Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu

16. Tập hợp lực lượng



Mùa đông năm 1995, tôi đến Hà Nội. Mỗi buổi sáng khi đi tập thể dục, tôi dạo quanh những ngôi chùa bên hồ Hoàn Kiếm, ngay ở trung tâm Hà Nội; và mỗi buổi sáng tôi lại gặp một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé ngồi bên lối nhỏ, bên cạnh là một chiếc cân buồng tắm. Chị mời mọi người lên cân để kiếm chút tiền. Và mỗi buổi sáng tôi trả cho chị ta một đô-la và bước lên cân.

Không phải vì tôi muốn biết tôi nặng bao nhiêu cân – tôi biết rõ trọng lượng của bản thân tôi (và nếu nhớ không lầm thì cân của chị cũng không được chính xác cho lắm). Nhưng, bằng cách bước lên cân, tôi muốn đóng góp cho toàn cầu hóa ở Việt Nam. Đối với tôi, phương châm của người phụ nữ này, mà chị này không nói ra, là: “Có được thứ gì, dù lớn hay nhỏ thì cứ việc bán, đổi chác, cho thuê, thế chấp … làm bất cứ điều gì để kiếm lời, cải thiện đời sống và hội nhập vào cuộc chơi.”

Người phụ nữ và chiếc cân bàn thể hiện một thực tế căn bản của toàn cầu hóa, một điều ít khi được nhắc tới trong những bàn bạc của các nhà quản trị tiền tệ, quỹ đầu tư và những bộ vi xử lý kỹ thuật cao. Đó là: toàn cầu hóa bắt đầu từ tầng lớp dưới, từ hè phố, từ tâm hồn và những hoài bão của con người. Đúng là toàn cầu hóa là kết quả của các trào lưu dân chủ hóa tài chính, thông tin và công nghệ, nhưng động lực để lái những trào lưu đó chính là hoài bão của con người – mong muốn có một cuộc sống tốt hơn – cuộc sống có nhiều lựa chọn để đi lên, ăn ngon, mặc đẹp, du lịch, làm việc, đọc sách, viết sách và học thêm. Toàn cầu hóa bắt đầu từ một phụ nữ ở Hà Nội, ngồi bên lề đường, dùng chiếc cân bàn như chiếc vé để gia nhập cái Thế giới đi nhanh đó.

Trong trung tâm Hà Nội ngày nay, mỗi phân vuông trên hè phố dường như đều có những người buôn bán, hoặc từ mảnh chiếu, từ rương hòm hay từ cửa hiệu của họ. Trên đường phố là những người đã đổi dép guốc để lấy xe đạp, đổi xe đạp sang xe máy, đổi xe máy lấy xe hơi Honda Civic, đổi Civic lấy Camry và thỉnh thoảng có người thậm chí đổi được Camry để lấy xe Lexus. Chúng ta thường nghĩ toàn cầu hóa chỉ dính dáng tới việc một đất nước hội nhập với bên ngoài, hay những gì được áp đặt từ phía trên hay từ bên ngoài, chúng ta thường quên rằng toàn cầu hóa bắt đầu từ những tầng lớp địa phương, từ thâm tâm mỗi chúng ta.

Điều đó giải thích tại sao cùng với sự xuất hiện những sự chống đối nhằm vào những sức ép, sự tàn khốc và thách thức của toàn cầu hóa, là cả một nền tảng dân chúng ở dưới đang đòi hỏi những phúc lợi từ chính quá trình này. Nền tảng này là tập hợp của hàng triệu nhân công, những người bị toàn cầu hóa xô đẩy, nhưng chính họ đã đứng lên, phủi bụi trên quần áo, và gõ cửa toàn cầu hóa, đòi được gia nhập vào hệ thống này. Vì nếu họ chỉ có dù một phần cơ may thì những con rùa sẽ không muốn mãi mãi mình là rùa, những người bị bỏ rơi sẽ không muốn lặng lẽ đi sau, và những

người thiếu hiểu biết nay sẽ muốn học thêm. Họ muốn trở thành những con sư tử hay linh dương, họ muốn hưởng chút ít từ toàn cầu hóa, họ không muốn phá bỏ nó.

Tình cờ tôi sang Rio de Janeiro lúc chính phủ Brazil tư nhân hóa công ty điện thoại quốc doanh Telebras. Lúc đó có một cuộc biểu tình trên đường phố Rio chống tư nhân hóa. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là vào ngày hôm sau, tờ báo Brazil O Globo đăng một phỏng vấn với một trong những người xuống đường biểu tình. Khi được hỏi vì sao anh ta đi biểu tình, người này trả lời anh ta làm thế bởi vì “nghĩ rằng tôi có thể kiếm được một việc làm.” Anh chàng này không chống tư nhân hóa, mà chỉ muốn kiếm phần.

Dân chúng có thể chịu đựng được nhiều sức ép từ toàn cầu hóa hơn là người ta tưởng – vì, chẳng hạn những người thợ mỏ Nga, nông dân Mexico và lao động ở Indonesia hiểu rằng ở một mức nào đó, họ không có lựa chọn nào khác hơn là phải theo kịp vào Thế giới Đi nhanh; phần nữa cũng bởi vì số đông dân chúng không muốn thế giới đó đi chậm lại. Dĩ nhiên, nếu những thế lực thị trường trở nên khó kiểm soát – nếu dân chúng cảm thấy toàn cầu hóa trở nên điên rồ, phá vỡ quan hệ giữa lòng hăng say làm việc và mức cải thiện sinh hoạt và những sự cải tổ đầy đau đớn và chính sách thắt lưng buộc bụng không đem lại gì cho họ – thì chắc chắn họ sẽ đạp bỏ toàn cầu hóa. Nhưng chúng ta chưa phải đã tiến đến cái mức đó.

Hãy nghĩ về những người thợ ở Nga sau khi Liên Xô sụp đổ – những người bị chậm hàng tuần hay hàng tháng lương. Vì sao họ đã không đốt cháy điện Kremlin? Vì họ trước kia cũng đã làm điều đó và nay họ đã hiểu rằng làm thế cũng vô ích. Lần này họ muốn có một kết cục khác – họ muốn sự thịnh vượng, tự do và những lựa chọn – và họ sẵn sàng hy sinh vì chúng. Câu chuyện về nước Nga mà tôi rất thích, do một nhà kinh tế Nga kể lại cho một người bạn tôi, cho biết có một lính xe tăng người Nga trong một thị trấn nằm phía sau dãy núi Urals. Anh này đã lái xe tăng vào trong tòa thị chính để đòi cho được tiền lương nhà nước nợ anh ta. Nhưng khi những người dân thị trấn xúm lại quanh xe tăng và hỏi liệu anh ta có muốn bắn đổ tòa thị chính hay không thì anh này trả lời không bao giờ – lý do anh ta đi xe tăng vào là vì không có phương tiện giao thông nào khác sẵn có, và anh không đủ tiền để đi taxi. Anh ta chỉ muốn truy lĩnh lương thôi.

