Cậu Bé Gù Francois
Chương 7 Sự thay đổi ở Maurice
Hôm sau, Franơois cùng ông de Nancé đến nhà ông bà de Sibran. Maurice và Adolphe nhìn thấy Franơois lên phòng mình thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Maurice đỏ mặt, muốn nói nhưng rồi cứ nín lặng.
Franơois:
– Chào hai anh, mình hy vọng hôm nay hai anh đã khá hơn… Cặp mắt các anh xem ra đã linh hoạt hơn và nước da các anh đã bớt nhợt nhạt… Tôi đến thăm các anh nhưng sẽ không ngồi lâu đâu… như hôm qua… có điều muốn cho các anh biết tin ông de Guilbert ngày mai sẽ đến Argentan, ông bà ấy đã thuê được một căn nhà để ở trong thời gian xây dựng lại tòa lâu đài bị cháy… Hình như ông ấy không bị thiệt hại mấy vì công ty Bảo hiểm đã trả cho ông ấy những khoản bồi thường về bàn ghế, giường tủ và cả tòa lâu đài nữa… Thôi chào Maurice, chào Adolphe… Tôi luôn luôn cầu Chúa phù hộ cho hai anh chóng khỏi.
Franơois thân mật chào hai người rồi đi ra. Maurice khẽ gọi:
– Franơois!
Franơois quay ngay lại, đến gần giường của Maurice. Maurice:
– Franơois! Xin cậu hãy thứ lỗi cho mình và anh Adolphe. Cậu tốt quá! Còn bọn mình quả là đã ăn ở xấu xa, nhất là mình. Ôi, Franơois! Đúng là Chúa đã trừng phạt mình. Ước gì cậu biết được mình đau đớn đến thế nào! Đau khắp mình, đau không lúc nào ngớt! Những cái máy chết tiệt này làm mình vướng víu quá!
Franơois:
– Tội nghiệp Maurice! Mình rất buồn về tai họa khủng khiếp này. Khốn thay, mình không thể đỡ được cho cậu, nhưng nếu có thể làm cho các cậu vui lên một chút để khuây đi thì mình sẽ ngày nào cũng đến thăm các cậu.
Hai người chào nhau: “Hẹn ngày mai”.
Ngay sau khi Franơois đi khỏi, Maurice đưa cặp mắt đau xót nhìn về phía Adolphe.
Maurice:
– Anh Adolphe, sao anh không nói gì hết? Sao anh lại không thấy cảm động trước lòng tốt của anh chàng tội nghiệp Franơois? Người mà hôm qua chúng ta đã tiếp đón một cách thô lỗ quá. Mặc dầu chúng ta đã đối xử không tốt, anh ta vẫn tiếp tục đến thăm chúng ta. Franơois tốt thật!
Adolphe:
– Tao rất ghét cái thằng gù xấu xa đó, những thằng gù bao giờ cũng độc ác.
Về nhà, giọng tràn đầy hạnh phúc, Franơois kể cho bố nghe những gì Maurice đã nói. Ông de Nancé chia sẻ niềm vui của con trai và cho cậu thấy lòng nhân ái tốt bụng và tinh thần rộng lượng bao giờ cũng có hiệu quả hơn là tính nóng nảy giận dữ và tính nghiêm khắc.
Christine rất đỗi vui mừng về kết quả lần đến thăm thứ hai này, cô khuyến khích Franơois tiếp tục và cố gắng cảm hóa cả Adolphe cũng trở thành người tốt hơn.
Suốt trong hai tháng, ngày nào Franơois cũng đến nhà ông bà de Sibran. Sau một tháng, những vết bỏng của Adolphe đã khỏi. Anh ta vẫn khăng khăng không nghe những lời năn nỉ của Maurice và tỏ ra lãnh đạm trước lòng tốt của Franơois.
Còn Maurice, trái lại, càng ngày cậu càng thấy cảm động trước tấm lòng rộng lượng yêu thương của Franơois, cậu trở nên hiền lành hơn, nhẫn nại hơn, chịu đựng hơn. Sau hai tháng, bác sĩ cho phép cậu đứng dậy và sử dụng đôi chân đã được nắn và lắp lại. Lúc đứng dậy, vì yếu quá, cậu đã ngã sụp ngay xuống giường. Cố thử lần thứ hai, may hơn, anh đứng được trên đôi chân và quay mặt về tấm gương. Nhưng hoảng sợ biết bao khi cậu nhìn thấy đôi chân lệch vẹo và ngắn đi, một bên vai nhô lên, trồi hẳn ra, chỗ xương chậu oằn xuống không co lên được, gương mặt từ lúc bị thương đến nay cứ phủ kín nào cao dán, nào thuốc bôi, chỗ bị khâu, chỗ bị bỏng làm biến dạng! Adolphe cũng vậy, nhưng nhẹ hơn nhiều.
Maurice đau khổ hét lên kinh hoàng và ngã gục ngay xuống giường gần như bất động. Bà de Sibran vội vã chạy ra khỏi phòng để đứa con trai không nhìn thấy nỗi thất vọng của bà.
Lúc này Maurice chỉ có một mình trước tấm gương. Càng nhìn kỹ những phần dị dạng mới của mình, cậu càng cảm thấy nó sao mà gớm ghiếc, ghê tởm. Nước da tái nhợt càng làm lộ rõ những đường khâu, những mảng đỏ trên gương mặt, người yếu nên chỗ bàng quang và đôi chân cứ oằn xuống. Trong lúc Maurice còn đang ngắm kỹ thân mình thì cửa ra vào từ từ mở, Franơois bước vào. Maurice quay người lại, nhìn thấy Franơois. Cậu để ý xem cảm giác Franơois ra sao khi cậu bé nhìn thấy thân hình dường này của mình. Maurice chỉ thấy ở Franơois biểu hiện của lòng trắc ẩn sâu sắc và một mối thương cảm chân thành.
