Chúc Một Ngày Tốt Lành
19-23.
19
Bà Đỏ chạy vụt vào nhà.
Không thấy thằng con đâu, bà lại phóng ngược ra vườn.
So với tuổi của bà, không ai nghĩ bà có thể chạy nhanh đến vậy. Chân gần như không chạm đất, bà bay quanh vạt đậu bắp bốn vòng, lượn ngang vườn cải sáu vòng, cuối cùng chiếc hỏa tiễn trong hình dáng bà Đỏ đáp xuống chỗ gốc mít, nơi thằng con bà đang ngồi chơi với đám gà con.
– Con… con… nè… – Bà Đỏ nói, như hụt hơi. Thằng Cu giương mắt nhìn mẹ thay cho câu hỏi. Bà Đỏ lay vai thằng con, mặt vẫn còn tái mét:
– Con… con biết gì không? Mẹ vừa… vừa… nói chuyện với thằng Lọ Nồi. Bà đưa tay vuốt ngực, vẫn còn phập phồng dưới lớp áo:
– Mẹ hỏi, và nó trả lời. Rồi nó hỏi, và mẹ trả lời…
Sau khi chắp nối câu chuyện đứt khúc của mẹ nó (vì những tiếng thở hổn hển xen ngang bất tận), thằng
Cu toét miệng cười:
– Mẹ ơi! Con đã trò chuyện với tụi nó mấy hôm nay rồi.
Trước vẻ mặt ngẩn ra của mẹ nó, thằng Cu quay về phía lũ chíp hôi, vui vẻ “Ăng gô gô”:
– Chúc một ngày tốt lành!
Cả chục con gà con đồng loạt ngước mỏ lên ríu rít “Chiếp chiếp gô”:
– Cảm ơn!
Trong một phút, bà Đỏ cảm giác đầu óc mình biến thành một món thịt băm.
Ngay lúc đó bà Đỏ không biết bà sẽ còn thấy đầu mình kêu ong ong thêm nhiều lần nữa khi thằng Cu và lũ nhóc trong vườn tiếp tục cộng tác với nhau sáng chế thêm nhiều mẫu câu mới, đa dạng, phong phú, hoàn toàn có thể dùng để biên soạn một cuốn cẩm nang ngoại ngữ kiểu như Sổ tay hội thoại hằng ngày hay 500 câu thường dùng khi đi du lịch.
Bà Đỏ không ở trong số những người phụ nữ dễ xao lòng nhưng kể từ ngày bọn nhóc trong vườn bày những trò quỷ quái, bà đành phải cầu viện đến đức tin như một đồn lũy tinh thần để nương náu và để giúp bà không lăn ra xỉu khi thực tiễn cuộc sống đột ngột có những điều vượt xa những trải nghiệm thông thường.
Cho dù như vậy, khi thằng Cu đổ cám vào máng, nhìn lũ heo ngốn ngấu quét sạch thức ăn bằng những cú táp quá khích rồi hỏi “Ăn nữa không?” để nghe lũ heo con ngước mõm trả lời “Nữa”, tất nhiên bằng thứ ngôn ngữ pha trộn giữa “ăng ẳng”, “chiêm chiếp”, “gâu gâu” và “ủn ỉn”, bà vẫn kinh ngạc đến mức quên cả mình là ai, đang ở đâu.
Tất nhiên, từng ngày một, bà cũng học được cách làm quen với thực tiễn đó, thậm chí thấy thích thú khi trò chuyện được với đám vật nuôi.
Nếu trình bày theo sách hướng dẫn thực hành giao tiếp thì các cuộc trò chuyện đó diễn ra như thế này.
* Bài 1:
Bà Đỏ và thằng Mõm Ngắn:
– Con khỏe không?
– Cảm ơn bà. Con khỏe. Bà khỏe không?
– Cảm ơn con. Bà khỏe.
* Bài 2:
Bà Đỏ và lũ gà con:
– Tụi con đói không?
– Cảm ơn bà. Tụi con no rồi. Bà đói không?
– Cảm ơn. Bà cũng no rồi.
* Bài 3:
Bà Đỏ và lũ heo con:
– Chúc tụi con ngủ ngon.
– Cảm ơn bà. Chúc bà ngủ ngon.
20
Cuốn sổ tay hội thoại do thằng Cu và thằng Lọ Nồi hợp tác biên soạn ngày càng dày lên thì hũ gạo trong nhà bà Đỏ ngày càng xẹp xuống.
