Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu
Phần III: Chống đối toàn cầu hóa 15.Chống đối
Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hàng năm là một phong vũ biểu các vấn đề toàn cầu khá tốt. Tháng Hai mọi năm, những nhà toàn cầu hóa của thế giới họp mặt ở khu nghỉ dưỡng vùng núi của Thụy Sĩ để ăn mừng và bàn về toàn cầu hóa.
Tham gia diễn đàn là các nhà công nghiệp hàng đầu, lãnh đạo chính trị, kinh tế, công nghệ, khoa học gia và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đến từ khắp nơi trên thế giới.
Mỗi năm có một hay hai nhân vật đứng ra chủ trì. Có năm đó là vị sa hoàng về kinh tế của người Trung Hoa, ông Chu Dung Cơ; có năm là các ông Yasser Arafat, Yitzhak Rabin và Simon Peres; một năm khác là những nhà cải tổ người Nga; có năm là những lãnh đạo kinh tế Á châu bị thất bại tả tơi. Năm 1995, ngôi sao ở diễn đàn là nhà tài phiệt tỉ phú George Soros. Tôi biết điều đó khi được mời dự một cuộc họp báo, trong đó phóng viên các hãng truyền thông lớn trên khắp thế giới vây quanh bàn và phỏng vấn ông Soros, cứ như ông ta là tổng thống của một siêu cường vậy. Và dường như ông ta cũng nghĩ mình là như vậy. Phóng viên của Reuters, Bloomberg, AP-Dow Jones, The New York Times, The Washington Post, The Times của London và The Financial Times,… mọi người thi nhau chất vấn Soros xem ông đánh giá ra sao tình hình Mexico, Nga, Nhật Bản và những khuynh hướng kinh tế toàn cầu. Sau đó họ chạy ra khỏi phòng và dùng điện thoại gửi bài về tòa báo hay trụ sở của họ. Những đánh giá của Soros được đăng trên trang nhất của tờ International Herald Tribune và nhiều báo khác ngay ngày hôm sau.
Nhìn cảnh đó tôi cảm thấy mình đang chứng kiến một chuyển biến quan trọng. George Soros đại diện cho Bầy Thú Điện Tử. Ông ta là một con bò mộng đi đầu trong bầy thú. Có thể là con bò mộng duy nhất được đi đầu. Và đó cũng là lúc dân chúng nhận thấy rằng bầy thú đang thay thế cho Liên Xô, trở thành một siêu cường trong cái thế giới hai cực bây giờ. Chỉ vài năm trước đó, George Soros đã dạy một bài học kinh tế cho vị Thủ tướng Anh lúc đó là ông John Major. Major lúc đó cho rằng đồng bảng Anh đã được định giá một cách đúng đắn. Soros không nghĩ như vậy, và vào tháng 9/ 1992 Soros đã chỉ đạo bầy thú gây sức ép khiến cho giá trị của bảng Anh hạ xuống mức mà ông ta cho là “thích hợp.” Major đã chế giễu, dè bỉu rồi phản đối Soros, rồi đã phải giương cờ trắng đầu hàng và hạ giá trị của bảng Anh khoảng 12 phần trăm. Soros kiếm được một tỷ đô-la lợi nhuận sau hai tháng kiếm chác ở Anh. Vĩnh biệt Liên xô. Xin chào Bầy Thú Điện Tử.
Điều thú vị là một năm sau khi nhìn ông Soros trong cuộc họp báo đó, tôi đã quay lại Davos để xem ai sẽ là ngôi sao trong năm sau tại diễn đàn, năm 1996. Hôm đó tôi đang đứng trước một máy tính để đọc email thì thấy Soros đi qua. Điều làm tôi ngạc
nhiên là trong năm đó, không thấy ai quan tâm đến ông ta. Ông ta hoàn toàn cô đơn. Điều gì đã xảy ra sau một năm. Vì sao? Ai là ngôi sao ở Davos 1996? Không ai khác mà chính là Gennadi A. Zyuganov, người đứng đầu Đảng Cộng sản Nga!
Diễn đàn Davos là một diễn đàn mang tính chất tư bản. Vì sao một con khủng long của thời kỳ Chiến tranh Lạnh – Gennadi A. Zyuganov – lại đến và là nhân vật quan trọng nhất trong năm đó? Vì giới thượng lưu chính trị và kinh tế ở Davos năm đó hiểu rằng cái hiện tượng gây chấn động gọi là toàn cầu hóa nay đã khiến sản sinh ra một sự phản ứng mạnh mẽ không kém từ một vài nơi. Vào lúc dường như Zyuganov có thể đánh bại Boris Yeltsin để giành chức Tổng thống Nga, và những lực lượng chống đối đang chuẩn bị tiếm quyền trong một quốc gia rộng lớn. Vậy là các vị quản trị lớn đã đến Davos và muốn gặp Zyuganov – “con thú chống đối” – để xem ông ta có dự định gì đối với vấn đề tài sản tư nhân, ngân sách Nga và hối đoái giữa đồng rúp và đô-la. Dạo đó. tôi đã phỏng vấn Zyuganov và thấy là vào lúc đó ông ta quả thực không biết phải làm những gì về những vấn đề như thế. Dường như ông ta suốt ngày chỉ cố lảng tránh các lãnh đạo phương Tây. Cũng giống như những tầng lớp duy ý chí chống đối toàn cầu hóa, Zyuganov chỉ biết cách tỏ thái độ chứ không đưa ra được chương trình làm ăn nào đúng đắn; ông ta nói nhiều về vấn đề phân chia thu nhập, hơn là cung cách tăng cường thu thập.
Tuy nhiên từ ngày đó sự phản ứng chống đối nhằm vào toàn cầu hóa đã trở nên rõ ràng và tràn lan hơn. Rõ ràng là toàn cầu hóa đã cho phép nảy nở những sáng tạo về tài sản và công nghệ chưa từng có. Nhưng những sáng tạo đó, như đã phân tích trong những chương sách trước, đã thay đổi cung cách làm ăn truyền thống, các cơ cấu xã hội, văn hóa và môi trường – và đã khiến sinh ra một sự phản ứng dữ dội – một hiện thân rõ ràng và lớn tiếng của nó xuất hiện tại cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Seattle vào cuối 1999. Điều này không lấy gì làm lạ. Thị trường thường mang lại cả vốn liếng lẫn sự hỗn loạn; thị trường càng trở nên mạnh hơn trong toàn cầu hóa, thì chúng càng có cơ gặp phải những rối loạn đa dạng và tràn lan hơn.
Ngoài những lo sợ chung đối với sự hỗn hoạn đó, những người chống đối toàn cầu hóa cho rằng một khi đất nước của họ kết nối với hệ thống toàn cầu hóa, thì chính họ sẽ bị buộc phải mặc chiếc áo nịt nạm vàng dù cho chiếc áo đó chỉ có một cỡ. Có những người không thích chiếc áo là bởi vì họ cảm thấy bị bó buộc về kinh tế. Có người khác lo ngại rằng họ không có đủ tri thức, kỹ năng hay tài lực để mặc hoặc rút những sợi chỉ vàng từ chiếc áo. Có người không thích nó vì họ không muốn có những hố ngăn cách về thu nhập, hay họ lo ngại khả năng cơ hội việc làm sẽ bị cắt bớt ở các quốc gia có mức lương cao, chuyển sang những nơi có nhân công rẻ mạt. Có người không thích toàn cầu hóa vì nó khiến đất nước của họ bị những văn hóa và ảnh hưởng mới lũng đoạn, khiến cho con cháu họ không còn biết đến những bản sắc truyền
thống của cha ông chúng để lại. Có người không thích toàn cầu hóa vì họ lo sợ rằng luật lệ giờ đây chỉ chú trọng vào vấn đề tự do thương mại hơn là vấn đề bảo tồn các loại rùa và cá heo hiếm, bảo tồn nguồn nước và cây cối. Có người không thích chiếc áo nịt vì họ không được tham gia vào khâu thiết kế kiểu cách của chiếc áo. Và có người không thích chiếc áo đơn thuần là do họ cảm thấy khó mà nâng cấp được hệ điều hành của đất nước họ lên tới mức DOScapital 6.0.
Nói cách khác, phản ứng nhằm vào toàn cầu hóa là một hiện tượng lớn, là tập hợp của những lo âu và tâm lý khác nhau. Phản ứng đó mang nhiều hình thái, thông qua nhiều nhân vật và xảy ra ở nhiều đất nước khác nhau. Chương này sẽ nói về những trạng thái tâm lý, hình thái và điển hình của sự chống đối và cung cách chúng đang kết hợp lại thành một cơn gió mạnh cản trở toàn cầu hóa. Cơn gió này có thể trở thành bão, nếu chúng ta không để tâm hiểu nó một cách nghiêm túc.
