Bố Đã Từng Yêu

Chương 7



– Anh trai bố chết vì mưa. Bởi vì họ đã để ông ấy đứng lâu quá dưới mưa, con có thể hình dung được không?

Tôi không trả lời tiếng nào, vì đang quá bận tâm nhìn xem giẫm chân chỗ nào để tránh bùn nhão.

Lũ trẻ lên giường mà không hề ăn tối. Ăn quá nhiều kẹo rồi.
Babar đã rời Quý bà Già cả. Nó nằm một mình khóc. Nó tự hỏi: “Khi nào mình sẽ gặp lại Babar bé nhỏ đây?”
Pierre cũng không vui. Ông ngồi lại rất lâu trong phòng làm việc của mình. Với lý do là để tìm lại những bức vẽ của anh trai mình. Tôi chuẩn bị bữa tối. Mì spaghetti với những miếng mề gà do bà Suzanne hầm.
Chúng tôi đã quyết định ra đi vào cuối buổi sáng ngày hôm sau. Do vậy, đây là lần cuối cùng tôi động tay động chân trong căn bếp này.
Tôi vẫn luôn rất yêu thích căn bếp này. Tôi vừa ném mì vào nước sôi vừa nguyền rủa cái thói ủy mị của mình. “Tôi vẫn luôn yêu thích căn bếp này…” Hế, mụ già ơi, mụ sẽ có những cái bếp khác thôi mà…
Tôi tàn nhẫn với bản thân trong khi nước mắt lại đầm đìa, thật ngu xuẩn.
Ông đặt một bức tranh màu nước lên bàn. Một người phụ nữ, nhìn từ phía sau lưng, đang đọc sách.
Cô ngồi trên một chiếc ghế băng trong vườn. Đầu hơi nghiêng. Có lẽ cô không đọc, mà có lẽ là đang ngủ hay đang mơ mộng.
Có thể nhận ra căn nhà chúng tôi đang ở trong đó. Những bậc thềm, những cánh cửa tròn tròn và cây đậu nành trắng.
– Đó là mẹ của bố.
– Bà ấy tên là gì ạ?
– Alice.
– …
– Bức tranh này là của con.
Tôi định phản đối, nhưng ông trợn mắt và đặt một ngón tay lên trước miệng mình. Pierre Dippel là một người đàn ông không thích người khác làm mình phật ý.
– Phải luôn luôn vâng lời bố, đúng không ạ? Ông không nghe tôi nói.
– Có bao giờ, có ai đó đã dám trái lời bố chưa ạ? tôi nói thêm trong lúc đặt bức tranh của ông Paul lên bên trên lò sưởi.
– Không có ai cả. Suốt cả đời bố. Tôi cố kìm mình không đáp trả lại.

Ông tì lên bàn đứng dậy.
– Ờ… Con muốn uống gì, Chloé?
– Cái gì làm cho vui vẻ lên ấy ạ.
Ông từ tầng hầm đi lên với hai chai rượu mà ông ôm trong lòng như ôm hai đứa trẻ sơ sinh.

– Rượu của Lâu đài Chasse-Spleen… Hãy thú nhận là nó rất hợp hoàn cảnh đi… Đúng thật là thứ chúng ta cần. Bố đã lấy hai chai, một cho con và một cho bố.
– Bố điên rồi! Đáng lẽ bố phải để dành cho một dịp lớn hơn…
– Một dịp lớn hơn là dịp nào cơ?
Ông kéo ghế của mình lại gần lò sưởi.
– Hơn là… con không biết nữa… Là con… Là chúng ta… Là tối nay. Ông khép hai cánh tay lại quanh người để hâm nóng cái gia tài của mình.
– Nhưng, chúng ta ở đây chính là một dịp lớn, Chloé ạ. Chúng ta là dịp lớn nhất trên thế giới. Bố đã ở trong cái nhà này từ khi còn là một đứa trẻ, bố đã ăn hàng ngàn bữa ăn trong căn bếp này và hãy tin bố đi, bố biết đâu là một dịp lớn!

Ôi cái giọng điệu tự phụ này, thật đáng tiếc làm sao. Ông quay lưng về phía tôi và ngồi im nhìn ngọn lửa.
– Chloé, bố không muốn con ra đi…

