Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu

Phần II: kết nối vào hệ thống 8. Hệ điều hành DOScapital 6.0



“Anh mang bao nhiêu tiền trong người?”. Một nhân viên hải quan Albania tại sân bay Tirana, quát hỏi tôi bằng giọng của một cảnh sát, khi tôi đang trên đường ra máy bay rời nước này. Vừa nghe thấy như vậy tôi có cảm giác rợn người – nhiều khả năng tôi sẽ bị tịch thu mất hết tiền.

“Tôi có 3.500 đô-la”, tôi đáp, đập nhẹ tay vào ví đeo trước bụng.

“3.500 đô-la?”, cô ngày thốt lên, mắt sáng rực. “Anh này có 3.500 đô-la”, cô nói với một nam đồng nghiệp đứng bên cạnh đang theo dõi máy X-quang chiếu hành lý.

“Anh từ đâu đến?” anh này hỏi, dường như tính toán xem tôi có dễ bị bắt nạt không và xác định rõ tôi không phải là một nhà ngoại giao. Tôi nói với anh ta tôi là một ký giả của báo The New York Times. “New York Times?” nam nhân viên này lặp lại, rồi vẫy tay, “để cho anh ta đi”.

Ai có thể ngờ rằng tờ The New York Times lại có ảnh hưởng như vậy ở Tirana! Tôi chạy vội tới máy bay. Tôi có lý do để lo lắng. Tôi đã trải qua những chuyện tương tự như thế này ở Iran – ở một quốc gia trong đó pháp quyền không hẳn là kim chỉ nam. Chỉ có điều ở đó mọi việc đã không kết thúc tốt đẹp như ở đây. Vụ đó bắt đầu cũng tương tự, tại sân bay quốc tế Teheran, khi tôi đi qua hàng rào kiểm soát của hải quan lúc bốn giờ sáng. Một nhân viên hải quan ra lệnh cho tôi mở va-li và trình tờ khai hải quan. Trên đó có một dòng hỏi số tiền mang theo người là bao nhiêu và tôi đã khai chính xác là 3.300 đô-la. Do thẻ tín dụng chưa được chấp nhận ở Iran, nên tôi phải mang theo nhiều tiền mặt. Nhân viên hải quan Iran gầy gò có ria mép này kiểm tra tờ khai và nói với tôi với vẻ mặt rất tham lam, “Thưa ông, ông chỉ được phép mang 500 đô-la theo người khi xuất cảnh thôi”.

“Ôi, làm sao bây giờ”, tôi nói.

Nhân viên này vươn người tới và nói thầm vào tai tôi, “Trả cho tôi 300 đô-la, tôi sẽ giúp”. Có một hàng người xếp hàng sau lưng tôi đang quan sát – chắc chắn là họ biết rõ những gì đang xảy ra. Tôi mở ví, rút ra ba tờ 100 đô-la và vo tròn chúng lại trong tay.

“Hãy cẩn thận”, nhân viên hải quan này nói thầm – cứ làm như là những người xếp hàng đằng sau tôi sẽ đi trình báo vậy. Rồi hai chúng tôi làm ra vẻ lục lọi trong va-li, và trong chớp mắt, anh này cướp món 300 đô-la khỏi tay tôi. Mọi việc nhanh như chớp – chắc phải tua thật chậm thì mới có thể nhìn thấy được. Rồi nhân viên nọ đưa cho tôi một mẫu khai mới, nói tôi khai lại, viết vào đó là tôi mang có 500 đô-la theo người. Nhưng thế chưa phải đã xong. Khi lên gần tới cửa ra máy bay, lại một cuộc khám người nữa. Bước vào một buồng nhỏ, một nhân viên khác nói tôi mở ví ra để khám. Tôi hoảng quá, “Làm thế nào giải thích khoản 3.000 đô-la bây giờ? Hay là gào

lên, “Này, tôi đã đút lót cho đồng nghiệp của anh ở dưới kia rồi, giờ thì biến đi!” May quá, tay này nhìn vào khoản tiền của tôi, nói gì đó bằng tiếng Farsi và cho tôi qua.

Du khách dày dạn kinh nghiệm trên thế giới sẽ hiểu những điều tôi trải qua ở Albania và Iran chỉ là chuyện thường ngày. Ai cũng gặp phải những phiên bản của hiện tượng có thể gọi là “Nạn vòi tiền”. Hiện tượng này vượt trên những hình thức đút lót và tham nhũng mà người ta có lẽ thường gặp ở các nước đang phát triển, và ở mức độ thấp hơn, cả các nước phát triển. “Nạn vòi tiền” xảy ra khi tất cả những chức năng của nhà nước – từ hệ thống thuế tới hải quan và luật tư hữu hóa – trở nên tham nhũng tràn lan; và những giao dịch hợp pháp không còn là tiêu chuẩn, mà chỉ là ngoại lệ. Một bình thường mà ai cũng phải chịu đựng đó là các viên chức ở mọi cấp dùng quyền lực của họ để vòi tiền của dân chúng, các nhà đầu tư và của bản thân nhà nước. Ngược lại, dân chúng và các nhà đầu tư sẽ tin rằng để đạt được một phê chuẩn hay hưởng một dịch vụ nào đó, họ phải đút lót cho hết thảy các cửa liên quan.

Có nước đã phải chịu đựng “nạn vòi tiền” nghiêm trọng – nơi nhà nước được dựng lên từ những vụ trộm cắp, như Nigeria chẳng hạn – cho tới loại có “nạn vòi tiền” mới nảy nở, nơi tham nhũng tràn lan và ai ai cũng phải chịu, mặc dù cũng có những yếu tố về luật pháp và dân chủ tồn tại song song, như Ấn Độ chẳng hạn. Sự khác biệt giữa hai hình thái vòi tiền loại nghiêm trọng và loại chớm nở được minh họa một cách tốt nhất bằng câu chuyện cười được kể ở Ngân hàng Thế giới, về hai ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng hạ tầng cơ sở, người Á châu và Phi châu, sang thăm đất nước của nhau. Đầu tiên Bộ trưởng người châu Phi sang thăm đất nước của Bộ trưởng Á châu và được ông này mời về nhà ăn tối. Bộ trưởng Á châu sống ở một biệt thự tuyệt đẹp như một cung điện. Ông Phi châu hỏi ông Á châu, “Làm sao ông mua nổi dinh thự này với mức lương của ông?” Ông Á châu mời khách đi đến một khung cửa sổ, chỉ cho khách thấy một chiếc cầu đằng xa và nói: “Ông thấy cây cầu đó không?” “Có, tôi thấy rồi”, ông Phi châu đáp lại. Và Bộ trưởng người Á châu chỉ vào ngực mình, nói thầm thì: “10 phần trăm”, ý nói 10 phần trăm chi phí cho cây cầu đã vào túi ông ta. Một năm sau đến lượt Bộ trưởng Á châu sang thăm bạn mình ở một nước châu Phi và thấy dinh thự của bạn đẹp hơn của ông nhiều lắm. “Làm sao ông có thể sắm nổi dinh thự như thế này, với mức lương của mình?” Bộ trưởng châu Á hỏi bạn. Người bạn Phi châu đưa ông ta ra một cửa sổ, nhìn về phía chân trời và nói, “Ông có thấy cây cầu đằng kia không?” Bộ trưởng Á châu đáp: “Không thấy cầu nào đâu?” “Chính thế”, Bộ trưởng người Phi châu nói, chỉ vào ngực mình, “một trăm phần trăm”.

Những dấu hiệu cụ thể nào được dùng để phân biệt mức vòi tiền nghiêm trọng, toàn diện với mức chớm nở? Sau đây tôi sẽ giới thiệu chúng dựa trên những dữ liệu tôi đã sưu tầm sau nhiều năm:

Nạn vòi tiền xuất hiện ở Moskva trong năm 1995 (và 1996, 1997, 1998, 1999!), khi tội phạm lan tràn trên đường phố sau khi Liên Xô sụp đổ. Ngay sau khi nhận phòng

khách sạn Penta ở trung tâm Moskva, tôi mang tiền xuống và hỏi nhân viên tiếp tân cho tôi thuê hộp két an toàn để giữ tiền. Tôi không dại gì mà mang theo nhiều tiền mặt trong người khi đi lại trong thành phố.

“Xin lỗi”, nhân viên này nói. “Không còn hộp két nào trống cả. Và có một danh sách xếp hàng chờ để thuê két sắt. Ông có muốn thì ghi tên?”

