Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu

2.Trao đổi thông tin



Trong khu bảo tàng khoa học tuyệt vời ở thành phố Barcelona, tôi thấy một hiện vật minh họa thật tuyệt cho “sự hỗn loạn”. Một quả lắc phi tuyến được dựng lên, cho du khách cầm vào và đẩy quả lắc bắt đầu từ một vị trí tự chọn, với vận tốc tự chọn. Chuyển động của quả lắc được quan sát và ghi lại trên một mảnh giấy. Sau đó du khách được yêu cầu làm lại lần nữa, vẫn vị trí như cũ, vận tốc như cũ.

Nhưng dù có cẩn thận đến đâu thì dao động của quả lắc trong những lần sau vẫn khác hẳn với lần đầu… Tôi hỏi giám đốc bảo tàng hai người đàn ông đang đứng chờ gì ở gần đó. Ông ta nói, “Ồ đó là hai anh chàng người Hà Lan đang chờ để mang “sự hỗn loạn” đi.” Hình như hiện vật này rồi sẽ được tháo ra và chuyển về Amsterdam. Nhưng tôi tự nhủ: ở nhiều nơi trên toàn cầu, dịch vụ của hai anh này thật sự có nhu cầu lớn – vì có rất nhiều tổ chức hiện đang rất cần có người loại bỏ cho họ những sự hỗn loạn. Murray Gell-Mann, tác giả cuốn The Quark and the Jaguar

Cũng như nhiều người đang cố gắng tự điều chỉnh để nhìn nhận toàn cầu hóa cho rõ hơn, bản thân tôi cũng đang học hỏi thêm và tìm cho ra lăng kính mới để quan sát nó. Để giải thích thêm, tôi xin bắt đầu bằng một lời sám hối, mà lâu nay tôi những muốn được giãi bày? Ấy là: có thời tôi đã bịa đặt khi đưa tin về thời tiết ở Beirut.

Thực ra không phải tôi hoàn toàn bịa đặt. Làm như thế là sai. Tôi chỉ “phỏng đoán” thời tiết. Đó là vào năm 1979, tôi là một phóng viên tập sự làm việc cho hãng thông tấn UPI ở Beirut. Tôi thường phải làm ca đêm, và một trong những nhiệm vụ của người trực cuối cùng trong ca đêm là soạn dự báo thời tiết ở Beirut. Dự báo này sẽ được tổng hợp trong dự báo toàn cầu của UPI và được gởi cho các báo gồm nhiệt độ cao nhất và thấp nhất. Ngặt một nỗi là lúc đó không có nhân viên dự báo thời tiết ở Beirut, hoặc là có mà tôi lúc đó không biết. Đất nước này lúc đó đang có nội chiến và không ai mất công tìm hiểu về chuyện thời tiết làm gì. Còn sống được là may mắn lắm rồi. Thứ nhiệt độ mà mọi người quan tâm nhất ở Beirut lúc đó chính là thân nhiệt của mỗi người – 37 độ C. Vậy thì tôi phỏng đoán thời tiết bằng cách hỏi quanh. Làm bản tin dự báo thời tiết lúc đó có nghĩa là tôi hô lên trong phòng hay gọi ra ngoài hành lang: “Ahmed ơi, hôm nay anh cảm thấy thời tiết ra sao?”

Và Ahmed hay Sonia hay Daoud hô đáp lại, “Thấy nóng đấy.”

“Khoảng 32 độ?” tôi hỏi lại. “Đúng rồi, ông Thomas, ông nói thế nào cũng được”, có người trả lời. Và tôi sẽ viết vào bản tin, “Nhiệt độ cao nhất là 32 độ. Sau đó tôi lại hỏi, “Giờ ở ngoài kia chắc mát rồi?” “Đúng thế, ông Thomas,” có người đáp lại. “Khoảng 22 độ, được không?” tôi hỏi. “Đúng rồi, ông Thomas, ông nói thế nào cũng được”, lại có người trả lời. Và tôi lại viết tiếp, “Nhiệt độ thấp nhất là 22 độ.” Và đó là tin dự báo thời tiết của tôi sản xuất từ Beirut.