Mỗi lần đong gạo thổi cơm, bà Đỏ thường gặp nỗi băn khoăn trong lòng mình nhưng vì dạo này niềm vui được trò chuyện với các vật nuôi đang đứng cao hơn nỗi lo lắng về kinh tế nên bà vẫn chưa đặt mình vào tình trạng báo động.
Có đôi lúc bà nghĩ đến ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư – những người đã ủng hộ bà ngay từ những ngày đầu đặt chân đến khu vườn trại nhưng ngay lập tức bà kịp nghĩ đến ông an ninh, người có vẻ không thiện cảm lắm với các con vật của bà, thế là ý định loan báo câu chuyện mới mẻ đến mọi người liền tắt ngóm.
Bằng trực giác, bà cảm thấy câu chuyện lần này khác xa câu chuyện lần trước. Hiển nhiên với hai mẹ con bà thì đây là một câu chuyện thần tiên, nhưng với cách suy nghĩ của ông an ninh thì việc con người con vật có thể chuyện trò, lại bằng thứ ngôn ngữ bí hiểm, điều đó có thể gây khó khăn cho mạng lưới kiểm soát, thậm chí nó còn làm rối bời cuộc đời ông.
Bà Đỏ cố giấu nhẹm mọi thứ, hằng ngày lén lút thưởng thức niềm vui được quây chặt giữa bốn hàng giậu.
Bí mật của bà chỉ bị phát hiện vào cái ngày bà đang trò chuyện với thằng Đuôi Xoăn ở dưới giàn su su bỗng nghe tiếng gọi khẽ từ bên ngoài hàng rào:
– Chị… chị…
Bà Đỏ giật bắn người, nhớn nhác quay mặt về phía tiếng gọi. Bà không giấu được vẻ hoảng hốt khi trông thấy bà Hai Nhành, không hiểu tại sao lại thò đầu ra giữa các đám lá vào đúng lúc này.
Tất nhiên bà Hai Nhành không đủ bình tĩnh để nhận ra sự biến sắc của bà chủ nhà vì mặt bà trông còn khó coi hơn. Mắt trợn lên, gò má giần giật, miệng bà há to đến nỗi bà Đỏ có thể nhìn thấy rõ lưỡi gà trong cuống họng.
– Chị… chị… – bà hai Nhành tiếp tục cà lăm khi bà Đỏ tiến về phía hàng rào.
Bà Đỏ tất nhiên cũng cà lăm, mặc dù bà cố tin người hàng xóm chưa trông thấy gì:
– Chị… đi… đâu đây?
Bà Hai Nhành không nhìn vào bà Đỏ, đôi mắt thất thần tiếp tục dán chặt vào thằng Đuôi Xoăn đang sục sạo vạt đất chỗ giàn su su, lắp bắp:
– Chị vừa… vừa… trò chuyện với con heo kia à?
– Không, không! Làm gì có! – Bà Đỏ hấp tấp chối biến. Bà lắc đầu mạnh đến mức có cảm giác cái đầu sắp văng ra khỏi cổ.
– Có mà! – Bà Hai Nhành khăng khăng.
– Tôi đã bảo là không có.
Bà Đỏ bất ngờ lớn tiếng, giọng quyết liệt như thể bà đang cực lực phủ nhận đã lừa bán cho bà Hai Nhành một món hàng second – hand quá tệ.
Bà Hai Nhành không cãi nữa. Bà kéo tay bà Đỏ để hai bà có thể nhìn thẳng vào mắt nhau ở khoảng cách gần và từ bên kia hàng giậu, bà hạ giọng thì thào:
– Chị đừng lo. Tôi không nói với ai đâu. Chị nói thật với tôi đi.
Bà Hai Nhành nói như dỗ dành. Nhưng bà Đỏ nhất quyết không để mình bị mê hoặc.
– Nói thật chuyện gì? – Bà tiếp tục giả ngây, rất gần với cách bà đã dùng để đối phó với ba mẹ cách đây ba mươi năm khi bà cố giấu chuyện bà đã làm vỡ chiếc lọ hoa đặt trên đầu tủ.
– Chị đừng có dối tôi. – Giọng bà Hai Nhành vẫn du dương nhưng đã phảng phất đe dọa – Tôi đứng đây khá lâu, đã thấy chị và con heo con nói qua nói lại hàng buổi.
