Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu

20. Con đường phía trước



Mùa đông năm 1996 tôi tháp tùng bà Madeleine Albright, Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thời đó sang những vùng chiến sự ở châu Phi, nơi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi đến những vùng nội chiến ở Liberia, Angola, Rwanda và Burundi. Dừng chân chặng cuối ở Rwanda, bà Albright đề nghị nhân viên và phi hành đoàn của chuyên cơ Boeing 737 chụp ảnh chung ở đường băng sân bay quốc tế Kigali. Chiếc chuyên cơ sơn màu trắng sọc xanh giống chuyên cơ Airforce One của Tổng thống Hoa Kỳ với dòng chữ “United States of America” [Hợp chủng quốc Hoa Kỳ].

Nhân viên và phi hành đoàn đứng dọc theo bậc thang và dưới cánh máy bay. Trong số họ có người Mỹ gốc Hy Lạp, gốc Czech, Do Thái, da đen và da trắng. Có những nhân viên phi hành đoàn quê ở các làng quê và những chuyên viên của Bộ Ngoại giao tốt nghiệp Đại học Ivy, tất cả đứng bên nhau sát cánh. Là một phóng viên, tôi không nghĩ mình nằm trong đội ngũ đó, tôi đứng sang với các nhân viên Rwanda, quan sát cuộc chụp ảnh. Những người Rwanda tỏ ra ngạc nhiên trước cảnh chụp ảnh. Tôi có cảm giác băn khoăn: không rõ họ nghĩ gì khi thấy một tập hợp đẹp nhất tượng trưng cho nước Mỹ như vậy: tinh thần cộng đồng, sự gắn bó và sẵn sàng đón nhận những người dân tha hương, sự tự do và cơ hội cho những con người muốn vươn lên những vị trí cao và quan trọng nhất; khái niệm công dân dựa trên sự trung thành với một tư tưởng chứ không phải một bộ tộc. Bức ảnh đó tượng trưng cho điều mà đất nước Rwanda chưa đạt tới. Rwanda vừa bước ra khỏi một cuộc nội chiến giữa các bộ tộc – cùng thuộc Rwanda nhưng bộ tộc người Hutu đã kình chống bộ tộc Tutsis – trong đó một triệu người đã bị giết, một số trong bọn họ đã bị chém chết bằng mã tấu. Rwanda chỉ toàn là cây Ô liu mà không có xe hơi Lexus, một đất nước cây cối cằn khô, gốc rễ chèn ép lẫn nhau mà không đâm chồi ra hoa lá.

Đứng trên đường băng sân bay nhìn cảnh đó, tôi cảm thấy giận dữ – không phải vì tấn thảm kịch ở châu Phi – mà vì cuộc tranh cãi về ngân sách trong Quốc hội Hoa Kỳ. Đối với tôi lúc đó cũng như giờ đây, dường như nước Mỹ đã và đang nắm giữ được một điều gì đó thật phi thường. Nhưng nếu muốn bảo tồn nó, thì nước Mỹ cần phải trả tiền và phải vun trồng nó. Nhưng khi tôi nghe những tân nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa lứa 1994 phát biểu với những giọng nói hằn học, giọng nói không chịu nhượng bộ, giọng nói làm như thể Chính phủ Mỹ là một thứ ma quỷ gì đó. Tôi nghe thấy giọng nam và nữ khăng khăng kêu gọi hãy để cho thị trường duy nhất quyết định, những người đó nghĩ rằng lợi thế kinh tế sẽ đến từ thương mại tư do và toàn cầu hóa, và thế giới sẽ tự lo lấy bản thân của nó. Tôi đã nghe những luật sư cho rằng nước Mỹ không có trách nhiệm gì đặc biệt trong việc duy trì các định chế toàn cầu, như Liên

Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới hay IMF, những định chế quyết định sự ổn định của một hệ thống quốc tế mà trong đó nước Mỹ được hưởng lợi hơn các nước khác nhiều.

Vậy khi đứng trên đường băng sân bay Kigali suy nghĩ về những điều đó, tôi tự nhủ: “Quý vị tân nghị sĩ Cộng Hòa, mời quý vị sang châu Phi mà sống – nơi này chính là thiên đường cho quý vị.” Vâng, không một ai ở Liberia phải nộp thuế. Ở Angola không có sự kiểm soát vũ khí. Chúng ta không thấy có chế độ phúc lợi nào ở Burundi và không có sự can thiệp nào từ phía chính phủ đối với các thị trường ở Rwanda. Nhưng rất nhiều người dân ở đây lại mong có được những can thiệp đó. Chẳng hạn, nhân viên lễ tân ở Luanda, Angola đã nhìn tôi như thể tôi là một thằng điên, khi tôi hỏi chị rằng nếu đi dạo vài ba phố phường gần khách sạn tôi ở, vào giữa trưa, thì có an toàn hay không.

“Không, không, không,” – chị lắc đầu – “không an toàn đâu.” Tôi cuộc rằng chị này sẵn lòng nộp vài thứ thuế để có được thêm cảnh sát đi tuần trong phố xá. Và rồi lại có một phóng viên đài phát thanh Liberia đến gặp tôi ở Monrovia và đòi được biết tại sao lính thủy Mỹ đến Liberia sau khi nội chiến nổ ra năm 1989, nhưng chỉ di tản kiều dân Mỹ, và bỏ lại dân chúng Liberia để họ đánh lẫn nhau. “Chúng tôi nghĩ, lính thủy Mỹ đang đến, chúng ta sẽ được cứu thoát,” phóng viên này nói, “nhưng họ đến rồi lại ra đi. Tại sao họ lại có thể bỏ đi nhỉ?” Khổ thân cho anh chàng, đất nước của anh không có lính thủy để cứu anh. Tôi cũng đánh cuộc rằng anh ta cũng rất sẵn lòng trả tiền thuế để có được những người biết làm điều thiện. Họ không ngại ngùng gì chuyện ở Liberia có một “chính phủ mạnh.” Họ không lo ngại gì về chuyện có chính phủ – vì những băng đảng và chúa đất đã hoành hành ở đất nước của họ đã hơn một thập niên. Không, Liberia có thể không bao giờ phải lo đối phó với nạn cửa quyền và quan liêu của chính phủ. Quả thực tôi chỉ thấy có mỗi một nội quy trong tòa nhà hành pháp ở Liberia trong hình thức một tấm biển chỉ dẫn gắn trên cánh cửa lỗ chỗ vết đạn. Biển này ghi: “Nộp vũ khí của quý vị ở đây.”

Các nhà tuyển dụng hoàn toàn không phải lo đến những luật lệ về an toàn lao động ở Angola, không kể đến những dịch vụ cho người tàn tật. Con số 70.000 dân Angola bị vấp phải mìn gài trong thời gian suốt 25 năm qua, làm cụt chân tay, họ vẫn đang tồn tại. Bạn có thể thấy họ khập khiễng đi trên đường phố của thủ đô Luanda, ở quảng trường Felliniesque, xin ăn và dùng gậy gỗ để thay cho chân tay. Và ở Rwanda lẫn Burundi, không ai bị đòi hỏi phải đóng góp cho Head Start, bảo hiểm thất nghiệp, Medicaid, dịch vụ cho sinh viên vay tín dụng. Thay vào đó, họ tham gia cạnh tranh kịch liệt, chiếm đất, chiếm năng lượng và nước sạch, trong đó những bộ lạc người Hutu và Tutsi thường xuyên giết lẫn nhau.

Người ta nói lúc đó rằng các tân nghị sĩ Cộng hòa chưa bao giờ dự tiệc tùng trong Quốc hội. Họ nghĩ làm như thế sẽ bị mất uy tín trước vùng cử tri của họ. Phần lớn trong số đó thậm chí cũng không có hộ chiếu. Chẳng sao. Họ muốn chiếm được tất cả

những lợi quyền gắn với việc trở thành những Michael Jordan trong phương diện địa-chính trị, với việc trở thành người Mỹ toàn cầu hóa, nhưng không cần phải hy sinh hay có trách nhiệm gì cả – dù ở trong nước hay nước ngoài. Họ nên đến những vùng châu Phi bị chiến tranh tàn phá để cảm nhận thực sự về những gì xảy ra cho những đất nước đã mất đi tình cảm cộng đồng, cảm giác dân chúng có nợ nần với chính phủ, cảm giác người này có trách nhiệm với người kia, và nơi mà người giàu phải sống sau những kín cổng cao tường, cửa sổ bôi đen, trong khi người nghèo thì lang thang nơi chợ búa.

Tôi không muốn sống trong những đất nước, những thế giới như vậy. Không những nơi đó thiếu luân thường và đạo lý, chúng ngày càng thiếu cả an ninh nữa. Tìm cách tránh những thảm cảnh đó cần phải là trọng tâm của các chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ ngày nay. Thật không may, cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đều chưa phản ánh đầy đủ được trong các cương lĩnh của họ sự quá độ từ Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa. Nhiều lúc cả hai đảng này ứng xử theo cái lối rằng thế giới giờ đây cho phép nước Mỹ có thể tỏ ra hẹp hòi và thiên lệch khi bàn tới bất cứ vấn đề gì. Đối với vấn đề nghiêm túc – lợi ích quốc gia ngày nay, điều cần được bàn bạc là liệu người Mỹ có thể định nghĩa được một mối đe dọa mới đối với mọi dân tộc, chứ không phải là về một nhiệm vụ chung. “Kẻ thù to lớn” vẫn là trọng tâm để xây dựng chủ nghĩa quốc tế của Mỹ, chứ không phải là “cơ hội lớn,” càng không phải là “trách nhiệm lớn.”

Trong quá trình toàn cầu hóa thời nay, nước Mỹ quả là đang chia sẻ một lợi ích chung của mọi dân tộc – một thứ lợi ích bao gồm cả một cơ hội lẫn một trách nhiệm lớn. Nói đơn giản là: Là một đất nước hưởng lợi phần lớn từ cuộc hội nhập toàn cầu thời nay – là đất nước mà dân chúng, sản phẩm, giá trị, công nghệ và ý tưởng được toàn cầu hóa ở mức độ cao – nhiệm vụ của chúng ta là duy trì tính bền vững của toàn cầu hóa. Và một phương cách để thực hiện là giữ cho hệ thống quốc tế ổn định, tạo điều kiện cho những yếu tố tiên tiến dẫn dắt những yếu tố trì trệ, vì cuộc sống của nhiều người dân ở nhiều đất nước. Trong Chiến tranh Lạnh, vấn đề chính trị căn bản là: Bạn lựa chọn phần cứng và hệ điều hành nào? Trong toàn cầu hóa, câu hỏi chính trị hàng đầu là: Làm thế nào ứng dụng thật tốt cái phần cứng và hệ điều hành duy nhất còn tồn tại – chủ nghĩa tư bản thị trường tự do trong bối cảnh hội nhập toàn cầu? Hoa Kỳ có thể và cần phải đóng vai trò gương mẫu trong việc đáp lại câu hỏi này.

Hoa Kỳ có 200 năm lịch sử để phát minh, cải tiến và tiêu chuẩn hóa những cán cân giữ cho thương trường được tự do phát triển mà không biến thành những con quái vật. Chúng ta có công cụ để cải cách. Và chúng ta sẽ có lợi khi cải cách. Quản trị toàn cầu hóa là trách nhiệm mà nước Mỹ không dám bỏ qua. Đó chính là lợi quyền dân tộc của chúng ta ngày nay. Chính đảng nào hiểu rõ điều đó trước hết, từ đó xây dựng được một cương lĩnh đáng tin cậy, nhất quán và sáng tạo, sẽ là chính đảng đặt đầu cầu cho

Hoa Kỳ tiến đến tương lai.

Muốn đối đầu với thách thức đó bạn cần bắt đầu bằng cách loại bỏ những ngôn ngữ của thời Chiến tranh Lạnh – những ngôn ngữ không còn thể hiện được thực trạng hiện nay, và xây dựng một hệ thống các thuật ngữ mới thích hợp với toàn cầu hóa. Với mục đích này, tôi đã thiết kế một sơ đồ, trong đó, tôi tin rằng, thể hiện 4 thực thể chính trị căn bản mà dân chúng có thể lựa chọn trong thời toàn cầu hóa. Ross Perot Newt Gingrich Dick Gephardt Bill Clinton

Để nhận biết bạn là ai và đối thủ của bạn là ai trong thời đại này, hãy sử dụng hệ thống sau đây: Đường nằm giữa chạy từ trái sang phải biểu thị toàn cầu hóa; trước hết bạn hãy đánh dấu một điểm trên đường này phản ánh bạn hiểu được bao nhiêu về toàn cầu hóa. Cuối con đường này bên tay phải là “những người hội nhập toàn phần”. Đây là những người hoàn toàn mong muốn đón nhận toàn cầu hóa vì họ nghĩ toàn cầu hóa là điều tốt hay điều đương nhiên và mong muốn được thấy nó qua thương mại tự do, thương mại internet, liên hệ giữa trường học, cộng đồng và doanh nghiệp, email, tất cả để duy trì hội nhập toàn cầu 24/ 24 tiếng mỗi ngày, suốt 24 múi giờ và thông qua không gian điện toán.

Điểu cuối của con đường này bên tay trái là “những người ly khai toàn phần”. Họ là những người coi thương mại tự do và hội nhập công nghệ là điều chả ra gì và chưa chắc đã xảy ra, vì theo họ toàn cầu hóa làm cho khoảng cách giàu nghèo tăng lên, công ăn việc làm bị chuyển khỏi biên giới quốc gia, bản sắc văn hóa bị xóa nhòa và đời sống rồi sẽ bị những bàn tay vô hình của thương trường nhào nặn và kiểm soát. Họ muốn toàn cầu hóa ngưng lại. Họ muốn giết ngay toàn cầu hóa.

Vậy bạn là ai? một người “ly khai”? hay một người “hội nhập”? hay một nhân vật trung dung?

Bây giờ nhìn vào đường chạy từ trên xuống dưới – đường biểu thị phân phối của cải vật chất. Nó biểu thị các thể loại chính sách mà bạn muốn chính phủ phải thiết lập khi theo đuổi toàn cầu hóa và chiếc áo nịt nạm vàng. Điểm cuối dưới đáy con đường này là “Những người mong muốn an sinh xã hội” hay SSN. Tôi coi SSN là những người tin rằng toàn cầu hóa chỉ có thể bền vững khi nó được dân chủ hóa trên cả phương diện kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, điều này không có nghĩa là những chính sách an sinh xã hội chỉ để “hứng” những người chậm tiến và thiếu năng lực. Chúng sinh ra để “đưa” những người đó vào guồng, trang bị công cụ và tài nguyên cho họ sản xuất và cạnh tranh. Về chính trị có nghĩa là khuyến khích dân chủ hóa ở các nước đang phát triển, vì nếu không có tự do cá nhân thì sẽ không có tự do tăng trưởng kinh tế.