Tôi đổ đống mì vào rổ và đặt cái khăn lên trên.
– Bố làm con bực rồi đấy. Bố nói lung tung. Bố chỉ nghĩ cho mình thôi.
Cuối cùng thì cũng phải phát mệt với bố. “Bố không muốn con ra đi.” Nhưng vì sao bố lại nói với con một câu ngớ ngẩn đến thế cơ chứ? Con nhắc lại cho bố nhớ là không phải con là người bỏ ra đi… Bố có một cậu con trai, bố có nhớ không? Một cậu con trai đã trưởng thành. Rồi, chính anh ta mới là người đã bỏ ra đi. Chính anh ta! Bố không hay biết chuyện đó à? Ồ, thật tệ quá. Chờ chút, con sẽ kể lại cho bố nghe, đó là một câu chuyện khá khôi hài. Rồi, đó là… Đó là khi nào nhỉ? Không quan trọng. Một ngày nọ, Adrien, cậu Adrien tuyệt vời đó đã gói ghém hành lý. Hãy đặt mình vào vị trí của con xem, con thật ngạc nhiên. À vâng, bởi vì con không nói với bố là chính con là vợ của cậu con trai này. Bố biết đấy, vợ, cái thứ tiện lợi mà người ta dẫn đi khắp nơi và luôn mỉm cười khi được người ta hôn ấy. Thế đấy, con thật ngạc nhiên, bố tưởng tượng xem… anh ta ở đó với những chiếc vali trước cửa thang máy căn hộ của chúng con, bắt đầu than thở đồng thời xem đồng hồ. Anh ta than vãn là bởi vì anh ta rất căng thẳng, ôi cậu bé đáng thương!
Nào là thang máy, hành lý, mụ vợ và máy bay, thật điên đầu nhức óc! Phải rồi! Bởi vì anh ta không nên lỡ chuyến bay, nhân tình của anh ta ở trên đó mà! Bố biết đấy, người tình, người phụ nữ trẻ thiếu kiên nhẫn luôn làm cho ta hơi căng thẳng. Bố nghĩ xem, làm gì còn thời gian để mà cãi vã với vợ con… Vả lại, vợ chồng mà cãi nhau thì tầm thường quá… Trong gia đình Dippel, người ta chẳng dạy chúng ta thế hay sao, hả? Kêu gào, cãi cọ, tâm trạng thất thường, đều là dung tục, phải không ạ? Ồ vâng, dung tục. Trong nhà Dippel, thì phải khác chứ, phải là never explain, never complain[2] ngay lập tức. Thế mới sang.
– Chloé, thôi ngay đi! Tôi khóc.
– Nhưng bố có nghe thấy mình nói gì không? Bố có nhận thấy cái cách bố nói với con như thế nào không!? Nhưng, con không phải là một con chó, Pierre. Con không phải là con chó của bố đâu! Con đã để anh ta đi mà không móc mắt anh ta ra, con đã khẽ khàng đóng cửa lại, và bây giờ con ở đây, con ở đây trước mặt bố, trước mặt các con gái con. Con đảm nhận. Con đảm nhận, bố có hiểu không? Bố hiểu cái từ đó chứ? Có người nào đã từng nghe thấy những tiếng rên rỉ tuyệt vọng của con chưa, có ai không? Vậy thì bây giờ đừng làm con phải cảm thấy thương hại bố vì những phật ý nhỏ nhoi của bố. Bố không muốn con ra đi… Ồ Pierre… Con sẽ buộc phải trái ý bố thôi… Ồ, con thật lấy làm tiếc… Con thật…
Ông chụp lấy cổ tay tôi và siết chúng với tất cả sức mạnh của mình.
Ông giữ cho cánh tay tôi trở nên bất động.
– Buông con ra! Bố làm con đau! Trong cái nhà này, tất cả các người làm con đau! Pierre, buông con ra!
Ông chỉ mới nới lỏng tay đôi chút thôi thì đầu tôi đã gục trên vai ông.
– Tất cả các người đều làm con đau…
Tôi úp mặt lên cổ ông khóc mà quên rằng ông chắc phải cảm thấy khó chịu biết chừng nào, ông, người chẳng bao giờ chạm đến ai, tôi khóc mà đôi lúc vẫn nghĩ đến những sợi mì spaghetti, chúng sẽ trở nên không nuốt nổi nếu tôi không đi tách rời chúng ra. Ông nói “Nào, nào…” Ông nói “Bố xin lỗi con.” Ông còn nói “Bố cũng có nhiều điều đau khổ như con…” Ông không còn biết làm gì với tay mình nữa.
Cuối cùng, ông rời ra để đi dọn bàn ăn.

– Vì con, Chloé.
Tôi chạm cốc của mình vào cốc của ông.
– Vâng, vì con, tôi nhếch miệng mỉm cười nhắc lại.
– Con là một người con gái tuyệt vời.
– Vâng, tuyệt vời. Hơn nữa lại vững vàng, can đảm… Còn gì khác nữa không ạ?
– Hài hước.
– À vâng, con suýt quên, hài hước.
– Nhưng không công bằng.
– …

– Con bất công, không phải như thế sao?
– …
– Con nghĩ rằng bố chỉ yêu mình bố thôi à?
– Vâng.
– Thế thì con không phải là bất công mà là ngốc nghếch. Tôi chìa cho ông cốc của mình.
– Vâng, cái đó thì con biết rồi… Cho con thêm chút chất lỏng tuyệt diệu này đi.

– Con cho rằng bố là một lão già ngu ngốc à?
– Vâng.
Tôi gật đầu. Tôi không tệ mà là tôi đang đau khổ. Ông thở dài.

