Bố Đã Từng Yêu
Chương 8
Tôi tự cắn má.
Giữ lại cho riêng mình những điều tệ hại nhất.
Tôi lấy chiếc ly của mình và ngồi lên tràng kỷ. Tôi cởi giày và co mình dưới những chiếc gối ôm. Tôi đứng dậy lấy chai rượu để trên bàn. Dụi lửa, tắt đèn và lặng lẽ quay trở lại vùi mình trong đống gối.
Tôi tiếc là mình vẫn chưa say.
Tôi tiếc là mình ở đó.
Tôi tiếc… Tiếc thật nhiều điều. Thật nhiều điều…
Tôi gác đầu lên thành ghế và nhắm mắt lại.
– Con ngủ rồi à?
– Không ạ.
Ông đi lấy cho mình một ly rượu và ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh. Gió vẫn thổi. Chúng tôi ngồi trong bóng tối. Nhìn ngọn lửa.
Thỉnh thoảng, một trong hai người uống và người kia bắt chước theo. Chúng tôi không thoải mái mà cũng chẳng khó chịu. Chúng tôi mệt mỏi.
Một hồi lâu sau, ông nói:
– Con biết không, bố có lẽ không là người như con đánh giá nếu bố đã dũng cảm hơn…
– Gì ạ?
Tôi hối tiếc ngay vì đã đáp lại lời ông. Tôi không muốn đả động đến cái điều rối rắm này. Tôi muốn được yên tĩnh.
– Người ta thường nói về sự đau khổ của những người ở lại nhưng liệu con đã từng nghĩ đến nỗi khổ của người ra đi?
Ô là là, tôi tự nhủ, liệu có phải cái ông già điên rồ này sắp làm mình phát ngấy với một mớ lý thuyết hay không?
Tôi đảo mắt tìm đôi giày của mình.
– Chúng ta hãy để mai nói chuyện này, bố ạ, con đi… Mà con phát ngán rồi đấy.
– Nỗi khổ của những người gặp bất hạnh…. Những người ở lại, ta thương xót họ, ta an ủi họ, thế còn những người ra đi?
– Nhưng họ còn muốn gì nữa chứ, tôi nổi nóng, phần thưởng ư? Một lời động viên ư?!
Ông không nghe thấy điều tôi nói.
– Sự can đảm của những người một buổi sáng nhìn mình trong gương và phát âm một cách mạch lạc mấy từ này với bản thân mình: “Tôi có quyền được sai lầm không?” Chỉ vài từ này thôi…
am đảm nhìn thẳng vào cuộc sống của mình, và không thấy gì là ăn khớp, là cân đối ở trong đó. Cam đảm hủy bỏ hết, phá hết bởi…. bởi sự ích kỷ ư? Bởi sự ích kỷ đơn thuần ư? Tuyệt nhiên không… Vậy thì bởi cái gì? Bản năng tồn tại? Sự sáng suốt? Nỗi sợ chết?
Sự can đảm đối mặt với bản thân. Ít ra là một lần trong đời. Đối mặt với mình. Chính mình. Chỉ với bản thân mình. Sau hết.
“Quyền được sai lầm”, một cụm từ rất ngắn, một đoạn nhỏ trong một câu, ấy vậy mà ai sẽ là người tặng nó cho bạn?
Ai, ngoài chính bạn?
Hai tay ông run run.
– Bố, bố đã không cho mình cụm từ đó…. Bố chẳng cho mình một cái quyền nào cả. Chỉ toàn là nghĩa vụ. Và bây giờ, bố trở thành cái gì: một lão già ngu ngốc. Một lão già ngu ngốc trong con mắt của một trong số hiếm những người mà bố nuôi đôi chút cảm mến. Thất bại quá đi…
Bố đã từng có rất nhiều kẻ thù. Bố chẳng tự ca ngợi mình mà cũng chẳng ca thán vì điều đó, bố không thèm đếm xỉa đến điều đó. Nhưng những người bạn…. Những người mà bố muốn được họ yêu mến? Rất ít, rất ít…
Con là một trong số đó. Con đấy. Chloé, bởi vì con biết xoay sở trong cuộc sống. Bởi vì con nắm bắt nó một cách khéo léo. Con di chuyển, con nhảy múa, con biết làm mưa làm gió trong một ngôi nhà. Con được trời phú cho cái khả năng tuyệt vời là làm cho những người xung quanh con hạnh phúc. Con thật thoải mái, thật thoải mái trên cái hành tinh nhỏ bé này…
– Con có cảm tưởng rằng chúng ta đang nói về một người khác…
Ông không nghe thấy tôi nói.
Ông ngồi thẳng người. Ngưng nói. Hai chân thôi bắt tréo vào nhau.
Chiếc ly đặt trên đùi.
Tôi không nhìn rõ mặt ông.
Khuôn mặt ông bị lấp đi trong bóng chiếc ghế bành.
– Bố đã từng yêu một người phụ nữ… Bố không nói về Suzanne đâu, mà về một người phụ nữ khác.
Tôi mở to mắt.
– Bố yêu cô ấy hơn hết thảy. Hơn hết thảy mọi thứ…
Hồi đó, bố không hề biết rằng người ta có thể yêu đến độ ấy… Tóm lại, ít ra là bố, bố tin rằng mình không được… lập trình để yêu theo cái cách như vậy. Những lời tỏ tình, những đêm thao thức, những tác hại của sự đam mê, cái đó là dành cho những người khác. Vả lại, mỗi cái từ đam mê thôi cũng đã làm bố cười khẩy rồi. Đam mê, đam mê! Bố thì bố xếp nó vào dạng giữa thôi miên và mê tín… Nó gần như là một từ thô thiển trong ngôn ngữ của bố. Thế rồi, nó ập đến vào đúng lúc bố không ngờ nhất. Bố… Bố đã yêu một người phụ nữ.
Bố đã yêu như thể người ta bị nhiễm một căn bệnh. Không hề muốn, không hề tin, ngược lại với ý mình và không thể tự bảo vệ mình trước nó, và rồi….
Ông khạc cổ.
– Và rồi bố đã mất cô ấy. Cũng theo cái cách ấy.
Tôi không động đậy nữa. Cả một cái đe nặng vừa ụp xuống đầu tôi.
– Cô ấy hồi đó tên là Mathilde. Vả lại, tên cô ấy bây giờ vẫn là Mathilde, Mathilde Courbet. Giống như họa sỹ…
Bố lúc ấy bốn mươi hai tuổi và tự thấy mình đã già rồi. Dù sao thì bố cũng vẫn luôn thấy mình già nua. Chỉ có Paul mới trẻ trung, Paul sẽ mãi trẻ và đẹp trai.
Còn bố, bố là Pierre. Người hay lam hay làm, người chăm chỉ.
Hồi mười tuổi, bố đã mang khuôn mặt của bố hiện nay. Cùng một kiểu tóc, cùng một cặp kính, cùng những cử chỉ, cùng những thói gàn dở. Hồi mười tuổi, chắc bố cũng thay đĩa ăn khi ăn pho mát, bố nghĩ thế…
Tôi mỉm cười với ông trong bóng tối.
– Bốn mươi hai tuổi… Người ta chờ đợi gì ở cuộc đời ở tuổi bốn mươi hai?
Bố thì chẳng gì cả. Chẳng chờ đợi gì. Bố làm việc. Làm, làm nữa, làm mãi. Công việc là sự ngụy trang, là cái vỏ bọc, là cái cớ của bố. Cái cớ để không sống. Bởi vì bố chẳng yêu thích đến thế, sống. Bố tin rằng mình chẳng có khiếu với việc đó.
Bố tự tạo ra cho mình những khó khăn, những dãy núi phải trèo. Rất cao. Rất hiểm trở. Để rồi bố xắn ống tay áo. Trèo lên và lại tạo ra những dãy núi khác. Tuy thế, bố không phải là người tham vọng, mà là người không có óc tưởng tượng.
Ông uống một ngụm.
– Bố… Bố không hề biết đến những thứ đó, con biết đấy…. Chính Mathilde đã dạy cho bố.
Ồ, Chloé… Bố yêu cô ấy biết chừng nào… Bố yêu cô ấy biết chừng nào…. Con vẫn thức đấy chứ?
– Vâng.
– Con có nghe không?
– Có
– Bố có quầy rầy con không?
– Không.
– Con có buồn ngủ không?
– Không.
Ông đứng lên để bỏ thêm một khúc củi. Rồi ông ngồi xổm luôn trước lò sưởi.