Dĩ khiên không phải ai cũng nhất trí với quan điểm này. Chính vì thế ở đầu kia của trục thẳng đứng là “nhưng người cá lớn sẽ nuốt cá bé”. Loại người này cho rằng toàn cầu hóa sẽ đưa đến việc ai mạnh nấy thắng, và ai yếu tất bị bỏ rơi. Họ muốn thu

hẹp quyền lực và cơ cấu chính phủ, các loại thuế và an sinh xã hội và để cho dân chúng tự do cạnh tranh, chiếm đoạt và tự hưởng những thành quả cá nhân hoặc ráng chịu nếu tỏ ra yếu kém quá. Những người theo lối “cá lớn nuốt cá bé” cho rằng quan trọng nhất là kiếm và giữ được công ăn việc làm, không nên nghĩ đến chuyện nếu thua thiệt thì sẽ có người cứu giúp.

Vậy bạn đứng ở đâu trong cái trục này? Bạn là người tin vào lợi ích của an sinh xã hội? Hay bạn theo trường phái “cá lớn nuốt cá bé”? Hay bạn là người trung dung?

Tất cả những yếu nhân trong chính trường Hoa Kỳ ngày nay có thể được nhận diện và hiểu được qua ma trận này hơn là những nhãn hiệu ta vẫn gặp: Dân chủ, Cộng hòa hay Độc lập. Bill Clinton là một con người hội nhập và tin vào lợi ích của an sinh xã hội. Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich là người hội nhập nhưng bênh vực cho tự lực cánh sinh “cá lớn nuốt cá bé”. Chính vì thế Clinton và Gingrich bao giờ cũng là đồng minh trong vấn đề thương mại tự do nhưng lại là đối thủ của nhau mỗi khi họ bàn đến an sinh xã hội. Lãnh tụ nhóm thiểu số của Hạ viện Dick Gephardt là con người ly khai và thiên về an sinh xã hội trong khi Ross Perot là người ly khai nhưng tin vào việc cá lớn nuốt cá bé. Chính vì thế họ liên minh với nhau để chống lại Hiệp định Thuế quan Tự do Bắc Mỹ NAFTA và những hình thức mậu dịch tự do khác nhưng chỉ có Gephardt quan tâm đến an sinh xã hội để bảo vệ quyền lợi và tăng cường năng lực cho người lao động.

Trong khi tôi dùng sơ đồ này để minh họa xã hội Mỹ ngày nay thì bạn có thể dùng nó để mô tả thực trạng trên đất nước của bạn. Hãy đặt bản thân bạn vào sơ đồ này để xem bạn là ai và ai sẽ là đối thủ của bạn trong cuộc tranh luận chính trị sau này. Bản thân tôi là người toàn tâm theo hội nhập và bênh vực cho an sinh xã hội. Điều đó có nghĩa gì? Nghĩa là tăng cường thực trạng chính trị vì lợi ích toàn cầu hóa bền vững, chính sách đối ngoại và phòng thủ theo lối toàn cầu và một nền kinh tế chính trị toàn cầu hóa, và sau cùng một tập hợp những luân lý và đạo đức toàn cầu hóa (trong đó bao gồm các giá trị tôn giáo và gia đình). Nói cách khác đó là quan điểm xây dựng một hệ thống quốc tế mới.

Nền chính trị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa

Xin đi sâu vào nội dung của một nền chính trị mang tính toàn cầu hóa bền vững. Nó phải gồm hai thứ: bức tranh toàn cảnh thế giới để dân chúng hiểu họ đang ở đâu; và một loạt các chính sách hội nhập kết hợp an sinh xã hội để đối phó với thực trạng thế giới.

Cần phải có bức tranh toàn cảnh thế giới vì không một chính sách nào có thể khả thi nếu không thu hút được một bộ phận dân chúng có cách nhìn tương tự nhằm hiểu được vì sao nó cần thiết. Những chính trị gia hãy cẩn thận: Có rất nhiều lý do cho thấy rằng bóp méo và bôi xấu toàn cầu hóa thì thật là dễ. Nhưng làm như thế thì dù có đúng đắn về kinh tế, bạn vẫn không kiểm soát nổi về chính trị, dẫn đến việc toàn cầu

hóa thay vì mang lại lợi ích, lại quay ra chống lại quý vị. Vì sao? Vì những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong toàn cầu hóa – những nhân công mất việc do ứng dụng tự động hóa và người máy, hoặc do phân xưởng của họ bị chuyển ra nước ngoài – hiểu biết về thân phận của họ rất rõ. Điều đó giúp cho họ dễ dàng tập hợp để chống lại hội nhập, công nghệ mới và tự do mậu dịch. Trong khi đó những người hưởng lợi từ toàn cầu hóa, tự do thương mại và đầu tư thường lại không tự hiểu họ là ai. Họ thường không nhìn thấy mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và sự cải thiện mức sống của chính họ, chính vì thế không dễ gì tập hợp được những người này. Đã bao giờ bạn nghe một công nhân trong phân xưởng sản xuất chip vi tính nói, “Bạn ơi, tôi là người may mắn. Nhờ có toàn cầu hóa, nhu cầu cho hàng xuất khẩu cao cấp của Hoa Kỳ tăng vọt, sự thiếu thốn công nhân lành nghề ở đất này và những đòi hỏi mới từ các nước đang phát triển, khiến ông chủ tôi phải tăng lương cho tôi. NAFTA thật tuyệt diệu!”

Một lý do nữa khiến cho toàn cầu hóa dễ bị xuyên tạc là việc con người ta không hiểu toàn cầu hóa phần nhiều là do công nghệ, chứ không phải thương mại, lôi cuốn. Trong văn phòng báo The New York Times ở Washington, chúng tôi vốn có một cô lễ tân, sau này cô ta bị mất việc. Mất việc không phải vào tay một người Mexicô –, mà là vào tay một chip vi tính – con chip này được lắp trong các điện thoại trong văn phòng, tự động trả lời khách hàng. Thực tế ở đây cho thấy thậm chí nếu nước Mỹ không buôn bán gì với Mehicô thì vẫn có microchip và vẫn khiến cho cô nhân viên này mất việc. Nếu có một bức tường cao 10 mét xây dọc biên giới Hoa Kỳ và Mexicô thì microchip vẫn cướp đi của cô này công việc đó. Nhưng các chính trị gia không muốn công nhận chuyện này. Không ai trong số họ dám đứng dậy và nói: “Tôi muốn các bạn đứng dậy, dứt điện thoại khỏi ổ máy, ném chúng ra ngoài cửa sổ và kêu tướng lên: “Tôi không chịu được nữa! Hãy cứu công ăn việc làm cho nước Mỹ! Cấm sử dụng trả lời điện thoại tự động! Khoai tây rán, chấp nhận ngay Microchip, vứt!”” Đó không phải là một thông điệp tranh cử hữu hiệu. Nên họ thường nhào ra hô hét chống đối người Mexico và các nhà máy ở nước ngoài. Công nhân và nhà máy ở nước ngoài là những mục tiêu cụ thể và dễ chĩa mũi dùi vào, trong khi đó microchip thì không hẳn là kẻ thù trong con mắt các chính trị gia. Chính vì thế thương mại tự do nhanh chóng trở thành mối lo, mối họa trong tư duy của nhiều người trong thời đại toàn cầu hóa – trong khi thực ra họ nên lo lắng hơn về chuyện kỹ thuật phát triển nhân đại trà.

Bill Clinton đánh bại George Bush [cha] và Bob Dole bởi lẽ đa số cử tri Hoa Kỳ có trực giác là họ đang bước vào một kỷ nguyên mới, Clinton đón nhận thời cơ đó, và đưa ra những giải pháp cho nó – trong khi Bush và Dole không làm được điều đó. Nhưng không may là khi lên cầm quyền, Clinton không bao giờ thực hành cho hoàn hảo những giải pháp đó, chưa đưa được ra một bức tranh toàn cảnh cho dân chúng. Trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức, Clinton đã tuyên bố vấn đề nan giải của Hoa Kỳ là y tế – chứ không phải toàn cầu hóa bền vững. Vậy đáng lẽ ông ta phải nói

điều gì? Đáng nhẽ ông ta nên nói:

“Thưa đồng bào, nhiệm kỳ Tổng thống của tôi trùng hợp với kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh và sự khởi đầu của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trong những năm 1990 cho tới thiên niên kỷ mới mang ý nghĩa như Chiến tranh Lạnh đến với thế giới từ những năm 1950 cho tới những năm 1980. Nếu hệ thống Chiến tranh Lạnh được dựng lên từ những đe dọa và thách thức của Liên Xô, và chia cắt thế giới, thì toàn cầu hóa được xây dựng từ những đe dọa và thách thức của những bước nhảy vọt trong công nghệ và những hội nhập kinh tế; toàn cầu hóa khiến thế giới tập trung hơn. Nhưng khi đoàn kết thế giới thành một khối, toàn cầu hóa cũng làm biến đổi môi trường làm việc, công việc, thương trường và cộng đồng của mọi người – nhanh chóng xóa đi những nghề nghiệp cũ kỹ và cho ra đời những công việc mới mẻ. Toàn cầu hóa xóa đi những lối sống cũ kỹ và cho ra đời những cách sống mới; nhanh chóng xóa đi những thị trường cũ kỹ và nhân đại trà các loại thị trường mới; nhanh chóng xóa đi những ngành công nghiệp cũ và phát minh nhiều ngành nghề mới mẻ. Ngoại thương, vốn chiếm 13 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội những năm 1970, nay đã lên tới 30 phần trăm tại Hoa Kỳ – và đang tiếp tục tăng. Những tiến bộ kỹ thuật ngày nay phát triển nhanh tới mức các công ty máy tính của Hoa Kỳ mỗi năm cho ra 3 đời máy tính. Đây không những là một thế giới mới, mà về nhiều mặt một thế giới tốt đẹp hơn. Dẫu có phải vật lộn với toàn cầu hóa lúc này lúc khác, thì Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Brazil hay Argentina đã chứng kiến mức sống của họ tăng lên cho nhiều bộ phận dân chúng của họ, tăng cao hơn bao giờ hết trong lịch sử. Điều đó là nhờ có sự tăng hiệu quả các thị trường tài chính tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán và đầu tư của con người từ nước này sang nước khác. Toàn cầu hóa là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế chưa từng có thời này, đó là điều chúng ta không bao giờ được quên. Như Bộ trưởng Tài chính Larry Summers chỉ ra, nhờ phần lớn vào toàn cầu hóa mà hơn một phần tư nhân loại đang an hưởng mức tăng trưởng trong đó mức sống của họ sẽ tăng gấp bốn lần trong thế hệ của họ. Bốn lần. Và điều đó hoàn toàn không gây hại gì cho Hoa Kỳ. Ngược lại sự tăng trưởng trên thế giới đã khiến giảm nạn thất nghiệp ở Mỹ xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm. Nhưng toàn cầu hóa cũng mang đến một thách thức chưa từng có: Trong khi đóng vai trò đầu tàu tiến tới sự phồn vinh lâu dài, toàn cầu hóa cũng là động lực khiến xuất hiện những phân bổ tài nguyên và của cải một cách bất công trong ngắn hạn. Và không thể đơn thuần nói với một công nhân vừa mất việc vào tay người nước ngoài rằng: tuy vậy nhưng xã hội nói chung nay khá hơn nhiều, vì mọi người có thể mua những loại giày hay loại sắt thép rẻ hơn. Không dễ gì giải thích với một nhân viên vừa mất việc vì một loại công nghệ mới được đưa ra ứng dụng, rằng tuy thế, xã hội ta vẫn khá hơn vì mọi hệ thống vận hành được áp dụng khoa học kỹ thuật và có năng suất tăng vọt. Lợi ích của toàn cầu hóa được tính trên cơ sở dài hạn và làm lợi cho xã hội nói chung nhưng những bất công đương nhiên sẽ sớm

xảy ra và cá nhân sẽ là những nạn nhân trước tiên.”

“Vì thế, trước sự tương phản giữa những cơ hội dài hạn do toàn cầu hóa và tăng trưởng mang lại cho những người giàu, và những gián đoạn độc hại về chính trị, môi trường và xã hội trước mắt nhằm vào người nghèo, Hoa Kỳ cần có một chiến lược để khiến toàn cầu hóa trở nên bền vững – để khai thác những điều hay nhất, trong khi giảm nhẹ tác động từ những hậu quả tồi tệ. Hãy tưởng tượng thế giới là một bánh xe có những nan hoa. Ổ trục bánh xe là điều tôi gọi là “toàn cầu hóa cùng tăng trưởng kinh tế và cải cách công nghệ.” Nói đơn giản là điều vĩ mô. Vì nó nằm ở trục, nên chúng ta cần có quan điểm để nối trục này với các lĩnh vực y tế, phúc lợi, giáo dục, dạy nghề, môi trường, điều tiết thị trường, an sinh xã hội, tài chính và mở rộng thương mại tự do. Mỗi một mảng như vậy cần được điều chỉnh, cải cách để giúp đất nước chúng ta khai thác lợi ích của toàn cầu hóa đồng thời tạo những đệm an toàn để giảm và loại trừ những hệ quả xấu có thể xảy ra. Toàn cầu hóa đòi hỏi xã hội chúng ta tiến nhanh hơn, làm việc thông minh hơn, và đương đầu với nhiều mạo hiểm hơn bao giờ hết. Trong cương vị tổng thống, tôi xin hứa hai điều. Một, tôi sẽ giúp trang bị tốt hơn cho bản thân đồng bào và toàn xã hội để đối phó với những thách thức mới, với sự kết hợp giữa hội nhập triệt để và tổ chức mạng lưới an sinh xã hội hoàn hảo. Điều thứ hai, tôi sẽ bảo vệ không mệt mỏi những sắc luật về thương mại để đảm bảo rằng, trong khi toàn cầu hóa thử thách người lao động Hoa Kỳ, sẽ không cho phép những người khác lợi dụng để bán phá giá hàng hóa của họ ở đây, trong khi lại không cho hàng hóa của chúng ta vào đất nước của họ. Tôi không nói đây là nhiệm vụ dễ dàng. Ngược lại tôi xin nói tình hình rồi đây sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu chúng ta xây dựng một sự cân bằng hợp lý – tôi nghĩ chúng ta có thể làm được – chúng ta có thể trở thành đội tiên phong trên thế giới làm gương về sự hội nhập trong toàn cầu hóa, cũng như chúng ta đã từng làm gương cho thế giới trong việc răn đe trong thời Chiến tranh Lạnh. Chúa phù hộ nước Mỹ.”