– Tại sao con lại cho rằng bố là một lão già ngu ngốc?
– Bởi vì bố chẳng yêu mến ai cả. Bố không bao giờ buông lỏng mình.
Bố không bao giờ ở đó. Không bao giờ ở giữa chúng con. Không bao giờ tham gia vào các cuộc tranh luận và những chuyện ngốc nghếch của chúng con, không bao giờ ở trong những bữa tiệc tầm phào của chúng con. Bởi vì bố không âu yếm, bởi vì bố luôn luôn im tiếng và vì sự câm lặng của bố gần giống với sự khinh khỉnh. Bởi vì…
– Thôi, thôi, thế đủ rồi, cám ơn.
– Con xin lỗi, con trả lời câu hỏi của bố thôi. Bố hỏi con vì sao bố là một lão già ngu ngốc, con trả lời bố. Nói vậy nhưng con không thấy bố già đến thế đâu…
– Con thật quá là đáng mến…
– Không có gì.

Tôi nhe răng ra để cười với ông một cách dịu dàng.
– Nhưng nếu bố như là con nói, vậy thì vì sao bố lại đưa con đến đây?
Vì sao lại dành suốt khoảng thời gian qua cho các con và…
– Bởi vì, bố biết rất rõ mà…
– Bởi vì cái gì?
– Bởi vì cái tính đề cao danh dự của bố. Sự hào nhoáng của những gia đình nề nếp. Từ bảy năm nay con lẩn quẩn quanh chân bố, đây là lần đầu tiên bố quan tâm đến con… Con sẽ nói thẳng với bố điều con nghĩ… Con thấy bố chẳng phải là người nhân từ, chẳng phải là người tử tế. Con rất tỉnh táo. Con trai bố đã làm một điều dại dột và bố, bố chạy theo sau, bố dọn rửa, bố bưng bít. Bố sẽ cố bít lại những vết nứt chừng nào bố có thể. Bởi vì bố không thích chúng, những vết nứt, phải thế không ạ, Pierre? Ồ không, bố không thích thế chút nào…
Con sẽ nói bố nghe, con cho rằng bố đưa con đến đây là để khỏi bị mất mặt thôi. Thằng nhỏ đã có hành động ngốc nghếch, thôi thì, ta cắn răng lại và ta thu xếp mọi chuyện mà không bàn ra tán vào gì cả. Trước kia, bố đến thảy một đồng xu cho những người nông dân khi chiếc xe hiệu G.T.I của cậu nhỏ phá phách chèn lên ruộng mạ của họ còn bây giờ thì bố đưa cô con dâu đi chơi. Con đang đợi đến lúc bố sẽ tỏ cái vẻ thật đau lòng để thông báo với con là con có thể trông cậy vào bố. Ý con là về mặt tài chính. Bố hơi bối rối, đúng không? Bồi thường một cô gái lớn như con phức tạp hơn là việc bồi thường một ruộng củ cải đường…
Ông đứng lên.
– Thế thì đúng rồi…. Đúng thế… Con thật ngốc nghếch. Phát hiện này mới kinh khủng làm sao…
Nào, đưa cho bố đĩa của con.

Ông đứng sau lưng tôi.
– Con làm bố tổn thương đến mức mà chính con cũng không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí còn hơn thế nữa, con làm bố đau lòng. Nhưng, con yên tâm, bố không trách con, bố sẽ cho rằng tất cả những điều này đều là do con đang đau khổ…
Ông đặt một đĩa thức ăn nóng hổi trước mặt tôi.
– Tuy nhiên, có một điều, dù sao, bố cũng không thể để con nói tùy tiện được, một điều duy nhất…
– Điều gì ạ? tôi ngước mắt nhìn lên.
– Làm ơn đừng có nói đến củ cải đường. Bố đố con tìm thấy một ruộng củ cải đường cho dù là nhỏ nhất trong vòng bán kính vài cây số xung quanh đây đấy…
Ông tự mãn và tỏ vẻ ranh mãnh.

– Hừm, ngon thật… Bố sẽ tiếc rẻ một người đầu bếp như con đúng không?
– Về mặt nấu bếp thì không có một người như con quả là đáng tiếc, còn về các mặt khác thì không, cảm ơn… Con đã làm bố hết muốn ăn rồi…
– Không ạ?!
– Không.
– Thế mà con cứ sợ!
– Tuy nhiên, cần phải hơn thế nữa mới ngăn cản được bố nếm thử món mì tuyệt hảo này…
Ông cắm chiếc dĩa của mình vào trong đĩa thức ăn và nhấc lên một đống mì dính chặt vào nhau.
– Hừm, người ta gọi thế này là thế nào ấy nhỉ?… Vừa chín tới…
Tôi cười.