Thực tế cho thấy dẫu cho có những sức ép mà chủ nghĩa tư bản toàn cầu gây cho các xã hội, toàn cầu hóa ngày nay đã giúp nâng cao mức sống với tốc độ nhanh và cho nhiều người hơn bất cứ trong giai đoạn nào trong lịch sử. Chúng đã đưa nhiều dân nghèo nhập được hàng ngũ trung lưu nhanh hơn trước nhiều. Vậy thì trong khi cái hố ngăn cách giàu nghèo đang trở nên rộng hơn – vì những kẻ thành công trong toàn cầu hóa tiến rất nhanh và ngày càng bỏ xa các tầng lớp khác – thì mức sống thuộc loại nghèo khó cũng đang dần được nâng cao hơn, ở nhiều nơi trên thế giới. Nói cách khác, trong khi mức đói nghèo tương đối đang dâng lên ở nhiều nước, thì mức đói

nghèo tuyệt đối lại đang giảm đi ở nhiều nơi. Theo báo cáo về Phát triển Nhân loại của Liên Hiệp Quốc năm 1997, mức đói nghèo đã giảm trong vòng 50 năm qua nhanh hơn thời gian 500 năm trước đó. Tốc độ tiến của các nước đang phát triển trong 30 năm qua tương đương với tốc độ của các nước công nghiệp hóa tiến trong cả một thế kỷ. Từ năm 1960, tỷ lệ tử vong lúc sơ sinh, thiếu dinh dưỡng và mù chữ đang giảm xuống đáng kể, trong khi việc cung cấp nước sạch cho dân đang tiếp tục được cải thiện. Trong một thời gian tương đối ngắn, những nước và những vùng mở cửa ra thế giới như Đài Loan, Singapore, Chile, Israel, Chi lê và Thụy Điển đã đạt được mức sống tương đương với Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong khi kích thước của giai cấp trung lưu trong các nước như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc đã tăng lên, nhờ có toàn cầu hóa.

Mời bạn xem bài sau đây của tạp chí The Economist (8/1/2000):

HÃY CẢNH GIÁC: Các công ty đa quốc gia đang hoành hành, cướp bóc công ăn việc làm, xóa bỏ lương bổng và nói chung đang phá hủy các nền kinh tế địa phương. Đó là những điều giới chỉ trích chống toàn cầu hóa lập luận. Nhưng nếu lạnh lùng nhìn vào những con số thì ta thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Một nghiên cứu đối chiếu của OECD [Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế], nghiên cứu đầu tiên loại này cho ta thấy con số các hãng nước ngoài đóng góp cho các nền kinh tế quốc gia.

Thực tế 1: Các hãng nước ngoài trả lương cho công nhân cao hơn mức lương bình quân – và khoảng cách này ngày càng rộng hơn. Ở Mỹ chẳng hạn, năm 1989, các hãng nước ngoài trả lương cao hơn lương nội địa 4 phần trăm; năm 1996, mức chênh lệnh đó là 6 phần trăm.

Thực tế 2: Tại phần lớn các nước, các hãng nước ngoài tạo cơ hội việc làm nhanh chóng hơn các hãng nội địa. Tại Hoa Kỳ, nhân lực tại các hãng nước ngoài tăng 1,4 phần trăm trong thời gian 1989-1996, so với con số tăng nhân lực 0,8 phần trăm trong các hãng nội địa. Cả ở Anh và Pháp, nhân lực trong hãng nước ngoài tăng 1,7 phần trăm/năm; trong khi ở các hãng nội địa, nhân công giảm 2,7 phần trăm. Chỉ có ở Đức và Hà Lan thì các hãng nước ngoài mới giảm nhân công.

Thực tế 3: Các hãng nước ngoài đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D)

ở những nước họ đầu tư. Năm 1996 mức R&D của nước ngoài chiếm 12 phần trăm tổng vốn dành cho R&D ở Mỹ, 19 phần trăm ở Pháp, và đáng kể nhất: 40 phần trăm ở Anh. Trong một số nước, các hãng nước ngoài dùng doanh thu vào R&D cao hơn là các hãng trong nước. Ví dụ ở Anh, hãng nước ngoài dùng 2 phần trăm doanh thu vào R&D, trong khi hãng nội địa chỉ chi có 1,5 phần trăm cho R&D.

Thực tế 4: Hãng nước ngoài xuất khẩu nhiều hơn các hãng nội địa. Năm 1996 các hãng nước ngoài ở Ireland xuất 89 phần trăm sản phẩm của họ, trong khi các hãng nội địa xuất có 34 phần trăm sản phẩm. Sự chênh lệch ở mức 64-37 phần trăm diễn ra ở Hà Lan, 35,3-33,6 phần trăm ở Pháp và 13,1-10,6 ở Nhật Bản. Ngoại lệ lớn nhất là Hoa

Kỳ trong đó hãng trong nước xuất 15,3 phần trăm trong khi hãng nước ngoài xuất 10,7 phần trăm.

Những lợi ích của đầu tư nước ngoài còn cao hơn tại các nước nghèo hơn trong OECD. Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ: tại đó lương trong các hãng xưởng nước ngoài bằng 124 phần trăm lương trung bình; mức nhân công của hãng nước ngoài tăng 11,5 phần trăm/năm, so với con số tăng 0,6 phần trăm trong các hãng xưởng nội địa; và R&D của các hãng nước ngoài cao gấp đôi so với chi phí của các hãng nội địa.

Rõ ràng là trong khi sự chống đối nhằm vào toàn cầu hóa đang còn đó thì sự chống đối này cũng bị kiềm chế vì nguyện vọng của người dân muốn toàn cầu hóa nhiều hơn nữa. Không cần phải là một nhà khoa học chính trị thì mới biết được điều đó. Chỉ cần bạn đi dạo trên bất cứ phố phường nào, đặc biệt trong bất cứ đất nước đang phát triển nào:

Bạn sẽ gặp Chanokphat Phitakwanokoon, 40 tuổi, phụ nữ người Thái gốc Hoa, bán thuốc lá và bánh bao trong một kiosk trên đường Wireless Road, trung tâm Bangkok. Tôi đã ngụ tại một khách sạn gần đó hồi tháng 12/1997, vào cái tuần mà chính phủ cho đóng cửa phần lớn các quỹ tín dụng của đất nước. Tôi nhờ người phiên dịch đi cùng để đưa tin về phản ứng của những người buôn bán trên hè phố. Người đầu tiên tôi gặp là Chanokphat. Trước hết tôi hỏi chị: “Hàng họ buôn bán thế nào rồi?” “

Sụt mất 40-50 phần trăm,” chị buồn rầu trả lời.

Tôi hỏi có bao giờ chị biết ai tên là George Soros, tỉ phú, chủ một quỹ đầu cơ, người bị đổ tội là đã đầu cơ các đồng nội tệ Á châu và khiến chúng sụt giá.

“Không,” chị lắc đầu. Chị chưa bao giờ nghe về người này.

“Vậy xin hỏi chị, chị có biết thị trường chứng khoán là gì không?” tôi hỏi tiếp. “Có,” chị nhanh nhẹn trả lời. “Tôi có cổ phiếu của Bangkok Bank và Asia Bank.” “Vì sao chị biết mà lại mua cổ phiếu của chúng?” tôi hỏi.