Bà Đỏ đánh hơi được nguy hiểm, nhưng lời phân bua vụng về của bà chi chít những lỗ hổng:
– Chỉ là nói chơi thôi mà.
Trông bà như người cố giấu một con bò đằng sau lưng nhưng sừng và đuôi bò lòi cả ra ngoài.
Chỉ đợi có vậy, bà Hai Nhành chồm sát hàng rào, giọng sung sướng:
– Nói chơi, tức là vẫn có nói, đúng không?
21
Hôm đó, bà Hai Nhành trở thành người thứ ba sau mẹ con bà Đỏ có khả năng trò chuyện với các vật nuôi.
Bà say sưa thực hành các bài tập ngôn ngữ bên vườn cà đến mức quên cả giờ giấc.
Nếu dạ dày không đột ngột bị đánh thức, bà sẵn sàng bỏ hết công chuyện để ở lì trong vườn nhà bà Đỏ đến tối mịt để trải nghiệm điều mà bà tin là thú vị nhất trong cuộc đời bà.
Trước khi ra về, bà một lần nữa trấn an bà Đỏ rằng không ai trên đời có khả năng giữ bí mật giỏi bằng mình và ngay ngày hôm sau, bà dắt ông Sáu Thơm đến bên ngoài hàng rào thập thò lén lút nhìn vô.
Bà Đỏ tất nhiên tin bà Hai Nhành, nhưng thằng con bà dù chỉ là thằng nhóc mười ba tuổi đã tỏ vẻ rất hiểu thế nào là phụ nữ. Nó không tin một người đàn bà có thể nhốt bí mật trong lòng mà không làm cho bí mật đó cựa quậy và cuối cùng mặc cho nó sổng ra.
Ngay khi bà Hai Nhành ra về, nó đã cùng thằng Lọ Nồi bổ sung vào từ điển một loạt từ mới:
– Có người rình.
– Ai thế?
– Bọn trộm.
– Các nhà báo.
– Bà Hai Nhành.
– Ông Sáu Thơm.
– Ông an ninh.
– …
– …
Đó là lý do bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm suýt chút nữa ngã lăn ra đất khi cả hai vừa mon men đến bên hàng giậu đã nghe thằng Cu bất thần lên tiếng:
– Mời cô Hai và bác Sáu vào nhà chơi!
Cũng như bà Hai Nhành hôm qua, ông Sáu Thơm được thằng Cu chỉ vẽ tận tình thứ ngôn ngữ mới. Người nông dân chân lấm tay bùn này không phải được sinh ra để học ngoại ngữ: chắc chắn ông không thể nhét vào đầu bất cứ một từ tiếng Anh hay tiếng Ý nào và cũng không đủ dạn dĩ và tự tin để giao tiếp với người ngoại quốc. Nhưng trò chuyện với chó heo gà thì lại khác. Cũng như ông, những vật nuôi được sinh ra từ ruộng vườn và cho ruộng vườn nên khi trò chuyện với chúng, ông có cảm giác đang chào hỏi những người bạn thân.
Cho đến khi ra về thì ông Sáu Thơm đã nhớ được rất nhiều mẫu câu và ông nảy ra ý định ôn luyện thứ ngôn ngữ lạ lẫm nhưng vô cùng lý thú này bằng cách quay sang người bạn đồng hành, bập bẹ:
– Chiếp… un… un?
Bà Hai Nhành tròn mắt nhìn ông Sáu Thơm, ngơ ngác mất một lúc. Đến khi hiểu ra ông này định hỏi gì, bà lập tức tươi ngay nét mặt và hào hứng đáp trả:
– Un un. Chiếp un un? Ông Sáu Thơm khoái quá:
– Un un.
Ông khoái đến mức sau khi lục lọi vốn ngoại ngữ vừa học được, không tìm thấy câu gì thích hợp, bèn nói đại:
– Un gô gô .
Mặc dù được ông Sáu Thơm chúc ngủ ngon ngay khi mặt trời còn lơ lửng trên ngọn tre, bà Hai Nhành vẫn vui vẻ “cảm ơn”:
– Chiếp chiếp gô.
22
Lần này được bà Đỏ dặn dò lỹ lưỡng, bà Hai Nhành quyết giữ kín câu chuyện kỳ lạ trong vườn. Hơn nữa, bây giờ bên cạnh bà đã có ông Sáu Thơm. Có thêm một người chia sẻ, bí mật trong lòng bà không còn gào thét nữa.