– Bố thích con cười.
Chúng tôi ngồi yên không nói chuyện một hồi lâu.
– Bố giận hả?
– Không, không giận, mà là không rõ thì đúng hơn….
– Con rất lấy làm tiếc.
– Con thấy đấy, bố có cảm tưởng rằng mình đang đứng trước một cái gì đó thật rối rắm. Một dạng nút thắt…. To tướng….
– Con muốn..
– Im, im. Hãy để bố nói. Bố cần phải tháo gỡ mọi điều ngay bây giờ. Việc này rất quan trọng. Bố không biết liệu con có thể hiểu được bố không nhưng con cần phải nghe bố nói. Bố cần phải rút một sợi dây, nhưng là sợi nào đây? Bố không biết. Bố không biết bắt đầu từ cái gì và từ đâu. Chúa ơi, sao phức tạp đến thế… Nếu bố rút nhầm sợi dây, hoặc nếu bố rút quá mạnh, cái nút thắt đó có nguy cơ sẽ bị thắt lại chặt hơn. Thắt lại mạnh hoặc dở đến nỗi sẽ chẳng còn làm gì được nữa và bố sẽ đau lòng chia tay với con. Vì con thấy không, Chloé, cuộc đời bố, cả cuộc đời bố giống như cái nắm tay siết chặt này. Bố ở đây, trước mặt con, trong căn bếp này. Bố đã 65 tuổi. Bố không giống cái gì hết. Bố là lão già ngu ngốc mà con đã quở trách lúc nãy. Bố đã không hiểu gì hết, bố chưa từng trèo lên tầng thứ bảy. Bố đã sợ cái bóng của chính mình và bây giờ thì bố ở đây, đứng trước ý nghĩ về cái chết của mình và… Không, bố xin con, đừng ngắt lời bố… Đừng làm điều đó lúc này. Hãy để bố mở cái nắm tay này ra. Một chút thôi.
Tôi rót thêm rượu cho cả hai.
– Bố sẽ bắt đầu bằng cái bất công nhất, cái tàn nhẫn nhất… Có nghĩa là, con…

Ông thả lỏng người dựa vào lưng ghế.
– Lần đầu tiên bố gặp con, mặt con xanh lét. Bố nhớ, lúc đó bố bị ấn tượng ngay. Bố vẫn còn nhớ rõ cảnh con trong khung cửa này… Adrien đỡ con và con chìa cho bố một bàn tay co rúm cả lại vì giá lạnh. Con không chào nổi bố, con không nói nổi, do vậy bố đã siết cánh tay con để bày tỏ sự chào đón và bố vẫn nhớ rõ những vệt trắng của ngón tay bố còn hằn lại trên cổ tay con. Đáp lại Suzanne đang hốt hỏang, Adrien cười nói: “Con mang về cho bố mẹ một cô nàng Xì trum đây!” Sau đó, nó đã bế con lên lầu và ngâm con vào một bồn tắm nóng bỏng. Con ở lại trong đó bao nhiêu lâu? Bố không nhớ, bố chỉ nhớ là Adrien luôn nhắc đi nhắc lại với mẹ nó là “Bình tĩnh, mẹ, bình tĩnh! Ngay sau khi cô ấy chín, chúng ta sẽ ngồi vào bàn ăn thôi.” Bởi vì đúng là chúng tôi lúc đó đói thật, ít ra thì là bố, bố đói. Và con biết bố rồi đấy, con biết những lão già ngu ngốc họ thế nào khi họ đói… Bố đã ra lệnh ăn tối mà không chờ các con, khi con tới nơi, tóc vẫn ướt, nụ cười nhút nhát trong chiếc áo choàng cũ của Suzanne.
Lần này, má của con đỏ, đỏ, đỏ…
Trong bữa ăn, các con đã kể cho chúng ta nghe là các con đã gặp nhau trong khi xếp hàng vào cửa rạp phim để xem cuốn Một ngày Chủ nhật ở miền quê và rồi không còn chỗ trống và rằng Adrien, rất huênh hoang – đó là đặc trưng của gia đình – đã đề nghị con cùng trải qua một ngày Chủ nhật ở vùng quê, và ngồi lên ngay phía trước xe mô-tô của nó. Vì rằng chỉ có thể hoặc nhận lời hoặc từ chối ngay, và con đã nhận lời, nên con đã bị đông cứng lại như vậy khi rời Paris mà chỉ mặc mỗi áo phông dưới chiếc áo mưa. Adrien cứ nhìn con say đắm và chắc hẳn cũng khó cho nó khi mà con luôn luôn cúi đầu nhìn xuống. Mọi người thường nhìn thấy một chiếc má lúm đồng tiền hiện lên mỗi khi nó nói đến con, hình dung qua đó là con đang mỉm cười… Bố cũng nhớ là hôm đó con đi một đôi giày bát kết thật kỳ lạ….
– À, đúng rồi, đôi giày hiệu Converse màu vàng!
– Đúng, đúng thế. Vì thế, con có thể cứ chỉ trích đôi giày mà bố mua cho con Lucie hôm trước… À, vả lại, bố sẽ phải nói với nó… Cháu yêu, đừng nghe mẹ cháu, ngày trước khi ông gặp mẹ cháu lần đầu tiên, mẹ cháu đi một đôi giày bát kết màu vàng có những chiếc dây buộc màu đỏ đấy…
– Bố lại còn nhớ cả màu những chiếc dây giày cơ à?
– Bố nhớ hết, Chloé, tất cả, con nghe thấy bố nói không? Những chiếc dây buộc giày màu đỏ, cuốn sách mà con đọc ngày hôm sau đó dưới gốc cây sơ-ri trong lúc Adrien tháo phụ tùng chiếc xe của nó…
– Đó là cuốn gì ạ?
– Thế giới theo cách nhìn của Garp, đúng không?
– Chính xác.
– Bố nhớ là con đã đề nghị với Suzanne dọn cỏ ở chiếc cầu thang dẫn ra căn hầm rượu cũ. Bố nhớ những cái nhìn trìu mến mà bà ấy dành cho con khi thấy con hết hơi hết sức trên đám cây ngấy. Có thể đọc được trong mắt bà ấy những chữ cái rực lửa của hai từ “Con dâu? Con dâu?” đang nhấp nháy. Bố đã đưa các con đi chợ Saint-Amand, con đã mua pho mát dê và sau đó chúng ta đã uống một ly Martini tại quảng trường. Lúc đó con đọc một bài báo, về Andy Warhol thì phải, trong khi bố và Adrien đang chơi trò đẩy bóng tính điểm…
– Thật kỳ lạ, bố làm thế nào mà nhớ được hết những điều đó vậy?
– Ờ… Bố chẳng có nhiều tài cán gì đâu… Chẳng qua đó là một trong số những lần hiếm hoi mà hai bố con đã cùng nhau làm một việc gì đó…
– Bố muốn nói, với Adrien á?
– Ừ….
– Vâng.