– Con có biết cô ấy trách bố điều gì không? Cô ấy trách bố ba hoa quá. Con có tưởng tượng được không? Bố… ba hoa quá! Thật không tin nổi, phải không? Ấy vậy mà đúng thế đấy…. Bố ngả đầu lên bụng cô ấy và bố nói. Nói hàng giờ. Thậm chí suốt cả ngày dài. Bố nghe thấy giọng nói của mình trầm xuống trên làn da của cô ấy và bố thích điều đó. Một gã ba hoa thực thụ… Bố làm cô ấy choáng. Làm cô ấy rối trí. Cô ấy cười. Cô ấy nói, nhưng mà, suỵt, đừng nói nhiều thế, em chẳng nghe thấy anh nói gì nữa rồi. Vì sao anh nói nhiều thế?
“Bố có bốn mươi hai năm im lặng cần lấy lại. Bốn mươi hai năm bố câm lặng, giữ hết cho riêng mình. Lúc nãy con nói gì nhỉ? Rằng cái chứng lặng thinh của bố giống thái độ coi thường, đúng không? Quả là một sự xúc phạm, nhưng bố có thể hiểu được những lời trách cứ dành cho mình. Bố có thể hiểu, nhưng không muốn thanh minh trước điều đó. Vả lại, vấn đề cũng chính là ở chỗ đó… Nhưng, coi thường, bố không nghĩ vậy. Dù điều này có thể là khó tin đối với con, nhưng bố tin là cái chứng lặng thinh của bố nó giống với sự nhút nhát hơn. Bố không yêu bản thân mình đủ để đánh giá cao lời nói của mình. Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, thành ngữ nói vậy. Bố thì luôn uốn quá thêm một lần. Bố làm nản lòng người khác… Bố không yêu bản thân trước khi gặp Mathilde và còn yêu mình ít hơn thế kể từ ngày đó.
Có lẽ bố là người khó tính cũng vì thế… “ Ông lại ngồi xuống.
– Bố rất khó tính trong công vệc, nhưng đó là do vai trò của bố, con hiểu không? Bố bắt buộc phải nghiêm khắc. Bắt buộc phải làm cho họ tin rằng bố là một nỗi khiếp sợ. Con thử tưởng tượng chuyện gì sẽ diễn ra nếu như họ khám phá được điều bí mật của bố? Nếu như họ biết rằng bố là một người nhút nhát? Rằng bố buộc phải làm việc gấp ba lần người khác để đạt được kết quả tương tự? Rằng trí nhớ của bố rất kém? Rằng bố rất chậm hiểu? Con có nhận thấy không? Nếu mà họ biết được tất cả những điều này, họ sẽ ăn tươi nuốt sống bố mất!
Hơn thế bố không biết làm cho người khác yêu quý mình…. Bố không có duyên, như người ta nói. Khi bố tuyên bố tăng lương cho ai đó, bố dùng một giọng đanh thép, nếu người ta cám ơn bố, bố không trả lời, khi bố muốn làm một cử chỉ nhỏ nhoi nào đó, bố lại tự ngăn không cho mình làm và nếu bố có một tin vui để thông báo, bố lại giao cho Francoise nhiệm vụ đó. Về mặt quản trị, quản lý nguồn nhân lực, cũng giống như họ nói, bố là một tai họa.
Một tai họa thực sự.
Chính Francoise đã ghi danh ngoài ý muốn của bố để bố tham gia vào một loại khóa thực tập dành cho những ông chủ lỗi thời. Tầm phào hết sức… Hai ngày nhốt mình tại Concorde La Fayette ở cửa ô Maillot để nốc cái món hỗn hợp mị dân của một bà chuyên gia tâm lý và một ông người Mỹ quá khích. Ông ta bán cuốn sách của mình vào cuối buổi. Nó có tựa đề là Hãy là người giỏi nhất và làm việc trong tình yêu. Chúa ơi, nghĩ lại, đúng thật là một trò ba láp….
Cuối đợt thực tập, bố nhớ, họ đã phát một tấm bằng ông chủ tốt bụng biết cảm thông. Bố đã tặng nó cho Francoise, bà ấy đã đính nó bên trong chiếc tủ đựng đồ bảo dưỡng và những cuộn giấy vệ sinh.
“Có hay không?” bà ấy hỏi bố.
– “Tồi lắm.”
Bà ấy mỉm cười.
“Nghe này, Francoise, bố nói thêm, ở đây bà được xem như Đức Chúa Cha, hãy nói với những ai quan tâm rằng tôi không hề dễ mến nhưng họ sẽ không bao giờ bị mất vệc bởi vì tôi rất giỏi tính nhẩm.
– “Amen,” bà ấy cúi đầu thì thầm.
“Nhưng thật thế đấy. Trong suốt hai mươi lăm năm chuyên chế, bố không hề phải chịu bất kỳ một cuộc đình công nào và bố chưa bao giờ sa thải ai hết. Ngay cả khi đầu những năm 90 tình hình khó khăn đến thế, bố vẫn không sa thải lấy một người. Không một người nào cả, con nghe rõ không?
– Thế còn Suzanne?
– …
– Vì sao bố lại khó tính đến thế với vợ mình?
– Con cho là bố khó tính à?
– Vâng.
– Khó như thế nào?
– Rất khó.
Ông lại ngả đầu lên chiếc ghế bành.
– Khi Suzanne nhận ra là bố phản bội bà ấy, thực ra bố đã không còn phản bội bà ấy nữa từ rất lâu rồi. Bố đã… Bố sẽ kể cho con điều này sau… Hồi đó, chúng ta sống tại phố Convention. Bố không ưa căn hộ đó. Bố không thích cái cách bà ấy đã bày biện nó. Bố cảm thấy bức bí khi ở trong nhà. Quá nhiều đồ đạc, quá nhiều bình đựng sữa, quá nhiều ảnh của gia đình, mọi thứ đều quá nhiều. Bố nói thật với con, điều này chẳng có ích lợi gì hết… Bố đến căn hộ đó để ngủ và bởi vì gia đình của bố sống ở đó. Không hơn. Một buổi tối, bà ấy yêu cầu bố đưa bà ấy đi ăn tối. Hai người đi ăn ở bên dưới nhà.
Một tiệm pizza thảm hại. Ánh sáng đèn nê-ông làm cho gương mặt bà ấy trở nên đáng ghê sợ. Bà ấy vốn đã tự tạo cho mình cái vẻ của người phụ nữ bị ngược đãi, nên điều đó cũng chẳng thay đổi gì. Thật tàn nhẫn nhưng bố không hề cố tình làm thế, con biết không. Bố đã đẩy cánh cửa của cái quán cóc đầu tiên bố gặp… Linh cảm thấy điều gì sẽ đến với mình, bố không muốn đi quá xa chiếc giường của mình. Và quả thật, không phải chờ lâu.
Vừa mới đặt cái thực đơn của mình xuống, bà ấy đã bật khóc nức nở.
Bà ấy biết hết cả rồi. Rằng đó là một người phụ nữ trẻ hơn. Bà ấy biết mối quan hệ này diễn ra từ bao nhiêu lâu và bây giờ đã hiểu vì sao bố luôn đi vắng. Bà ấy không thể chịu đựng điều đó nữa. Bố là một con quái vật. Bà ấy có đáng bị coi thường đến thế không? Có đáng bị đối xử như vậy không?
Như một người đầy tớ? Ban đầu, bà ấy đã nhắm mắt cho qua. Bà ấy nghi ngờ là có chuyện gì đó, nhưng bà ấy tin tưởng ở bố. Bà ấy nghĩ rằng đó chỉ là một việc làm thiếu suy nghĩ, một sự bốc đồng, ham muốn chinh phục tiếp. Cái gì đó làm cho bố cảm thấy yên tâm về nam tính của mình. Và rồi còn chuyện công việc của bố nữa. Công việc của bố bận rộn là thế, khó khăn là thế. Còn bà ấy, công việc thu xếp ngôi nhà mới chiếm hết thời gian của bà ấy. Bà ấy không thể cùng một lúc có mặt trên mọi chiến tuyến! Bà ấy tin tưởng ở bố! Sau đó vì căn bệnh của bố, bà ấy đã nhắm mắt làm ngơ. Nhưng, bây giờ, bà ấy không thể chịu đựng bố thêm được nữa. Không, bà ấy không thể chịu đựng bố thêm được nữa. Tính ích kỷ của bố, sự khinh miệt của bố, cái cách mà…. Đúng lúc đó, người bồi bàn đã ngắt lời bà ấy, và, trong một khắc thời gian chừng nửa giây đồng hồ, bà ấy đã đổi mặt nạ. Vừa mỉm cười với người bồi bàn, bà ấy vừa hỏi anh ta thêm một số chi tiết về món mì Ý gì đó. Bố như bị thôi miên. Khi anh ta quay sang hỏi bố, bố hốt hoảng ấp úng “Cho…. Giống như quý bà.” Con nghĩ xem, bố làm gì có giây phút nào nghĩ đến cái thực đơn quái quỷ đó chứ. Không một giây…
Đó chính là lúc bố ước tính được sức mạnh của Suzanne. Bà ấy vô cùng mạnh mẽ. Bà ấy là chiếc xe lu. Chính lúc đó bố đã biết bà ấy là người vững vàng nhất và rằng không có gì có thể tác động được đến bà ấy. Thực ra, chỉ là một vấn đề cỏn con liên quan đến thời gian biểu thôi. Bà ấy bới lông tìm vết với bố chẳng qua là vì căn nhà bên bờ biển của bà ấy đã được bày biện xong xuôi. Cái khung ảnh cuối cùng đã được treo, cái thanh treo rèm cuối cùng đã được đóng lên, bà ấy cuối cùng quay sang bố và khiếp đảm vì những gì bà ấy vừa khám phá ra.