Đó chính là những gì Clinton tin vào, nhưng không hẳn là những gì ông ta đã nói ra. Và một trong những lý do vì sao chính sách y tế của Clinton bị các đối thủ đánh bại là nó không được đặt vào trong một bức tranh rõ ràng mang bối cảnh toàn cầu hóa. Hậu quả là, như kinh tế gia Dani Rodrik của Đại học Harvard cho biết, “Các mối liên hệ và bổ sung trong những lĩnh vực đó đã không được thể hiện rõ trong tranh luận công khai,” làm cho những kẻ duy ý chí và cực đoan, cũng như các nhà kinh tế gia đại chúng, phái dân tộc chủ nghĩa, những kẻ thiếu hiểu biết, xu thời, đã lái cuộc tranh luận sang những đề tài hạn hẹp – ví dụ: thương mại hay y tế – họ đánh gục chính sách của Clinton.

Nếu chúng ta không giải thích cho công chúng biết về bản chất thực sự của thế giới ngày nay và giải mã cho được toàn cầu hóa thì những người theo đuổi chính sách ly khai sẽ tận dụng những gì còn mờ mịt lẫn lộn để thực hiện mục đích của họ. Năm

1998, Tổng thống Clinton không thể áp dụng NAFTA vào Chilê chỉ vì một nhóm thiểu số đứng đầu là giới nghiệp đoàn chống đối. Họ hết sức năng động trong việc chống phá thương mại tự do; trong khi đó đa số trong Quốc hội được lợi trong chuyện đó, nhưng họ lại không tự tập hợp được và không bảo vệ được chính quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, ngoài một bức tranh toàn cảnh rõ nét, một nền chính trị toàn cầu hóa bền vững cần bao hàm một hệ thống chính sách cân bằng. Cụ thể, sự cân bằng này đòi hỏi sự thỏa thuận giữa giới lao động, các định chế tài chính và chính phủ. Hãy ghi công những người theo trường phái Thatcher và Reagan đã chung sức chuẩn bị cho đất nước của họ cho kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày nay. Họ là những công cụ xây dựng toàn cầu hóa khi họ đi đầu trong việc truyền bá viễn cảnh thị trường tự do thuần khiết nhất – cốt lõi của toàn cầu hóa. Quan điểm của những người này là: “Hãy để cho thị trường thống trị trên diện càng rộng càng tốt và mọi thứ sẽ được điều tiết êm đẹp.” Nhưng một viễn cảnh thị trường thuần khiết vẫn chưa đủ, vì nó rất tàn khốc và gây những bất ổn về chính trị. Cánh Tả, hay những gì còn lại của cánh Tả, trong khi đó lại tiếp tục ôm giữ những nguyên tắc nhà nước phúc lợi – điều đó ngược lại, đã gây nhiều bất lợi về kinh tế.

Những gì cần phải có, thay vì hai luồng quan điểm cực đoan đối chọi nói trên, là một sự kết hợp mang tính xã hội bao gồm cả thị trường tự do và sự đảm bảo rằng ích lợi của chúng đến với càng nhiều người dân càng tốt. Bạn giữ cho toàn cầu hóa ổn định bằng cách dân chủ hóa toàn cầu hóa – giúp nó làm lợi cho dân chúng nhiều hơn. Tìm hiểu một sự hòa hoãn mang tính xã hội để dân chủ hóa toàn cầu hóa là nhiệm vụ của những người thuộc phái Trung Tả – như Bill Clinton của Hoa Kỳ và Tony Blairs của nước Anh. Nhiều người gọi đó là “Con đường thứ ba.” Tôi không chấp nhận lối gọi đó. Những gì Clinton và Blairs đang lần mò mà tôi gọi là hội-nhập-toàn cầu hóakiêm- an-sinh-xã-hội là con đường duy nhất cho một đất nước tồn tại trong toàn cầu hóa. Không có con đường thứ ba. Chỉ có một con đường, con đường mang tính cân bằng.

Những người hội-nhập-toàn cầu hóa-kiêm-an-sinhxã- hội như chúng tôi tin rằng bạn không dám trở thành một nhà toàn cầu hóa, một người tranh đấu cho thương mại tự do, mở cửa biên giới, thả nổi các hệ thống và Internet cho mọi người, nếu bạn không phải là một người theo phái dân chủ xã hội. Bởi vì nếu bạn không dám dùng những khoản tiền làm ra để tiêu vào những dự án giúp đỡ người nghèo, thua thiệt về tri thức và cơ hội, thì chính họ sẽ trở thành những lực lượng kình chống và tách đất nước của bạn khỏi hệ thống thế giới. Bạn sẽ không thể đạt được đồng thuận về chính trị để duy trì sự cởi mở của đất nước. Đồng thời, chúng tôi tin rằng bạn không dám trở thành một người dân chủ xã hội nếu bạn không phải là một nhà thúc đẩy toàn cầu hóa, bởi vì nếu không hội nhập với thế giới, bạn sẽ không bao giờ tăng thu nhập cần

thiết để giúp cải thiện mức sống và cứu vớt người nghèo.

Vấn đề mà chúng ta đang phải đương đầu là tìm cho ra điểm phân cách, giữ cho sự cân đối giữa hội nhập và phúc lợi xã hội trong hệ toàn cầu hóa ngày nay? Có ba yếu tố chúng ta cần phải cân bằng: chiếc đu bay; đệm nhào lộn; và lưới phúc lợi.

Chiếc đu bay

Trước hết chúng ta cần có một nền kinh tế theo định hướng thị trường tự do cởi mở và tăng trưởng, trong đó con người được phép tự do nhào lộn đu bay. Nếu không có những kẻ mạo hiểm và những nhà tài chính chịu mạo hiểm thì sẽ không có giới kinh doanh, và nếu không có kinh doanh thì không có tăng trưởng. Chính vì thế ở tâm điểm của mỗi nền kinh tế lành mạnh chính là chiếc đu bay cho thị trường tự do bay bổng. Vì không có một hệ thống phúc lợi nào tốt hơn là một nền kinh tế lành mạnh với mức thất nghiệp thấp. Kinh tế Mỹ, một nền kinh tế tự do tiêu biểu cho thấy mức thất nghiệp giảm từ 10,75 phần trăm năm 1994 xuống còn 6,75 phần trăm vào năm 1999, cho phép một số đông thanh niên, đặc biệt là dân thiểu số, kiếm được công ăn việc làm, được đào tạo và phát triển lập thân. Tất nhiên không phải ai cũng chắc chắn kiếm được công việc ngon lành – có những người vẫn tiếp tục phải chui vào bếp nấu nướng trong khi có những người khác ngồi thiết kế trang web trong những công sở sang trọng. Nhưng một công việc và bất cứ công việc nào cũng đáng tự hào và tạo được sự ổn định trong đời mỗi con người.

Mỗi khi nghĩ đến điều này tôi đều nhớ câu chuyện nhà báo người Nga Aleksei Pushkov kể cho tôi vào tháng 4 năm 1995 về một trong những người hàng xóm của anh ở Moskva. “Anh ta là một tài xế nghèo sống ở căn hộ cạnh cầu thang. Tối thứ sáu nào anh ta cũng xỉn và hát – hát đi hát lại, hát vang vọng hai bài hát tiếng Anh: bài “Đất nước tươi đẹp” và “Em chỉ mong có thêm đứa nữa”. Anh chàng này không hiểu nội dung của bài hát. Khi xỉn là hắn đánh vợ và vợ hắn la hét ầm lên. Hắn làm chúng tôi phát khùng. Tôi muốn quăng cho hắn một trái lựu đạn. Nhưng cho đến cách đây 8 tháng tôi không biết sao hắn lại mua được cổ phần và vào làm trong một xưởng sửa chữa xe hơi. Từ ngày đó không ai còn nghe cả đêm bài hát “Đất nước tươi đẹp”, không ai nghe thấy tiếng vợ anh chàng la hét nữa. Anh ta đi làm đều đặn vào lúc 8 giờ rưỡi sáng thật vui vẻ. Anh chàng biết rằng đời đang dần tươi đẹp hơn. Vợ tôi nói, “Hãy nhìn thằng cha Đất nước tươi đẹp! Hắn là ông chủ rồi đấy.”

Chiến lược chiếc đu bay không chỉ có nghĩa là chính phủ đứng sang một bên cho phép thị trường tha hồ cướp bóc, mà còn có nghĩa là chính phủ phải tạo điều kiện cho dân chúng trở thành ông/bà chủ và là những người thông thạo thị trường tự do. Ở Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là những sáng kiến để mở đường cho nguồn vốn đến được những cộng đồng kém may mắn và thu nhập thấp, từ đó công ăn việc làm sẽ được tạo ra và khỏi uổng công những nhà dạy nghề và những người học nghề. Những thành phố trong nội địa Hoa Kỳ chính là những thị trường đang trỗi dậy, tương tự như đất

nước Bangladesh, và chính chúng nhiều khi cần đến những trợ giúp để tạo thị trường mới. Thời còn làm Bộ trưởng Thương mại, Larry Summers đã chỉ ra: “Trên thế giới, khi đến với những con người cơ cực nhất thì thị trường tài chính tư nhân tỏ ra bất lực. Các ngân hàng lớn không muốn thâm nhập vào những cộng đồng đang cơ hàn – vì ở đó không có tiền. Các rào cản không cho các nguồn vốn đến với những cộng đồng và thiểu số nhất định, chứng tỏ sự bất lực của thị trường ở đó. Chính vì lẽ đó những cộng đồng nọ không có cơ hội để giao dịch tài chính, để tích lũy hay cho vay tiền, nên đã trì trệ họ càng trì trệ hơn.”

Một phương thức giúp dân chủ hóa nguồn vốn ở Hoa Kỳ đó là nỗ lực tu chính Luật tái đầu tư cộng đồng, cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng cho các khu phố nghèo khó. Nhưng cũng có những khoản vay mà các ngân hàng thương mại không đời nào chuẩn chi. Chính vì thế tôi hoan nghênh những hỗ trợ của chính phủ cho những khoản đầu tư từ năm 1999 cho những cộng đồng có mức sống tối thiểu. Được biết đến dưới cái tên Quĩ tín dụng phát triển cộng đồng, cung cấp vốn ban đầu cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào những nơi cơ hàn nhưng cũng là nơi họ thấy những cơ hội mới cho kinh tế thị trường. Hoạt động đầu tư bao gồm những trung tâm giữ trẻ, chung cư cho người thu nhập thấp, thẩm mỹ viện và trung tâm giải trí – những lĩnh vực mà những ngân hàng lớn chẳng bao giờ để tâm.

Đệm nhào lộn

Thậm chí những xã hội có nền kinh tế năng động vẫn cần có những tấm đệm đàn hồi, an toàn, để hứng đón những ai trượt ngã vì không bắt kịp tốc độ và môi trường thay đổi nhanh. Đệm phải đàn hồi để đẩy ngược những người đó nhảy vào guồng máy kinh tế. Một tấm đệm thật bền để đón, nhưng không thực êm ái khiến bạn cứ nằm ì trên đó. Tấm đệm này thực sự cần thiết để cấp thời giúp cho những nhân tố chậm phát triển trong xã hội. Và hiển nhiên, theo cách nói trừu tượng, thì tấm đệm quan trong nhất trong đời người là việc được học hành và đào tạo.

Mỗi người lao động cần hiểu rằng an ninh kinh tế trên thế giới ngày nay, khi không còn những bức tường rào cản, không còn do một nhà nước phúc lợi chu cấp hay một thứ thẻ nghiệp đoàn quy định. Trong thời đại khoa học kỹ thuật thay đổi đến mức chóng mặt và các công ty không bị nhiều cản trở như trước, thì chỉ có kỹ năng đào tạo mới và việc duy trì đào tạo mới giúp cho con người ta giữ được công ăn việc làm. “Trong sự nghiệp của bạn, tri thức giống như sữa vậy, “ Louis Ross, kỹ thuật viên chính của hãng xe hơi Ford cho biết. Ross nói tiếp: “Thường trên các bịch hay chai lọ đựng sữa có dán nhãn hạn sử dụng. Vậy hạn sử dụng một tấm bằng kỹ sư ngày nay là 3 năm. Sau ba năm, nếu kỹ sư này không trau dồi và đổi mới kiến thức, thì sự nghiệp của anh ta sẽ đi tong.” Jim Botkin và Stan Davis viết trong cuốn sách của họ Quái vật dưới gầm giường rằng trong một nền kinh tế tri thức, bạn không những kiếm sống mà bạn còn “học cách kiếm sống.”

Trách nhiệm của chính phủ không phải là bảo hộ, che chắn cho người lao động khỏi thực tế đó, mà là giúp đào tạo và giúp đỡ họ đối phó với thực tế đó. Vì mục đích như vậy, tôi nghĩ những ai được vào Nhà Trắng trong thời đại ngày nay nên ban hành một sắc luật, tạm gọi là “Luật về các cơ hội thay đổi nhanh”. Đạo luật này sẽ tồn tại song hành với những chính sách hội nhập của chính phủ – đối với việc tiếp nhận Chi Lê vào Hiệp ước mậu dịch tự do NAFTA hay những dàn xếp về thương mại tự do khác. Đạo luật sẽ được sửa đổi mỗi năm với mục đích đôn đốc chính phủ hiểu rõ hơn về thực tế toàn cầu hóa cũng như nhắc nhở cho chính phủ thấy những điều bất hợp lý và mất cân bằng trong các chính sách của họ. Nhờ đó chính phủ điều chỉnh độ rộng hẹp của tấm đệm nhào lộn, tăng cường năng lực và điều kiện sống để người lao động bắt kịp với tiến độ phát triển nhanh chóng của thế giới. Đó chính là con đường bền vững đi tới toàn cầu hóa.