Franơois ôm lấy Maurice đang lảo đảo suýt ngã. Cậu đặt Maurice ngồi xuống, rồi ngồi xuống bên cạnh, gục đầu vào Maurice và cả hai cùng khóc. Franơois:
– Hãy can đảm lên bạn ạ, đừng có nản cho là mình không còn hy vọng trở lại lành lặn như trước kia. Hiện giờ thì bạn yếu, bạn chưa nhấc được mình, chưa đứng lên đi được, nhưng chỉ mấy ngày nữa, lâu lắm là mấy tuần nữa, bạn sẽ khỏe lại và sẽ đứng được thẳng như trước.
Maurice:
– Không, Franơois ạ, tôi cảm thấy tôi sẽ không bao giờ còn đứng thẳng được nữa. Đôi chân tôi? Làm sao mà nó đứng thẳng lên được? Nó đã bị quăn đi mất rồi. Anh hãy nhìn tôi và nhìn lại anh xem. Tôi, trước kia đã bao nhiêu lần chế nhạo cái lưng gù tàn tật của anh, đã chế giễu trêu chọc anh; giờ đây, tôi bị thế này lại thấy thèm muốn hình dáng của anh. Tôi sẽ không dám vác mặt đi đâu, tôi sẽ không ra khỏi căn phòng này.
Franơois:
– Anh nói thế là không đúng, Maurice tội nghiệp của tôi, nghĩ thế anh chỉ tổ ốm thêm, anh sẽ bực bội thêm và càng thấy đau khổ thêm nhiều.
– Thế anh nghĩ liệu có thể lấy làm vui khi nghe mọi người cười và kêu lên: Này, lại mà xem một thằng gù? – Maurice hỏi lại.
Franơois:
– Hẳn là không vui rồi, cảm giác đó, tôi thấu hiểu hơn ai hết, nhưng rồi cũng quen đi một phần nào. Rồi ra, sẽ sung sướng biết bao khi gặp được một người tốt bụng tỏ ra thương yêu, thân tình và bảo vệ mình, một người yêu mến mình vì mình là người tàn tật! Hạnh phúc đó, anh Maurice ạ, bù đắp lại những gì là cực nhọc trong hoàn cảnh của tôi.
Maurice:
– Anh nói đúng trong hoàn cảnh của chúng ta… Những gì anh nói thực đã giúp ích cho tôi, giờ đây, tôi không thấy thất vọng nữa, thực thế, có thể trong một thời gian nữa tôi sẽ bớt đi không còn dị dạng như thế này nữa.
Franơois nán lại khá lâu với Maurice. Khi anh ra về, nỗi thất vọng ban đầu ở Maurice đã dịu đi, cậu hứa với Franơois là sẽ hy vọng, nhẫn nại và tuân theo những chỉ bảo của bác sĩ. Chừng nào Franơois còn ở lại với Maurice, Adolphe còn không ra mặt. Khi chỉ còn có một mình Maurice trong phòng, Adolphe bước vào. Hắn kêu lên khi nhìn thấy thân hình dị dạng của Maurice.
Adolphe:
– Khốn khổ chưa Maurice, sao mày xấu xí thế! Hình dạng mày theo kiểu gì?
Thật sự, tao buồn cho mày. Kinh khủng quá! Khiếp sợ quá! Maurice, buồn rầu nói:
– Anh Adolphe, tôi dị dạng, điều đó tôi biết, anh không cần phải nói tôi cũng biết.
Adolphe:
– Trước kia mày chế giễu rất nhiều thằng Franơois, thế mà bây giờ mày còn xấu xí hơn cả nó. Nhìn thấy nó mà mày không sợ à?.
Maurice:
– Không, em không sợ mà em đã khóc… Và Franơois tốt bụng đã khóc với em. Anh ấy đã an ủi em, khuyến khích em, còn anh, anh là anh ruột em, đáng ra anh phải thương em, vậy mà anh không tìm thấy một lời nào để an ủi em trong cơn hết sức đau khổ này.
Adolphe:
– Thằng Franơois nó khóc với mày vì nó cũng gù, còn tao, mày bảo tao phải làm gì, nói gì bây giờ? Mày bị thế, tao tức lắm, nhưng tao không thể khóc như một thằng con nít vì mày phải trở thành một đứa dị dạng.
Maurice:
– Những lời anh nói sao mà xấu xa thế! Thôi, tôi xin anh, hãy để cho tôi yên, thái độ chai đá của anh khiến tôi đau buồn lắm, và nó cũng làm tôi đau buồn cho anh.
Adolphe:
– Đau buồn cho tao, mày tốt thật nhỉ! Mày gặp tai nạn như vậy, tao rất bực mình, nhưng còn bảo tao khóc và buồn đến chết vì thế, tao xin để niềm thỏa mãn ấy cho thằng Franơois giàu tình cảm. Thôi chào, tao đi ra với ba đây, ba và tao sẽ mua chút gì để an ủi mày, chỉ một tiếng đồng hồ nữa là ba cùng tao sẽ về.
Adolphe đi ra. Maurice nắm hai tay lại, kêu rên thật to, vẻ thất vọng về người anh ruột.
Maurice so sánh Adolphe với Franơois và tự hỏi từ đâu mà có sự khác nhau như vậy. Cậu thấy cái đó bắt nguồn từ sự giáo dục khác nhau giữa hai người: Adolphe và cậu được nuôi dạy thả lỏng, không tín ngưỡng, không nguyên tắc, sống chỉ vui chơi và phóng đãng, còn Franơois đã được nuôi dạy tuân theo đạo giáo, nghiêm túc tuy vẫn đầy vui vẻ, được dạy biết thành kính Chúa và làm việc thiện, biết quên mình vì người khác, biết trọng bổn phận hơn những cuộc vui, ý thích cá nhân.