Như tôi đã kể trước đây, vào mùa hè năm 1998 tôi sang du lịch Brazil cùng tổ chức Bảo tồn Thế giới, tổ chức đã giúp thành lập một công viên sinh thái ở vùng rừng duyên hải Đại Tây Dương của nước này. Họ đã giúp dân chúng ở thị trấn Una xây dựng một ngành du lịch địa phương, để có thể tạo công ăn việc làm và đẩy lui được nạn đốn gỗ để sinh nhai. Bảo tồn Thế giới đã đề nghị Dejair Birschner, 48 tuổi, Thị trưởng Una cùng đi thăm và giải thích cho tôi những thay đổi mà dự án môi sinh mang lại cho thị trấn của ông. Thị trưởng này xuất thân từ lớp thợ đốn gỗ, thuộc loại Paul Bunyan, có cha và ông cũng là thợ đốn gỗ. Nhưng giờ đây các nhà môi trường đã khiến họ thất nghiệp. Khi đi trong rừng, Thị trưởng Birschner chạm tay lên các loại cây cối. Ông ta biết tên bằng tiếng Brazil của tất cả các loài thực vật trong rừng. Tôi cảm thấy quý mến ông ngay từ phút đầu – vì có một điều gì đó rất vững chãi trong bản thân ông ta. Sau khi dạo trong rừng, chúng tôi ra ngồi trên ghế trong một khu cắm trại ở bìa rừng, và bàn về những thách thức mà vị thị trưởng đang phải đương đầu. Ông ta nói về mặt tri thức thì ông đã hiểu rằng đốn gỗ không còn là nghề hữu ích. Nhưng đồng thời ông cũng nhận ra rằng dân chúng trong thị trấn chưa thực sự sẵn sàng sống cuộc sống không có nghề đốn gỗ. Chúng tôi nói chuyện trong khoảng 30 phút, sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi cám ơn và đóng máy tính IBM ThinkPad lại, ông ta quay sang nói với tôi, “Bây giờ tôi muốn hỏi anh chuyện này.”
“Xin mời ông,” tôi đáp, “ông hỏi chuyện gì cũng được.”
Vị thị trưởng nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, “Liệu chúng tôi sẽ có tương lai hay không?”
Câu hỏi của ông như giáng cho tôi một đòn nặng. Nó khiến tôi suýt chảy nước mắt, khi nhìn sang bên kia bàn: đối diện tôi một con người đầy tự trọng, vững chãi, một vị thị trưởng, người đang hỏi tôi xem liệu bản thân ông và dân chúng của ông có được tiền đồ gì không trong tương lai. Tôi hiểu chính xác điều ông muốn nói: “Dân làng tôi không thể sinh nhai bằng cách đốn gỗ trong rừng và chúng tôi không được
trang bị để sống với máy vi tính. Cha và ông tôi dựng cơ nghiệp bằng cách chặt gỗ trong rừng và con cái chúng tôi có thể kiếm sống bằng Internet. Nhưng còn thế hệ chính chúng tôi, thế hệ kẹt ở giữa thì làm gì bây giờ?”
Tôi ấp úng tìm một câu trả lời, giải thích một cách đơn giản rằng bản thân và dân làng của ông chắc chắn sẽ có tương lai nhưng họ phải bắt đầu một thời kỳ quá độ từ nền kinh tế nông nghiệp đi lên một nền kinh tế tri thức, bắt đầu bằng việc đào tạo con cháu. Vị thị trưởng lắng nghe, gật gù, lịch sự cám ơn và bước đến xe hơi của ông. Khi ông ta đi rồi, tôi kéo người phiên dịch sang một bên và nhờ anh ta hỏi hộ khi gặp lại ông thị trưởng, xem ông ta nghĩ gì về câu trả lời của tôi.
Vài phút sau anh này quay lại. Anh ta nói rằng ông thị trưởng muốn nói với tôi một điều mà ông ta đã không nhắc tới trong cuộc phỏng vấn: Mỗi sáng, khi đến sở làm việc ông thường thấy có 200 dân làng đang tụ tập chờ đợi ông, họ nhờ ông tìm việc, xin ông giúp nơi ở và thức ăn – đó là chưa nói đến chuyện những người thợ rừng nay thất nghiệp đến để dọa giết ông ta. Nếu ông ta không giúp tìm việc, nơi ở và thực phẩm cho họ thì họ sẽ phá trụi các cánh rừng – dẫu đó là phát triển bền vững hay không bền vững.
“Ông ta muốn anh hiểu cho điều đó,” người phiên dịch nói.
Thị trưởng Birschner đại diện cho một thế hệ trên thế giới ngày nay cảm thấy bị toàn cầu hóa đe dọa vì họ sợ rằng họ không có những kỹ năng hay sức lực để gia nhập vào cái “Thế giới Đi nhanh”. Tôi xin gọi họ là “những con rùa.” Vì sao? Vì các thương gia kỹ thuật cao trong Thung lũng Silicon thường bao giờ cũng so sánh thứ nghề siêu kỹ thuật của họ với câu chuyện về con sư tử và loài linh dương nhỏ trong rừng rậm. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, con sư tử đều lo nghĩ là sáng hôm sau, khi mặt trời mọc, liệu có đủ sức để đuổi cho kịp những con linh dương nhỏ yếu, nếu không thì sẽ phải chịu đói. Và mỗi đêm khi đi ngủ, con linh dương đều lo nghĩ xem sáng hôm sau, khi mặt trời mọc, liệu có đủ sức để chạy nhanh, thoát cho được những hàm sư tử, nếu không sẽ mất mạng. Nhưng có một điểm tương đồng mà hai bên cùng lo nghĩ, đó là vào sáng hôm sau, khi mặt trời mọc, cả hai bên đều phải ra sức mà chạy cho nhanh.
Và đó cũng là câu chuyện của toàn cầu hóa.
Điều không may là không ai cũng được trang bị để chạy nhanh. Ngoài đời có không biết bao nhiêu con rùa, tuyệt vọng; chúng không muốn bị giết bỏ trên đường đi. Những con rùa đó là những dân chúng, khi tường rào trên thế giới sụp đổ, đã bị cuốn hút vào “Thế giới Đi nhanh”, và do nhiều lý do, họ cảm thấy bị đe dọa hay hắt hủi về kinh tế. Cũng không phải vì họ không có công ăn việc làm. Nhưng vì việc làm của họ đang bị toàn cầu hóa thay đổi, giảm quy mô, rút gọn hay bị khiến trở thành lỗi thời. Mặt khác sự cạnh tranh toàn cầu đang buộc chính phủ của họ phải tự thân cải cách và rút gọn, và những con rùa đó không thấy những mạng lưới bảo hiểm để cứu
vớt chúng.
Trong vở ca kịch Ragtime diễn trên phố Broadway có một cảnh Henry Ford giải thích sự ưu việt của dây chuyền lắp ráp xe hơi của ông ta. Lúc nào tôi cũng nhớ những vần thơ, vì chúng phản ánh rất hay về một thế giới – một thời là thiên đường của loài rùa – nhưng nay đã thay đổi. Sau đây là lời thơ trong vở ca kịch Henry Ford:
Dân chúng, hãy nghe luận thuyết của tôi
Về nơi đất nước này đang đến:
Mỗi công nhân là một bánh răng cưa đang chuyển động.
Và khái niệm đó là của Henry.
Một người siết ốc và người khác vận hành
Và người khác vươn tay lắp bánh răng cưa
Và xe hơi sẽ di chuyển theo một hướng.
Một sáng tạo của Henry Ford
(Vòng quay của động cơ – hãy khiến chúng quay nhanh, Sam)
Sản xuất hàng loạt sẽ tràn lan trên đất nước,
Một ý tưởng mà thế giới chào đón.