Nhiều năm sau, khi làm việc cho mục Thương mại hàng ngày của The New York Times, tôi nhớ lại những giây phút như vậy. Lúc đó thỉnh thoảng tôi được giao viết tin hối đoái và thị trường chứng khoán. Thường thì mỗi khi các thị trường ngưng giao dịch, tôi phải gọi điện đến các tay môi giới để nắm giá đô-la lên hay xuống trong ngày so với các ngoại tệ mạnh khác, hay vì sao chỉ số Dow Jones lên hay xuống. Bao giờ tôi cũng ngạc nhiên khi thấy dù chỉ số đi theo hướng nào, giá đôla lên hay xuống, thì cũng có nhà phân tích bao giờ cũng cho ra được một câu phân tích cô đọng, giải thích vì sao, chẳng hạn số lượng 1.200 tỷ đô-la giao dịch ở sáu châu lục, trong suốt 24 múi giờ đã dẫn đến việc giá đô-la tăng hay giảm nửa xu so với đồng Yên Nhật. Và chúng tôi ai cũng tin vào những giải thích như vậy. Nhưng trong thâm tâm, tôi có cảm giác là những nhà phân tích tài chính đó đã chơi xỏ tôi. Trong thâm tâm, tôi nghĩ không hiểu có phải họ làm như cái lối tôi viết bản tin thời tiết ở Beirut hay không. Như kiểu có người gọi quanh văn phòng của Merrill Lynch hay của Paine Webber theo lối “Này Ahmed, tại sao đô-la hôm nay lại xuống?” Và một tay môi giới, hoặc người thư ký hay người phục vụ sàn giao dịch lúc đó tiện đi qua đã đáp lại gì đó, thì thông tin đó sẽ được đăng vào trang báo ngày mai, như lời giải thích cho cung cách làm ăn của hàng ngàn giao dịch tài chính trên toàn cầu.

Năm 1994, tôi, phóng viên thương mại và tài chính cho tờ The New York Times, đã tường thuật cuộc đàm phán thương mại Nhật-Mỹ. Một buổi chiều, khi ngồi bên bàn làm việc, theo dõi tin thông tấn trên máy tính, tôi phát hiện hai mẩu tin của Reuters xuất hiện kế nhau: Giá đô-la tăng do lạc quan xung quanh đàm phán thương mại New York (Reuters) – Giá đô-la vào lúc đóng cửa hôm thứ Sáu tăng cao hơn so với các ngoại tệ hàng đầu khác, do mọi người lạc quan hơn rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ sớm ký hiệp định thương mại. Cổ phiếu giảm giá do bất ổn xung quanh đàm phán thương mại New York (Reuters) – Giá cổ phiếu hàng đầu giảm vào cuối hôm thứ Sáu khi xuất hiện những bất ổn xung quanh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật trước hạn chót cho việc ký kết, vào nửa đêm.

“Ahmed ơi, bạn nghĩ gì về cuộc đàm phán Mỹ-Nhật?”

Việc tôi soạn thảo tin thời tiết từ Beirut cũng như việc Reuters đưa tin về chứng khoán và hối đoái có ý nghĩa giống như việc lập lại trật tự, gạt bỏ những hỗn loạn – nhưng đã không mấy thành công trong cả hai trường hợp. Khi bắt đầu phụ trách cột đối ngoại của tờ The New York Times năm 1995, tôi biết là nếu còn muốn tồn tại lâu dài và giúp hiểu trật tự từ những vụ hỗn loạn, thì không thể làm cái điều tương tự như khi dự báo thời tiết từ Beirut. Vậy phải làm gì? Làm thế nào để giải thích cho được hệ thống toàn cầu hóa phức tạp này?

Câu trả lời ngắn gọn là phải đồng thời làm hai việc – quan sát thế giới qua nhiều lăng kính và đồng thời, truyền tải sự phức tạp ấy đến độc giả, thông qua những câu chuyện đơn giản, chứ không dùng những lý thuyết hào nhoáng. Tôi dùng hai phương pháp: “Trao đổi thông tin” để hiểu thế giới, và “kể chuyện” để giải thích thế giới.

Trao đổi thông tin là gì? Trao đổi – arbitrage là một thuật ngữ thị trường. Về lý thuyết, thuật ngữ này miêu tả hiện tượng cùng một lúc bán và mua cùng một loại chứng khoán, cùng một mặt hàng hoặc cùng một đơn vị tiền tệ từ các thị trường khác nhau để thu lời từ những chênh lệch về giá cả, do thông tin bất đối xứng. Người trao đổi thành công là người biết mỡ lợn được bán giá 1 đô-la một cân ở Chicago, và 1,5 đô-la một cân ở New York, vậy anh ta sẽ mua mỡ lợn từ Chicago và bán ở New York. Người ta có thể trao đổi trên thương trường và người ta cũng có thể trao đổi như vậy trong văn học. Chuyện xưa về Jose Ortega y Gasset, một nhà văn nổi tiếng người Tây Ban Nha, kể rằng ông ta “mua thông tin với giá rẻ ở London và bán chúng với giá cao hơn ở Tây Ban Nha”. Nhà văn này đã từng lê la ở các phòng khách lớn ở London, thu thập các câu chuyện, các kiến giải rồi dịch chúng sang tiếng Tây Ban Nha cho những độc giả Tây Ban Nha ở quê nhà. Nhưng dù anh là người buôn mỡ lợn hay buôn kiến thức, chìa khóa thành công là ở chỗ anh ta có một mạng lưới các tay trong thạo tin, rồi chắt lọc thông tin theo hướng làm ra lãi.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, ranh giới truyền thống giữa chính trị, văn hóa, công nghệ, tài chính, an ninh quốc gia và hệ sinh thái đang dần mờ nhạt đi. Bạn thường không thể giải thích về một mặt mà không đề cập tới những mặt khác, và cũng không thể giải thích được toàn cục nếu không nhìn được tất cả các mặt. Cho nên, để trở thành một nhà phân tích và ký giả tin đối ngoại, mỗi người đều cần phải trao đổi thông tin từ nhiều nguồn có cái nhìn khác nhau, chắp nối chúng lại để dệt nên một bức tranh toàn cảnh thế giới. Nếu chỉ nhìn từ một hướng, người ta sẽ không thể vẽ được một bức tranh toàn cảnh. Đó là cốt lõi của “trao đổi thông tin.” Trong một thế giới có những liên hệ chặt chẽ tương hỗ, thì khả năng phân tích những mối quan hệ, điền vào những chỗ trống, chính là giá trị gia tăng nhà báo tạo ra. Nếu không nhìn thấy những mối liên hệ thì bạn sẽ không nhìn thấy thế giới.