Maurice nghĩ bụng: Mình phải nói chuyện này với Franơois, nếu mình nghĩ đúng, mình sẽ thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách sống và mình sẽ vui vẻ, sung sướng hơn.
Hôm sau, Christine đến nhà ông de Nancé như thường lệ để có được tin tức về sức khỏe của Maurice. Cô ứa nước mắt khi biết tai họa cháy và cú ngã đã làm biến dạng cậu bé Maurice tội nghiệp, khiến cậu ta cảm thấy thất vọng khi Franơois đến thăm. Cô bé rất vui lòng về kết quả thứ hai của anh bạn thân.
Christine:
– Em tin chắc là anh sẽ khiến được Maurice sẽ trở thành người tốt. Cũng như với em vậy, anh đã bắt em phải trở thành người tốt chỉ vì tình bạn đối với anh mà thôi. Em không còn biết em sẽ làm được gì cho anh.
Franơois:
– Chắc chắn là em sẽ không làm điều gì xấu.
Christine:
– Ồ không! Vì anh không bao giờ dạy em làm điều xấu, với lại, em mà làm điều xấu sẽ làm cho ba anh và cả anh nữa phải buồn rầu.
Franơois:
– Em Christine tốt bụng quá! Anh rất thương Maurice tội nghiệp nếu cậu ta bị tàn tật mà lại không có được một cô bạn nhỏ thân yêu như Christine của anh.
Một người hầu vào cho biết ông de Nancé muốn gặp hai người. Ông de Nancé:
– Này hai con, ta vừa nhận được mấy chữ của bà des Ormes yêu cầu ta đến ngay nhà bà cùng các con, Franơois và cháu, Christine. Ta cũng không biết bà ấy yêu cầu gì ở chúng ta. Phải đến đấy thôi các con. Thôi đi thu xếp, chúng ta sẽ đi bộ theo lối qua những vườn hoa.
Lũ trẻ và cô Isabelle đã sẵn sàng chỉ trong năm phút. Ông de Nancé cứ phân vân không biết bà des Ormes muốn nhờ ông làm việc gì đây. Ông nghĩ bụng: Bà này thực kỳ cục, mình chỉ sợ bà ấy có điều gì dại dột mà con bé Christine tội nghiệp sẽ là nạn nhân… và kéo theo là cả thằng Franơois tội nghiệp của mình… Lát nữa ta sẽ biết: “A! Bà ta kia rồi”.
Quả vậy, bà des Ormes không kiên nhẫn đợi được lúc ông de Nancé đến. Bà đã chạy vội tới như cô gái mười lăm, vừa đi vừa bứt một bông hoa, đuổi theo một con bướm, nhảy nhót, xoay vòng tròn.
Bà des Ormes:
– Ông de Nancé, ông lại đây mau lên, tôi sẽ báo cho ông một tin vui. Ông des Ormes nhà tôi vừa tậu được một khách sạn tại Paris, một khách sạn tuyệt đẹp! Tại đấy, tôi sẽ tổ chức những cuộc khiêu vũ, những buổi hòa nhạc… à mà không, không có hòa nhạc, tôi không thích âm nhạc. Mà là những bức họa sống, thật thú vị. Ông tưởng tượng xem trong những bức họa sống của tôi: ông sẽ đóng vai vua Assuérus, còn tôi là hoàng hậu Esther, ông nhà tôi làm ông chú Mardochée. A! Ha! Nhà tôi đóng vai Mardochée với bộ râu dài trắng xóa! Như vậy có nhộn không?
Ông de Nancé, nghiêm giọng nói:
– Thưa bà, rất nhộn, nhưng không phải vì thế mà bà mời tôi đến cùng lũ trẻ chứ?
Bà des Ormes:
– Đúng thế! Đúng thế! Là để đề nghị ông đến ở với chúng tôi tại khách sạn của tôi. Ông ở tầng trệt, tôi cho ông thuê một nghìn frănc, nhưng với điều kiện là những ngày tiếp khách, mọi người sẽ ăn tối trong phòng của ông.
Ông de Nancé:
– Thưa bà, thế thì không được. Trước hết, tôi không biết đóng kịch. Sau nữa là tôi sẽ qua mùa đông ở vùng quê với cháu Franơois. Nếu bà muốn có một ai tham gia những bức họa sống của bà, bà có thể mời ông Paolo, ông ta sẽ đóng tất cả những vai mà bà muốn.
Bà des Ormes:
– Cũng là một ý hay đấy. Về nhà, ông bảo ông Paolo đến ngay chỗ tôi. Thôi, chào ông, ông de Nancé yêu quý. Hẹn gặp lại, ngày mai tôi đã đi rồi. Christine, con chào tạm biệt các bạn con đi, ngày mai chúng ta đi.
Christine:
– Franơois, anh Franơois thân mến, em không muốn xa anh! Xin má cho con ở lại với anh Franơois, con xin má, đừng mang con đi.
Franơois:
– Thưa bà, xin bà để em Christine ở lại với cháu. Không có Christine, cháu sẽ khổ lắm. Cháu xin bà ban ơn cho cháu, đừng mang em nó đi!
Và hai đứa trẻ ôm lấy cổ nhau, nức nở khóc. Bà des Ormes:
– Này! Thế này là thế nào? Trò vô lý làm sao! Có im ngay đi không, Christine? Thấy mày khóc, tao bực mình lắm. Bực mình quá đi thôi! Làm thế nào bây giờ? ông de Nancé, ông giúp tôi với!
Christine:
– Con mà phải xa anh Franơois, con sẽ khóc mãi đấy.
