Cá voi và hồ nước

Chương 08 phần 2



“Cuối cùng cũng đến lượt tớ được nói ‘đừng hả nữa’ rồi.”

Tôi còn đang nghĩ ngợi xem ý tứ của Lại Đức Nhân là thế nào, cậu ta đã giục tôi ra ngoài. Đưa mắt liếc đồng hồ, cũng sắp 6 giờ rồi, đó là thời gian tôi và Người đẹp số 6 đã hẹn nhau từ trước.

Tôi vội vàng mặc áo mưa rời khỏi ký túc, phóng xe máy đến dưới chân nhà nàng.

Dọc đường mưa rất to, nhưng gió thì không mạnh như đã tưởng.

“Tú Cầu.”

“Ừ, Người đẹp số 6.”

“Đi hóng gió trước nhé.”

“Ừ.”

Người đẹp số 6 mở ô, tôi mặc áo mưa, đi từ dưới chân nhà nàng ra đầu ngõ, rồi lại từ đầu ngõ đi vòng lại dưới chân nhà nàng.

“Có thể đi ăn được rồi,” nàng nói.

“Người đẹp số 6.”

“Ừ. Tú Cầu.”

“Bọn mình thế này có phải bệnh nặng lắm rồi không?”

“Bệnh nặng lắm rồi?”

“Ngày bão ra ngoài đi hóng gió, rồi kiếm nhà hàng ăn tối,” tôi nói. “Hơn nữa trình tự còn có thể đảo ngược lại nữa.”

“Có lẽ thế,” nàng cười cười, “ai bảo hồi bé bọn mình đều chẳng hiểu sao lại sợ cái nồi.”

“Tìm quán nào gần gần đây thôi nhé,” tôi nói, “Chỉ cần là quán ở quanh quanh đây, hơn nữa đi vài bước là tới, vậy thì ngày bão ra ngoài kiếm quán ăn tối sẽ an toàn hơn nhiều.”

“Ừ.”

“Còn đi hóng gió thì…” tôi nghĩ ngợi giây lát, “hóng gió thế nào mới an toàn nhỉ?”

“Vừa nãy không phải mình vừa biểu diễn rồi đấy sao?”

“Bạn biểu diễn rồi?”

“Đi từ đây ra đầu ngõ, rồi vòng từ đầu ngõ về đây.” Nàng cười cười. “Đó chính là cách hóng gió an toàn nhất.”

“Đúng thế.” Tôi vỗ vỗ trán. “Đúng là như thế.”

“Tú Cầu.”

“Ừ. Người đẹp số 6.”

“Bệnh tình của chúng ta có lẽ rất nhẹ thôi, không khéo đã khỏi rồi ấy chứ.”

“Đúng thế.”

“Người đẹp số 6.”

“Ừ. Tú Cầu.”

“Bạn có thể sống lâu trăm tuổi rồi.”

“Đúng thế.”

Khu quanh đây là địa bàn của Người đẹp số 6, nàng dẫn tôi đến một quán ăn nhỏ, đi bộ chỉ mất năm phút. Quán này tuy nhỏ, nhưng có hai tầng, vừa vào đã ngửi thấy mùi cà phê nồng nàn.

Chúng tôi ngồi sát cửa sổ tầng hai, mưa hắt vào cửa sổ tụ lại thành mấy dòng nước chảy dọc theo ô kính.

Tuy rằng không nghe thấy tiếng gió, nhưng vẫn có thể cảm nhận được những chấn động rất nhỏ của ô kính.

Người đẹp số 6 nói món lườn gà rán hương thảo ở đây rất ngon, hai chúng tôi bèn chọn luôn món đó.

“Còn hai tuần nữa là phải thi cuối kỳ rồi,” nàng nói.

“Vậy mình có nên bắt đầu ôn bài chuẩn bị thi cử không nhỉ?” tôi hỏi.

“Bạn làm gì mà căng thẳng vậy?” Nàng cười cười. “Chỉ nói chuyện thôi mà.”

“May quá.” Tôi cũng cười theo. “Sau đó thì sao?”

“Thi cuối kỳ xong, là kết thúc năm học thứ ba. Sau đó là lên năm thứ tư rồi.”

“Ừ. Sau đó là hết năm thứ tư, rồi tốt nghiệp.”

“Đúng thế.” Nàng bật cười.

“Tú Cầu.”

“Ừ. Người đẹp số 6.”

“Tốt nghiệp xong bạn có dự định gì?”

“Mình muốn thi nghiên cứu sinh,” tôi nói.