Tôi đã phải cười phá lên. Một danh sách xếp hàng, chờ được dùng két sắt giữ tiền? Nó giống như câu chọc cười trong một chuyện hài hước nhạt: “Làm thế nào biết được bạn đang ở một thành phố nguy hiểm? Trả lời: khi những két sắt giữ tiền của khách sạn không còn chỗ trống”. Chính vì thế mà một nhà đầu tư nước ngoài vừa mua trái phiếu của một nhà băng Nga tôi gặp ở Moskva, đã tả cho tôi là trong nhà băng đó số nhân viên an ninh nhiều hơn số nhân viên làm nghiệp vụ ngân hàng. Ông ta kể với tôi rằng một chuỗi nhà hàng phương Tây vừa cử một nhóm kiểm toán viên để xem xét tại sao chi nhánh của họ ở Moskva làm ăn rất vất vả nhưng không thấy lãi là mấy. Nhóm này báo cáo là hầu như bất cứ nhân viên nào trong chi nhánh đó đều dính dáng tới tệ ăn cắp vặt – đầu bếp ăn cắp bánh kẹp thịt còn quản đốc thì đòi tiền hoa hồng.

Nạn vòi tiền ở Albania cho thấy vào năm 1997, nạn trốn thuế lan tràn tới mức một chi nhánh bánh pizza, liên doanh giữa Albania và Mỹ đứng thứ 35 trong những công ty đóng thuế cao nhất. Cũng ở Albania, trộm cắp hoành hành tới mức các viên chức Hoa Kỳ đóng ở đó đánh giá là khoảng 80 phần trăm xe hơi đi trên đường là hàng ăn cắp, đâu đó từ châu Âu. Nạn vòi tiền thể hiện ở sự tham nhũng tràn lan ở Nga, thâm nhập vào tận các quan chức cao cấp ở Kremlin đến mức xuất hiện một chuyện vui của người Nga. Chuyện rằng có một người đi một chiếc xe mới coóng, đến đậu ở cổng Spassky, lối vào điện Kremlin, trong Quảng trường Đỏ. Một tay cảnh sát đi đến và nói với người đó: “Này đừng có đậu xe ở đây. Đây là cổng chỉ dành cho các vị lãnh đạo”. Người này đáp: “Đừng lo. Tôi khóa xe lại rồi”.

Nạn vòi tiền cũng thể hiện trong câu chuyện một người bạn ở Indonesia kể cho tôi; anh này sống ở đó trong thời kỳ đầy tham nhũng – đất nước lúc đó do gia đình ông Suharto trị vì. Anh này là một phóng viên dày dạn kinh nghiệm ở Jakarta, làm việc cho một tờ báo có trụ sở ở Singapore, và hàng năm phải gia hạn giấy tờ thường trú của mình. Tham nhũng ở Indonesia thâm nhập sâu đến mức, anh này nói, “Các viên chức khi nhận đút lót đã trao cho anh hóa đơn. Thật vậy. Mỗi năm tôi gia hạn giấy tờ thường trú ở Jakarta, và sau khi đút tiền, tôi nhận được một hóa đơn. Nhân viên kế toán trong văn phòng của tôi bao giờ cũng đòi hóa đơn mà. Và viên chức Indonesia đã cấp luôn”. Thành ra ở Indonesia dưới thời Suharto có một câu chuyện ngụ ngôn: Nếu người hàng xóm ăn cắp con dê của bạn thì bạn muốn làm gì thì làm, nhưng đừng có đưa anh ta ra tòa. Vì đến lúc được kiện, trả chi phí thuê cảnh sát và quan tòa, thì bạn đã có thể mất luôn thêm con bò của bạn.

Nạn vòi tiền xuất hiện khi các viên chức và nhân viên hành pháp cho rằng luật lệ

không phải dành cho họ. Nayan Chanda, Tổng biên tập tờ Far Eastern Economic Review, một lần kể cho tôi câu chuyện của anh khi sang Trung Quốc: “Ở Bắc Kinh, một lần tôi cùng người phiên dịch của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một lái xe và một trợ lý của tôi, đi trên đại lộ trung tâm. Khi chúng tôi vào đường cao tốc, thì người lái xe đột ngột quay ngược xe 180 độ, đi thẳng lên phần đường ngược chiều, bóp còi inh ỏi. Chúng tôi đi, cố tránh những xe ngược chiều. Tôi hoảng quá, hỏi người phiên dịch: “Anh ta làm gì vậy!!” Phiên dịch giải thích rằng người lái xe phát hiện một đoạn giao thông tắc nghẽn ở phía trước nên đã quay lại để vòng đường khác. Tôi nhắm mắt, nấp dưới ghế và cầu nguyện để được sống. Quả là còn sống. Nhưng đã thoảng qua tôi một suy nghĩ: Vậy thì những doanh nghiệp nước ngoài đang vào làm ăn tại Trung Quốc thì sao nhỉ? Người Trung Hoa ký hợp đồng với họ, nhận công nghệ từ họ rồi nhỡ lại thay đổi luật pháp, đuổi họ ra thì sao? Liệu những đối tác nước ngoài có sống nổi như thế không”.

Chắc là không, một khi các nhà hành pháp ở Trung Quốc còn tiếp tục nhũng nhiễu. Người đứng đầu chi nhánh của một trong số nhà băng lớn của Canada kể cho tôi vào năm 1997, rằng có một lần nhà băng này chuyển vài ngàn đô-la từ chi nhánh ở Hồng Kông vào lục địa Trung Quốc, phải mất 18 ngày thì tiền mới tới vào tài khoản và được phép sử dụng. “Chúng tôi nghĩ rằng có một nguyên nhân”, viên chức này nói, khi ăn trưa với tôi ở Thượng Hải. “Có ai đó ở Ngân hàng Trung ương chiếm giữ số tiền đó, dùng chúng quay vòng ở thị trường chứng khoán Thượng Hải suốt 17 ngày rồi đem trả lại vào ngày thứ 18”.

Nạn vòi tiền thể hiện ở con số hàng tỷ đô-la thu nhập từ các chương trình tư hữu hóa tham nhũng ở một loạt các nước Đông Âu và Nga, nơi những nhóm nhỏ thượng lưu, quan hệ chặt chẽ với giới mafia và các viên chức chính phủ, đã vào chiếm quyền sở hữu các nhà máy quốc doanh cũ và những nguồn tài nguyên, chi trả cho chúng dưới mức thị trường, và bỗng chốc trở thành những tỉ phú. Giá địa ốc ở Paris, Tel Aviv đến London đều bị kích lên do những nhân vật thượng lưu đó, hay những kẻ lừa đảo cỡ lớn khác, lao vào mua. Họ phân tán tài sản mới chiếm giữ của họ ra khỏi đất nước với tốc độ chóng mặt. Ở Mỹ, khi còn là một thị trường mới nổi, cũng có những vị lãnh chúa kiểu như ở nước Nga ngày nay. Nhưng những lãnh chúa ở Mỹ lúc đó đã chỉ đem tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc trong nước. Nhưng giờ đây, nhờ có toàn cầu hóa, và khả năng di chuyển vốn tự do, các tay trộm người Nga cũng có thể đem tiền ra khỏi biên giới và đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc của Mỹ, bòn rút, làm đất nước của họ tiếp tục nghèo đi.

Thi thoảng, nạn vòi tiền không đơn thuần chỉ diễn ra trong việc giới thượng lưu ăn cắp từ đất nước của họ, nó cũng tiêm nhiễm vào những người dân thường, muốn sống yên thân ở đất nước không có tấm lưới bảo hộ an sinh. Một lần đổi chuyến bay từ nội địa sang quốc tế ở sân bay Jakarta, tôi mang túi ra chờ “xe buýt miễn phí trong sân

bay”. Khi chiếc xe này đến, chỉ có mỗi mình tôi trên xe. Khi xuống xe, khi tôi bước qua chỗ tài xế, anh này chặn tôi lại và nói: “Thưa ông”, đoạn chỉ vào một tấm biển nhỏ viết nguệch ngoạc rằng giá vé là 4.900 rupia (tương đương hai đôla lúc đó). Tôi nhún vai và đưa tiền cho anh ta.

Nạn vòi tiền xảy ra cho John Burns, Trưởng phân xã của tờ The New York Times tại New Delhi, vào mùa hè 1998, khi anh ta đến Quốc hội Ấn Độ, cơ quan lập pháp của nước này. Khi chúng tôi ngồi chờ ở hành lang để kiểm tra an ninh, Burns nhìn thấy một cuốn sách trong hiệu sách của Quốc hội nhan đề: Các nhân vật trong Quốc hội Ấn – có tiểu sử và ảnh của tất cả các nhà lập pháp Ấn Độ. Burns quyết định mua một cuốn. “Tôi muốn mua cuốn sách, vậy phải gặp ai bây giờ?” Burns hỏi một nhân viên đứng cạnh quầy sách. “Vào đây ông”, nhân viên này nói, “700 rupee”. Người này đi lấy sách.. Burns hỏi xin một hóa đơn thì người này nói: “Chúng tôi đóng cửa buổi trưa và vừa rồi là “giao dịch ngoài giờ” – nghĩa là không có biên lai. Người đó trao sách cho Burns và đút túi số tiền. Tôi thấy điều đó thật nực cười, đút tiền ngay ngoài hành lang của cơ quan lập pháp của Ấn Độ để kiếm một cuốn sách về các nhà lập pháp.