Nếu tôi có một chiếc đũa thần trong tay, thì ví dụ, Luật về các cơ hội thay đổi nhanh năm 1999 sẽ có những điều khoản sau đây: Các dự án về việc làm giúp người thất nghiệp tạm thời; miễn thuế cho các khoản bồi thường nghỉ việc; dịch vụ tư vấn miễn phí của chính phủ về cách viết lý lịch xin việc và tăng cường thêm điều khoản cho đạo luật Kassebaum-Kennedy giúp những người mất việc vẫn được hưởng bảo hiểm y tế; và một chiến dịch quảng cáo cho một trong những thành tựu lớn nhất của thời kỳ Bill Clinton mà ít người biết đến – Đạo luật về đầu tư nhân lực. Ký vào năm 1998, đạo luật này quy tụ 150 chương trình dạy nghề của chính phủ vào ba lĩnh vực: Các dự án đào tạo cá nhân tài trợ cho nhân công xin học các ngành nghề mà họ tin rằng sẽ giúp kiếm việc thuận lợi nhất; Các trung tâm việc làm một cửa cho mỗi chương trình dạy nghề; Và việc tăng 1,2 tỷ đô-la tài trợ trong năm năm cho những chương trình dạy nghề cho thanh niên. Thêm nữa, tôi sẽ gắn cho đạo luật mới những dự án cấp tín dụng cho các ngân hàng phát triển ở châu Á, Phi và Mỹ La tinh, để tăng cường đào tạo phụ nữ, cho phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ vay vốn, và giúp cho việc làm sạch môi trường ở những nước mà có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Tôi cũng muốn bao gồm trong đạo luật việc tăng cường tài trợ cho các sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong việc tạo cơ hội việc làm nhằm xóa bỏ tình trạng bóc lột sức lao động của trẻ em ở những nước mà đối tượng trẻ em bị hành hạ nhiều nhất. Tôi cũng muốn trong đạo luật có điều khoản tăng ngân sách cho chương trình Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại hiện nay, nhằm trợ giúp cho những người lao động bị mất việc do các hoạt động ngoại thương gây ra. Tôi cũng muốn mở rộng chương trình mang tên Hỗ trợ người lao động bị mất việc do sự phát triển của các công nghệ mới. Và sau cùng, tôi muốn tổ chức một chiến dịch thông tin về các ưu đãi thuế dành cho việc học hành, cho phép trừ vào tiền thuế của mọi người tới mức 1.000 đô-la/người để đóng góp cho các chi phí đào tạo và giáo dục mới của họ.

Tôi cũng gắn vào đạo luật đó các chương trình tăng cường giá trị của gia đình và

cộng đồng, giúp cải thiện về tâm lý cho nhân công, những người đang phải đương đầu với các hoạt động của thị trường đầy sức ép và thay đổi việc làm nhanh chóng. Các chương trình bao gồm việc tăng hỗ trợ cho các trung tâm giữ trẻ, cho tới chính sách giờ giấc uyển chuyển dành cho cha mẹ để họ có thêm thời gian cho gia đình, cho bản thân, và đến việc trả lương cho những người làm thêm giờ. Chúng ta cần có thêm những cá nhân làm việc tự giác, nhưng những cá nhân đó không thể hoạt động trong các môi trường chân không. Họ phải nằm vào các cộng đồng tích cực, lành mạnh và có trách nhiệm. Các cộng đồng phải giúp các cá nhân ứng phó với hành vi của thị trường tự do hay những bức bách của chính phủ. Cố gắng tăng cường năng lực của dân chúng, từ việc dùng những Hội cha mẹ và thầy cô cho tới việc tham gia giữ gìn an toàn cộng đồng, đặt bước đệm giữa thị trường và chính phủ, chính là điều thiết yếu trong hệ thống mới ngày nay.

Điều mà những người theo phái Hội nhập-An sinh xã hội như chúng tôi tin vào, đó là có rất nhiều việc mà chính phủ vẫn có thể thực hiện trong thời đại toàn cầu hóa, những việc không cần chi phí cao, không cần có chính sách phân phối lại thu nhập một cách vội vàng – hay không cần đến những khoản chi tiêu tốn kém cho phúc lợi xã hội đến mức vi phạm những luật lệ về Chiếc Áo Nịt Nạm Vàng – nhưng vẫn giúp làm tăng con số những người làm ăn thành đạt. Những sáng kiến như trên sẽ khiến cho dân chúng thấy rằng: “Trong khi toàn cầu hóa bắt người ta phải bay từ đu bay này sang đu bay khác, cao hơn, nhanh hơn, và xa hơn nữa, thì chính phủ sẽ không để cho người ta rơi xuống những mặt đất hiểm trở và bị con quái vật toàn cầu hóa ăn thịt. Mặc dù không tặng bạn các món quà từ thiện, chính phủ nay sẽ giúp bạn tìm kế sinh nhai.” Thậm chí nếu chúng ta tốn tiền vào những chương trình trợ giúp kế sinh nhai, thì chi phí cũng vẫn là rất nhỏ so với lợi ích và tính hiệu quả đem lại từ việc duy trì các thị trường tự do đối với thế giới. Chi phí cho một đạo luật như Luật về các cơ hội thay đổi nhanh thật là nhỏ để đạt được sự kết dính về xã hội cũng như những đồng thuận về chính trị hướng tới hội nhập và tự do thương mại. Vậy thì phương châm của tôi là: “Bảo vệ nhưng không bảo hộ. Làm đệm nhưng không dựng rào cản. Ứng phó với “Thế giới Đi nhanh” chứ đừng tránh né nó.”

Lưới phúc lợi xã hội

Sau cùng, chúng ta vẫn cần đến những cái lưới phúc lợi xã hội – chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm y tế công, trợ giúp y tế công, tem phiếu thực phẩm và phúc lợi xã hội khác – để hứng những người không thể đu bay nhanh và không thể học nhanh để theo kịp vào “Thế giới Đi nhanh”, những người mà bạn không muốn để cho bị ngã sấp mặt xuống mặt đất hiểm trở. Nhưng trong toàn cầu hóa, chúng ta cần có tư duy mới về khái niệm lưới phúc lợi xã hội. Chẳng hạn, trong thời đại Internet trở nên thiết yếu đối với việc học hành, đặt vé máy bay, tiếp cận với cơ quan chính phủ, liên lạc, chưa kể đến việc mua sắm tìm hàng giá rẻ, chúng tôi cho rằng cơ hội sử dụng Internet

đã trở thành một quyền cơ bản của nhân loại.

Dĩ nhiên có một sự được mất giữa cái đu bay, đệm nhào lộn và lưới phúc lợi xã hội. Ngày nay ở Hoa Kỳ cũng như các nước khác, chính trị là sự tìm tòi một điểm cân bằng mới – là việc tìm cho ra một giải pháp dung hòa đúng đắn giữa một nền kinh tế mở cửa-hội nhập luôn luôn tăng năng suất và các cơ hội việc làm, kết hợp với những tấm đệm nhào lộn và lưới bảo hiểm xã hội. Rõ ràng, điểm cân bằng đó đã và đang di chuyển từ cánh tả, thời Chiến tranh Lạnh, sang phái hữu của trung tâm. Thời Chiến tranh Lạnh, thời của những bức tường, các chính phủ cảm thấy họ cần phải ngăn chặn không cho nhân công của họ ngả theo cộng sản chủ nghĩa, vì thế chủ xưởng thiên về việc duy trì các chương trình phúc lợi xã hội. Ngày đó đã qua rồi. Nhưng giờ đây vẫn không có nghĩa là trao mọi thứ vào tay khu vực tư nhân. Nhờ có hội nhập, chiếc áo nịt của Hoa Kỳ đã sản sinh rất nhiều vàng – dự đoán vào thiên niên kỷ mới mức thặng dư ngân sách vẫn tiếp tục được duy trì – và có khả năng chu cấp đầy đủ cho những mạng lưới bảo hiểm xã hội và các đệm nhào lộn.

Không có thứ chính trị toàn cầu hóa bền vững nào lại chỉ dựa đơn thuần vào các chương trình kinh tế. Trong khi mở đường vào toàn cầu hóa trở nên một nhiệm vụ thiết yếu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, dân chủ hóa các hệ thống chính trị đồng thời cũng là một đòi hỏi quan trọng. Đó là một trong những bài học thực tế rút ra trong thập kỷ đầu tiên của toàn cầu hóa: Đưa xã hội của bạn tăng tốc nhập vào toàn cầu hóa là cả một quá trình đầy đau đớn, và bởi thế, về lâu về dài, nó đòi hỏi phải tiếp tục có thêm dân chủ. Trong Chiến tranh Lạnh, lãnh tụ của các quốc gia đã được các siêu cường dung túng, cho phép họ muốn lãnh đạo đất nước ra sao cũng được. Nhưng những siêu cường giờ đây đã ra đi và đa số dân chúng ngày nay không muốn duy trì các chính phủ yếu kém quá lâu – đặc biệt trong thời đại mà họ biết rõ hơn về cảnh sống của đồng loại. (Hãy tra trong từ điển từ Indonesia). Nếu các vị giờ đây yếu kém, các vị sẽ đổ – và nếu không có dân chúng đỡ, thì các vị sẽ đổ rất đau đớn. (Hãy tra trong từ điển từ Suharto).

Larry Diamond, học giả về dân chủ đã chỉ ra: “Chúng ta đã thấy một số ví dụ trong đó các nước Mỹ La tinh, Đông Âu và Đông Á đã dùng lá phiếu đuổi khỏi quyền lực những chính phủ mà họ thấy liên quan tới những tổn thất từ cải cách toàn cầu hóa. Những chính phủ mới lên cầm quyền quả đã đưa ra những điều chỉnh nhưng vẫn giữ lại ít nhiều những chính sách thị trường và toàn cầu hóa như trước kia. Vì sao họ làm được chuyện đó? Vì quá trình dân chủ hóa khiến cho dân chúng các nước đó tự cảm nhận, tự chia sẻ những tổn thất nảy sinh từ những cải cách kinh tế. Những tổn thất đó đối với dân chúng không còn cái vẻ xa lạ như trước kia. Dân chúng ngày nay được quyền tư vấn về các chủ đề kinh tế, ít nhất họ có thể lựa chọn để tự quyết định về tốc độ cải cách kinh tế, thay vì phải chịu sai khiến như trước kia. Hơn nữa, nhờ có cơ hội tham gia cải tổ, được phép đuổi cổ những người mà họ cảm thấy có hành vi thái quá,

tham nhũng quá và thiếu nhạy cảm quá, toàn bộ quá trình cải tổ trở nên chính đáng hơn về chính trị, và nhờ đó trở nên bền vững hơn.”

Hơn nữa, ngày nay các đảng phái và lãnh đạo phải thay nhau để cầm quyền – các phái đối lập về chính trị đã xuất hiện và theo đuổi các chính sách giải phóng kinh tế và toàn cầu hóa ngày càng giống như của chính phủ – thông điệp mới ngày càng ăn sâu vào dân chúng: không có lựa chọn nào khác, ngoài việc mặc lên người chiếc áo nịt. Có bao nhiêu lãnh đạo đối lập ở Mỹ La tinh, Đông Âu và Đông Á khi lên nắm quyền trong thập niên vừa qua đã tuyên bố: “Ồ, quả là chúng ta đã tham nhũng thật. Chúng ta đúng là phải mở cửa. Thực tế cho thấy mọi thứ tồi tệ hơn là tôi nghĩ, và chúng ta sẽ phải tăng tốc những cuộc cải cách và nếu không thì sẽ không có đường ra. Nhưng chúng ta sẽ khoác cho những cải cách đó những bộ mặt người.” Dân chủ hóa giúp cho quá trình nhận thức đó được nảy sinh. Và do đó các quốc gia điều chỉnh nhanh nhất để hội nhập toàn cầu hóa ngày nay không phải là những nơi giàu tài nguyên như Ả rập Xê út, Nigeria hay Iran, mà là những nước hay vùng được dân chủ hóa nhanh nhất, Ba Lan, Đài Loan, Thái Lan hay Hàn Quốc.

Dân chủ hóa toàn cầu hóa – không những là con đường hiệu quả nhất để giúp toàn cầu hóa được bền vững, mà là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân nhất mà bất cứ chính phủ nào cũng cần theo đuổi.

Địa-kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa

Có lần tôi viết một bài theo lối giả tưởng về chủ đề đầu tư trong những năm 90, đại khái như sau: “Vậy là tôi quyết định sẽ đầu tư quốc tế. Tôi học lại tiếng Đức và mua một số trái phiếu công ty của Đức. Tôi học ít tiếng Nhật và mua một vài cổ phần của thị trường Nikkei. Tôi nghe lời mách bảo của một anh hầu bàn trong quán ăn Trung Hoa Chinese House of Hunan gần nhà tôi và đã mua một số cổ phiếu từ thị trường Thượng Hải. Người môi giới tài chính của tôi nói tôi nên mua một số công trái của Li Băng, nhưng tôi nói với anh ta rằng tôi đã có đủ giấy dán tường trong văn phòng của tôi rồi. Tôi cũng đã nghiên cứu về Nga, dò bảng chữ cái Nga và mua một số trái phiếu nước này. Nhưng sau tất cả những nghiên cứu và học ngoại ngữ kể trên, tôi nhận thấy tôi đã bỏ quên không học hai chữ tiếng Anh đơn giản: ‘Alan Greenspan.’ Vì, khi Alan Greenspan đột nhiên nâng lãi suất vào giữa những năm 90, khiến cho lãi suất của những trái phiếu nước ngoài giảm đi, mọi người đã bắt đầu bán đổ bán tháo những trái phiếu đó và gom tiền về nhà, và tôi đã bị nghiền nát.” Tôi là một chủ nợ thiếu hiểu biết. Khi đến những nước mà tôi mua trái phiếu, tôi không biết tiền họ nợ tôi là bao nhiêu. Và tôi cũng không biết mình lãi lỗ ra sao khi rời khỏi những đất nước đó.

Vài năm sau tôi trở nên hiểu biết hơn và trở thành một người cho vay giỏi hơn. Tôi bắt đầu đầu tư quốc tế thông qua một quỹ đầu tư tín thác, có chuyên môn về các thị trường toàn cầu và có khả năng soát xét các hoạt động đầu tư. Ngay sau khi kinh tế Nga trở nên hỗn loạn hồi tháng 8/1998, tôi nhận được một lá thư từ quỹ đó – quỹ

Tweedy, Browne Global – cho biết lợi tức sẽ giảm chút ít do những biến động trên thị trường tài chính phản ứng lại việc nước Nga khất nợ, nhưng quỹ này không bị thiệt hại nhiều như nhiều quỹ khác, vì nó đã biết đường tránh xa, không đầu tư vào thị trường Nga. Trong thư họ viết về nước Nga như sau: “Chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao lại đầu tư vào những nước không có ổn định về chính trị, không có luật pháp bảo vệ các nhà đầu tư, và tiền nội tệ thì rẻ mạt như giấy lau tay vậy.” Vâng, lá thư viết thêm, hồi đầu năm 1998, thị trường Nga tăng trị giá gấp năm lần, sau đó chỉ một đêm đã sụt đi 80 phần trăm trị giá đó – “mèo lại hoàn mèo.” Hóa ra nước Nga là một con nợ tồi. Nó không có hệ điều hành và không có phần mềm, sau cùng nó khiến cho những nhà đầu tư nước ngoài đi từ số không lên mức 80 phần trăm – rồi lại quay lại số không.