Ước gì tôi có thể hiểu được điều này khi mới bước vào nghề báo. Tôi tìm ra được chân lý này chỉ do tình cờ, những thay đổi trong đời làm báo buộc tôi phải tìm thêm cho mình những lăng kính mới, vả lại cũng là để sống sót trong nghề. Xin kể lại sau đây câu chuyện của tôi:

Tôi bắt đầu nghề báo như một phóng viên thiếu hiểu biết nhất. Trong suốt thập niên đầu tiên trong nghề, tôi tường thuật “Cuộc chiến lớn nhất giữa những sắc tộc” – xung đột Israel-Ả Rập, đầu tiên từ Beirut, rồi sau đó đến Jerusalem, Israel. Trong những ngày đó, báo chí đối với tôi cơ bản là một hoạt động hai chiều. Báo chí là chính trị và văn hóa, vì ở Trung Đông, văn hóa của bạn quyết định chiều hướng chính trị bạn đang theo đuổi. Hay nói một cách khác, lúc đó với tôi, thế giới xoay quanh chuyện quan sát những người dân bám vào gốc rễ của mình nhưng lại cố đào trốc cây ô liu của hàng xóm.

Năm 1981, tôi rời Jerusalem, sau một thập niên đóng tại Trung Đông, quay lại Washington, nơi tôi trở thành phóng viên thường trú về ngoại giao. Bài tường thuật đầu tiên trong cương vị mới là về buổi điều trần trước thượng viện Hoa Kỳ của Ngoại trưởng sắp được bổ nhiệm James A Baker. Rất ngượng nhưng tôi cũng phải thú thật, là trình độ cử nhân và thạc sĩ của tôi chủ yếu là về Ả rập và Trung Đông, và do cả nghề báo của tôi cho đến lúc đó là tường thuật tình hình Trung Đông, tôi thực không biết nhiều về những vùng khác trên thế giới. Và tôi thực sự không hiểu gì về những điều các thượng nghị sĩ chất vấn ông Baker, chẳng hạn Hiệp ước START, lực lượng Contras, Angola, CFE [Lực lượng quy ước đóng ở châu Âu], đàm phán giải trừ quân bị và khối NATO. Khi bước ra khỏi cuộc điều trần đó đầu tôi muốn vỡ tung. Tôi không biết chủ đề của bài tường thuật sẽ là gì. Tôi cũng không hiểu đến phân nửa những cụm từ nói tắt được đề cập trong cuộc điều trần. Tôi cũng không hiểu Contras là “quân ta” hay “quân địch,” và tôi nghĩ CFE là lỗi đánh máy nhầm vì đáng lẽ là CAFE nhưng thiếu mất chữ A. Trên taxi quay lại tòa soạn The New York Times, tôi mường tượng trong đầu một khả năng là vào ngày hôm sau tờ Washington Post chạy tít điều ông Baker bàn đến mà tôi bỏ qua. May mà có Michael Gordon phóng viên chuyên theo dõi hoạt động của Lầu Năm Góc, giúp tôi mới gom góp được một số điểm để viết thành một bài báo. Nhưng từ đó, tôi hiểu rằng cách nhìn hai chiều trong báo chí tôi sử dụng trước kia sẽ không còn phù hợp nữa. May thay sau đó, nhờ có bốn năm theo dõi tình hình ngoại giao và 500.000 dặm đi cùng đường với ông Baker, tôi thêm được một chiều nữa vào chính trị và văn hóa – đó là chủ đề an ninh quốc gia và cán cân lực lượng. Chủ đề mới bao gồm một loạt các vấn đề xoay quanh kiểm soát vũ khí, cạnh tranh giữa các siêu cường, quản lý đồng minh trong Chiến tranh Lạnh và quyền lực địa chính trị. Thế giới quan hai chiều của tôi nhờ đó đã thay đổi. Tôi nhớ có lần bay cùng chuyến với Baker sang Israel, máy bay bị đổi hướng, khi đến sân bay Tel Aviv, phải lượn hình vòng cung qua Bờ Tây sông Jordan trước khi hạ cánh. Tôi nhìn qua cửa sổ xuống vùng Bờ Tây, nghĩ: “Trên phương diện quyền lực thì khu vực này không còn mấy quan trọng. Thú vị thì có, nhưng quan trọng theo kiểu địa-chính trị thì không.”