Bố gần như không đáp lại, biện hộ một cách yếu ớt, bố nói với con rồi đấy, vào thời điểm đó, bố đã đánh mất Mathilde rồi…
Bố nhìn người phụ nữ đang náo động trước mặt mình trong một quán pizza thảm hại ở quận 15 của Paris và im bặt.
Bà ấy khoa chân múa tay, để những giọt nước mắt lớn lăn dài trên má, sịt mũi và rưới nước sốt vào đĩa của mình. Trong khi đó, bố cuốn mãi hai hay ba sợi mì spaghetti quanh đĩa ăn mà không tài nào đưa nó lên tới miệng được. Bố cũng thế, bố cũng rất thèm khóc nhưng bố cố kìm nén…
– Vì sao bố lại kìm nén?
– Do cách giáo dục, bố nghĩ vậy…. Và rồi bố còn cảm thấy mình thật mong manh…. Bố không thể mạo hiểm tự buông thả mình theo cảm xúc được. Không thể là ở đó. Không thể là lúc ấy. Không thể là với bà ấy. Không thể là ở trong cái quán ăn úi xùi nhớp nhúa đó. Bố… Nói thế nào với con nhỉ… rất dễ bị tổn thương.
Bà ấy sau đó kể với bố là bà ấy đã đi gặp luật sư để tiến hành thủ tục ly dị. Bỗng nhiên bố trở nên chăm chú hơn. Luật sư ư? Suzanne yêu cầu ly dị ư? Bố không tưởng tượng được rằng mọi thứ lại đi quá xa như thế, rằng bà ấy lại bị xúc phạm đến mức độ ấy… Bà ấy đã gặp bà luật sư đó, chị dâu của một trong số những bà bạn của bà ấy. Bà ấy đã rất do dự nhưng trên đường từ đây trở về sau kỳ nghỉ cuối tuần, bà ấy đã có quyết định của mình. Bà ấy đã quyết định như vậy khi ở trên xe ô tô trên đường đi, khi mà bố chỉ mở miệng có một lần với bà ấy để hỏi xem bà ấy có tiền lẻ để trả phí cầu đường không. Bà ấy đã tự nghĩ ra một kiểu trò chơi cò quay vợ chồng của người Nga: nếu Pierre nói chuyện với mình, mình ở lại, nếu ông ấy không nói, mình ly dị.
Bố bị bối rối. Bố không biết là bà ấy lại thích trò may rủi đến như vậy.
Lúc này bà ấy đã bình tĩnh lại và nhìn bố với vẻ tự tin hơn. Tất nhiên, bà ấy đã bộc bạch hết. Những chuyến đi của bố, ngày càng dài, ngày càng nhiều, sự thiếu quan tâm của bố đến cuộc sống gia đình, các con có cũng như không, những cuốn sổ điểm mà bố chưa bao giờ ký, những năn tháng đã mất đi vì phải sắp xếp mọi việc theo bố. Vì sự thoải mái của bố, vì doanh nghiệp. Cái doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình nhà bà ấy, mở ngoặc đơn, sự hy sinh của bản thân bà ấy. Bà ấy đã chăm sóc bà mẹ tội nghiệp của bố đến cùng ra sao. Tóm lại là nói hết, tất cả những gì bà ấy cần phải kể ra, thêm vào đó là tất cả những gì các luật sư muốn được nghe để có thể quy ra thành chữ số những thiệt hại mà bà ấy phải gánh chịu.
Bố cũng vậy, bố lấy lại tinh thần, đề cập đến lĩnh vực quen thuộc rồi. Bà ấy muốn gì? Tiền hả? Bao nhiêu? Chỉ cần bà ấy ấn định một khoản tiền, bố đã rút tấm séc ra ngay rồi.
Nhưng không, bà ấy biết quá rõ bố mà, bố tưởng là mình có thể thoát ra dễ dàng thế sao… Bố thật tệ bạc. Bà ấy lại bắt đầu nức nở trong khoảnh khắc giữa hai thìa bánh kem tiramisu. Tại sao bố lại chẳng hiểu gì hết vậy? Trong cuộc sống đâu chỉ có chuyện tranh giành. Tiền không thể mua mọi thứ. Mua lại mọi thứ. Có phải bố đang giả vờ không hiểu đó không? Bố có trái tim không? Bố thật tệ bạc. Tệ bạc…
“Nhưng thế thì sao bà không yêu cầu ly dị đi? Bố rốt cục cũng phát cáu thốt lên, tôi sẽ nhận hết mọi lỗi lầm về mình. Tất cả, bà nghe thấy không? Ngay cả cái tính cách khó chịu của mẹ tôi, tôi đồng ý ký vào đâu đó để xác nhận nếu bà thích thế, nhưng đừng có thuê luật sư làm gì cho vướng víu, tôi xin bà đấy, tốt hơn là nói cho tôi biết bà muốn bao nhiêu.”
Bố đã làm bà ấy chạm tự ái.
Bà ấy ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mắt bố. Đấy là lần đầu tiên kể từ rất nhiều năm hai người nhìn nhau lâu như vậy. Bố đã thử khám phá xem có cái gì đó mới mẻ trên khuôn mặt này không. Có thể là thời tuổi trẻ của hai người… Cái thời mà bố không hề làm cho bà ấy phải khóc. Cái thời mà bố không làm cho bất kỳ người phụ nữ nào phải khóc, cái thời mà việc huyên thuyên tại bàn ăn về cảm xúc tình yêu đối với bố là một điều không tưởng.
Nhưng bố không tìm ra cái gì hết, ngoại trừ vẻ hơi buồn dỗi của một người vợ bị khuất phục sẵn sàng thú nhận. Bà ấy không quay trở lại gặp luật sư của mình vì bà ấy không đủ can đảm. Bà ấy thích cuộc sống của mình, căn nhà của mình, những đứa con của mình và những người bán hàng của mình… Bà ấy xấu hổ phải thú nhận điều này, tuy nhiên đây lại là sự thật: bà ấy không có can đảm để rời bỏ bố.
Không có can đảm.
Bố có thể bay nhảy nếu bố thích, bố có thể quan hệ với những người phụ nữ khác nếu điều đó làm bố cảm thấy yên tâm, nhưng, bà ấy, bà ấy sẽ không ra đi. Bà ấy không muốn mất những gì mình đã giành được. Vai vế xã hội. Bạn bè, những mối quan hệ của hai người, bạn bè của con cái. Lại còn căn nhà rất bảnh bao mà trong đó cả hai con chưa hề ngủ lấy một đêm… Bà ấy không muốn đối diện với nguy cơ đó. Sau cùng thì chuyện này ảnh hưởng gì đến bà ấy cơ chứ? Có đầy rẫy đàn ông đang phản bội vợ mình… Thậm chí cả một đống… Bà ấy đã bộc bạch và đã bị thất vọng vì câu chuyện quá tầm thường của mình. Như vậy đấy. Lỗi là ở cái thứ lủng lẳng giữa háng kia kìa. Cần phải làm bộ làm tịch và để sóng gió qua đi. Bà ấy đã thử nhưng cái ý nghĩ là mình sẽ không còn là bà Pierre Dippel làm cho bà ấy hết hồn. Thế đấy và thôi thì mặc kệ vậy. Không có các con, không có bố, bà ấy chẳng đáng là bao.
Bố chìa cho bà ấy chiếc khăn mùi xoa của mình. “Không sao, bà ấy cố nở nụ cười nói thêm, không sao cả… Tôi ở lại bên ông vì tôi không tìm ra ý tưởng nào hay ho hơn. Lần này tôi đã sắp đặt không được tốt. Tôi, người luôn tiên liệu trước mọi điều, giờ tôi… Tôi đã để mọi thứ đổ lên đầu, có thể nói vậy.” Bà ấy vừa mỉm cười vừa khóc.
Bố vỗ vỗ lên tay bà ấy. Xong rồi. Tôi ở đây. Tôi không có ai khác cả.
Không có ai. Hết rồi. Kết thúc rồi….
