Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu
12. Lý thuyết về vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột
Ở nước ngoài thỉnh thoảng tôi lại tự thưởng cho mình một chiếc bánh kẹp thịt cùng khoai tây rán hiệu McDonald’s. Tôi cho rằng tôi là người đã ăn bánh kẹp thịt và khoai rán McDonald’s ở nhiều nước trên thế giới nhiều hơn bất cứ ai khác, và tôi có thể làm chứng rằng chúng có hương vị giống hệt nhau. Qua lại trên thế giới trong những năm gần đây tôi bắt đầu nhận ra một điều thú vị.
Tôi không rõ suy nghĩ này từ đâu đến: có thể từ đâu đó giữa các tiệm McDonald’s ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, McDonald’s ở quảng trường Tahrir ở Cairo hay McDonald’s gần quảng trường Zion ở Jerusalem. Nó như thế này:
Từ ngày có McDonald’s sang đầu tư, không thấy hai quốc gia nào cùng có tiệm McDonald’s, lại gây chiến chống nhau.
Tôi không đùa đâu. Thật kỳ lạ. Hãy quan sát Trung Đông: Israel có tiệm McDonald’s của người Do Thái, Arập Xê út có tiệm McDonald’s, theo tục lệ Hồi giáo thường phải đóng cửa năm lần mỗi ngày để cầu nguyện, Ai Cập, Li Băng và Jordan đều có McDonald’s. Không có nước nào trong số đó xung đột với nhau kể từ khi biểu tượng những vòng cung vàng của tiệm McDonald’s được dựng lên ở những nơi đó. Những đe dọa chiến tranh nằm ở đâu trên đất Trung Đông ngày nay? Nằm giữa Israel và Syria, Israel và Iran, và Israel và Iraq. Nước nào ở Trung Đông không có tiệm McDonald’s? Syria, Iran và Iraq.
Tôi thấy thú vị đến mức đã gọi điện báo tin này cho đại bản doanh của McDonald’s ở Oak Brook, Illinois. Họ ngạc nhiên đến mức đã mời tôi đến tham khảo các vị quản trị Đại học Hamburger, một trung tâm nghiên cứu và đào tạo của chuỗi nhà hàng McDonald’s. Những tay quản trị này đã kiểm tra lý thuyết của tôi với những chuyên viên quốc tế của họ và bản thân họ đã không thể tìm ra một ngoại lệ nào cả. Tôi tưởng rằng có một ngoại lệ đối với trường hợp chiến tranh Falkland giữa Anh và Argentina nhưng Argentina cho mãi đến năm 1986 mới có tiệm McDonald’s đầu tiên, bốn năm sau cuộc chiến. (Không tính những cuộc nội chiến và xung đột biên giới: McDonald’s ở Moskva, El Salvador và Nicaragua đã phục vụ cho cả hai bên địch thủ trong những cuộc nội chiến ở đó.)
Với những thông số đó, tôi xin giới thiệu “Lý thuyết những vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột,” rằng một đất nước khi tiến tới một mức độ phát triển kinh tế, nơi có một tầng lớp trung lưu có khả năng hỗ trợ cho một chuỗi các tiệm McDonald’s, thì đất nước đó trở thành đất nước McDonald’s. Và dân chúng ở đất nước này không phải chinh chiến nữa, họ thà dùng thời gian để xếp hàng mua bánh kẹp thịt còn hơn.
Nhiều người đã đưa ra những quan sát về những thời kỳ hòa bình và thương mại trước đó – họ sử dụng những hình tượng thông dụng hơn. Nhà triết học người Pháp
Montesquieu viết hồi thế kỷ 18 rằng thương mại quốc tế đã tạo nên một “Nước cộng hòa vĩ đại” quốc tế, quy tụ tất cả các tay buôn và các quốc gia buôn bán ngoại thương, dệt nên một thế giới hòa bình hơn. Trong cuốn sách Tinh thần pháp luật ông viết, “hai quốc gia có giao thương với nhau sẽ trở nên lệ thuộc lẫn nhau; vì nếu một quốc gia muốn mua thì quốc gia kia sẽ muốn bán; và sự liên kết giữa họ với nhau sẽ được tạo dựng trên cơ sở sự cần thiết lẫn nhau.” Và trong chương “Cách thức thương mại phá vỡ sự bạo tàn ở châu Âu,” Montesquieu đã lập luận ủng hộ cho luận thuyết vòng cung vàng của chính ông: “Nhân loại cảm thấy hạnh phúc trong một môi trường mà vì lợi ích của chính họ, họ cần phải có tư tưởng nhân đạo và làm điều thiện, dẫu cho nhiệt huyết nhiều khi đã khiến họ trở nên độc ác.”
Trong thời toàn cầu hóa trước Chiến tranh thế giới thứ hai, tác giả người Anh Norman Angell đã quan sát và viết trong cuốn sách của ông năm 1910, mang tên Ảo tưởng lớn, rằng những cường quốc công nghiệp phương Tây như Mỹ, Anh, Đức và Pháp đã giảm đi cơn thèm khát gây chiến tranh: “Có lẽ nào mà cuộc sống hiện đại cùng những hoạt động công nghiệp mạnh mẽ và những phần chi phí vô cùng nhỏ cho hoạt động quân sự có thể nuôi nấng những bản năng gây chiến, vì chiến tranh đã bị coi là sự hủy diệt những thành quả do thời bình mang lại?” Do ngoại thương và những quan hệ thương mại ràng buộc nhiều cường quốc thời đó, Angell lập luận rằng, thật là điên rồ nếu những quốc gia đó lại đánh nhau, vì làm như vậy thì kể cả kẻ thắng lẫn người thua cuộc đều sẽ chịu mất mát. Montesquieu và Angell nói đúng. Hội nhập kinh tế đã khiến tăng gấp bội mức chi phí chiến tranh đối với kẻ thắng lẫn người thua, và quốc gia nào làm ngơ trước thực tế đó thì sẽ bị diệt vong. Nhưng nếu họ hy vọng rằng thực tế đó có thể xóa nhòa được tầm quan trọng của địa chính trị, thì họ cũng đã nhầm. Có thể nói Angell và Montesquieu đã quên không nhắc đến Thucydides. Khi viết về lịch sử cuộc chiến tranh Peloponnesian, Thucydides cho rằng các quốc gia gây chiến vì một trong ba lý do – “danh dự, sợ hãi và quyền lợi” – và toàn cầu hóa, trong khi khiến cho chi phí gây chiến vì danh dự, sợ hãi hay quyền lợi tăng lên, cũng không thể xóa hết được những bản năng đó – không thể, một khi thế giới vẫn còn nhân loại và còn máy móc, một khi những cây ô liu vẫn còn đó trong cuộc sống. Cuộc tranh đấu giành quyền lực, sự theo đuổi quyền lợi vật chất và chiến lược, sự co kéo những cây ô liu, vẫn tiếp tục ngay cả trong cái thế giới có chip vi tính, điện thoại vệ tinh và Internet. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách này được đặt tên là “Chiếc Lexus và cây Ô liu.” Mặc cho toàn cầu hóa, dân chúng vẫn bám giữ lấy văn hóa, ngôn ngữ và mảnh đất mà họ gọi là quê hương. Họ sẽ hát về gia đình, khóc than cho gia đình, chinh chiến và hy sinh vì quê hương. Chính vì thế mà toàn cầu hóa sẽ không chấm dứt những tham vọng mang tính địa-chính trị. Xin nhắc lại cho những người theo phái thực tế đang đọc cuốn sách này: toàn cầu hóa sẽ không chấm dứt địa-chính trị.
Nhưng toàn cầu hóa lại tác động tới nó. Một điểm đơn giản mà tôi đang cố gắng
hình thành bằng cách sử dụng McDonald’s để hình tượng hóa – đó là toàn cầu hóa ngày nay đã khiến tăng gấp bội chi phí mà các quốc gia dùng để gây hấn vì lý do bảo tồn danh dự, phản ứng lại những nỗi sợ hãi hay theo đuổi những quyền lợi của họ. So với những gì Angell và Montesquieu viết xưa kia, sự thay đổi ngày nay thể hiện ở mức độ. toàn cầu hóa ngày nay – với mức độ hội nhập kinh tế, kỹ thuật số, khả năng kết nối ngày càng rộng giữa đất nước và cá nhân, tư bản di chuyển nhanh chóng và sự lệ thuộc của chúng vào chiếc áo nịt nạm vàng và Bầy Thú Điện Tử – tất cả tạo một sự ràng buộc mạnh mẽ đối với các hoạt động đối ngoại của các quốc gia kết nối vào toàn cầu hóa. Kết quả là chúng tăng cường lợi ích của việc hạn chế xung đột và tăng cao cái giá mà các quốc gia phải trả khi tìm cách đánh lẫn nhau.
Nhưng toàn cầu hóa không đảm bảo rằng sẽ không có chiến tranh nữa. Bao giờ cũng sẽ có những lãnh tụ và những quốc gia, vì lý do đúng hay sai, sẽ sử dụng đến chiến tranh, và những quốc gia như Bắc Triều Tiên, Iraq hay Iran sẽ lựa chọn cách tồn tại bên ngoài những ràng buộc trên. Dù sao thì câu kết luận sẽ là: Trong thời toàn cầu hóa trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các quốc gia đã phải nghĩ hai lần trước khi gây chiến; đến toàn cầu hóa thời nay, họ sẽ phải nghĩ tới ba lần trước khi làm điều đó.
Khổ một nỗi là ngay sau khi bản thảo đầu tiên của cuốn sách này được in, thì tháng tư năm 1999, 19 thành viên NATO, nước nào cũng có quán ăn McDonald’s, xúm vào không kích Nam Tư, một đất nước cũng có quán ăn này. Ngay lập tức hàng loạt các bình luận gia và những người điểm báo đã viết bài phê bình rằng luận thuyết vòng cung vàng McDonald’s của tôi là hoàn toàn sai lầm; qua đó họ cũng công kích khái niệm về toàn cầu hóa có thể chế ngự được địa-chính trị. Tôi thật ngạc nhiên và cũng thích thú khi thấy lý thuyết McDonald’s của tôi được mọi người chú ý rộng rãi, và khi thấy mức độ hăng hái của một số người nhất định cố gắng chứng minh rằng đó là một sai lầm. Họ là những người thực tế và những nhân vật Chiến tranh Lạnh về vườn, những người cho rằng chính trị – đặc biệt là những xung đột giữa các quốc gia – chính là những yếu tố không thể miễn trừ dùng để đặc tả quan hệ quốc tế. Về chuyên môn cũng như về tâm lý, họ cảm thấy bị đe dọa bởi ý tưởng cho rằng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế có sẽ tác động đến địa-chính trị bằng những phương thức mới mẻ và cơ bản. Nhiều người trong giới phê bình rất muốn bám lấy chủ đề cuộc chiến Balkan chính vì họ muốn níu kéo tâm lý thời chiến lỗi thời trong đó họ chỉ biết chính trị, tinh thần và những câu ô liu được đặt trên kinh tế và chiếc xe hơi Lexus. Họ bận rộn đưa Balkan lên thành một chủ đề lịch sử, một luận thuyết của chính trị thế giới, mà không nhận thấy rằng đó chỉ là một ngoại lệ, một sự kiện độc lập và nhất thời. Những người chỉ trích chỉ bận rộn bàn cãi xem chúng ta đang ở năm 1917, 1929 hay 1939 và không nhận ra rằng những gì xảy ra vào năm 2000 thực ra đánh dấu cho một chuyển biến mới mẻ – một điều tuy không kết liễu địa-chính trị nhưng căn bản đã gây ảnh hưởng và thay đổi hình thù của chính trị. Tôi cho rằng những người chỉ trích chỉ bận rộn làm
sống lại quá khứ, dựa vào quá khứ để phán đoán với bạn về tương lai. Cách họ đoán về tương lai lại dựa vào quá khứ nhưng lại bỏ qua hiện tại. Cũng dễ hiểu vì sao nhóm này cảm thấy bị lý thuyết những vòng cung vàng đe dọa, bởi vì dù không hoàn hảo nhưng luận thuyết vòng cung vàng sẽ buộc họ phải thay đổi quan điểm và thậm chí, phải học lại cách nhìn nhận, phải tiếp nhận kinh tế, môi trường, thị trường, công nghệ, Internet vào những phân tích đánh giá về địa-chính trị của họ.