Ngay cả những kẻ không lấy gì làm thông thái
Cũng có thể học cách siết ốc mãi mãi,
Và lắp tay quay hay kéo cần gạt…
Lạy thánh, ngày nay, nếu không thông minh thì không ai có thể học để cách sản xuất chip vi tính suốt đời. Những nghề tốt đẹp nhất đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Một lần tôi viết một câu chuyện về cơ quan viện trợ Mỹ, USAID, thường có nhiệm vụ giúp đào tạo dạy nghề và viện trợ kinh tế cho các nước đang phát triển ở châu Phi, cố gắng dùng kỹ thuật của họ để khôi phục những khu dân cư nghèo đói vùng Baltimore. Hay như hàng tít trên tờ Baltimore Sun hô hoán: “Baltimore sẽ thử áp dụng đơn thuốc của Thế giới thứ ba.” Một lý do Baltimore kêu gọi sự trợ giúp của USAID là vì những con rùa của thành phố này đơn giản đã không theo kịp bước tiến của “Thế giới Đi nhanh”. Một viên chức của thành phố đã giải thích một cách rành mạch: Trong những năm 60, bà này nói, nhà tuyển dụng việc làm lớn nhất trong thành phố là Tập đoàn thép Bethlehem. Bạn có thể kiếm một việc làm trong nhà máy luyện thép chỉ với tấm bằng phổ thông hoặc thấp hơn, để kiếm sống, mua một căn nhà, nuôi con và gửi chúng vào đại học. Có nghĩa là giấc mơ của Mỹ dành cho cả những con rùa và những khu dân cư nhiều khó khăn. Ngày nay, nhà tuyển dụng lớn nhất ở Baltimore là Trung tâm Y tế Johns Hopkins. Nếu không muốn trở thành một lao công, thì bạn phải có bằng đại học mới mong được mời phỏng vấn xin việc ở trung tâm này. Những con rùa thì không có cách gì vào được. Và bạn sẽ không có cách gì xin vào đó được nếu bạn thuộc vào số 150.000 người thất học (trong tổng số dân 730.000 ở Baltimore). (Các viên chức Baltimore thắc mắc vì sao những người nghèo thành thị không tận dụng
những chương trình xã hội dồi dào vốn có sẵn trong thành phố đó, đến khi họ nhận ra rằng những người dân đó thậm chí không biết đọc những bảng hiệu. Đó là một lý do khiến họ phải mời USAID: cơ quan này đã cho ra đời một loạt các tranh vẽ các nhân vật biếm họa và những thiết bị nghe nhìn vốn dùng để giải quyết nạn mù chữ ở châu Phi. “Anh có biết được điều trớ trêu?” Bác sĩ Peter Beilenson, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế của Baltimore nói trong cuộc phỏng vấn của tôi. “Công ty đã tạo ra những chương trình xóa mù chữ cho USAID, lại chính là của Baltimore. Văn phòng của nó chỉ cách đây vài dãy phố.)
Khi toàn cầu hóa lây lan, thay thế những công việc lặp đi lặp lại, bằng máy móc, và đòi hỏi những kỹ năng mới trong những công việc khác, nó đã khiến cho những con rùa mất dần cơ hội việc làm. Một bài trên tờ Washington Post vào tháng sáu năm 1998 về cuộc đình công ở hãng General Motors vùng Flint, Michigan, đã tả cho độc giả cảnh khốn cùng của loài rùa ngày nay: “Sau 20 năm, GM đã giảm biên chế công nhân của họ ở Flint xuống còn 35.000, từ mức 76.000, và hãng này cho biết trong vài năm nữa, họ sẽ cắt tiếp 11.000 việc làm… Trong tổng số công nhân từ Mỹ, GM đã giảm 297.000 công việc theo giờ trong vòng 20 năm, giảm tổng việc làm còn 223.000… Một số cơ hội việc làm đã được chuyển sang Canada và Mexico, nơi có những nhà máy hiệu quả cao và chi phí thấp hơn, và một số lượng lớn công nhân của họ đã bị máy móc thay thế [đoạn viết nghiêng là của tác giả].”
Cũng trong bài báo, George Peterson, Chủ tịch hãng AutoPacific Inc., một công ty nghiên cứu và tư vấn ngành xe hơi có trụ sở ở California, được trích dẫn đã nói rằng tại những nhà máy không có nghiệp đoàn đóng ở Hoa Kỳ – như chi nhánh của Honda Motor ở Marysville, Ohio – công nhân đa kỹ năng và có thể thực hiện những nhiệm vụ đa dạng. Tính đa dạng hóa đó, theo ông ta, đã giúp cho Honda cắt giảm chi phí sản xuất. “Hoàn toàn có thể giữ được một công việc toàn thời gian trong ngành này, nếu bạn sẵn sàng làm nhiều loại công việc [tác giả viết nghiêng],” Peterson nói, khi bàn về những lo lắng của giới nghiệp đoàn về mức ổn định trong công ăn việc làm.
Vậy nếu muốn làm việc trong khu vực sản xuất, không những bạn cần thêm các kỹ năng hơn trước, mà còn phải có kỹ năng đa dạng để tránh được khả năng công việc của bạn bị người máy thay thế. Đó là những khó khăn lớn đối với những con rùa ngày nay.
Các nhà phân tích có thời gian đã cố tìm hiểu xem những con rùa bị toàn cầu hóa hành hạ, xúc phạm hay bỏ rơi, có thể tìm được ra giải pháp hay ý thức hệ gì thay cho khái niệm tư bản thị trường tự do. Như nói trước đây, trong thời toàn cầu hóa đợt một khi đương đầu với sự tiến hóa tư bản theo lối phá cũ xây mới, những lực lượng phản ứng đã cho ra đời một loạt các ý thức hệ – cộng sản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, phát xít chủ nghĩa – những quan điểm hứa hẹn sẽ bẻ được nọc độc của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt trong vấn đề cứu giúp người lao động. Giờ đây, khi những ý thức hệ đó
không còn được tín nhiệm, tôi không nghĩ rằng sẽ có một hệ ý thức mới nhất quán để chống lại toàn cầu hóa – vì tôi không tin rằng sẽ có một chương trình hay tư tưởng mới nào vừa có thể xóa bỏ được sự tàn nhẫn và sức công phá tư bản, vừa có thể cho phép nâng cao mức sống của nhân loại.
Một lý do khác, khiến sự phản ứng nhằm vào toàn cầu hóa khó có thể cho phép hình thành một hệ tư tưởng thay thế, đó là bản thân sự phản ứng đó chỉ quy tụ được các nhóm rời rạc – bằng chứng cho thấy là sự liên minh giữa các nghiệp đoàn bảo hộ công nhân, các nhà môi trường, các người chống đối loại nhà xưởng bóc lột công nhân, các nhà bảo tồn rùa, bảo tồn cá heo, chống cải biến gen và cả một nhóm mang tên “Tín hiệu từ hành tinh khác,” tất cả đã tụ tập hồi tháng 12 năm 1999 để chống toàn cầu hóa tại cuộc họp thượng đỉnh của WTO tại Seattle. Những nhóm người rời rạc đó gắn bó với nhau bằng một sự hiểu biết rằng thế giới đang bị các tập đoàn công ty thống trị, họ lo lắng cho một thế giới bất công – bất bình đẳng, gây hại cho lợi ích nhân loại, đặc biệt là lợi ích của các con rùa. Nhưng khi bị chất vấn là làm thế nào để định nghĩa lợi ích của loài người và làm thế nào để bảo vệ được lợi ích đó, thì những nhóm người chống đối không đưa ra được câu trả lời nhất quán. Mỗi nhóm một vẻ quan điểm, đa dạng như những trang phục của chính họ vậy. Những công nhân ngành xe hơi, luyện thép và những ngư dân đang đòi cho được sự bảo hộ mậu dịch ở Seattle, thực ra không đoái hoài gì đến việc Hoa Kỳ có cho phép nhập loại cá ngừ đánh bắt bằng lưới lẫn với rùa biển hay không. Tôi thực không muốn mình trở thành thân phận con rùa bị mắc trong lưới đánh cá ngừ được kéo về cảng Seattle. Những lẫn lộn trong cái liên minh đó khiến cho việc lượng đoán sức mạnh của sự phản ứng đối với toàn cầu hóa trở nên khó khăn hơn, vì trong khi cùng nhất trí là toàn cầu hóa gây đau thương cho họ, thì cho đến nay, những người chống đối không có chung bất cứ cương lĩnh, hệ tư tưởng hay chiến lược nào nào để cùng hoạt động.
Chính vì thế tôi ngờ rằng những con rùa trong nhân loại và những người chỉ đơn thuần căm ghét những thay đổi mà toàn cầu hóa gây ra cho văn hóa, môi trường hay cộng đồng của họ, sẽ không để tâm đến việc tìm ra một tư tưởng mới. Sự chống đối sẽ chỉ có hình thức bộc phát khác nhau. Những người thợ luyện thép sẽ vận động Washington dựng lên những bức tường chống lại thép nhập khẩu. Những người khác, các nhà môi trường chẳng hạn, những người muốn cứu những cánh rừng nhiệt đới, đơn thuần sẽ lên án toàn cầu hóa mà không đưa ra được các giải pháp kinh tế bền vững. Khẩu hiệu duy nhất của họ là: STOP
Đối với những con rùa đói nghèo nhất trong thế giới đang phát triển, những kẻ thực sự bị toàn cầu hóa bỏ rơi, họ sẽ chống toàn cầu hóa bằng cách tiếp tục đốt phá thiên nhiên mà không giải thích, thanh minh hay đưa ra một tư tưởng nào về việc đó. Tại Indonesia, họ sẽ tấn công các tiệm hàng của thương nhân người Hoa, chiếm dụng tài sản. Tại Nga, họ sẽ bán vũ khí cho Iran hoặc gia nhập giới tội phạm. Tại Brazil, họ
sẽ đốn cho hết những mảng rừng tự nhiên hoặc gia nhập phong trào nông dân mang tên “Sem Teto” (Không nhà), trộm cắp để kiếm sống. Có khoảng 3,5 triệu những người như thế sống ở Brazil – những nông dân thiếu đất đai, sống trong khoảng 250 khu trại trên khắp đất nước. Có lúc họ sống bên vệ đường, chờ đến khi người khác phải trả tiền thì họ mới dọn đi, có lúc họ vào cướp bóc các siêu thị, cướp nhà băng, hay ăn cắp xe tải. Họ không có cờ hiệu, không có cương lĩnh. Họ chỉ có nhu cầu và hoài bão của riêng họ. Chính vì thế điều chúng ta đã và đang chứng kiến ở nhiều nước, là, thay vì một đám đông đoàn kết chống toàn cầu hóa, ta chỉ thấy dập dìu những làn sóng tội phạm – những người chống đối chỉ vơ vét những gì bản thân họ cần, dệt cho được những mạng lưới an sinh xã hội mà không cần nghĩ đến chuyện xây dựng học thuyết hay ý thức hệ.
