Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu
Phần I: Hiểu hệ thống 1.Hệ thống mới
Mẹ của nhân vật Forrest Gump thường thích nói gì nhỉ? Cuộc đời như hộp kẹo sôcôla: trong hộp có loại kẹo gì ai mà biết trước được. Với tôi, một kẻ lữ hành lâu năm, một phóng viên quốc tế, đời như dịch vụ phòng khách sạn – không bao giờ biết khi mở cửa phòng ra ta sẽ thấy gì.
Chẳng hạn vào tối ngày 31 tháng 12 năm 1994, khi bắt đầu phụ trách mục bình luận quốc tế cho tờ New York Times, tôi khởi đầu chuyên mục bằng những bài viết từ Tokyo. Đến khách sạn Okura sau một chuyến bay dài xuyên Thái Bình Dương, tôi gọi điện xuống dịch vụ buồng với một yêu cầu đơn giản: “Vui lòng cho mang lên phòng tôi bốn quả cam”.
Tôi nghiện ăn cam và lúc đó đang lên cơn thèm. Khi gọi điện tôi nghĩ đây là một yêu cầu đơn giản và hình như người ở đầu dây đằng kia cũng hiểu tôi. Khoảng 20 phút sau, có tiếng gõ cửa phòng. Một người phục vụ xuất hiện, đồng phục thẳng tắp, đẩy một xe có khăn bàn trắng toát. Trên xe là bốn ly cam vắt tươi ngon, mỗi ly nằm trong một khay đá sang trọng.
“Không, không phải”, tôi nói với người phục vụ. “Tôi muốn cam quả – không muốn cam vắt.” Tôi há miệng giả vờ cắn, ra dấu quả cam.
“A a”, người phục vụ gật gật đầu. “Cam… cam.” Tôi trở lại phòng, tiếp tục làm việc. Hai mươi phút sau, có tiếng gõ cửa. Cũng vẫn người phục vụ đó, vẫn chiếc xe phủ khăn trắng toát. Nhưng lần này, trên xe có bốn đĩa, trên mỗi đĩa là một quả cam đã được bóc và cắt thành những miếng nhỏ, xếp theo lối người Nhật bày món sushi.
“Không, không phải”, tôi lại lắc đầu. “Tôi muốn cam để nguyên.” Tôi khum tay ra hiệu. “Tôi muốn giữ chúng trong phòng để ăn dần. Tôi không thể ăn hết một lúc bốn quả cắt ra như vậy được. Tôi không thể bỏ chúng vào trong tủ lạnh được. Tôi muốn cam để nguyên.
” Một lần nữa, tôi lại cố ra hiệu, bắt chước một người đang ăn cả quả cam. “A a”, người phục vụ gật gật đầu. “Cam… cam. Ông muốn cả quả cam”.
Lại thêm hai mươi phút nữa trôi qua. Rồi có tiếng gõ cửa. Vẫn người phục vụ đó. Vẫn chiếc xe đó. Nhưng lần này trên xe là bốn quả cam thật đẹp bày trên bốn chiếc đĩa lớn, cùng dao, dĩa và khăn ăn. Lần này có tiến bộ.
“Được rồi”, tôi vừa nói vừa ký phiếu thanh toán. “Chính là thứ tôi muốn.” Khi anh ta quay gót đi, tôi nhìn xuống phiếu thanh toán. Bốn quả cam hết 22 đô-la. Làm sao tôi giải trình được điều này cho tòa soạn đây?
Nhưng cuộc phiêu lưu cam quýt của tôi chưa kết thúc ở đó. Hai tuần sau, tôi sang Hà Nội, ăn tối một mình trong khách sạn Metropole. Việt Nam lúc này đang vào mùa quýt, ở mọi góc đường người ta bán từng thúng quýt cao ngất vàng bóng, ngon mắt.
Sáng nào tôi cũng thường ăn vài quả quýt. Bữa ăn tối hôm đó, khi người hầu bàn hỏi tôi có dùng tráng miệng, tôi bảo chỉ cần một quả quýt. Anh ta đi một lúc rồi quay lại.
“Xin lỗi ông, hết quýt rồi”, anh nói. “Sao thế”, tôi hơi bực. “Sáng nào cũng thấy cả bàn đầy quýt dọn ăn sáng! Chắc chắn thế nào trong bếp cũng còn quýt mà”.
“Xin lỗi”, anh ta lắc đầu. “Hay ông dùng tạm dưa hấu?” “Cũng được, cho tôi ít dưa hấu”, tôi nói.
Năm phút sau, người phục vụ quay lại, mang theo một đĩa có ba quả quýt. “Tôi tìm ra quýt. Nhưng không có dưa hấu”, anh ta nói. Nếu lúc ấy tôi hiểu được như bây giờ, thì tôi đã coi đó là điềm báo trước. Vì từ ngày đó, khi đi công tác khắp nơi trên thế giới cho tờ Times, tôi thấy những gì đón đợi tôi ngoài cửa và trên bàn ăn thường không phải là những gì tôi định trước.
Làm cây bút bình luận quốc tế cho The New York Times thực ra là công việc lý thú nhất thế giới. Ý tôi muốn nói thế nào cũng phải có một loại công việc tốt nhất thế giới, đúng không? Nếu thế, công việc ấy đang ở trong tay tôi. Đây là loại công việc tuyệt vời vì tôi được làm du khách có chủ kiến. Tôi có thể đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và có ý kiến về bất cứ điều gì tôi thấy hoặc nghe được. Nhưng câu hỏi dành cho tôi khi bắt đầu cuộc chu du trong cương vị mới này là: chủ kiến gì? Lăng kính nào, cách nhìn như thế nào và thông qua hệ thống tổ chức nào để tôi có thể quan sát thế giới, hiểu được sự kiện, ưu tiên cho điều gì, bày tỏ chính kiến và nói về chúng như thế nào để độc giả hiểu được?