Phản ứng đầu tiên của tôi đối với những người chỉ trích là thanh minh rằng NATO không phải là một đất nước, cuộc chiến Kosovo không thực sự là chiến tranh, mà là sự can thiệp của NATO vào một cuộc nội chiến giữa người Serb và người Albania ở Kosovo. Và tôi chỉ ra rằng khi hình thành luận thuyết McDonald’s tôi đã loại trừ một vài khả năng quan trọng: Luận thuyết McDonald’s không áp dụng cho các cuộc nội chiến, vì tôi giải thích, toàn cầu hóa sẽ tăng cường sự căng thẳng của các cuộc nội chiến, giữa phái địa phương chủ nghĩa và phái chủ trương toàn cầu – giữa những người thích ăn món bánh kẹp thịt McDonald’s với những người sợ hãi loại bánh này rồi sẽ chế ngự họ. Hơn nữa luận thuyết của tôi có giới hạn giá trị, vì trước sau rồi nước nào cũng có những cửa hàng McDonald’s, và trước sau rồi cũng có hai nước nào đó sẽ gây chiến lẫn nhau.
Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng sẽ không có ai quan tâm đến những điềm báo của tôi – sử dụng McDonald’s như một biểu tượng để trình bày về ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với địa-chính trị. Họ chỉ muốn đâm một nhát dao vào lý thuyết vòng cung vàng. Vậy càng nghĩ tới giới phê bình thì tôi càng nói với mọi người rằng: “Xin hãy quên đi những điềm báo và những ngoại lệ. Giả sử Kosovo là một sự thử nghiệm cho học thuyết, và hãy xem cuộc chiến ở đó kết thúc ra sao.” Khi nhìn vào cung cách cuộc chiến Kosovo kết thúc bạn sẽ thấy lô gích của lý thuyết Vòng Cung Vàng.
Vì sao? Lầu Năm Góc sẽ giải thích với bạn rằng cuộc không kích năm 1999 đã kết thúc cuộc chiến 78 ngày tại Kosovo vì một lý do – không phải vì NATO đã trừng trị được quân đội Serbia ở Kosovo. Thực tế cho thấy lục quân Serbia đã chuyển được hết xe pháo của họ ra khỏi Kosovo với không mấy tổn hại. Cuộc chiến 78 ngày kết thúc là do NATO, sử dụng không quân, đã gây hoang mang cực độ cho dân thường người Serbia ở Belgrade. Belgrade là một thành phố hiện đại châu Âu, hội nhập với Tây Âu, có một dân số mong muốn hòa nhập vào khuynh hướng toàn cầu, hòa nhập với Internet và phát triển kinh tế – hình tượng mà McDonald’s đang đại diện.
Một khi NATO phá hủy hệ thống điện ở Belgrade và hủy diện kinh tế, người dân Belgrade, cùng dân chúng trong những thành phố khác của Nam Tư, hầu như ngay lập tức đòi Tổng thống Slobodan Milosevic chấm dứt chiến tranh. Vì cuộc không kích đã buộc người ta phải lựa chọn: Bạn có muốn thành một phần của châu Âu và xu hướng kinh tế mới và chớp những thời cơ ngày nay – hay là bạn muốn chiếm giữ Kosovo và trở thành một ốc đảo cô lập và lạc hậu. McDonald’s hay Kosovo – bạn không thể
chiếm cả hai. Và người dân Serbia chọn McDonald’s. Không một người lính NATO và cũng không người dân nào ở Belgrade nào muốn chết vì Kosovo. Những người dân đó chỉ muốn trở thành một phần của thế giới. Họ muốn tiệm McDonald’s được mở cửa trở lại, hơn là mong Kosovo bị chiếm đóng trở lại. Họ muốn xếp hàng để mua bánh kẹp thịt hơn là đăng lính đi chết ở Kosovo. Một mình không lực Hoa Kỳ không thể làm gì được Việt Nam vì người dân ở đó vốn đã sống trong một thời kỳ đồ đá và đã không còn gì để mất. Nhưng ở Belgrade, nơi dân chúng muốn hội nhập vào châu Âu và thế giới và họ sợ sẽ bị không quân ném bom làm mất đi cơ hội cho họ hội nhập. Khi NATO đưa ra những lựa chọn cho họ – chọn xe hơi Lexus hay cây Ô liu – họ đã chọn chiếc xe hơi.
Vâng, như vậy là có một ngoại lệ cho lý thuyết Vòng Cung Vàng – một ngoại lệ mà rốt cuộc đã mạnh mẽ khẳng định lý thuyết này. Trường hợp Kosovo cho thấy những áp lực mà những chính quyền theo chủ nghĩa quốc gia, khăng khăng bám lấy gốc cây Ô liu, phải chịu đựng, khi họ theo đuổi chiến tranh và những phiêu lưu quân sự – và họ đã buộc dân chúng phải trả giá ra sao trong thời toàn cầu hóa. Bởi vì trong một thế giới nơi chúng ta ngày càng hiểu thêm về cảnh sống của đồng loại, khi chính phủ ngày càng phải cam kết với dân chúng và thực hiện cam kết, vậy thì chí ít chính phủ chỉ có thể đòi hỏi dân chúng đến một mức độ nhất định. Khi chính phủ có những hành động gây khó dễ cho việc hội nhập kinh tế và cải thiện đời sống – có McDonald’s tượng trưng – thì dân chúng ở các nước phát triển sẽ không dung tha cho chính phủ như thời trước. Chính vì thế những quốc gia trong hệ thống toàn cầu hóa giờ đây phải suy ngẫm tới ba lần trước khi tham chiến và những quốc gia nào không suy nghĩ thì sẽ phải trả giá gấp ba lần. Vậy tôi xin sửa lại chút ít trong lý thuyết vòng cung vàng sau khi tham khảo trường hợp Kosovo và tương lai của vùng này: Dân chúng ở những quốc gia có McDonald’s không thích đánh nhau nữa, họ thà đi xếp hàng để mua bánh kẹp thịt còn hơn – và những lãnh đạo hay những đất nước nếu coi thường thực tế đó sẽ phải trả giá cao gấp bội, cao hơn là họ nghĩ. Ngày 8/7/1999, báo USA Today đăng một câu chuyện về Belgrade khiến tôi chú ý. Câu chuyện nói về sự tàn phá kinh tế mà Nam Tư phải đương đầu sau cuộc chiến. Bài này có hai đoạn sau đây, mà nếu tự tôi viết ra thì người ta sẽ nói tôi là bịa đặt:
“Zoran Vukovic, 56 tuổi, lái xe buýt ở thành phố Niw, có thu nhập 62 đô-la một tháng, thấp hơn phân nửa lương của ông ta thời trước chiến tranh. Chính phủ [Serbia] tháng trước đã sa thải gần một nửa số 200 tài xế xe buýt. Những người còn lại bị giảm lương. Do nhà nước hiện kiểm soát giá thực phẩm, Vukovic và tám miệng ăn phụ thuộc trong gia đình có thể tồn tại, đủ ăn. Nhưng họ không thể mua sắm thêm thứ gì khác.
“McDonald’s nay chỉ còn trong giấc mơ,” Vukovic, người ngày trước thường đưa ba cháu của ông đến tiệm McDonald’s ở Belgrade, nói. “Một ngày nào đó, có thể mọi
sự sẽ khá hơn. Nhưng đến lúc đó thì có lẽ tôi không còn nữa.”
Bạn có thể thấy những điều cần thiết để hiểu về sự khác nhau trong cách thức Chiến tranh Lạnh và toàn cầu hóa định hình địa-chính trị nếu quan sát trường hợp Albania.
Khi Albania lâm vào nội chiến đầu năm 1997, tôi tình cờ theo dõi tin tức trên truyền hình CNN. CNN lúc đó không có những hình ảnh trực tiếp truyền từ Albania nên đã chiếu mãi tấm bản đồ biển Adriatic, ngoài khơi Albania. Trên tấm bản đồ có những chiếc tàu chiến nhỏ, đại diện cho tàu của Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác đang đến để di tản kiều bào của họ từ Albania. Khi nhìn tấm bản đồ, tôi nghĩ, nếu đó là thời Chiến tranh Lạnh thì có lẽ đó sẽ là những tàu chiến của Mỹ hoặc của Liên Xô đang tranh giành để vào chiếm đóng, lấp đầy khoảng trống chính trị ở Albania. Bên nào sẽ vào được Albania nhanh hơn, tận dụng đất nước này như một con tốt Albania trên bàn cờ, dí sang tấn công bên kia. Tóm lại hai siêu cường đó sẽ cạnh tranh xem bên nào vào Albania trước, nhanh nhất và sâu nhất. Nhưng đó không phải là điều xảy ra ngày hôm đó trên bản đồ của CNN. Ngày nay là toàn cầu hóa, và những nước có tàu chiến ở đó đang tranh giành để di tản kiều dân của họ khỏi Albania trước tiên, nhanh nhất và đi xa nhất. Nước nào đưa kiều dân khỏi Albania nhanh nhất sẽ là người thắng cuộc, và thua cuộc chính là nước nào bị phải ở lại, bị ràng buộc trách nhiệm ở Albania – lúc đó thua cuộc chính là nước Ý.