Bố và bà ấy vừa uống những ly cà phê của mình vừa bình luận về cách trang trí thiếu thẩm mỹ và bộ ria của ông chủ quán.
Hai người bạn già thân thể mang đầy vết sẹo.
Vừa mới nâng một tảng đá lớn lên và ngay lập tức lại thả cho nó rơi xuống.
Cái thứ lúc nhúc ở bên dưới thật quá kinh khủng.
Tối hôm đó, trong bóng tối, bố đã dịu dàng ôm Suzanne trong vòng tay. Bố không thể làm hơn thế được.
Đêm đó, với bố là một đêm trắng mới. Thay vì làm bố yên tâm, những lời thú nhận của bà ấy lại làm bố hoàn toàn rúng động. Phải nói rằng hồi đó tình trạng của bố rất tệ. Quá tệ. Quá tệ. Bố bị tra tấn tinh thần từ mọi phía.
Bố thực sự ở trong một tình cảnh thảm hại: bố đã mất người phụ nữ mà bố yêu và vừa mới hiểu ra rằng mình cũng vừa làm hại một người phụ nữ khác. Ôi, cái cảnh đó… Bố đã đánh mất tình yêu của đời mình để ở lại với một người phụ nữ không muốn xa rời bố chỉ vì ông chủ tiệm pho mát và người bán thịt lợn ướp của bà ấy. Thật rối rắm. Một sự phá hoại. Cả Mathilde lẫn Suzanne đều không đáng bị rơi vào hoàn cảnh như vậy. Bố đã làm hỏng hết. Chưa bao giờ bố lại thấy mình khốn khổ đến như thế…
Những viên thuốc hẳn cũng không làm thay đổi được điều gì, chắc chắn rồi, nhưng nếu bố cũng can đảm hơn thì chắc đêm hôm đó bố đã treo cổ tự vẫn rồi.
Ông ngửa đầu ra phía sau uống hết ly rượu của mình.
– Nhưng mà Suzanne? Bà đâu có đau khổ khi sống với bố…
– Con tin thế hả? Làm sao con lại có thể nói một điều tương tự? Bà ấy đã nói với con là bà ấy hạnh phúc sao?
– Không. Không phải như vậy. Không phải là bà nói thế nhưng bà đã làm cho con thấy như vậy… Dù sao, đó cũng không phải kiểu người phụ nữ tự cho mình một phút để tự hỏi xem liệu mình có hạnh phúc hay không…
– Không, quả đúng là không phải kiểu người đó… Vả lại, đó chính là sức mạnh của bà ấy. Nhưng, con biết không, nếu đêm hôm đó bố đau khổ đến mức như vậy, thì trước hết là vì bà ấy. Khi bố nhìn thấy bà ấy đã trở thành người thế nào… Quá ra vẻ quý bà, quá câu nệ hình thức. Giá mà con thấy được bà ấy là một cô gái ra sao hồi bố gặp bà ấy… Bố không tự hào về mình, không, thật đấy, chẳng có gì đáng để vui mừng cả. Bố đã làm bà ấy nghẹt thở. Bố đã làm bà ấy héo mòn. Đối với bố, bà ấy đã vẫn luôn là người như bây giờ. Luôn ở gần bên. Dưới tầm kiểm soát của bố. Bên kia đầu dây điện thoại. Cùng với các con. Trong bếp. Một loại phụ nữ đức hạnh tiêu tiền do bố kiếm ra và làm cho cái thế giới nhỏ bé của gia đình vận hành trong tiện nghi, đống thời không hề than vãn. Bố chưa bao giờ nhìn bà ấy khác đi.
Bố đã thử khám phá điều nào trong số các bí mật của bà ấy rồi? Chẳng điều nào cả. Bố có bao giờ hỏi han bà ấy về bà ấy, về tuổi thơ, về những kỷ niệm, những tiếc nuối, sự chán nản của bà ấy, quan hệ tình dục của hai người, những hy vọng, thất vọng và mơ ước của bà ấy không? Không.
Không bao giờ. Chẳng có cái gì. Chẳng có cái gì làm bố quan tâm hết.
– Cũng đừng có nói quá lên thế, Pierre. Bố không thể nhận hết trách nhiệm về mình. Việc sám hối bằng cách tự quất roi vào chính mình có cái hay của nó, nhưng dù sao cũng… Bố không đáng tin lắm trong vai của thánh Sébastien đâu, bố biết đấy…
– Được rồi, con không bỏ qua cho bố một điều gì cả. Con là con bé hay giễu cợt mà bố thích nhất. Chính vì lẽ đó mà bố buồn lòng nếu bị mất con.
Ai sẽ là người sẽ mắng mỏ bố nếu con sẽ không còn ở đó nữa?
– Chúng ta thỉnh thoảng sẽ ăn trưa cùng nhau…
– Con hứa với bố nhé?
– Vâng.
– Con nói thế nhưng rồi con sẽ không thực hiện, bố tin chắc vậy…
– Chúng ta sẽ ấn định một buổi, ngày thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng chẳng hạn…
– Vì sao lại là ngày thứ Sáu?
– Bởi vì con thích ăn cá! Bố sẽ đưa con đi ăn ở những nhà hàng ngon, đúng không?
– Những nhà hàng ngon nhất chứ!
– A! Con rất vui về điều đó… Nhưng còn lâu nữa…
– Lâu á?
– Vâng.
– …
– Được. Bố sẽ kiên nhẫn đợi. Tôi đảo một khúc củi.
– Quay lại chuyện về Suzanne… Cái kiểu cách quá quý bà như bố nói, bố chẳng góp phần gì vào đấy cả và cũng may là như vậy. Dẫu sao thì cũng có những thứ mà bà có thể nhận lấy mà không cần phải có con dấu của bố. Bố biết đấy, cũng giống như các sản phẩm của Anh thường khoe khoang khoác lác “by appointment to Her Majesty[3]”. Suzanne đã trờ thành con người hiện nay mà không cần đến “appointment” của bố. Bố hơi phiền nhiễu, nhưng bố dù sao cũng không phải là người có toàn quyền! Cái dáng vẻ kiểu bà hội trưởng hội từ thiện, hay chạy theo những đợt hàng hạ giá và những bản hướng dẫn nấu ăn, bà không cần đến bố để tự tạo cho mình. Đấy là bẩm sinh, như người ta nói. Bà đã có nó trong máu của mình, cái kiểu Tôi phê phán Tôi bình luận Tôi phân xử và Tôi tha thứ. Thật mệt mỏi, chí ít thì con, nó làm con kiệt sức, nhưng đó là mặt trái của sự thành công của bà, và Chúa mới biết là bà có thành công gì, phải không ạ?
– Ừ. Chúa chắc phải biết điều đó… Con có muốn uống gì không?
– Không, cám ơn.
– Một cốc nước thuốc sắc chăng?
– Không, không. Con thích từ từ ngủ say hơn…
– Được… thế thì bố sẽ để con yên.
– Pierre?
– Ừ.
– Con hết sức ngạc nhiên.
– Về cái gì?
– Tất cả những gì bố vừa mới kể cho con…
– Bố cũng thế.
– Thế còn Adrien?
– Adrien sao?
– Bố sẽ nói với anh ấy chứ?
– Bố sẽ nói gì với nó cơ?
– Thì… Tất cả chuyện này…
– Adrien đã đến gặp bố, con có tin nổi không.
– Khi nào ạ?
– Tuần trước và…Bố không nói chuyện với nó. Đúng ra là bố không nói với nó về bố, nhưng bố đã lắng nghe nó…
– Anh ấy nói gì với bố?
– Điều mà bố đã nói với con, điều mà bố đã biết trước… Rằng nó đang đau khổ, rằng nó không còn biết mình đang làm gì…
– Anh ấy đến để thổ lộ với bố á?!
– Ừ.
Tôi lại bật khóc.
– Con ngạc nhiên về điều đó à? Tôi lắc đầu.
– Con cảm thấy mình bị phản bội. Ngay cả bố. Bố… Con ghét như thế.
Con, con không làm như vậy với người khác, con…
– Bình tĩnh đi. Con lẫn lộn hết mọi chuyện rồi. Ai nói với con là phản bội? Phản bội ở chỗ nào? Nó đến mà không báo trước và ngay khi bố nhìn thấy nó, bố đã đề nghị nó đi ra ngoài với bố. Bố đã tắt điện thoại di động và cùng nó đi xuống bãi đậu xe. Vào đúng lúc bố bật công tắc xe lên thì nó nói với bố: “Con sẽ chia tay với Chlóe.” Bố đã không phản ứng. Hai bố con lên trên mặt đường. Bố không muốn đặt câu hỏi, bố đợi nó nói… Vẫn là cái vấn đề của sợi dây phải gỡ rối đó… Bố không muốn làm xáo trộn thêm. Bố không biết đi đâu. Thú thực với con là chính bố cũng hơi bị xúc động. Bố đã lái xe vào đại lộ Maréchaux và mở gạt tàn thuốc lá.