Về nhiều phương diện thì những người đi trước trong tờ báo Times có lợi thế hơn tôi. Người nào cũng có một câu chuyện xuyên suốt và một hệ thống quốc tế được định hình sẵn, họ cứ việc ngồi viết. Tôi là ký giả bình luận quốc tế thứ năm trong lịch sử tờ The New York Times. Mục “Quốc tế” là chuyên mục lâu năm nhất của tờ báo. Mục này ra đời năm 1937, do bà Anne O’Hare McCormick, một phụ nữ đầy tài năng chấp bút, và lúc đó có tên là “Tình hình châu Âu”; vì lúc đó đối với hầu hết người Mỹ “châu Âu” là chuyện quốc tế, và đương nhiên, bình luận viên quốc tế duy nhất của tờ báo phải đóng tại châu Âu. Theo cáo phó năm 1954 đăng trên tờ The New York Times, bà McCormick khởi đầu là phóng viên quốc tế “trong tư cách là vợ của ông McCormick, một kỹ sư vùng Dayton. Bà thường đi cùng chồng sang châu Âu mua hàng.” (Cáo phó trên Tờ The New York Times từ ngày đó đã trở nên đúng khuôn sáo hơn). Hệ thống quốc tế mà bà McCormick từng viết là sự rạn vỡ cán cân quyền lực ở châu Âu theo hệ thống Versailles và phần dạo đầu của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Khi Mỹ trổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cưỡi trên lưng thế giới như một siêu cường vô địch, có trọng trách toàn cầu và tham gia tranh giành quyền lực với Liên Xô, thì mục “Tình hình châu Âu” năm 1954 đổi tên thành “Quốc tế”. Bỗng nhiên, cả thế giới trở thành sân chơi của Hoa Kỳ, và cả thế giới chỗ nào cũng quan trọng, vì mọi ngõ ngách trên thế giới đều có sự tranh giành với Liên Xô. Hệ thống Chiến tranh Lạnh, với sự tranh giành ảnh hưởng và tính vượt trội giữa tư bản phương Tây và cộng sản phương Đông, giữa Washington, Moskva và Bắc Kinh, trở thành câu chuyện xuyên suốt cho ba bình luận viên sau đó của mục “Quốc tế”, tờ The New York Times, suy nghĩ và viết lách.
Vào lúc tôi bắt đầu đảm nhận mục này, hồi đầu năm 1995, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, bức tường Berlin đã sụp đổ và Liên Xô là chuyện lịch sử. Tôi may mắn được chứng kiến tại điện Kremlin những hơi thở cuối trong cơn hấp hối của Liên Xô. Đó là ngày 16/12/1991. Ngoại trưởng Hoa Kỳ James A. Baker lúc đó đang ở thăm Moskva, cùng lúc Boris Yeltsin đang nhẹ nhàng tháo gỡ quyền lực khỏi tay Mikhail Gorbachev. Trước đó, mỗi khi Baker thăm Gorbachev thì họ thường gặp trong cung điện dát vàng mang tên St.Catherine; và lúc nào cũng có cảnh dạo đầu thật ngoạn mục cho giới báo chí. Ông Baker cùng tùy tùng bao giờ cũng chờ trong một phòng đầu hành lang, cửa đóng, trong khi ông Gorbachev cùng các phụ tá thì chờ sau cửa một phòng ở đầu đối diện của điện Kremlin. Rồi sau một tín hiệu nào đó, cửa hai căn phòng cùng mở, hai vị cùng bước ra và tiến đến giữa sảnh, bắt tay nhau trước ống kính của báo giới.
Thế nhưng lần này, khi ông Baker sang, đến giờ hẹn, cửa mở và người bước ra là Boris Yeltsin, thay vì Mikhail Gorbachev. Ai là chủ buổi tiệc tối nay? “Hoan nghênh quí vị trên đất Nga và trong tòa nhà này của nước Nga,” Yeltsin nói với Baker. Sau đó, Baker quả có gặp Gorbachev trong cùng ngày, nhưng rõ ràng quyền lực đã được chuyển giao. Chúng tôi, những phóng viên của Bộ Ngoại giao đi tường thuật sự kiện, hôm đó phải ở cả ngày trong điện Kremlin. Lúc chúng tôi ở trong điện thì bên ngoài tuyết rơi nhiều lắm. Đến lúc sụp tối, rời khỏi Kremlin, bước ra ngoài thì tuyết đã đóng thành một tấm chăn thật dày. Chúng tôi lội tuyết sang cổng Spassky của điện Kremlin, để lại những vết giày lún sâu trong tuyết. Tôi để ý thấy cờ đỏ búa liềm của Liên Xô vẫn còn treo trên tháp, được đèn chiếu sáng, như nó vẫn ở đó khoảng 70 năm rồi. Tôi tự nhủ, “có lẽ đây là lần cuối cùng mình được thấy lá cờ tung bay trên đó.” Quả thực chỉ vài tuần sau, lá cờ đó biến mất, ra đi cùng với nó là cả hệ thống Chiến tranh Lạnh và một câu chuyện xuyên suốt.