Chúng ta hiểu được gì từ điều này? Điều này cho chúng ta biết rằng hệ thống Chiến tranh Lạnh có hai đặc điểm căn bản mang hình tượng một ván cờ và một tập séc. Chiến tranh Lạnh do hai siêu cường – Liên Xô và Mỹ – điều hành. Họ cạnh tranh trên toàn cầu để dành cho được những lợi thế chiến lược, nguồn tài nguyên và vinh quang – chiến thắng của bên này chính là tổn thất của bên kia, và bất cứ vùng nào trên thế giới cũng là những miếng mồi cho cả hai bên. Michael Mandelbaum nhận xét: “Trong Chiến tranh Lạnh, thế giới như một cuộc cờ. Mỗi nước đi của Liên Xô sẽ tác động tới chúng ta và ngược lại mỗi nước đi của chúng ta sẽ có tác động đến họ. Chúng ta là quân trắng, Liên Xô là quân đen. Nếu họ đi vào ô trắng thì ta đi vào ô đen. Nếu họ dịch chuyển những tốt đen ở Albania thì ta sẽ di chuyển những tốt trắng. Mỗi con tốt đều quan trọng vì chúng góp phần bảo vệ vua. Vậy thì nếu họ chiếm được một nơi, biến thành tốt đen thì sẽ có lợi thế để tấn công vua của chúng ta. Chính vì thế mỗi bên đều ra sức bảo vệ các con tốt của họ. Bảo vệ tốt tức là bảo vệ vua vậy. Chính vì thế chúng ta đã phải can thiệp vào những nơi không có tầm quan trọng nội tại như Việt Nam, Angola hay El Salvador.”
Nói cách khác, trong Chiến tranh Lạnh đã nảy sinh những lợi ích của việc khuyến khích xung đột khu vực và biến chúng thành một phần của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường và mang ý nghĩ toàn cầu. Và trong cuộc cạnh tranh trong ván cờ không bên nào chịu để mất những ô trắng hay đen của họ vì lo sợ họ sẽ mất dần ảnh hưởng
ở các ô này và rốt cuộc bị đối phương lấn át. Sự lo sợ đó được biết đến với cái tên “Học thuyết Domino.”
Ngoài cuộc cờ, Chiến tranh Lạnh cũng được khắc họa bởi hình tượng một tập séc chuyển khoản. Như đã đề cập từ trước, Chiến tranh Lạnh giúp cho một nước đang phát triển tồn tại về kinh tế mặc dù hệ điều hành và phần mềm của họ yếu kém. Một số nước đang phát triển đã làm ăn chậm chạp trong một thời gian dài, vì họ có thể hút tiền từ các siêu cường thông qua việc cam kết lòng trung thành với bên này hay bên kia trong Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Mỹ và Liên Xô, ở mức độ thấp hơn là Trung Quốc, lúc đó sẵn sàng lấy tiền đóng thuế của dân chúng, chuyển thành những tấm séc nhiều tiền, tặng cho nước ngoài để mua ảnh hưởng đối với những ô còn trống trên bàn cờ. Nền ngoại giao séc chuyển khoản đó được gọi là “Viện trợ nước ngoài.” Hoa Kỳ thúc ép người đóng thuế trong nước để trả lương cho nhóm đối lập Contras ở Nicaragua hay Mujahideen ở Afghanistan. Liên Xô cũng làm như vậy đối với những người Sandinista ở Nicaragua. Hoa Kỳ thúc nợ dân chúng để bao cấp cho quân đội Israel trong khi Liên Xô gom tiền để xây dựng lại lực lượng không quân Syria sau khi Israel bắn rơi 97 máy bay phản lực của Syria trong ngày đầu tiên của cuộc chiến Li Băng năm 1982.
Các siêu cường mua ảnh hưởng không những bằng vũ khí mà còn bằng vật chất. Họ chuyển khoản để tài trợ những dự án làm đường, xây đập, nhà văn hóa và hàng nhập khẩu – bất cứ thứ gì để ràng buộc một nước thuộc Thế giới thứ ba vào với họ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Moskva và Washington viết những tấm séc mà phần lớn đã không đòi hỏi gì về cung cách các nước đó quản lý kinh tế ra sao, vì cả Moskơva và Washington đều lo ngại rằng nếu đòi hỏi những chư hầu của họ cải tổ nhiều quá, thì chúng sẽ nhảy sang phía bên đối phương. Vậy là những chế độ kém hiệu lực, tham nhũng hay dễ mua chuộc như của Ferdinand Marcos ở Philippines hay Anastasio ở Nicaragua nhận séc từ Washington, trong khi Cuba, Angola nhận tiền từ Moskva chỉ vì lý do những cỗ máy kinh tế của họ theo tư bản hay cộng sản, mà không phải vì hiệu quả hoạt động của chúng. Các siêu cường đã không quan tâm đến sự kết nối kinh tế trong các nước chư hầu vì vào lúc đó họ chỉ muốn mua lòng trung thành chứ không muốn đầu tư vào những công ty điện thoại ở đó. Ngay cả trường hợp Nhật Bản, Hoa Kỳ đã phải chịu đựng chính sách bảo hộ mậu dịch vô lý của Tokyo vì họ cần đến sự ủng hộ của nước này trong Chiến tranh Lạnh. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao sẽ không bao giờ để cho đại diện Bộ Thương mại bắt chẹt Nhật Bản về những vấn đề kinh tế, do họ lo sợ sẽ để mất Nhật Bản trong những vấn đề an ninh. Nhưng cũng chính vì các siêu cường sẵn sàng viết chi phiếu, rất nhiều cuộc xung đột khu vực trong thời Chiến tranh Lạnh cứ âm ỉ kéo dài. Tổ chức Giải phóng Palestine đã công nhận Israel trong những năm 60 và 70 là nhằm động cơ gì trong khi Liên Xô đang cung cấp học bổng cho tuổi trẻ Palestine và súng cho du kích quân Palestine.
Chiến tranh Lạnh tạo lợi thế và tài lực cho việc duy trì xung đột khu vực và khoác cho chúng ý nghĩa toàn cầu.
Bây giờ xin bạn hãy gạt Chiến tranh Lạnh sang một bên.
Toàn cầu hóa đã đến. Sau Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hóa trở thành một hệ thống quốc tế chủ đạo và đã đặt một khuôn mẫu khác lên trên địachính trị. Dù toàn cầu hóa không tiêu diệt được địachính trị, nhưng nếu nghĩ rằng nó không tạo được những thay đổi căn bản trong địa-chính trị, thì thật ngốc nghếch.
Trước hết, trong toàn cầu hóa không còn bàn cờ, thế giới không còn bị chia thành những ô đen và trắng. Liên Xô đã sụp đổ, vậy không còn màu đen, và cũng không còn màu trắng. Không còn “bên ta” hay “bên nó” nữa. Chính vì thế cũng chẳng còn lợi ích gì, chẳng còn nguồn tại lực nào cần thiết trong việc duy trì xung đột khu vực. Trong toàn cầu hóa có một nhân vật mới mẻ đứng ra quản lý tập séc chuyển khoản – Bầy Thú Điện Tử: chúng tập trung thành một thực thể và có khả năng tung tiền đi đây đó. Liên Xô không còn nữa trong khi Hoa Kỳ mặc lên người tấm áo nịt nạm vàng và cũng không còn viết séc chi trả những khoản viện trợ lớn lao nữa.
Nơi mà một đất nước muốn đến để kiếm một tấm séc lớn đó là chốn của bầy thú, và bầy thú hiện không biết đánh cờ. Chúng chơi trò Triệu phú. Intel, Cisco hay Microsoft sẽ đi đâu để lập nhà máy, quỹ đầu tư toàn cầu Fidelity sẽ đổ tiền vào đâu là những gì quyết định ai được cấp tín dụng và ai không. Và những con bò đực trong bầy thú không có chuyện viết những tấm séc khống để mua tình yêu hay lòng trung thành của bạn; chúng viết những tấm séc đầu tư để mong kiếm lời. Bầy thú và những siêu thị tài chính không cần biết màu cờ sắc áo của đất nước của bạn là gì. Chúng chỉ muốn biết là đất nước của bạn có sự lưu thông nội bộ tốt không, mức hiệu quả của hệ điều hành và phần mềm trong nước của bạn ra sao và chính phủ của bạn có luật bảo vệ được các tài sản tư nhân hay không.
Do đó không những Bầy Thú Điện Tử sẽ không giúp tiền để một đất nước chi trả cho một cuộc chiến khu vực hay xây dựng lại quân đội của đất nước sau khi tham chiến – giống như cách làm của các siêu cường xưa kia. Bầy thú sẽ trừng phạt một đất nước nếu nó kình chống láng giềng, bằng cách sẽ rút hết nguồn vốn quan trọng nhất cho phát triển của đất nước này. Như vậy các nước không có lựa chọn nào khác là phải ứng xử tốt để hấp dẫn bầy thú. Nếu làm ngược lại thì họ sẽ phải trả giá.
Dĩ nhiên có những nước chọn và sẽ lựa chọn cách tồn tại không đếm xỉa gì tới bầy thú để họ có thể theo đuổi những đường lối chính trị riêng. Tổng thống Iraq Saddam Hussein những muốn theo đuổi những tham vọng của riêng ông, chiếm giữ khí đốt và cướp bóc láng giềng, thay vì tuân thủ những đòi hỏi của bầy thú, và thông qua chế độ bạo ngược của ông đàn áp dân chúng Iraq. Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Sudan và Iran. Lý thuyết Vòng Cung Vàng không áp dụng đối với họ vì họ đã quyết định không kết nối với bầy thú và các siêu thị, và họ có trữ
lượng dầu lửa và ý chí để tồn tại thêm một thời gian nữa. Nhưng ngày nay những đất nước như vậy chỉ là thiểu số. Ví dụ nếu bạn nhìn Nga và Trung Quốc và hỏi tại sao họ không còn thách thức Hoa Kỳ trong những khu vực gần họ, thì câu trả lời là: vì họ đã yếu đi, đồng thời thách thức như vậy họ cũng sẽ chẳng được gì. Một mạng lưới quyền lợi và lợi thế đã được toàn cầu hóa dệt nên và trói buộc các quốc gia như Nga và Trung Quốc.
Năm 1979, ở Trung Quốc không có nhà hàng McDonald’s. Đặng Tiểu Bình lúc đó đã bắt đầu mở cửa đất nước này ra thế giới. Khi sang hội nghị thượng định với Tổng thống Carter ở Mỹ, Đặng tình cờ nói rằng khi về nước ông ta sẽ xâm lược Việt Nam vì Việt Nam đang trở nên ngạo mạn và kẻ cả. Carter cố gắng thuyết phục ông ta bỏ ý định đó, giải thích rằng làm như thế sẽ làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc (không phải là kinh tế Trung Quốc), nhưng Đặng không nghe và đã tiến hành xâm lược Việt Nam.
Bây giờ chúng ta tua nhanh cuốn băng đến năm 1996. Lúc này Trung Quốc có 200 tiệm McDonald’s. Lúc đó tôi ở Trung Quốc quan sát sự căng thẳng giữa họ và Đài Loan. Tôi đã phỏng vấn một nhà kinh tế cao cấp thuộc Học viện Khoa học, trước ngày Đài Loan tổ chức cuộc tuyển cử dân chủ đầu tiên mà nhiều quan chức cho biết: có thể đánh dấu sự tuyên bố độc lập của hòn đảo này. Trung Quốc lúc đó đang đe dọa sẽ tấn công Đài Loan nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Khi chúng tôi đang ăn mỳ trong một tiệm ăn trên tầng thượng một tòa nhà ở Bắc Kinh, tôi hỏi nhà kinh tế Trung Quốc một câu đơn giản: Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan hay không? Anh ta không ngần ngại trả lời: “ Không – làm như vậy sẽ chấm dứt đầu tư vào Trung Quốc, chấm dứt tăng trưởng và chấm dứt cơ hội cho chúng tôi bắt kịp với thế giới.”