Tôi cho rằng điều đó giải thích cho việc tờ báo Times of India số ra ngày 16/12/1998 đăng tải cuộc tìm kiếm ở bang Punjab, nơi tham nhũng chồng chéo, kéo dài 18 tháng, đã bị đình chỉ. Mục tiêu của cuộc tìm kiếm là một điển hình quan chức chính phủ trung thực; giải thưởng là 100.000 rupee [2.380 đô-la]. Họ không tìm ra một người như vậy trong một bang mà tất cả các dịch vụ từ việc mắc điện cho tới đăng ký nhập học ở trường quốc lập đều phải có tiền lót tay. Thay vào đó, tờ báo cho biết rằng sau cuộc tìm kiếm, họ nắm được bằng chứng để đưa 300 công chức ra tòa.

Tất cả những hiện tượng kể trên liên quan ra sao tới toàn cầu hóa? Tôi xin dùng một số thuật ngữ đơn giản của vi tính để giải đáp. Tôi thích so sánh một đất nước với ba phần của một máy vi tính. Trước hết là phần cứng – đây là chiếc vỏ bao bọc bên ngoài nền kinh tế của bạn. Vào thời Chiến tranh Lạnh có ba loại vỏ bọc cơ bản – thị trường tự do, cộng sản và một loại lai ghép thị trường tự do lẫn cộng sản.

Phần thứ hai là “hệ điều hành”. Tôi so sánh phần này với những chính sách kinh tế vĩ mô của bất cứ nước nào. Trong các nước cộng sản hệ điều hành kinh tế mang tính tập trung, được chỉ đạo từ trung ương – không có thị trường tự do – và chính phủ đứng ra trực tiếp cung ứng vốn. Tôi xin gọi hệ điều hành của kinh tế cộng sản là DOScapital 0.0.

Trong những nước có sự lai ghép, hệ điều hành bao gồm các thành phần chủ nghĩa xã hội, thị trường tự do, kinh tế do nhà nước điều tiết và chủ nghĩa tư bản bè phái, trong đó các viên chức chính phủ, các doanh nghiệp và ngân hàng móc ngoặc với nhau. Tôi xin gọi chúng bằng các nhãn hiệu DOScapital 1.0 đến 4.0, tùy vào mức độ can thiệp của chính phủ và mức tinh vi của các nền kinh tế. Chẳng hạn Hungary có

mức DOScapital 1.0, Trung Quốc là 1.0 ở vùng sâu trong nội địa và 4.0 ở Thượng Hải, Thái Lan mức 3.0, Indonesia 3.0 và Hàn Quốc là 4.0.

Sau cùng là các hệ thống tư bản công nghiệp lớn. Một số trong đó duy trì hệ điều hành dựa trên thị trường tự do nhưng vẫn duy trì một bộ phận phúc lợi xã hội đáng kể. Nhóm này bao gồm Pháp, Đức và Nhật Bản và tôi gọi họ là DOScapital 5.0. Những nơi khác như Hoa Kỳ, Hồng Kông, Đài Loan và Vương quốc Anh đã giải phóng các nền kinh tế của họ, khoác lên mình tấm áo nịt nạm vàng. Họ ở mức DOScapital 6.0.

Trở lại chiếc máy vi tính, ngoài phần cứng và hệ điều hành, nó có các phần mềm. Đối với quốc gia, đây là tổng hợp tất cả các yếu tố mang tính pháp quyền. Phần mềm

ở đây chính là mức đo đếm hiệu lực của các hệ thống luật pháp và quy tắc, về mức độ hiểu biết và thừa hành pháp luật của các viên chức, giới hành chính và các công dân. Một phần mềm tốt thường bao gồm luật ngân hàng, luật thương mại, luật về phá sản, hợp đồng, quy tắc ứng xử trong kinh doanh, một ngân hàng trung ương thực sự độc lập, quyền lợi về sở hữu tài sản, tòa án thương mại, các cơ quan duy trì hành pháp được một hệ thống tư pháp công tâm bảo đảm, các loại luật chống sự xâm phạm vào lợi quyền cá nhân và chống hành vi lạm dụng của các viên chức chính phủ và công dân, giúp họ thừa hành luật một cách nhất quán.

Trong thời Chiến tranh Lạnh đã có cuộc tranh đấu lớn lao để xem phần cứng nào sẽ thống trị thế giới. Người Xô Viết và người Mỹ lúc đó không cần đoái hoài xem mô hình phần cứng của họ hoạt động ra sao ở các nước đồng minh của họ. Họ chỉ muốn các nước đó sử dụng mô hình và nhãn hiệu của họ. Quả nhiên có quốc gia tồn tại rất dài lâu mặc dù đã thừa hành một thứ hệ điều hành tồi tệ và những phần mềm trục trặc, chỉ vì người Mỹ và người Liên Xô nóng lòng muốn tuyển dụng. Họ bao cấp và trực tiếp bảo hành cho các hệ thống của quốc gia đó – miễn là quốc gia đó gắn bó với nhãn hiệu của họ. Hai siêu cường đó đã sống trong lo lắng về điều được gọi là “Học thuyết Domino”, cho rằng nếu một nước tiền đồn thay đổi hệ thống thì các quốc gia lân cận sẽ thay đổi theo hàng loạt.

Cuộc tranh đấu đó đã kết thúc khi hệ thống Chiến tranh Lạnh đổ vỡ. Bỗng nhiên các mô hình khác, và thậm chí các mô hình ghép trở nên không còn được tin dùng. Bỗng nhiên chúng ta ở vào một khoảnh khắc đầy ý nghĩa của lịch sử: Lần đầu tiên hầu như bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều sở hữu một mô hình chung – tư bản chủ nghĩa trên nền thị trường tự do. Cuộc chơi đã thay đổi. Các quốc gia không còn phải quyết định lựa chọn mô hình nào nữa, họ chỉ còn phải quyết xem làm thế nào sử dụng mô hình chung – tư bản và thị trường – theo cách tốt nhất.

Nhưng có một lối nói trong công nghệ vi tính: “Phần cứng bao giờ cũng chạy trước phần mềm và hệ điều hành”. Có nghĩa là các kỹ sư liên tục sáng tạo ra những linh kiện vi mạch mới có tốc độ nhanh hơn, rồi mới đến việc các hệ điều hành mới và

các loại phần mềm được cải tiến. Câu châm ngôn đó cũng được áp dụng trong toàn cầu hóa. Điều mà thế giới chứng kiến từ khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Nga, Đông Âu và Thế giới thứ ba, là có đa số các quốc gia, tuy chấp nhận mô hình cơ bản của chủ nghĩa tư bản, thậm chí kết nối mô hình của họ với Bầy Thú Điện Tử, nhưng lại không có được ngay một hệ điều hành hay những phần mềm thích ứng – những yếu tố cơ bản để họ quản lý và phân bổ mức vốn và tài nguyên ra vào đất nước, một khi họ bắt tay với bầy thú.

Đây, như chúng ta đang khám phá, là một trong những vấn đề nổi lên trong giai đoạn quá độ từ hệ thống Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa: Những khó khăn trong giai đoạn “sơ sinh toàn cầu hóa”. Tôi xin nhắc lại: Ngày nay, bạn không thể tăng trưởng nếu không kết nối với bầy thú và các siêu thị tài chính, bạn cũng không thể tồn tại nếu không có một hệ điều hành và những phần mềm cho phép bạn tận dụng bầy thú và phòng thân nếu chúng giở quẻ.

