi vì ông ấy đã mất năm 56…
– Bố coi anh trai mình như một người bạn thân à?
– Ông ấy còn hơn cả thế… Con, Chloé, theo như những gì bố biết về con, thì có lẽ con sẽ yêu mến ông ấy. Đó là một người tinh tế, hài hước, quan tâm đến mọi người xung quanh, luôn luôn vui vẻ. Ông ấy biết vẽ… Ngày mai, bố sẽ cho con xem những bức tranh của ông ấy, chúng ở tất trong phòng làm việc của bố. Ông ấy biết tiếng hót của tất cả các loài chim. Ông ấy hay trêu chọc nhưng không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai. Đó là một người có duyên. Rất có duyên. Vả lại, ai cũng yêu mến ông ấy…
– Vì sao ông ấy chết? Bố tôi quay người lại.
– Ông ấy sang Đông Dương tham chiến. Ông ấy trở về trong tình trạng bệnh tật và gần như điên. Ông ấy chết vì bệnh lao phổi ngày 14 tháng Bảy năm 1956.
– …
– Không cần nói thì con cũng hiểu, sau đó, cha mẹ bố đã không xem một cuộc diễu hành nào nữa trong đời. Những vũ hội và pháo hoa, với họ đã chấm dứt.

Ông bỏ thêm thịt vào nồi và đảo liên tục cho nó sém vàng đều.
– Điều tệ hại nhất, con biết không, đó là ông ấy đã tình nguyện tham gia chiến đấu… Vào thời kỳ đó, ông ấy còn đang đi học. Ông ấy rất xuất sắc. Ông muốn làm việc cho Sở Lâm nghiệp Quốc gia. Ông yêu cây cối và chim chóc. Lẽ ra ông ấy không nên đến đó. Chẳng có lý do gì để ông ấy đến đó cả. Chẳng có lý do nào hết. Đó là một người dịu dàng, ưa hòa bình, hay trích dẫn lời của nhà văn Giono và…
– Thế thì tại vì sao?
– Tại một cô gái. Một sự thất tình ngu ngốc. Thật vớ vẩn, vả lại thậm chí đấy cũng không phải là một cô gái, mà là một con bé. Một câu chuyện phi lý. Ngay lúc này khi bố đang nói với con và mỗi khi bố nghĩ đến điều này, bố đều thấy tuyệt vọng vì sự hão huyền trong cuộc sống của chúng ta. Một chàng trai tốt ra chiến trường chỉ vì một con nhỏ hay dỗi hờn, thật lố bịch. Cái này có trong những cuốn tiểu thuyết bán ở nhà ga. Những câu chuyện tương tự chỉ phù hợp cho những vở bi kịch.
– Thế cô ta không yêu ông ấy à?
– Không. Nhưng Paul thì phát điên lên vì cô ta. Ông ấy mê cô ta. Ông ấy quen cô ta từ khi cô này mười hai tuổi, viết cho cô ta những bức thư mà chắc cô ta còn thậm chí không hiểu được. Ông ấy ra chiến trường để làm ra vẻ mình bạo dạn lắm. Để cho cô ta thấy ông ấy là một người đàn ông thế nào! Ngay hôm trước ngày lên đường, cái gã ngốc ấy còn khoác lác: “Khi nào cô ấy hỏi xin địa chỉ của con, mọi người đừng đưa cô ấy ngay, con muốn mình là người viết thư cho cô ấy trước…” Và ba tháng sau, cô ta đính hôn với cậu con trai của người bán thịt trên đường Passy.