Cũng giống như những quan chức Trung Quốc tôi gặp dạo đó, nhà kinh tế này cảm thấy Trung Quốc hoàn toàn có lý để đập tan Đài Loan, đặng ngăn trở chuyện trở thành độc lập. Nhưng cũng như những người khác, anh ta sẵn sàng nói ra điều mà các lãnh đạo cao cấp chỉ dám thầm thì – đó là Trung Quốc không thể tấn công nếu không muốn kinh tế của họ bị tàn phá.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, Trung Quốc và Đài Loan, cả hai đều hiểu rằng họ đều có khả năng sẽ tổn hại kinh tế nếu xung đột xảy ra. Thời gian 1995-96 khi Trung Quốc đe dọa Đài Loan, thị trường chứng khoán của Đài Loan đã bị sụt giá nhưng những thị trường nhỏ của Trung Quốc không bị ảnh hưởng mấy. Nhưng trong cuộc khủng hoảng năm 1999 giữa hai bên, khi Trung Quốc đe dọa Đài Loan thì thị trường TAIEX, Đài Loan sụt giá 20%. Nhưng điều mà ít ai để ý đó là thị trường Thượng Hải sụt giá 40%! Hai vùng đất nhưng một thị trường tài chính.
Trong quan điểm của Bắc Kinh, Trung Quốc không còn là một nền kinh tế nông nghiệp bị cô lập của thời Mao và Đặng nữa. Trung Quốc hiện đã kết nối một phần với Bầy Thú Điện Tử, và ý thức hệ duy nhất của các nhà lãnh đạo ở đó ngày nay là: “Làm giàu là vinh quang.” Lãnh đạo Trung Quốc không thể thực hiện được ý thức hệ đó
nếu không có hàng tỷ đô-la đổ vào đất này mỗi năm. Theo Tạp chí Kinh tế Viễn đông, tổng đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc năm 2000 là 46 tỷ đô-la trong gần 46.000 hạng mục nhà máy và công ty. Doanh nhân Đài Loan biết điều đó và dám nhắc nhở Bắc Kinh về điều đó. “Đài Loan là nơi cấp vốn nhiều nhất cho Trung Quốc ngày nay, vì [doanh nhân Đài Loan] sẵn sàng tuân thủ luật chơi ở đại lục. Nhưng điều đó không phải là vĩnh cửu, “ Douglas Hsu, Chủ tịch công ty dệt Far East Textile, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan nói với tôi vào một buổi chiều ở Đài Bắc. “Vào giờ phút này tôi cảm thấy khó xử. Trung Quốc là một thị trường lớn. Tôi tìm đâu ra thị trường khác để thay thế Trung Quốc bây giờ? Nhưng tôi đang sống cùng họ trong hoàn cảnh bất định. Tôi là một nhà công nghiệp. Tôi có đầy rẫy khó khăn trong việc xây dựng nhà máy và tìm kiếm khách hàng. Tôi không còn sức để lo lắng về chuyện tên lửa bay đi bay lại. Một sự bất định còn đó, và Trung Quốc sẽ phải trả giá.”
Trung Quốc cũng bị hạn chế trong khả năng xử lý bằng quân sự với Đài Loan vì thực tế là Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ trả đũa bằng cách ngăn cản hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ – lượng hàng chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Thời gian 1990- 99, Trung Quốc thu nhập 65 tỷ đô-la trong buôn bán với Hoa Kỳ, chiếm một nửa trong số tăng trưởng ngoại tệ của Trung Quốc thời gian đó. Wang Shougen, Chủ nhiệm Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Thượng Hải có lẽ đã tóm tắt hay nhất về khả năng dễ tổn thương của Trung Quốc nếu gây chiến với Đài Loan vào năm 1996 đó là: dù bị tấn công thì “thái độ của chúng tôi đối với các nhà đầu tư Đài Loan vẫn sẽ không thay đổi nhiều lắm.” Tôi rất thích lời tuyên bố đó. Ngay cả khi tôi xâm chiếm nước bạn, tôi chắc chắn vẫn hy vọng rằng những nhà đầu tư của bạn sẽ không lấy làm phật ý!
Khả năng cùng bị hủy diệt là rõ ràng. Đài Loan không thể chịu đựng được sự suy giảm lòng tin trong giới đầu tư quốc tế cao như mức của Trung Quốc, hậu quả tất yếu nếu họ cố gắng theo đuổi đường lối độc lập. Nếu chiến tranh xảy ra thì không những thị trường chứng khoán của họ đổ vỡ mà tài sản của Đài Loan sẽ đi tong. Sự thể sẽ rất tồi tệ. Bầy thú sẽ bỏ chạy. Một thực tế ít ai biết đến đó là máy vi tính các loại lưu hành trên thế giới trong một chuỗi xích bán lẻ toàn cầu trong đó Đài Loan và các công ty của họ ở Trung Quốc và Á châu là những mắt xích chủ chốt. Nhà máy của Đài Loan sản xuất những linh kiện quan trọng để lắp ráp vào máy của Dell, Compaq, Acer, Hewlett-Packard và IBM PCs cũng như vào các thiết bị dẫn truyền cho Internet của Cisco. Đa số các hãng máy tính của Mỹ đã chấm dứt tham gia vào giai đoạn sản xuất, khiến Đài Loan trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới chịu trách nhiệm về 13 linh kiện quan trọng nhất trong phần cứng của máy tính. Chúng là vỏ hộp, màn hình, bộ
vi xử lý, modem, bộ nguồn, CD-ROM, và cạc màn hình. Nhiều loại trong số đó chỉ được sản xuất ở Đài Loan. Tạp chí Electronic Buyers’ News (19/7/1999) đã đặt câu hỏi cho các nhà sản xuất máy tính trên toàn cầu về sự căng thẳng giữa Đài Loan và Trung
Quốc. Một người phát ngôn của hãng Compaq ở Đài Bắc cho biết: “Cho đến nay mọi sự diễn ra bình thường, nhưng nếu có một phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc thì chúng tôi sẽ có kế hoạch di chuyển các đơn hàng từ Đài Loan sang Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.”
Tôi không nghi ngờ rằng nếu Đài Loan đi quá xa trên con đường đòi độc lập thì Trung Quốc sẽ dùng quân sự để chặn họ lại – dù có phải trả giá về kinh tế cao đến đâu. Không một lãnh đạo nào ở Trung Quốc có thể giữ được ghế nếu họ để cho Đài Loan được độc lập – vì làm như thế sự hợp pháp của lãnh đạo của Trung Quốc sẽ bị mài mòn. Nhưng cũng không một lãnh đạo nào của Trung Quốc có thể giữ ghế nếu không duy trì được đầu tư và thương mại với nước ngoài – đó cũng chính là căn bản cho quyền lực của họ. Vậy thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải tính toán khác trước, một khi họ đã kết nối với bầy thú.
Đại chiến chỉ nổ ra khi các cường quốc muốn tham chiến, nhưng ngày này, bản năng của các cường quốc khiến họ không nên nhảy ngay vào các xung đột. Thay vì bị kéo vào các xung đột khu vực như Bosnia, Rwanda, Liberia, Algeria hay Kosovo, các cường quốc ngày nay đang cố gắng tạo những bức tường chắn, cô lập những điểm nóng và lái xe tránh khỏi những vùng đó. Nhưng một khi bị lôi kéo vào Kosovo hay Bosnia chẳng hạn, họ cố gắng bước ra càng nhanh càng tốt, vì dây vào những nơi đó không làm cho họ mạnh hơn, mà chỉ khiến họ yếu đi mà thôi. Chính vì thế những xung đột khu vực hiện nay không còn có thể lan ra ảnh hưởng toàn cầu như trước kia, mà ngược lại, thường bị hạn chế chỉ trong khu vực. Đó cũng là điều đáng tiếc vì như thế người ta dễ làm ngơ bàng quan với chúng, nhưng đó là thực tế. Ngày nay trong khi những xung đột khu vực bị hạn chế thì có những sự kiện lại dễ ảnh hưởng tới toàn cầu
– đó là những khủng hoảng kinh tế khu vực – như ở Mexico giữa thập niên 90, Đông Nam Á vào cuối những năm 90 và ở Nga khi kết thúc thập niên 90. Những cơn khủng hoảng kinh tế khu vực và tiềm năng lan tràn của chúng đang làm chấn động hệ thống toàn cầu hóa. Thuyết Domino, một thời áp dụng trong chính trị, nay đang được áp dụng vào thế giới tài chính.
Lý thuyết Vòng Cung Vàng đã chứng tỏ ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với địa-chính trị – thông qua hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa khiến cho chi phí các hoạt động chiến tranh tăng gấp bội. Và ảnh hưởng của toàn cầu hóa cũng được thể hiện bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn nó làm xuất hiện những nguồn quyền lực mới, mạnh hơn sức mạnh của xe tăng, máy bay và tên lửa, và làm xuất hiện những nguồn sức ép mới đối với các quốc gia – buộc họ phải tự tổ chức lại. Những nguồn sức ép không phải gây ra bằng những cuộc xâm lấn và đột nhập quân sự mà bằng sự xâm lược vô hình của các chuỗi siêu thị và những cá nhân được trao quyền.
Để chứng minh xin lấy ví dụ vùng Trung Đông. Hãy đứng trên quan điểm toàn cầu đa diện để xem xét vùng này, bạn sẽ thấy được những điều thú vị.
Mùa thu 1997, tôi sang Israel. Tiến trình hòa bình Trung Đông đang ở vào giai đoạn trì trệ. Nhưng tôi tình cờ thấy được một bài viết trong mục thương mại của một tờ báo rằng viện trợ nước ngoài ở Israel vẫn còn khá mạnh mẽ. Ngạc nhiên, tôi đến gặp Jacob Frenkel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và hỏi ông ta: “Vì sao tiến trình hòa bình Trung Đông đang đi xuống trong khi đầu tư nước ngoài vào Israel lại đi lên?”