Sau đó vài năm, khi tôi vào phụ trách mục bình luận tin quốc tế của The New York Times, có điều tôi còn chưa rõ: cái gì đã thay thế hệ thống Chiến tranh Lạnh để đóng vai trò như một cấu trúc chủ đạo cho quan hệ quốc tế. Vì thế tôi bắt đầu viết cột báo trong tư cách một du khách không mang định kiến – một du khách có đầu óc mở. Trong nhiều năm, cũng như nhiều tay viết khác, tôi chỉ nhắc đến thời kỳ Hậu Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi biết đã có một hệ thống khác đang hình thành và trở thành khuôn mẫu chung cho các mối quan hệ quốc tế, nhưng không biết gọi đó là hệ thống gì. Vậy chúng tôi đành mô tả nó theo hướng khác – tức là chứng minh: nó không phải là Chiến tranh Lạnh. Nên chúng tôi gọi là Hậu Chiến tranh Lạnh.
Càng đi nhiều tôi càng nhận thấy chúng ta ngày nay không phải đang tồn tại trong một thế giới hỗn mang, thiếu nhất quán và khó định nghĩa của thời Hậu Chiến tranh Lạnh. Ngược lại, chúng ta đang ở trong một hệ thống quốc tế mới. Hệ thống này có lôgic, có quy luật, có áp lực và có động lực riêng của nó – nó đáng được gọi bằng cái tên riêng – “toàn cầu hóa”. Toàn cầu hóa không chỉ là một thứ mốt kinh tế, không phải là một khuynh hướng nhất thời. Nó là một hệ thống quốc tế – một hệ thống chủ đạo, thay thế Chiến tranh Lạnh sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Chúng ta cần hiểu toàn cầu hóa theo nghĩa như vậy. Nếu trong hình sự có khái niệm thời hiệu, thì chắc cũng phải có một thời hiệu nhất định đối với những khái niệm hoa mỹ trong chính sách đối ngoại. Với suy nghĩ đó, khái niệm “thế giới thời kỳ Hậu Chiến tranh Lạnh” phải được chấm dứt. Bây giờ chúng ta đang ở trong hệ thống toàn cầu hóa.
Khi nói toàn cầu hóa đã thay thế Chiến tranh Lạnh như một hệ thống định hình thế giới, chính xác là tôi đang nói tới điều gì?
Tôi muốn nói rằng trong vai trò là một hệ thống quốc tế, Chiến tranh Lạnh có cấu trúc quyền lực riêng: cán cân lực lượng giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết. Chiến tranh Lạnh có những luật lệ riêng: trong quan hệ đối ngoại, không một siêu cường nào muốn xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của một siêu cường khác; trong kinh tế, những nước kém phát triển chú tâm vào việc phát triển những ngành công nghiệp quốc gia của riêng họ, các nước đang phát triển chú tâm tăng trưởng trên cơ sở xuất khẩu, các nước xã hội chủ nghĩa tập trung thắt lưng buộc bụng và phương Tây thì chăm chăm vào việc buôn bán có điều tiết. Chiến tranh Lạnh có hệ tư tưởng riêng của nó: cuộc chạm trán giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giai đoạn hòa hoãn, không liên kết hay cải tổ (perestroika). Chiến tranh Lạnh có khuynh hướng về dân số riêng: di cư từ Đông sang Tây bị bức màn sắt ngăn trở, nhưng di cư từ miền Nam lên phía Bắc thì đều đặn hơn. Chiến tranh Lạnh có cái nhìn toàn cầu riêng: thế giới được chia thành phe xã hội chủ nghĩa, phe tư bản chủ nghĩa và phe trung lập; nước nào cũng thuộc về một trong những phe này. Chiến tranh Lạnh sinh ra những công nghệ định hình riêng: chủ đạo là vũ khí hạt nhân và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai, nhưng đối với dân chúng ở các nước đang phát triển thì búa liềm vẫn là những công cụ gần gũi. Chiến tranh Lạnh có thước đo riêng: số lượng tên lửa hạt nhân của mỗi bên. Và sau cùng, Chiến tranh Lạnh tạo ra mối lo riêng: sự hủy diệt hạt nhân. Tổng hợp những yếu tố trên đây ta thấy Chiến tranh Lạnh ảnh hướng tới chính sách đối nội, mậu dịch và quan hệ đối ngoại của hầu hết mọi nước trên thế giới. Chiến tranh Lạnh không tạo lập tất cả, nhưng lại định hình rất nhiều thứ.
Kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày nay là một hệ thống quốc tế tương tự, có những đặc tính độc đáo tương phản với những đặc tính thời Chiến tranh Lạnh. Trước hết, nói về Chiến tranh Lạnh là nói đến sự chia cắt. Thế giới bị chia cắt ngang dọc thành nhiều cánh đồng vụn vặt manh mún. Những mối đe dọa cùng những cơ hội khởi phát từ chuyện bạn bị chia cắt như thế nào. Quả thực hệ thống Chiến tranh Lạnh được tượng trưng bằng một từ: bức tường – bức tường Berlin. Một trong những miêu tả về Chiến tranh Lạnh mà tôi thích nhất là của diễn viên Jack Nicholson trong phim A Few Good Men [Vẫn còn người tốt]. Nicholson trong vai một đại tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đóng tại căn cứ Guantanamo, Cuba. Vào phút cao trào trong phim, Nicholson bị Tom Cruise chất vấn vì sao Santiago, một người lính yếu đuối dưới quyền của Nicholson bị đồng đội đánh chết. “Anh muốn có câu trả lời ư?” Nicholson hét lên. Cruise đốp lại, “Tôi muốn sự thật.” “Anh không thể chịu nổi sự thật đâu”, Nicholson nói. “Anh bạn ạ, chúng ta đang sống trong một thế giới có những bức tường, và những bức tường đó lại phải được những người có súng canh gác. Ai là người sẽ làm điều đó? Anh ư? Anh ư, trung úy Weinberg? Tôi phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn là anh tưởng. Anh khóc cho Santiago và anh nguyền rủa lực lượng thủy quân lục chiến. Anh có quyền làm điều phù phiếm như vậy. Bởi anh may mắn không biết những điều tôi biết – đó là cái chết của Santiago, dẫu có là bi kịch, có thể đã cứu được nhiều mạng sống khác. Và sự hiện diện của tôi, dẫu có ghê tởm và khó hiểu với anh, cũng cứu được mạng sống người khác. Anh không muốn thấy sự thật, vì tận đáy lòng, tại những nơi ít được nói tới trong những bữa tiệc, anh vẫn muốn tôi đứng canh gác trên những bức tường đó. Anh cần có tôi đứng canh gác bên những bức tường đó.”