Ông de Nancé, ngập ngừng:
– Thưa bà… Tôi xin giúp bà một cách để bà giải quyết việc này. Xin bà hãy để Christine lại cho tôi, như vậy bà sẽ được rảnh tay hơn, chẳng còn vướng víu, bận bịu gì hết.
Bà des Ormes:
– Nhưng như thế làm phiền ông quá.
Ông de Nancé:
– Thưa bà, không phiền gì hết. Trước hết tôi sẽ rất vui lòng trước hạnh phúc của hai đứa trẻ, sau là tôi thấy thỏa mãn trong lòng vì đã giúp được bà một việc, mặc dù đấy chỉ là một việc rất nhỏ nhoi.
Bà des Ormes:
– Nhỏ nhoi? Không, đấy là một công việc rất nặng nề, ông sẽ giúp tôi. Đúng thế! Con bé Christine tội nghiệp này! Phòng của nó sẽ luôn luôn rối tung lên vì những buổi dạ hội, những bữa tiệc của tôi. Con bé sẽ khổ đấy! Ở nhà ông, nó sẽ dễ chịu, rất dễ chịu; vậy thôi, quyết định thế này: Ngày mai tôi sẽ bảo vú Isabelle đưa nó sang bên ông. Có điều, tôi lại cần đến ngựa và người hầu, vậy tôi sẽ cho một chiếc xe ba gác mang nó cùng quần áo sang.
Ông de Nancé:
– Thôi, bà không phải phiền ai hết, tôi sẽ tự mình sang đón cô bé và vú Isabelle.
Bà des Ormes:
– Vậy xin rất cám ơn ông. Ông đã giúp tôi một việc của một người bạn thân, tôi rất đỗi cám ơn ông. ông nhớ bảo ông Paolo sang đóng vai Assuérus cho tôi..
Ông de Nancé thoát khỏi nỗi lo lắng cho Franơois và Christine, phá ra cười khi nghĩ đến Paolo trong bức họa sống đóng vai Assuérus.
Thốt nhiên, bà des Ormes lại gọi ông de Nancé:
– Ông de Nancé! ông tốt quá đi, hay thế này, tôi tin chắc là ông sẽ làm ơn giúp tôi cho trọn, bằng cách ông nhận con Christine ngay ngày hôm nay, tôi bận nhiều công việc quá. Ông des Ormes nhà tôi đã đi ngay từ sáng hôm nay, tôi lại phải sang ăn bên nhà bà chị dâu, bà de Cémiane ấy, thế là tôi sẽ không gặp lại con Christine, vậy tôi muốn giao ngay nó bây giờ cho ông là tốt nhất.
Rồi quay lại bà bảo Christine:
– Thôi, chào con gái, nhớ phải ngoan và vâng lời, đừng có làm ông de Nancé tốt bụng phải tức mình đấy, ông ấy chỉ muốn tốt cho con. Thôi chào, hẹn sau sáu, bảy tháng!
Bà hôn vào hai má Christine, bắt tay ông de Nancé và chạy đi, vừa chạy vừa nhảy như khi bà ta tới.
Khi bà đi đã khá xa, Franơois và Christine, lòng rộn rã mừng vui, ôm choàng lấy nhau, sau đó, Christine xô vào đôi cánh tay ông de Nancé và ôm hôn ông.
Christine:
– Ba ơi ba! Ba đã cứu con! Con yêu ba vô ngần. Ba yêu quý của con!
Ông de Nancé:
– Con gái yêu quý! Đúng thế, ta là ba nuôi của con. Con biết đấy, ba rất quý mến con.
Ông giang đôi cánh tay ôm vào lòng hai đứa con, một đứa là của ông, và một đứa chỉ là được giao cho ông mà thôi, nhưng ông yêu cả hai một cách âu yếm gần như nhau.
Mọi người trở về lâu đài, lòng đầy hân hoan.
Những tiếng reo vui báo cho Bathilde biết là Christine sẽ ở lại đây. Bữa ăn tối là một ngày hội, tiếng cười vang lên không ngớt. Christine đi nằm, nằm trong ngôi nhà của Franơois thân mến, cô bé thao thức mãi mới ngủ được. Niềm vui đã khiến cô bé thấy trong lòng nhộn nhịp. Franơois cũng vui mừng không kém. Còn ông de Nancé cảm thấy niềm vui một cách lặng lẽ hơn, sâu sắc hơn.
Về đến nhà một lát, ông liền cho tìm ông Paolo và sai người đưa ông ta đến nhà bà des Ormes.
Nhìn thấy Paolo, bà des Ormes liền chạy lại:
– Lại đây, ông Paolo quý mến. Tôi rất cần ông. Ngày mai tôi đi Paris, tôi để con Christine ở nhà cho ông de Nancé. Ông nhà tôi đã mua được một cái khách sạn rất đẹp, tôi sẽ tổ chức tại đấy những buổi dạ hội, những cuộc khiêu vũ và tôi cần đến ông.
– Cần đến tôi! ạ, signora! Tôi đâu có biết khiêu vũ, xoay người lượn đi lượn lại, tôi muốn ở nhà với ông de Nancé hơn.
Bà des Ormes:
– Không được! Tôi cần ông trong những buổi biểu diễn. ông sẽ đóng vai vua Assuérus, còn tôi sẽ là Esther của ông, vợ ông. Để cho vui thôi mà, nên nhất thiết tôi phải mang ông đi.
Paolo:
– Ôi! Không thể được, tôi còn quá trẻ sao để bà làm vợ tôi được. Bà hãy để tôi ở nhà với ông de Nancé. Tôi ngốc lắm, không thể làm vua được.
Bà des Ormes:
– Cái đó không sao, Assuérus xưa cũng ngốc. Ngày mai, tôi sẽ mang ông cùng đi. ông sẽ ngủ tại đây. Thôi, hẹn ngày mai.