Câu trả lời của Frenkel và tôi là ngày nay Israel đang nhanh chóng chuyển dời từ một nền kinh tế nông nghiệp trồng cam, khai thác kim cương và dệt vải sang một nền kinh tế công nghệ cao, với hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ cho phép Israel không còn dễ bị uy hiếp trước áp lực chính trị của thế giới Ả rập, của nạn khủng bố, tẩy chay và những thăng trầm của tiến trình hòa bình nhưng cũng biến Israel trở nên yếu hơn nếu phải tham gia vào một xung đột quy ước. Lý do: Thời trước Israel trồng cam, Ma rốc cũng trồng cam, và Tây Ban Nha cũng trồng cam, vậy là nếu khách hàng ở Nhật hay Pháp không chấp nhận một chính sách nào đó của Israel thì, để trừng phạt, họ sẽ mua cam của nước khác. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những công ty của Israel, công ty Galileo Technology, Ltd., chẳng hạn, phát minh ra thiết bị vi tính Ethernet sử dụng cho các mạng điện toán liên lạc nội bộ? Bạn không thể mua chúng ở Ma rốc được. Điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty Israel thống lĩnh thị trường công nghiệp cao, như các công cụ mã hóa để bảo mật trên Internet, hiện đang được áp dụng cho các cơ sở công nghệ và quân đội Israel? Bạn không thể mua chúng ở Tây Ban Nha được. Kết quả là mọi người sẽ đến lạy van Israel, dù tiến trình hòa bình có thăng trầm đến đâu. Mọi công ty lớn của Hoa Kỳ đều đã mở một chi nhánh ở Israel hoặc mua lại một phần các công ty trong nội địa Israel – Intel lúc đó vừa tung vào 1,5 tỷ đô-la đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip vi tính. Nhật Bản vốn dĩ lảng tránh Israel do sợ bị thế giới Arập trả đũa nay trở thành nguồn cấp vốn đứng thứ hai sau Hoa Kỳ ở nước này. Nhật Bản vốn không thông thạo về kỹ thuật thiết kế phần mềm, nay đang bỏ vốn đầu tư vào các công ty phần mềm của Israel. Tôi thấy điều đó thật thú vị khi nhớ lại thời còn là phóng viên thường trú cho tờ The New York Times ở Jerusalem giữa những năm 80, loại xe Nhật được bán thời đó chỉ là loại Daihatsu hay Subaru chất lượng thấp và rẻ tiền. Lúc đó Nhật bản chỉ bán xe hơi sang trọng cho dân Ả rập. Thời đó hết rồi. Giờ đây bạn có thể mua bất cứ loại Lexus nào nếu muốn, ở Israel, vì theo lý thuyết kinh tế, Israel ngày nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng mạnh hơn cả Arập Xê út. Bằng cách xuất khẩu phần mềm, chip vi tính và các sáng tạo công nghệ cao Irael đang xuất khẩu nguồn năng lượng dành cho nền kinh tế thông tin. Và nước nào cũng cần thứ năng lượng đó, mặc cho Israel có hành hạ người Palestine đến mấy. Cũng giống như thời 1974, ai cũng cần dầu lửa, mặc cho người Ả rập có bắt nạn dân Do Thái đến mấy. Ý nghĩa địa-chính trị nằm ở đó. Hãy nhìn vào các con số. Năm 1998, Trung Quốc có 52 nhà khoa học đang nghiên cứu ở viện nghiên cứu danh
tiếng Weizmann của Israel. Tại đó Ấn Độ cũng có 52 người của họ. Hai đất nước mà vào những năm 70 không dám bắt tay với Israel, nay đang cố sức gửi chuyên gia của họ đến đó.
Một lý do khác giúp cho Israel trở nên không dễ bị áp lực đó là ở chỗ các mặt hàng tri thức công nghệ cao thường rất nhẹ và không dễ gì bị phá hoại. Một số sản phẩm được xuất khẩu bằng modem. Đầu tư công nghệ cao ở Israel là trang bị cho con người và trí óc chứ không cần phải xây dựng nhà máy hay những cơ sở dễ bị phá phách. Xuất khẩu kỹ thuật của Israel không đi sang các nước láng giềng, những nơi họ xung đột, mà đi đến những miền xa như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Thực tế cho thấy các công ty đó không bán sản phẩm trong nội địa hay trong khu vực Trung Đông, chính vì thế họ không bị nhạy cảm với các hoạt động chính trị trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà khách sạn Hilton ở Tel Aviv đã cho mở một quầy bán sushi, thay vì một quán ăn Ả rập. Các công ty công nghệ cao của Israel đã thu hút vốn từ phố Wall hay các cơ sở cấp vốn ở Thung lũng Solicon – họ không bị lệ thuộc vào thị trường chứng khoán Tel Aviv; và khuynh hướng hiện nay cho thấy các công ty đó mở các trụ sở ở nhiều nơi, ví dụ một ở Thung lũng Silicon, một ở Tel Aviv. Check Point, một công ty Israel kiểm soát khoảng 50 phần trăm thị trường công cụ bảo vệ an ninh Internet, tường lửa chẳng hạn, đã có một văn phòng và cơ sở nghiên cứu ở Israel nhưng cũng có một văn phòng ở Thung lũng Silicon, để tiếp cận thị trường. Một nhà phân tích tài chính phố Wall, chuyên theo dõi ngành công nghệ kỹ thuật cao của Israel cho tôi biết rằng, để quan sát tình hình Israel, chị thường phải sang California nhiều hơn là sang Tel Aviv.
Nhưng khi làm như vậy, Israel đã bộc lộ những chỗ yếu nhất định. Israel phát triển một nền kinh tế tri thức, nhưng những người lao động – giới trí thức – lại là một lượng có khả năng di chuyển nhanh và muốn được hậu đãi. Nếu những kỹ thuật viên chủ chốt ở Israel nghĩ rằng đã đến một thời điểm họ không còn chịu đựng được nữa – do xung đột quân sự và tranh giành tôn giáo hầu như không thuyên giảm – họ sẽ ra đi hay chuyển nơi làm việc ra khỏi Israel. Những tình cảnh như vậy chưa xảy ra nhưng không phải là không tưởng. Mức thu nhập bình quân 17.000 đô-la/người của Israel gần tương đương với mức của nước Anh. Israel là nơi có McDonald’s. Và nếu Thủ tướng Israel ra lệnh cho binh lính xâm lược và chiếm cứ một vài phần trên dải Gaza hay bờ Tây sông Jordan, không vì lý do sống còn của đất nước, thì sẽ có rất nhiều nhân tài trí thức của nước này bỏ đi. Dĩ nhiên nếu có người không kết nối với Bầy Thú Điện Tử, như Saddam Hussein hay những kẻ khủng bố chẳng hạn, họ chiếm được một loại vũ khí hạt nhân rồi muốn cho nổ tại Israel thì việc Israel sử dụng quân sự vẫn là cần thiết, dù kinh tế có là công nghệ cao hay thấp. Nhưng tôi vẫn tin rằng cái hố ngăn cách về trình độ kỹ thuật giữa Israel và thế giới Ả rập trong những năm tới sẽ còn rộng hơn nữa, nếu Israel có khả năng bỏ lại đằng sau sự xung khắc với người
Palestine. Khi tất cả những thứ mà bạn chào mời thế giới chỉ là nhân lực rẻ mạt hay dầu lửa như trong trường hợp của đa số các nước Ả rập, thì chính bạn sẽ bị hạn chế. Nhưng khi bạn có một nền kinh tế đi theo hướng thịnh vượng và có khả năng quy tụ tri thức, vốn và tài nguyên từ khắp thế giới, bạn sẽ không bị trói buộc bởi nội lực, cũng như trường hợp Israel vậy. Trong lịch sử ta thấy hai quốc gia sử dụng thủy năng
ở Trung Đông: Ai Cập trên dòng sông Nile và Mesopotania có dòng sông Tigris và Euphrates. Trong thế kỷ 21 tôi tin rằng sẽ có đất nước thứ ba, sử dụng dòng sông Jordan. Israel sẽ trở thành một đầu tàu công nghệ cao và kéo theo sông Jordan và giúp đỡ người Palestine cùng tiến với họ. Công ty Siemens đã nối nhà máy của họ, Siemens Data Communications đóng gần Haifa, với một nhóm kỹ sư người Palestine của công ty này hoạt động ở thành phố Ramallah trên vùng bờ Tây, tất cả nối với đại bản doanh của hãng ở Đức. Đó là một sự khởi đầu.
Cách nhìn toàn cầu cũng có ích lợi trong việc giải thích về thế giới Ả rập Hồi giáo ngày nay. Tháng 11 năm 1997 tôi đến vịnh Ba Tư. Xin hãy nghe tôi kể bốn câu chuyện trong chuyến đi này:
Câu chuyện thứ nhất: Trong chặng dừng chân đầu tiên ở Kuwait, 10 giờ đêm, trong khách sạn Sheraton, khi sắp sửa lên giường đi ngủ, điện thoại của tôi rung chuông. Đó là một phụ nữ trẻ người Kuwait gọi điện, giải thích chị làm việc cho Hãng Thông tấn Kuwait (KUNA), và thường dịch bài của tôi. Chị muốn phỏng vấn tôi. Thật ngạc nhiên – một nữ ký giả Kuwait gọi điện cho một nhà báo phương Tây lúc 10 giờ đêm. Tôi nói hôm sau tôi sẽ đi thăm các cơ sở dầu lửa và nếu chị muốn thì có thể đi cùng tôi. Nhưng nhà báo này muốn gặp tôi ở khách sạn lúc 7 giờ sáng hôm sau. Đúng 7 giờ sáng, chị đến khách sạn, đeo khăn che mặt theo truyền thống – và tỏ ra là một người rất thông minh. Trong lúc trò chuyện tôi hỏi chị có anh chị em không. “Tôi có một người anh,” chị nói. “Anh ta vừa cưới một cô vợ người Kuwait, người mà anh ta gặp trong trên Internet, trong một chatroom.” Điều mà nhà báo này không nói với tôi nhưng tôi lại khám phá sau đó, đó là một đám cưới mà hai bên khác biệt về tông phái tôn giáo. Một bên là Hồi giáo phái Sunni, bên kia theo phái Shiite. Nhưng cặp vợ chồng đã gặp nhau trên Internet, nơi không có những ràng buộc về truyền thống và tập quán của Kuwait, và khi họ gặp nhau trực tiếp thì họ đã phải lòng ngay (nói theo ngành vi tính là “sét đánh ngang byte”). Cha mẹ của cô dâu rất buồn. Nhưng cô dâu nói với họ rằng lòng cô đã quyết. “
Chiếc bánh cưới của họ mang hình một chiếc máy tính cùng bàn phím,” nữ ký giả trẻ trung người Kuwait kể với tôi.
Chuyện thứ hai: Khi ở Kuwait tôi đã đến gặp Ibrahim S. Dabdoub, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Kuwait, một trong những vị quản trị ngân hàng đáng kính nhất vùng này. Khi vào văn phòng của ông ở thủ đô, tôi thấy ông ta đang giận dữ. Sao vậy? Tôi hỏi. Dabdoub giải thích rằng hãng hàng không Kuwait Airways, hàng không
quốc gia, muốn đăng ký vay tiền để mua hai máy bay Boeing mới, loại thương vụ mà xưa nay ngân hàng của ông thực hiện rất ngon lành. Nhưng lần này, ông giải thích “có ai đó tự nhận là NationsBank ở Maryland” đã đấu thầu tài trợ cho Kuwait Airways, với mức lãi suất chỉ cao hơn mức lãi tốt nhất thị trường 0,25%. “Đó là hiện tượng bán phá giá,” Dabdoub thốt lên. “Phá giá trong tài chính.” Ông ta so sánh với hiện tượng các quốc gia cho xuất khẩu các sản phẩm với giá thấp hơn giá thành sản xuất để chiếm lĩnh thị trường. “Không công bằng chút nào. Một ngân hàng lớn địa phương của Mỹ, thậm chí không mang danh toàn cầu, không ai biết đến, lại cạnh tranh với các ngân hàng Kuwait và đã chiếm được thương vụ này.”
