Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)

Chương. – 6



Ngày hôm sau từ chập tối quân đội đã tập hợp ở những vị trí ấn định và đến đêm thì xuất phát. Đêm ấy là một đêm thu trời phủ đầy những đám mây màu đen tim tím, nhưng không có mưa. Mặt đất ẩm ướt, nhưng không lầy lội, và các đoàn quân kéo đi không một tiếng động, chỉ thỉnh thoảng mới nghe tiếng lịch kịch của những khẩu pháo. Có lệnh cấm nói to, hút thuốc, châm lửa; phải cố sao cho ngựa khỏi hí. Binh sĩ kéo đi rất vui vẻ. Và đoàn quân dừng lại chụm súng vào nhau và nằm xuống mặt đất lạnh lẽo, cho rằng mình đã đến nơi ấn định; một số khác (đây là số đông) đi suốt đêm và rõ ràng là đã đi quá nơi ấn định.

Chỉ có bá tước Orlov Denixov cùng đi với đội cô-dắc (đó là đơn vị nhỏ nhất) là đến đúng chỗ và đúng lúc. Đội quân này dừng lại ở ven rừng, trên con đường mòn dẫn từ thôn Xtromilovaya đến thôn Dmitrovxkoye.

Lúc tờ mờ đất, bá tước Orlov đang thiu thiu ngủ thì bị đánh thức dậy. Họ đã dẫn đến cho ông một người vừa trốn ở doanh trại quân Pháp ra. Đó là một viên sĩ quan Ba Lan thuộc lữ đoàn Pnyatoxvki. Viên hạ sĩ quan dùng tiếng Ba Lan phân trần rằng hắn ta trốn sang vì bị làm nhục trong quân đội Pháp, lẽ ra hắn phải được thăng lên sĩ quan từ lâu: hắn dũng cảm hơn ai hết; vì vậy hắn đã bỏ đi để trả thù. Hắn nói là Mura nghỉ đêm cách đây một dặm và nếu cho một trăm quân đi theo hắn, hắn sẽ bắt sống được Mura. Bá tước Orlov Denixov liền hội ý với các sĩ quan. Lời đề nghị của viên hạ sĩ quan Ba Lan nghe bùi tai quá, khó lòng mà khước từ được. Mọi người đều tình nguyện xin đi, mọi người đều bàn là nên thử xem.

Sau khi tranh luận và cân nhắc hồi lâu, thiếu tướng Grekov quyết định đem hai trung đoàn cô-dắc đi theo viên hạ sĩ quan.

– Nhưng phải nhớ đấy, – Bá tước Orlov Denixov nói với viên hạ sĩ quan Ba Lan khi từ giã hắn. – Hễ anh nói dối, ta sẽ cho treo cổ anh lên như một con chó, còn nếu anh nói thật, ta sẽ thưởng cho anh một trăm tiền vàng.

Viên hạ sĩ quan, vẻ quả quyết, không trả lời, lên yên và cùng đi với Grekov bấy giờ vừa sửa soạn xong. Họ mất hút vào trong rừng.

Bá tước Orlov, người co ro vì khí lạnh của buổi ban mai đang hửng sáng, lòng hồi hộp vì vừa gánh lấy một trách nhiệm nặng nề, bước ra khỏi rừng sau khi tiễn Grekov đi, và bắt đầu xem xét doanh trại quân địch bấy giờ hiện ra mờ ảo trong ánh sáng rạng đông mới hửng và ánh lửa trại đang lụi dần. Ở bên phải bá tước Orlov Denixov là một sườn đồi trống trải: các đạo quân của ta sẽ xuất hiện trên sườn đồi này. Bá tước Orlov nhìn về phía ấy, nhưng vẫn không thấy gì; nếu họ đến, thì từ xa đã có thể trông thấy rõ rồi.

Trong doanh trại Pháp, bá tước Orlov Denixov thoạt trông như bắt đầu có động, như là sau khi nghe lời viên sĩ quan phụ tá rất tinh mắt của ông ta.

– Ồ đúng thật, muộn quá! – Bá tước Orlov nói trong khi nhìn về phía doanh trại Pháp. Cũng như ta vẫn thường thấy khi người mà ta tin cậy không còn ở trước mặt ta nữa, bá tước Orlov bỗng thấy rõ rệt như một điều hết sức hiển nhiên rằng viên hạ sĩ quan kia là một tên lừa bịp, rằng hắn ta chỉ nói láo, và cuộc tấn công sẽ hỏng hết vì thiếu hai trung đoàn kia, nó bị dẫn đi đâu đó có trời mới biết được. Giữa một đám quân dày đặc như thế kia thì làm thế nào mà tóm được tổng tư lệnh của chúng?

– Đúng là hắn nói láo, cái thằng chó chết ấy, – Bá tước nói.

– Có thể gọi họ quay trở lại, – Một người trong đám tuỳ tùng nói.

Cũng như bá tước Orlov, người này thấy nghi ngại cho kết quả cuộc mưu sự vừa rồi khi nhìn doanh trại của quân Pháp.

– Hả? Thật à? Ông thấy thế nào? Hay là cứ để họ đi? Hay là bảo họ quay lại?

– Ngài ra lệnh cho quay lại ạ?

– Cho quay lại, quay lại, – Bá tước Orlov đột nhiên chuyển sang giọng dứt khoát, mắt nhìn đồng hồ. – Muộn mất, sáng hẳn rồi còn gì.

Viên sĩ quan phụ tá liền phi ngựa vào rừng đuổi theo Grekov.

Khi Grekov trở lại bá tước Orlov Denixov bị khích động vì cuộc mưu sự bất thành vừa qua, vì đợi các đạo bộ binh mãi mà chẳng thấy họ đâu và vì thấy quân địch gần quá (tất cả các binh sĩ trong quân đội của ông đều có những cảm giác đó) họ liền ra lệnh tấn công.