“Vậy phải cố lên nhé, hy vọng bạn thi đậu.”

“Cảm ơn,” tôi nói. “Thực ra trước đây mình cũng không nghĩ đến việc thi nghiên cứu sinh

“Hả?” Nàng có vẻ rất tò mò. “Vậy tại sao giờ lại muốn thi thế?”

“Vì bạn đấy.”

“Mình?”

“Vì bạn khiến mình muốn trở thành một người tốt hơn.”

“Bạn đã tốt lắm rồi mà.”

“Vẫn chưa đủ. Mình nhất định phải tốt hơn nữa,” tôi nói. “Mình chỉ là sinh viên, trước mắt mới chỉ nghĩ được rằng có lẽ thi nghiên cứu sinh có thể khiến bản thân trở nên tốt hơn thôi.”

“Ừ. Nàng gật gật đầu, nhoẻn miệng cười.

“Còn bạn?” tôi hỏi. “Tốt nghiệp xong có dự định gì?”

“Mình chắc có lẽ cũng thi nghiên cứu sinh.”

“Bạn không nên làm ra chuyện lẽ trời khó dung ấy chứ.”

“Lẽ trời khó dung?”

“Bạn xinh đẹp như vậy, tính tình lại tốt, tâm địa thiện lương lại chính trực thẳng thắn, nếu còn thi đỗ nghiên cứu sinh nữa, thế chẳng phải là lẽ trời cũng khó dung sao.”

“Thì ra bạn đang giễu mình

“Tại sao mình lại khiến bạn muốn trở thành người tốt hơn?”

“Vì ăn no quá, vì con còn bé, vì trời đẹp ánh nắng chan hòa…”

“Không được dùng lời của em ấy búa xua cho qua chuyện.” Nàng bật cười khúc khích.

“Ừm,” tôi nói, “vì mình muốn trở nên lớn hơn, sâu hơn, giống như biển vậy.”

“Tại sao bạn lại muốn giống biển?”

“Vì trong lòng mình, bạn rất to lớn, giống như cá voi ấy.”

Người đẹp số 6 khẽ “ừ” một tiếng, không nói thêm gì nữa, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt nhiều ẩn ý.

Không biết Người đẹp số 6 có hiểu được ý tôi không, nhưng thực ra tôi cũng không để ý cho lắm.

Tâm trạng này đến chính bản thân tôi cũng cảm thấy thực khó mà hiểu nổi.

Tôi chỉ biết, cần phải nỗ lực để lớn hơn, sâu hơn, biến thành biển lớn.

Vì vậy, cơn bão vừa đi qua, tôi liền lập tức đóng cửa chuẩn bị ôn thi cuối kỳ.

“Hồ tiên sinh, sớm vậy đã bắt đầu chuẩn bị ôn thi cuối kỳ rồi à?” Lại Đức Nhân hỏi.

“Hồ tiên sinh?”

“Cậu chẳng bảo cậu là hồ nước còn gì?”

“Câm miệng. Cấm không được nói gì nữa.”

Nếu biển lớn có thể mang đi hết ưu sầu, như mang đi những dòng sông nhỏ. Tất cả các vết thương, tất cả nước mắt đã rơi, tình yêu của tôi, xim hãy mang đi hết…” Lại Đức Nhân hát lên ông ổng.

“Ê,” tôi quay đầu lại, “hát cũng không được.”

“Đây là ca khúc chủ đề của cậu mà, Biển lớn của Trương Vũ Sinh.” Lại Đức Nhân cười khì khì. “Cậu hát mấy lượt nữa là biến thành biển lớn rồi, không cần phải vất vả ôn thi cuối kỳ làm gì cho mệt.”

Tôi bèn quyết định bịt luôn tai lại, mặc xác cậu ta.

Thi cuối kỳ xong là hơn hai tháng nghỉ hè.

Tôi chỉ thi thoảng về nhà mấy hôm, thời gian còn lại dự định ở lại Đài Loan cả kỳ nghỉ này, nghiêm túc chuẩn bị cho kỳ thi nghiên cứu sinh. Ngoài ra, mỗi tuần tôi còn đến lớp học thêm một buổi, bổ túc một môn thi.

Người đẹp số 6 cũng có kế hoạch thực hiện chuyên đề của sinh viên chuyên ngành trong các trường thuộc hội Khoa học Quốc gia, nên mùa hè này cũng ở lại Đài Nam. “Vả lại mình cũng muốn đọc thêm một ít sách,” nàng cười cười nói, “Đài Bắc nhiều thứ dụ dỗ quá.”