Ông đã rắc đến cả chục loại gia vị khác nhau, tất cả những gì mà ông có thể tìm thấy trong tủ bếp.
Tôi không biết bà Ginette có thể nghĩ gì về điều này…

– Một thằng con trai to xác không có gì đáng để chú ý, suốt cả ngày chỉ biết lọc thịt trong gian phòng phía sau cửa hàng của ông bố. Con tưởng tượng xem, thật là một cú sốc với chúng ta. Cô ta đã khước từ Paul nhà mình vì gã thanh niên thộn này. Còn ông ấy thì ở đó, bên kia trái đất, có thể đang nghĩ về cô ta, sáng tác cho cô ta những vần thơ, cái gã ngốc ấy, và cô ta, cô ta chỉ nghĩ đến những buổi đi chơi tối thứ Bảy với cái tay đần độn nhưng lại có quyền mượn xe hơi của ông bố đó. Một chiếc Frégate màu xanh da trời, bố còn nhớ… Dĩ nhiên, cô ta hoàn toàn có quyền không yêu ông ấy, dĩ nhiên, nhưng mà Paul lại quá cuồng nhiệt, ông ấy không thể làm gì mà không quyết liệt, không… không sôi nổi cả. Thật phí công vô ích…
– Và sau đó?
– Sau đó, chẳng có gì cả. Paul trở về và mẹ của bố đã đổi sang mua thịt ở hàng khác. Ông ấy đa phần ở trong nhà và gần như không ra ngoài nữa.
Ông ấy vẽ, đọc sách, than phiền là không ngủ được. Ông ấy đau nhiều, ho không ngừng và rồi qua đời. Vào năm hai mươi mốt tuổi.
– Bố không bao giờ nói về chuyện này…
– Không.
– Vì sao?
– Bố thường thích nói với những người quen biết ông ấy, như thế đơn giản hơn…

Tôi kéo ghế đứng lên.

– Con sẽ dọn bàn ăn. Bố muốn ăn tối ở đâu?
– Ở đây, trong bếp, rất tốt.

Ông tắt bóng đèn lớn và chúng tôi ngồi đối diện nhau.
– Ngon tuyệt.
– Con nghĩ thế thật chứ? Bố thấy có vẻ như là đun hơi kỹ, đúng không?
– Không, không, con bảo đảm đấy, như vậy là tuyệt vời rồi.
– Con quá tốt.
– Chính rượu vang của bố tốt thì đúng hơn. Nói cho con nghe về Roma  đi…