Sau thời gian tường thuật ở Bộ Ngoại giao và một thời gian ngắn ở Nhà Trắng (may mà ngắn ngủi vì không ai coi đó là làm báo cả), tôi có thêm một lăng kính để phân tích. Đó là vào năm 1994, khi The New York Times yêu cầu tôi bắt tay vào một mục mới bàn về quan hệ tương hỗ giữa chính sách ngoại giao và nền tài chính quốc tế. Lúc đó, manh nha một khả năng là với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cùng sự tan rã của Liên Xô, thì tài chính và thương mại sẽ có vai trò lớn hơn trong việc định hình các mối quan hệ quốc tế. Phụ trách mảng quan hệ giữa kinh tế và hoạch định chính sách an ninh quốc gia đã là một thử nghiệm đối với bản thân tôi cũng như đối với tờ The New York Times nói chung. Về lý thuyết, tôi được bổ nhiệm làm phóng viên Thương mại và Tài chính, nhưng do có kinh nghiệm với Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng, tôi đề nghị kết hợp tất cả các chủ đề đó với nhau. Chúng tôi gọi lĩnh vực này bằng nhiều tên “Ngoại giao Thương mại”, rồi thì “Đối ngoại và Tài chính.” Lúc đó tôi nghiệm thấy hai điều. Trước hết, do hệ thống Chiến tranh Lạnh kết thúc, lĩnh vực này sẽ là nơi đẻ ra rất nhiều tin. Điều nữa, chưa có ai hoạt động trong lãnh vực này. Có rất nhiều phóng viên viết về đề tài thương mại, nhưng không động đến mảng ngoại giao. Có nhiều phóng viên tài chính, nhưng không tường thuật các tin an ninh quốc gia. Có nhiều phóng viên ngoại giao không đưa tin tài chính. Lại có những phóng viên Nhà Trắng chẳng quan tâm đến thương mại, tài chính hoặc chính sách đối ngoại, mà chỉ cắm đầu vào viết về những gì tổng thống nói và làm.

Tôi nghĩ, gắn thêm mảng thị trường tài chính vào đề tài chính trị, văn hóa và an ninh quốc gia cũng tựa như được đeo thêm một cặp kính, khiến cho bạn bỗng nhiên nhìn được cả bốn chiều của thế giới. Từ đó tôi thấy những mẩu tin tôi chưa từng thấy. Tôi thấy những mối liên kết nhân quả mà trước đó tôi không tài nào nhìn ra được. Và từ đó tôi cảm nhận được những bàn tay vô hình và những chiếc cùm có thể trói và cùm tay các vị nguyên thủ và các quốc gia, không cho họ hành động theo những chiều hướng nhất định…những điều trước đó tôi không thể tưởng tượng nổi.

Nhưng không gian bốn chiều rồi vẫn chưa đủ. Khi tôi được giao nhiệm vụ làm bình luận viên thời sự quốc tế, tôi dần dần nhận thức rằng cái thúc đẩy sự lên xuống của thị trường, định hình các mối quan hệ, các tương tác giữa quốc gia và cá nhân và cái thật sự hiện hữu là trung tâm của toàn cầu hóa chính là những tiến bộ trong công nghệ hiện nay – từ Internet tới hệ thống viễn thông qua vệ tinh. Tôi nhận thấy tôi không thể tự hiểu, chưa nói đến giải thích cho độc giả về những lực lượng đang định hình nền chính trị thế giới, nếu tôi mù tịt về những công nghệ mới đó – những công nghệ đang trao quyền về nhiều mặt cho con người, cho các chính phủ và các công ty. Ai kiểm soát súng đạn trong xã hội luôn luôn là yếu tố quan trọng. Nhưng ngày nay ai kiểm soát hệ thống điện thoại cũng quan trọng không kém. Đất nước của quý vị có bao nhiêu binh lính và bao nhiêu vũ khí hạt nhân – điều đó mang tính quyết định. Nhưng băng thông đường truyền Internet của bạn là bao nhiêu – điều đó cũng quan trọng không kém. Vậy là tôi phải bổ sung thêm một chiều mới – công nghệ – và trở thành một phóng viên với lăng kính năm chiều. Có nghĩa là bổ sung Thung lũng Silicon vào danh sách các thủ đô của thế giới như Moskva, Bắc Kinh, London, Jerusalem, nơi mà tôi cảm thấy phải thăm viếng ít nhất mỗi năm một lần, để cập nhật kiến thức cho bản thân.