Tôi đứng dậy lấy pho mát.
– Không, không, đừng thay đĩa, không cần thiết đâu.

– Có chứ! Con biết rằng bố ghét ăn pho mát với chiếc đĩa ăn đã dùng rồi mà.
– Bố ghét thế, bố á? Ồ… phải rồi… Lại một cái thói của lão già ngu ngốc nữa, phải không?
– Ờ… vâng, con chắc vậy… Ông nhăn mặt chìa đĩa cho tôi.
– Con mụ đanh đá.
Đôi lúm đồng tiền lộ ra.
– Tất nhiên, bố vẫn nhớ đám cưới của các con… Con vịn tay bố và trông con thật đẹp. Con bị trẹo mắt cá chân. Lúc chúng ta đang đi qua vẫn cái quảng trường Saint-Amand đó, con nói nhỏ vào tai bố: “Có lẽ bố nên bắt cóc con, con sẽ ném cái đôi giày chết tiệt này qua cửa sổ xe và chúng ta sẽ đi ăn sò ở quán ăn của Yvette….” Cái ý thích bất thường này đã làm bố choáng. Bố nắm chặt đôi găng tay của mình. Này, con lấy thức ăn trước đi…
– Bố cứ lấy đi, bố lấy đi….
– Bố còn có thể nói gì thêm nữa với con nhỉ?… Bố nhớ một ngày, chúng ta hẹn gặp nhau ở tiệm cà phê bên dưới văn phòng của bố để bố lấy lại một chiếc muôi hay cái gì đó bố cũng không nhớ nữa mà Suzanne đã cho con mượn…. Chắc hẳn hôm đó, con thấy bố thật khó chịu, bố vội vã, lo âu…. Bố bỏ đi sớm thậm chí trước khi con uống xong tách trà. Bố hỏi han con về chuyện công việc của con mà rất có thể là chẳng hề nghe các câu trả lời, tóm lại là thế… Ấy thế mà, cùng tối hôm đó, tại bàn ăn, khi Suzanne hỏi bố cho có lệ “Có gì mới không?” bố đã trả lời bà ấy: “Chloé đang mang thai. – Nó nói với ông thế à? – Không. Vả lại, tôi không chắc là bản thân nó đã biết điều đó…” Suzanne đã nhún vai và đưa mắt nhìn lên trời nhưng bố đã có lý. Vài tuần sau đó, các con đã thông báo cho chúng ta tin mừng…
– Làm thế nào mà bố đã đoán được vậy?

