Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)
Chương. – 2
Nếu ta thừa nhận, như các sử gia vẫn làm, rằng các vĩ nhân đưa nhân loại đến những mục đích nhất định: hoặc là sự cường thịnh của nước Nga hay nước Pháp, hoặc là thế quân bình của châu Âu, hoặc là việc truyền bá những tư tưởng cách mạng, hoặc là sự tiến bộ chung, hoặc bất cứ cái gì đi nữa, thì ta không thể nào cắt nghĩa các biến cố lịch sử mà không dùng đến hai khái niệm là ngẫu nhiên, và thiên tài.
Nếu mục đích của những cuộc chiến tranh ở châu Âu đầu thế kỷ này là sự cường thịnh của nước Nga, thì dù không có những cuộc chiến tranh trước đó và không có cuộc xâm lăng, mục đích này vẫn có thể đạt được. Nếu mục đích là sự vĩ đại của nước Pháp, thì không cần có Cách mạng và Đế chế mục đích này cũng vần có thể đạt được. Nếu mục đích là truyền bá tư tưởng thì ấn loát còn thực hiện nhiệm vụ ấy có kết quả hơn quân đội nhiều, nếu mục đích là sự tiến bộ của nền văn minh thì có thể giả thiết rất dễ dàng rằng ngoài cách bắn giết và phá huỷ tài sản của người ta, còn có những cách khác hiệu nghiệm hơn nhiều để truyền bá văn minh.
Vậy thì tại sao việc lại xảy ra như vậy chứ không phải xảy ra một cách khác?
Bởi vì nó đã xảy ra như vậy. “Ngẫu nhiên đã tạo ra tình hình kẻ thiên tài đã lợi dụng nó” – Sử học nói như vậy.
Nhưng ngẫu nhiên là gì? Thiên tài là gì? Hai danh từ ngẫu nhiên và thiên tài không chỉ một cái gì thực tế tồn tại chó nên không thể nào định nglĩla được. Những danh từ này chỉ nói lên một trình độ nhất định trong việc hiểu biết các hiện tượng. Tôi không biết tại sao một hiện tượng nào đó lại xảy ra, tôi nghĩ rằng tôi không thể nào biết được, vì vậy tôi không muốn biết, và tôi nói: đó là ngẫu nhiên. Tôi thấy một sức mạnh gây nên một tác dụng vượt hẳn lên trên mọi thuộc tính chung của con người tôi không hiểu tại sao lại như thế, và tôi nói: đó là thiên tài.
Đối với một đàn cừu, thì con cừu mỗi buổi chiều được người chăn cừu đưa đến một cái chuồng riêng và vỗ béo gấp đôi những con khác cần phải xem là một thiên tài. Chiều nào cũng vẫn con cừu ấy không ở trong chuồng chung mà được đưa sang một chuồng riêng để ăn phần yến mạch, rồi đến khi đã béo tốt chính con cừu ấy được đưa ra làm thịt: hai hiện tượng đó phải được xem là một sự phối hợp kỳ lạ của thiên tài với cả một loạt những trường hợp ngẫu nhiên ít có.
Nhưng chỉ cần giống cừu dừng nghĩ rằng tất cả những điều chúng gặp đều xảy ra nhằm mục đích của loài cừu, chỉ cần chúng, cho rằng những điều chúng gặp có thể là những mục đích mà chúng không hiểu nổi, là lập tức chúng sẽ thấy được tính thống nhất và liên quan chặt chẽ trong những điều xảy ra đến với con cừu được vỗ béo. Dù chúng không biết con cừu kia được vỗ cho béo nhằm mục đích gì thì ít nhất chúng cũng sẽ biết rằng tất cả những điều con cừu đã gặp đều phải xảy ra một cách ngẫu nhiên, và cũng sẽ không cần đến khái niệm ngẫu nhiên cũng như khái niệm thiên tài nữa.
Chỉ có cách đừng đi tìm một mục đích gần gũi có thể hiểu được và thừa nhận rằng không thể nào hiểu được mục đích cuối cùng, ta mới thấy được tính chất nhất quán và hợp lí trong đời sống của các nhân vật lịch sử, ta sẽ phát hiện được nguyên nhân sự bất tương xứng giữa hành vi của họ với năng lực của con người nói chung, và chúng ta không cần đến hai danh từ ngẫu nhiên và thiên tài nữa.
Ta chỉ cần thừa nhận rằng mình không biết được mục đích những biến động của các dân tộc châu Âu, mà chỉ biết những hành động tàn sát đã xảy ra thoạt tiên ở Pháp, rồi ở Ý, ở châu Phi, ở Áo, ở Tây Ban Nha, ở Nga, và cuộc vận động từ Tây sang Đông rồi lại từ Đông sang Tây chính là thực chất của những biến cố này, thế là ta không những không cần thấy có gì là phi thường, là thiên tài trong tính cách của Napoléon và của Alekxandr mà còn thấy rõ rằng tất cả những biến cố nhỏ nhất này đều tất yếu.
Một khi đã thừa nhận rằng không sao biết được mục đích cuối cùng, ta sẽ thấy rõ điều này: nếu đã không thể nào tưởng tượng ra rằng một giống cây nào đó có thể có một loài và một thứ hạt giống thích hợp hơn loài hoa và thứ hạt giống mà nó sinh sản ra, thì cũng không thể nào tưởng tượng ra được hai người khác nhau với tất cả những điều họ đã trải qua lại có thể thích hợp như vậy ngay đến từng chi tiết nhỏ nhất, với sứ mệnh mà họ có nhiệm vụ thực hiện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.