– Rồi sao nữa ạ? tôi nói thêm vào.
– Chẳng có gì cả. Nó đã có vợ. Nó có hai đứa con. Nó đã suy nghĩ. Nó cho rằng…
– Bố im đi, im đi…Con biết phần tiếp theo rồi. Tôi đứng lên túm lấy cuộn giấy ăn.
– Bố chắc phải tự hào lắm về anh ta đúng không? Điều anh ta làm thật tốt, không phải sao? Đấy, chí ít đó cũng là một thằng đàn ông! Một gã dũng cảm. Sự phục thù mà anh ta đang tặng cho bố đó mới đẹp đẽ làm sao! Một sự trả thù quá đẹp…
– Đừng có nói với cái giọng đó.
– Con dùng cái giọng mà con muốn và con sẽ nói thẳng với bố điều con đang nghĩ… Bố còn xấu xa hơn cả anh ta. Bố, bố đã bỏ lỡ hết mọi cơ hội. Vâng, dưới cái vẻ làm phách của bố, bố đã thất bại và bố sử dụng anh ta, những trò mua vui xác thịt của anh ta để tự an ủi mình. Con thấy chuyện này thật tệ hại. Cả hai người đều làm con lợm giọng.
– Con nói lung tung rồi. Con biết điều đó, phải không? Con biết là con đang nói lung tung chứ?
Ông nói với tôi rất dịu dàng.
– Nếu đó là chuyện mua vui xác thịt, như con nói, thì chúng ta đã chẳng đến mức này, con biết rõ mà…
– Chloé, con nói đi.
– Con đúng là đứa ngốc nhất trong những con ngốc…. Không. Lần này đừng có nói ngược lại với con. Đừng nói trái lại con, như vậy sẽ làm con cực kỳ vui sướng.
– Bố có thể thú nhận với con một điều không? Một lời tự thú rất khó khăn ấy?
– Bố nói đi, con giờ đến nước này thì…
– Bố cho rằng đó là một chuyện tốt.
– Cái gì là một chuyện tốt cơ?
– Chuyện đang xảy ra với con này…
– Là đứa ngốc nhất trong những con ngốc á?
– Không, mà là việc Adrien bỏ đi. Bố nghĩ là con xứng đáng được hơn thế này nhiều… Hơn cái sự vui vẻ hơi gắng gượng mà con có… Hơn là ngồi vuốt giũa móng tay trên tàu điện ngầm và mân mê cuốn lịch, hơn là những tập phim truyện ở quảng trường Firmin-Gédon, hơn là cái mà cả hai con đã trở thành. Điều bố vừa nói thật là chướng tai, đúng không? Hơn nữa, liên quan gì đến bố chứ, hả? Ừ, nghe chướng tai thật đấy, nhưng mặc kệ. Bố không thể giả vờ, bố quá quý mến con. Bố nghĩ rằng Adrien không xứng với con. Nó đã với cao khi sống với con. Đó là những điều bố nghĩ…
Chướng tai bởi vì nó là con trai của bố và bố lẽ ra không nên nói như vậy về nó…. Phải, bố biết thế. Nhưng giờ thì, bố là một lão già ngu ngốc và bố không cần đếm xỉa đến những lề thói. Bố nói với con điều ấy là vì bố tin tưởng ở con. Con… Con đã không được yêu nhiều đến thế đâu. Và nếu con mà cũng trung thực như bố ngay giây phút này đây của cuộc đời con, tất nhiên con chắc phải có vẻ bực tức, nhưng trong đầu con cũng nghĩ tương tự thôi…
– Bố nói lung tung.
– Đây rồi. Cái vẻ hơi tức tối của con…
– Bố bây giờ chuyển sang làm trong lĩnh vực phân tích tâm lý à?
– Chẳng lẽ con lại chưa bao giờ nghe thấy cái giọng từ sâu thẳm trong con thỉnh thoảng lại cắn xé con để nhắc con là con đã không được yêu nhiều đến thế?
– Chưa.
– Chưa á?
– Chưa.
– Được rồi. Thế thì chắc bố lầm…
Ông chống tay lên đầu gối đưa người ra phía trước.
– Bố thì bố nghĩ là có lẽ một ngày nào đó con phải lên thôi…
– Lên từ đâu?
– Từ tầng hầm thứ 3.
– Bố thật sự chuyện gì cũng hay cũng biết nhỉ?
– Không. Không phải mọi chuyện. Công việc của đứa loong toong trong tầng hầm của một viện bảo tàng thì là cái thá gì so với khả năng của con chứ? Chỉ làm mất thời gian thôi. Con làm gì ở đó chứ? Phô tô? Đổ khuôn? Con làm việc vặt. Công việc to tát quá nhỉ! Đến bao giờ chứ? Đến khi nghỉ hưu ư? Đừng có nói với bố là con hạnh phúc trong cái xó công chức đó.
– Không, không, tôi mỉa mai, con sẽ không nói với bố như vậy đâu, bố yên tâm.
– Bố, nếu bố là người yêu con, bố sẽ túm cổ con lôi lên trên chỗ có ánh sáng mặt trời. Con có cái gì đó trong tay và con biết điều đó. Hãy đảm nhận điều đó. Đảm nhận năng khiếu của con. Đảm nhận trách nhiệm này. Còn bố, bố sẽ đặt con xuống đâu đó và nói với con: “Bây giờ đến lượt cô. Đến lượt cô phải hành động, Chloé. Hãy cho mọi người thấy khả năng tiềm ẩn của cô.”
– Thế nếu con chẳng có tài cán gì thì sao?
– Thế thì, đấy sẽ là một dịp để biết điều đó. Và đừng có tự cắn môi nữa, con làm bố đau đấy.
– Tại sao bố có nhiều ý tưởng cho người khác đến thế nhưng lại có quá ít cho bản thân mình?
– Bố đã trả lời câu hỏi này rồi.
– Có chuyện gì thế?
– Con tin là đã nghe thấy tiếng Marion khóc…
– Bố không ngh…
– Suỵt…
– Ổn rồi, nó ngủ lại rồi.
Tôi vừa ngồi xuống vừa kéo chiếc chăn phủ lên người.
– Con có muốn bố đi xem thế nào không?
– Không, không. Chúng ta đợi thêm một chút đã.
– Thế con xứng đáng được cái gì, theo ngài, thưa ngài Tôi-biết-tuốt?
– Đuợc đối xử như là con xứng đáng được hưởng.
– Có nghĩa là?
– Như một nàng công chúa. Một nàng công chúa của Thời Hiện đại.
– Phùùuu… Vớ vẩn.
– Đúng, bố sẵn sàng nói bất kỳ điều gì. Bất kỳ điều gì nếu nó làm con mỉm cười… Mỉm cười với bố đi, Chloé.
– Bố điên rồi. Ông đứng dậy.
– À… Tuyệt! Bố thích vậy hơn. Con bắt đầu bớt nói những điều ngu ngốc rồi đấy… Ừ, bố bị điên, và con muốn là chính bố nói với con hả? Bố điên và bố đói! Bố dùng món tráng miệng gì được nhỉ?
– Bố xem trong tủ lạnh đấy. Có lẽ nên ăn nốt chỗ sữa chua của hai con bé…
– Ở đâu cơ?
– Tít phía bên dưới đấy.
– Mấy thứ màu hồng hả?
– Vâng.
– Không tồi.
Ông liếm cái thìa.
– Bố có nhìn thấy tên hiệu của nó không?
– Không.
– Bố nhìn đi, nó dành cho bố đấy.
– Những tên quỷ sứ… Ranh mãnh thật
*
* *
– Tốt hơn là chúng ta đi ngủ thôi, con không nghĩ thế à?
– Vâng.
– Con buồn ngủ không? Tôi than thở.
– Làm thế nào mà bố muốn con ngủ được với tất cả những điều mà chúng ta đã xới lên chứ? Con có cảm tưởng như đang khuấy cả một cái chảo to…
– Bố thì tháo rối cuộn dây của mình, con thì khuấy chảo của con.
Những hình ảnh mà chúng ta dùng thật ngộ quá…
– Bố, cậu học trò giỏi toán và con, mụ béo.
– Mụ béo á? Vớ vẩn. Công chúa của bố mà là một mụ béo… Ô là là!
Tối nay con nói biết bao nhiêu là điều bậy bạ.
– Bố tính nết khó chịu nhỉ?
– Rất.
– Vì sao?
– Bố không biết. Có lẽ là vì bố nói điều mình nghĩ. Việc làm này không phổ biến như ta tưởng… Bố không còn sợ người khác không yêu mến mình nữa.
– Thế còn con?