“Bà con của tôi ai cũng mua, vậy là tôi mua,” chị trả lời. “Tôi giữ các cổ phiếu trong ngân hàng, giờ đây chúng chẳng còn mấy giá trị.”

Vào phút đó tôi nhìn xuống và thấy chị không đi giày dép gì cả. Có thể chị vứt giày ở đâu đó, nhưng đúng là chị đang đi chân không. Tôi tự nhủ: “Chị này không có giày dép, văn hóa chỉ khoảng lớp năm, vậy mà lại sở hữu cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán.” Có những câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: Những niềm quan tâm của chị ta là gì? Liệu chị có định dẫn đầu một đám biểu tình đến đốt tòa trụ sở của IMF, một tổ chức đã ép buộc Thái Lan phải cải tổ và thắt lưng buộc bụng? Hay là, do giờ đây chị này đã hội nhập vào hệ thống, liệu chị có cố gắng làm việc nhiều hơn, tiết kiệm hơn và hy sinh nhiều hơn, thậm chí hy sinh cho IMF, nếu điều đó giúp khôi phục kinh tế Thái Lan? Tôi có cảm giác chị sẽ thực hiện lựa chọn sau. Tập hợp lực lượng là như vậy đó.

Trên phố bạn cũng có thể gặp Teera Phutrakul, đứng đầu một một trong những quỹ hỗ tương lớn nhất ở Thái Lan. Tôi đến phỏng vấn ông ta và hỏi liệu sẽ có một phản ứng ở Thái Lan nhằm vào các ông chủ nhà băng người Mỹ và phương Tây, những người có thể vào mua chiếm lĩnh các ngân hàng và doanh nghiệp Thái Lan, vì giờ đây tiền Thái mất giá và khá nhiều các doanh nghiệp đang lỗ chỏng vó. Teera nghĩ một lúc rồi trả lời, bằng cách kể cho tôi một câu chuyện: Vài tuần trước đó, một người bạn của ông bị mất ví. Trong ví có những thẻ tín dụng của bốn ngân hàng: American Express, và ba ngân hàng Thái Lan. Người này ngay lập tức đã gọi điện cho các ngân hàng đó để báo về chuyện mất cắp thẻ tín dụng. American Express hỏi nếu anh ta muốn thì họ có thể cấp thẻ mới, gửi Honda ôm, mang đến cho anh ngay hôm đó. Nhưng với các ngân hàng Thái thì cho mãi đến hôm nay, vẫn chẳng thấy họ hồi âm cho anh bạn này.

“Vậy thì,” Teera nói, “hãy tự hỏi: ‘Liệu anh bạn tôi có cần quan tâm xem liệu ba ngân hàng Thái Lan đó bị Citibank mua lại và nâng cấp chất lượng để theo kịp American Express hay không?’”

Nhưng còn vấn đề niềm tự ái dân tộc? Ừ thì tự hào, nhưng tự ái này sẽ giảm đi nếu ngân hàng thuê nhân lực Thái Lan và làm ăn có lãi có hiệu quả như Citibank hay American Express. Tập hợp lực lượng là như thế đấy.

Trên phố bạn cũng có thể gặp Liliane, 32 tuổi, một nhân viên xã hội người Brazil sống ở khu Rocinha ở Rio, làm việc cho chính quyền địa phương. Chị cho tôi đi xem một trung tâm trông trẻ em trong khu phố nghèo, và trên đường đi đã giải thích rằng chị đã tiết kiệm hàng năm trời để có thể chuyển gia đình ra khỏi khu phố nghèo đó. Giờ đây gia đình của chị đã kết nối được với Thế giới Đi nhanh, và chị không bao giờ muốn thế giới đó bị loại bỏ. Chị nói: “Khi còn nhỏ, tôi thấy tất cả mọi người trong xóm không có TV, họ đến xem nhờ trong một gia đình. Giờ đây tôi chuyển đến chỗ mới, cách sở làm là một giờ 20 phút, đi làm lâu hơn trước một tiếng, nhưng đó không phải là nơi ổ chuột và ổ tội phạm. Tôi chuyển gia đình đến đó để tránh xa những tay buôn ma túy. Mỗi tháng, lương của tôi là 900 real. Giờ đây tôi có thể mua một chiếc điện thoại. Nhà chúng tôi là nhà gạch, không còn là nhà lá, và đến cuối tháng vẫn còn để dành được ít tiền. Khi có nạn lạm phát, không ai được mua hàng theo lối khất nợ vì không ai kham nổi mức lãi suất nợ. Ngày nay, ngay cả người nghèo cũng có điện thoại, truyền hình cáp và nhà cửa thì có điện vào. Tôi cũng có những vật dụng cơ bản như của người giàu. Giờ đây tôi có thể khiếu nại về [chất lượng] các dịch vụ [công ty điện thoại hay nhà máy điện]. Trước đây chúng tôi không được hưởng những dịch vụ đó, nên không thể khiếu nại chuyện đó được.” Đó chính là hiện tượng tập hợp lực lượng.

Bạn sẽ gặp Fatima al-Abdali, một nhà khoa học nghiên cứu môi trường, chủ của Coffee Valley, quán cà phê Internet nổi tiếng nhất thủ đô Kuwait, nơi bạn có thể vừa

uống cà phê vừa vào mạng. Tốt nghiệp ở Mỹ, al-Abdali vẫn đeo khăn che mặt theo truyền thống Hồi giáo, nhưng đã trở thành một người hiểu biết cao về Internet. Và chị là một trong những cử tọa trong phiên tôi giảng bài về toàn cầu hóa ở Kuwait vào năm 1997. Sau bài giảng, chị mời tôi đến quán cà phê, cũng để gặp một vài sinh viên ở đó. Quán này nằm trong một thương xá trong trong phố. Khi ngồi vào bàn, tôi nói với chị: “Có một điều tôi không hiểu, xin chị giải thích. Chị trùm khăn che mặt, chắc chắn là một người theo đạo, nhưng lại tốt nghiệp ở một đại học ở Mỹ, và giờ đây đang giới thiệu Internet cho dân chúng Kuwait. Tôi không rõ về sự kết hợp như vậy.”

Đại thể câu trả lời của chị là, trong quá khứ có nhiều lần thế giới Ả rập bị nước ngoài xâm lăng, và chính họ cũng mang đến những ảnh hưởng và công nghệ khác lạ. Nhưng, chị nói, lần này thêm một cuộc xâm lăng mới, nhưng lại do chính những người Ả rập gây ra. Họ chiếm giữ công nghệ mới, chứ không để công nghệ mới điều khiển họ. Chị dự định sẽ dùng tấm khăn choàng quanh Internet và muốn những bạn trẻ đến quán chị cũng dùng khăn choàng đúng cách. Tôi kính phục cố gắng của chị. Đừng chống lại nó – hãy tận dụng và chiếm hữu nó.