Điều hiển nhiên là khi mọi người cùng đến với một mô hình có nhãn hiệu chung – thị trường tự do – sẽ xuất hiện những mức cao thấp trong cách thức và mức độ các quốc gia khác nhau phát triển các hệ điều hành và phần mềm khác nhau. Mua một chiếc máy vi tính thì thật là dễ, đặc biệt khi chỉ có một thương hiệu. Bất cứ kẻ khờ khạo nào cũng có thể ra chợ Computer City để kiếm một chiếc. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa, nhiều quốc gia đã làm đúng như vậy, – họ không nghĩ tới việc liệu họ đã có những hệ điều hành và các phần mềm thích ứng chưa. Những nước này thường đã khoe: “Hãy nhìn đây, rất dễ, tôi sẽ nối phần cứng đời mới này vào với Bầy Thú Điện Tử…”

Nhưng sự đời phức tạp hơn nhiều. Việc tuyên bố “thị trường tự do” trong quốc gia của bạn là điều dễ dàng. Khó khăn hơn chính là việc thiết lập một công cuộc hành pháp đều tay, thực hiện luật pháp và các nguyên tắc ứng xử chung trong thương mại, trong đó tòa án có khả năng bảo vệ dân chúng trước sức tấn công của chủ nghĩa tư bản không bị kiềm chế. Mở một thị trường chứng khoán là điều dễ dàng. Nhưng điều khó hơn là thiết lập được một Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) để kiểm soát hiện tượng giao dịch tay trong. Cởi trói cho báo chí và công khai hóa thông tin kinh tế là điều dễ làm. Nhưng rất khó có thể thiết lập và bảo vệ một nền báo chí thực sự độc lập và tự do, cho phép nó vạch trần tham nhũng trong chính phủ và những công ty làm ăn lừa đảo.

Quá trình xây dựng các hệ điều hành và phần mềm đó đang nổi lên như khâu yếu nhất trong chuỗi mắt xích toàn cầu hóa. Nghĩa là, giờ đây chúng ta hiểu toàn cầu hóa sẽ dẫn tới việc phát triển thương mại và kinh tế; phát triển kinh tế dẫn đến thịnh vượng cho mọi người; thịnh vượng cho mọi người sẽ dẫn tới giải phóng về chính trị; rồi sự giải phóng về chính trị thường dẫn tới dân chủ hóa. Nhưng để kích hoạt chuỗi phản ứng trên, đất nước của bạn phải thực hiện những bước cơ bản, cài đặt hệ điều

hành và các phần mềm. Những bước đi như vậy thường sẽ gặp những trở ngại mang tính văn hóa, lịch sử và sự phản ứng của các cơ cấu cũ – hoặc do việc thiếu các cơ cấu đó. Vì thế những bước đi ban đầu cho thấy khó khăn nhiều hơn là người ta những tưởng trong giây phút tưng bừng hoan nghênh bức tường Berlin sụp đổ.

Hãy nghĩ tới Ba Lan và Liên Xô. Chúng trỗi dậy sau Chiến tranh Lạnh gần như cùng một thời điểm. Cả hai đều trải qua những khó khăn kinh tế ban đầu. Ba Lan đã nhanh chóng gượng dậy trong khi nước Nga thì không. Lý do một phần là Ba Lan đã có thời thực hành tư bản chủ nghĩa lâu dài, trước khi những người cộng sản lên nắm quyền. Họ đã biết cài đặt nhanh chóng hệ điều hành và các phần mềm cơ bản, thích ứng với toàn cầu hóa. Nhưng nước Nga, trong lịch sử của nó không thấy có chủ nghĩa tư bản cũng như dân chủ, đã trải qua nhiều khó khăn hơn, và trả giá đắt hơn. Tôi vẫn nhớ câu chuyện vui mà Ngoại trưởng James A. Baker III kể cho các phóng viên tháp tùng ông ta, câu chuyện ông ta nghe lại từ Chủ tịch Liên xô, ông Mihail Gorbachev. Gorbachev muốn giải thích cho Baker về những khó khăn tâm lý mà nước Nga gặp phải, trong chặng đường quá độ sang chủ nghĩa tư bản: Một nông dân Nga tìm thấy một cây đèn bên đường. Ông ta xoa lên cây đèn. Một vị thần hiện ra và nói sẽ thực hiện bất cứ điều gì người nông dân ước ao.

Người này nói: “Ông biết không, tôi chỉ có ba con bò, trong khi Igor, anh hàng xóm có tới 10 con”.

“Vậy có phải nay ông muốn có 20 con bò?”. Vị thần hỏi lại

“Không”, người nông dân trả lời, “tôi muốn ông giết đi bảy con bò của thằng cha Igor!”

Trong hệ thống Chiến tranh Lạnh có một sự ngăn cách giữa hai nền kinh tế – tư bản và cộng sản chủ nghĩa, với chút ít các mô hình ghép đứng giữa. Giờ đây, khi mọi quốc gia đều dùng chung một mô hình thì sự phân biệt lớn là ở chỗ: một bên là các nền dân chủ thị trường tự do, và bên kia là nền vòi tiền thị trường tự do. Những quốc gia đã thiết lập những hệ điều hành và phần mềm cơ bản sẽ đi theo hướng dân chủ. Những quốc gia không có khả năng hay không sẵn sàng cài đặt các hệ điều hành và phần mềm thích hợp sẽ trở thành môi trường của nạn tham nhũng và vòi tiền, nơi đó nhà nước bị một lũ thượng lưu cấu kết với giới tội phạm để cướp bóc – chúng không đoái hoài gì tới pháp quyền.

Xin đón chào cuộc đấu giữa những người dân chủ chống lại những kẻ vòi tiền cùng trong một thị trường tự do.

Vì trong chúng ta ai cũng đã quen thuộc với đặc điểm của những nền dân chủ hoàn hảo nhất, tôi xin minh họa sau đây những đặc tính của thể chế vòi tiền tồi tệ nhất. Rồi bạn có thể lấy đó làm thước đo để đánh giá các quốc gia.

Hình mẫu vòi tiền xấu xa nhất trong bối cảnh thị trường tự do mà tôi được thấy đó là Albania trong những năm 90. Suốt 50 năm trong thời Chiến tranh Lạnh, Albania là

một trong những nước cộng sản bị cô lập nhất, họ đã áp dụng mô hình chủ nghĩa Mao và thân Trung Quốc. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chế độ cộng sản Albania cũng ra đi vào năm 1991. Sau các cuộc bầu cử sơ sài, một chính phủ theo lối dân chủ được thiết lập ở Thủ đô Tirana. Người Albania đã cho rằng: rồi thì chúng ta cũng có được cái điều như của người khác: một mô hình thị trường tự do. Khốn thay đó là điều duy nhất họ đạt được: ở Albania chỉ có mô hình, không có cả hệ điều hành lẫn các phần mềm.

Sang Tirana năm 1998, tôi được nghe Fatos Lubonja, 47 tuổi, người Albania, ký giả kiêm biên tập viên của tạp chí Endeavor đã miêu tả cuộc sống trong một xã hội vòi tiền như Albania. “Sau chủ nghĩa cộng sản”, anh ta nói, “chúng tôi đạt được quyền bình đẳng tuyệt đối. Chúng tôi cùng quay trở lại số không. Chẳng ai có tài sản hay quan hệ gì. Sau đó một hệ thống trật tự mới được hình thành. Về cơ bản, người ta coi chính trị là một thứ thương vụ, vì nếu là một nhà chính trị, người ta có thể mở cửa hay đóng cửa tùy ý (đón hoặc đuổi ai cũng được). Bạn có thể đóng dấu hay không đóng thì tùy bạn. Thị trường tự do khiến ai làm gì cũng được. Vì thế những kẻ liều lĩnh bắt đầu hoành hành, những tên tội phạm cảm thấy cần đến các chính trị gia và ngược lại các chính trị gia cảm thấy cần có tiền để giữ chức. Dân chúng không hiểu gì cả. Dân chúng không được giáo dục về hoạt động của chính phủ. Họ không biết rằng nếu không có các phần mềm [các hệ thống luật pháp và quy tắc], thì Albania sẽ trở thành một khu rừng rậm. Và dân chúng bắt đầu chịu đựng đau khổ, nhiều người bị các băng đảng bắt cóc, nhiều người bỏ trốn qua biên giới. Sau đó dân chúng nhận thấy ngoài một nền kinh tế phi pháp ra, Albania chẳng còn gì để cạnh tranh trên trường quốc tế. Rồi chúng tôi, người Albania đã sinh ra một thứ tư sản tội phạm. Chúng không nộp thuế. Chúng không chịu trách nhiệm về sinh hoạt xã hội của dân chúng hay về hạ tầng cơ sở. Chúng bóc lột và cướp bóc. Nếu bạn không cạnh tranh được về một loại linh kiện máy tính thì bạn sẽ phải cạnh tranh về mức độ băng đảng. Trong sự nghiệp xây dựng một nền dân chủ trên cơ sở thị trường tự do, thì chúng tôi đang đứng ở số 0. Năm năm đầu tiên là năm năm rũ bỏ mô hình kinh tế của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thay vì xây dựng một thị trường tự do cho phép phát huy sáng kiến và khuyến khích người ta mạo hiểm, chúng tôi đã xây dựng một nền kinh tế tội phạm gắn với các thủ đoạn buôn bán theo hình tháp. Dân chúng đã đổ tiền vào các chi nhánh của những cấu trúc bán hàng hình tháp. Và thay vì chăm lo đầu tư, thì họ chỉ ngồi đó uống cà phê và đợi nhận tiền, điều mà các ông chủ bán hàng hình tháp hứa hẹn. Điều đó gợi lại cho tôi cái cảnh chờ đợi viện trợ từ Trung Quốc, rồi ăn bám vào viện trợ [trong thời Chiến tranh Lạnh]. Đó không phải là kinh tế thực sự, chẳng rõ nó là cái gì cả.”