Sau cùng, càng quan sát hoạt động của hệ thống toàn cầu hóa, tôi càng thấy hệ thống này sản sinh những nguồn lực phát triển mạnh mẽ, cũng như khả năng đồng hóa có tốc độ chóng mặt. Và nếu không bị kiểm soát chặt chẽ, những nguồn lực này có tiềm năng hủy diệt môi trường và nhổ bật các giá trị văn hóa với tốc độ nhanh đến mức nhân loại chưa từng chứng kiến. Dần dà tôi nhận thấy nếu không bổ sung thêm khía cạnh môi trường vào lập luận của mình thì tôi sẽ bỏ qua một trong những sức mạnh chính yếu, có thể hạn chế phát triển và gây sự chống toàn cầu hóa. Thế là tôi bổ sung chiều thứ sáu – tự học về xu hướng bảo vệ môi trường – vào hệ thống trao đổi thông tin. Trong những chuyến đi sau này tôi thường muốn rẽ ngoặt sang tìm hiểu hệ sinh thái bị toàn cầu hóa tác động ra sao, và sự suy thoái của môi sinh, ngược lại, tác động ra sao tới toàn cầu hóa.

Giờ đây tôi đang nói đến không gian sáu chiều. Chiều tiếp theo là gì, tôi chưa biết. Nhưng nếu có manh nha một chiều kích mới thì tôi sẽ chắc chắn sẽ tiếp tục bổ sung thêm – vì giờ đây tôi là nhà toàn cầu học. Có nghĩa là tôi không phải là người theo phái hiện thực – cho rằng mọi thứ trong quan hệ quốc tế đều có thể giải thích bằng ham muốn quyền lực và lợi thế địa – chính trị, rằng thị trường không thật sự quan trọng. Tôi không là người bảo vệ môi trường – chỉ quan sát thế giới qua lăng kính bảo tồn, gìn giữ môi trường bằng mọi cách, chứ phát triển không quan trọng. Tôi cũng không là một nhà kỹ trị – trong hàng ngũ những tay chuyên nghiệp ở Thung lũng Silicon, cho rằng lịch sử khởi thủy từ ngày phát minh ra bộ vi xử lí và Internet sẽ quyết định tương lai của các quan hệ quốc tế – địa chính trị không quan trọng. Tôi không phải là người theo phái bản chất – cứ tin rằng hành vi của con người bắt nguồn từ những đặc tính ADN hoặc văn hóa nào đó – nên nghĩ khoa học và công nghệ không là gì cả. Và tôi cũng không phải là một nhà kinh tế – những kẻ cho rằng biến động thị trường giải thích toàn bộ hoạt động của thế giới, trong khi coi nhẹ ảnh hưởng của quyền lực chính trị lẫn văn hóa.

Tôi tin rằng hệ thống toàn cầu hóa ngày nay – trong đó những rào cản về địa lý, thị trường và luận thuyết ngày càng bị phá bỏ – đang thiết lập một thể trạng mới trên thế giới. Và cách duy nhất giúp người ta nhận biết và giải thích nó là cân đo và phân tích thông qua sáu chiều kích kể trên, nhưng tùy lúc tùy hoàn cảnh mà gán ý nghĩa nặng nhẹ cho mỗi chiều kích. Điều cốt yếu là ta phải thấy được sự kết hợp và tương tác của tất cả sáu chiều kích đang thật sự là những nét định hình quan hệ quốc tế ngày nay. Vì thế trở thành nhà toàn cầu học là cách duy nhất kết nối mọi sự kiện, hiểu được hệ thống toàn cầu hóa và giúp lập lại trật tự ở những nơi hỗn loạn.

Nếu những đánh giá trên của tôi là sai, thì điều đó sẽ sớm lộ ra. Nhưng nếu những đánh giá của tôi là đúng thì sẽ có nhiều người phải quay lại nhà trường. Tôi tin rằng đối với nhà báo, những người nhận nhiệm vụ giải thích thế giới, và những nhà chiến lược, có trách nhiệm nhào nắn thế giới này, điều thiết yếu là họ cần phải suy nghĩ như những nhà toàn cầu học. Ngày nay càng có nhiều những mạng lưới liên lạc, kết nối thế giới và nhiều tổ chức khác nhau; và người làm báo cũng như các nhà chiến lược cần phải tư duy liền lạc như mạng lưới ấy. Nhưng thật không may, trong giới học giả và nhà báo, vẫn hiện hữu xu hướng suy nghĩ riêng rẽ, bị những nghiệp vụ và kỹ năng riêng chi phối, làm cho nhiều người bỏ qua một thực tế: thế giới không còn bị chia cắt thành những mảng riêng rẽ nữa, và những ranh giới giữa các vấn đề nội địa, quốc tế, chính trị và công nghệ đang lu mờ dần đi.