“Cách đây ba năm tôi nảy ra ý nghĩ mở một cà phê Internet,” chị nói. “Tôi biết Internet đang tràn đến và nếu tôi không mở một dịch vụ như thế thì sẽ có người khác làm. Tôi nhận thấy chúng ta có thể kiểm soát nó về một số phương diện, vậy thì hãy đào tạo dân chúng về những điều hay của nó, khiến nó hội nhập với văn hóa của chúng tôi, hơn là chịu để nó lũng đoạn. Tôi áp dụng, khiến cho nó thích nghi, và giờ đây tôi đang dần dần giới thiệu về quyền của phụ nữ [Hồi giáo]trên trang web của mình.

Al-Abdali đã mời một số sinh viên thuộc đại học Kuwait đến. Một người tình cờ cho biết họ vừa tổ chức bầu cử đại diện sinh viên trong trường và những thành phần chính thống Hồi giáo đã bị các phe độc lập, tự do và thế tục đánh bại. Bầu cử sinh viên là một hoạt động quan trọng trong thế giới Ả rập, vì nó có khuynh hướng tự do nhất, và vì thế chúng bộc lộ rõ nhất về thái độ chính trị của dân chúng, ít nhất là trong thế hệ trẻ. Tôi hỏi Abdul Aziz al-Sahli, một sinh viên 21 tuổi ngành truyền thông, vì sao những người cực đoan Hồi giáo bị thua phiếu. “Người Hồi giáo cực đoan không còn sức thu hút,” anh này nói. “Những phái thế tục đang giúp đỡ sinh viên nhiều hơn trong những chuyện mà sinh viên đặc biệt quan tâm – in ấn, sửa chữa trong kỹ thuật email, sách thư viện, đậu xe. Xã hội giờ đây không còn duy ý chí nhiều nữa. Chúng tôi chỉ muốn đi tìm việc làm.” Đó chính là hiện tượng tập hợp lực lượng.

Bạn sẽ gặp hai người bạn Australia của tôi, nhà nghiên cứu khoa học xã hội Anne và chồng là Gerard Henderson. Nhà Hendersons gặp tôi ở Washington và kể với tôi về con gái của họ đang theo học đại học ở Australia: “Johannah, con gái của chúng tôi, 21 tuổi,” Gerard kể. “Một hôm, cháu và bạn ở chung nhà nhận được một lá thư của Telstra, công ty điện thoại Úc, thông báo rằng một phần ba công ty này đã bị tư hữu

hóa, và mỗi gia đình Úc dùng dịch vụ Telstra sẽ được phép mua cổ phần của công ty. Cháu gọi điện hỏi ý kiến chúng tôi, và chúng tôi nói, được, cứ mua đi. Vậy là cháu mua. Cháu có rất ít tiền – lúc đó giá là 3 đô-la Úc một cổ phiếu, và cháu đã mua 300 cổ phiếu. Cháu nó vẫn chưa được hưởng lương. Cháu có thể trở thành một nhân viên thư viện, hay một cô giáo, hay một người làm công ăn lương chăm chỉ, nhưng cháu là người đầu tiên trong gia đình đứng ra mua cổ phiếu của Telstra. Những công nhân trong công ty Telstra đã mua tổng cộng 90 phần trăm số cổ phiếu, và họ đã trở nên hiền hòa, không thấy phản đối nhiều trong chuyện công ty của họ bị tư hữu hóa. Dân chúng đã hiểu tầm quan trọng của việc làm như vậy. Chính phủ bảo thủ Úc đã dùng lập luận chống toàn cầu hóa để đánh bại chính phủ lao động của Paul Keating trong năm 1996, để rồi ngay sau đó dang tay tay chào đón toàn cầu hóa. Không có cách nào khác ngoài chuyện chấp nhận toàn cầu hóa, nếu bạn không muốn bị lạc hậu. Cách đây 10 năm, con gái tôi có lẽ sẽ gia nhập vào dòng biểu tình chống toàn cầu hóa, nhưng với những cổ phiếu Telstra mà cháu nó mua được, giờ đây cháu trở nên quan tâm nhiều hơn đến những gì xảy ra ở phố Wall.”

Đó chính là tập hợp lực lượng.

Nếu những trí thức đang chỉ trích toàn cầu hóa sử dụng thêm thời gian vào việc tìm cách tận dụng nó, thay vì tìm cách xé tan nó ra, thì họ có thể nhận ra những điều dễ hiểu – toàn cầu hóa có thể tạo ra những giải pháp và cơ hội cũng nhiều như những khó khăn nó gây ra. Nhưng liệu nó có có thể tạo ra giải pháp lớn nhất không? Liệu toàn cầu hóa, với sự trỗi dậy của Internet và các công nghệ hiện đại có thể cải thiện đời sống của những người ở dưới đáy xã hội – 1,3 tỷ người đang sống ở mức 1 đô-la/ngày?

Có rất nhiều những lập luận chính trị ngớ ngẩn theo lối thời trang đã xuất hiện, nói về điều đó. Những người chống toàn cầu hóa đã dùng những thông số cho thấy 90 phần trăm, hay tương đương, dân chúng trên thế giới không có điện thoại hoặc chưa bao giờ được gọi điện thoại. Vì lẽ đó, họ lập luận, toàn cầu hóa và Internet sẽ không có tác dụng gì đối với họ – mà chỉ làm tăng khoảng cách giữa họ và phần còn lại của dân chúng thế giới. Đây đơn giản là một lập luận sai lầm.

Trước hết nói về công nghệ. Vào năm 2000 cứ cho rằng phần lớn dân chúng trên hành tinh chưa hề được gọi điện thoại, nhưng thực tế đó sẽ thay đổi vào năm 2005, và sẽ không còn là thực tế vào năm 2010. Theo đánh giá trong ngành viễn thông thì vào khoảng năm 2005, một tỷ những kết nối Internet di động, chi phí thấp sẽ được lắp đặt trên khắp thế giới – thông qua điện thoại di động, máy nhắn tin hay máy tính cầm tay. Và năm 2010 sẽ có khoảng 3 tỷ kết nối mới được lắp đặt. Chúng ta có khoảng một tỷ gia đình trên thế giới, những thiết bị viễn thông sẽ trở nên rẻ tiền hơn, không có lý do gì mà đại đa số những người nghèo trên thế giới lại không được kết nối mạng. (Một người bạn tôi trong ngành kỹ thuật đã đánh giá rằng vào năm 2010 thì khoảng 100

triệu máy nướng bánh mỳ nhỏ, sẽ được lắp Internet, khi đó mọi công cụ điện tử đều sẽ được gắn phần mềm và nối mạng.)