Quả thực, ở Albania, thay vì một hệ thống ngân hàng, chính phủ đã chấp nhận, và

ở một mức độ, đã dung túng các thủ đoạn lấy của người trước trả cho người sau – một trong những hình thức lừa đảo cổ điển nhất. Thủ đoạn này lan tràn ở Albania trầm

trọng đến mức một tổ chức trâng tráo nhất đã tài trợ cho một đội đua xe hơi của nước Ý, cứ như họ là hãng tín dụng MasterCard International vậy. Cách hoạt động điển hình của chúng là như thế này: một người đến gặp dân chúng và nói với họ hãy nộp tiền vào một thứ “qũy” thì sẽ được hưởng 20, 30, thậm chí 50 phần trăm lãi trong vòng sáu tháng. Ngoại trừ một số nhỏ, còn phần lớn các quỹ lừa đảo này không đầu tư vào đâu để trả mức lãi cao như vậy, chúng thường dựa vào phương pháp vay của người mới để trả lãi cho người cũ – đồng thời chiết khấu, găm tiền vào túi các vị quản trị của qũy. Mọi sự tốt đẹp cho tới khi chúng không tìm ra thêm được khách hàng nào mới.

“Các vụ lừa đảo này bắt đầu từ những hoạt động hùn vốn để mua các đường tiếp khí đốt, bán lậu với giá cáo vào các nước lân cận như Montenegro và Serbia, lúc đó đang bị trừng phạt quốc tế trong cuộc chiến Balkan”, Carlos Elbirt, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Tirana giải thích cho tôi. “Nhưng sau khi lệnh trừng phạt được tháo gỡ thì không còn bất cứ thương vụ nào đứng đằng sau các qũy lừa đảo, nên họ chỉ còn cách vay tiền mới để trả các khoản cũ. Khi những người trong qũy tuyệt vọng, không còn cách nào để kiếm tiền mới thì họ nâng mức lãi lên tới 50 phần trăm. Tôi khó có thể giải thích thậm chí cho các nhân viên người Albania của tôi rằng chắc chắn các qũy sẽ đổ bể. Các vị đó gật gù khi tôi giải thích, nhưng sau đó lại đem đổ tiền vào một qũy nào đó. Họ thấy ngon quá, ai cũng đâm đầu vào. Nó như một cơn sốt vậy. Người ta bán nhà để lấy tiền đóng vào qũy, sau hai hay ba tháng, họ lấy lại được tiền, chuộc lại nhà cũ và mua thêm một chỗ mới. IMF và Ngân hàng Trung ương đã cảnh báo Chính phủ Albania: “Tiền không phải là thứ mọc trên cây”, nhưng Chính phủ đã không vào can thiệp”.

Lý do cũng vì trong chính phủ không có mấy ai hiểu biết hơn về điều này, thêm nữa chính nhiều viên chức của chính phủ cũng bị cuốn hút vào cơn sốt qũy lừa đảo. “Nếu tôi đến thăm một đại sứ nhân dịp Quốc khánh của đất nước ông ta, tôi có thể gặp một trong những chủ nhân của các quỹ cũng đến đó”, Elbirt nói. “Họ đã được chấp nhận và dung túng hoàn toàn, chính vì thế, dân chúng bị cuốn hút đến với họ”.

Rồi thì điều hiển nhiên cũng đã xảy ra, những loại qũy vay tiền hình tháp ở Albania đã sụp đổ vào năm 1997, dẫn tới sự hỗn loạn toàn cục; dân chúng Albania giận dữ cướp phá tài sản của đất nước để thu lại tiền của họ. Elbirt và các nhà ngoại giao nước ngoài đã di tản vì lý do an ninh. Họ đi trong đoàn xe của người Anh từ Tirana đến cảng Durres. Từ cảng này, đáng lẽ họ được trực thăng đến đón, nhưng thậm chí trực thăng cũng không đỗ xuống được do ở dưới đất súng bắn nhiều quá. Và đoàn xe đi tiếp đến một nơi khác thuộc khu vực cảng, nơi người Ý kiểm soát. Các nhà ngoại giao khi đi đều có lái xe đi theo, những tài xế đậu xe ở cảng, chờ để lái xe về thủ đô. Nhưng trong cơn hỗn loạn, một nhóm trộm cướp say xỉn người Albania đã vào cảng để cướp xe. Elbirt kể rằng nguy hiểm nhất là khi một tên cướp tiến đến, rút ra “một khẩu súng to, to lắm”, và đòi cho được chìa khóa xe của một người di tản rồi lên

xe nổ máy chạy thẳng – tất cả diễn ra trong chưa tới một phút. Mười phút sau, tên cướp quay lại đòi nạn nhân phải đưa toàn bộ giấy tờ xe. Cứ như thể tên cướp đã nghĩ sẽ có lúc trong trường hợp Albania có một hệ thống pháp luật thì hắn sẽ có giấy tờ xe để sử dụng.

Elbirt kể lại: “Hắn rất lịch sự, khi cướp xong xe, thì dường như quay ra muốn tiến hành một vụ mua bán chính thức”.

Câu chuyện Albania những năm 90 là một ví dụ cực đoan nhằm minh họa một điều giản đơn: Những ai dự đoán hay lo lắng rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và biên giới khai thông, nhà nước và pháp luật không còn mấy quan trọng – thì họ nhầm to. Nếu cứ khăng khăng nghĩ như vậy thì thật nhảm nhí. Vì trong thời toàn cầu hóa với biên giới khai thông, vai trò của Nhà nước trở nên quan trọng hơn nhiều, chứ không giảm đi. Tôi xin nhắc lại: TRONG THỜI TOÀN CẦU HÓA, VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC QUAN TRỌNG HƠN NHIỀU, CHỨ KHÔNG GIẢM ĐI. Vì chất lượng của Nhà nước trong thời kỳ này phản ánh chất lượng các loại phần mềm và hệ điều hành ở đất nước của bạn, trong việc ứng xử với Bầy Thú Điện Tử. Khả năng của một nền kinh tế đối phó với những thăng trầm trong hành vi của bầy thú, tùy thuộc phần nhiều vào hệ thống luật pháp, tài chính và quản lý kinh tế – tất cả vẫn nằm trong tay Chính phủ và các nhà quản lý hành chính công. Chi Lê, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, đều tồn tại sau cuộc khủng hoảng tài chính trong những năm 90 một cách hữu hiệu hơn và toàn vẹn hơn so với các láng giềng của họ, là do ở những nước này, Nhà nước và Chính phủ có những hệ điều hành và phần mềm tốt hơn.

Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai hồi đầu năm 1998, sau khi đất nước của ông bị cuộc khủng hoảng Á châu tàn phá đã nói: “Nếu muốn trở thành một phần của thị trường toàn cầu ngày nay, thì bạn cần phải có khả năng tốt hơn để tự bảo vệ trước những xung động của thị trường toàn cầu… Một trong những bài học mà cuộc khủng hoảng đã dạy cho chúng tôi là nhiều thể chế và hệ thống quản lý của chúng tôi đã không được chuẩn bị để thích ứng với thời đại mới. Nay chúng tôi phải cố thích nghi với những tiêu chuẩn quốc tế. Cả xã hội Thái Lan mong chờ điều đó. Họ muốn được thấy một Chính phủ có năng lực và mức độ minh bạch cao hơn”.

Nhà nước trở nên quan trọng hơn, điều đó đã rõ, nhưng điều khác biệt giờ đây là định nghĩa – thế nào là Nhà nước. Trong Chiến tranh Lạnh, kích thước của Nhà nước là tất cả. Bạn cần có một Nhà nước hùng mạnh để đối trọng lẫn nhau, xây những bức tường bảo vệ ở xung quanh đất nước và duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội để mua đứt những người lao động của bạn, tránh khả năng họ đi về phía bên kia. Trong toàn cầu hóa, chất lượng của nhà nước là điều quan trọng nhất. Bạn cần có một bộ máy Nhà nước có kích thước nhỏ hơn, vì bạn cần thị trường, chứ không phải một thứ chính phủ trì trệ và béo múp míp, đứng ra điều tiết và cung ứng vốn. Bạn cần một bộ máy nhà nước năng động, thông minh và chất lượng hơn, trong đó bộ máy hành chính

có khả năng quản lý về luật pháp một thị trường tự do, thay vì thả lỏng cho thị trường hoành hành. Thách thức đối với các chính phủ ngày nay là làm sao tăng chất lượng bộ máy nhà nước, đồng thời giảm biên chế trong bộ máy này, tránh cồng kềnh. Một trong những lợi thế quan trọng mà một đất nước muốn có trong thời buổi ngày nay là xây dừng một nền hành chính công tinh gọn, hiệu quả cao và trung thực.