Tôi kể hai câu chuyện trên đây bởi vì chúng cho thấy cốt lõi của hai đe dọa lớn nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay – khủng hoảng do “chủ nợ tồi” gây ra và khủng hoảng do “con nợ” tồi gây ra. Cũng như trong xã hội có con nghiện và kẻ bán ma túy, thì trong tài chính có loại “con nợ tồi” như nước Nga, và loại “chủ nợ tồi” như bản thân tôi. Vậy câu hỏi lớn mang tính địa-kinh tế mà chúng ta cần xử lý là: Làm thế nào chúng ta có thể làm ổn định được nền kinh tế toàn cầu ngày nay, khiến cho đỡ đi những cảnh cho vay và nợ tồi tệ, những tình huống có thể lan tràn với quy mô và chiều sâu đến mức đe dọa toàn bộ hệ thống?

Hãy bắt đầu với chuyện những con nợ xấu xa. Tôi tin rằng toàn cầu hóa đã giúp chúng ta khi làm tan chảy những nền kinh tế của Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Mexico, Nga và Brazil trong những năm 90, vì nó làm bộc lộ những hành

vi và những cơ cấu thối nát và thiếu hiệu quả ở những đất nước du nhập toàn cầu hóa một cách chưa chín muồi. Theo tôi việc vạch trần gia đình Suharto tham nhũng ở Indonesia không mang tính khủng hoảng. Vạch trần sự móc ngoặc tư bản chủ nghĩa ở Hàn Quốc không phải là điều đường đột. Vạch trần những thương vụ tham nhũng tay trong ở Thái Lan cũng không khiến tôi sửng sốt. Vạch trần quãng thời gian vô lý dành cho những kế hoạch trong đó Chính phủ Mexico cố gắng giật nóng tài trợ bằng đô-la đến nỗi không có khả năng trả nợ, cũng không khiến tôi sửng sốt. Tất cả những hệ thống kể trên, trước hay sau đều sẽ bị sụp đổ.

Nhưng toàn cầu hóa đã khiến những sự sụp đổ đó xảy ra nhanh hơn, câu hỏi tiếp theo giờ đây là: Chúng ta phải làm gì nhân cơ hội này? Có người muốn kiềm chế Bầy Thú Điện Tử để chúng khỏi trở lại giày xéo những nước đó. Có người muốn những nước đó áp dụng chế độ kiểm soát tài chính, dựng rào để bầy thú không còn lối vào. Cả hai quan điểm trên đều do thiếu hiểu biết. Bầy thú là nguồn năng lượng của thế kỷ 21. Các nước phải học cách quản trị chúng; kiềm chế chúng sẽ vô hiệu, và nếu không cho chúng vào thì đất nước sẽ thiếu thốn tài nguyên, kỹ thuật và các kỹ năng chuyên môn, và sẽ dung túng cho chủ nghĩa tư bản móc ngoặc. Nhiều chuyên gia đã coi chính sách kiểm soát tài chính của Chi Lê là một ví dụ hay cho thấy các nước đang phát triển

có thể dùng để ngăn chặn bầy thú gây rối. Từ năm 1991, Chi lê buộc các nhà đầu tư nước ngoài đem tiền vào Chi lê phải để tiền đó trong vòng ít nhất một năm. Chính phủ cũng đã áp đặt mức thuế ngầm đánh vào các công ty có vay mượn từ nước ngoài. Kết quả nói theo lối lạc quan là: tốt xấu lẫn lộn. Tạp chí Forbes (18/5/1998) trích dẫn báo cáo của Sebastian Edwards, cựu kinh tế gia thuộc Ngân hàng Thế giới về Mỹ La tinh, cho thấy chính sách kiểm soát tài chính chỉ thành công một phần, nhưng đã nâng rất cao mức chi phí cho việc tìm kiếm và sử dụng vốn tại Chi Lê. Ví dụ mức chi phí để vay vốn ở Chi lê cao gấp đôi ở Argentina, nơi ủy ban tiền tệ của đất nước đã không cho phép kiểm soát tài chính. Kiểm soát tài chính đã mở đường cho các vị quan liêu và các thân hữu của họ điều tiết việc đầu tư, thay cho thị trường tự do. Là một biện pháp tạm thời để ổn định kinh tế, kiểm soát tài chính có thể rất hữu hiệu và tiện dụng

– miễn là chính phủ giữ đồng nội tệ ở mức ổn định. Nhưng về lâu về dài, đó không phải là giải pháp. Trong những quốc gia ít tham nhũng như Chi lê chẳng hạn, kiểm soát tài chính rồi sẽ dẫn tới méo mó; và trong những quốc gia nhiều tham nhũng, thì kiểm soát tài chính sẽ khiến tham nhũng nhiều hơn, tồi tệ hơn.

Do đó hướng giải quyết đúng đắn về địa-kinh tế là tập trung tăng sức cho những đất nước con nợ xấu, để họ có thể sớm kết nối với bầy thú. Họ có thể lại bị giày xéo, và có những nước dĩ nhiên sẽ phải chấp nhận tổn thất. Nhưng bầy thú không phải lúc nào cũng hung dữ một cách vô lý. Ngoài một số ngoại lệ, chúng thường không bỏ chạy hay tấn công những quốc gia có hệ thống tài chính và những chính sách kinh tế lành mạnh. Một số người khi nói đến Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Nga, đã than vãn rằng bầy thú đã bỏ rơi những nơi đó, làm như thể ở những nơi đó người ta đã theo đuổi các chính sách kinh tế đúng đắn, vậy mà bầy thú vẫn vô cớ bỏ ra đi. Nói thế là vô lý. Những nước đó đã vay tiền một cách tùy tiện – chính phủ và các doanh nghiệp đã lâm vào những món nợ đáo hạn sớm, thường là nợ ngoại tệ, tiền vay không được sử dụng thích đáng, và vì thế họ trở nên dễ bị tổn thất mỗi khi có biến động ngoại tệ. Một khi bầy thú nhận thấy những việc làm thái quá như vậy, chúng sẽ giật mình và vùng chạy. Bộ trưởng Tài chính Larry Summers có lần đã nói: “Trong khi người ta theo nhau đổ lỗi cho thị trường vốn toàn cầu tham lam, coi chúng là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng, thì phần nhiều nguyên nhân gây khủng hoảng thực ra bắt nguồn từ cung cách các chính phủ thu hút các khoản vay ngắn hạn nhưng không có khả năng thanh toán. Chúng ta đã thấy điều này ở Mexico chẳng hạn với việc mở những tài khoản đô-la; ở Thái Lan trong việc ưu đãi thuế đối với những khoản vay từ nước ngoài; ở Nga trong cố gắng của chính phủ nhằm thu hút ngoại tệ vào chu cấp cho thị trường trái phiếu trong nước.”

Các nhà kinh tế và chủ ngân hàng ngày nay sẽ tranh cãi về chi tiết các biện pháp phục hồi các nước chịu nợ xấu, giúp họ tránh những giày xéo của của bầy thú. Và mỗi đất nước đều có những đặc điểm khác nhau. Nhưng nói chung, biện pháp cho những

nước đó tuân thủ thường có bốn bước:

Bước một, cần phải làm rõ cho những con nợ đó biết rằng mục tiêu của họ là phải tạo những điều kiện để phục hồi tăng trưởng và lôi kéo cho được bầy thú quay lại. Có nghĩa là phải cam kết để cải tiến hệ điều hành kinh tế của đất nước từ mức DOScapital 1.0 lên 6.0. Điều này đòi hỏi sự kết hợp – mức độ khác nhau trong mỗi nước – giữa cắt giảm ngân sách, đóng cửa các hãng xưởng và các cơ sở tài chính làm ăn thiếu hiệu quả và phá sản, điều chỉnh tỷ giá hối đoái , điều chỉnh lãi suất, trả nợ, và xóa đi những hành vi móc ngoặc tư bản. Mục tiêu của những cải cách đó bao gồm ổn định tiền tệ, sau đó đi đến giảm lãi suất để kích cầu trong nước và cải thiện khả năng tôn trọng các hợp đồng cam kết. Trong nhiều trường hợp, bước này cũng bao gồm việc tạo điều kiện cho bầy thú vào chiếm lĩnh các công ty trong các quốc gia đó. Tôi nhận thấy điểm cuối cùng có thể gây tranh cãi. Như thể tôi đang cố gắng làm cho thế giới trở nên rẻ mạt và an toàn hơn cho chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Không phải thế. Tôi đang cố gắng làm cho thế giới trở nên an toàn hơn, để thực hiện giải pháp toàn cầu và sự xóa cũ đổi mới – thiết yếu đối với tư bản chủ nghĩa – xóa đi những hãng xưởng yếu kém và thay thế chúng bằng những hãng xưởng được quản trị tốt hơn và có vốn liếng ổn định hơn, hoạt động theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế tốt đẹp nhất. Tôi không cần biết người mua lại các hãng xưởng cũ là Mỹ, Đức, Nhật hay Ấn Độ. Tôi chỉ quan tâm tới tiêu chuẩn và tình hình vốn liếng của họ. Bang Arizona vốn có một hệ thống ngân hàng móc ngoặc khét tiếng. Và điều hay ho nhất đã diễn ra tại bang này là việc các ngân hàng có công nghệ cao hơn, quản trị tốt hơn và vốn ổn định hơn – từ New York, Chicago và San Francisco – vào mua sáp nhập các ngân hàng trong lãnh thổ bang. Một lý do quan trọng cho thấy Argentina phục hồi nhanh từ cuộc khủng hoảng Mỹ La tinh đầu những năm 90 là việc những ngân hàng nội địa của họ được các ngân hàng quốc tế tốt nhất vào chiếm lĩnh.

Được Bầy Thú Điện Tử quay lại đất nước của bạn – với niềm tin rằng chúng sẽ đầu tư dài hạn, chuyển giao kỹ thuật và tổ chức điều hành sản xuất tốt hơn trong các nhà máy – chính là một trong những phương pháp hiệu quả và nhanh nhất để xây dựng một hệ điều hành trong nước. Nói thẳng thắn, nỗi lo rằng một ngày nào đó bầy thú sẽ bỏ chạy chính là một trong những tâm lý quan trọng, một thứ kỷ luật đòi hỏi đất nước phải thường xuyên cải tiến các phần mềm và hệ điều hành của họ. Không giống các con hổ Á châu khác, Hàn Quốc, từ những năm 60 cho tới 90, bao giờ cũng ngăn chặn đầu tư của nước ngoài vào. Họ tài trợ cho tăng trưởng bằng nguồn tiết kiệm trong nước và các khoản vay, để có thể độc lập về tài chính. Nhưng cuộc khủng hoảng

Á châu đã buộc Hàn Quốc phải cho phép người nước ngoài vào mua lại những ngành công nghiệp yếu ớt, và những người nước ngoài đó đang dần dần đưa vào Hàn Quốc một phong cách thương mại mới, gồm sự minh bạch và sự kiểm soát của các cổ đông đối với các doanh nghiệp.

Bước hai là thuyết phục các nước con nợ không những cải tổ hệ điều hành kinh tế mà còn hệ điều hành chính trị – chống tham nhũng và trốn thuế, cải thiện nền pháp chế và những tiêu chuẩn dân chủ để phòng khi phải thắt lưng buộc bụng, người dân vẫn hiểu rằng giai đoạn cải cách vẫn có những điều công bằng căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà hai nơi ít phải chịu tác động nhất từ cuộc khủng hoảng Á châu năm 1998 chính là nơi có hai chính thể dân chủ năng động nhất và hai nền báo chí tự do nhất – Đài Loan và Australia. (Có người nói Trung Quốc cũng đã không bị chấn động nhiều, nhưng nền kinh tế của Trung Quốc lúc đó đã không được kết nối đầy đủ, và vẫn còn khá nhiều tường ngăn vách cản trong khu vực tài chính của nước này.) Các nước thường xây dựng được các thành quả kinh tế xứng đáng với tiềm năng của mình, những thành quả kinh tế đó trực tiếp liên quan tới những hệ điều hành và phần mềm cùng nền dân chủ mà họ xây dựng nên.

Chính vì thế mà bước ba bao gồm việc bảo đảm thực hiện các chương trình hỗ trợ cân bằng ngân sách, trả nợ hay hoãn nợ, do IMF hay các định chế tài chính khác đưa ra, với điều kiện các nước con nợ phải thực hiện bước một và hai. Mục tiêu rõ ràng của các chương trình hỗ trợ của IMF là phục hồi sự ổn định, tăng trưởng và lòng tin để bầy thú, trong và ngoài nước, tìm đường nối lại đầu tư. Bộ trưởng Tài chính Summers nói rất đúng khi ông ta lập luận rằng vai trò của IMF trong tương lai nên là kích thích thực hiện các giải pháp dựa trên cơ sở thị trường và tăng cường cung cấp các dữ liệu tài chính chính xác, kịp thời và rộng rãi để bầy thú có thể áp dụng trong việc vạch kế hoạch đầu tư. Trong một thế giới mà khu vực tư nhân đang là nguồn vốn và sáng tạo lớn nhất cho tăng trưởng, nếu không có những thông tin nói trên thì sẽ không có sự phục hồi vững chắc.

Bước bốn là sử dụng các hỗ trợ của IMF hay của các định chế tài chính khác duy trì những mạng lưới phúc lợi xã hội tối thiểu trong những nước con nợ và tạo công ăn việc làm mang tính xã hội để giảm bớt thất nghiệp. Những mạng lưới xã hội thường là những khoản bị cắt giảm đầu tiên theo các chương trình cứu trợ kinh tế. Các chủ ngân hàng quốc tế, những người thường chỉ chú trọng vào khả năng thanh toán của các nước mỗi khi cân nhắc cho các nước vay tiền, thường bỏ qua tình cảnh phúc lợi xã hội khốn khó trong các nước. Điều đó thật điên rồ. Vì rốt cuộc, khủng hoảng thực sự trong các nước thiếu nợ – sẽ có ảnh hưởng tới toàn cầu – không mang tính kinh tế, mà mang nhiều màu sắc chính trị.