Chính vì thế câu hỏi thực sự là một khi công nghệ được phổ biến rộng rãi thì liệu chúng có góp phần xóa đói nghèo hay không khi các cuộc cách mạng kỹ thuật trước đây đã không làm được? Khi đặt ra câu hỏi này, tôi không có ý nói phải là kỹ thuật hay việc thiếu kỹ thuật mới là yếu tố duy nhất để chống đói nghèo. Tạo ra môi trường ổn định chính trị, pháp luật và kinh tế giúp tăng cường sự hăng say làm ăn, giúp cho dân chúng bắt tay vào kinh doanh và tăng năng suất, chính là những yếu tố tiên quyết để chống đói nghèo ở mọi nơi mọi lúc. Nhà kinh tế Amartya Kumar Sen, đoạt giải Nobel, lập luận rõ ràng trong cuốn sách của ông Phát triển là một quyền tự do – rằng tự do, hay khả năng một người được đưa ra những quyết định trong cuộc sống của anh hay chị ta, không những là phương tiện hiệu quả nhất để xây dựng một xã hội lành mạnh và phát triển, mà là một mục đích tối hậu của con người ta. Khi bạn giao tài sản cho người nghèo, sống trong một môi trường bất ổn về chính trị, như Liberia hay Myanma, thì cũng chẳng lợi lộc gì. Nhưng khi trao tài sản vào tay người nghèo trong một môi trường ổn định và tự do, thì bạn sẽ thấy nhiều kết quả. Chính vì thế, Sen chỉ ra, chưa bao giờ nạn đói xảy ra trong một nền dân chủ, có đa đảng và tự do báo chí, điều này áp dụng cả với Ấn Độ. “Tự do về chính trị,” Sen nói, “cho phép những bộ phận yếu ớt nhất trong xã hội được lên tiếng và trao cho họ quyền được đòi hỏi và tiếp nhận những sự hỗ trợ khi xảy ra khủng hoảng.”

Những đất nước nghèo nàn như Kenya và Zambia đã tụt hậu trong hệ thống toàn cầu hóa không phải do toàn cầu hóa làm hại họ, mà do họ đã không xây dựng được những hạ tầng chính trị, kinh tế và pháp luật tối thiểu để có thể tận dụng toàn cầu hóa. Sự thịnh vượng không phải đã bỏ họ mà ra đi, mà chính họ đã không tạo ra những điều kiện để giữ nó lại. Những nước như Uganda, Ba Lan hay Hàn Quốc đã có những lựa chọn đúng đắn và đã thu lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa. Các quốc gia không bao giờ đơn thuần ngưng phát triển – điều mà chúng thiếu là những chính phủ đúng đắn.

Do vậy chúng ta có thể sửa lại câu hỏi quan trọng kể trên. Có điều gì trong toàn cầu hóa mà có thể tăng cường được quyền tự do và đóng góp vào quá trình xóa nghèo đói, những điều mà những cải cách và tiến bộ kỹ thuật trước đây không thực hiện nổi? Câu trả lời là “có.” Tôi đã cố gắng giải thích trong chương 9 và 10 về cách thức toàn cầu hóa có thể giúp cho chính phủ chịu trách nhiệm cao hơn và giúp cho cá nhân, các nhà hoạt động và các công ty những quyền lực mạnh mẽ hơn đặng trở thành những nhà sáng lập trong một thế giới không còn rào cản. Điều đáng nói là người nghèo rồi sẽ hiểu và khai thác điều đó như thế nào. Dẫu có nguy hiểm đến đâu toàn cầu hóa vẫn có thể trao cho những người nghèo một khả năng to lớn hơn để họ có thể tuyên truyền, tập hợp và tự đối phó với sức công phá của chính toàn cầu hóa. Chính điều này giải thích và duy trì sự tập hợp lực lượng trong dân chúng.

Chẳng hạn nhờ có Internet mà không còn chuyện chỉ một vài công ty truyền thông lớn giao tiếp với số đông, mà ngày nay thực tế đang cho thấy số đông đang giao tiếp với số đông. Tôi tìm hiểu điều này từ Chandra Muzaffar, Chủ tịch một tổ chức nhân quyền Malaysia mang tên Phong trào quốc tế vì một thế giới công bằng. Tôi đến gặp người đàn ông Hồi giáo hiền lành này trong văn phòng của ông ở thủ đô Kuala Lumpur. Tôi đến với một mục đích để nghe ông ta chỉ trích toàn cầu hóa, thay mặt cho những người bị hắt hủi và bỏ rơi, những người mà tổ chức của ông đang bênh vực. Nhưng ngược lại tôi đã nhận được một thông điệp nhẹ nhàng và thú vị hơn từ ông ta.

“Tôi nghĩ toàn cầu hóa không phải chỉ là sự tái sinh của chủ nghĩa thực dân,” Muzaffar nói. “Những người nói như vậy thật đã không hiểu vấn đề. Sự thể phức tạp hơn thế nhiều. Hãy nhìn quanh. Do toàn cầu hóa, đã có những thành phần văn hóa của những dân tộc bị đè nén lại đang xâm nhập lên phương Bắc. Món ăn phổ biến của người Anh ngày nay không còn là cá và khoai tây rán, mà là món cà ri. Cà ri không còn là món lạ miệng đối với người Anh nữa. Nhưng tôi không chỉ nói đến cà ri. Trong

ý thức hệ, hiện nay xuất hiện những quan tâm nhất định đối với những tôn giáo mới. Vậy thì trong khi có cái thế lực thống trị [Mỹ hóa], anh cũng thấy tư tưởng của những người bị thống trị đang lan tràn…. Hiện có nhiều cơ hội cho phép những người khác bộc lộ tư tưởng thông qua Internet. Iran kết nối với Internet rất chặt chẽ. Họ coi đó là một công cụ để họ phổ biến quan điểm của họ. Ở Malaysia, Mahathir được CNN đưa tin [đến khắp thế giới]. Chiến dịch vận động cấm mìn trên đất liền đang được tuyên truyền trên Internet. Đó chính là công của toàn cầu hóa giúp cho những nhóm dân chúng sống ngoài lề. Nói rằng đó là một thứ giao thông một chiều thì không đúng, và chúng ta phải hiểu được sự phức tạp của nó. Dân chúng hoạt động trong nhiều cấp độ khác nhau. Ở một mức họ có thể tức giận vì những bất công mà hiện tượng Mỹ hóa gây cho xã hội của họ, nhưng họ lại bàn về vấn đề đó khi ngồi trong quán McDonald’s với con cái của họ, những người đang theo học tại Hoa Kỳ.” Tập hợp lực lượng đối mặt với chống đối toàn cầu hóa.

Điều đó là thực tế ngay tại các xã hội phát triển. Tạp chí Forbes – khó có thể gọi là thứ tạp chí bênh vực cho người nghèo – đã đăng một bài rất hay vào tháng 7/1998 sau phim tài liệu của Time Warner- CNN (7/6/98) nói về lực lượng Mũ Nồi Xanh của Mỹ đã dùng dùng hơi ngạt đối với những kẻ phản bội ở Lào năm 1970. Ngay sau bản tin, những cựu chiến binh Mỹ đã tố cáo cái gọi là sự thật về chiến dịch Tailwind dựa trên các báo cáo giả mạo và các nguồn tin mơ hồ. Mặc cho rất nhiều khiếu nại, nhưng tập đoàn truyền thông khổng lồ CNN đã không đưa ra cải chính gì về bản tin. (Những người khổng lồ truyền thông toàn cầu thường không xin lỗi ai, đặc biệt không có chuyện xin lỗi cựu chiến binh.)