Chính vì thế mà vấn đề lớn của nhiều nước với những nền kinh tế quốc doanh, là, một khi giảm thiểu kích thước của bộ máy chính phủ (bằng cách giải phóng, thả nổi và tư nhân hóa các ngành công nghiệp quốc doanh), họ cần phải tăng chất lượng của bộ máy đó. Bộ máy nhà nước nếu nhỏ mà không hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm. Bạn cần phải duy trì một sự cân bằng. Bạn cần có bộ máy nhà nước mạnh đủ để duy trì một sân chơi công bằng, đảm bảo cho những nhà đầu tư và sản xuất giỏi thắng cuộc trong kinh tế – chứ không phải là thứ nhà nước hùng mạnh nhưng can thiệp sâu vào kinh tế rồi tự quyết kẻ thắng người thua, hoặc bảo hộ cho kẻ thua trước sức cạnh tranh của người này người khác. Nếu thị trường nội địa chỉ gồm toàn những đèn đỏ và lối nhỏ, không có xa lộ, thì trì trệ sẽ xảy ra. Nhưng nếu thị trường đó chỉ toàn đường cao tốc mà không có đèn giao thông, thì hỗn loạn sẽ đến. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sơ sinh ở Nga và Albania sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, không thấy có đèn giao thông và con đường nào cũng thành xa lộ, thiếu kiểm soát. Nước Nga kết nối với Bầy Thú Điện Tử mà hầu như không có bất cứ hệ điều hành hoặc phần mềm nào cả. Hậu quả là dân Nga đã tận dụng những lợi thế của thị trường tự do – thu hút đầu tư nước ngoài, bán cổ phần và trái phiếu, mượn tiền từ quốc tế – mà không bị kiểm soát và đánh thuế cho đúng mực, cũng như không tăng cường được thu nhập đủ để thanh toán cho các khoản vay mượn. Và khi bầy thú nhận thấy nước Nga chẳng qua chỉ có cái vỏ phần cứng thị trường tự do mà không có hệ điều hành và các phần mềm thích ứng, chúng đã lồng lên và dẫm nát cái khung ọp ẹp của nền kinh tế nước này.

Ba Lan thời hậu Xô Viết cho thấy một nền kinh tế già cỗi, nhưng khi được cải tổ đã hồi sinh, vì các nhà đầu tư tìm thấy ở đó một sân chơi công bằng, nơi mà những công ty làm ăn hiệu quả sẽ thắng cuộc. “Tại Nga, bạn kiếm ra tiền không phải vì bạn làm ăn tốt, hay làm ăn đúng luật”, Bill Lewis, người đứng đầu Công ty Tư vấn McKinsey, nghiên cứu về kinh tế Nga cho biết, “bạn kiếm ra tiền vì bạn có người bảo vệ, được hưởng ưu đãi về thuế và được bao cấp”.

Những gì xảy ra ở Đông Nam Á cũng cho thấy một phiên bản khác của hiện tượng toàn cầu hóa sơ khai. Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia không giống như nước Nga. Họ vốn dĩ đã có những biến tướng sơ đẳng của phần cứng, của cái vỏ thị trường tự do. Và họ đã có những hệ điều hành đời trước – từ DOScapital 3.0 đến 4.0. Những hệ điều hành cũ – khi kết hợp với tiền đầu tư nội địa, cùng mức tín dụng được chính phủ hỗ trợ, nguồn tài nguyên dồi dào và lực lượng lao động cần mẫn – đã có kết quả tốt và tăng bình quân thu nhập trên đầu người từ 500 đô-la lên tới 5.000 đôla.

Ai cũng biết, khi sắm một chiếc máy tính đầu tiên thì hệ điều hành nào cũng được và năng suất bao giờ cũng cao hơn là cái thời đánh máy chữ. Nhưng rồi những hệ điều hành cũ ở các nước kể trên đã chạy chậm dần và nhiễm căn bệnh tư bản bè phái. Tại Indonesia chẳng hạn, Bộ Tài chính đã đứng ra quản lý gần hết các ngân hàng quốc doanh.

“Khi các nhà chính trị, người nhà của Tổng thống hay những viên chức Bộ Tài chính đứng ra can thiệp, thì các ngân hàng cảm thấy họ bị buộc phải gia hạn tín dụng cho những dự án họ thấy không có lãi; và chính họ đã dấu nhẹm về những trục trặc trong thanh toán,” Shiraishi Takashi, một chuyên gia tài chính Đông Nam Á, thuộc Đại học Kyoto nhận xét, “Các ngân hàng tư nhân cũng phải chịu nợ xấu tồn đọng. Chức năng của họ là phục vụ những nhóm thương nhân đã sáng lập ra họ, và khi một thành viên của những nhóm này gặp khó khăn, thì những ngân hàng tư nhân đã ra tay giúp đỡ bằng những khoản tín dụng nước ngoài, có mức lãi suất cao”.

Khi Bầy Thú Điện Tử tăng tốc trong những năm 90, được tiếp sức khi tốc độ máy tính tăng từ 286 lên tới loại Pentium II, chúng đã mang tới Đông Nam Á nhiều tiền hơn. Các ngân hàng địa phương, phần nhiều không chịu sự kiểm soát bắt đầu mua vào quá nhiều tiền đô-la, đổi chúng thành nội tệ với giá cố định, không chịu đầu cơ đô-la, rồi dùng tiền đó cho bè bạn thân hữu vay mượn để đầu tư vào những khu vực thiếu khả năng sinh lời – từ một sân gôn tới hàng loạt sân gôn, đến những cao ốc văn phòng cao nhất thế giới đến việc bành trướng các tổ hợp công nghiệp khổng lồ ở Hàn Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á cần phải nâng cấp hệ điều hành của họ lên tới hay gần tới phiên bản 6.0. Họ cần những hệ điều hành được giải phóng để giảm vai trò của chính phủ, cho phép thị trường điều tiết các nguồn tài nguyên vào những nơi có năng suất cao, khuyến khích cạnh tranh nội địa và thông qua luật phá sản, thải đi những kẻ làm ăn tồi. Họ cần những phần mềm hữu hiệu và tinh vi để tăng năng lực quản lý, điều tiết cho nền kinh tế trở nên quay vòng nhanh và cởi mở hơn, đặt giám đốc công ty vào kỷ cương chặt chẽ, để cho họ chịu sự chỉ trích của các cổ đông, giúp họ có khả năng chống chọi trong trường hợp vốn nước ngoài bị rút ra. Chỉ ném tiền và nhân lực vào một ngành công nghiệp không thôi thì không thể đảm bảo duy trì tăng trưởng cao nữa.

Tiếc thay dân Đông Á vẫn còn lưu luyến với hệ điều hành 3.0. Sai lầm to lớn. DOScapital 3.0 chỉ thích hợp cho việc tăng thu nhập lên tới mức 5.000 đô-la, khi bầy thú chỉ di chuyển với tốc độ máy tính đời 286. Khi họ muốn tăng thu nhập lên tới 15.000 đô-la, bầy thú tăng tốc lên Pentium II, thì hệ điều hành 3.0 trở nên tắc nghẽn. Có bao giờ bạn thấy một máy Pentium II, nhưng lại khởi động bằng hệ điều hành lỗi thời trên DOS và chạy một phần mềm trong môi trường Windows? Bạn sẽ thấy một dòng thông điệp trên màn hình “Bạn đang thực hiện một hành vi phi pháp” hay “Hết bộ nhớ” hay “Không thể lưu”. Nói nôm na, đó tương tự những gì diễn ra ở Đông Á

trong thời gian 1997-98, mà thông điệp trong trường hợp đó nói: “Bạn đang thực hiện một loạt các hành vi đầu tư sai lầm. Không thể cứu vãn. Hãy xóa bỏ các khu vực làm ăn thiếu hiệu quả. Liên hệ với cơ sở bảo hành. Tiếp nhận và cài đặt các hệ điều hành và phần mềm đời mới”. Đó chính là những điều các nước Á châu kể trên đã và đang thực hiện kể từ ngày đó.