Xin đơn cử một ví dụ. Đã nhiều năm, chính phủ Clinton hăm dọa trừng phạt Nhật Bản nếu nước này không hủy bỏ một số biểu thuế quan, chính thức cũng như không chính thức, đánh vào một loạt các mặt hàng. Nhưng cứ mỗi lần đại diện thương mại đầy hiểu biết của Hoa Kỳ Mickey Kantor lại thúc đẩy chuyện trừng phạt Nhật bản đến mức gần thành công và Tổng thống gần hạ roi phạt Nhật, đến phút cuối, thì Clinton lại rút về. Đây là những gì tôi tưởng tượng đã xảy ra trong phòng Bầu Dục lúc ấy:

Kantor bước vào phòng Bầu Dục, kéo ghế ngồi xuống cạnh Tổng thống và nói: “Thưa Tổng thống, mấy thằng cha người Nhật lại bắt đầu làm khó dễ cho chúng ta. Họ không cho mấy mặt hàng của ta được nhập vào Nhật. Đã đến lúc ta phải cho họ biết thế nào là lễ độ. Trừng phạt. Thưa Tổng thống. Trừng phạt mạnh. Giờ là thời điểm cho họ biết tay. Phải đặt chúng vào đúng chỗ. Và thêm nữa, làm như vậy, cánh nghiệp đoàn sẽ rất khoái chúng ta.”

“Mickey, ông nói đúng quá”, Tổng thống đáp. “Làm đi.” Nhưng ngay lúc Kantor sắp ra đi để thực thi trừng phạt Tokyo, thì Bộ trưởng Thương mại Robert Rubin bước vào phòng.

“À, thưa Tổng thống”, Rubin nói, “Ngài có nhận ra rằng nếu chúng ta áp đặt trừng phạt chống lại Nhật Bản thì đồng đô-la sẽ sụt giá, và người Nhật sẽ bắt đầu bán đổ bán tháo trái phiếu ngân khố Mỹ của họ, khiến cho mức lãi suất nội địa Mỹ sẽ tăng.”

Và Kantor, người vừa bước chân khỏi cửa, bị Tổng thống gọi giật lại. “Ê, Mickey, Mickey, Mickey. Quay lại đây một giây. Chúng ta phải nghĩ lại chuyện này một chút.”
Vài ngày sau, Kantor quay lại. Ông ta lại đề nghị trừng phạt. Lần này, Tổng thống tỏ ra thật sự bị thuyết phục. Ông ta nói với Kantor: “Tôi không thể chịu đựng được mấy tay Nhật Bản hơn được, Mickey. Trừng phạt. Xuống tay ngay.”

Nhưng ngay trước khi Kantor bước ra để ra tay với người Nhật, thì Bộ trưởng Quốc phòng William Perry bước vào phòng Bầu Dục qua lối cửa hậu.

“Thưa Tổng thống,” Perry nói, “Ngài có nhận ra là nếu chúng ta áp đặt trừng phạt chống Nhật thì người Nhật sẽ không đàm phán để kéo dài thời hạn chúng ta được đóng tại căn cứ Okinawa, hoặc sẽ không giúp thanh toán đền bù cho mấy cái lò phản ứng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà chúng ta đang trông đợi.”

Và lúc đó, Tổng thống sẽ lại cuống quít vẫy Kantor lại, khi ông này đang cố chuồn nhanh ra khỏi cửa. “Ê, Mickey, Mickey, Mickey. Quay lại đây một giây thôi. Chúng ta phải nghĩ lại chuyện này một chút.”

Trên đây chỉ là kịch bản tôi tưởng tượng ra. Nhưng tôi sẽ đánh cuộc rất nhiều tiền rằng nó tương tự như những gì đang thực sự diễn ra, và người phóng viên có trách nhiệm kể lại những chuyện như vậy không phải đơn thuần là phóng viên thương mại, phóng viên tài chính hoặc quốc phòng – họ là người đi đi lại lại, trao đổi thông tin của đồng thời ba lĩnh vực này.

Hai sử gia về quan hệ quốc tế Trường Đại học Yale, Paul Kennedy và John Lewis Gaddis quan niệm rằng một trong những chức năng của họ là đào tạo một thế hệ các nhà chiến lược mới. Công lao của họ cho thấy họ quyết định tìm ra một phương hướng mới để mở rộng chương trình giảng dạy để tạo nên một thế hệ các nhà chiến lược, những người có cái nhìn toàn cầu, thay vì những người chỉ bó hẹp cách nhìn trong các khía cạnh chuyên sâu. Trong một tiểu luận mà hai ông là đồng tác giả, Gaddis và Kennedy cho rằng việc có những chuyên gia trong các lĩnh vực nhất định là cần thiết, duy trì một tập thể những người có kiến thức sâu về nhiều mảng khác nhau luôn luôn quan trọng; nhưng cũng quan trọng không kém, các chuyên gia chuyên sâu từng lãnh vực không thể một mình hoạch định và phân tích chính sách đối ngoại.