“Time Warner có thể đã dự kiến mọi khiếu nại rồi cũng đi vào quên lãng,” tạp chí

Forbes cho biết. “[nhưng] những cựu chiến binh chiến trường Việt Nam đã sử dụng Internet – vũ khí duy nhất mà họ có. Không có Internet thì có khi phải mất hàng tháng mới có thể tìm ra sự thật, mà đến lúc đó thì chẳng còn ai nghe họ nữa. ‘[Internet] cho phép tôi làm trong ba ngày những việc mà [nhà làm phim CNN] April Oliver làm trong 8 tháng,’ đại tá không quân Perry Smith (đã nghỉ hưu), một tư vấn quân sự cho CNN, người đã đi khỏi CNN để phản đối phim tài liệu đó. Smith cho biết trong đêm mà phim tài liệu đó được chiếu, ông ta đã viết xuống một loạt các câu hỏi xung quanh điều gì đã xảy ra hồi đó ở Lào. Chỉ bấm một nút, ông ta đã gửi email đến hơn 300 nguồn tin của riêng ông – “Email được gửi khắp nơi,’ Smith giải thích”. Hồ sơ về chiến dịch Tailwind thời đó là tối mật, vậy là nếu những người cựu chiến binh phải đợi các vị quan liêu trong Bộ Quốc phòng quyết định cho công bố hồ sơ thì sẽ mất nhiều thời gian mới bác bỏ được tư liệu của CNN, và lúc đó thì quá muộn. Nhưng bằng cách dùng email, chi phí hầu như bằng không, các cựu chiến binh đã tập hợp hồi ức của họ từ những binh sĩ có mặt thời gian đó, rồi trong vài ngày cho công bố. Họ quả đã giáng cho CNN một cái tát.

Những cựu chiến binh, nhận tiền hưu trí, trang bị bằng email đã buộc ông Rick Kaplan, Chủ tịch CNN, lương cao, xuất hiện trên chính truyền hình CNN của ông ta, run run giống như một con hươu bị rọi đèn, bác bỏ phim tư liệu đó và xin lỗi lên xin lỗi xuống, để cố gắng giữ cho được công ăn việc làm của chính ông ta, và khôi phục uy tín cho truyền hình CNN. Tỷ số: cựu chiến binh với email: 1 – Time Warner-CNN, tập đoàn truyền thông hùng mạnh nhất thế giới: 0.

Trong khi Internet và toàn cầu hóa có thể và sẽ ngày càng tạo ra tự do ngôn luận cho các cá nhân và sự minh bạch trong chính phủ, vì sao tôi lại tin rằng chúng sẽ góp phần một cách độc đáo vào việc xóa nghèo đói? “Vì Internet đến với dân chúng nhanh hơn bất cứ công nghệ nào khác,” Alan Hammond, Trưởng khoa học gia của Viện Tài nguyên Thế giới giải thích. “Một trang web dịch sang ngôn ngữ Ấn Độ, Trung văn, Swahili và Tây Ban Nha có thể trở thành một kho tư liệu cho khoảng hai tỷ dân. Nó có thể giúp dân chúng, thậm chí những người nghèo nhất, tìm cách thoát khỏi nghèo đói, tạo lợi ích kỹ thuật số thay cho hố ngăn cách kỹ thuật số.

Xin xem một câu chuyện của Iqbal Z. Quadir, ông chủ ngân hàng người Mỹ gốc Bangladesh. “Đầu năm 1993,” Quadir kể, “tôi được tuyển vào làm trong một hãng đầu tư ở New York, ở đó tôi và đồng nghiệp cùng phối hợp viết các báo cáo, lưu giữ và chia sẻ chúng trên các đĩa máy tính mềm, lắt nhắt. Sau đó khi các máy tính của chúng tôi được nối vào một mạng nội bộ, giảm được việc phải trao đổi các đĩa mềm, chúng tôi đã viết báo cáo nhanh hơn, làm việc sáng tạo hơn và đầy hứng thú. Điều đó khiến tôi nhớ lại kỷ niệm của tôi trong một ngôi làng ở nông thôn Bangladesh trong thời gian chiến tranh giành độc lập của nước này, năm 1971. Chiến tranh nổ ra đầu tiên ở đô thị, khiến gia đình tôi tản cư vào một vùng quê hẻo lánh. Cả vùng đó không có

công nghệ hiện đại, ngoại trừ hai chiếc phà máy dùng để chở khách và hàng hóa giữa hai thị trấn, nó dừng bến làng tôi. Trong nhiều tháng, chiến tranh khiến cho dịch vụ chuyên chở bị đình đốn. Khi dịch vụ trở lại thì nó đã khiến cuộc sống vùng tôi thay đổi tích cực. Nông dân và ngư dân bán sản phẩm của họ với giá cao hơn, hàng hóa đa dạng hơn. Sự cải thiện lên đến mức tôi có thể thấy tận mắt, dù cho lúc đó chỉ mới 13 tuổi. Thêm nữa, trong thời gian đó tôi phải đi bộ rất nhiều giữa hai ngôi làng. Cha mẹ nói tôi đi bộ 10 km sang làng bên để nhận ít thuốc men từ một dược sĩ ở đó. Nhưng sau khi đi hết buổi sáng, đến nơi, tôi mới biết là ông dược sĩ đó đã vào thành phố để mua thêm thuốc. Và thế là mất cả buổi chiều tôi đi bộ quay lại làng của mình. Sau đó nhờ có phà nối hai làng mà đỡ phải đi bộ. Khi máy tính trong sở của tôi được nối mạng vào năm 1993, tôi nhớ lại những năm tháng bị phí hoài thời 1971, và thấy nảy sinh một thực tế. Kết nối chính là điều sẽ tăng năng suất, dù đó là chuyện xảy ra trong một văn phòng hiện đại hay trong một ngôi làng nghèo túng; kết nối sẽ tăng tiềm năng; không kết nối sẽ gây tê liệt và thui chột tiềm năng.