Mặc dù sự phản ứng này không vững chắc về luận thuyết và không được phối hợp chặt chẽ, nó đã và đang thực sự hiện hữu. Nó đến từ sâu thẳm tâm hồn của con người, vì vậy quy tụ được đông đảo dân chúng và gây ảnh hưởng đối với nền chính trị ở bất cứ nước nào. Nếu làm ngơ nó thì các xã hội liệu mà ráng chịu.
Trong hầu như bất cứ đất nước nào đã mang lên chiếc áo nịt nạm vàng, bao giờ cũng có một chính đảng hay một cá nhân nổi tiếng đứng tuyên truyền chống toàn cầu hóa. Những đảng phái hay cá nhân đó sẽ đưa ra những giải pháp theo lối bảo hộ và thu phục lòng người – những giải pháp theo họ, sẽ dẫn đến cải thiện đời sống cho dân chúng mà không phải tiến bước quá nhanh hay mở cửa biên giới quá rộng. Họ nói là cứ chịu khó dựng rào cản ở chỗ này chỗ kia thì mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Họ gây được sự chú ý của những người chỉ muốn sống trong quá khứ, thay vì tương lai. Chẳng hạn tại Nga, những Dân biểu cộng sản trong Viện Duma tiếp tục đi đầu trong những phản ứng chống toàn cầu hóa bằng cách tuyên truyền với dân lao động và những người hưu trí rằng trong thời Liên Xô, mặc dù họ chỉ có được những công việc không hứng thú và phải xếp hàng để được phân phối bánh mỳ, nhưng bao giờ cũng có công ăn việc làm và bao giờ cũng được phân phối bánh mỳ khi đến lượt. Sức mạnh của những đảng phái hay cá nhân trong công cuộc chống toàn cầu hóa đó tùy thuộc vào mức độ yếu kém của nền kinh tế ở nước đó. Thông thường thì kinh tế càng trì trệ thì những luận điểm giản đơn kể trên càng có sức lôi cuốn.
Những người chống đối toàn cầu hóa không chỉ thành công trong thời gian đất nước hay nền kinh tế của họ gặp khó khăn. Năm 1998, đa số trong Quốc hội Mỹ đã chặn, không cho phép Tổng thống Mỹ mở rộng khu vực mậu dịch tự do NAFTA sang Chi lê – một đất nước nhỏ bé – lý do là làm như vậy người dân Mỹ sẽ mất thêm cơ hội việc làm. Lý luận sai lầm đó đã thắng thế vào lúc trị giá các chứng khoán của Hoa Kỳ lên cao kỷ lục, thất nghiệp ở mức thấp nhất và tất cả những nghiên cứu đều cho thấy là NAFTA mang lại những giải pháp nhiều bên cùng có lợi khi áp dụng ở Hoa Kỳ, Mexico và Canada. Hãy nghe điều ngu xuẩn sau đây: Quốc hội Mỹ duyệt chi 18 tỷ đô-
la cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế để tổ chức này cứu giúp các nước đang vật lộn với toàn cầu hóa, nhưng Quốc hội không chấp nhận mở rộng NAFTA sang Chi lê. Lô gíc nằm
ở đâu? Phải chăng nó nằm ở chỗ: “Chúng ta ủng hộ viện trợ, không ủng hộ thương mại?”
Điều đó thực vô lý, nhưng có một lý do để những lập luận kiểu đó thắng thế trong cả thời kỳ thịnh vượng lẫn lúc khó khăn – đó là tâm lý bất an trong dân chúng mỗi khi có những thay đổi nhanh quá. Tâm lý này xuất hiện cùng lúc với sự thịnh vượng. Tâm lý này khiến cho người ta hoang mang, cho rằng cuộc sống của họ giờ đây đang bị những thế lực khác biệt kiểm soát, những thế lực mà người ta không thể nhìn ngắm hay sờ mó. Hệ thống toàn cầu hóa vẫn còn quá mới mẻ đối với quá nhiều người và khiến xảy ra quá nhiều thay đổi trong cuộc sống của quá nhiều người. Vậy là người ta hoang mang, người ta lo sợ không còn giữ được công ăn việc làm đúng ý. Trong hoàn cảnh đó những người chống đối toàn cầu hóa được dịp đưa ra những luận thuyết sơ sài và đơn giản hóa. Nó tạo những cảm giác mạnh mẽ trong dân chúng, cho rằng chúng ta cần phải đi chậm lại, dựng lên một vài bức tường hay ném chút ít cát vào bánh răng đang chuyển động – để cho chúng ta có thể ngồi vững trên cỗ xe, chứ không phải để chúng ta bỏ xe bước xuống đường.
Bạn cũng đừng tự huyễn hoặc cho rằng sự phản ứng nhằm vào toàn cầu hóa chỉ là những cơn giận dữ của những người bị chịu nhiều thiệt thòi. Cũng giống như các cuộc cách mạng, toàn cầu hóa liên quan tới việc chuyển giao quyền lực từ một nhóm người này sang một nhóm khác. Trong nhiều nước nó là sự chuyển giao quyền lực từ nhà nước và bộ máy quan liêu vào tay khu vực tư nhân và giới kinh doanh. Khi điều đó xảy ra, tất cả những người vốn có vị trí trong bộ máy quan liêu, hay hưởng lợi từ đó, hay những người có vị trí cao trong bộ máy kinh tế vốn bao cấp, tất cả trở thành những kẻ thua thiệt – nếu họ không hòa nhập vào bước quá độ lên “Thế giới Đi nhanh”. Những kẻ thua thiệt cũng bao gồm những nhà công nghiệp và giới liên quan hưởng lợi từ những hoạt động kinh tế độc quyền nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, những chủ doanh nghiệp được lợi từ các chính sách chống hàng nhập cảng, những thủ lĩnh nghiệp đoàn – những người quen với việc mỗi năm đi tranh đấu để giảm giờ làm và tăng lương trong một số ngành nghề được bảo hộ, công nhân thuộc các nhà máy quốc doanh xưa nay vẫn được trả lương dẫu cho nhà máy làm ăn lãi hay lỗ, những người thất nghiệp xưa nay vốn vẫn nhận được những khoản trợ cấp xã hội và y tế đều đặn và những người khác vốn lệ thuộc vào những ưu đãi của nhà nước bảo vệ trước sự xâm lấn của các thị trường toàn cầu.
Điều đó giải thích vì sao trong một số nước, sự chống đối toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất không đến từ nhóm dân chúng nghèo đói, mà từ những kẻ “vốn xưa nay…” trong giới trung lưu và trung lưu lớp dưới, những người được hưởng sự ổn định trong những hệ thống cộng sản, xã hội chủ nghĩa hay nhà nước phúc lợi khác. Khi họ thấy
những bức tường phòng hộ sụp đổ, khi những cuộc chơi thiếu thành thực mà trước kia họ tham gia kiếm lợi, những lưới bảo hiểm xã hội, bị thu nhỏ lại – họ trở nên rất rầu lòng. Khác với những con rùa, những nhóm người kể trên vẫn còn ảnh hưởng để họ quy tụ người khác tổ chức chống đối toàn cầu hóa. Liên đoàn AFL-CIO có lẽ đã trở thành một lực lượng chính trị hùng mạnh nhất, chống đối toàn cầu hóa tại Hoa kỳ. Các nghiệp đoàn lao động đã bí mật tài trợ cho rất nhiều hoạt động quảng cáo, đại diện cho các cuộc biểu tình tuần hành ở Seattle, khuyến khích sự chống đối từ các tầng lớp dưới nhằm vào thương mại tự do.