Hệ thống toàn cầu hóa hơi khác chút ít. Nó cũng chứa đựng một đặc điểm lớn – sự hội nhập. Thế giới nay đã trở nên một nơi có những quan hệ ngày càng chồng chéo đan xen. Dù bạn là một công ty hay là một đất nước thì những mối đe dọa cũng như những cơ hội sẽ đến với bạn chính từ những đối tác mà bạn có quan hệ. Hệ thống này cũng được miêu tả tượng trưng bằng một từ: web [mạng Internet]. Vì thế, theo một nghĩa rộng thì chúng ta đang tiến từ một hệ thống xây dựng trên sự chia cắt, nhiều bức tường ngăn cách, đến một hệ thống được xây nên bằng sự hội nhập và mạng Internet. Trong thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta bám vào “Đường dây Nóng” – biểu tượng cho thấy mặc dù chúng ta bị chia cắt, nhưng ít ra có hai người, Liên Xô và Hoa Kỳ, đứng chịu trách nhiệm. Và trong hệ thống toàn cầu hóa, chúng ta bám vào Internet, một biểu tượng cho thấy chúng ta ngày càng liên hệ chặt chẽ hơn và không có ai đứng chỉ đạo cả.
Điều này dẫn đến nhiều khác biệt nữa giữa hai hệ thống Chiến tranh Lạnh và toàn cầu hóa. Khác với Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hóa không phải là một cục diện đông cứng, mà là một quá trình phát triển năng động. Chính vì thế, tôi định nghĩa toàn cầu hóa như sau: nó là một sự hội nhập không thể đảo ngược giữa những thị trường, quốc gia và công nghệ, tới mức chưa từng có – theo phương cách tạo điều kiện cho các cá nhân, tập đoàn công ty và nhà nước vươn quan hệ đến nhiều nơi trên thế giới xa hơn, sâu hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết và cũng theo phương cách giúp thế giới tiếp cận các cá nhân, tập đoàn công ty và nhà nước xa hơn, sâu hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết. Quá trình toàn cầu hóa cũng khiến nảy sinh chống đối dữ dội từ những ai bị thiệt hại hay bị hệ thống mới bỏ rơi.
Ý tưởng làm động lực cho toàn cầu hóa là chủ nghĩa tư bản dựa trên kinh tế thị trường – nếu bạn để cho thị trường tự điều tiết, nếu bạn mở cửa nền kinh tế cho phép thông thương và cạnh tranh tự do, thì nền kinh tế của bạn sẽ càng hữu hiệu và tăng trưởng nhanh hơn. Toàn cầu hóa có nghĩa là chủ nghĩa tư bản kinh tế thị trường lan vào hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Do đó, toàn cầu hóa hình thành cho riêng nó một hệ thống luật lệ kinh tế – luật lệ xoay quanh việc mở cửa, thả nổi và tư nhân hóa nền kinh tế của bạn, để nó có tính cạnh tranh cao hơn và thu hút được nhiều hơn đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong năm 1975, vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, chỉ có 8% quốc gia trên thế giới có chế độ kinh tế thị trường tự do, và lúc đó tổng vốn đầu tư nước ngoài trên khắp thế giới là 23 tỷ đô-la. Tới năm 1997, con số các nước có chế độ kinh tế thị trường chiếm 28% và tổng vốn đầu tư nước ngoài là 644 tỷ đô-la.
Không như Chiến tranh Lạnh, hệ thống toàn cầu hóa mang một sắc thái văn hóa riêng, bao trùm và có xu hướng đồng hóa các quốc gia và cá nhân tới một mức độ nhất định. Trước đây sự đồng hóa như vậy chỉ diễn ra ở quy mô khu vực – ví dụ sự đồng hóa văn hóa La Mã đối với miền Tây châu Âu và vùng Địa Trung Hải, sự đồng hóa của giá trị đạo Hồi ở vùng Trung Á, Bắc Phi, một phần châu Âu và Trung Đông, do người Ả Rập và sau đó là đế quốc Ottoman tiến hành, hay sự Nga hóa vùng Đông và Trung Âu và nhiều phần vùng giáp giới châu Âu và châu Á dưới thời Xô Viết. Đứng về mặt văn hóa, toàn cầu hóa hiện nay bao gồm một quá trình Mỹ hóa (dù tốt hay xấu) – từ hiện tượng Mc Donald’s đến Macs rồi đến chuột Mickey.