“Nếu kết nối đồng nghĩa với năng suất,” Quadir nhớ lại, “thì nó cũng là một vũ khí chống nghèo đói. Nhưng dân Bangladesh của tôi năm 1993 đã làm gì để chống nghèo đói? Qua nghiên cứu, tôi thấy Bangladesh đã qua những bước phát triển mà ít cần đến điện thoại, tôi không hiểu được sức người bị uổng phí bao nhiêu trong việc đi lại ở cái đất nước 120 triệu dân đó. Trong 1.000 người dân chỉ có hai người có điện thoại, và trong vùng nông thôn với hơn 100 triệu dân thì hầu như không có điện thoại. Đây là một thực tế phũ phàng vì ngày nay những hình thức kết nối mới đang không ngừng xuất hiện, với Internet và Email, tạo ra những chuyển biến ngay cả ở những nền kinh tế trưởng thành như của Mỹ chẳng hạn. Vào thời điểm này năm 1993, tôi được biết chính phủ Bangladesh đang có sáng kiến cấp giấy phép hoạt động cho các dịch vụ điện thoại di động, dự định bắt đầu vào năm 1994. Đây là điều rất phù hợp. Để có được sự kết nối liên lạc trong vùng nông thôn cần phải có một cách thiết lập một hệ thống liên lạc điện thoại – trong trường hợp đó, điện thoại di động là thích hợp nhất – và cần phải có giấy phép của chính phủ. Tôi đã phải hành động thật nhanh. Mặc dù thu hút đầu tư để xây dựng viễn thông ở nông thôn Bangladesh là một việc khó khủng khiếp, nhưng tôi nghĩ phải tìm ra một cách. Nếu kết nối có nghĩa là tăng năng suất, vậy thì cần phải giành trước những phần lời lãi của năng suất đó để có thể trang trải cho việc đầu tư vào kết nối. Điều quan trọng, tôi cứ nghĩ trong đầu, không phải là cần bao nhiêu tiền để cho một làng mua cho được các dịch vụ điện thoại, mà là nếu có những dịch vụ đó thì làng đó sẽ làm ra bao nhiêu tiền. Dân làng sẽ dùng lợi tức từ việc sử dụng dịch vụ để trả cho chính dịch vụ họ được hưởng.”

Nhưng làm thế nào để khởi sự?

“Một đốm sang hy vọng xuất hiện trong bối cảnh đó là định chế mang tên Grameen Bank,” Quadir kể tiếp. “Ngân hàng chuyên cung cấp các khoản vốn vay

nhỏ, hoạt động trong 35.000 làng mạc, có 1.100 chi nhánh và 12.000 nhân viên. Thông thường một phụ nữ sẽ vay 100 hay 200 đô-la, miễn thế chấp từ Grameen Bank để mua, ví dụ, một con bò. Con bò này sẽ cho sữa, chị sẽ bán sữa cho người hàng xóm, kiếm đủ tiền để sống và trả dần khoản vay ban đầu. Quá trình đó sẽ giúp những người nghèo đói nhất đứng dậy. Đối với tôi, khả năng kết nối có thể được tổ chức theo cách tương tự. Nghĩa là một điện thoại di động cũng giống như ‘con bò nọ’ – ít nhất là trong cách nhìn của người đi vay vốn. Một phụ nữ có thể vay 200 đô-la từ nhà băng, mua một điện thoại di động, dùng nó, đi từng nhà, mời chào dân làng sử dụng, và thu phí, như vậy vừa kiếm ra tiền, vừa có thể trả nợ ngân hàng. Đề nghị của tôi được Muhammad Yunus, người sáng lập Grameen Bank chú ý. Không có ông ta thì chẳng làm được gì. Ông ta khuyến khích và năm 1994, tôi đã bỏ việc ở hãng đầu tư và thuyết phục Joshua Mailman, một nhà đầu tư người Mỹ có đầu óc xã hội, cùng tôi lập một công ty ở New York.

“Hai năm sau, kết quả là ra đời một quan hệ đối tác gọi là Grameen Phone Limited

– một công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho đô thị và nông thôn Bangladesh. Ngân hàng Grameen chịu trách nhiệm lựa chọn đối tượng phụ nữ để cho vay vốn, dựa vào hồ sơ của họ vay vốn trong quá khứ. Chẳng hạn một phụ nữ đã chứng minh rằng chị có một kỹ năng nhất định và có khả năng học hỏi thêm, sẽ được hỗ trợ cho vay vốn và mở dịch vụ điện thoại. Một yếu tố khác là nhà của chị nên nằm ở trung tâm một cộng đồng, ở giữa làng. Grameen cũng giúp cho ít nhất là một thành viên trong gia đình mở dịch vụ có thể đọc được ngôn ngữ và chữ số bằng tiếng Anh. Mỗi một người làm đại lý điện thoại như vậy trung bình có thể kiếm được hai đô-la một ngày. Và đã có rất nhiều câu chuyện kể về cách sống, cách làm ăn của dân làng thay đổi ra sao kể từ ngày điện thoại xuất hiện trong làng mạc của họ. Chẳng hạn có một phụ nữ suy nghĩ sẽ nuôi một đàn gà lớn hơn, một lối làm ăn mà chưa bao giờ chị dám nghĩ tới vì trước kia nếu gà ốm thì đã không thể gọi thú y cho kịp thời. Một người đàn ông muốn mở rộng vườn chuối của ông vì giờ đây ông có thể dùng điện thoại để hỏi thăm dò giá cả thị trường để quyết định thời điểm bán sản phẩm. Một người mẹ đã dùng điện thoại để gọi bác sĩ và đã cứu được đứa con của chị, cháu bị sốt cao. Những người dân Bangladesh lưu lạc làm ăn phương xa trên khắp thế giới giờ đây có thể gọi về nói chuyện với bà con gia đình họ, và kiểm tra xem tiền họ gửi về có đến tân tay người thân. Cả một sự tác động xã hội tích cực do liên lạc đem lại. Khi có những người phụ nữ nghèo đói nhất giờ đây có thể cầm trong tay phương tiện liên lạc toàn cầu, những làn sóng tiến bộ đã xuất hiện trong những làng bản xa xôi hẻo lánh. Ngay cả những người tương đối giàu có cũng tìm đến căn nhà của người phụ nữ nghèo khó để được sử dụng dịch vụ điện thoại.”

Quadir cho biết anh rút được nhiều bài học từ kinh nghiệm đó. Một điều rõ ràng là kỹ thuật số đã cho ra một lối tư duy mới và những mô hình làm ăn mới thích hợp với

các nước nghèo. Nhưng cần phải có những định chế mới trong những quốc gia đó để có thể cung cấp công nghệ tới người dân thường để bản thân họ có thể tận dụng được sức mạnh kỹ thuật. Đó là điều GrameenPhone đã thực hiện. Bài học khác cho thấy không thể có cái gọi là “phát triển kinh tế” nếu không có tinh thần doanh nghiệp. Tinh thần doanh nghiệp là sức mạnh quan trọng nhất để nâng bậc các quốc gia và điều mà Internet và toàn cầu hóa có thể làm, với chút ít trí tưởng tượng, là đã khiến cho những người nghèo nhất ở Bangladesh có được tinh thần kinh doanh này.

“Theo định nghĩa thì nước nghèo thường có đông dân dân nghèo, những nước này cần xác định dân nghèo của họ cũng chính là một trong những nguồn sức mạnh để đưa đất nước tiến lên,” Quadir kết luận. “Nói cách khác, một chiếc điện thoại di động cũng là một ‘con bò’ đối với người cung cấp dịch vụ điện thoại, nhưng nó có thể là một ‘con ngựa’ đối với làng đó, con ngựa giúp kéo cả làng ra khỏi nghèo đói.”

Những câu chuyện trên cho chúng ta thấy thực tế: một đằng toàn cầu hóa sản sinh ra tâm lý thờ ơ xa lánh khi các thế lực và ảnh hưởng phát triển tới mức gần như vô hình và khó hiểu, một đằng nó cũng tạo ra những tiến bộ thực tế. Nó có thể tiếp cận những tầng lớp thấp nhất trong xã hội, tạo cho những người dân nghèo yếm thế những lợi thế, cơ hội và nguồn tài nguyên mới để họ có thể tự sáng tạo.