– Ồ con thì, con yêu quý bố, bố không lo!
– Pierre?
– Ừ.
– Chuyện gì đã xảy ra với Mathilde?
Ông nhìn tôi. Mở miệng ra và rồi khép lại. Vắt tréo chân rồi lại thả chân ra. Ông đứng dậy. Cời lửa và xới than. Cúi đầu và thì thầm:
– Không. Chẳng có gì cả. Đúng hơn là quá ít. Quá ít ngày, quá ít giờ… Thực tế gần như không có gì.
– Bố không muốn nói về chuyện đó hả?
– Bố không biết.
– Bố chưa bao giờ gặp lại cô ấy à?
– Có. Một lần. Cách đây vài năm. Trong khu vườn Palais-Royal…
– Rồi sao nữa ạ?
– Rồi không gì cả.
– Làm thế nào bố đã quen cô ấy?
– Con biết đấy… Nếu bố bắt đầu, bố không biết khi nào mới dừng lại…
– Con nói rồi, con không buồn ngủ.
Ông ngắm nghía bức vẽ của ông Paul. Không thốt nên lời.
– Đó là khi nào?
– Đó là… Bố gặp cô ấy lần đầu tiên vào ngày mồng 8 tháng Sáu năm 1978, lúc khoảng mười một giờ sáng giờ địa phương ở Hồng Kông. Cả hai đang ở tầng thứ ba mươi của toà tháp Hyatt trong văn phòng của ngài Singh, người đang cần đến bố để khoan đâu đó tại Đài Loan. Điều này làm con buồn cười à?
– Vâng, rất chính xác. Cô ấy làm việc cùng với bố à?
– Cô ấy là phiên dịch của bố.
– Tiếng Trung Quốc á?
– Không, tiếng Anh.
– Nhưng bố nói được tiếng Anh cơ mà?
– Không tốt. Không đủ tốt để xử lý loại công việc đó, nó cực kỳ tinh tế.
Ở cấp độ đó, không còn là ngôn ngữ nữa mà là một trò ảo thuật. Chỉ cần bỏ sót một lời ám chỉ thôi là con khó hiểu được phần tiếp theo rồi. Hơn nữa, bố không biết những thuật ngữ chính xác để dịch biệt ngữ kỹ thuật mà mọi người cần hôm đó và, trên hết, bố chưa bao giờ quen được với giọng của người Trung Quốc. Bố có cảm tưởng nghe thấy những tiếng “ting ting” ở cuối mỗi từ. Tất nhiên, bố đang nói về những từ mà họ không lẩm nhẩm ấy.
– Thế rồi sao?
– Lúc ấy bố rất hoang mang. Bố vẫn nghĩ mình sẽ làm việc với một ông già người Anh, một người tự cho là phiên dịch mà với ông ta Françoise đã làm duyên trên điện thoại, “Rồi ông sẽ thấy, đó là một quý ông thực thụ…”
Ấy thế mà, bố ở đó, dưới áp lực, bị chênh lệch giờ cả một đêm so với ở nhà, lo âu, co rúm, run rẩy như một chiếc lá, thế mà chẳng thấy một chút bóng dáng của gã người Anh nào hết. Đấy là một hợp đồng cực lớn, đủ để cho doanh nghiệp hoạt động trong vòng hơn hai năm liền. Bố không biết liệu con có thể hình dung nổi không…
– Chính xác thì bố bán cái gì nhỉ?
– Thùng.
– Thùng á?
– Ừ, nhưng đợi đã… Không phải là những chiếc thùng bình thường đâu, mà là…
– Thôi, thôi, con chẳng quan tâm! Bố tiếp tục đi!
– Rồi, bố đang nói với con, lúc ấy bố rất căng thẳng. Bố theo đuổi dự án này từ nhiều tháng trời, bố đã đầu tư vào đó những khoản vốn khổng lồ. Bố đã làm cho doanh nghiệp mang nợ và bố cũng trút hết vào đó số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi của mình. Giờ bố có thể lùi lại kế hoạch đóng cửa một nhà máy ở Nancy. Mười tám người tất cả. Bố bị mấy người anh trai của Suzanne chèn ép và bố biết họ đang chờ dịp để trả thù bố, họ sẽ không dễ dàng cho qua, mấy cái gã vô tích sự đó… Hơn nữa, bố lại đang bị tiêu chảy dữ dội.
Xin lỗi vì cách nói hơi thô thiển, nhưng bố… Nói ngắn gọn, bố bước vào văn phòng đó như thể người ta bước xuống sân đấu và khi bố hiểu ra là cả cuộc sống của bố lại nằm chính trong tay của… của… người phụ nữ đó, bố suýt ngất.
– Nhưng vì sao cơ?
– Con biết không, dầu khí là một môi trường làm việc rất trọng nam giới. Bây giờ thì cũng có thay đổi chút ít rồi, nhưng thời đó, ít khi thấy phụ nữ…
– Vả lại bố cũng thế…
– Bố làm sao?
– Bố cũng hơi trọng nam khinh nữ. Ông không nói không.
– Chờ chút, nhưng con hãy thử đặt mình vào vị trí của bố một giây xem! Bố đang chờ đợi bắt tay một ông già Anh điềm đạm, một gã thành thạo phong tục tập quán của các nước thuộc địa với bộ ria và trang phục nhàu nhĩ, thế mà giờ bố lại chào hỏi một người phụ nữ trẻ măng đồng thời liếc nhìn cái cổ áo hở vai của cô ta… Ồ, không, bố đảm bảo với con là đối với bố như vậy là hơi quá. Bố không cần điều đó… Đất dưới chân bố như nứt ra. Cô ấy giải thích với bố rằng Ông Magoo của cô ấy bị ốm, đã được đưa đi cấp cứu tối ngày hôm trước đó, và cô ấy siết rất mạnh tay bố để tiếp cho bố dũng khí.
Đúng ra thì đó là điều mà cô ấy nói với bố sau đó, cô ấy đã lắc tay bố như là rung cây mận vì thấy mặt bố hơi tái.
– Ông ấy tên là Ông Magoo thật à?
– Không. Bố nói đại thế thôi.
– Còn sau đó?
– Sau đó bố nói nhỏ vào tai cô ấy: “Nhưng cô có rành… Ý tôi muốn nói là các dữ liệu của vấn đề… Nó hơi chuyên biệt… Tôi không biết liệu người ta có báo trước cho cô không…” Và thế là, cô ấy đã tặng bố nụ cười tuyệt vời. Một dạng nụ cười tuyệt diệu như muốn nói: Này… Đừng có làm tôi rối trí thế cậu bé của tôi.
Bố bị chinh phục.
Bố cúi xuống cái cổ xinh xắn ấy. Cô ấy thơm quá. Cô ấy thơm tuyệt… Mọi thứ đều lẫn lộn trong đầu bố. Thật là một thảm họa. Cô ấy ngồi đối diện với bố, phía bên phải của một người Trung Quốc hoạt bát đang nắm vận mệnh của bố trong tay, nếu bố có thể nói như vậy. Cô ấy tựa cằm lên những ngón tay đang đan xen vào nhau và ném cho bố ánh mắt đầy tin tưởng để tiếp thêm cho bố dũng khí. Những nụ cười khoé môi ẩn chứa cái gì đó thật ác ý, dù bố đang hoàn toàn ngây ngất nhưng bố vẫn nhận ra được điều đó. Bố ngừng thở. Bố bắt tréo cánh tay trên cái bụng phệ của bố và cầu trời. Bố phó mặc cho cô ấy định đoạt. Bố sắp sống những giờ phút đẹp đẽ nhất của đời mình.
– Bố kể hay quá đi mất…
– Con chế giễu bố rồi.
– Không, không, không hề!
– Có đấy. Con chế nhạo. Bố ngừng đây.
– Không, xin bố đấy! Đừng làm thế. Rồi sau đó thì sao?
– Con đã làm bố mất hứng.
– Con sẽ không nói gì nữa.
– …
– Thế còn sau đó?
– Sau đó gì?
– Sau đó, với lão người Hoa, chuyện xảy ra như thế nào?
– Bố mỉm cười. Vì sao bố cười? Kể cho con nghe đi!
– Bố cười vì chuyện thật lạ thường… Vì cô ấy thật lạ thường… Vì tình huống đó hoàn toàn lạ thường…
– Đừng có cười một mình nữa! Hãy kể cho con nghe đi! Kể đi, Pierre!
– Ờ thì… Đầu tiên, cô ấy lấy trong túi ra một cái bao, một cái bao nhỏ bằng nhựa giả da cá sấu. Cô ấy làm một cách rất trang nghiêm. Sau đó, cô ấy đặt lên mũi mình một cặp kính tròn. Con biết đấy, cái loại mắt kính nhỏ trông rất nghiêm khắc với cái gọng bằng sắt tây ấy. Kính của những bà giáo nghỉ hưu ấy mà. Và từ lúc đó, khuôn mặt của cô ấy nghiêm lại. Cô ấy không nhìn bố như trước nữa. Cô ấy không nao núng hay e thẹn trước cái nhìn của bố và chờ đợi bố đọc bài.