Hiểu biết của tôi về sự chống đối toàn cầu hóa từ giai cấp trung lưu đã tình cờ xuất hiện khi tôi ở Bắc Kinh, trò chuyện với Wang Jisi, phụ trách ban nghiên cứu Bắc Mỹ, Viện Khoa học Xã hội của Trung Quốc. Chúng tôi nói chuyện lan man từ chủ đề Hoa Kỳ sang chuyện cuộc sống của anh ta ở Trung Quốc, rồi thị trường tự do, những điều khiến cho trong dân chúng Trung Quốc có người thích thú có người lo âu. “Guồng máy thị trường đang di chuyển vào Trung Quốc, nhưng câu hỏi hiện nay là làm thế nào để vận hành nó,” Wang nói. “Nhờ cơ quan của tôi thì tôi mới có nhà ở. Nếu giờ đây nhà cửa được đưa đấu giá trên thị trường tự do thì có khi tôi không mua nổi nhà. Tôi không phải là người bảo thủ, nhưng khi những vấn đề thực tế như vậy được đặt ra thì dân chúng hoàn toàn có thể trở nên bảo thủ. Nếu mọi người bị ném ra thị trường sau thời gian được bao cấp chu đáo, họ sẽ phản ứng. Người lái xe của tôi hôm trước đã phàn nàn rằng thời trẻ, ông ta đã cống hiến tất cả cho chủ nghĩa Mao và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng giờ đây ông ta 45 hay 50 tuổi, thì đột nhiên người ta bắt ông phải ra thị trường. “Như thế có công bằng không?” ông ta chất vấn chính phủ, ‘khi tôi đã hết lòng vì bất cứ điều gì các vị đòi hỏi ở tôi hàng chục năm nay và giờ đây các vị quên tôi luôn, đẩy tôi ra thị trường khi tôi già? Không công bằng chút nào. Tôi chưa làm điều gì sai trái. Bao giờ tôi cũng tuân theo chỉ dẫn của các vị, chính phủ thân mến, vậy mà giờ đây chính phủ lại nói tôi quên chính phủ đi.’ [Người lái xe này] rất thích làm việc ở cơ quan chúng tôi. Ông ta không muốn trở thành một lái xe taxi để rồi mất hết phúc lợi xã hội. Ông ta không muốn nhập vào thị trường.”
Bạn không cần phải trở thành một người công nhân cộng sản mới hiểu được điều đó. Peter Schwartz, Chủ tịch hãng Global Business Network, một hãng tư vấn, có lần kể cho tôi về một cuộc đối thoại trước buổi phỏng vấn với chương trình kinh tế của đài BBC ở London: “Khi đưa tôi tới chỗ phỏng vấn, phóng viên người Anh đó hỏi tôi một số điểm cốt lõi trong quan điểm của tôi. Tôi nói bóng gió tới chuyện nước Anh là một điển hình của một nền kinh tế có sức đột phá – đặc biệt khi so với toàn châu Âu
– con số thất nghiệp là minh chứng cho điều đó. Phóng viên này nói với tôi: ‘Thế không phải là chuyện tồi tệ sao? Trợ cấp thất nghiệp ở Anh thấp đến nỗi người ta không còn muốn ngồi nhà để hưởng nữa, họ xoay ra kiếm việc đi làm.”
Schawartz nói tiếp: “Có những người coi sự quá độ tới toàn cầu hóa là một tổn thất
lớn lao, chứ không phải là một thành tựu. Họ mất đi không chỉ những phúc lợi, mà còn mất đi điều họ coi là quyền lợi: rằng các xã hội công nghiệp hiện đại giàu có đến nỗi dân chúng có quyền được hưởng những trợ cấp thất nghiệp hào phóng.”
Nếu muốn quan sát điển hình của cuộc chiến giữa những người toàn cầu hóa và những giới ham được bảo hộ thì mời bạn sang thế giới Ả rập. Năm 1996, đến lượt Ai Cập đăng cai hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Trung Đông, hội tụ các lãnh đạo kinh doanh của phương Tây, Á châu, Ả rập và Israel. Những nhà quan liêu ở Ai Cập đã quyết liệt chống lại kế hoạch đăng cai hội nghị này. Một phần là lý do chính trị – có những người cảm thấy Israel chưa thực hiện đầy đủ những cam kết đối với người Palestine, nên họ chưa thể bình thường hóa với Israel. Nhưng một phần là do chính những viên chức quan liêu Ai Cập, những người đang cai quản kinh tế nước này từ ngày Nasser quốc hữu hóa các định chế kinh tế trong nước trong những năm 60. Họ tự hiểu rằng cuộc họp thượng đỉnh có thể là bước đầu tiên mở ra khả năng họ mất dần quyền lực vào tay khu vực tư nhân, một khu vực đã bắt đầu có cơ hội mua lại các xí nghiệp quốc doanh cũ và có thể tiến hành chiếm giữ dần hệ thống truyền thông của đất nước. Tờ báo Hồi giáo al-Shaab đã chỉ trích hội nghị thượng đỉnh là “hội nghị của sự hổ thẹn.”
Tuy nhiên lần đầu tiên khu vực tư nhân của Ai Cập đã đoàn kết thành các lực lượng vận động hành lang mạnh – Phòng Thương mại Ai Cập – Hoa Kỳ, Hội đồng các Lãnh đạo Doanh nghiệp Ai Cập trực thuộc Tổng thống và Hiệp hội Doanh nghiệp Ai Cập – đã chung sức thuyết phục Tổng thống Mubarak nghe theo họ. Họ giải thích nếu tổ chức họp thượng đỉnh với hàng trăm các nhà đầu tư trên thế giới sẽ là cơ hội để tạo việc làm cho lực lượng lao động của Ai Cập, mỗi năm tăng 400.000. Tổng thống Mubarak đi lui đi tới, và sau cùng đã về phe với khu vực tư nhân, chấp thuận tổ chức hội nghị. Ông thẳng thắn tuyên bố trong diễn văn khai mạc hội nghị: “Năm nay, Ai Cập gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Ai Cập sẽ tuân thủ những luật lệ của nền kinh tế đó.” Nhưng bộ máy quan liêu ở Ai Cập, không muốn nhường bất cứ quyền lực gì cho khu vực tư nhân, vẫn tiếp tục tranh đấu, và mỗi lần có biến cố trong kinh tế thế giới chẳng hạn như khủng hoảng ở Á châu năm 1998, họ là đến nói với Tổng thống Mubarak, “Thấy chưa, chúng tôi đã nói rồi. Chúng ta cần phải đi chậm lại, dựng thêm rào cản, nếu không thì những gì xảy ra ở Brazil rồi sẽ xảy ra với chúng ta.”
Trong một thời gian dài tôi nghĩ rằng sự miễn cưỡng của Ai Cập trong việc kết nối với toàn cầu hóa bắt nguồn từ tính thiển cận của giới công quyền và sự thiếu tầm nhìn trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước. Nhưng sau đó có một kỷ niệm đã khiến tôi hiểu rõ thêm. Trong tư cách một tác giả, tôi đi thăm Ai Cập vào đầu năm 2000, gặp gỡ các sinh viên ở đại học Cairo, gặp phóng viên các báo của Ai Cập và những thương gia hàng đầu ở Cairo và Alexandria. Tôi trao đổi với họ về bản thảo tiếng Ả rập cho cuốn sách này.
Hai hình ảnh nổi bật từ chuyến đi này. Đầu tiên là hình ảnh chuyến tàu từ Cairo đến Alexandria, đi trong toa tàu là hành khách thuộc giới thượng lưu và trung lưu người Ai Cập. Nhiều người trong số họ có điện thoại di động, kêu chuông liên tục trong suốt hai giờ tàu chạy, giai điệu chuông khác nhau, liên miên đến mức có lúc tôi muốn đứng dậy dùng ba toong làm nhạc trưởng cho dàn nhạc chuông điện thoại. Tôi chán nghe nhạc điện thoại di động đến mức nóng lòng muốn được xuống tàu. Trong khi những điện thoại đó thi nhau reo chuông trong toa tàu, thì bên ngoài là cảnh sông Nile, dọc bờ sông là những dân làng người Ai Cập đang cày ruộng, dùng cày và trâu kéo giống như những gì tổ tiên của họ làm ăn từ cái ngày xây dựng kim tự tháp Pharaoh. Tôi không thể tưởng tượng được một hố ngăn cách rộng lớn hơn thế về công nghệ trong một đất nước – trong toa tàu là Ai Cập năm 2000 sau Công nguyên, ngoài toa tàu là Ai Cập năm 2000 trước Công nguyên.