Những câu chuyện trên cũng giải thích vì sao những phản ứng chống lại toàn cầu hóa cho đến nay vẫn chưa lôi cuốn được đông đảo quần chúng để phá tan toàn cầu hóa. Quá nhiều người dân vẫn còn muốn có hệ thống toàn cầu hóa, họ tiếp tục tìm đường để hội nhập vào hệ thống đó, dù cho quá trình hội nhập có khó khăn đến đâu. Bởi vì có quá nhiều người dân ở các nước đang phát triển tin rằng toàn cầu hóa là công cụ để họ nhanh chóng tìm ra một cuộc sống khá hơn, một công cụ hữu hiệu hơn tất cả những gì xưa nay họ có được. Liệu ai cũng tìm được công việc mình ưa thích? Chắc chắn là không. Liệu ai ở Sri Lanka cũng sẽ được trả lương cao như những người sống ở Seattle không? Không. Nhưng liệu những cơ hội việc làm do Bầy Thú Điện Tử tạo ra ở các nước phát triển có hay hơn những công việc khác, nảy sinh từ cảnh nghèo khó, từ việc bóc lột tình dục từ trẻ em không? Chắc chắn rồi. Những cơ hội việc làm đó là những bước đầu tiên cho dân nghèo bước khỏi cảnh nghèo túng? Chắc chắn. Nhà kinh tế Paul Krugman đã thẳng thắn chỉ ra: “Sự thật trần trụi cho thấy mỗi điển hình phát triển kinh tế thành công trong thế kỷ trước – mỗi khi có một quốc gia hăng say làm ăn để tiến lên sự thịnh vượng, hay ít nhất đã đạt được mức sống khá hơn – đã diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa; có nghĩa là họ đã sản xuất cho thị trường toàn cầu thay vì chỉ tự cung tự cấp. Nhiều công nhân tham gia sản xuất cho thị trường thế giới đã không được trả lương xứng đáng theo mức của Thế giới Đi nhanh. Nhưng không thể nói rằng họ đã bị toàn cầu hóa làm cho đói khổ … thì bạn đã quên rằng chính họ là những người rất nghèo, trước khi họ nhận được công việc phục vụ xuất khẩu. Và nếu nghĩ như thế thì bạn cũng đã làm ngơ trước một sự thực là những ai không vào

được toàn cầu hóa thì nghèo kém hơn nhiều so với những ai được vào.” (Slave, 23/11/1999)

Chính vì thế mà rất nhiều đại diện từ các nước đang phát triển đã rất lo buồn tại hội nghị thượng đỉnh WTO tại Seattle năm 1999 khi Hoa Kỳ và các nước phát triển khác đã dọa cắt họ khỏi mậu dịch toàn cầu nếu trong một thời gian ngắn họ không cải thiện được quyền lợi cho công nhân và tình hình môi trường của mình – mặc dầu những thông điệp đó chẳng qua là một thời trang chính trị do các nghiệp đoàn thợ thuyền Hoa Kỳ đề ra để kêu gọi giảm bớt thương mại với các nước có mức lương công nhân còn thấp. Nếu không có mức lương thấp đó thì các nước đang phát triển không thể bước những bước đầu tiên vào nấc thang phát triển, điều kiện tiên quyết cho phép họ cải thiện tiêu chuẩn môi trường và đời sống công nhân. Vì thế những phản ứng chống toàn cầu hóa trong hàng ngũ những trí thức phương Tây đã và đang mạnh hơn những phản ứng trong hàng ngũ công nhân ở các thị trường mới nổi. Những công nhân ở đó có thể không thích nhiều điều thuộc về toàn cầu hóa, nhưng họ có còn giải pháp nào tốt hơn không? Chưa ai biết được.

Có lúc những khẩu hiệu trên đường phố Seattle và những bức tranh bôi bẩn lên tường được báo chí tung ra thành tin tức đáng chú ý. Nhưng có lúc những sự im lặng cũng rất đáng chú ý. Là một phóng viên, sự thành công đối với bạn là khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa hai sự việc nói trên. Tôi thấy mẩu tin quan trọng nhất từ châu Á và Nga trong năm 1998 và 1999 là sự im lặng tương đối trong hàng ngũ những tầng lớp trung lưu và dân nghèo ở Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Liên Xô cũ. Họ chấp nhận sự phán quyết về thị trường tự do – chấp nhận rằng đất nước của họ có những khó khăn liên quan tới hệ điều hành và các phần mềm, và họ sẵn sàng chịu bị trừng phạt và cố gắng đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Giai đoạn này kéo dài bao lâu thì khó mà đoán trước, nhưng nó gây bối rối trong số những người dự đoán về sự thất bại của toàn cầu hóa. Sau mỗi cơn hỗn loạn trong kinh tế toàn cầu, sau mỗi cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ, sau mỗi cuộc họp thượng đỉnh của WTO, những chuyên gia nói trên đều kết luận rằng toàn cầu hóa đã bị “cáo chung,” hệ thống toàn cầu hóa đang đổ vỡ và dân nghèo sẽ vùng lên chống lại nó. Toàn cầu hóa bao giờ cũng là khái niệm bị chôn vùi trong trí óc của những người không hiểu về nó, không hiểu về hoài bão thực sự của con người. Những người chống toàn cầu hóa chắc chưa bao giờ gặp những người như Liliane hay Teera, Chandra hay Iqbal, hay cô con gái của nhà Hendersons hay những người thợ mỏ ở Nga, chưa nói đến người phụ nữ nhỏ nhắn ở Hà Nội. Khi nào tất cả những con người nói trên bỏ cuộc, không muốn gia nhập Thế giới Đi nhanh, tuyên bố rằng họ thích quay về những hệ thống cũ kỹ, đóng cửa và bị kiểm soát, và khi họ bỏ cuộc không muốn tìm đến một cuộc sống tốt hơn – cho bản thân hay cho con cháu của họ – thì tôi sẽ đầu hàng, chấp nhận toàn cầu hóa bị “diệt vong” và rằng những người chống đối toàn cầu hóa

thắng cuộc.

Nhưng cho đến ngày đó thì cho phép tôi được chia sẻ với bạn một điều bí mật nhỏ, tôi thu lượm được khi trò chuyện với những con người nói trên: “những người nghèo đói trên trái đất” chỉ muốn đến cho được Disney World – chứ không còn muốn dựng chiến lũy. Họ muốn có Vương quốc Mầu nhiệm chứ không muốn trở thành Những người khốn khổ. Và nếu bạn có thể xây dựng được những môi trường chính trị và kinh tế mà tạo cho họ được chỉ một chút hy vọng, rằng bằng cách làm việc hăng say và hy sinh thì sẽ đến được Disney World và thưởng thức Vương quốc Mầu nhiệm

– thì phần lớn những người đó sẽ gắn bó với cuộc chơi toàn cầu hóa lâu, lâu hơn mức bạn tưởng tượng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.