Hai sử gia viết: “ Những người này hoàn toàn có khả năng nhìn từng mảng trong một bức tranh lớn, nhưng họ khó có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh. Họ để riêng các thứ tự ưu tiên, thực thi riêng rẽ từng nhiệm vụ, mà không nghĩ đến khả năng các nhiệm vụ đó chồng chéo ảnh hưởng lẫn nhau. Họ di chuyển từ cây này sang cây khác thật ngon lành, nhưng lại tỏ ra sửng sốt khi nhận thấy mình lạc trong cả một khu rừng. Trong quá khứ, các nhà chiến lược quan sát được cả cây lẫn rừng. Họ là những nhà tổng hợp, hoạt động theo quan điểm sinh thái. Họ hiểu thế giới là một mạng lưới, trong đó những điều chỉnh nơi này tất sẽ hình thành những tác động nơi khác – vì rằng, mọi sự đều quan hệ với nhau. Các nhà tổng hợp đó giờ đây, đi đâu rồi? Trong các trường đại học và viện nghiên cứu giờ đây, xu hướng hiện tại là tập trung nghiên cứu chuyên sâu ngày càng bó hẹp: đầu tư chủ yếu dành cho hoạt động trong từng ngành riêng lẻ hơn là vào nghiên cứu nhiều ngành cùng lúc. Nhưng nếu không có kiến thức tổng hợp, không thấy được toàn cảnh – không hiểu được phương tiện kết hợp để hoàn tất hay phá hủy cứu cánh thì làm sao định ra chiến lược. Và nếu không có chiến lược thì chỉ có việc chịu trôi nổi mà thôi.”

Một số người đã lắng nghe lập luận trên đây. Cuối những năm 1990, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tối mật, vốn thực hiện việc nghe trộm trên toàn cầu, thu thập hàng núi thông tin tình báo, đã quyết định điều chỉnh phương pháp làm việc của họ – từ chỗ phục vụ cho những ai “cần biết,” quý vị cần thì mới được biết, sang phương pháp “cần trao đổi,” nghĩa là sẽ không bao giờ hiểu nổi bức tranh lớn nếu không trao đổi để tìm hiểu những mảng nhỏ trong bức tranh đó.

Có thể điều đó giải thích cho việc một số (chứ không phải tất cả) nguồn tin mang tính nghiên cứu mà tôi thu thập được đã không đến từ phía các giáo sư quan hệ quốc tế hay viên chức Bộ Ngoại giao – mà từ những người thuộc trường phái toàn cầu hóa hiện đang ngày càng phát triển – giám đốc các quỹ đầu cơ tài chính. Tôi cảm nhận rằng mình ngày càng bị lôi cuốn đến với các nhà quản lý các quỹ đầu cơ tài chính hơn là đến với các nhà ngoại giao hay các vị giáo sư, vì những nhà quản lý tài chính giỏi thường rất hiểu về các vấn đề toàn cầu và có kỹ năng bẩm sinh để trao đổi và bổ sung thông tin từ sáu chiều kích, trước khi vạch quyết định. Một trong những tay giỏi nhất trong số họ là Robert Johnson, vốn là đối tác của George Soros. Johnson và tôi thường kết luận, sau mỗi khi phân tích tình hình thế giới, rằng cả hai chúng tôi làm công việc giống nhau – chỉ khác một chỗ rốt cuộc anh đặt cược vào một cổ phiếu hoặc trái phiếu, còn tôi thì viết bài về một khía cạnh trong quan hệ quốc tế. Nhưng cả hai chúng tôi đều phải trải qua một quá trình trao đổi thông tin mới đến được đích.

Trong khi lăng kính sáu chiều trong trao đổi thông tin là phương pháp tốt nhất để quan sát hệ thống toàn cầu hóa, đây là một hệ thống quá phức tạp không thể chỉ dùng những học thuyết lớn để giải thích. Cách giải thích tốt nhất là dùng những ví dụ đơn giản. Một hôm, tôi nói điểm này với Robert Hormats, Phó chủ tịch (quỹ đầu tư) Goldman Sachs International và ông nhận xét: “Để hiểu và rồi giải thích cho được toàn cầu hóa, điều cần thiết là hãy coi mình là một tay trí thức lãng du. Trong thế giới lãng du, không có lãnh địa nào riêng biệt. Đó là lý do tại sao những người lãng du là những người truyền bá tôn giáo độc thần như Hồi giáo hay phái Juda. Nếu là người định cư một chỗ, bạn có thể tưởng tượng ra bao nhiêu truyền thuyết về tảng đá này, gốc cây nọ. Nhưng những kẻ lãng du thì bao giờ cũng thấy nhiều hơn. Họ biết Thượng đế không nằm trong tảng đá đó. Ngài ở mọi nơi. Và bên những ngọn lửa trại, hay trên những dặm đường từ ốc đảo này sang ốc đảo khác, những kẻ lãng du truyền bá chân lý phức tạp này thông qua những câu chuyện giản đơn.”