Hình ảnh thứ hai là lần đến thăm Yousef Boutros- Ghali, Bộ trưởng Kinh tế của Ai Cập, người từng học ở MIT. Khi tôi đến tòa nhà của ông ta thì một người trông thang máy, một nông dân Ai Cập, chờ tôi ở thang máy, anh có chìa khóa để vận hành thang máy. Trước khi đút chìa khóa vào mở cho thang máy hoạt động, anh ta đã khấn theo kinh Koran: “Nhân danh chúa, đấng từ bi và tinh thần.” Là một người nước ngoài, bạn có thể rất hoảng khi thấy người trông thang máy khấn khứa trước khi đóng cửa thang máy để lên lầu, nhưng đối với anh ta, đó chỉ là một thói quen văn hóa, cắm rễ sâu trong truyền thống của anh. Một lần nữa ta thấy sự tương phản: ông Boutros Ghalis, đầu tàu kỹ thuật cao dẫn dắt toàn cầu hóa, một bên là người trông thang máy, cứ mỗi lần cho thang chạy là lại khấn bái.
Những cảnh đó phản ánh cho tôi thấy sự căng thẳng thực sự trong lòng Ai Cập: Trong khi giới thượng lưu nhỏ bé, được trang bị điện thoại di động đang cố sức để được nối mạng, nhập vào con tàu kinh tế toàn cầu, thì phần đông những người khác bị bỏ rơi hoặc để mất đi bản sắc của họ khi cố sức chạy theo con tàu đó. Sau một tuần trò chuyện về phí tổn và lợi ích của toàn cầu hóa, tôi ngạc nhiên thấy phần đông người Ai Cập, gồm rất nhiều những trí thức, chỉ thấy ra được tổn phí. Càng giải thích về toàn cầu hóa, càng làm cho họ khó chịu. Sau cùng, một ý nghĩ đến với tôi rằng tôi đang đối diện với điều mà các nhà nhân chủng học gọi là “sự hiểu lầm có hệ thống.” Sự hiểu lầm đó sinh ra khi cái khuôn mẫu của bạn khác hẳn với khuôn mẫu của người khác, mà không thể dùng thông tin bổ sung để làm cho chúng khớp với nhau.
Sự khó chịu của dân Ai Cập đối với toàn cầu hóa bắt rễ từ nỗi sợ hãi hợp lý rằng họ không có đủ công nghệ để cạnh tranh. Nhưng nó cũng bắt rễ từ một điều mang tính văn hóa – và không chỉ là điều mà một giáo sư đại học Cairo nói với tôi: “Toàn cầu hóa có nghĩa là chúng tôi phải hết thảy trở thành người Mỹ?” Sự khó chịu ăn sâu hơn nữa, và bạn phải hiểu được nó nếu muốn biết thêm về những chống đối nhằm vào toàn cầu hóa từ những xã hội truyền thống. Nhiều người Mỹ dễ dàng tiếp thụ hiện
đại hóa, kỹ thuật và Internet vì họ biết chúng là những công cụ cho họ thực hiện lựa chọn. Lợi ích của những công cụ đó là trang bị và tăng cường lợi thế cho các cá nhân. Nhưng trong các xã hội truyền thống như Ai Cập chẳng hạn thì các tập thể, các các nhóm người thường có vai trò quan trọng hơn các cá nhân; vậy nếu tăng cường cho các cá nhân thì sẽ dẫn tới chia rẽ trong xã hội. Vậy toàn cầu hóa đối với họ không những mang ý nghĩa họ phải ăn món McDonald’s, mà còn có nghĩa là sự thay đổi quan hệ giữa cá nhân và nhà nước và cộng đồng một cách tiêu cực, dẫn tới chia rẽ xã hội.
“Liệu toàn cầu hóa có phải là để chúng tôi cứ mặc xác những người nghèo phải tự lo thân?” Một phụ nữ Ai Cập có tri thức đã hỏi tôi. “Làm sao chúng tôi có thể tư hữu hóa trong khi không có được hệ thống phúc lợi xã hội?” Một giáo sư đặt câu hỏi. Khi chính phủ ở nước này nói sẽ “tư hữu hóa” một ngành công nghiệp thì phản ứng bản năng của dân Ai Cập sẽ là: hình như có điều gì đó đang “bị đánh cắp” từ nhà nước, lời của một viên chức cao cấp của Ai Cập.
Sau những cuộc tranh luận đó tôi nhận thấy phần đông dân Ai Cập hiểu về toàn cầu hóa như một sự thất vọng kết hợp với sự cần thiết, chứ không phải là một cơ hội, điều đó cũng dễ hiểu. Toàn cầu hóa là cách thích nghi với một đe dọa từ bên ngoài, trong khi không tăng thêm được quyền tự do. Tôi cũng nhận ra rằng những ý thức hệ trước đây của họ – chủ nghĩa dân tộc Ả rập, chủ nghĩa phát-xít – đã có ảnh hưởng mạnh, mặc dù không mang lại lợi ích gì về kinh tế. Nhưng chủ nghĩa toàn cầu hoàn toàn không giống thế. Khi bạn nói với một xã hội truyền thống rằng họ phải cắt giảm biên chế, rút gọn và kết nối Internet, thì những điều bạn nói ra không có ảnh hưởng nhiều hoặc không có sức lôi cuốn. Đó là lý do của những khó khăn bạn vấp phải khi cố gắng thuyết phục hàng triệu người dân Ai Cập, những người vẫn cầu nguyện trước khi vận hành các cầu thang máy.
Trò kéo co này đang diễn ra trên toàn thế giới Ả rập ngày nay, từ Ma rốc cho tới Kuwait. Một viên chức tài chính người Ả rập đã mô tả cuộc tranh đấu của toàn cầu hóa trong đất nước của ông ta: “Thỉnh thoảng tôi có cảm giác mình thuộc vào một thứ hội kín Freemasons, vì cách nhìn thế giới của tôi khác hẳn với cách nhìn của những người quanh tôi. Có một sự khác biệt lớn về ngôn ngữ và từ vựng của tôi và người xung quanh. Không phải vì tôi không thuyết phục được họ. Tôi nhiều khi không thể giao tiếp được với họ, những người đó có cách nhìn toàn cầu xa lạ quá. Vậy là mỗi khi tôi phải giải thích một chính sách gì đó liên quan tới toàn cầu hóa, thì bao giờ câu hỏi cũng là: có thể quy tụ được bao nhiêu người để có thể tạo được một sự quá độ? Nếu anh có thể quy tụ được đủ số người từ những vị trí thích đáng, thì anh sẽ đẩy được hệ thống đi tới. Nhưng điều đó rất khó. Có nhiều ngày dân chúng đến và nói với tôi: “Chúng ta cần phải quét sơn lại căn phòng.” Và tôi trả lời, “Không, chúng ta thực ra cần phải đào móng mới và xây lại toàn bộ tòa nhà” Vậy là toàn bộ cuộc hội thoại giữa
anh và họ xoay quanh việc chọn màu sơn, nhưng trong đầu anh là ý nghĩ rằng toàn bộ kiến trúc cần phải được thay thế và một móng nhà mới phải được xây dựng – rồi sau đó hẵng lo tới màu sơn! Brazil, Mexico, Argentina, ở đó họ có những đám đông và những viên chức có tầm nhìn về thế giới. Nhưng phần đông các nước đang phát triển hiện chưa có được điều đó, chính vì thế gian đoạn quá độ của họ vẫn còn bất ổn.”
Ở Ma rốc, chính phủ tư hữu hóa đơn giản bằng cách bán các xí nghiệp quốc doanh cho chính những nhóm kinh tế nhỏ có quan hệ với hoàng gia, những người một thời lũng đoạn kinh tế nhà nước. Chính vì thế mà ba phần trăm dân số Ma rốc hiện kiểm soát 85 phần trăm tài sản của đất nước. Các trường đại học ở Ma rốc, thường kết hợp những đặc điểm tồi tệ nhất của hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa và của Pháp, mỗi năm cho ra trường rất nhiều sinh viên, nhưng họ không kiếm được việc làm, không có tinh thần thương mại hay những kỹ năng công nghệ thích hợp với nền kinh tế thông tin thời nay. Ma rốc hiện có “Hội liên hiệp các sinh viên đại học thất nghiệp.”
Càng có thêm các quốc gia hội nhập vào toàn cầu hóa và “Thế giới Đi nhanh”, thì càng có thêm một nhóm chống đối khác – họ như những con linh dương bị tổn thương. Nhóm này gồm những người cảm thấy họ đã thử hội nhập với toàn cầu hóa nhưng đã bị hệ thống này giày vò, nhưng đáng nhẽ phải đứng dậy, phủi bụi và chạy tiếp để theo kịp toàn cầu hóa, họ đã về nhà đóng kín cửa, thay đổi luật lệ để tránh toàn cầu hóa. Điển hình cho nhóm chống đối này là Thủ tướng Mahathir của Malaysia. Không gì có thể sánh kịp với sự tức giận của một nhân vật toàn cầu hóa thất bại. Ngày 25/10/1997, giữa lúc kinh tế Á châu đang thua thiệt, Mahathir đã tuyên bố với hội nghị Thượng đỉnh khối thịnh vượng chung ở Edinburgh rằng kinh tế toàn cầu
– vốn dĩ đã đổ hàng tỷ đô-la vào Malaysia, và nếu không Malaysia đã không bao giờ tăng trưởng nhanh như thế – nay đã trở thành “vô chính phủ.”