– Bố không biết… Bố cảm thấy màu da con thay đổi, sự mệt mỏi của con là vì lý do khác…
– …
– Bố có thể tiếp tục kể như vậy một hồi lâu nữa. Con thấy đấy, con thật bất công. Con đã nói cái gì ấy nhỉ? Rằng trong suốt thời gian qua, suốt những năm qua, bố không bao giờ quan tâm đến con… Ồ, Chloé, bố hy vọng là con cảm thấy xấu hổ.
Ông trợn mắt lên với tôi.
– Ngược lại, bố là người ích kỷ, điều đó con đúng. Bố nói với con rằng bố không muốn con ra đi, bởi vì bố không muốn con ra đi. Bố chỉ nghĩ đến mình. Với bố, con gần gũi hơn cả con gái. Con gái ruột của bố sẽ không bao giờ nói với bố rằng bố là một lão già ngu ngốc, nó bằng lòng với việc nghĩ rằng bố đơn giản là một lão ngu thế thôi!
Ông đứng dậy để với lấy lọ muối.
– Nhưng…. Con làm sao thế?
– Không sao. Con không sao hết.
– Có mà, con khóc.
– Không đâu, con không khóc. Bố nhìn xem, con có khóc đâu.
– Có mà, con có khóc! Con muốn một cốc nước không?
– Có ạ.
– Ồ, Chloé… Bố không muốn con khóc. Điều đó làm bố buồn.
– Đấy! Bố vẫn thế! Bố đúng là bất trị…
Tôi cố lên giọng bông lơn, nhưng nước mũi lại đang chảy ra ngòai, trông thật thảm hại.
Tôi cười. Tôi khóc. Lọai rượu vang này không hề làm tôi vui vẻ lên.
– Lẽ ra bố không nên nói với con về tất cả những điều này…
– Có, có chứ ạ. Đó cũng là những kỷ niệm của con… Chỉ cần con làm quen dần một chút. Con không biết liệu bố có nhận thấy rõ không, nhưng tình cảnh này rất mới với con…. Cách đây mười lăm ngày, con vẫn còn là một người mẹ trong một gia đình yên ấm tiện nghi. Trên tàu điện ngầm, con lật cuốn lịch của mình để tổ chức các bữa ăn tối và con vừa giũa móng tay vừa nghĩ về những kỳ nghỉ. Con tự nhủ: “Mình sẽ mang theo các con hay là chỉ hai đứa mình đi thôi nhỉ?” Tóm lại, bố thấy, những vấn đề khó nghĩ kiểu dạng như vậy…
Con cũng tự nhủ: “Mình chắc phải tìm một căn hộ khác, căn hộ này cũng được, nhưng tối quá…” Con đợi Adrien khá hơn rồi mới nói với anh ấy về việc này vì con thấy rõ rằng thời gian gần đây anh ấy khó chịu trong người…. Cáu kỉnh, dễ tự ái, mệt mỏi…. Con lo cho anh ấy và tự nhủ: “Thế này thì cái công ty điên rồ đó sẽ giết chết anh ấy mất, giờ giấc kiểu gì mà quái đản thế chứ?”
Ông quay mặt về phía ngọn lửa.

– Sống trong tiện nghi nhưng con không được tinh ranh lắm, phải không?
Con đợi anh ấy về để ăn tối. Con đợi hàng giờ. Thậm chí, thường xuyên, con ngủ thiếp đi trong lúc chờ đợi anh ấy…. Anh ấy cuối cùng cũng về, gương mặt mệt mỏi, thân thể rã rời… Con vừa vươn vai vừa đi về phía bếp. Làm việc nọ việc kia. Anh ấy không đói, tất nhiên, anh ấy có cách nói ý nhị là ăn không ngon miệng. Hay là có thể vì họ đã nhấm nháp một chút trước đó? Có lẽ vậy….
Ngồi trước mặt con chắc hẳn là một nỗ lực lớn biết chừng nào với anh ấy! Con chắc hẳn nom rất nặng nề với cái thái độ vui vẻ thường ngày và những tập phim tiểu thuyết lá cải của mình về cuộc sống ở quảng trường FirmimGédon. Nghĩ lại, thật là một khổ hình đối với anh ấy… Lucie đã rụng một chiếc răng, mẹ của em không khỏe, cô gái người Bồ Đào Nha trông thằng nhỏ Arthur đi lại với con trai bà hàng xóm, em đã làm xong món đồ bằng đá hoa của em sáng nay, Marion tự cắt tóc của nó thật kinh khủng, cô giáo muốn những cái hộp đựng trứng, anh có vẻ mệt, xin nghỉ một ngày phép đi, đưa tay đây cho em, anh ăn thêm rau chân vịt không? Tội nghiệp anh ấy… đúng là một khổ hình đối với một người đàn ông không chung thủy nhưng chu đáo. Thật là một khổ hình…. Nhưng con không thấy gì cả. Con đã không thấy cái gì đang đến, bố hiểu không? Làm sao mà người ta lại có thể mù quáng đến thế cơ chứ? Làm sao nhỉ? Hoặc là con hoàn toàn u mê, hoặc là con hoàn toàn tin tưởng. Rõ ràng là cũng như nhau cả thôi….
Tôi ngả người ra phía sau.
– Ôi, Pierre… Cuộc sống này mới tồi tệ làm sao…
– Rượu này ngon đấy chứ?
– Rất ngon. Thật tiếc là nó chẳng được như quảng cáo…
– Đây là lần đầu tiên bố uống loại rượu này.
– Con cũng vậy.
– Giống như cây hoa hồng của con, bố đã mua nó vì cái nhãn mác đấy…