Nói rồi, bà des Ormes đi ngay, Paolo cứ ngây ra đấy không nói được gì.
– Khỉ quá! – Paolo nghĩ bụng, tự mắng. – Ta không muốn có một người vợ kinh tởm và nực cười đến thế! Ta muốn để mụ cho cái ông des Ormes khốn khổ kia. Ta là thằng Paolo tội nghiệp chứ không phải một ông vua. Ta muốn dạy học cho Franơois bé bỏng của ta và cô bé Christinetta!
Paolo chạy đi mặc cho Brigitte của bà des Ormes kêu thất thanh, ông chạy về nhà ông de Nancé, thở không ra hơi, trong lúc lũ trẻ vừa mới đi ngủ. Paolo kể lại cho ông de Nancé nghe câu chuyện vừa qua giữa ông và bà des Ormes.
Ông de Nancé cười ngặt nghẽo, ông bảo Paolo hãy bình tĩnh lại. Ông nói cho Paolo rõ ý bà des Ormes muốn dùng ông vào việc gì, cuộc sống ở Paris sẽ ra sao. Paolo run lên, ông năn nỉ xin ông de Nancé hãy giấu ông cho đến khi người đàn bà truy hại ông đi khỏi đây đã, và cho phép ông đến ở với ông mấy ngày, kẻo bà des Ormes sai người kéo ông đi khỏi Argentan. Ông de Nancé hứa sẽ giúp và bảo vệ ông.
Trong khi đó bà des Ormes nổi giận, mắng tất cả những người hầu trong nhà về tội đã để Paolo chạy mất. Bà ra lệnh sáng sớm hôm sau phải đến Argentan lôi bằng được Paolo về cho bà. Nhưng sáng hôm sau, xe đi lại về không, người ta không tìm thấy Paolo. Bà des Ormes giận quá, nhưng bà không có thì giờ để đi tìm anh chàng tội nghiệp. Bà hầm hầm ra đi; đến Paris, bà chê bai tất cả những gì ông des Ormes đã làm trong nhà. Bà đưa ra những mệnh lệnh trái với những gì ông des Ormes đã bảo làm và bà tuyên bố là trong mười lăm ngày nữa tại đây sẽ có một buổi dạ hội rất lớn…
Hôm sau, bà bắt đầu một cuộc sống buông thả, quay cuồng: đi thăm bè bạn, mua sắm, tiệc tùng, xem biểu diễn, dự dạ hội, ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ, đến trưa mới thức dậy, sống cuộc sống của những người đàn bà “lịch thiệp”, nghĩa là một cuộc sống điên cuồng. Trong những buổi biểu diễn ở nhà bà, không ai chịu đóng vai vua Assuérus. Thất vọng, bà viết thư cho Paolo năn nỉ mời ông đến Paris trong tám ngày để cho ngày hội của bà thành công. Bà ta cho biết nếu Paolo không đến, bà sẽ cấm không cho ông được dạy Christine học nữa.
Nhận được thư, Paolo rất thất vọng. Ông de Nancé khuyên Paolo hãy cứ đi Paris, có tám ngày thôi mà. Paolo thở dài, thậm chí ứa nước mắt khóc nữa, rồi đi, trong lòng nguyền rủa bà signora cùng những buổi biểu diễn của bà ta. Người ta chờ đợi Paolo, ông được đón rất nồng nhiệt.
Bà des Ormes kéo ngay Paolo vào phòng khách nơi đang diễn tập. Bà giới thiệu ông với các diễn viên. Người ta bảo Paolo đứng trên một cái bục để hướng dẫn ông thực hiện một thế ngồi.
Ngày biểu diễn tới. Phòng khách đông nghịt.
Hai bức họa đã được thực hiện. Màn được vén lên. Assuérus, cứng đơ như một tên lính bồng súng, chiếc vương trượng trên vai thay vào khẩu súng, mắt giương nhìn khán giả, vẻ ngơ ngác.
Esther, nửa quỳ trước mặt nhà vua, hai cánh tay giang ra, mắt ngước nhìn ngài như cầu khẩn.
– Hãy đặt cái trượng lên đầu tôi. – Bà des Ormes khẽ nói lúc màn sắp mở.
Assuérus hạ nó xuống, nhưng quá mạnh khiến cái trượng giáng xuống đầu bà des Ormes.
Cú giáng mạnh quá, bất ngờ quá khiến bà không kịp lấy hai tay che đầu, bà chỉ khẽ kêu lên một tiếng. Assuérus kinh hãi, quăng ngay cây trượng xuống đất cùng mũ miện và chiếc áo khoác ngoài, rồi nhảy xuống dưới bục và biến mất.
Bà des Ormes đứng dậy, đưa mắt nhìn khán giả đang thi nhau cười. Giận dữ, bà lui ra, thề sẽ báo thù anh chàng Paolo về nỗi thất bại bà vừa phải hứng chịu, nhưng Paolo đã không còn ở đấy.
Sáng sớm hôm sau, Paolo đã ở nhà ông de Nancé, kể lại cho mọi người nghe câu chuyện rủi ro hôm trước. Lũ trẻ rất vui khi được thấy ông trở về. Ông kể lại những vẻ đẹp của thành phố Paris và những điều phiền chán qua những buổi diễn tập, những buổi dạ hội bà des Ormes tổ chức.
Mấy hôm sau, Paolo nhận được một bức thư đầy giận dữ của Esther. Trong thư bà nhiếc mắng Paolo là đồ mất dạy, là tàn bạo, là đểu cáng.