“Đây là một thế giới bất bình đẳng,” Mahathir giận dữ nói. “Nhiều người trong chúng tôi đã vận lộn khó khăn và thậm chí đã đổ máu để giành được độc lập. Khi những đường biên giới được mở cửa và thế giới trở thành một thực thể thống nhất, thì độc lập có thể trở thành vô nghĩa.”
Chẳng lấy làm lạ khi năm 1998 Mahathir là nhà toàn cầu Á châu đầu tiên áp đặt chính sách kiểm soát trong một cố gắng nhằm chặn đứng làn sóng đầu cơ tự do chống lại đồng nội tệ và thị trường chứng khoán của ông. Khi Bộ trưởng Thông tin Singapore George Yeo mô tả hành động của Mahathir lúc đó, ông ta nói, “Con thuyền Malaysia đã rút lui vào một cái hồ ven biển và thả neo ở đó, nhưng chiến lược đó sẽ không phải là không có rủi ro.”
Đúng như vậy. Nếu cho rằng rút lui vĩnh viễn vào một nơi hẻo lánh và an hưởng những mức sống cao của “Thế giới Đi nhanh”, và tránh được bất cứ sức ép nào, thì chính bạn đang tự huyễn hoặc bản thân và dân chúng của bạn. Tuy nhiên, sự rút lui
của Mahathir, sau này được biết chỉ là tạm thời, đã nhận được sự thông cảm trong thế giới đang phát triển – thông cảm nhưng họ không làm theo. Khi chúng ta sang thập niên thứ hai của toàn cầu hóa, có một quan niệm mới trong số các quốc gia vốn dĩ chống đối chiếc áo nịt nạm vàng và “Thế giới Đi nhanh” – đó là: họ không thể tiếp tục chống đối nữa. Và họ biết chiến lược rút lui sẽ không mang lại lợi ích gì về lâu về dài cho tăng trưởng. Trong nhiều năm tôi hay gặp Emad El-Din Adeeb, biên tập viên tạp chí al Alam al Youm của Ai Cập trong những hội nghị của Ngân hàng Thế giới và những nơi khác, và trong cũng nhiều năm anh ta nói với tôi về sự ngờ vực của anh về khả năng Ai Cập hội nhập toàn cầu hóa. Khi gặp lại anh năm 1999 tại Diễn đàn Kinh tế Davos, anh nói với tôi, “OK, tôi hiểu rằng chúng tôi phải sẵn sàng để hội nhập toàn cầu hóa, một phần đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Có một đoàn tàu đang chuẩn bị rời ga và chúng tôi biết điều đó và phải chuẩn bị. Nhưng liệu anh có thể nói đoàn tàu đó chạy chậm lại chút ít để chúng tôi có thời gian để nhảy lên bám theo tàu.”
Tôi không dám nói thực với anh ta lúc đó rằng tôi vừa dự bữa ăn trưa cùng giới báo chí với Bill Gates. Tất cả các nhà báo cứ hỏi mãi Bill Gates, “Ông Gates. Những cổ phần Internet. Chúng là những bong bóng xà phòng phải không?” Sau cùng, Bill Gates bực tức nói với đám phóng viên: Đúng chúng là những bong bóng xà phòng, nhưng các bạn đã lẫn lộn ở một điểm. Những bong bóng đó đã thu hút rất nhiều tiền đầu tư vào ngành Internet và sẽ thúc đẩy “nhanh nữa, nhanh nữa” quy trình sáng tạo. Vậy tôi đã chứng kiến những gì: buổi sáng thì nghe Bill Gates nói cái “Thế giới Đi nhanh” sẽ tiếp tục tăng tốc, buổi chiều thì gặp anh bạn Adeeb nói rằng, anh ta cũng muốn nhảy vào cái thế giới đó, nhưng, ai đó làm ơn nói nó chạy chậm lại chút ít.
Tôi nói với Adeeb rằng tôi cũng mong muốn đoàn tàu toàn cầu hóa chạy chậm lại, nhưng ở đầu tàu, tôi không thấy ai đang cầm lái.
Có một lần uống cà phê trong một quán cà phê Internet, mang tên Books@Cafe ở Amman, Jordan. Quán này ở ngay gần khu di tích được bảo tồn đẹp đẽ – một trong những nhà hát thuộc kiến trúc La Mã ở Trung Đông. Hồi đó là năm 1997, chủ quán, Madian al-Jazerah đứng lại bên bàn và làm quen với tôi. Anh ta nằng nặc mời tôi nếm thử món bánh chuối kem. Vì sao bánh chuối kem? Tôi hỏi. Anh ta trả lời rằng bánh này là do vợ của phó đại sứ Israel ở Amman làm.
“Để tôi nhắc lại coi thử đúng không,” tôi nói, “bánh chuối kem trong cà phê Internet ở Amman do vợ của phó đại sứ Israel làm! Hay thật. Tôi khoái quá.”
Nhưng anh này nói cũng có nhiều người không thích thú gì điều đó. Khi những người Hồi giáo chính thống ở Amman biết bánh chuối kem trong cà phê Internet ở Amman do vợ của phó đại sứ Israel làm họ đã kêu gọi tẩy chay cho đến khi nào chủ quán rút món đó khỏi thực đơn. “Và họ đã dùng Internet để kêu gọi tẩy chay,” chủ quán nói. (Rõ ràng là cuộc tẩy chay đã thất bại vì món bánh chuối kem vẫn được ghi trong thực đơn!)
Những người Hồi giáo chính thống chống-bánhchuối- do-người-Israel-làm đã đại diện cho một làn sóng khác chống toàn cầu hóa. Đó là sự chống đối của hàng triệu người dân uất ức trước sự đồng hóa mà toàn cầu hóa gây ra, dám đưa món bánh chuối Israel ra diễu trước mặt dân Hồi giáo Jordan, đưa người lạ cùng thói lạ vào nhà, xóa đi những đặc tính văn hóa và nhổ bật những câu ô liu truyền thống của bạn. Cũng có nhiều người rõ ràng đã sẵn sàng dẹp đi nhiều phần trong văn hóa địa phương để đón nhận văn hóa tiêu dùng, Mỹ hóa hay toàn cầu hóa, hoặc tung hứng cả hai luồng văn hóa thể hiện trong cách sống, quần áo, ẩm thực và ý thức. Không bao giờ nên coi thường những người biết tung hứng như vậy. Nếu không có họ thì làm sao McDonald’s và Disney có thể lan tràn đến được nhiều nơi trên thế giới. Nhưng có những người rõ ràng đã không muốn chơi trò tung hứng. Họ sẵn sàng tham chiến để bảo vệ văn hóa riêng của họ. Khẩu hiệu xung trận của những người này là: “Tôi không muốn toàn cầu. Tôi chỉ muốn địa phương.” Đối với các nhà toàn cầu hóa, họ tôn trọng những người nối kết nhiều nhất. Đối với phái cực đoan, họ kính trọng những nhân vật xa rời mạng – xa rời mọi thứ trừ chân lý của họ.
Những phản ứng về văn hóa trở nên gây bất ổn về chính trị một khi chúng kết hợp với những phản ứng khác – khi những nhóm người bị thiệt thòi về kinh tế trong toàn cầu hóa kết hợp với những nhóm đau khổ về văn hóa. Hiện tượng này rất phổ biến ở vùng Trung Đông, nơi những phần tử cực đoan của nhiều phái đã trở nên rất giỏi trong việc thêu dệt nên những sự chống đối mang tính chính trị, kinh tế và văn hóa nhằm vào toàn cầu hóa, tập hợp chúng dưới một ngọn cờ và một phong trào chính trị chung, họ muốn tiếm quyền rồi choàng lên trên cộng đồng một chiếc khăn, chắn cả cộng đồng không cho ai nhìn ra thế giới. Lá cờ chống đối đầu tiên của người Algeria là một bao tải lúa mạch couscous, món ăn chủ yếu ở vùng Bắc Phi, lá cờ tượng trưng cho sự phẫn uất của những người lao động Algeria, đặc biệt giới trẻ không có việc làm. Dần dần những người cầm lá cờ đó đã liên hiệp với những phần tử Hồi giáo chính thống cùng chống lại trào lưu phương Tây hóa và phi tôn giáo hóa chế độ của Algeria, cùng với nhau họ tạo một làn sóng chống đối mạnh mẽ, dưới lá cờ xanh lục của Hồi giáo chính thống, chống lại những ai ở Algeria mong muốn hội nhập đất nước với hệ thống toàn cầu hóa.