Chuyện thứ ba: tôi rời Kuwait để sang một hội nghị ở Qatar. Khi đang xếp gọn đồ đạc trong khách sạn Sheraton để lên đường, điện thoại lại réo. Đó là một nữ phóng viên người Qatar, 21 tuổi, người đã đọc cuốn sách này của tôi và muốn gặp. (Tôi không bịa ra chuyện này, nhưng vợ tôi thì không tin chút nào). Tôi nói với cô ta rằng tôi đang trên đường ra sân bay, nhưng nếu cô ta muốn đi cùng trong taxi với tôi để trò chuyện thì cũng được. Đó là một phụ nữ đáng yêu, thông minh và nói tiếng Anh giỏi. Tiếng Anh của cô ta giỏi đến mức tôi đã hỏi có bao giờ cô viết báo bằng tiếng Anh, vì nếu được thì cô ta có thể trở thành cộng tác viên của báo The New York Times trong cuộc họp Thượng đỉnh Kinh tế ở Trung Đông sắp tới. Cô này nói: “Nói thật là tôi viết cho một trang web đưa tin vùng Vịnh, và chính phủ của tôi không gì về chuyện này.”
Tôi thấy hay quá. Một phụ nữ trẻ Hồi giáo viết bài cho thế giới trên Internet kể về đất nước của chị vậy mà chính phủ không biết đến. 10 năm trước làm sao có chuyện như vậy, không nói đến 100 năm. Nhưng đây là hình tượng của tương lai. Ngày nay một số chương trình truyền hình và tờ báo được ưa thích nhất ở Trung Đông được các công ty tư nhân phát đi từ châu Âu và nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ trong khu vực.
Chuyện thứ tư: Ả rập Xê út đang xem xét việc cho phép phụ nữ lái xe hơi, điều mà xưa nay họ cấm đoán. Vấn đề này đã và đang được tranh cãi quyết liệt tại nước này nhưng gần đây đã trở nên cấp bách hơn. Vì sao? Do sự sụt giá của dầu lửa, vương quốc này không còn khả năng trả lương cho nửa triệu người nước ngoài sang hành nghề lái xe. Hãy xem bài phỏng vấn đăng trên tờ báo Al-Quds al-Arabi và được dịch đăng trên tờ Mideast Mirror ngày 17/4/1998. Người được hỏi là hoàng tử Talal bin Abdelaziz, có lẽ là thành viên có tư tưởng tự do trong hoàng tộc Xê út. Talal là người anh em của cả quốc vương Fahd lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Sultan, và là bố của hoàng thân al-Waleed bin Talal, một nhà công nghiệp năng động nhất của đất nước. Được hỏi là ông có ủng hộ việc cho phép phụ nữ nước này lái xe, Talal nhất trí ngay và nói thêm: “Phụ nữ Xê út vốn dĩ đã cưỡi lạc đà cùng đàn ông. Vậy thì có gì khác nhau giữa lạc đà và xe hơi? …Việc phụ nữ lái xe đã trở thành một sự cần thiết về kinh tế. Chúng ta chuyển hàng triệu đô-la sang những quốc gia có kiều dân sang đây làm
tài xế, vậy thì tại sao không tiết kiệm khoản tiền đó.”
Hoàng tử Talal nói tiếp: “Cải cách chính trị đang trở thành một bộ phận của toàn cầu hóa và chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó với tình hình đó… toàn cầu hóa hiện nay đang dựa trên nền móng dân chủ, nhân quyền và kinh tế thị trường. Có người đã nói vui, gọi toàn cầu hóa là “thời trang” trong đó chúng ta phải chạy theo. Nếu Trung Quốc cũng chạy theo “thời trang” đó thì tại sao những quốc gia vùng Vịnh không làm điều đó? Họ phải hiểu rằng thay đổi là tất yếu.”
Những câu chuyện trên nói với chúng ta điều gì? Chúng nói rằng những điều gì Saddam Hussein làm hay không làm, hay những gì láng giềng của ông ta tuân phục hay bỏ qua, tất cả đều sẽ tác động mạnh mẽ đến sự ổn định của Trung Đông. Và trước khi ông ta ra đi, những hành động của Hussein có nhiều khả năng sẽ gây ra chiến tranh hay ngưng bắn.
Nhưng trong lúc này có một cuộc xâm lăng đang lặng lẽ xảy ra trong vùng Vịnh – cuộc xâm lăng của thông tin và tư bản tư nhân thông qua hệ thống toàn cầu hóa. Nhiều năm qua thế giới Ả rập đã bị cách ly khỏi những cuộc cách mạng thông tin và thị trường tài chính – những tác nhân lớn đối với châu Á và nhiều vùng khác trên thế giới. Dầu lửa đã cho phép người Ả rập và Iran tránh được sức ép phải giảm biên chế và tư nhân hóa những nền kinh tế của họ. Dầu lửa cho phép họ dựng rào cản trước những áp lực đó và tiếp tục duy trì rào cản ngay cả khi bức tường Berlin sụp đổ. Thời đó qua rồi. Làm thế nào để những xã hội Ả rập đối phó với cuộc xâm lăng của thông tin và vốn tư nhân – thích nghi hay chống lại – sẽ tạo những tác động tương tự vào toàn cảnh vùng Vịnh, mạnh không kém Saddam Hussein. Nếu bạn không nhận thấy cuộc xâm lăng đó, không thấy bộ mặt mới của Trung Đông ngày nay, và nếu làm ngơ trước cuộc xâm lăng không tiếng súng nói trên thì bạn thông thể vạch chiến lược đúng đắn cho Trung Đông. Và xin báo trước: cuộc xâm lăng lặng lẽ này sẽ không bao giờ ngưng.
Một lần tôi đi bộ trên đường phố Teheran cùng một cộng tác viên của báo The New York Times, cũng một phụ nữ 21 tuổi người Iran nhưng đã Âu hóa nhiều. Chúng tôi trao đổi về chủ đề dầu lửa ảnh hưởng ra sao tới nền chính trị của Iran, đặc biệt về việc dầu lửa đã cho phép các vị trưởng giáo tiếp tục cầm quyền trong một thời gian quá dài, vì thu nhập từ dầu lửa đã bù trừ cho hoạt động kinh tế yếu kém dưới chế độ Hồi giáo. Dầu lửa, chứ không phải lòng tin Hồi giáo, chính là vũ khí bí mật của Iran. Nếu không có sự cứu giúp về tài chính mà thu nhập từ dầu lửa mang lại, thì các vị trưởng giáo đã phải mở cửa đất nước và khoác lên mình chiếc áo nịt nạm vàng – đơn giản vì nền kinh tế ở đây không thể tăng trưởng kịp để cáng đáng mức tăng dân số mà không cần đến những đầu tư lớn từ nước ngoài. Và nữ đồng nghiệp của tôi nói một câu mà tôi nhớ mãi, về đất nước Iran: “Nếu không có dầu lửa thì chúng tôi có thể phát triển như Nhật Bản.”
Tôi hứa với cô ta một điều. Một ngày nào đó các giếng dầu ở Iran sẽ khô cạn, hay thế giới sẽ khám phá ra một nguồn năng lượng thay thế dầu lửa thì điều gì sẽ xảy ra: Các vị trưởng giáo sẽ phải mặc tấm áo nạm vàng, nếu không, sẽ bị hạ bệ. “Hãy báo cho tôi hay cái ngày mà dầu lửa ở Iran cạn dần,” tôi nói, “và tôi sẽ báo cho cô và cái ngày có một trưởng giáo Gorbachev xuất hiện ở đây.”
Và lúc đó cũng sẽ xuất hiện cả tiệm ăn McDonald’s.
Trong một bữa ăn tối ở Ma rốc năm 1996, bạn tôi, một nhà ngoại giao Mỹ, người tôi gặp lần đầu ở Moskva trong thập niên 80, đã giải thích cho tôi về những khác biệt trong vai trò của anh thời nay so với thời Chiến tranh Lạnh, về những thế lực đang định hướng ở những nơi anh ta hoạt động, về tình hình thế giới nói chung mờ đục so với sự tách bạch về quyền lực của thời Liên Xô và Mỹ.
“Khi tôi vào ngoại giao,” anh ta thú thật, “thì đó là một môi trường định hướng rõ ràng. Bạn học ngoại ngữ, được cử vào cuộc chơi và sang đóng ở một đại sứ quán ở nước ngoài. Cũng như đi câu vậy: ném mồi ra rồi kéo mồi vào, bạn biết rõ luật chơi, trò gì, và mục đích gì. Ngày nay, sự nghiệp của bạn như trong cuộc chạy vượt chướng ngại. Chúng tôi nói với nhau, ‘Chúng ta đi đâu thế này, dùng loại bóng gì để ném, và người bắt bóng là ai vậy?’ Vị đại sứ có thể đến hỏi, ‘anh đang làm gì thế?’ Và bạn không rõ là mình đang làm gì, rồi tự hỏi, ‘Mình đang làm gì ở đây nhỉ?’ Chính phủ Hoa Kỳ có thể đóng cửa [như trong năm 1996] mà cũng chẳng ảnh hưởng gì, điều đó làm nhiều người giật mình… càng ở ngành ngoại giao lâu tôi càng có cảm giác mình lạc vào một cảnh của câu chuyện Chùm nho uất hận trong đó viên chức ngân hàng đến siết nhà của người nông dân và người này đã dọa bắn chết ông ta, nhưng viên chức đó nói đó không phải lỗi của ông, vì ông chỉ là người thừa hành lệnh của một tổ chức. Và người nông dân hỏi đến bao giờ mới kết thúc được điều đó? Tôi phải bắn ai bây giờ? Vị quan chức nhà băng trả lời, ‘tôi không biết, hình như không có ai cho anh bắn đâu.’”
Lời than vãn của ông bạn tôi là điều bạn ngày nay thường nghe từ cộng đồng những chuyên viên vạch chính sách đối ngoại. Vì sao anh ta bị rối trí? Vì hệ thống Chiến tranh Lạnh là một thế giới được phân chia rõ ràng, và ai cũng biết cách đo đếm sức mạnh, đánh giá hiểm họa, sự răn đe và những lợi thế, đặng đưa ra những chiến lược đúng hướng. Dẫu cho thời đó có những bất đồng trong cách vạch chiến lược – phong tỏa chặt chẽ, hòa hoãn hay kiểm soát vũ khí – nhưng mọi người thường vẫn sử dụng một thứ thuật ngữ chung và quan điểm chung trong việc hình thành từng phần của chính sách. Có một sự nhất trí chung rằng Chiến tranh Lạnh là một hệ thống dựa trên cán cân lực lượng thông thường được xây dựng xung quanh quanh các quốc gia, các đội quân và những loại vũ khí hạt nhân. Một nhà chiến lược thời đó có nhiệm vụ hoán chuyển các yếu tố đó, kết hợp chúng để làm sao chúng sang bên phe ta nhiều hơn là ở bên phe đối phương.
Nhưng địa-chính trị trong thời toàn cầu hóa phức tạp hơn nhiều. Bạn vẫn lo lắng về những đe dọa từ những quốc gia mang tính ly khai – Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên. Nhưng bạn cũng dần phải quan tâm đến những đe dọa từ những nước mà bạn có quan hệ – thông qua cả Internet, thị trường và những cá nhân được trang bị tốt, những người có khả năng bước thẳng đến gặp bạn. Hơn nữa trong thế giới đầy những quan hệ, nhà nước có thể bị đe dọa, hoặc bị cuốn hút vào các cuộc xung đột, thậm chí chỉ do một nước láng giềng tan vỡ hay một kẻ thù cũ (như Nam Tư) ra đi, hoặc khi phải phản ứng trước sự hiếu chiến của một nhà nước (như Iraq).