Toàn cầu hóa có công nghệ định hình riêng: vi tính hóa, thu nhỏ kích cỡ các loại thiết bị, số hóa, viễn thông vệ tinh, cáp quang và Internet, giúp cho việc vun đắp viễn cảnh hội nhập. Khi một nước nhảy vào dòng chảy toàn cầu hóa, giới tinh hoa của đất nước đó bắt đầu chuyển tải viễn cảnh hội nhập vào bên trong và cố tìm cho họ một chỗ đứng trong bối cảnh toàn cầu. Mùa hè năm 1998, tôi sang Amman, Jordan, ngồi uống cà phê với người bạn tên là Rami Khouri, một nhà bình luận chính trị hàng đầu của nước này trong khách sạn Inter-Continental. Tôi hỏi anh có tin gì mới không. Điều đầu tiên anh nói với tôi là “Jordan vừa được đài CNN đưa vào màn hình dự báo thời tiết toàn cầu của họ.” Rami muốn nói rằng đất nước này phải hiểu ra một điều quan trọng: đó là những định chế toàn cầu giờ đây muốn cho mọi người thấy cần phải biết thời tiết ở Jordan. Điều này khiến người Jordan tự cảm thấy sang trọng hơn, và hy vọng sẽ có thêm du khách và nhiều nhà đầu tư đến đất nước của họ. Một ngày sau khi gặp Rami, tôi sang Israel và gặp Jacob Frenkel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nước này, đồng thời là một kinh tế gia tốt nghiệp Đại học Chicago. Frenkel cũng thừa nhận chính bản thân ông đang trải qua một thời kỳ thay đổi nhận thức: “Trước đây, khi nói về kinh tế vĩ mô, chúng tôi bắt đầu từ những thị trường địa phương, hệ thống tài chính khu vực và những quan hệ tương hỗ giữa chúng với nhau, rồi sau đó, như chợt nhớ ra, chúng tôi bàn đến nền kinh tế quốc tế. Hồi đó có một cảm giác chung là những gì chúng tôi làm là việc riêng của chúng tôi, rồi sau đó thông qua một số kênh, chúng tôi bán hàng ra nước ngoài. Giờ đây, chúng tôi đảo ngược quá trình đó. Không có chuyện quyết định sản xuất trước rồi mới tìm thị trường xuất khẩu; mà trước hết hãy nghiên cứu khung cảnh toàn cầu, rồi quyết định sản xuất hàng gì. Quan điểm này thay đổi toàn cách nghĩ của mỗi chúng ta.”
Trong khi thước đo của thời Chiến tranh Lạnh là trọng lượng, đặc biệt là trọng lượng các loại tên lửa. Nay để đo đếm toàn cầu hóa, người ta dùng đơn vị tốc độ – tốc độ trong buôn bán, đi lại, liên lạc và sáng tạo. Chiến tranh Lạnh là nói đến phương trình năng lượng và khối lượng của Einstein: e=mc2. Toàn cầu hóa xoay quanh định luật Moore rằng công suất tính toán của các con chip silicon sẽ tăng gấp đôi trong vòng 18 đến 24 tháng, trong khi giá giảm còn một nửa. Trong thời Chiến tranh Lạnh, câu hỏi thường là “quý vị đứng về phe nào?” Trong toàn cầu hóa người ta hay hỏi, “bạn kết nối với người khác ở mức độ nào?” Trong Chiến tranh Lạnh, người ta hay hỏi, “tên lửa của bạn lớn đến đâu?” Trong toàn cầu hóa người ta muốn biết, “modem của bạn nhanh đến mức nào?” Văn kiện chủ đạo của Chiến tranh Lạnh là “Hiệp Ước.” Trong toàn cầu hóa, văn kiện tối hậu là “Giao Kèo.” Hệ thống Chiến tranh Lạnh thậm chí có thời trang riêng của mình. Năm 1961, theo tạp chí Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại), Chủ tịch Cu ba là Fidel Castro, trong bộ quân phục ka ki màu xanh ôliu đưa ra tuyên bố nổi tiếng – “Tôi nguyện là người Marxist-Leninist đến cuối đời.” Vào tháng Giêng năm 1999, ông Castro mặc một bộ complet thương gia đến dự một hội nghị toàn cầu hóa tại Thủ đô La Habana, nơi có nhà tài phiệt George Soros và nhà kinh tế chủ trương thị trường tự do, Milton Friedman, cùng được mời tham dự.
Nếu như kinh tế gia chủ đạo của Chiến tranh Lạnh là John Maynard Keynes, muốn thuần hóa chủ nghĩa tư bản, thì trong toàn cầu hóa có kinh tế gia Joseph Schumpeter và Andy Grove, Chủ tịch tập đoàn Intel, cả hai đều muốn thả lỏng con thú tư bản chủ nghĩa. Schumpeter, cựu Bộ trưởng Tài chính của nước Áo và cựu Giáo sư Trường Kinh doanh, Đại học Harvard, đã bày tỏ quan điểm trong tác phẩm nổi tiếng Chủ Nghĩa Tư Bản, Chủ Nghĩa Xã Hội và Dân Chủ, cho rằng điều cốt lõi của chủ nghĩa tư bản là quá trình “hủy diệt sáng tạo” – một chu kỳ không ngừng đào thải những sản phẩm và dịch vụ lỗi thời và thay thế chúng bằng những sản phẩm và dịch vụ mới, hữu hiệu hơn. Andy Grove đã lấy lối suy nghĩ của Schumpeter rằng “chỉ có những kẻ hoang tưởng mới tồn tại”, làm đầu đề cuốn sách của ông, kể về cuộc sống trong Thung lũng Silicon, và biến nó thành khuôn mẫu cho nhiều doanh nghiệp trong thời tư bản toàn cầu hóa. Grove là người giúp quảng bá cho quan điểm rằng sáng kiến cải tiến táo bạo, thay đổi công nghệ hiện đang diễn ra nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ. Do những đột phá kỹ thuật, những phát minh của bạn có thể nhanh chóng bị lỗi thời hoặc nhanh chóng trở thành hàng hóa – cả hai khả năng có thể diễn ra chỉ trong thoáng chốc. Do đó, chỉ những kẻ hoang tưởng, cả lo, chăm chăm nhìn đằng sau xem có ai đó sáng chế được điều gì mới hơn sản phẩm của họ, và cố gắng đi trước một bước, thì mới sống sót. Những quốc gia sẵn sàng để cho chủ nghĩa tư bản nhanh chóng thải đi những công ty làm ăn thua lỗ của mình, rồi tập trung tiền đầu tư cho những doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, sẽ thực sự tiến bước trong thời đại toàn cầu hóa. Những quốc gia nào ỷ lại vào chính phủ bảo trợ cho những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, tránh né sự đào thải sáng tạo nói trên, rồi sẽ tụt hậu trong thời toàn cầu hóa.