Paolo lấy giấy, ra ngồi vào bàn viết như sau:.”ạ signora! ôi người đẹp! Làm sao mà Assuérus lại có thể đứng ngây ra như một con người bằng giấy bồi trước một nàng Esther xinh đẹp! Tôi đã để chiếc trượng gỗ của tôi rơi xuống mái tóc mượt mà của bà, thật không ngờ là tôi đã đặt lên đầu bà một “chiếc mũ”, tôi xin thề với người đẹp là đúng như vậy. Chỗ bị đau của bà đau quá đã khiến con người gầy gò của tôi cũng quá đau, khiến tôi, Paolo, vua Assuérus đã chạy đi trốn. Xin Esther, signora của trái tim tôi, hãy tha thứ cho tôi, hỡi signora của linh hồn tôi, xin hãy lại tiếp nhận kẻ nô lệ hèn mọn vĩnh viễn này.” Ông ký tên “Paolo Perroni” rồi chạy lại đưa bức thư cho ông de Nancé xem.
– Ông Paolo thân mến, – ông de Nancé nói, – bà des Ormes đã lăng mạ ông, và ông đã đáp lại bằng những lời nhạo báng quá rõ ràng.
Paolo:
– Ông de Nancé thân mến, với bà signora đại phi lý này phải làm như vậy mới bõ. Bà ta cứ cho là mình xinh đẹp, thì tôi nói là bà xinh đẹp. Bà ta nghĩ là tôi tôn thờ bà ta, thì tôi nói là tôi tôn sùng bà ta. Vậy là signora rất mừng, và sẽ tha thứ cho tôi và sẽ không gây khó dễ khi tôi đến dạy cô bé Christine của tôi. Đấy là lý do đã khiến tôi viết bức thư như vậy.
Ông de Nancé:
– Ông Paolo thân mến, chúng ta hãy đợi xem ông đoán thế có đúng không.
Riêng tôi, tôi mong sẽ là như vậy.
Hai hôm sau, Paolo đến nhà ông de Nancé, vẻ hoan hỉ đưa ra bức thư bà des Ormes trả lời:
“Ạng Paolo thân mến và tốt bụng của tôi; bức thư đầy xúc cảm của ông đã khiến tôi cảm động và rất tiếc là tôi đã viết ra những lời lăng mạ. Ông Paolo tội nghiệp! Xin ông tha lỗi cho tôi, tôi xin tiếp nhận ông làm nô lệ và đối với ông, tôi sẽ đối xử làm một tình nhân hoàn hảo. Xin chào, người nô lệ của tôi. Tôi sống vui vẻ lắm, tôi tổ chức những buổi khiêu vũ, tôi khiêu vũ suốt đêm. Caroline des Ormes.”
Ông de Nancé:
– Điên! Tôi sung sướng biết mấy vì đã có thể kéo con bé Christine yêu quý của tôi ra khỏi ngôi nhà điên và phóng đãng ấy.
Mùa đông trôi qua êm đềm, vui vẻ trong lâu đài ông de Nancé. Franơois và Christine thường theo ông de Nancé trong những chuyến đi thăm của nhà điền chủ, giúp đỡ trồng cây, vạch vẽ những con đường v.v… Trước và sau những chuyến đi như vậy là những bài học của Paolo và ông de Nancé giao cho. Đôi khi Franơois hy sinh những lúc rảnh rỗi, đến thăm Maurice tội nghiệp; thấy Franơois đến thăm, cậu ta tỏ ra rất vui mừng. Maurice hỏi han Franơois rất nhiều, yêu cầu anh cho ý kiến khuyên nhủ nhiều mặt và đã tiếp thu rất tốt, khiến Maurice đã thay đổi hoàn toàn tính nết. Cậu đã trở thành hiền lành, khiêm tốn, biết điều.
Còn Adolphe, tuy biết Maurice thay đổi chiều hướng tốt, nhưng vẫn cứ ngày một lánh xa em và càng ngày càng ghét Franơois thêm. Ít lâu nay, Maurice đã dám đi ra khỏi nhà trong chốc lát, nhưng cậu ta vẫn chưa dám đến thăm ai. Một hôm, cậu hỏi Franơois xem ông de Nancé có vui lòng cho phép cậu đến thăm ông tại nhà được không. Franơois đoan chắc với Maurice là ông sẽ rất vui lòng tiếp đón cậu, và cả Christine cũng vậy.
Maurice, ngạc nhiên:
– Christine? Tôi nghĩ bà des Ormes đi khỏi đây đã lâu cơ mà.
Franơois:
– Phải, bà ấy đi đã ba tháng, nhưng đã để Christine và Isabelle ở lại với chúng tôi.
Maurice:
– Christine ở lại với cậu? Cậu thật sung sướng khi có được một cô bạn rất tốt bụng và tử tế!
Franơois:
– Cậu nói đúng đấy, rất sung sướng. Nếu cậu biết cô ta rõ hơn, cậu sẽ thấy cô ấy tốt biết bao, lại tận tụy, đáng mến, vui tươi, tuyệt vời! Cô ấy lại rất yêu quý ba tôi và tôi! Cô ấy vẫn thường vừa cười vừa kể cho ba tôi và tôi nghe những điều rất dễ mến, rất dễ thương, khiến ai nghe cũng phải cảm động.
Maurice:
– Ồ đúng! Mình biết rõ cô ấy mà.
Franơois:
– Những cái đó từ trước mình không nói với cậu bao giờ, vì mình cứ nghĩ là cậu không ưa cô ta.
Maurice:
– Trước đây mình có những ý nghĩ sai nên đã ghét cô ta cũng như ghét cậu vậy. Nhưng bây giờ mình nhớ lại những lúc cô ta bênh vực cậu, yêu mến cậu biết bao nên mình lại thấy rất yêu mến cô ta và mình cũng muốn được cô ta yêu mến mình. Thế bao giờ mình có thể đến nhà cậu được?