Quan trọng hơn, quan tâm của các nhà nước thời nay mang tính chất đa dạng hơn nhiều, ngày càng có thêm các chương trình nghị sự cho họ quan tâm, hơn là chỉ chăm chăm vào lo cho việc họ thuộc phe nào. Trên thế giới, bạn thấy có một gánh xiếc với năm sân khấu – trong đó các nước đang vật lộn với những vấn đề liên quan tới hình thù, kích cỡ, chất lượng, sự bình đẳng, tự do hoặc tổng hợp tất cả những điều đó. Trong tình hình đó, để đo đếm quyền lực và đánh giá hay dự đoán hoạt động của các nhà nước, các nhà phân tích phải đồng thời quan tâm đến cả năm vấn đề.
Xin phân tích từng chủ đề. Trước hết, như Michael Mandelbaum nói, một khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh “nhiều nước, lần đầu tiên trong vòng 50 năm, quan tâm tới hình thù của họ, nước nào là láng giềng chung biên giới và nước nào không.” Bạn có thể thấy hiện tượng này xuất hiện từ Nga, đến Nam Tư, rồi đến Indonesia – nhiều quốc gia cố gắng phân xử ai là người chủ của cây ô liu nào, trong địa bàn nào – vì chúng không còn bị Chiến tranh Lạnh quyết định một cách cứng nhắc nữa. Những nước cảm thấy thoải mái với hình dạng của mình thì lại có một mối quan tâm khác, trong thời toàn cầu hóa. “Những nước khác lo về việc kích cỡ,” Mandelbaum nói. “Kích cỡ của các cơ quan nhà nước của họ.” Điều này cũng áp dụng cho toàn bộ các thành viên của Liên hiệp Tiền tệ châu Âu – những nước này đang cắt giảm bộ máy chính phủ để cùng duy trì một đồng tiền và tồn tại trong toàn cầu hóa. Họ biết là hình dạng của từng thành viên trong khối đã được cố định. Giờ đây họ chú trọng vào kích thước của các chính phủ thành viên, giảm kích cỡ để cùng mặc chiếc áo nịt nạm vàng của châu Âu liên minh. Một số nước khác thì lo đến chất lượng của nhà nước trong toàn cầu hóa – ví dụ Thái Lan, Hàn Quốc và Brazil – tất cả, sau cuộc khủng hoảng Á châu, đang cố gắng nâng cấp chất lượng của chính phủ và các hệ thống tài chính, để đào tận gốc nạn tham nhũng và sự móc ngoặc trong làm ăn. Trong khi đó có những nước khác lại chú trọng vào đạt cho được sự bình đẳng, giải quyết cái hố ngăn cách giữa giàu và nghèo do toàn cầu hóa gây ra. Chẳng hạn Mexico và Venezuela đang dồn sức vào chủ đề bình đẳng và công lý – người thắng và kẻ thua trong toàn cầu hóa sẽ được chia phần như thế nào. Và sau cùng, có những quốc gia vẫn còn phải tập trung giải quyết chủ đề liên quan tới quyền tự do – toàn cầu hóa đòi hỏi rằng nếu không có dân chủ hóa, tự do báo chí và những cơ cấu kiểm soát chính phủ và nếu không có khả
năng thay đổi lãnh đạo thì họ sẽ khó có cơ tăng trưởng. Những quốc gia mang tính đa dạng cao như Pakistan, Peru và Trung Quốc đang vật lộn với chủ đề quyền tự do.
Điều khiến cho Nga và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, Mandelbaum nói, “chính là việc họ phải đương đầu với tất cả các chủ đề trên cùng một lúc.” Họ vật lộn với hình dạng đất nước – lãnh thổ nào thuộc về họ (Tây Tạng? Đài Loan? Chechnya?); cố gắng cắt giảm bộ máy nhà nước trước sự đòi hỏi của toàn cầu hóa; cố gắng nâng cấp chất lượng bộ máy nhà nước; giải quyết sự bất bình đẳng xẩy ra khi chế độ phúc lợi cũ không còn nữa, hội nhập, và khi các vị quan chức mới ăn cắp tài sản của nhà nước thông qua chương trình tư nhân hóa; và họ tiếp tục vận lộn với sự đòi hỏi dân chủ hóa và quyền được tham gia chính phủ.
Chính vì thế bạn không thể hoạch định chính sách đối với Nga hay Trung Quốc nếu không cảm nhận được toàn bộ năm thách thức kể trên, không tiên đoán được kết quả của những cố gắng đó, và không cảm nhận được khả năng của hai nước này đối phó ra sao trong cách ứng xử quốc tế của họ. Ứng xử của Nga và Trung Quốc sẽ tùy thuộc phần lớn vào việc họ phát triển ra sao, cụ thể là tùy thuộc vào việc họ xử lý năm thách thức ra sao. Những chủ đề trên đã không nổi lên trong thời Chiến tranh Lạnh, vì đó là một cuộc chiến và câu hỏi duy nhất thời đó là: Bạn ở phe nào? Nếu bạn
ở phe tôi thì tôi coi bạn là tốt – không cần biết đến đặc điểm hình dạng, kích cỡ, chất lượng, bình đẳng hay tự do của bạn ra sao. Nếu bạn thuộc phe đối phương thì bạn là xấu – dù đặc điểm của bạn có hay đến mấy. Chúng ta đã vô tình cho rằng sau Chiến tranh Lạnh, mọi sự sẽ trở nên ngon lành, nhưng thực ra, mọi sự đã trở nên phức tạp hơn nhiều, dẫu cho Nga, Trung Quốc và các nước khác có thái độ tích cực đến đâu. Đối phó với năm đặc tính là nhiệm vụ của các nguyên thủ quốc gia; nếu bạn là một vị nguyên thủ nhưng chỉ chăm chăm nói tới một đặc tính, hình dạng đất nước chẳng hạn, thì bạn sẽ bị lạc lõng trong thời kỳ mới.
Tóm lại, tôi xin nhấn mạnh lần nữa rằng tấn kịch quan hệ quốc tế ngày nay đang kết hợp những điều mới mẻ – áp lực, ưu đãi và sự phức tạp của hệ thống toàn cầu hóa
– tương tác với những điều cũ kỹ, nỗi đam mê câu ô liu trong mỗi chúng ta. Mỗi người đều phải tôn trọng sức mạnh của toàn cầu hóa, cùng với nó là chiếc áo nịt, những siêu thị tài chính và, vâng, cả McDonald’s nữa, để làm thuyên giảm những hành vi hiếu chiến của một số quốc gia; nhưng mỗi người cũng phải tôn trọng sức lôi cuốn của cây ô liu và những điều gắn bó có thể làm sống dậy con người phi lý trong chúng ta. Điều kết luận duy nhất của tôi là những áp lực của hệ thống toàn cầu hóa, hiện thân là chiếc xe hơi Lexus, đang có khuynh hướng chế ngự sức lôi cuốn của cây Ô liu tại đa số các quốc gia – trong số đó có cả Serbia. Khuynh hướng này có bền vững và đảm bảo mang đến Hòa bình Vĩnh cửu hay không? Khó mà đoán được. Bạn không thể biết rồi liệu sẽ có hay không những khuynh hướng khác, khuấy động tinh thần cây ô liu trong mỗi chúng ta bằng những cung cách hiếu chiến và xấu xa.
Để minh họa cho sự giằng co giữa toàn cầu hóa và những cây Ô liu trong mỗi chúng ta, tôi đã tưởng tượng ra cuộc trò chuyện giữa một vị ngoại trưởng Mỹ đúng đắn, ông Warren Christopher chẳng hạn, với một lãnh đạo không mấy đứng đắn, ví dụ Tổng thống Hafez el- Assad của Syria – một người ôm giữ các giá trị của cây Ô liu và Chiến tranh Lạnh. Cuộc trò chuyện sẽ như sau:
Christopher: “Hafez – vui lòng cho phép tôi gọi ông bằng tên? Hafez, ông là một người của ngày hôm qua. Ông vẫn sống trong Chiến tranh Lạnh. Tôi biết là ông chỉ du hành khỏi Trung Đông có vài bận, vậy để cho tôi kể với ông về một thế giới mới. Hafez, Syria nhiều năm qua đã tranh cãi liệu có nên cho phép dân chúng ở đây được có máy fax. Rồi ông lại mất thêm bốn năm để bàn xem dân chúng có được phép lên Internet hay không. Thật đáng buồn. Làm như thế nên thu nhập bình quân theo đầu người của Syria mới chỉ ở mức 1.200 đô-la/năm. Và Syria chỉ may ra có thể sản xuất được bóng đèn điện. Từ năm 1994, toàn bộ khu vực tư nhân của ông chỉ xuất khẩu được một tỷ đô-la mỗi năm. Một vài công ty vô danh của chúng tôi cũng đã xuất khẩu được tới một tỷ mỗi năm. Hafez, ý tôi muốn nói là trong Chiến tranh Lạnh, Syria có sản xuất chip điện tử hay khoai tây rán, xe hơi Lexus hay bóng đèn điện thì cũng không ai quan tâm, vì nước này đã rất no đủ thông qua việc bú sữa của con bò siêu cường và tống tiền các nước láng giềng. Vâng, tôi có thể thấy ông đang mỉm cười, Hafez. Ông biết đó là sự thật. Ông đã bòn của Arập Sê út hàng tỷ bạc bằng cách nói với họ rằng, theo cách nói của giới Mafia, “sẽ có một trục trặc” xảy ra trong những khu dầu khí của họ, nếu họ không nộp tiền cho Syria. Ông vắt sữa con bò cái Liên Xô vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu, vắt của con bò châu Âu vào thứ ba và thứ năm, và con bò Trung Quốc vào ngày chủ nhật. Liên Xô thậm chí đã mua những rác rưởi do nhà máy quốc doanh của ông sản xuất, trang bị vũ khí và viện trợ cho ông để đổi lấy tình hữu nghị. Đó là một thời hoàng kim, Hafez, thời mà ông lợi dụng phái này hay phái kia để thủ lợi. Nhưng Hafez ạ, thời đó qua rồi. Người Xê út không còn nộp tiền cho ông nữa, trữ lượng dầu lửa của ông không còn dồi dào; trong 10 năm nữa, Syria sẽ trở thành một nước nhập khẩu dầu thô, và ông lại có mức tăng dân số cao nhất vùng Trung Đông. Viễn cảnh không được tráng lệ cho lắm. Hafez. Tồi tệ hơn là sự ra đời một kiến trúc thượng tầng mới trên thế giới. Không còn hai siêu cường cạnh tranh để thủ lợi nữa. Liên Xô đi tong rồi và người Mỹ chúng tôi đang phải cân đối ngân sách. Thay vì siêu cường, Hafez ạ, giờ đây ta có Siêu thị tài chính. Xin nói với ông, ông không thể thủ lợi giữa thị trường Frankfurt, Tokyo hay Singapore chống lại phố Wall nữa. Không, không và không. Chúng sẽ chơi chính bản thân ông. Chúng sẽ thủ lợi bằng cách đặt Syria chọi với Mexico chọi với Brazil chọi với Thái Lan. Những nước nào làm ăn được sẽ được thưởng bằng vốn đầu tư từ các siêu thị. Những nước nào thua thì sẽ bị bỏ rơi ở vệ đường trên con đường đầu tư toàn cầu. Và Hafez, nạn nhân có thể chính là ông đó.