Bố nói, cô ấy dịch. Bố bị hớp hồn vì cô ấy bắt đầu dịch trước cả khi bố kết thúc câu. Bố không biết làm thế nào mà cô ấy có thể làm được việc phi thường ấy. Cô ấy nghe và nhắc lại gần như toàn bộ cùng một lúc. Đó chính là dịch song song. Mê ly… thật sự mê ly… Ban đầu, bố nói chậm rãi và sau đó càng ngày càng nhanh. Bố tin là mình đã thử thúc bách cô ấy một chút.
Cô ấy không hề bị dao động. Ngược lại, cô ấy còn vui thú kết thúc các câu của bố trước cả bố nữa. Mới thế thôi cô ấy đã làm cho bố thấy mình là người dễ bị đoán trước đến mức nào…
Sau đó, cô ấy đứng lên để dịch những đồ thị trên một cái bảng. Bố nhân cơ hội ngắm đôi chân cô ấy. Cô ấy có cái vẻ hơi lỗi thời, lỗi mốt, hoàn toàn không hợp thời đại. Cô ấy mặc một chiếc váy ngắn Scotland trùm đến tận đầu gối, một cái áo twin-set[4] màu xanh đậm… Tại sao con lại cười?
– Là bởi vì bố nói từ “twin-set” ấy mà. Nó làm con buồn cười.
– Thôi đi nào! Bố không thấy cái gì đáng buồn cười cả! Thế con muốn bố phải nói cái gì nào?
– Không, không gì cả…
– Con đúng là ngớ ngẩn…
– Con ngậm miệng đây, ngậm đây.
– Ngay cả cái áo lót của cô ấy cũng lỗi thời… Cô ấy có bộ ngực tròn trịa của những cô gái thời bố còn trẻ. Cặp vú xinh xắn, không quá to, nằm hơi xa nhau, nhọn… Tóm lại là tròn trịa. Rồi bố cũng bị thôi miên bởi cái bụng của cô ấy. Cái bụng nhỏ bầu bĩnh, tròn tròn như bụng chim đó. Cái bụng nhỏ đáng yêu làm biến dạng những ô kẻ của chiếc váy ấy, bố thấy nó… đã ở trong tay mình rồi… Bố đang tìm cách ngó qua đôi chân cô ấy thì nhìn thấy sự bối rối của cô ấy. Cô ấy im bặt. Mặt đỏ lựng. Trán, má, cổ đều đỏ.
Đỏ nhừ như một con tôm luộc. Cô ấy nhìn bố vẻ mặt hốt hoảng. “Chuyện gì xảy ra thế? bố hỏi.
– Ông… Ông không hiểu điều ông ta đã nói à?
– Kh…Không. Ông ấy nói gì?
– Ông không hiểu hay là ông không nghe thấy?
– Tôi… Tôi không biết… Tôi không nghe, chắc vậy…”
Cô ấy nhìn xuống đất. Cô ấy xúc động. Bố tưởng tượng điều tồi tệ nhất, tai hoạ, lời nói hớ, sai lầm lớn… đã xảy ra và bố bị phá sản trong lúc cô ấy thắt lại dây buộc tóc.
“Chuyện gì thế? Có vấn đề gì sao?”
Gã người Trung Quốc cười, nói với cô ấy điều gì đó mà bố vẫn không hiểu. Bố hoàn toàn bị mất phương hướng. Bố chẳng hiểu gì cả. Bố bị xem như một thằng ngốc, đúng thế!
“Nhưng ông ấy nói gì thế? Cô nói cho tôi biết ông ấy đã nói gì đi!!” Cô ấy lúng túng.
“Hỏng cả rồi, phải không?
– Không, không, tôi không tin là thế…
– Thế thì là cái gì?
– Ông Singh đang tự hỏi liệu có phải là một ý hay khi bàn bạc một vụ kinh doanh lớn như vậy với ông hôm nay hay không…
– Nhưng tại sao? Có chuyện gì không ổn ư?”
Bố quay sang phía ông ta để làm ông ta yên lòng. Bố gật gật đầu và thử nở một nụ cười kiểu French manager để chinh phục ông ta… Trông bố hẳn phải nực cười lắm… Thế mà lão béo ấy vẫn tiếp tục cười… Lão ta hài lòng về mình đến mức người ta chẳng còn nhìn rõ nổi mắt lão ta nữa.
“Tôi đã nói gì ngớ ngẩn sao?
– Không.
– Thế còn cô?
– Tôi á? Không có! Tôi chỉ làm mỗi một việc là nhắc lại lời nói khó hiểu của ông thôi mà.
– Thế thì là cái gì?!
Bố cảm thấy những giọt mồ hôi lớn đang nhỏ giọt dưới nách mình. Cô ấy cười. Có vẻ hơi căng thẳng.
“Ông Singh nói là ông không tập trung.
– Có chứ, tôi có tập trung! Tôi rất tập trung! I am very concentrated!
– No, no, ông ta lắc đầu đáp lại.
– Ông Singh nói là ông không tập trung bởi vì ông đang phải lòng và ông ấy không muốn bàn chuyện làm ăn với một người Pháp đang yêu. Ông ấy nói như vậy quá nguy hiểm.”
Giờ thì chính bố lại trở nên đỏ lựng.
“Không, không…No, no! Ổn cả mà. I am fine, I mean I am calm… I… I…”
Và quay về phía cô ấy:
“Hãy nói với ông ấy rằng không đúng như vậy. Rằng không có gì.
Rằng mọi chuyện đều ổn với tôi. Hãy nói với ông ấy là …I am okay. Yes, yes, I’m okay.”
Bố bị khích động.
Cô ấy đã lấy lại nụ cười lúc đầu. “Thế không đúng vậy sao?
Mình sa vào cái ổ rối rắm nào thế này không biết?
“Không, à mà có, à mà không, rốt cuộc đó không phải là vấn đề… Tôi muốn nói đó không phải là một vấn đề… Tôi… There is NO problem. I am fine!”
Bố tin rằng họ đều đang giỡn mặt bố. Lão béo Singh, các bộ hạ của lão ta và cô gái đó.
Cô ấy cũng chẳng tìm cách an ủi bố: “Đúng vậy hay là không đúng?”
Quả là một cô nàng ghê gớm. Có phải là lúc thích hợp không? “Không đúng, bố nói dối.
– À, ra thế! Ông làm tôi sợ quá…” Thật ghê gớm, bố lại nghĩ.
Cô ấy vừa tống cho mình một cú nốc ao.
– Rồi sau đó?
– Sau đó, công việc lại tiếp tục. Rất chuyên nghiệp. Như thể không có gì xảy ra. Bố ướt đẫm mồ hôi. Bố có cảm tưởng như vừa nắm một dòng điện 220V trong tay và cảm thấy khó chịu. Bố không nhìn cô ấy nữa. Bố không còn muốn nhìn cô ấy. Bố không còn muốn cô ấy tồn tại nữa. bố không thể quay về phía cô ấy nữa. Bố muốn cô ấy biến vào một cái xó nào đấy và bố biến mất theo cô ấy. Và càng không để ý đến cô ấy, bố lại càng phải lòng cô ấy. Nó chính là điều lúc nãy bố nói với con, giống như một căn bệnh vậy.
Con biết nó diễn ra thế nào rồi đấy… Con hắt xì. Một lần. Hai lần. Con rùng mình và thế là xong. Đã quá muộn. Điều tồi tệ đã đến. Ở đây cũng y như vậy: bố bị tóm, bố coi như tiêu luôn. Chẳng còn hy vọng gì được nữa và khi cô ấy dịch cho bố những lời của ông Singh thì bố cắm đầu xuống mớ tài liệu của mình. Cô ấy chắc hẳn sẽ cảm thấy rất vui thú. Nỗi đau khổ này đã kéo dài gần ba tiếng đồng hồ… Con làm sao vây? Con lạnh à?
– Một chút thôi ạ, nhưng không sao, không sao… Bố tiếp tục đi.
Chuyện gì đã xảy ra sau đó?
Ông cúi xuống giúp tôi kéo chăn lên.
– Sau đó, chẳng có gì cả. Sau đó… Bố vừa nói với con đấy thôi, bố vừa mới sống những giờ phút tốt đẹp nhất… Sau đó bố… Sau đó chuyện trở nên buồn hơn.
– Nhưng đâu có ngay lập tức?