Franơois:
– Ngày mai cậu đến có được không, mình sẽ nói trước với ba mình.
Maurice:
– Rất tốt, thôi chào, hẹn ngày mai.
Hai người chào nhau, Franơois ra về nói với ba về việc Maurice muốn đến chơi. ông de Nancé sẵn sàng vui lòng tiếp đón, coi đấy là một dịp để cho con trai có thêm được một người bạn mới.
Hôm sau, khi Maurice đến, vẻ lúng túng và xấu hổ vì hình dáng con người xấu xí của mình.
Franơois và Christine vội chạy ngay lại đón. Thật ra, thoạt đầu Christine cảm thấy sợ hãi, gớm ghiếc, nhưng cô nén ngay lại cái cảm giác ghê tởm đó, thay bằng một tình cảm nhân từ, cô lại gần Maurice và ôm hôn cậu ta.
Christine:
– Tội nghiệp Maurice quá, mình biết cậu đã phải đau đớn nhiều, Franơois đã nói tất cả cho mình biết.
Maurice:
– Franơois cũng đã tha thứ cho mình như bây giờ cậu tha thứ cho mình, Christine thân mến nhé. Chúa đã trừng phạt mình thật nặng về những gì mình đã chế nhạo anh Franơois tử tế. Mình đã cười nhạo tình thân của cậu đối với Franơois, chế giễu lần cậu bảo vệ một cách rộng lượng Franơois chống những điều công kích bỉ ổi của mình. Giờ đây, mình đã biết thế nào là hạnh phúc khi được yêu và được một người bạn thân bênh vực, và mình mong ước thèm khát cái số phận Franơois có được một người bạn thân tốt như cậu.
Christine:
– Mình ư? Mình chỉ là một đứa bé bạn thân chịu ơn rất nhiều của Franơois và của ông de Nancé! Không có hai người đó mình sẽ chỉ là một đứa bé ngu dốt, dại dột, xấu xa.
Ông de Nancé:
– Chào cháu Maurice, thế là cháu đã khá nhiều rồi, cháu kiên trì lắm. Franơois cho ta biết cháu đã rất kiên nhẫn, chịu đựng và… đã hơn trước rồi, nói gọn là vậy.
Maurice:
– Thưa ông, chính lòng tốt của Franơois đã giúp cháu nhiều lắm. Cháu là đứa trước kia hay chế giễu Franơois, vậy mà giờ đây, anh ấy…
Ông de Nancé:
– Thôi, chúng ta không nói về quá khứ nữa, hãy tìm thấy cái hay của hiện tại. Cháu cứ năng đến thăm chúng ta, chúng ta ở đây rất vui vẻ. Con bé Christine nó cứ vui như con chim sáo ấy, dịu hiền như con bồ câu và hay chuyện lắm mồm như con vẹt, bác nói con vẹt với ý nghĩa một con vẹt có giáo dục và biết điều phải trái, khiến nó rất dễ mến và không hề làm ai khó chịu.
Christine mỉm cười và hôn vào bàn tay ông de Nancé. Maurice muốn nắm lấy cánh tay Christine nhưng với hai chân cong khoèo nên anh đi rất khó nhọc. Thoạt đầu, Christine cảm thấy ghê sợ nên đã lùi lại, nhưng nhìn ánh mắt buồn bã của Franơois, cô bé liền bước lại gần và chìa cánh tay ra cho Maurice.
Christine:
– Hãy để tôi dắt anh đi, được giúp anh tôi thấy vui lắm. Maurice, đừng sợ, anh cứ tựa mạnh vào, tôi có thể đỡ được mà.
Maurice:
– Cô Christine yêu quý, cô có thể sẽ làm bạn thân của tôi như cô là bạn thân của Franơois chứ?.
Christine:
– Như của Franơois ư, không được đâu. Tôi sẽ giúp anh những việc gì tôi có thể làm, tôi sẽ giúp anh được vui vẻ, hay làm hộ anh những việc vặt gì đó. Nhưng đối với Franơois, là một chuyện khác. Tôi không thể yêu một ai như tôi yêu ông de Nancé và anh Franơois.
Nghe câu nói thẳng thắn của Christine, Franơois thấy rất vui mừng. Maurice xịu mặt lại, sau đó một lát, cậu ta nói cảm thấy mệt và mọi người đi vào trong nhà. Sau nửa giờ chuyện trò, cậu đứng dậy chào mọi người rồi ra về. Christine chạy theo đưa cánh tay cho Maurice, cậu ta cầm lấy, miệng mỉm cười buồn bã.
– Christine, tôi rất đau khổ vì tôi không có được một người bạn thân.
Christine:
– Thì cậu đã có Franơois rồi đó. Franơois giá trị bằng tất cả các bạn thân trên đời. Thôi chào cậu, hẹn chóng gặp lại, mình mong là như vậy. Christine trở lại phòng khách. Cô bé lại gần ông de Nancé đang ngồi đọc sách trên một chiếc ghế bành, cô bé quàng tay ôm cổ ông:
– Ôi, ba của con!
– A! A! Hẳn con có điều chi muốn tâm sự hay thú tội chăng, – ông de Nancé nói, vừa đặt sách xuống, ôm hôn cô bé. – Nào, có chuyện gì thế hở con?
Christine:
– Thưa ba, Maurice làm con tởm lợm, con ghét hắn lắm, con biết thế là xấu. Con không muốn đụng vào người hắn, vậy mà hắn lại cứ muốn con đưa cánh tay ra cho hắn cầm. Và con thực đã dối trá vì con đã giơ cánh tay ra để giúp hắn đi và con còn nói với hắn: hẹn chóng gặp lại, mình mong như vậy, khi trong lòng con muốn không bao giờ còn gặp lại hắn.