Thời trước, một phóng viên, một bình luận viên hay một chính khách có thể chỉ cần chăm chú vào “thị trường của mình”, là tòa thị chính, quốc hội tiểu bang, Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc hay Bộ Tài chính hay Bộ Ngoại giao. Nhưng ngày nay, thị trường là toàn bộ hành tinh này và những quan hệ tương tác giữa công nghệ, tài chính, thương mại và thông tin, và chính những mảng đó tác động đến lương tiền, lãi suất, điều kiện sống, văn hóa, cơ hội việc làm, chiến tranh và cả điều kiện thời tiết trên toàn thế giới. Điều đó không hẳn có nghĩa là toàn cầu hóa giải thích cho toàn bộ những gì đang diễn ra trên thế giới ngày nay. Điều đó đơn giản cho thấy có một hệ thống đang ảnh hưởng và tác động hơn bao giờ hết đến con người ta – hệ thống toàn cầu hóa.

Murray Gell-Mann, người đoạt giải Nobel, vốn giảng dạy môn vật lý lý thuyết tại Đại học Caltech và là một trong những sáng lập viên của Viện Santa Fe, có thời biện luận qua một loạt các bài giảng của ông rằng điều tôi gọi là trao đổi thông tin không khác mấy so với phương pháp các nhà khoa học cố gắng hiểu những hệ thống phức hợp. Ông nói đúng. Và không có hệ thống chính trị nào ngày nay phức tạp hơn toàn cầu hóa, và để hiểu nó, cả nhà báo lẫn nhà chiến lược đều phải phức tạp không kém.

“Trái đất này, một khi được hình thành, những hệ thống phức hợp ra đời – chúng là kết quả của sự tiến hóa vật lý của hành tinh, của sự tiến hóa về môi sinh cũng như của văn hóa con người”, Gell-Mann nói. “Quá trình này tiến triển tới mức con người chúng ta đang phải đương đầu với những vấn đề gay cấn về sinh thái, chính trị, kinh tế và xã hội. Khi cố gắng giải quyết những vấn đề khó khăn đó, đương nhiên chúng ta chia chúng thành những phần nhỏ dễ xử lý. Đó là một phương pháp hữu ích, nhưng lại có những hạn chế nghiêm trọng. Khi xử lý những hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt một hệ thống phức tạp, quý vị không thể coi chúng là một khối gồm nhiều thành phần ghép lại, rồi cộng cái nọ vào cái kia, nói cái nọ hành xử như thế này, điều kia chuyển động như khác, rồi tất cả tổng hợp trở thành một khối. Với một hệ thống phi tuyến tính phức tạp, quý vị phải mổ xẻ tách bạch, nghiên cứu từng phần, rồi nghiên cứu mối quan hệ khăng khít mà vốn đã và đang gắn bó các phần đó với nhau. Chỉ có cách đó mới miêu tả được toàn bộ hệ thống.”

Đối với tôi, đó chính là cốt lõi của của cái tôi cho là trường phái toàn cầu hóa trong quan hệ quốc tế. Nhưng trước khi có trường phái này, chúng ta cần có thêm sinh viên, giáo sư, nhà ngoại giao, nhà báo, điệp viên và các nhà khoa học xã hội… được huấn luyện để trở thành các nhà toàn cầu học.

“Chúng ta cần một tập hợp những người thấu hiểu về tầm quan trọng của việc quan sát hệ thống toàn cầu một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp”, Gell-Mann nói thêm. “Đó phải là quan sát trực tiếp, vì ta sẽ không bao giờ hiểu hết được mọi phần của mối tương tác. Chắc bạn nghĩ phần lớn nhà báo làm chuyện đó? Không, không có đâu. Tiếc thay, nhiều thành phần xã hội ngày nay, bao gồm giới học giả và hành chính, đặc quyền vẫn chỉ được giành cho những người chuyên chú vào một lĩnh vực hẹp, một vấn đề, một ngành nghề, một công nghệ, hay một thứ văn hóa, trong khi bàn thảo về bức tranh tổng thể vẫn chỉ là chủ đề của những bữa tiệc cocktail phù phiếm. Thật điên rồ. Chúng ta phải hiểu cho được rằng ngoài những nhà chuyên môn, chúng ta cần đến những con người có tài phát hiện những mối tương tác mạnh mẽ và những đan xen nhiều chiều, và có cái nhìn không trực tiếp vào toàn bộ bức tranh. Những gì chúng ta vốn coi là chuyện tầm phào trong bữa tiệc cocktail nay đã trở thành yếu điểm của toàn cục.”

Thế đấy, giờ đây, mời bạn tham dự bữa tiệc cocktail của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.