Ông thì thào ra lệnh:

– Lên yên! – Binh sĩ sắp thành hàng ngũ, làm dấu thánh giá.

– Gửi Chúa!

– Ura. – A. – A. – A! – Tiếng hô vang dội cả khu rừng, và như từ trong một cái bị trút ra, những kỵ binh đội cô-dắc lần lượt phóng ngựa lao qua suối chĩa giáo về phía trước, vui vẻ lao về phía doanh trại quân địch.

Người lính Pháp trông thấy quân cô-dắc trước tiên hoảng hốt rú lên một tiếng thất thanh, và tất cả lính nhốn nháo lên, bọn lính Pháp, còn đang ngái ngủ, mình chưa mặc áo, hối hả vứt hết đại bác, súng trường, ngựa trận bỏ chạy toán loạn.

Giả sử quân cô-dắc, khi truy kích quân Pháp, không để ý đến những gì ở sau lưng và ở xung quanh họ thì họ sẽ bắt được cả Mura và tất cả bọn tướng tá ở đấy, đúng như các vị chỉ huy mong muốn. Nhưng không thể nào thúc cho quân cô-dắc tiến lên được khi họ đã mải mê với chiến lợi phẩm và tù binh. Không ai thèm nghe mệnh lệnh. Quân ta bắt ngay tại trận một nghìn năm trăm tù binh, ba mươi tám khẩu đại bác, mấy lá cờ và – và cái này đối với quân cô-dắc mới là quan trọng hơn cả – Nhiều ngựa, yên ngựa,, chăn mền và những đồ đạc linh tinh khác. Phải thu xếp tất cả những thứ này, phải tập hợp tù binh, đại bác lại, phải chia chiến lợi phẩm, phải cãi nhau, thậm chí phải đánh nhau nữa: quân cô-dắc làm đủ các việc đó.

Quân Pháp không bị truy kích nữa liền định thần lại, tập hợp thành từng đội nhỏ và bắt đầu bắn. Orlov Denixov còn chờ các đạo quân khác đến nên không tiếp tục tấn công.

Trong khi đó các đạo bộ binh do Benrigxen chỉ huy và Toll điều động đã xuất phát đúng theo kế hoạch tác chiến: “Đạo quân thứ nhất tiến”, và cũng như thường lệ, đã đến một nơi nào đó, nhưng không phải là nơi đã ấn định cho họ. Xưa nay vẫn thế, binh sĩ khi ra đi thì vui vẻ nhưng bây giờ thì bắt đầu dừng lại xì xào bất mãn; binh sĩ đã đoán ra là có sự lầm lẫn gì đấy và họ đang đi giật lùi đến một nơi nào không rõ. Các sĩ quan phụ tá và các tướng soái phi ngựa tứ tung, quát tháo, nổi giận, cãi nhau nói rằng quyết không phải chỗ này, rằng bây giờ đã muộn quá, chửi bới ai không rõ, v.v…, rồi cuối cùng mọi người đều buông xuôi để mặc cho cơ sự muốn ra sao thì ra, và đoàn quân lại kéo đi chỉ để cho có đi mà thôi. “Rồi cũng phải đến một nơi nào chứ! Và quả nhiên họ đã đến, nhưng không phải đến nơi đã định, hoặc giả một số người cũng đến được đúng nơi đã định, nhưng muộn đến nỗi dù có đến cũng chẳng có ích lợi gì chẳng qua chỉ để cho người ta bắn vào mình mà thôi. Toll, trong trận này vốn đóng vai trò của Vairother ở Auxterlix, chăm chỉ phi ngựa từ chỗ này đến chỗ khác và đến đâu cũng thấy mọi việc bị đảo lộn lung tung cả lên. Chẳng hạn ông ta đang phi ngựa trong rừng bỗng gặp phải quân đoàn của Bargovut lúc trời đã sáng rõ, nghĩa là lúc mà lẽ ra Bargovut phải đến chỗ Orlov Denixov bố trí từ lâu.

Lòng lo lắng buồn rầu vì thất bại, và nghĩ rằng phải tìm cho ra kẻ đã gây ra cơ sự này, Toll phi ngựa đến gặp viên tướng chỉ huy quân đoàn và lên tiếng quở mắng ông ta một cách khắc nghiệt, bảo là phải xử bắn ông ta mới đáng. Bargovut, một viên tướng già thiện chiến, bình tĩnh, bấy giờ cũng đã lộn ruột lên vì những lúc dừng lại đợi vì tình trạng rối ren, vì những mệnh lệnh mâu thuẫn nhau, liền nổi khùng lên và trái hẳn với tính tình xưa nay của ông ta, lớn tiếng mắng nhiếc Toll, khiến cho mọi người phải ngạc nhiên.

– Tôi không cần ai dạy khôn hết. Tôi cũng biết chết với lính của tôi không kém ai, – Ông ta nói và đem một sư đoàn tiến lên phía trước.

Bargovut, là người gan dạ nhưng lúc bấy giờ quá xúc động, tiến thẳng ra chiến trường, không hề suy nghĩ xem bây giờ xung trận với một sư đoàn đơn độc như vậy có ích lợi gì không, và cho quân đi dưới làn đạn. Sự nguy hiểm, đạn đại bác và đạn súng trường chính là những thứ cần thiết cho ông ta trong tâm trạng tức giận này. Một trong những viên đạn đầu tiên bắn ông ta chết, những viên đạn sau giết rất nhiều quân lính. Và trong một thời gian sư đoàn của ông ta phải chịu đựng hỏa lực của địch một cách vô ích.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.