– Về thành phố á?
– Không, về chuyến hành hương đó… Khi bố mười lăm tuổi thì bố như thế nào?
– Ồ… Bố thế nào ấy hả? Bố là thằng con trai khờ khạo nhất trần đời. Bố đã thử theo chân Frendall. Bố thè lưỡi trêu chọc ông ta, nói với ông ta về Paris, về khu Moulin Rouge, khẳng định bất kỳ điều gì, nói dối một cách trơ trẽn. Ông ấy cười, đáp lại những lời mà bố cũng chẳng hiểu và đến lượt bố bật cười. Bố và ông ấy tiêu thời gian bằng việc đi nhặt những đồng xu ở đài phun nước và cười ngượng nghịu khi gặp một người khác giới đi qua.
Nghĩ lại thấy bọn bố đúng thật là bệnh hoạn… Giờ bố không còn nhớ được mục đích của chuyến hành hương đó. Chắc chắn là bắt nguồn từ một lý do tốt đẹp nào đó, mục đích cầu nguyện, như người ta nói… Bố cũng không biết nữa… Đó là cả một nguồn sinh khí lớn cho bố. Vài ngày đó đã thay đổi đời bố. Bố đã khám phá mùi vị của tự do. Như thể là… Bố rót thêm rượu cho con nhé?
– Con rất sẵn lòng.
– Cũng phải nhìn vào bối cảnh lúc đó nữa… Mọi người vừa mới làm ra vẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Không khí rất căng thẳng. Bọn bố không thể nói đến ai, một người hàng xóm, một tiểu thương, cha mẹ của một người bạn học, mà không khiến cho cha của bố xếp loại ngay lập tức người đó: kể đi tố giác hay người bị tố cáo, kẻ hèn nhát hay người vô tích sự. Thật kinh khủng. Con không thể tưởng tượng nổi điều đó đâu, nhưng tin bố đi, điều này thật khủng khiếp đối với những đứa trẻ… Vả lại, bọn bố cũng không nói chuyện với ông ấy nữa… hoặc là nói rất ít… Có lẽ là ở mức tối thiểu theo đạo làm con… Dẫu sao thì một hôm, bố cũng hỏi ông ấy: “Nếu trong mắt cha, nhân loại xấu xa như vậy thì sao cha lại đấu tranh cho nó?”
– Ông ấy đáp lại ra sao?
– Không gì cả… ngoải vẻ khinh miệt.
– Cám ơn, cám ơn bố, con uống thế là nhiều quá rồi!
– Lúc đó bố sống ở tầng hai của một tòa nhà màu xám xịt, ở sâu trong quận 16. Có điều đáng buồn… bố mẹ của bố thực ra không có điều kiện để sống ở đó nhưng con biết đấy, có cái địa chỉ ở đó là được cái tiếng. Quận 16! Cả gia đình bố chen chúc trong một căn hộ thảm hại nơi mà ánh nắng mặt trời không bao giờ rọi tới được và mẹ của bố cấm không cho mở cửa sổ vì ngay bên dưới có một bãi xe buýt. Bà sợ rằng những chiếc rèm cửa sẽ… bị chuyển thành màu đen… ôi, ôi, cái món rượu vang tốt bụng này đã khiến cho bố chia động từ ở thời quá khứ chưa hoàn thành của thức giả định cơ đấy, ngạc nhiên chưa! Khi đó, bố buồn chán kinh khủng. Bố còn quá trẻ để thu hút sự quan tâm của cha, còn mẹ thì lại ưa bay nhảy.
Bà ấy rất hay đi chơi. “Thời gian để dành cho giáo xứ”, bà thường ngước mắt lên nhìn trời nói. Bà thường phản ứng thái quá, tức tối vì sự ngu dốt của một số phụ nữ sùng đạo nào đó mà bà tự dựng lên, bà rút găng tay, ném lên chiếc bàn ở lối ra vào như người ta ném chiếc tạp dề, lượn quanh, huyên thuyên, nói dối, đôi khi làm rối tung lên. Mọi người để cho bà nói.

Paul gọi bà là nữ nghệ sĩ Sarah Bernhardt và bố của bố thì lại tiếp tục đọc tờ Figaro mà không bình luận câu nào khi bà rời khỏi phòng… Con ăn khoai tây nhé?
– Không ạ, cám ơn bố.
– Bố học bán trú ở Janson-de-Sailly. Bố cũng buồn chán giống như cái tòa nhà bố ở. Bố đọc Những trái tim dũng cảm và những cuộc phiêu lưu của Flash Gordon. Bố chơi tennis với những cậu con trai nhà Mortellier thứ Năm hàng tuần. Bố… Bố là một đứa trẻ rất ngoan và vô vị. Bố mơ ước được vào thang máy và lên tầng thứ bảy để xem… Thế mà cũng gọi là phiêu lưu… Leo lên tầng thứ bảy! Đúng là một tên đần, bố thề với con…

Bố chờ đợi Patrick Frendall. Bố chờ Giáo Hoàng!

Ông đứng dậy khơi thêm lửa.

– Tóm lại… đấy không phải là một cuộc cách mạng… Chỉ là một chuyến đi giải trí không hơn không kém. Bố đã luôn tin rằng mình sẽ… nói thế nào nhỉ… tháo dây cương cho mình một ngày nào đó. Nhưng không.
Không bao giờ. Bố lại vẫn là đứa con rất ngoan và vô vị đó. Mà tại sao bố lại kể cho con tất cả những điều này nhỉ? Nhưng sao tự nhiên bố lại huyên thuyên thế nhỉ?
– Thì chính con đã hỏi bố mà…
– Rốt cuộc… Đó cũng không phải là lý do! Bố không làm con phát ngán với những hoài niệm của mình đấy chứ?
– Không, không, trái lại, con rất thích…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.