Tháng Năm nóng, tháng Sáu rất nóng, tháng Bảy, tháng Tám thì nóng đến mức chẳng muốn nói đến nữa.

Suốt kỳ nghỉ hè, ngày nào cũng nóng đến không chịu nổi, vì vậy tôi thường hay đến thư viện đọc sách. Đó là nơi duy nhất có điều hòa miễn phí, mà lại còn yên tĩnh nữa.

Có lần, tôi vừa khéo gặp Người đẹp số 6 ở cầu thang từ tầng hai lên tầng ba trong thư viện.

Vì cầu thang chỉ có một bên tay vịn, nàng men theo tay vịn đi xuống, tôi lại men theo tay vịn đi lên, hai chúng tôi suýt nữa thì va vào nhau ở chỗ qu

“Tú Cầu.”

“Ừ. Người đẹp số 6.”

“Bạn đến đây đọc sách à?”

“Ừ.” Tôi nói, “bạn cũng vậy à?”

“Ừ.”

“Cùng chung chí hướng.” Tôi gật gật đầu.

“Dự cảm kỳ lạ của mình lại xuất hiện rồi.”

“Thật sao?”

“Ừ,” nàng chỉ vào tôi, “nhất định bạn đến vì điều hòa miễn phí.”

“Đấy là suy luận mà.” Tôi cười cười. “Nhưng bạn đoán đúng rồi đấy.”

“Cùng chung chí hướng.” Nàng cũng bật cười khúc khích.

Đều cùng chung chí hướng cả, nên cũng khó tránh việc quyến luyến lẫn nhau, vậy là chúng tôi thường hẹn nhau cũng đến thư viện đọc sách. Chúng tôi hay ngồi chung một cái bàn dài, nhưng gần như không nói chuyện gì, cùng lắm chỉ trao đổi một nụ cười khi ánh mắt chạm nhau.

Những lúc ấy, chỉ có tiếng giở sách, tiếng đầu bút lướt qua trên giấy, tiếng lạo xạo khi cánh tay ma sát vào mặt bàn.

Có khi Người đẹp số 6 mệt, sẽ nhoài người lên bàn nghỉ ngơi, mặt gối lên cánh tay.

Tôi sẽ dừng giở sách, đặt bút xuống, hai tay rời khỏi mặt bàn, lặng lẽ ngắm nhìn nàng cho tới khi nàng nhỏm dậy.

“Tú Cầu.” Giọng nàng nghe rất nhẹ.

“Ừ. Người đẹp số 6.” Tôi cũng hạ thấp âm lượng xuống.

“Mình muốn đi ngắm biển.”

“Hả?” tôi khẽ nói. “Thời gian này ra biển nóng lắm đấy.”

“Có sao đâu, đằng nào cũng là mùa hè mà.” Nàng nhoẻn miệng cười tươi.

Thu dọn sách vở rời thư viện, tôi phóng xe chở nàng ra bờ biển Hoàng Kim, mất hai lăm phút.

Mới 4 giờ chiều, bờ biển gần như không một bóng người, chỉ có gió biển thổi phần phật.

Chúng tôi ngồi trên con đê chắn sóng dài, gió biển tuy mạnh, nhưng nắng cũng rất to.

“Ra bãi cát dạo đi,” nàng nói.

“Cát nóng lắm đấy.”

“Có sao đâu, đằng nào cũng là mùa hè mà.”

“Sạo bạn lại nói câu ấy nữa?”

“Trong phim truyền hình Nhật toàn nói vậy,” nàng đáp. “Dạo này mình hay xem phim Nhật lắm.”

“Người đẹp số 6.”

“Ừ. Tú Cầu.”

“Bạn vĩ đại quá.”

“Lại nói nhảm rồi.” Nàng nhảy xuống, hai chân giẫm lên bãi cát. “Đi thôi.

Chúng tôi cởi bỏ giầy tất, đi ra chỗ giáp ranh mặt nước biển, rồi dạo men theo đó.

“Tại sao đột nhiên muốn ngắm biển thế?” tôi hỏi.

“Vì mình muốn biết tại sao bạn lại mong muốn giống như biển lớn.”

“Thực ra chỉ vì mình cảm thấy bạn giống cá voi thôi.”

“Nếu mình là chú chim nhỏ thì sao?”

“Vậy mình sẽ ước mong thành bầu trời.”

“Nếu mình là đom đóm?”

“Mình sẽ ước mong trở thành đồng cỏ xanh tươi không bị ô nhiễm.”