James Surowiecki, bình luận viên kinh doanh của tạp chí Slate đã điểm cuốn sách của Grove và tóm tắt rất khúc chiết những điểm tương đồng giữa Grove và Schumpeter, là cốt lõi của kinh tế toàn cầu. Đó là lý thuyết: “Sáng tạo sẽ thay thế truyền thống. Hiện tại và có lẽ tương lai sẽ thay thế quá khứ. Không có gì quan trọng bằng những điều sắp xảy ra, và liệu những điều đó có xảy ra hay không lại tùy thuộc vào khả năng có thể đảo ngược được những gì hiện có. Bối cảnh đó thuận lợi cho sáng tạo nhưng gây nhiều khó khăn cho cuộc sống bình thường, vì con người ta vốn dĩ chỉ mong hướng đến một tương lai ổn định, hơn là một cuộc đời trong đó hầu như chẳng có gì chắc chắn… Chúng ta không bị buộc phải tái tạo thường xuyên các mối quan hệ với những người thân. Nhưng, đó lại chính là điều mà Schumpeter, và sau đó là Grove đề xuất, cần thường xuyên tái tạo để được thịnh vượng [trong ngày nay].”
Quả thật, nếu ví Chiến tranh Lạnh là một môn thể thao thì nó sẽ là môn vật sumo, qua đánh giá của Giáo sư Michael Mandelbaum, môn quan hệ đối ngoại, Đại học Hopkins. “Sẽ có hai anh béo đứng trên đài, múa may lễ bái đủ đường, giẫm chân huỳnh huỵch, nhưng rất ít khi chạm vào nhau… cho tới cuối trận thì có chút ít xô đẩy và có một tay bị thua do bị đẩy khỏi đài, nhưng rốt cuộc chẳng có anh nào chết cả.”
Ngược lại, nếu toàn cầu hóa là một môn thể thao thì đó sẽ là môn chạy nước rút 100 mét, liên tiếp, không ngừng nghỉ. Dù bạn thắng trong ngày hôm nay thì bạn sẽ phải đua tiếp vào ngày mai. Và nếu bạn chỉ thua trong một phần trăm giây thì cũng tồi tệ như bạn bị chậm mất cả một giờ vậy. (Cứ hỏi các công ty xuyên quốc gia của Pháp thì biết. Năm 1999, luật lao động của Pháp được sửa đổi, yêu cầu giới chủ phải giảm số giờ làm việc của nhân viên từ 39 tiếng xuống còn 35 tiếng một tuần, không giảm lương. Nhiều doanh nghiệp Pháp đã chống đối vì hậu quả việc sửa đổi luật sẽ ảnh hưởng tới năng suất của họ trên thị trường toàn cầu. Henri Thierry, Giám đốc nhân sự hãng Thomson-CSF Communications, một hãng công nghệ cao đóng ở ngoại thành Paris, nói với tờ The Washington Post : “Chúng tôi đang ở trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nếu chúng tôi mất một đơn vị năng suất, chúng tôi sẽ mất đi nhiều đơn đặt hàng. Nếu chúng tôi chấp hành luật làm việc trong 35 giờ mỗi tuần thì không khác gì chuyện bắt vận động viên người Pháp phải đi dép lê để chạy thi 100 mét. Họ sẽ không có nhiều cơ may đoạt huy chương đâu.”
Nói theo cách của lý thuyết gia chính trị người Đức Carl Schmitt, Chiến tranh Lạnh là một thế giới của “bạn” và “thù”. Trong toàn cầu hóa, thì ngược lại, bạn cũng như thù đều biến thành “những đối thủ cạnh tranh.”
Nếu nỗi lo âu trong thời Chiến tranh Lạnh là khả năng bị kẻ thù hủy diệt, kẻ thù với danh tính rõ ràng, và trong một thế giới bị phân chia rành mạch, thì nỗi ám ảnh của thời toàn cầu hóa chính là sợ sự thay đổi của một thứ kẻ thù mà bạn không nhìn thấy, cảm nhận hay sờ thấy được – một tâm lý lo lắng rằng công việc, cộng đồng hay môi trường làm việc của quý vị có thể bị những thế lực kinh tế và công nghệ không ổn định khiến cho thay đổi. Hệ thống phòng ngự chủ yếu trong Chiến tranh Lạnh là radar – dùng để phát hiện những đe dọa từ bên kia bức tường. Hệ thống phòng thủ đặc trưng của toàn cầu hóa là chiếc máy X quang – dùng để tìm những hiểm họa ngay từ bên trong.