Lý do là: Khi vạch trần những hành vi thối nát trong các nước thiếu nợ, toàn cầu hóa không những đánh vào các nhà tư bản móc ngoặc ở đó mà còn đè bẹp rất nhiều dân thường, những người làm ăn cần mẫn, đúng luật và có lòng tin. Những người đó không nghĩ rằng đất nước của họ chỉ là những chiếc thùng không đáy. Vì khi được lắp đáy vào, như trường hợp Nga, Mexico, Thái Lan, Indonesia và Brazil, thì vẫn xảy ra thất nghiệp, sa thải hàng loạt, lạm thu, tắc nghẽn về tài chính và thu nhập thực tế giảm

mạnh. Chính vì thế điều thiết yếu là phải duy trì các hệ thống phúc lợi tối thiểu cũng như các chương trình dạy nghề trong quá trình phục hồi đất nước. Vô nghề nghiệp và thiếu phúc lợi thì chính phủ sẽ không tài nào tìm được từ dân chúng sự kiên nhẫn cần thiết để tiến hành các chính sách cải cách nhằm phục hồi và tăng trưởng đất nước.

Trong các nước lớn, nếu số đông trong dân chúng trở nên đói kém, thì các lãnh đạo thường bị cám dỗ bởi ý tưởng tách đất nước ra khỏi hệ thống thế giới, xây tường ngăn vách cản và theo đuổi các chính sách thả nổi xã hội. Đó chính là những chính sách đã giúp tạo ra cuộc Đại khủng hoảng và đưa đến Chiến tranh thế giới thứ hai.

Dạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu thứ hai chính là dạng khủng hoảng do những chủ nợ tồi gây ra – từ ngân hàng tới quỹ đầu tư, các cơ sở đầu cơ tiền tệ – những định chế đó ngày nay có thể cho vay nhiều tiền đến nhiều người ở nhiều nơi với những cấp độ không ngừng, nhưng bỗng nhiên, khi chúng đường đột đòi lại vốn và lãi, chúng có tiềm năng gây phương hại đến tất cả các nền kinh tế, dù là tốt đẹp hay tồi tệ.

Sự tài trợ thiếu lành mạnh có nhiều dạng. Tôi là người cho vay tiền kém cỏi là do tôi đổ tiền vào những thị trường mới trong khi mù tịt, không biết ở đó họ làm ăn ra sao. Một vài trong số các chủ nợ tồi tệ nhất trong những năm gần đây là những nhà băng lớn. Bạn tôi làm việc trong thị trường Hồng Kông có lần kể rằng vào đầu những năm 90, kinh tế Á châu đang trở nên một cao trào, Ngân hàng Dresdner của Đức thông báo với quản trị viên Á châu của họ: “Cho vay, cho vay nữa, cho vay tiếp đi, nếu không chúng ta sẽ không chiếm được thị phần ở đó.” Ngân hàng kiếm tiền bằng cách cho vay tiền, và thời đó ngân hàng nào cũng nghĩ châu Á là nơi ngon ăn, và ngân hàng bắt đầu cạnh tranh để chiếm lĩnh châu Á. Vậy là họ ném tiền qua cửa sổ, chẳng khác những tay buôn ma túy dúi thuốc vào tay các con nghiện. Phương châm của các nhà băng đối với thế giới đang phát triển là: “Nhanh lên anh em, tiền đây, khoản vay đầu tiên sẽ được miễn phí.” Chính vì thế vào đầu năm 1999, ngay cả sau khủng hoảng ở Á châu và Nga, 500 ngân hàng hàng đầu từ 30 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu vẫn là chủ của món nợ tổng cộng 2,4 ngàn tỷ đôla dành cho các nước đang phát triển. Thật là một đòn bẩy khổng lồ.

Một dạng cho vay cẩu thả khác là khi nhà băng chuyển hàng triệu đô-la sang các quỹ đầu cơ để chúng có thể nuôi các cơ hội đầu cơ. Quỹ đầu cơ nhận 1 đôla từ người đầu tư, mượn 9 đô-la từ ngân hàng, rồi dùng số tiền đó đặt vào mua các cổ phần, trái phiếu và các đồng tiền trên khắp thế giới. Thông thường mà nói thì việc đặt tiền đầu cơ như vậy không có gì sai trái. Vay tiền mua nhà trả góp chính là một vụ đặt tiền. Bạn muốn mọi người tận dụng cơ hội đặt tiền. Bạn muốn mọi người chịu mạo hiểm để đầu cơ – thậm chí mạo hiểm cao. Nhờ đó các doanh nghiệp non trẻ có cơ hội tăng tiến để họ có thể bị phá sản hoặc làm nên như Microsoft chẳng hạn. Điều nguy hiểm là ở chỗ số tiền ném vào các quỹ đầu cơ và các thị trường mới trỗi dậy lên đến mức cao khủng khiếp, hệ thống chuyển ngân được bôi trơn, được ăn khớp và hoạt động nhanh chóng

quá, nên khi những tay mạo hiểm lớn – như Quỹ Long-Term Capital Management – mắc lỗi, thì chúng có thể phá tan cơ nghiệp của tất cả mọi người.

Chính vì thế từ cuộc khủng hoảng đồng peso của Mexico năm 1994-95, gây chấn động tới việc cho vay toàn cầu trong những năm 90 – và lượng tiền do các chính phủ và các định chế huy động để chống lại hiện tượng các nước theo nhau khất nợ – đã tăng lên nhiều lần. Đó là một khuynh hướng nguy hiểm.

Chúng ta đã hiểu thêm về hiện tượng cho vay nợ cẩu thả và chúng ta nay đang cần đến các loại đòn bẩy trong hệ thống. Chúng ta muốn các nhà đầu tư chịu mạo hiểm. Nhưng chúng ta không muốn các cá nhân, ngân hàng, quỹ đầu cơ, các quốc gia hay các nhóm đầu tư theo đuôi… trở nên quá tham lam, vì làm như vậy họ sẽ tạo ra những phản ứng dây chuyền dẫn đến khủng hoảng. Câu hỏi là: làm cách nào?

Có rất nhiều các nhà địa-kiến trúc sư tiềm năng trên thế giới, họ đều có những đề xuất cải tạo thế giới để đối phó với hiện tượng cho vay lan tràn thiếu kỷ luật. Henry Kissinger nói rằng các quốc gia phải hợp lực để có thể thuần phục các thị trường tự do. Một số các nhà kinh tế cho biết chúng ta phải ném cát vào các guồng máy toàn cầu hóa – bằng cách áp đặt thuế đối với các giao dịch tiền tệ hoặc khuyến khích các chính phủ ra tay kiểm soát tài chính ở một mức nhất định. Một số nhà phân tích thị trường nói chúng ta cần một ngân hàng trung ương toàn cầu để có thể điều tiết kinh tế toàn cầu theo lối Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều tiết kinh tế Mỹ. Và những người khác nói chúng ta phải ấn định giới hạn đối với việc cho vay.

Quan điểm của riêng tôi là những ý đồ nói trên sẽ không thể sớm được thực hiện, và nhiều điều trong đó chỉ là nói suông từ miệng những người thiếu hiểu biết. Xin trình bày một ý kiến thực tế. Trước hết, chúng ta nên đi chậm rãi và khiêm tốn. Tôi muốn nói là chúng ta phải hiểu cho ra rằng hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mới và phát triển rất nhanh, đến mức trong số chúng ta chưa ai biết sẽ phải rẽ bên nào và ngừng nghỉ tại đâu. Alan Greenspan là một học giả suốt đời nghiên cứu về tài chính quốc tế và là một trong những nhà hoạt động tài chính quan trọng nhất ngày nay. Nhưng vào tháng 12/1998, khi tôi hỏi ông ta về hệ thống tài chính toàn cầu hóa, ông ta đã đưa ra một câu trả lời chính thức khiến chúng ta phải lấy làm khiêm nhường hơn. Ông ta nói: “Trong 12 tháng qua, tôi đã học thêm về cách hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế hơn nhiều so với những gì tôi học được trong 20 năm qua.”

Đối với những người cho rằng chúng ta nên ném một chút “cát vào guồng máy” kinh tế toàn cầu để nó chạy chậm lại chút ít, tôi xin đáp lại là rất khó có thể ném cát vào guồng máy nếu như bạn không biết guồng máy đó nằm chỗ nào. Nếu ném cát vào một cỗ máy đang chạy trơn tru, đủ dầu mỡ và làm bằng thép không gỉ, thì có lẽ nó không những sẽ chạy chậm lại, mà nó sẽ giận dữ, cọ xát, phát nổ và dừng hẳn lại. Bạn sẽ ném cát vào đâu khi bạn đang phải ứng phó với một nhà quản trị vốn đóng ở bang Connecticut sử dụng một điện thoại di động, một modem hiện đại và Internet, đầu tư

vào Brazil, thông qua một ngân hàng ở Panama? Rất khó có thể ném cát vào các chip

vi tính, đó là chưa nói đến không gian điện toán. Hơn nữa vào lúc bạn áp đặt thuế đối với những giao dịch tiền tệ, thì nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư đã rời khỏi Hoa Kỳ sang đóng tại những nơi có luật lệ tài chính lỏng lẻo, ở đảo Cayman chẳng hạn – đảo này là trung tâm đứng thứ năm trên thế giới nơi tập trung các ngân hàng lớn. (Quỹ Long-Term Capital Management có trụ sở ở Connecticut nhưng được đăng ký tại đảo Cayman.) Đối với những người muốn giảm lượng tiền tệ mà ngân hàng cấp cho các quỹ đầu cơ và các thị trường mới nổi, tôi chỉ muốn chỉ cho họ một thực tế rằng ngành ngân hàng của Mỹ là một trong những ngành có ảnh hưởng mạnh nhất đối với hành lang quyền lực ở Washington, và các ngân hàng Mỹ sẽ mạnh mẽ chống lại bất cứ hạn chế tài chính nào, dẫu cho chúng có phải tốn tiền vào việc đó. Được rồi, được rồi, bạn sẽ nói rằng các nước khác sẽ làm điều đó, khiến cho tín dụng sẽ không ra vào nhanh như hiện nay. Trung Quốc hiện áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ đối với các khoản vốn, nhưng trong năm 1998, các ngân hàng của Trung Quốc, các cá nhân và công ty ở nước này đã xoay xở để lách luật, chuyển hàng tỷ đôla khỏi đất nước – sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau – để họ có thể dùng tiền ở nước ngoài, tránh được sự kiểm soát của chính phủ. Nếu một chế độ toàn trị như Trung Quốc mà không áp đặt được kiểm soát một cách hiệu quả thì theo bạn những nước như Brazil làm sao làm nổi điều đó? Sau cùng có những người kêu gọi thiết lập một nhà băng toàn cầu – giống như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đối với thế giới. Đây là một sáng kiến tuyệt vời nhưng không thể được thực hiện một sớm một chiều được – khi mà chúng ta đang có hai trăm quốc gia với hai trăm chính phủ khác nhau trên hành tinh.

Vậy điều đó có nghĩa chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì? Không phải vậy. Có tin mừng là sau những khủng hoảng 1998-99, thị trường, không bị kiểm soát và không có cát nằm trong guồng máy, đã tự khép mình vào một chút kỷ luật. Bạn có thể thấy dấu hiệu đó ở mọi nơi: Các nhà quản trị của các ngân hàng lớn nhất thế giới – Barclays PLC, BankAmerica, United Bank of Switzerland – đã bị sa thải vào năm 1998, sau khi ngân hàng của họ chịu lỗ rất nặng do đã giao dịch và tổ chức cho vay ở các thị trường có độ mạo hiểm cao. Và BankersTrust, thua lỗ 500 triệu đô-la trong một quý năm 1998, phần nhiều do làm ăn với nước Nga, đã không còn được độc lập làm ăn. Nó đã bị Ngân hàng Deutsche Bank mua lại.

Sau những vụ thanh trừng đó, tất cả các nhà băng lớn đã và đang hạn chế các đòn bẩy giao dịch, ngưng làm ăn với các nhà quản trị quỹ đầu tư thái quá, đòi hỏi thêm nữa sự minh bạch trong cơ cấu những quỹ đầu tư mà họ còn quan hệ, và soát xét chặt chẽ hơn các thông số của các thị trường mới nổi, không những về cán cân thu chi, mà còn kiểm tra thêm về hệ điều hành, hệ thống luật pháp và các loại phần mềm khác. Nói cách khác, nếu không có những luật lệ mới thì ai ai trong hệ thống cũng sẽ bắt đầu để tâm đến những rủi ro tiềm tàng. Các nhà băng sẽ thường xuyên chất vấn các

quỹ đầu tư: “Tổng số đầu tư của các vị là bao nhiêu? Và trong trường hợp xấu nhất thì chúng tôi, những người cấp vốn, sẽ phải chịu bao nhiêu hệ lụy?” Các nhà đầu tư giờ đây sẽ thường xuyên chất vấn các quỹ đầu tư: “Những khả năng rủi ro lớn nhất hiện là gì và sẽ can hệ thế nào đến cả hai chúng ta, và làm thế nào để có thể phòng chống?” Và IMF, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và các quản trị viên các quỹ sẽ chất vấn các nước thuộc những thị trường mới: “Quý vị đang làm gì để có thể cải thiện hệ thống tài chính và sử dụng tiền công đang ra vào đất nước của quý vị? Chúng tôi muốn biết tường tận và thường xuyên về những điều đó.”

Quản trị viên các quỹ đầu tư đã học được bài học rằng muốn hùn vốn, họ sẽ phải cởi mở hơn với các cổ đông và các ngân hàng. Tôi biết một quản trị viên đầu tư ở London, người, giữa cơn khủng hoảng 1998, đã thông báo cho cổ đông của họ biết rằng ông ta đã lập một địa chỉ web. Khách hàng có thể dùng mật mã vào địa chỉ này để có thể theo dõi những mức và khoản đầu tư của quỹ này đang hàng ngày thực hiện,

ở bất cứ đâu và tiến độ đầu tư, thu chi ra sao. Ông này nói với tôi: “Tôi biết rằng nếu muốn lôi kéo thêm đầu tư, tôi sẽ phải cho khách hàng biết thêm thông tin. Nhiều đòn bẩy tài chính đang được các nhà băng tung ra, nhưng họ không biết rằng cũng có những nhà băng khác cùng làm như vậy. Các nhà băng ứng xử không khác gì những thằng ngu. Mỗi ngày, tôi có thể chỉ ra điều đó trong số 20 nhà băng, nhưng chính họ cũng không nhận thấy điều đó. Hàng ngày tôi đều phải mượn tiền, vậy thì nhà băng rồi sẽ đòi hỏi tôi báo cáo vào cuối ngày về tổng số tiền vay mượn của tôi ra sao. Tôi đã thấy điều đó đang được bắt đầu. Các nhà băng hiện nay đang tuyên bố, ‘Tôi không cần biết anh đang mượn tiền từ những đâu, nhưng tôi muốn biết tiền tôi cho anh mượn nằm ở đâu trong tổng số tiền anh đang đầu tư.’”