Ông de Nancé:
– Như thế không phải là con dối trá, con gái ạ. Thế là con đã có lòng tốt, con đã cảm thấy cảm giác ghét bỏ trong con là không đúng và con đã muốn gạt bỏ đi. Nhưng tại sao con lại ghét cậu ta?
Christine:
– Ấy là từ khi hắn yêu cầu con cũng yêu hắn như con yêu mến anh Franơois. Trong lòng con, con thấy hắn ngu ngốc và buồn cười. Hắn! Maurice! Người mà con chỉ mới quen biết gọi là, mà lại đòi được yêu như con yêu anh Franơois, như con yêu ba. Ba là người đã đối xử với con hết sức tốt suốt bốn năm nay! Franơois là anh con, ba là ba của con! Bảo con yêu một người xa lạ như yêu ba! Thật là ngu ngốc và dại dột! Và chính vì thế, con không thể chịu đựng được hắn ta.
– Con gái yêu quý của ba, – ông de Nancé đáp lại, vừa ôm hôn cô bé mấy lần, – con rất có lý khi con yêu chúng ta hơn những người khác vì chúng ta cũng yêu con với tất cả trái tim.Nhưng con không nên chế giễu những người mong muốn được con yêu, nhất là khi người đó lại là một người tàn tật tội nghiệp, không nhận được một tấm lòng yêu thương nào trên đời, vì ba nghe người ta nói từ khi cậu ta bị tàn tật, dị hình, ngay thằng anh ruột cậu ta cũng tỏ ra xấu hổ khi nhìn cậu ta. Con gái yêu quý của ba, con nên thấy con tỏ ra tốt với cậu ta, tức là con đã thật sự làm được một điều thiện.
Christine:
– Tốt với hắn, con rất muốn, ba ạ, nhưng con không thể và cũng không muốn yêu hắn như con yêu ba và anh Franơois.
Ông de Nancé:
– Cái đó, không ai bắt buộc con, con gái của ta, nhưng con không nên ghét cậu ta. Ba sẽ rất buồn khi thấy con ghét bỏ một ai.
Christine:
– Ba! Ba buồn ư! Vì lỗi của con ư? ôi! Ba của con! Từ nay con sẽ không ghét một ai hết, kể cả Maurice.
Ông de Nancé:
– Thế là tốt, con gái ạ. Ba cám ơn con vì con đã hứa với ba điều đó và vì con đã tin cậy ở ba.
Christine:
– Ba thân yêu, con sẽ rất giận nếu có giấu giếm ba một điều gì, nhất là khi con làm một điều sai, điều xấu.
Lúc Christine hôn ông de Nancé lần cuối khi kết thúc câu chuyện thì Franơois bước vào.
Franơois:
– Mình thương hại anh chàng Maurice quá thể! Anh ta ra về, vẻ mặt rất buồn, mình chưa từng thấy anh ta buồn như thế bao giờ.
Christine:
– Anh ta làm sao? Anh ta muốn gì?
Francois:
– Thế nào, anh ấy làm sao ư? Em đã nhìn thấy rõ đấy, anh ta lưng gù, thân hình vặn vẹo, mặt mày biến dạng chẳng còn ra làm sao.
Christine:
– Em có trông thấy, nom anh ta thực kinh khủng, đáng sợ.
Franơois:
– Này! Chính cái đó đã khiến anh ta buồn. Anh ta thấy rõ là em lại gần anh ta với vẻ ghê tởm, gần như khinh ghét.
Christine:
– Đúng thế, nhưng tại anh ta chứ!
Franơois:
– Sao, tại anh ta? Chẳng qua anh ta bị ngã trong đám cháy nên anh ta mới bị biến dạng một cách kinh khủng như vậy.
Christine:
– Cái đó đúng, nhưng mà này, anh Franơois. Trước đây, em không yêu anh ta vì anh ta đã đối xử không tốt với anh. Chúa đã trừng phạt anh ta, em rất thương hại anh ta và em đã tha thứ khi anh ta trở nên tốt và đã yêu anh. Hôm nay, khi anh ta vào đây, em đã thấy thương hại và định tỏ ra một chút thân tình, nhưng anh ta lại đòi em yêu anh ta cũng như em đã yêu anh, vậy là… (nói đến đây, gương mặt.Christine tỏ ra rất xúc động) vậy là… em đã… em không còn yêu anh ta chút nào hết. Em thấy anh ta đáng buồn cười và ngu ngốc! Anh ta thực là dại dột, điều đó chứng tỏ anh ta không có tâm địa tốt, anh ta không hiểu thế nào là biết ơn, là tấm lòng yêu mến của em đối với anh và đối với ba của chúng ta. Anh ta không hiểu rằng em không thể yêu một người nào khác như em yêu anh, rằng em chỉ thấy sung sướng khi ở đây với ba và với anh, còn ngoài ra ở nhà mẹ em và bất cứ ở đâu khác, em sẽ đau khổ vì phải xa anh. Và khi ba, má em trở lại, em sẽ rất buồn!
Nói xong, Christine òa khóc. Franơois cùng ông de Nancé ra sức an ủi. Ông bảo Christine:
– Con thực dại dột, ba má con còn chưa nghĩ đến chuyện trở về, không ai bắt con phải yêu Maurice, con chỉ phải thương hại anh ta và đối xử tốt với anh ta mà thôi.
Christine lau nước mắt, thú nhận mình đã có phần dại dột, cô bé hứa không bao giờ lại sai lầm như thế nữa.
Christine:
– Nhưng, anh Franơois, em chỉ có một điều yêu cầu ở anh là đừng có bỏ mặc em nhiều để đến thăm Maurice và đừng có yêu anh ta như anh yêu em.
Franơois:
– Christine, em cứ yên tâm, em sẽ là người mà anh yêu mến trên tất cả, trừ ba ra.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.