Toàn cầu hóa cũng sản sinh một khuynh hướng dân số riêng – sự dịch chuyển nhanh chóng của dân chúng từ những vùng nông thôn với đời sống nông nghiệp ra thành thị. Và lối sống ở thành thị đang ngày càng gắn liền với các xu hướng toàn cầu trên phương diện thực phẩm, lương thực, thời trang, thị trường và giải trí.
Sau cùng và quan trọng nhất, toàn cầu hóa mang đặc trưng cấu trúc quyền lực riêng, phức tạp hơn so với cấu trúc quyền lực thời Chiến tranh Lạnh. Hệ thống Chiến tranh Lạnh được xây dựng chủ yếu trên nền tảng các quốc gia. Bạn hoạt động đối ngoại thông qua nhà nước của bạn. Trong kịch bản Chiến tranh Lạnh ta thấy các quốc gia đối đầu, đối trọng và liên kết với nhau. Và trong hệ thống này, Chiến tranh Lạnh được cân bằng bởi hai siêu cường: Hoa Kỳ và Liên Xô.
Ngược lại, toàn cầu hóa được xây dựng quanh ba cán cân quyền lực chồng chéo và quan hệ tương hỗ. Trước hết là sự đối trọng truyền thống giữa các quốc gia. Trong toàn cầu hóa, Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất, và tất cả các nước khác đều ít nhiều phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối trọng quyền lực giữa Hoa Kỳ và các nước khác vẫn đóng vai trò duy trì ổn định cho toàn hệ thống. Điều này giải thích cho nhiều mẩu tin bạn đọc được trên trang nhất các tờ báo, chẳng hạn việc cô lập Iraq ở Trung Đông hay sự mở rộng khối NATO để kiềm chế ảnh hưởng của Nga ở Trung Âu.
Cán cân quyền lực thứ hai là giữa các quốc gia và các thị trường toàn cầu. Các thị trường toàn cầu được xây dựng bởi hàng triệu nhà đầu tư, di chuyển vốn qua nhiều nơi trên thế giới bằng cách nhấp chuột máy tính. Tôi gọi chúng là “Bầy Thú Điện Tử”. Những con thú này tập trung ở những trung tâm tài chính toàn cầu như phố Wall, Hồng Kông, London và Frankfurt, những nơi tôi gọi là “những Siêu Thị.” Hành vi của Bầy Thú Điện Tử và hoạt động của các Siêu Thị ngày nay có thể có tác động rất lớn đối với các quốc gia, thậm chí có thể gây sụp đổ cho các chính phủ. Ai là người đã hạ bệ Tổng thống Suharto tại Indonesia năm 1998? Không phải là một quốc gia khác, mà chính là các Siêu Thị, thông qua việc rút lại sự ủng hộ và niềm tin vào kinh tế Indonesia. Bạn không thể hiểu nổi nội dung những mẩu tin trên báo ngày nay nếu không xét đến yếu tố các Siêu Thị trong phân tích của bạn. Vì Hoa Kỳ có thể xóa sổ bạn bằng cách ném bom, nhưng các Siêu Thị có thể khiến bạn biến mất bằng cách đánh sụt hạng trái phiếu bạn phát hành.
Nói cách khác, Hoa Kỳ đóng vai trò nổi trội trên bàn cờ toàn cầu hóa, nhưng bản thân Hoa Kỳ không tác động được gì vào những nước đi trên bàn cờ đó. Bàn cờ toàn cầu ngày nay rất giống bàn Quija – thỉnh thoảng có bàn tay của các siêu cường hiện hữu dịch chuyển những quân cờ, nhưng thỉnh thoảng các quân cờ lại được những bàn tay vô hình của các Siêu Thị điều khiển.
Đối trọng về quyền lực thứ ba trong hệ thống toàn cầu hóa là giữa các cá nhân và các nhà nước – điều này mới mẻ hơn cả. Do toàn cầu hóa đã phá đi nhiều bức tường ngăn cách dân chúng, và nối cả thế giới vào một mối, nó mang lại cho các cá nhân khả năng chi phối cả các thị trường lẫn các quốc gia trong bất cứ thời điểm nào. Các cá nhân có thể công diễn trực tiếp trên sân khấu thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ môi giới của nhà nước. Vậy ngày nay, không những bạn có một siêu cường, nhiều siêu thị, và, như sẽ được chứng minh thêm trong phần sau của cuốn sách, bạn có các cá nhân được trang bị quyền lực tối thượng. Một số những cá nhân đó đang giận dữ, một số khác thật tuyệt vời, nhưng ai cũng như ai, họ đều có thể công diễn trên sân khấu thế giới.
Quỹ Long-Term Capital Management,– gồm một số cá nhân với một quỹ đầu cơ tín dụng đóng tại Greenwich, Connecticut, đã phân bố những khoản tiền đầu tư trên khắp thế giới còn nhiều hơn lượng ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc – điều mà ngay cả chính phủ Hoa Kỳ cũng không ngờ đến. Osama Bin Laden, một triệu phú người Arập Xê út có mạng lưới toàn cầu riêng tuyên chiến với Hoa Kỳ vào cuối những năm 1990, và không quân Hoa Kỳ đã trả đũa bằng cuộc không kích vào Afghanistan, nơi ông ta cư ngụ, như tuồng Bin Laden là cả một quốc gia. Cứ nghĩ về điều đó mà xem. Hoa Kỳ bắn 75 tên lửa hành trình, mỗi cái giá một triệu đô-la, nhằm vào một cá nhân! Đó chính là một siêu cường chống một cá nhân có quyền lực lớn. Jody Williams đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1997 do đóng góp của bà vào công ước quốc tế cấm các loại mìn trên đất liền. Bà đạt được điều này không những không có sự giúp đỡ của đất nước của bà, mà còn do bất chấp sự chống đối của nhiều nước lớn. Và vũ khí bí mật của bà là gì, khi vận động được 1.000 nhóm nhân quyền và kiểm soát vũ khí ở khắp sáu châu lục? – Email.