Giải pháp thực tế duy nhất là tìm cách tăng cường áp dụng những phương pháp kể trên vào tương lai, cho đến ngày một hệ thống điều tiết tài chính toàn cầu được thiết lập. Nếu mọi người từ IMF và Merrill Lynch và bà cô Bev của tôi thường xuyên chất vấn như trên, thì chúng ta có thể phòng được hai và giảm chấn động được một trong số năm cuộc khủng hoảng trong tương lai. Một trong những điều quan trọng nhất mà IMF có thể làm được đó là phối hợp với các quốc gia, khiến họ công khai hóa những báo cáo về chi tiết cán cân thu chi của họ – bao gồm luôn những khoản nợ nước ngoài còn tồn đọng của nhà nước, cùng số lượng và thời gian đáo hạn của các khoản nợ của khu vực tư nhân. Không có một sự giám sát nào hiệu quả hơn là việc bạn tự biết có những người khác đang theo dõi và hiểu chính xác công việc bạn đang làm.

“Điều mà quý vị đang cố gắng làm là tránh những sự thái quá trong vay mượn có thể dẫn đến những mạo hiểm chất chứa, những rủi ro đó không những sẽ làm hại bản thân những thủ phạm, mà cũng sẽ làm cho những người xung quanh liên lụy,” William J. McDonough, Chủ tịch Cục Dự trữ New York cho biết. Ngân hàng đó đã đứng ra phối hợp các nhà đầu tư và quản trị ngân hàng tư nhân để cứu Quỹ Long-Term Capital

Management. “Điểm then chốt là tìm kiếm, lưu giữ và chia sẻ thông tin. Nếu chúng ta có thông tin qua lại – thỉnh thoảng bằng cách hỏi thêm một vài câu – thì chúng ta có thể báo cho ngân hàng rằng chúng ta đang điều tiết khoản này, khoản kia, hay có những khoản vay đang vượt quá khả năng quản trị của các quỹ.”

Giải pháp nói trên – kêu gọi mọi người trong hệ thống phải tuân thủ kỷ cương, người mượn tiền phải giải trình rõ ràng hơn, cổ đông phải khôn ngoan hơn và nhà băng và các cơ sở tín dụng phải làm ăn cẩn thận hơn – chưa chắc sẽ được hăng hái đón nhận. Nhưng bây giờ chính là lúc chúng ta hãy chấm dứt sự tự huyễn hoặc. Còn lâu mới có thể có được một ngân hàng trung ương cho toàn cầu. Và trong một thế giới được nối mạng, với các siêu thị tài chính và những cá nhân được trang bị siêu hiện đại, gồm cả các cổ đông nhiều hiểu biết – có những sự việc mà chính phủ không thể chặn đứng và có những thế lực mà chính phủ không thể kiểm soát hoàn toàn. Chính vì thế chúng ta phải cộng tác với những định chế sẵn có để quản lý tài chính giỏi hơn, không đợi đến ngày có một ngân hàng toàn cầu sai bảo. Rõ ràng là khi những nhân vật hoạt động trong thị trường tự giác và có kỷ luật hơn đối với bản thân và những người nắm luật lệ thực hiện chức năng nghiêm chỉnh hơn, và IMF điều tra và theo dõi chặt chẽ hơn, thì sẽ có những hiệu ứng mang tính kiềm chế để ít nhất có thể giảm được những sự thái quá trong tài chính ở mức có thể đe dọa toàn bộ hệ thống.

Bạn không thể hy vọng có được điều gì hơn thế. Các thị trường ngày nay rộng lớn, đa dạng, và từ khi có Internet, hoạt động nhanh chóng hơn – chúng không bao giờ có thể được miễn nhiễm khủng hoảng. Khủng hoảng tài chính sẽ là đặc tính của thời toàn cầu hóa. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng ngày nay, và với thực tế cho thấy rất nhiều quốc gia đang ở vào giai đoạn phát triển khác nhau, khủng hoảng sẽ là một căn bệnh truyền nhiễm. Vậy thì, thưa các độc giả kính mến, xin cho tôi được đưa ra một lời khuyên: Hãy buộc giây an toàn, kéo thẳng lưng ghế, khóa bàn ăn phía trước. Vì những thăng trầm sẽ đến với các bạn nhanh khủng khiếp. Hãy quen với chúng và hãy đảm bảo đòn bẩy trong hệ thống tài chính hiện nay không đi quá đà nếu không thì tai họa sẽ đến rất nhanh. Những ai nói với các bạn rằng họ có một kế hoạch xóa bỏ những khủng hoảng nói trên thì chính họ đang lừa dối bạn. Thật ra, khi bạn đang đọc những dòng này, thì ở đâu đó đã có một mầm mống khủng hoảng đang đâm chồi nảy lộc.

Hãy tưởng tượng việc tham gia vào kinh tế toàn cầu ngày nay không khác gì việc lái một chiếc xe đua tham dự giải Thể thức Một. Chắc chắn sẽ có ai đó trong cuộc đua lái chệch xe đâm vào tường, đặc biệt nếu tay đua trên chiếc xe đó vài năm trước chỉ điều khiển được những con lừa. Bạn có hai lựa chọn. Cấm cuộc đua Thể thức Một. Như vậy sẽ không xảy ra tai nạn. Nhưng sẽ không có tiến bộ. Hay bạn hãy làm tất cả những điều có thể để giảm chấn động và hậu quả của những vụ xe lạc lối tông vào tường – bạn có thể để sẵn một xe cứu thương túc trực, với đội ngũ bác sĩ và nhiều máu thuộc các nhóm khác nhau để truyền. (Trên thị trường, chúng sẽ là IMF, nhóm

G7 và các ngân hàng lớn, có khả năng chuyển tiền vào để phòng trừ nguy cơ kinh tế sụp đổ.) Đồng thời, bạn có thể thiết kế các đời xe đua bền chắc hơn. (Mỗi nhà đầu tư nên chi trả thêm để đánh giá các hệ điều hành và luật lệ trong các thị trường mới nổi xem chúng có khả năng sử dụng ngân khoản đúng đắn và làm ra lãi để trả nợ hay không.) Bạn có thể chú trọng huấn luyện các tay đua. (Đảm bảo rằng IMF, giới đầu tư và các ngân hàng thường xuyên đòi hỏi thêm các thông số chính xác về kinh tế các nước, đặc biệt các ngân khoản ngắn hạn được sử dụng ra sao.) Và sau cùng, bạn nên chất rơm, hay đệm mềm xung quanh các đường đua phòng trường hợp các xe đua trượt khỏi đường đua đâm vào đó. Nhưng bạn không nên chất quá nhiều rơm hay đệm, vì làm như thế sẽ lấn vào đường đua. (Thể lệ và quy tắc ngân hàng và tài chính phải được kiện toàn, phải có các hệ thống bảo hiểm và những chuông báo động để tìm ra và cắt ngòi nổ các nguyên nhân khủng hoảng.)

Nếu bạn không muốn làm những điều đó thì có lẽ nên quên đi Thể thức Một và chuyển sang chạy bộ. Nhưng hãy cẩn thận, vì người chạy bộ trong thế giới ngày nay rất dễ bị những tay đua Thể thức Một chẹt chết.

Những cây Ô liu của thời kỳ toàn cầu hóa

Sau khi cuốn sách này được xuất bản lần thứ nhất, tôi muốn gửi một lô các ấn bản cuốn sách cho một người bạn ở San Francisco, và có một nhân viên chuyển phát đến nhà tôi nhận sách để chuyển đi. Đó là một người Mỹ gốc Phi, đứng tuổi và mập mạp; tôi mời anh ta vào chờ trong bếp để tôi ký nhận và đóng gói. Ngồi bên bàn, anh ta nhặt một cuốn và dở các tranh sách. Sau vài phút, anh ta đặt cuốn sách xuống và hỏi tôi, “Vậy chiếc Lexus là hiện thân của kỹ thuật và máy vi tính hay những thứ tương tự?”

Đúng thế, tôi nói.

“Còn cây Ô liu – đại diện cho cộng đồng và gia đình và những điều liên quan.” Đúng thế, tôi nói. “Anh hiểu đúng đấy!” “

Vậy hãy nói cho tôi biết,” anh ta nói. “Chúa trời đứng ở đâu trong bức tranh đó? Trong tôi luôn hiện diện của Chúa Jesus. Ngài đứng đâu trong cái bức tranh toàn cảnh đó?”

Tôi không khỏi bật cười, chỉ vì không biết bao nhiêu lần tôi đã bị hỏi như vậy, đặc biệt khi nói chuyện về cuốn sách với các nhóm độc giả. Một vài câu hỏi trong số thường xuyên được nêu ra là: Chúa trời có ở trong không gian điện toán không? Làm thế nào để nuôi dạy con cái trong cái “Thế giới Đi nhanh” này? Và thế giới đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến bản thân tôi và cộng đồng của tôi? Tôi cho rằng cả ba câu hỏi trên có chung một nguồn gốc. Mọi người hỏi: Ngay cả khi chúng ta không tạo được một nền chính trị, địa-chính trị, địa-kinh tế và địa-quản lý cho đúng đắn để có khiến toàn cầu hóa trở nên ổn định, thì sẽ có một thứ chính trị khác, khó quan sát hơn, nhưng cần phải được gìn giữ trong đầu mỗi người – những cây Ô liu trong mỗi chúng ta: sự

cần thiết phải có cộng đồng, có những ý nghĩa tâm linh và những giá trị trong đó chúng ta hun đúc cho con cái chúng ta. Những giá trị đó cần phải được bảo vệ và nuôi dưỡng để toàn cầu hóa có thể được bền vững. Có thể viết cả một cuốn sách về riêng đề tài này. Tôi xin được phác họa sau đây những nét đại thể.

Hãy bắt đầu bằng chủ đề tôn giáo. Chúa trời có tồn tại trong không gian điện toán? Điều này tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận Chúa trời. Nếu quan điểm của bạn cho rằng Chúa trời chỉ liên hệ với bạn qua những điều thiêng liêng thuộc tâm linh, chúa trời quả đã nhào nặn thế giới, thì bạn hoặc sẽ nói chúa trời không có mặt trong không gian điện toán, hay nói cách khác: không gian điện toán đã biến bạn thành một kẻ vô thần. Bởi vì khi nhìn không gian điện toán thì rất khó cho người ta nghĩ rằng nó được Chúa tạo ra, một trong những nguyên nhân là có rất nhiều các trang web chất chứa các tranh ảnh khiêu dâm, đánh bạc và nhạc pop. Quả thật những từ được sử dụng nhiều nhất trên những trang web là “sex” và “MP3” – một loại nhạc nén – chứ đâu phải là “Chúa trời.”

Quan điểm của riêng tôi về đức Chúa, trong truyền thống Do Thái mà tôi được nuôi dưỡng, tương đối khác. Tôi chia sẻ quan điểm hậu Kinh thánh về đức Chúa. Trong kinh thánh, đức Chúa có mặt ở mọi nơi. Ngài chịu trách nhiệm về hành động của chúng ta. Ngài trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt. Quan điểm hậu Kinh thánh cho rằng nhờ có hành vi và quyết định của chúng ta đức Chúa xuất hiện. Trong quan điểm hậu Kinh thánh, theo truyền thống Do Thái, thì đức Chúa bao giờ cũng đứng vô hình. Vậy thì trong không gian điện toán, trong siêu thị, trong phòng riêng của bạn, bạn có thể mời đức Chúa đến với bạn thông qua các hành vi của bạn, khi bạn có những lựa chọn mang tính đạo đức và luân lý và cả khi nhắp con chuột vi tính.

Giáo sĩ Tzvi Marx thầy tôi chỉ ra cho tôi rằng có một vần thơ trong kinh Isaiah, viết rằng, “Bạn là nhân chứng. Còn tôi là Chúa trời.” Theo thầy giáo Marx, thì những người thuyết giảng về Do Thái giáo giải thích vần thơ đó như sau, “Nếu bạn là nhân chứng thì tôi là Chúa trời. Và nếu bạn không là nhân chứng, thì tôi không phải là Chúa trời.” Nói cách khác, thầy Marx giải thích, nếu chúng ta không làm điều thiện, thì Chúa sẽ không đến với chúng ta, không tồn tại trong chúng ta. Nếu chúng ta không hành xử như thể Chúa đang ngự trị ở đó, thì ngài sẽ không ở đó. Trong thế giới hậu kinh thánh chúng ta hiểu rằng từ ngày đầu tiên của thế giới, Chúa trời đã cho phép nhân loại được lựa chọn, bằng cách cho phép Adam được tự quyết định sẽ ăn loại trái cây nào trong vườn địa đàng. Chúng ta chịu trách nhiệm làm Chúa trời xuất hiện bằng cách thể hiện trong những hành vi và lựa chọn của chúng ta. Và lý do làm cho việc này càng rõ nét trong không gian điện toán, đó là do không ai đứng ra chịu trách nhiệm trong không gian này cả. Vậy không gian điện toán là nơi lý tưởng nhất mà Chúa dành cho mỗi người để mỗi người tự lựa chọn và quyết định cho bản thân.

Vậy đáng nhẽ tôi sẽ phải trả lời người nhân viên chuyển phát rằng không có đức

Chúa trong không gian điện toán, nhưng ngài mong muốn vào được đó – và chỉ có chúng ta, con người, thông qua các hành vi của bản thân, có thể đưa ngài vào đó. Đức Chúa ban phước cho tự do của nhân loại, vì ngài biết rằng cách duy nhất mà ngài tồn tại được trên thế gian là không can thiệp – và con người được quyền tự do lựa chọn. Rabbi Marx nói: “Trong quan điểm hậu Kinh thánh của người Do Thái, bạn không thể là người có đạo đức nếu bạn không được hoàn toàn tự do, vì nếu thiếu tự do thì bạn không thực sự được tiếp sức lực, và nếu bạn không có sức lực, thì những lựa chọn của bạn không hoàn toàn là của riêng bạn. Những gì đức Chúa phán truyền về không gian điện toán là: ở đó con hoàn toàn được tự do, Chúa hy vọng là con đưa ra những lựa chọn đúng đắn, vì nếu như thế, thì ta sẽ đến với con.”