Nhân thể, Hafez, tôi thấy Syria và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây có chút xung đột biên giới, nhưng tôi cũng biết là ông ra sức tránh gây chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai chúng ta đều hiểu chuyện này, phải không ông? Đó là Liên Xô không còn nữa, và ông biết rằng trong một cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, hay với Israel hay với ai cũng thế, nếu bị mất mát vũ khí, thì ông sẽ phải bỏ tiền túi ra mua mới – tiền mặt trao tay. Vậy thì tiền đâu ra, Hafez, cho tôi xem đi! Không còn Liên Xô để có thể trang bị những vũ khí mới, đổi lại bằng những thứ rác rưởi sản xuất từ những nhà máy quốc doanh của ông. Và cũng không còn những quốc gia dầu lửa Arập muốn thay mặt ông đi mua vũ khí nữa, vì chính họ cũng đang khánh kiệt. Vậy thì ông hết đường rồi, Hafez. Xưa nay bao giờ tôi cũng nói rằng cách tốt nhất để gây ép buộc đối với lãnh đạo của một nước đang phát triển: đó là nói ông ta sẽ phải dùng tiền túi của ông để mua vũ khí, đặc biệt trong thời buổi này, khi mà một máy bay chiến đấu hiện đại có giá khoảng 50 triệu đô-la. Xin nói thêm, tôi sẽ để lại với ông một chiếc điện thoại di động của tôi. Loại Motorola mới nhất, kết nối với vệ tinh viễn thông. Dùng điện thoại này, ông có thể gọi tôi ở Washington sau vài giây. Vì, Hafez ạ, tôi không muốn sang đây nữa, vì cứ mỗi lần sang là phải chịu nghe ông giáo điều chín tiếng liền về cuộc Thập tự chinh. Tôi thà dùng thời gian vào việc khác còn hơn. Tại sao những bài giảng như thế ông không đưa vào đĩa CD rồi phân phát cho các ngoại trưởng nước khác khi họ sang Syria, hay là cài vào mạng Internet để nhân viên của tôi tải xuống. Hafez, có bao nhiêu nơi quan trọng để cho tôi đến như Mexico, Thái Lan hay Trung Quốc. Câu hỏi “ai sẽ chiếm giữ cao nguyên Golan” thật là hay, nhưng nó không còn liên quan gì đến quyền lợi của Hoa Kỳ ngày nay nữa. Nhưng, này, tôi vẫn muốn biết ông làm ăn ra sao, và vẫn mong được làm ăn cùng với ông. Dùng điện thoại di động như thế này, bấm số của tôi là 001-202-647-4910, bấm SEND [gọi] và xin được gặp Chris. Còn nếu không muốn thì, Hafez, xin đừng níu kéo gì tôi nữa.”
Và sau đây là những gì tôi nghĩ Assad đã trả lời:
Assad: “Chris – ông không phiền khi tôi gọi ông là Chris chứ? Tôi hy vọng rằng ông cảm thấy thoải mái trên chiếc ghế dày nhiều lần đệm ông đang ngồi. Tôi đã khiến cho nhiều vị ngoại trưởng Mỹ trước ông bị nguy ngập trong chiếc ghế này. Kissinger đã từng tâng bốc với tôi bằng những câu chuyện quan hệ giữa ông ta và Jill St. John – Kissinger quả là một tay chinh phục được phụ nữ. Baker đã thường gấp vội cuốn sổ tay của ông ta và nói rằng nếu tôi không chấp nhận những điều kiện của ông ta đưa ra, thì ông ta sẽ không bao giờ quay lại Damascus. À, nhưng họ bao giờ cũng quay lại, Chris nhỉ? Và bản thân ông cũng sẽ phải quay lại. Ông đã đến đây 21 lần, và ông mới chỉ sang Mexico được có một lần. Rất mừng được thấy là ông đặt ưu tiên đúng chỗ. Chris, ông nói với tôi nhiều điều về cái thế giới bên ngoài Syria. Nhưng hãy để tôi nói cho ông về khu vực của tôi. Chính trị và nhiệt huyết có thể tác động vào trị giá những chợ trái phiếu ở Hoa Kỳ, nhưng chúng chẳng có nghĩa gì trong những con hẻm ở
Damascus. Ở đây chúng tôi có sự liên hệ giữa các sắc dân, chứ không phải các trái phiếu, đang nắm quyền. Nắm đấm thép của một nhóm cầm quyền chứ không phải nắm đấm vô hình của thị trường, đang thống lĩnh về chính trị. Ở đây, chúng tôi gắn bó với những cây ô liu, Chris, chứ không phải xe hơi Lexus. Tôi sinh trưởng trong một bộ tộc ở Syria, bộ tộc Alawites. Có nghĩa là nếu tôi bộc lộ sự nhu nhược thì đa số dân Hồi giáo ở đây sẽ lột da tôi và ném nắm xương của tôi sang vệ đường. Tôi không nói ẩn dụ đâu, Chris. Đã bao giờ ông thấy một người đàn ông đang sống bị lột da chưa? Sáng nào tôi cũng nghĩ về điều đó, Chris – thay vì nghĩ về Amazon.com. Chúng tôi đang sống trong một rừng rậm thực sự chứ không phải là rừng ảo. Chính vì thế tôi có thể nghèo chứ không yếu ớt, và dân chúng không muốn thấy tôi yếu ớt. Họ hàm ơn với sự ổn định mà nắm đấm thép của tôi tạo ra. Chúng tôi có một tục ngữ Ả rập: “Một trăm năm thống trị bạo tàn còn hơn một ngày phải chịu đựng sự vô chính phủ.” Quả thực là chúng tôi không có, ông nói gì nhỉ, à, không có McDonald’s ở đây. Và thu nhập theo đầu người của chúng tôi không cao bằng của Israel. Nhưng đồng nội tệ của chúng tôi ổn định, không ai chết đói, không ai phải sống bên lề đường, quan hệ gia đình keo sơn gắn bó và chúng tôi không bị bầy thú dầy xéo. Chúng tôi ở đây trong một thế giới đi chậm, Chris, chứ không phải một thế giới nhanh chân. Tôi có lòng kiên nhẫn. Dân chúng của tôi ông trông, họ có thiếu kiên nhẫn không? Hoàn toàn không. Trong cuộc tuyển cử vừa qua, tôi chiếm tỷ lệ 99,7 phần trăm số phiếu, Chris. Phụ tá của tôi sau bầu cử đã đến thông báo: “Thưa Tổng thống, ông thắng 99,7 phần trăm phiếu, có nghĩa là 0,3 phần trăm dân chúng không bầu cho ông. Ông còn đòi hỏi gì nữa?”
Tôi nói, “Tên của bọn chúng.”
“Ha ha ha!” “
Không, Chris ạ, tôi không thể kiên nhẫn được nữa. Tôi sẽ hòa hoãn với người Do Thái với một biện pháp duy nhất đó là làm sao tôi có thể trở thành một lãnh tụ Hồi giáo, người biết dàn hòa trong danh dự – người sẽ không phủ phục thấp hèn như cái loại Arafat hay Sadat. Tôi sẽ không phải là một Sadat mới. Tôi quyết hành động giỏi hơn Sadat. Tôi quyết sẽ chỉ nhượng cho Israel phần ít hơn và chiếm phần nhiều hơn. Đó là cách duy nhất để tôi có thể tự vệ, phòng ngừa những kẻ cực đoan và những kẻ chống đối trong chúng tôi và bảo toàn vị thế lãnh tụ Ả rập và bao giờ cũng thu hút được tiền của về cho Syria. Và nếu vì điều đó mà tôi có phải dùng đến tay chân của tôi ở Li Băng để làm băng hoại Israel, tôi cũng làm. Đây là vùng nguy hiểm, Chris, và Israel đã trở nên mềm yếu hơn. Họ có bao nhiêu là chi nhánh McDonald’s của Do Thái. Những thằng lính Israel đến đánh nhau ở Li Băng thường mang theo điện thoại di động để đêm đêm gọi về cho mẹ. Hiếu thảo ghê. Chúng tôi biết lắm chứ.”
“Vậy thì Chris, nếu ông muốn chúng tôi thỏa thuận với người Do thái về vùng Golan, thì ông sẽ phải trả tiền, bằng nội tệ của chúng tôi. Tôi không có chuyện sẽ vuốt
ve lấy lòng ông. Nhưng Chris, tôi đang lo lắng. Khi quan sát hàng ngũ các ngoại trưởng Mỹ đến chơi, ngồi vào chiếc ghế đệm ông đang ngồi, tôi thấy không phải là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc mà chính là nước Mỹ, trong tư cách cường quốc, đang suy vong. Từ quan điểm của tôi thì hình như thế giới đang chuyển dần từ hai cực siêu cường sang một cực cho đến chỗ không còn siêu cường nào nữa. Ông đến đây, túi rỗng không và nắm tay mềm như cao su, Chris. Tốt hơn tôi thà đàm phán với Merrill Lynch. Ít nhất là họ dọa gì làm nấy. Hơn nữa, ông đến đây không hứa hạn gì về chuyện kiềm chế bớt Israel, vì chính phủ của ông quá yếu đuối về chính trị và sợ hãi, không dám làm phật lòng cử tri người Do Thái. Hãy nhìn những người Israel. Họ vẫn hăng say xây dựng các khu định cư ở bờ Tây, thế mà ông vẫn lặng thinh, Chris, lặng thinh. Có một điều mà một Tổng thống Syria học được đó là khả năng tiên liệu ra sự yếu đuối của người khác, và giờ này tôi đang ngửi thấy mùi nhu nhược ở khắp nước Mỹ.”
“Ông có biết người Mỹ làm tôi bực dọc ra sao không – các vị kiểu gì cũng tham. Các vị dạy đời mọi người về các giá trị, về tự do, nhưng khi những giá trị đó cản trở lợi ích chính trị hay kinh tế của các vị thì các vị quên chúng ngay lập tức. Vậy thì đừng có nói với tôi về giá trị, Chris. Chính các ông mới cần phải tự quyết ngay xem có muốn trở thành siêu cường, đại diện cho các siêu giá trị, hay chỉ là loại lái buôn, đại diện cho các siêu thị. Hãy quyết định đi. Cho tới ngày đó thì hãy tránh tôi ra. Và, này Chris, tôi trả lại cho ông cái điện thoại di động diêm dúa này. Tôi không có ai bên ngoài Syria để gọi tới cả.”
“Mà này, cẩn thận khi bấm nút SEND [gọi điện] nhé. Chưa biết chừng điều gì sẽ xảy ra…”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.