Những gì diễn ra ở Đông Nam Á ngày nay tương tự như sự hình thành các cấu hình bên ngoài của các hệ thống tài chính phương Tây, trong nhiều trường hợp đó là sự học vẹt. Họ thiếu một yếu tố nội tại – thành phần chủ chốt của một hệ điều hành. Đó là cảm giác và tri thức cơ bản về cách thức những thị trường tự do và cùng với nó

– một xã hội dựa trên thị trường tự do – hoạt động ra sao. Những xã hội và thị trường tự do không hoạt động theo ý muốn của bất cứ cá nhân hay nhóm cá nhân nào – mà theo quy luật giá trị chỉ thuộc về thị trường tự do. Những tập đoàn kinh doanh Hàn Quốc, gọi là chaebol, trước đây đáng lẽ sẽ không tài nào tạo ra các tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu khổng lồ, nếu họ không có những quan hệ thân quen với các quan chức chính phủ, những người cũng muốn tham gia chấm mút tí chút. Những khoản tín dụng lớn đã giúp chaebol lớn mạnh nhanh chóng, nhưng rồi sau đó, đã gục ngã.

Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hong Koo kể cho tôi rằng phải mất nhiều năm thì chính phủ của ông ta mới hiểu ra điều đó: “Năm 1995, tôi là Thủ tướng khi Hàn Quốc được gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và thu nhập bình quân đầu người là 10.000 đô-la hàng năm, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đến đích. Chúng tôi cho rằng chúng tôi đã tốt nghiệp phổ thông hạng ưu và trở thành sinh viên đại học. Nhưng những chuẩn mực cần có ở một giai đoạn khi lên giai đoạn tiếp thì phải khác đi. Chúng tôi đã không nhận thức được bộ máy quan liêu cồng kềnh mà chúng tôi đã rất tự hào, thay vì là một động lực tích cực đã trở thành chướng ngại to lớn. Chúng tôi đã sống với một công thức: sản xuất hàng loạt cộng xuất khẩu bằng tăng trưởng và thành công. Chúng tôi đã học được rằng điều này là sai lầm trong cuộc khủng hoảng những năm 90, nhưng học phí phải trả cao quá. Chúng tôi nhận thấy tư bản nay đang nắm quyền kiểm soát. Trong những năm 90 đã xuất hiện một trào lưu toàn cầu hóa các nguồn vốn, nhưng chúng tôi đã không sửa sang và chuẩn bị cho các thể chế chính phủ và nhà nước để ứng phó kịp thời với thị trường vốn toàn cầu. Chúng tôi không có đủ các cơ chế thích hợp để đối phó. Chúng tôi không có khả năng đề phòng. Chúng tôi đối xử với các ngân hàng như thể chúng là một tổ chức dịch vụ xã hội, một nhánh của chính phủ. Chúng tôi đã cho rằng tiền không phải để làm ra tiền. Chúng tôi chỉ nghĩ tiền sinh ra từ sản xuất và chức năng của ngân hàng là xúc tiến tăng trưởng, vậy ngân hàng chỉ là một phần của bộ máy quan liêu của nhà nước. Chúng tôi đã không hiểu rằng ngân hàng và sự chuyển dịch vốn chính là trái tim của nền kinh tế thời mới, và chúng cần phải được cải tổ.”

Kinh tế gia của Đại học Havard Dani Rodrik đã chứng minh trong nghiên cứu của

ông ta rằng “vấn đề quan trọng không phải là toàn cầu hóa hay không mà toàn cầu hóa như thế nào.” Các nước đã xây dựng cho mình các hạ tầng tài chính và luật pháp chi tiết, trung thực và đáng tin cậy đã đạt những vị thế vững vàng để có khả năng phòng thủ trước sức tấn công của nạn đầu cơ tiền tệ, phá hoại đồng nội tệ của họ. Họ có thể đứng vững khi phải đối phó với việc bầy thú gấp gáp rút vốn. Họ có khả năng nhanh chóng hàn gắn các vết thương và chấn động kinh tế do việc rút vốn gây ra. Nhưng cũng có một số ngoại lệ. Một đất nước có hệ điều hành và phần mềm đúng đắn cũng có thể gặp khó khăn – trường hợp Thụy Điển hồi năm 1992 hay Hoa Kỳ khi gặp phải những trục trặc về đầu tư và các khoản vay trong nước chẳng hạn. Nhưng cả Thụy Điển lẫn Hoa Kỳ đều đã phục hồi nhanh chóng nhờ có những hệ điều hành và phần mềm chất lượng cao. Alan Greenspan trong nhiều phát biểu của ông đã nói rằng những quốc gia có hệ điều hành và phần mềm tiên tiến “thường có khả năng chống lại những cuộc tấn công của giới đầu cơ tiền tệ vì những hệ thống tài chính của họ được xây dựng chắc chắn nhưng uyển chuyển để đối phó với những cơn rút vốn nhanh chóng và quy mô lớn, và thông qua các chính sách hữu hiệu, tổ chức được những cuộc phản công.”

Với những lý do kể trên hiện đang xuất hiện những nhận thức mới trong hàng ngũ lãnh đạo các nước đang phát triển, cho rằng điều họ cần hiện nay không đơn thuần là những thị trường mới nổi, mà phải thêm “một xã hội mới (nổi)”, theo lối nói của Đại sứ Mỹ tại Hungary Donald Blinken. Không thể tư nhân hóa một nền kinh tế trong một khoảng trống quyền lực chính phủ và xã hội. “Nếu đặt thị trường lên trên xã hội”, Blinken nói, “thì chắc chắn sẽ dẫn đên sai lầm và thất vọng”.

Vì thế điều thiết yếu là cả các nhà đầu tư lẫn các chính trị gia phải mở rộng tầm nhìn trong cách họ định nghĩa thế nào là một thị trường mới nổi, bằng cách xem xét các yếu tố thiết lập nên một xã hội mới. Hồi tưởng lại, sai lầm lớn nhất mà thế giới gây cho nước Nga, khi nó thế chỗ Liên Xô, là đã cho rằng việc Nga quá độ sang hệ thống toàn cầu chỉ mang đặc tính “tài chính”, và đã để cho duy nhất IMF đứng ra giúp đỡ – cải tổ chỉ gói trọn trong việc cho phép thị trường tự do quyết định các mức giá cả của hàng hóa và nhiều lĩnh vực khác.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfensohn đã đề nghị phải điều chỉnh các phương pháp đánh giá các quốc gia, từ mức chỉ chú trọng vào các thông số tài chính – GDP, GNP, thu nhập bình quân đầu người – sang việc “thiết lập một công thức kế toán mới” đo đếm tiềm lực của một đất nước thông qua tiềm lực và khả năng của xã hội trong đất nước đó. Các nước cần được xếp hạng thông qua các tiêu chuẩn chất lượng quản lý, hệ thống tư pháp, thủ tục giải quyết khiếu kiện, mạng lưới phúc lợi xã hội, pháp quyền và các hệ thống quản lý kinh tế.

Cái gọi là những cuộc cải cách “thế hệ thứ hai” để hình thành một xã hội mới, đòi hỏi mức độ kiên nhẫn và tính cần cù cao. “Thời trước”, một viên chức Ngân hàng Thế

giới nói với tôi, “bạn đến một đất nước đang phát triển, vào gặp thống đốc ngân hàng trung ương của họ và đưa ra một lời khuyên đơn giản: “đừng có in nhiều tiền đến thế”. Sau đó sang gặp bộ trưởng tài chính và nói, “đừng có gây thâm hụt ngân sách đến thế, để ngân hàng có thể ngưng in ấn tiền mặt”. Nói cách khác, bạn chỉ cần đến gặp hai người, đưa ra hai lời khuyên. Ngày nay, chúng tôi hiểu là cần phải làm hơn như vậy.” Để thực hiện những cải tổ thế hệ hai – đưa một đất nước từ chỗ là một thị trường mới sang thành một xã hội mới – bạn cần sự đóng góp của nhiều nhân tố, và cần sự đồng thuận rộng rãi hơn nhiều về mặt chính trị.

Nhìn nước Mỹ, người ta đã nhận xét rằng đó là một cỗ máy do các thiên tài thiết kế để thậm chí những kẻ ngu ngốc cũng có thể điều hành. Điều ngày nay các nước đang phát triển cần Mỹ giúp đỡ không phải là viện trợ. Mà là kiến thức, để hiểu về nguồn gốc thực sự của sự thịnh vượng của Mỹ: sự kết hợp giữa một hệ điều hành đúng đắn – các thị trường tự do – cộng với các loại phần mềm thích hợp, cơ cấu và sự đồng thuận chính trị đặng có thể bảo vệ tài sản và sáng tạo, đảm bảo một sân chơi công bằng trong đó những kẻ làm ăn có lãi thường sẽ thắng cuộc, và thiết lập những hệ thống an sinh xã hội để hứng đỡ và giúp những người phải chịu thua thiệt.