Các quốc gia và đặc biệt siêu cường Mỹ ngày nay vẫn có vai trò quan trọng. Nhưng quan trọng không kém, là vai trò của các Siêu Thị và các cá nhân có quyền lực lớn. Bạn không thể hiểu được toàn cầu hóa cũng như những mẩu tin trên trang nhất báo chí, trừ phi nhìn nhận chúng qua lăng kính tổng hòa quan hệ phức tạp giữa ba yếu tố kể trên: nhà nước va chạm với nhà nước, nhà nước va chạm các Siêu Thị và Siêu Thị cùng nhà nước va chạm với những cá nhân có quyền lực lớn.
Khổ một nỗi là, do những lý do tôi sẽ nêu sau này, hệ thống toàn cầu hóa đến với chúng ta trước khi chúng ta có khả năng nhận biết và hiểu được nó. Hãy nghĩ về điều này: trong năm 1990, hầu hết không mấy ai biết về Internet, và rất hiếm người thời đó có địa chỉ Email riêng. Đó là mới hơn 10 năm trước! Giờ đây, Internet, điện thoại di động và Email đã trở thành công cụ thiết yếu của nhiều người, không chỉ ở các nước phát triển đến nỗi họ không thể tưởng tượng cách sống thiếu chúng. Tôi chắc rằng nó cũng tương tự như tình hình hồi đầu Chiến tranh Lạnh, khi xuất hiện các kho vũ khí hạt nhân cùng các học thuyết răn đe. Phải mất một thời gian dài thì các nhà lãnh đạo và các nhà phân tích thời đó mới hiểu được bản chất thực sự và các khuynh hướng của hệ thống Chiến tranh Lạnh. Họ sống sót từ Chiến tranh Thế giới thứ hai; họ nghĩ rằng cuộc chiến đó đã tạo ra một thứ thế giới mới, nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn khác, họ sớm nhận ra rằng thế giới mới hoàn toàn không giống những gì người ta mong đợi. Phần nhiều những yếu tố định hình thế giới và chiến lược trong thời Chiến tranh Lạnh chẳng qua là những phản ứng tại chỗ đối với những diễn biến cùng các hiểm họa mới xuất hiện. Rồi dần dần các nhà hoạch định chiến lược bắt đầu xây dựng những định chế mới, các quan niệm và lối ứng xử mới mà sau này được biết đến dưới tên gọi hệ thống Chiến tranh Lạnh.
Đối với toàn cầu hóa thì sự thể cũng diễn ra không khác mấy, ngoại trừ chuyện chúng ta có thể mất nhiều thời gian hơn để hiểu về nó, vì để hiểu hệ thống không thôi cũng cần phải đào tạo lại; vả lại khác với Chiến tranh Lạnh, nơi mọi thứ được định hình xung quanh các siêu cường, toàn cầu hóa được xây dựng với sự tham gia của các Siêu Thị và các cá nhân có quyền lực lớn. Tôi xin nói cách chúng ta hiểu về toàn cầu hóa vào năm 2000 cũng giống như cách chúng ta hiểu về Chiến tranh Lạnh vào năm 1946 – năm đó Winston Churchill cảnh báo “Bức Màn Sắt” ngăn cách khu vực ảnh hưởng của Liên Xô khỏi Tây Âu sắp được dựng lên. Ba mươi năm sau ngày Churchill đọc bài diễn văn này chúng ta cũng chưa hiểu được hệ thống Chiến tranh Lạnh rồi sẽ ra sao! Cũng vào lúc đó nhà sách Routledge xuất bản một tập tiểu luận của các nhà nghiên cứu về Liên Xô với chủ đề Nền kinh tế Xô Viết đến năm 2000. Tập sách ấy bán rất chạy. Nhưng không một tác giả nào lúc đó có thể dự đoán rằng vào năm 2000, sẽ không còn nền kinh tế Xô Viết.
Để chứng minh cho luận điểm rằng rất ít người hiểu đích xác về hoạt động của hệ thống toàn cầu hóa, xin dẫn ra đây một bằng chứng lý thú. Hai nhà kinh tế làm tư vấn cho Quỹ Long-Term Capital Management, là Robert C. Merton và Myron S. Scholes, cả hai đã cùng nhận một giải Nobel Kinh tế năm 1997, khoảng một năm trước khi Quỹ này hiểu sai về bản chất của rủi ro trong thị trường toàn cầu đang xen ngày nay, rốt cuộc dẫn đến sự thua lỗ lớn nhất trong lịch sử các loại quỹ đầu tư. Nhưng hai kinh tế gia của Quỹ này được giải Nobel do công lao gì? Chính là do các nghiên cứu của họ về cách sử dụng các loại công cụ tài chính phức tạp, gọi là phái sinh, phục vụ các nhà đầu tư toàn cầu loại bỏ các rủi ro về tài chính! Năm 1997, họ được trao giải thưởng Nobel do có công giúp quản lý rủi ro. Năm 1998, họ trở thành kẻ đầu têu do đã tạo ra các loại rủi ro mới. Vẫn những con người đó, vẫn những thị trường đó, nhưng là một thế giới mới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.