– Vâng. Thật tồi tệ… Đúng là chẳng ra làm sao cả.
– Nhưng con vẫn còn trẻ mà…
– Không, con già rồi, con cảm thấy mình già nua. Con bị bầm giập khắp nơi rồi. Con cảm giác mình sẽ trở nên đa nghi. Con sẽ nhìn cuộc sống của mình qua một cái lỗ nhìn trên cửa. Con sẽ không mở cửa. Các người hãy lùi lại. Chìa cho tôi xem cái chân trắng sạch. Tốt, bây giờ thì chân kia nào.
Cầm giày lên. Hãy đứng nguyên tại lối ra vào. Đừng động đậy nữa.
– Không, con sẽ không bao giờ trở thành một người phụ nữ như thế.
Thậm chí ngay cả khi con muốn điều đó thì con vẫn sẽ không thể. Mọi người sẽ tiếp tục bước vào cuộc sống của con giống như vào một cái cối xay gió, con sẽ còn đau khổ và như vậy cũng rất tốt. Bố không cần bận tâm lo lắng cho con.
– Không, tất nhiên…
– Tất nhiên gì?
– Bố không bận tâm vì con. Dù sao thì bố vốn vẫn chẳng bận tâm đến ai cả…
– Đúng đấy, con có lý. Bố không biết quan tâm.
– Vì sao?
– Bố không biết. Vì những người khác không gây hứng thú cho bố, bố đoán thế…

– … ngoại trừ Adrien.
– Adrien gì cơ ạ?
– Bố nghĩ về nó.
– Bố lo lắng về Adrien á?
– Ừ, bố tin là thế… Ừ.
Dù sao thì nó cũng là người khiến bố lo nhất…
– Vì sao?
– Vì nó đang đau khổ.

Tôi như từ trên trời rơi xuống.
– Đây, đây mới là điều lý thú nhất! Anh ta không hề đau khổ chút nào đâu…. Ngược lại, anh ta đang rất hạnh phúc đấy! Anh ta đã đổi một cô vợ bầm giập và chán ngắt lấy người phụ nữ đầu tiên làm anh ta vui. Bố biết đấy, cuộc sống của anh ta bây giờ thú vị hơn nhiều.
Tôi xắn tay áo.
– Nào, ví dụ bây giờ là mấy giờ nhỉ? Mười giờ kém mười lăm, Chú bé bị đọa đày của chúng ta đang ở đâu nhỉ? Anh ta ở đâu nào? Có thể, ở rạp chiếu bóng hay rạp hát? Hoặc là đang ăn tối ở đâu đó. Giờ thì chắc hẳn họ đã ăn xong món mào đầu rồi… Anh ta vừa xoa bóp lòng bàn tay của cô ấy vừa mơ về tương lai. Chú ý, món ăn đang tới, cô ta rụt bàn tay lại và trao cho anh ta một nụ cười. Hay là họ đang ở trên giường… Đây là giả thuyết có khả năng xảy ra cao nhất, phải không ạ? Mới đầu, nếu con nhớ không nhầm thì người ta làm tình rất nhiều…
– Con quá lời rồi đấy.
– Con tự bảo vệ mình thôi.
– Dù nó có làm gì đi chăng nữa, nó hiện vẫn đang đau khổ.
– Bố muốn nói là tại vì con hả? Con làm hỏng cuộc vui của anh ta chắc? Ồ, con đúng là đồ vô ơn…
– Không. Không phải là tại con, mà là tại nó. Tại cuộc sống này, nó chẳng làm cái gì như ta muốn cả. Những cố gắng của chúng ta đều không có nghĩa lý gì cả…
– Bố có lý đấy, tội nghiệp anh yêu…
– Con không nghe bố nói.
– Không.
– Tại sao con không nghe bố? Tôi cắn một miếng bánh mì.
– Bởi vì bố là một cỗ xe ủi, bố phá hủy mọi thứ trên đường bố đi. Nỗi bất hạnh của con làm cho bố… làm bố gì nhỉ? Làm bố cảm thấy vướng víu và sắp tới là khó chịu, con biết rõ điều đó. Lại còn chuyện quan hệ máu thịt nữa chứ…. Cái khái niệm vớ vẩn đó…. Bố đã không thể ôm các con mình trong vòng tay, nói với họ dù chỉ một lần rằng bố yêu hô, nhưng bên cạnh đó, con biết là bố sẽ luôn luôn đứng ra bảo vệ họ. Dù họ có nói gì, làm gì, họ sẽ vẫn luôn có lý trước những kẻ ngoại lai như chúng con. Chúng con, những người không cùng mang một họ với bố.
Có thể nói các con của bố đã không cho bố có nhiều lý do để cảm thấy hài lòng, nhưng bố là người duy nhất có quyền chỉ trích họ. Người duy nhất! Adrien bỏ đi để lại con bơ vơ với hai con bé. Rồi, điều này cũng vậy, nó làm cho bố phiền lòng, nhưng con không còn hy vọng nghe thấy bố lớn tiếng nói vài lời nghiêm khắc nữa. Vài lời nghiêm khắc…. chúng chẳng làm thay đổi được điều gì hết nhưng chắc sẽ làm con cảm thấy vui sướng biết bao. Vui sướng biết bao, giá mà bố biết…. Vâng, thật xoàng quá…. Con là một người xoàng. Nhưng, vài lời thật thấm thía, như quất vào người, vì bố vốn quá biết dùng chúng… Tại sao lại không dành cho anh ta? Sau hết thì con xứng đáng được nghe thấy chúng. Con chờ đợi lời buộc tội của vị trưởng lão ngồi đầu bên kia bàn. Từ bấy nhiêu năm nay con vẫn nghe bố phân tách thế giới này. Những người tốt và những kẻ xấu, những người đáng được bố coi trọng và những kẻ không xứng đáng. Từ suốt bấy nhiêu năm nay con phải chịu đựng những bài phát biểu của bố, uy quyền của bố, những điều bất bình của bố, những phút im lặng của bố… Tất cả sự giả tạo đó. Tất cả sự giả vớ đó. Từ suốt bấy lâu nay bố làm chúng con phát ngán, Pierre….
Bố biết đấy, con là một người có tâm hồn giản đơn và con cần được nghe thấy bố nói: con trai bố là một thằng đểu cáng, bố xin lỗi con. Con cần được nghe câu nói đó, bố hiểu không?
– Đừng trông cậy vào bố.