– Không. Không phải ngay sau đó. Có một chút… Nhưng tất cả khoảng thời gian mà bố và cô ấy cùng nhau chia sẻ sau buổi làm việc đó, đều giống như thể bố đánh cắp chúng vậy…
– Đánh cắp của ai?
– Của ai ư? Của cái gì ư? Giá mà bố biết được điều đó…
Sau đó, bố thu xếp giấy tờ và đóng nắp bút lại. Bố đứng lên, bắt tay những tên đao phủ của mình và rời căn phòng đó. Và trong thang máy, khi các cánh cửa đã đóng lại, bố thật sự có cảm giác đang rơi vào một cái hố. Bố mệt phờ, trống rỗng, kiệt sức và sắp khóc. Do căng thẳng thần kinh, bố nghĩ vậy… Bố cảm thấy mình quá khốn khổ, quá cô đơn… Đặc biệt là quá cô đơn. Bố quay trở lại căn phòng khách sạn, kêu một ly whisky và chuẩn bị nước cho bồn tắm. Thậm chí tên cô ấy bố cũng không biết. Bố chẳng biết chút gì về cô ấy cả. Bố liệt kê những thứ bố biết: cô ấy nói tiếng Anh đặc biệt tốt. Cô ấy thông minh… Rất thông minh… Quá thông minh chăng?
Kiến thức kỹ thuật, khoa học và luyện kim làm bố bàng hoàng. Tóc cô ấy màu nâu. Cô ấy rất xinh. Có lẽ cao khoảng… bao nhiêu nhỉ… có lẽ là 1,66 mét… Cô ấy chế giễu bố. Cô ấy không đeo nhẫn cưới và cho thấy một cái bụng xinh xắn nhất trong mọi cái bụng. Cô ấy.. Gì nữa nhỉ? Nước bồn tắm nguội đến đâu bố lại mất hy vọng đến đấy.
Buổi tối, bố đi ăn với mấy gã làm việc ở Comex. Bố chẳng ăn gì hết.
Bố gật đầu. Bố chẳng biết mình trả lời có hay không. Cô ấy ám ảnh bố.
Cô ấy ám ảnh bố, con hiểu không?
Ông quỳ gối trước lò sưởi và chậm rãi thổi lửa.
– Khi bố quay trở lại khách sạn, cô tiếp tân đưa cho bố một mẩu tin nhắn kèm theo chìa khoá phòng. Một dòng chữ nhỏ hỏi bố:
“Không đúng thế sao?”
Cô ấy đang ngồi ở quầy rượu nhìn bố mỉm cười. Bố vừa tiến lại gần vừa đánh nhè nhẹ lên ngực.
Bố vỗ vỗ cái quả tim tội nghiệp bị rối loạn của bố để nó đập trở lại. Bố quá hạnh phúc. Bố đã không mất cô ấy. Vẫn chưa.
Quá hạnh phúc và ngạc nhiên cũng bởi vì cô ấy thay đổi trang phục.
Hiện giờ, cô ấy mặc một chiếc quần bò cũ và một chiếc áo phông kỳ dị. “Cô đã thay quần áo rồi à?”
– Ờ… Vâng.
– Nhưng tại sao?
– Lúc nãy khi ông nhìn thấy tôi, tôi đang cải trang đấy. Tôi ăn mặc như thế khi tôi làm việc với những người Trung Quốc cổ hủ. Tôi đã nhận ra rằng họ thích vậy, kiểu old-fashione[5], nó làm cho họ yên tâm… Tôi không biết… Họ tin tưởng hơn… Tôi cải trang thành một cô gái già và thế là tôi trở nên vô hại.
– Nhưng cô khi đó không hề có vẻ của một cô gái già, tôi đảm bảo đấy!
Cô… Cô trông rất hay… Cô… Tôi….Tóm lại, tôi thấy thật đáng tiếc…
– Vì tôi đã thay trang phục á?
– Vâng.
– Cả ông cũng thế, ông cũng thích là tôi vô hại hơn nữa à?” Cô ấy cười. Bố tan chảy ra.
“Tôi không hề tin là cô bây giờ lại ít nguy hiểm hơn khi cô ở trong chiếc váy ngắn màu xanh đâu. Tôi không hề tin chút nào cả, không hề, không hề.”
“Chúng tôi đã kêu mấy cốc bia Trung Quốc. Cô ấy tên là Mathilde, ba mươi tuổi và nếu cô ấy làm bố ngạc nhiên thì đấy là bởi vì cô ấy chẳng có tài cán gì cả: bố và hai anh trai của cô ấy làm việc cho công ty Shell. Cô ấy thuộc nằm lòng tất cả những thuật ngữ đó. Cô ấy đã từng sống tại tất cả các quốc gia dầu khí của thế giới, lui tới hàng chục ngôi trường và học hàng vạn từ nói tục trong tất cả các ngôn ngữ. Cô ấy không thể nói chính xác mình sống ở đâu. Cô ấy chẳng sở hữu gì hết. Chỉ toàn là kỉ niệm. Toàn là bạn bè.
Cô ấy yêu thích công việc của mình. Dịch những ý nghĩ và tung hứng với các câu từ. Hiện tại cô ấy ở Hồng Kông bởi vì chỉ cần chìa tay ra là kiếm được việc rồi. Cô ấy thích thành phố này, nơi mà các toà nhà chọc trời mọc lên chỉ trong vòng một đêm và nơi người ta có thể ăn tối trong một cái quán ăn lụp xụp mà chỉ cần bước thêm năm chục mét. Cô ấy thích sự năng động của thành phố này. Cô ấy đã từng sống vài năm tại Pháp khi còn nhỏ và thỉnh thoảng quay lại đó thăm những người anh em họ. Một ngày nào đó, cô ấy sẽ mua một căn hộ ở đấy. Bất kỳ căn nào, bất kỳ ở đâu. Chỉ cần nó có bò và lò sưởi. Trong khi nói như vậy, cô ấy cười, cô ấy sợ bò! Cô ấy lấy thuốc lá của bố và trả lời mọi câu hỏi của bố bắt đầu bằng việc ngước mắt lên trời. Cô ấy hỏi bố vài câu nhưng bố gạt đi, bố muốn nghe cô ấy nói, cô ấy cơ, bố muốn nghe âm thanh giọng nói của cô ấy, cái giọng nói nhỏ nhẹ, những câu thành ngữ không chắc chắn hoặc lỗi thời của cô ấy. Bố không bỏ sót một chi tiết nào cả. Bố muốn đắm mình vào cô ấy, vào khuôn mặt của cô ấy. Chưa gì bố đã mê cái cổ, đôi bàn tay, cái mũi đáng yêu, những nốt ruồi, quầng mắt, đôi mắt nghiêm trang của cô ấy… Bố hoàn toàn lú lẫn. Con lại cười nữa à?
– Con chẳng nhận ra bố…
– Con còn lạnh không?
– Không, được rồi ạ.
– Cô ấy mê hoặc bố… Bố mong muốn sao cho thế giới ngừng quay.
Cho đêm này không bao giờ kết thúc. Bố không muốn rời cô ấy nữa. Không bao giờ. Bố muốn ngồi ườn trong cái ghế đó và nghe cô ấy kể về cuộc sống của cô ấy mãi mãi. Bố muốn điều không thể. Dù không hay biết, nhưng như vậy bố đã mở đầu nội dung câu chuyện của hai người… những giờ phút ngừng trôi, hư ảo, không thể giữ lại, không thể ngăn chặn. Mà cũng không thể tận hưởng. Và rồi cô ấy đứng dậy. Ngày hôm sau cô ấy đi làm sớm. Vẫn là cho công ty Singh and Co. Cô ấy rất quý cái lão cáo già đó, nhưng cô cần phải đi ngủ thôi bởi vì ông ta rất kinh khủng! Bố đứng dậy cùng một lúc với cô ấy. Tim bố lại bỏ bố một lần nữa. Bố sợ mất cô ấy. Bố nói lúng búng trong khi cô ấy mặc áo vét.
“Xin lỗi, tôi không nghe rõ?
– Tôiợất cô.
– Ông nói gì cơ?
– Tôi nói là tôi sợ mất cô.”
“Cô ấy mỉm cười. Không nói gì cả. Cô ấy cười và xoay nhẹ người từ trước ra sau tay nắm chặt cổ áo vét của mình. Bố đã hôn cô ấy. Miệng cô ấy vẫn khép. Bố hôn nụ cười của cô ấy. Cô ấy lắc đầu và nhẹ nhàng đẩy bố ra.
Bố suýt té ngửa.
Chú thích:
[3] Tiếng Anh trong nguyên bản, tam dịch: “Theo chỉ định của Nữ hoàng.”
[4] Bộ đôi áo gồm áo dây và áo khoác nhẹ.
[5] Tiếng Anh trong nguyên bản: “Thời trang cổ điển.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.