“Mình hiểu rồi,” nàng nói, “vì mình là cá voi, nên bạn muốn trở thành biển lớn.”

“Đại khái là như vậy đấy.”

“Tú Cầu.”

“Ừ. Người đẹp số 6.”

“Bạn đã là biển lớn rồi.”

“Hả?”

Tôi đang định hỏi nàng tại sao, thì Người đẹp số 6 đã đột nhiên rảo bước chạy nhanh ra phía biển.

“Tú Cầu!” hai tay nàng bắc loa quanh miệng, mặt hướng về phía biển thét lớn.

Tôi lấy làm thắc mắc, nên đáp lại thế nào.

“Mình vừa gọi bạn đó.” Người đẹp số 6 quay đầu lại tươi cười.

“Nhưng mình đứng đây kia mà.”

“Không,” tay phải nàng chỉ ra phía biển, “bạn ở đó cơ.”

Vầng dương chiếu xeo xéo trên mặt biển, toàn thân Người đẹp số 6 phủ trùm trong ánh vàng kim rực rỡ. Dù là ngày hay đêm, lúc nào nàng cũng sáng lấp lánh như thế.

Người đẹp số 6, vì em là cái voi, vì vậy anh nhất định phải cố gắng trở thành biển lớn.

Anh nhất định sẽ rất cố gắng.

Cũng gần 5 giờ, trên bãi cát bắt đầu thấy có người xuất hiện.

Tôi và Người đẹp số 6 trông thấy một cô bé khoảng bảy tuổi đang một mình ngồi nghịch cát, bên cạnh có mấy cái bát đĩa bằng nhựa, cô bé múc một ít cát vào bát, rồi lấy tay ngoáy ngoáy giống như đang làm cơm, cái miệng nhỏ xinh không ngừng lẩm bẩm gì đó.

Chắc cô bé này đang chơi đồ hàng.

Người đẹp số 6 nói cô bé ấy rất giống nàng hồi nhỏ, thích ngồi một mình trên bãi cát chơi đồ hàng.

“Em ơi,” Người đẹp số 6 hỏi, “đang nấu món gì à?”

“Đang nấu cơm hay nấu mì vậy?” tôi cũng nói. “Có vẻ ngon đấy nhỉ?”

“Hai anh chị không thấy à?” Cô bé ngẩng đầu lên, vẻ mặt hết sức nghiêm túc, nói: “Em đang nấu cát.”

Tôi và Người đẹp số 6 ngớ mặt ra nhìn nhau, sau đó giả bộ như không có chuyện gì từ từ rời khỏi hiện trường.

Tôi còn ngoảnh đầu lại nói: “Làm phiền rồi, em tiếp tục nấu đi nhé.”

“Vừa nãy ai bảo cô bé ấy giống mình thế nhỉ?” tôi nói.

“Là mình.” Người đẹp số 6 bật cười khúc khích.

“Có lẽ cô bé ấy tương lai cũng trở thành cá voi đấy.”

“Vậy sao?”

“Ừ,” tôi nói, “chắc là sẽ thành cá voi sát nhân, mà còn rất vô độ nữa ấy chứ.”

Người đẹp số 6 lại phì cười.

Chúng tôi trở lại chỗ đê chắn sóng, lấy nước sạch rửa hết cát dính ở chân, sau đó đi giày vào.

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, bãi cát bắt đầu đông người.

Lúc này tôi mới sực nhớ ra, Người đẹp số 6 xưa nay không thích chỗ nào quá đông người, vì vậy mới chọn lúc 4 giờ chiều ngày hè nóng bức ra bờ biển phơi nắng hơn một tiếng đồng hồ.

Nhưng điều này cũng có giá của nó, cái giá là hôm sau trên mặt chúng tôi có thể thấy rõ dấu vết cháy nắng.

“Tú Cầu.”

“Ừ. Người đẹp số 6.”

“Mặt bạn đỏ quá.” Nàng nhìn tôi một cái, rồi bật cười.

“Thật là bất công,” tôi nói.

“Bất công?”

“Còn gì nữa,” tôi nói, “mặt bạn phơi nắng đỏ bừng bừng lên vẫn đẹp như vậy, mình không thể nào cười bạn được.”

“Lại nói nhảm rồi.” Nàng bật cười. “Xin lỗi, lẽ ra mình không nên lôi bạn ra biển sớm thế.”

“Có sao đâu, đằng nào cũng là mùa hè mà.”

“Để mình lấy thuốc kem cho bạn, bôi vào là hết cháy nắng ngay.”