Trong khi có nhiều loại kiến trúc sư phương Tây bàn bạc về việc thiết lập một ngân hàng toàn cầu và những định chế quản lý toàn cầu để kiểm soát Bầy Thú Điện Tử, thì lãnh đạo các nước đang phát triển đang dần hiểu ra rằng những thứ đó sẽ không giúp gì cho họ nếu họ không có được các chính quyền địa phương chất lượng cao. Họ sẽ bất lực nếu không có luật ngân hàng và nền lập pháp để xây dựng luật, các nhà hành pháp và cơ cấu pháp chế để thực thi luật và các tòa án để xử án cho đúng luật. Họ cần phải chú trọng để tự mình xây dựng các nền móng đó chứ không chỉ ngồi chờ giải pháp từ một thứ chính quyền toàn cầu. Trong khi các nhà thông thái ở phương Tây chưa kịp nhận ra, thì các quốc gia, vốn trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 90, đã nhận thức sâu sắc về điều này.

“Nhiều tiếng nói, nhiều tiếng hô lớn, vang lên, cho rằng hội nhập đã diễn ra quá nhanh và quá mức – đặc biệt trên các thị trường tài chính”, Tổng thống Mexico Ernesto Zedillo nói với tôi hồi mùa đông 1997. “Không. Tôi thì tôi tin vào điều ngược lại. Toàn cầu hóa mang đến những thách thức mới nhưng cũng cho chúng ta nhiều cơ hội tốt đẹp. Việc tư bản di chuyển nhanh có thể gây hiểm họa, nhưng bằng vào đó mà nói rằng chúng ta cần kiểm soát chúng, thì thật hoàn toàn sai lầm”. Tất nhiên, ông ta nói, chúng ta cần một IMF mạnh để cứu giúp trong nhưng cơn nguy cấp và báo động về những lệch lạc ở các quốc gia hay ở các công ty. Nhưng rốt cuộc, Tổng thống Zedillo nói, “những khoản tài chính lớn sẽ được rót vào một hệ thống tài chính nội địa, hoặc trở thành nguồn hỗ trợ các ngân hàng nội địa”. Vậy điều kiện tiên quyết, ông nói thêm, là bạn có tổ chức được những bộ máy chính trị và tài chính để điều hành toàn bộ các khâu hoạt động đó hay không.

Trong Chiến tranh Lạnh các quốc gia không quan tâm nhiều đến đặc tính của các hệ điều hành hay của các phần mềm mà hàng xóm của họ sử dụng, vì giữa họ với nhau đã không thấy nhiều mức độ hội nhập. Ngày nay trong toàn cầu hóa Bầy Thú Điện Tử có thể nhanh chóng hơn nhiều trong việc lan truyền bất ổn và ảnh hưởng xấu từ nước này sang nước khác. Học thuyết Domino ngày nay được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính là chủ yếu, thay vì chính trị.

Chính vì thế người ta có chút lo lắng khi nghe về “sự phục hồi” của những nền kinh tế Á châu sau giai đoạn 1997-98. Phục hồi không phải do những nước đó đã tiến hành cải cách để nâng cấp hệ điều hành của họ từ DOScapital 1.0 lên 6.0. Trong nhiều trường hợp, do những đồng nội tệ của những nước này đã trở nên có giá trị rẻ mạt khiến họ hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ, một thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt các mặt hàng điện tử và máy tính, từ Đông Á.

Tạp chí phố Wall (số ngày 28/10/1999) đã đăng bài về Rini Soewandi, người Indonesia, được bổ nhiệm đứng đầu hãng lắp ráp xe hơi Astra International – một công ty suýt bị xóa sổ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế Á châu. Người phụ nữ này đã nêu rõ những nhận thức trong giới kinh doanh Á châu về những cải tổ cần có để phát triển, nhưng cũng nói rõ về những khó khăn khi thực hiện những cải tổ đó.

“Tôi là người theo trường phái Hoa Kỳ trong kinh doanh, nhưng trong thâm tâm, tôi là một người Java”, cô Soewandi, 41 tuổi, cho biết. Bài báo của tờ tạp chí nói tiếp: “Cô Soewandi đang thực hiện một bước nhảy vọt, cố gắng cải tổ tận cốt lõi hoạt động kinh doanh của hãng Astra, một trong những công ty lớn nhất và lâu đời nhất ở Đông Nam Á. Cô muốn biến công ty này từ chỗ là một tập đoàn theo lối câu lạc bộ trở thành những tập đoàn kinh doanh theo lối Mỹ có cổ phần phát hành công cộng…

Cuộc cải tổ Astra đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc tranh đấu mới ở Đông Nam Á thời sau khủng hoảng. Sau khủng hoảng, nhiều công ty ở vùng này đã mở mắt và cố gắng giải đáp bài toán: làm thế nào để tồn tại lâu dài trong một thị trường mới mẻ. Nhiều công ty đã làm ngơ trước bài toán này, họ cho rằng sự phục hồi sau khủng hoảng đối với họ thế là đủ. Nhưng Astra đã đứng ra đương đầu với bài toán đó và tiến hành cải cách tư duy kinh doanh – chuyển từ tình trạng hoang phí sang thực thi nguyên tắc minh bạch, từ cơ cấu tập đoàn khoe mẽ sang thành một thực thể năng động, tận dụng các cơ hội trên thị trường. “Chúng tôi phải chạy đua với thời gian”, cô Soewandi nói, “chúng tôi phải làm hai việc lớn trong cùng một lúc – tồn tại sau khủng hoảng và sáng tạo một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới để hướng đến tương lai. Đối với một công ty thì làm một việc cũng đã là khó, huống gì cả hai”.

Trong khi thế giới rõ ràng mong muốn được thấy các đối tác Á châu của họ quản lý môi trường kinh tế nội địa, thì Hoa Kỳ và các nước khác ngày càng có ít đi khả năng đứng ra giúp đỡ họ trong việc xây dựng các phần mềm thích ứng. Á châu phải tự gánh vác công việc của họ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ thường qua lại các nước bằng máy

bay như con thoi, nhưng để xây dựng các phần mềm trong đất nước của bạn, thì bạn phải chay đi chạy lại như con thoi, đôn đáo, trên một chiếc xe tắc xi – chạy từ Bộ Tư pháp sang thị trường chứng khoán, sang Bộ Thương mại rồi đến trụ sở của các công ty. Đó là những nhiệm vụ nhỏ, liên quan đến từng chi tiết của nền chính trị hoặc ngoại giao của mỗi đất nước mà có lẽ các nhà ngoại giao ở đó xưa nay chưa từng làm.

Cung cách thực hiện cải cách sẽ ra sao? Trong điều kiện hoàn hảo thì mỗi một xã hội cần phải tự xây dựng và vận hàng các cơ chế phần mềm trước đã, trước khi kết nối với Bầy Thú Điện Tử. Nhưng đó chỉ là điều trong mơ. Quá trình kết nối ngày nay mang tính hỗn loạn hơn nhiều –hai bước tiến rồi một bước lùi. Chúng ta đều biết rằng đó là một quá trình trong đó các nước như Nga, Brazil hay Thái Lan, kết nối chút ít với bầy thú, rồi hành hạ chúng một chút, rồi ngược lại, chịu bị chúng cấu xé, cả hai bên học một vài bài học, cùng cải tổ, lại móc nối, lại hành hạ, thiết lập một quá trình mới để tiến lên, với hy vọng cả hai bên ngày một khôn hơn. Đây sẽ là cả một quá trình tiếp thụ kiến thức kéo dài – có thể mất cả thời gian của một thế hệ như ở nước Nga – và quá trình này sẽ bao trùm toàn bộ các diễn biến trong các nền chính trị nội địa và các quan hệ quốc tế trong toàn cầu hóa.

Trong quá trình biện chứng đó, các siêu thị tài chính và Bầy Thú Điện Tử có thể nắm vài trò quan trọng hơn so với vai trò siêu cường của nước Mỹ trong việc thúc đẩy các cải cách chính trị. Thật lý tưởng nếu mỗi một phong trào dân chủ đều được một người hùng như Andrei Sakharov chỉ đạo. Cũng thật lý tưởng nếu mỗi một đất nước đều được một người như James Madison dẫn dắt tới một chế độ pháp quyền. Nhưng trong thực tế hiện nay, động cơ dẫn dắt công cuộc cải tổ có thể nằm trong tay các tổ chức tài chính như Merrill Lynch. Chương tiếp theo sẽ giải thích về điều này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.