Không có điều gì trong toàn cầu hóa hay Internet lại có thể xóa đi sự cần thiết của lý tưởng và luân thường đạo lý trong hành vi con người. Càng lệ thuộc vào kỹ thuật mới, chúng ta càng phải được trang bị kỹ càng các lý tưởng và đạo lý. David Hartman, một triết gia Do Thái về tín ngưỡng lập luận rằng quả thực, lý do đức Chúa rất muốn có mặt trong không gian điện toán, lý do mà chúng ta muốn ngài ở đó, là vì về một nhiều phương diện không gian điện toán chính là thế giới mà các đấng tiên tri đã mô tả, “một nơi mà nhân loại có thể đoàn kết và được hoàn toàn tự do. Điều nguy hiểm ở chỗ chúng ta đoàn kết nhân loại trong không gian điện toán – cùng nói một thứ tiếng, dùng một công cụ truyền thông chung – nhưng lại không có Chúa ở đó.” Và chắc chắn chúng ta sẽ không muốn đoàn kết nhân loại trên Internet nếu không có những hệ thống giá trị, không có những bộ lọc, không có những hệ khái niệm khác hơn là kinh doanh và nếu không có những quan điểm về nhân loại khác hơn là cái lối hành xử của giới tiêu thụ tìm kiếm hàng ngon và rẻ.

Những giá trị quan trọng nhất đó lại nên được giảng dạy ở ngoài đời, chứ không phải trên Internet. Cách duy nhất mà con người tìm thấy chúa trên Internet là họ phải đưa ngài đến đó, mang bằng suy nghĩ, trái tim và hành vi của chính họ – rút ra từ các hoạt động trong cuộc sống thường ngày – từ những rặng Ô liu trong ngôi nhà của cha mẹ, hay trong cộng đồng, nhà thờ, chùa, miếu, đền hay thánh đường của họ.

Điều đó dẫn sang câu hỏi thứ hai thường xuyên được đặt ra: Làm sao tôi chuẩn bị cho con cái tôi hòa nhập được vào “Thế giới Đi nhanh”? Nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ đã bắt đầu nghĩ về điều đó sau khi nghe bản tin về vụ nổ súng ở Trường Trung học Columbine. Nó bao gồm hai mảng đề tài mới mẻ: NRA và AOL. Chắc chắn NRA, Hiệp hội Súng trường Quốc gia, sẽ cảm thấy đầy tội lỗi khi nghe về vụ thảm sát học trò tại ngôi trường đó. Bản tin nói về hai đứa học sinh trung học dùng tiền tiết kiệm của chúng mua được cả một kho vũ khí gồm cả loại AB-10, một loại súng máy bán quân dụng, không để lại dấu tay, và súng carbine 9mm, súng ngắn cưa nòng, và súng hai nòng cũng cưa nòng. Sự việc đó khiến cho những người xưa nay vốn chống lại luật kiểm soát vũ khí dân dụng phải hổ thẹn.

Nhưng còn AOL, Ameriaca Online, một công ty cung cấp đường truyền Internet, đã cho đăng ký cả một trang web của Eric Harris, một trong hai kẻ giết người đang còn lứa tuổi học sinh? Thông tin được đăng trong trang mạng của Harris bao gồm cả những chỉ dẫn cách lắp ráp những trái bom hình ống (“điều quan trọng là phải có nhiều mảnh sát thương”), trong trang này có hình một con thú múa tay tung súng và dao, trong khi đứng trên một đống đầu lâu, với lời hát, “Những gì ta không làm, ta không thích. Những gì ta không thích, ta giết đi.”

Là những người cha, người mẹ, chúng ta có nên lo sợ về Internet? Câu trả lời ngắn gọn là: không. AOL không phải là NRA – nhưng như thế chưa thật sự là lời giải đáp. Khi Internet di chuyển vào trung tâm cuộc sống của chúng ta – cách liên lạc, giáo dục và làm ăn trong thiên niên kỷ mới – chúng ta phải nhớ một điều thiết yếu: Điều khiến cho Internet trở nên hấp dẫn là, không giống như tờ báo The New York Times, Internet không có biên tập viên, không có nhà xuất bản, và không bị kiểm duyệt. Bạn và con cái của bạn quan hệ tương hỗ với Internet một cách hoàn toàn bình đẳng. Nhưng cũng chính vì Internet là một cỗ xe trung dung, cởi mở, tự do và không bị điều tiết dành cho thương mại, giáo dục và liên lạc, thì tính tự giác và trách nhiệm của bản thân của mỗi người chính là những cốt lõi của công nghệ này. Bộ máy sàng lọc chính nằm trong đầu của con cái của bạn khi chúng vào truy cập, và vì trẻ em thường không có đủ những hiểu biết để lựa chọn, vậy thì cha mẹ và thầy cô giáo phải trang bị cho chúng. Nếu chúng ta không cáng đáng hoàn toàn trách nhiệm xây dựng trong con cái những phần mềm đúng đắn cho sự xét đoán để chúng có thể tương tác đúng đắn với công nghệ đó, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Tôi lớn lên trong một khu phố nhỏ ở bang Minneapolis. Phải mất một tiếng đồng hồ đi từ nhà tôi thì bạn mới đến những ổ tội phạm. Trên Internet, chỉ cần một cú nhắp chuột là tai họa sẽ đến. Bạn có thể lang thang vào một quán bia ảo của những phần tử phát xít mới hay những kho tư liệu tranh ảnh khiêu dâm, truy cập vào các máy tính của NASA hay vào thư viện của Đại học Sorbonne, mà không có ai chặn bạn lại. Nói cách khác, Internet có thể biến chúng ta thành những cơ quan truyền thông, những nhà nghiên cứu, nhà tiêu dùng và những người bán hàng và, lạy thánh, những nhà chế tạo bom. Càng như thế thì thầy giáo, cha mẹ và cộng đồng của chúng ta càng phải có trách nhiệm dạy dỗ chúng ta thành những công dân đúng đắn. Công việc đó chỉ có thể được thực hiện bên ngoài Internet. Internet và máy vi tính chỉ là những công cụ – những công cụ tuyệt vời, tiếp tay thích đáng cho mọi người. Nhưng bạn vẫn cần phải biết cách hiểu chúng và tận dụng những cái hay cái đẹp của chúng. Những công cụ đó giúp cho bạn suy nghĩ nhưng chúng không làm cho bạn thông thái hơn. Chúng cho bạn tìm tòi và đi lại, nhưng chúng không có quyền xét đoán. Chúng làm cho bạn quan hệ tương tác đi xa và đi sâu, nhưng chúng không dạy cho bạn cách trở thành một người láng giềng tốt. Chúng tăng cường cho bạn khả năng gây ảnh hưởng đến cuộc

sống của người khác, nhưng chúng không dạy cho bạn cách phát biểu trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, và lý do vì sao phải phát biểu như thế. Đó chính là nghịch lý của Internet trong việc dạy dỗ thế hệ trẻ. Điều hay nhất mà cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ em trong thời đại Internet là dạy cho chúng các kỹ năng công nghệ cao, hay mua cho chúng modem và máy tính, nhưng cha mẹ vẫn phải kiên nhẫn sử dụng các biện pháp giáo dục truyền thống. Máy tính và modem của trẻ có tốc độ càng nhanh thì bạn càng phải có những phần mềm giáo dục truyền thống thích đáng – nếu bạn muốn trẻ tiến bộ. Phần mềm giáo dục cần bao gồm những biện pháp truyền thống: chú trọng vào việc tập đọc, tập viết và toán, nhà thờ, chùa chiền, thánh đường và gia đình. Những điều đó không thể được lấy xuống từ Internet; chúng chỉ có thể đến từ bản thân cha mẹ và thầy cô, từ các cha xứ và thầy chùa. Chính vì thế nếu tôi có được một điều ước mong, thì tôi sẽ ước mong có được một modem với một lời cảnh báo của bác sĩ: “Không kèm khả năng xét đoán.” Bạn phải cung cấp cho con cái những khả năng xét đoán của chính bản thân bạn – theo lối cổ điển, dưới tán của những cây ô liu.

Tôi mở đầu cuốn sách này bằng một cuộc đối thoại giữa Cain và Abel và tôi xin kết thúc cuốn sách bằng một trao đổi về Tháp Babel. Tháp Babel thì sao? Chẳng phải đó là giấc mơ của các nhà chủ trương toàn cầu ngày nay – một thế giới trong đó chúng ta có chung một ngôn ngữ, một đồng tiền, theo đuổi cùng một hệ tiêu chuẩn kế toán? Chính do sự đồng dạng đó mà những người trong Kinh thánh có thể xây dựng được một tòa tháp Babel – một tòa tháp vươn được tới Thiên đàng. Tôi đã nói về điều này trong một buổi chiều với Giáo sĩ Marx; đặt ly cà phê xuống, ông ta ngẩng lên và hỏi tôi: “Liệu tháp Babel có phải là phiên bản gốc của Internet?” Sau cùng thì Internet cũng là một loại ngôn ngữ đại chúng, nằm bên ngoài khuôn mẫu của bất cứ nền văn hóa nào. Đó là một mô hình liên lạc đại chúng và ít nhất về bề ngoài, cho phép chúng ta hiểu được nhau, dẫu cho chúng ta không cùng chung một ngôn ngữ. Và nó cho phép chúng ta kết nối với rất nhiều hạng người – những người mà chúng ta chưa từng chia sẻ cùng một tán cây Ô liu.

Nhưng đức Chúa đã làm gì đối với tháp Babel? Ngài chặn nó lại. Và làm cách nào mà ngài chặn được nó? Bằng cách buộc những người trên đó nói những thứ ngôn ngữ khác nhau vì thế họ không còn hợp tác với nhau nữa. Vì sao đức Chúa làm như vậy? Giáo sĩ Marx giải thích: “Đức Chúa làm như thế một phần là do những người trên tháp đang vượt qua những giới hạn của họ, cố gắng xây tháp vươn tới thiên đàng, thách thức quyền lực của ngài. Nhưng ngài cũng đã thiêu hủy tòa tháp vì ngài thấy việc con người có chung một ngôn ngữ và quan điểm sẽ dẫn đến hiện tượng phi nhân tính. Vì làm như thế mọi người sẽ để mất đi những đặc điểm riêng của họ. Do vậy ngài đã phá đi tòa tháp bằng cách bắt mọi người phải nói các thứ tiếng khác nhau.”

Đó là cách đức Chúa buộc mọi người phải quay lại với những câu Ô liu của họ. Những cây Ô liu phản ánh những cá tính riêng và đặc điểm riêng của con người, gắn

bó với một chốn nương thân, một cộng đồng, một văn hóa, một bộ tộc và một gia đình.

Vâng, toàn cầu hóa và Internet giúp kết nối những người xưa nay chưa từng biết đến nhau – giống như mẹ tôi và các người bạn chơi bài cùng bà đang sống bên Pháp. Nhưng thay vì tạo nên những cộng đồng mới, công nghệ Internet thường chỉ đưa đến những cảm giác ảo về sự kết nối và gắn bó. Cũng giống như hai linh kiện được nối với nhau. Liệu chúng ta có thể gắn bó với người khác thông qua email hay ván bài trên Internet hay các chat room? Liệu cái công nghệ kỹ thuật cao này tiếp tay cho chúng ta vươn ra thế giới trong khi tránh cho chúng ta trách nhiệm làm những công việc cộng đồng và quan hệ trên thế giới thực? Tôi đã từng trò chuyện và gặp gỡ nhiều người từ khắp thế giới khi đi trượt tuyết ở Colorado. Tôi vẫn đi trượt tuyết, và ngày nay mọi người đều đã có điện thoại di động. Vậy là thay vì gặp gỡ người khác trong các thang máy trượt tuyết, giờ đây tôi lại nghe được những người đó tán chuyện với bè bạn của họ từ khắp nơi trên thế giới. Tôi rất ghét chuyện đó. Email không thể dùng để xây dựng tình cộng đồng – tham dự một cuộc họp phụ huynh mới là xây dựng cộng đồng. Chat room không thể xây dựng được cộng đồng – phối hợp với láng giềng của bạn để đề nghị tòa thị chính mở cho một trục đường mới: đó mới là xây dựng cộng đồng. Liệu chúng ta có thể xây dựng những cộng đồng trong không gian điện toán để thay thế những cộng đồng thực sự của chúng ta? Chắc không thể được. Chính vì thế mà tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu một ngày nào đó thức dậy và phát hiện thấy Internet bị đấng tối cao phá nát, giống như điều ngài đã làm đối với tòa tháp Babel ngày nào.

Tôi cứ nghĩ mãi đến người bạn trẻ người Kuwait tôi gặp ở quán cà phê Internet ở Kuwait City, người nói với tôi: “Khi còn là một sinh viên, chúng tôi không có Internet. Lúc đó chúng tôi chỉ có một vài giáo sư có đầu óc phóng khoáng và thường chúng tôi hay đến nhà họ tụ tập và bàn chuyện chính trị. Giờ đây, một sinh viên có thể ngồi ở nhà mà nói chuyện với toàn thế giới.” Nhưng, anh này thú nhận, anh và các vị giáo sư nọ không còn tụ tập cùng nhau như ngày trước. Đó là một điều nguy hiểm – hậu quả của việc Internet hóa các xã hội, khi công nghệ đó chiến thắng trong cuộc sống của chúng ta: một ngày nào đó dân chúng thức dậy và nhận thấy họ không muốn giao thiệp với ai khác nếu không thông qua máy vi tính. Khi điều đó xảy ra thì con người sẽ dễ trở thành nạn nhân của những bậc giáo điều và những giấc mơ tôn giáo thời đại mới. Những phần tử đó nảy sinh ra và bắt đầu rao giảng cho chúng ta cách thức liên hệ tâm hồn và thể xác và những cây Ô liu. Đó là lúc chúng ta sẽ thấy những phản ứng chống lại sự đơn điệu và tiêu chuẩn hóa – dân chúng khác biệt nhau một cách lấy lệ, không còn do sự khác biệt về gốc rễ lịch sử hay truyền thống.

Cân đối giữa chiếc xe Lexus và cây ô liu là điều mà mỗi xã hội cần phải thực hiện mỗi ngày.

Hết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.