Việc bầu phiếu đưa Benjamin Netanyahu lên chức Thủ tướng Israel năm 1996 một phần cũng là một sự phản ứng chính trị chống lại Hòa ước Oslo, một phần cũng là sự chống đối về văn hóa nhằm vào toàn cầu hóa và hội nhập tiềm ẩn trong các cố gắng hòa bình giữa Israel và khối Ả rập. Học giả tôn giáo người Israel Moshe Halbertal có lần đã nói với tôi rằng Shimon Peres có một viễn tưởng rằng cháu của ông ta và cháu của Yasser Arafat một ngày nào đó sẽ “cùng nhau sản xuất chip vi tính” – viễn tưởng đó đã đe dọa rất nhiều người Do Thái chính thống đang sống ở Israel. Họ sợ rằng một khi những bức tường ranh giới ở quanh Israel đổ xuống, đất nước này hội nhập vào
Trung Đông – giống như người Do Thái hội nhập vào xã hội Mỹ – thì đạo Juda sẽ bị ảnh hưởng xấu. Họ lo ngại rằng sẽ không có chuyện sống chung hòa bình giữa hai khái niệm “hòa bình bây giờ” hay “Do Thái bây giờ” – đặc biệt khi hòa bình còn có nghĩa là toàn cầu hóa, hội nhập, dịch vụ thuê video Blockbuster, các kênh truyền hình cáp truyền các hình ảnh gợi dục, và Pizza Huts. Vậy nên mới có những tấm biển xuất hiện trong những khu Do thái chính thống trước ngày bầu cử Thủ tướng Israel năm 1996, viết: “Bầu cho Bibi [Netanyahu]. Ông ta bênh vực người Do Thái.” Ở Israel chống đối mang màu sắc văn hóa nhằm vào toàn cầu hóa đã kết hợp với các sắc thái chính trị và kinh tế. Sau khi có hòa ước với Jordan, các nhà máy dệt Israel bắt đầu có những hành động hợp lý: họ chuyển những dây chuyền sản xuất, những công ăn việc làm kỹ năng thấp từ các địa phương Israel như từ Kiryat Gat qua sông sang cho Jordan, nơi có nhân công rẻ hơn. Và bỗng nhiên những thợ dệt Do Thái, chưa có đủ kỹ năng để xin vào nhà máy của Intel đang được xây dựng ở Israel, thấy công ăn việc làm của họ bị chuyển sang Jordan – điều mà nếu không có hòa ước Israel-Jordan và toàn cầu hóa thì không bao giờ xảy ra. Những người thợ dệt đó lo sợ rằng hòa bình sẽ không đi đôi với việc làm cho họ, và cũng vì nhiều người trong số họ thuộc phái Do Thái phương Đông – vậy là họ quay sang ủng hộ đảng Shas, một đảng chính thống cực đoan, chống toàn cầu hóa trên cơ sở văn hóa và tôn giáo, một chính đảng chỉ quan tâm tới các đức cha. Vậy là những người thất nghiệp, kết hợp với giới có đường lối cố kết sắc tộc và tôn giáo, thành một phong trào chống toàn cầu hóa.
Hiển nhiên là không có gì sai trái trong việc đặt xã hội của bạn lên trên một trụ cột tôn giáo và truyền thống. Đó là những cây ô liu khiến cho xã hội gắn bó. Không phải ai trong số những người tôn trọng những giá trị đó cũng đều ra tham gia chủ nghĩa cực đoan. Nhưng khi chủ nghĩa cực đoan đó không còn do những yếu tố tâm linh điều khiển mà do tâm lý chống toàn cầu hóa điều phối thì nó thường rơi vào khuynh hướng giáo phái phân liệt, bạo động và ly khai. Và càng rời xa thực tế, càng mất dần liên lạc thì càng bị tụt hậu; càng tụt hậu thì càng tiếp tục rút lui và ly khai.
Nhưng cũng không cần phải là một người cực đoan Do Thái hay Hồi giáo để muốn tham gia chống đối toàn cầu hóa bạn. Bạn chống đối có thể vì toàn cầu hóa đã khiến bạn trở nên lạc lõng ngay trong môi trường thân thuộc của bạn. Đây là một hiện tượng thông thường. Khi tôi sang châu Á vào năm 1996, thì những người Australia tổ chức bầu cử. Tôi ngạc nhiên khi thấy các vận động tranh cử ở Úc lúc đó xoay quanh chủ đề bánh quy và áo tắm khá nhiều. Vâng, John Howard, lúc đó là thủ lĩnh đảng Tự do, phái bảo thủ, tố giác Paul Keating thuộc đảng Lao động đang cầm quyền, rằng trong khi hăng say thúc đẩy nước Úc hội nhập với kinh tế toàn cầu và đầu tư nước ngoài, đã tạo ra một tình huống trong đó các công ty thân thuộc của đất nước bị các tập đoàn của nước ngoài vào sáp nhập và người nước ngoài đang vào nắm quyền quản lý. Howard tố giác rằng người Úc đang mất dần những biểu trưng dân tộc, bản sắc và chủ
quyền vào tay thị trường, dẫu cho kinh tế có được cải thiện đến đâu. Đặc biệt ông ta chỉ vào hãng bánh quy hiệu Arnott’s, có sản phẩm mà bất cứ đứa trẻ nào ở Úc khi lớn lên đều biết đến, đã bị bán cho một công ty Mỹ (Campbell’s Soup, cũng rất nổi tiếng!), công ty này sau đó đã thay đổi thành phần của bánh quy Iced Vo-vos – thương hiệu nổi tiếng rất Úc, làm bằng dừa và kẹo dẻo. Ông Howard cũng nói điều tương tự cũng đã xảy ra cho thương hiệu áo quần bơi Speedo nổi tiếng của Úc, cũng đã bị bán cho một hãng của Mỹ. Thương vụ Iced Vo-vos và Speedo đã trở thành một chủ đề nóng hổi trong các cuộc tranh cử. Và chính những lập luận theo lối ôm chặt cây ô liu đã giúp cho Howard chiến thắng ròn rã Keating, một người thích xe hơi Lexus.
Một năm sau đó vào mùa xuân 1997, khi tôi đang đi qua những vùng đồn điền bang Indiana trên đường đến Đại học Purdue. Lái xe cho tôi là Giáo sư John Larson, một người có nhiều suy nghĩ sâu sắc. Khi đến gần Lafayette, tôi nhìn thấy xa xa có một nhà máy lớn. “Nhà máy gì đó?” tôi hỏi. “Nhà máy sản xuất xe hơi Subaru,” Giáo sư Larson trả lời, khi chúng tôi gần đến nơi. Ông ta nói thêm rằng nhà máy Subaru đó là khiến cho bang Indiana có “cảm giác giống như một nước thuộc Thế giới thứ ba.”
“Vì sao?” tôi hỏi thêm.
“Đối với thế hệ như của tôi, lớn lên trong những năm 50, nước Mỹ bao giờ cũng là nước vươn ra thế giới,” Larson giải thích. “Chúng tôi sinh ra cái gọi là toàn cầu hóa. Đến khi những chủ hãng xe hơi người Nhật đến Mỹ tìm chỗ để đặt nhà máy xe Subaru, họ đến vùng này như cái lối người Mỹ sang Ấn Độ. Họ hỏi những câu: “Hãy giành cho chúng tôi những thứ mà chúng tôi muốn? Trình độ văn hóa ở đây ra sao? Chúng tôi có được hưởng ưu đãi về thuế không?” Những người đứng đầu cộng đồng ở đây rất thích được đầu tư, nhưng một số người khác thì chất vấn: “Những tay Nhật Bản là ai vậy mà dám hỏi han về trường lớp của chúng ta?”
Khi những lãnh đạo của Subaru quyết định đặt nhà máy ở Lafayette, có người đã gợi ý nên đổi tên con đường cao tốc trước cổng nhà máy thành “Đường cao tốc Subaru,” để vinh danh công ty Nhật đó đã đến và mang theo nhiều công ăn việc làm. “Nhưng khi tổ chức VFW nghe chuyện đó họ đã làm ầm lên,” Larson giải thích tiếp. “Họ nói rằng không thể đổi tên đường cao tốc đó. Anh có biết đường này có cái tên mang ý nghĩa gì không?” Đường này mang tên Bataan – tên của bán đảo Philippines nơi hàng ngàn lính Mỹ bị giết sau khi họ bị quân Nhật bắt hồi tháng Tư năm 1942.
“Người của Subaru rất nhạy cảm. Họ nói chúng tôi không nên đổi tên đường cao tốc đó,” giáo sư Larson nói. “Từ ngày đó, dân chúng quen dần với những người Nhật, và họ chấp nhận những người này trong cộng đồng. Các quản trị viên người Nhật cùng gia đình thay nhau dọn vào sống trong vùng này. Con cái họ đến trường ở địa phương – trừ ngày thứ bảy, bọn trẻ đến trường riêng để học ôn tiếng Nhật và một phần cũng vì họ nghĩ rằng cách dạy toán của chúng ta không được triệt để cho lắm.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.