Tôi cầm lọ thuốc kem của Người đẹp số 6 đưa, một mình ngồi trong phòng ký túc soi gương thoa thuốc lên mặt.

Cũng may Lại Đức Nhân về nhà nghỉ hè rồi, bằng không cậu ta mà trông thấy nhất định sẽ giễu tôi một chập. Đại khái sẽ nói mấy câu kiểu “Úi chà chà, cậu bắt đầu trang điểm từ lúc nào thế này.”

Không ngờ cửa phòng đột nhiên bật mở, Lại Đức Nhân đã trở lại.

“Úi chà chà,” cậu ta cười phá lên, “cậu bắt đầu trang điểm từ lúc nào thế này.”

“Sao tự dưng lại về trường thế?” tôi hỏi.

“Hẹn với Tiểu Thiến ngày mai rồi, đi chơi lễ.”

“Ờ,” tôi gật gật đầu, “giờ chắc cũng tháng Bảy Âm lịch rồi, Tiểu Thiến cũng nên làm lễ mới phải.”

“Này.”

“Phải rồi, tớ luôn muốn hỏi cậu chuyện này.”

“Chuyện gì nữa?”

“Có phải sinh nhật Tiểu Thiến đúng vào ngày Xá tội vong nhân không?”

“Này!”

Lại Đức Nhân kêu lên một tiếng, rồi bỏ ba lô xuống, không buồn để ý đến tôi nữa.

“Ngày mai là lễ gì thế?” tôi lại hỏi. “Sao các cậu phải đi chơi.”

“Hả?”

“Hả cái gì. Tớ không biết thật mà.”

“Vì vậy cậu chưa hẹn Ông Huệ Đình?”

“Liên can gì đến cô ấy?”

“Hả?”

“Đừng có hả nữa. Rốt cuộc ngày mai là lễ hội gì vậy?”

“Ngày mai là mùng bảy tháng Bảy, tết Tình nhân của người Trung Quốc mà.”

“Hả?” Không ngờ lần này người “hả” lại là tôi.

“Không ngờ ngày mai là ngày mấy tháng mấy cậu cũng không biết cơ à.” Cậu ta chặc chặc lưỡi mấy tiếng.

Đương nhiên tôi biết ngày mai là ngày mấy tháng mấy. Hôm nay là 16 tháng 8, ngày mai là ngày 17 tháng 8. Vấn đề là tôi không biết ngày mai là ngày mùng bảy tháng Bảy Âm lịch, lễ Tình nhân của người Trung Quốc.

Một ngày lễ rõ là khó xử, tôi bất giác thầm nghĩ: mình và Người đẹp số 6 liệu có tính là tình nhân không nhỉ?

Nếu xòe bàn tay ra, tay trái hay tay phải cũng được, người bình thường đều có năm ngón tay cả. Lần lượt là: ngón út, ngón áp út, ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái.

Ngoài ngón cái ra, bốn ngón còn lại về hình dáng và kích thước đều không khác nhau nhiều lắm, khoảng cách giữa các ngón tay có thể nói là y hệt.

Nếu lấy năm ngón tay này ra lần lượt coi là xa lạ, quen biết, bạn bè bình thường, bạn tốt, tình nhân, liền phát hiện thấy từ xa lạ đến quen biết, từ quen biết đến trở thành bạn bè bình thường, rồi từ bạn bè bình thường trở thành bạn tốt, khoảng cách phải vượt qua, cũng như khoảng cách giữa các ngón tay, là giống nhau.

Thế nhưng một khi muốn vượt qua trạng thái bạn tốt để trở thành tình nhân, không chỉ hình dạng và kích cỡ của ngón tay khác nhau rất nhiều, mà cả khoảng cách giữa các ngón cũng lớn hơn rất nhiều, vả lại còn cả chênh lệch về chiều cao nữa.

Tình nhân không phải là tình bạn kéo dài, lại càng không phải cứ là bạn bè tốt mãi đến cùng là sẽ trở thành tình nhân.

Tôi tin rằng mình và Người đẹp số 6 tuyệt đối đủ tư cách để gọi là bạn tốt, nhưng chúng tôi có phải tình nhân không nhỉ?

“Mau hẹn Ông Huệ Đình đi kìa.” Lại Đức Nhân nói. “Còn đần thối mặt ra làm gì nữa.”

“Hẹn thật à?”

“Hả?”

“Hả cái gì. Tớ thật sự không biết có nên hẹn nàng hay không.”

“Hả?”

“Hả cái gì. Để tớ nghĩ xem tớ có đủ tư cách hay không.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.