Tôi thu dọn đĩa ăn.
– Con không hề trông cậy vào bố.
– Bố có muốn dùng món tráng miệng không?
– Không.
– Bố không muốn gì cả à?

– Như vậy là hỏng bét rồi… Bố chắc đã rút nhầm sợi dây… Tôi không nghe ông nói nữa,
– Cái nút thắt lại càng thắt chặt thêm và giờ thì chúng ta lại xa cách hơn bao giờ hết. Thôi thì bố là một lão già ngu ngốc… Một con quái vật… Còn gì nữa không?
Tôi tìm miếng giẻ rửa bát.
– Thế rồi còn gì nữa?
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông.
– Pierre, bố nghe này, trong nhiều năm liền con đã chung sống với một người đàn ông không thể đứng vững nổi bởi vì bố anh ta chưa từng bao giờ nâng đỡ anh ta một cách tử tế. Khi con quen biết Adrien, anh ấy không dám làm gì cả vì sợ sẽ khiến bố thất vọng. Và tất cả những việc anh ấy thực hiện đều làm con suy sụp tinh thần bởi vì chẳng bao giờ anh ấy làm vì bản thân mình, mà là vì bố. Hoặc để làm bố ngạc nhiên hoặc để làm bố khó chịu.
Hoặc để khiêu khích bố hoặc để làm bố vui. Thật xúc động. Lúc đó con mới hai mươi tuổi và con đã phó mặc cả cuộc sống của mình cho anh ấy. Để lắng nghe và vuốt ve gáy anh ấy khi anh ấy cuối cùng cũng chịu thổ lộ tâm tình.
Con chẳng hối tiếc gì hết, dẫu sao thì con cũng chẳng làm khác đi được. Con phát ốm khi thấy một cậu con trai như anh ấy lại tự hạ thấp mình đến mức ấy. Chúng con đã trải qua nhiều đêm ròng để làm sáng tỏ hết vấn đề và để cân nhắc mọi việc. Con đã thúc giục anh ấy. Con đã nói với anh ấy cả ngàn lần rằng vấn đề của anh ấy quá đơn giản. Rằng chuyện này thật quá dễ giải quyết! Chúng con đã ra nhiều quyết định hay ho và thực hiện chúng nhưng không tiến triển, chúng con đã tìm thấy những giải pháp khác và cuối cùng, con đã bỏ học để cho anh ấy có thể theo lại chương trình học của mình. Con đã xắn tay áo và trong suốt ba năm trời, con đưa anh ấy đến trường trước khi đi tiêu phí thời gian của mình dưới những tầng hầm của viện bảo tàng Louvre. Đó là một thỏa thuận giữa hai chúng con: con không than phiền gì hết với điều kiện anh ấy thôi không nói với con về bố nữa. Con chẳng có công trạng gì. Con chưa từng nói với anh ấy rằng anh ấy là người tốt nhất. Con chỉ yêu anh ấy thôi. Y-ê-u. Bố có hiểu con nói về cái gì không?
– ….
– Vậy thì, bố hiểu vì sao bây giờ con lại hơi ác ý như vậy… Tôi bôi miếng giẻ quanh đôi tay ông đặt trên bàn.
– Niềm tin đã trở lại, cậu con trai hư đốn đã lột xác. Anh ta đã chèo chống con thuyền của mình như một người trưởng thành và rồi bây giờ từ bỏ cô vợ già dưới ánh mắt cảm thông của ông bố độc ác. Bố thú thực đi, hơi chối tai, phải không?
– …
– Bố không nói gì à?
– Không. Bố đi ngủ đây.
Tôi ấn nút khởi động máy rửa bát.
– Phải rồi, chúc bố ngủ ngon.

Chú thích:

[1] Hình ảnh biểu tượng của hãng lốp xe hơi Michael (Pháp). Trong ngôn ngữ đời thường, Bibendum là từ để giễu những người đẫy đà.

[2] Tiếng Anh trong nguyên bản: “Không bao giờ giải thích, không bao giờ phàn nàn.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.