Khi gặp nhau trước cổng nhà hay trên đường làng, hai người tủm tỉm chào nhau và hỏi thăm sức khỏe bằng những tiếng “chiếp chiếp, gô gô, un un” là một thú vui mới, tao nhã và sành điệu.
Bà Đỏ và thằng con bà cũng nhanh chóng tham gia vào trò chơi này khi bất chợt đụng đầu bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm dưới gốc đa đầu làng hay trong góc chợ, thấy hai người gật đầu rạng rỡ chào:
– Ăng gô gô!
Mẹ con bà Đỏ cũng chúc lại bọn họ một ngày tốt lành bằng mẫu câu toàn ủn ỉn gâu gâu đó.
Dĩ nhiên, cây kim ngôn ngữ giấu trong bọc đến một ngày cũng lòi ra. Người làng bắt đầu tò mò về những lời đối đáp kỳ lạ họ thỉnh thoảng nghe được giữa bà Hai Nhành, ông Sáu Thơm và mẹ con bà Đỏ.
Đến khi có năm người buổi sáng, bảy người buổi trưa và chín người buổi tối chặn đường để tìm hiểu cho bằng được bọn họ đã nói với nhau những gì, bà Đỏ buộc lòng phải giải thích cho những người hiếu kỳ ý nghĩa của thứ ngôn ngữ mà bà đang dùng. Đại khái lúc đó trông bà giống một giáo viên Anh ngữ đang giảng giải cho các học trò sơ cấp “Good morning” nghĩa là gì, “Thank you” ý tứ ra làm sao và sử dụng trong trường hợp nào. Về nguồn gốc bí ẩn của thứ ngôn ngữ này, hiển nhiên bà giấu biến và nói chung cũng chẳng ai thắc mắc.
Trong khi thứ ngôn ngữ do thằng Lọ Nồi sáng tạo đang lan ra khắp các ngõ ngách và có khả năng biến thành một ngôn ngữ thứ hai được sử dụng phổ biến bên cạnh tiếng mẹ đẻ thì một ngày nọ chú heo con nghịch ngợm tình cờ chui ra khỏi khu vườn qua một lỗ hổng ở chân rào.
Đó là một khoảnh khắc nằm giữa buổi sáng và buổi trưa, mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn tre và những quả su su còn ngái ngủ trên giàn. Trong khi lang thang trong nắng, thằng Lọ Nồi nhận ra ở cánh đồng bên ngoài có rất nhiều hoa đẹp và rất nhiều hương thơm.
Nó mê mải dạo chơi trên đồng cỏ, thích thú quay mõm về các hướng để hít thở mùi vị của lá, của cỏ, của hoa dại. Nó phóng những quãng ngắn, dừng lại, rồi phóng những quãng xa hơn – như những vận động viên tập môn chạy băng đồng.
Chỉ vài cú phóng như vậy, thằng Lọ Nồi đã đến sát hàng rào nhà hàng xóm.
Và trong khi đứng thở hồng hộc dưới bóng lá, nó bất chợt nhìn thấy nàng.
Chưa bao giờ nó thấy một nàng heo nào đẹp đến thế. Nàng trạc tuổi nó, toàn thân trắng hồng, rèm mi như tơ nõn mỗi khi nàng chớp mắt, đặc biệt cổ nàng đeo một chiếc nơ đỏ. Mỗi khi nàng thong thả cất bước bên kia hàng rào, trông nàng mới uyển chuyển làm sao. Chiếc nơ đỏ rung rung theo từng bước chân khiến Lọ Nồi ngẩn ngơ nhìn. Nó có cảm giác mỗi bước đi của nàng làm nở một bông hoa.
Lọ Nồi dùng mõm rứt một chiếc lá dâm bụt trên hàng giậu, xao xuyến nhai. Chỉ để trấn áp cảm giác hồi hộp – thứ cảm giác lần đầu tiên nó bắt gặp trong đời.
Nàng heo rời vạt rau tần để đi về phía hàng rào. Nàng thơ thẩn dạo chơi, không biết có một chàng heo đang lặng lẽ ngắm mình qua kẽ lá.
Lọ Nồi nghe rất rõ tiếng đập của trái tim trong ngực mình khi nàng sắp đi ngang qua chỗ nó.
Nó lúng túng nằm bẹp xuống cỏ, mượn hơi đất ẩm để làm dịu đi nỗi rộn ràng trong lòng mình.
– Đeo Nơ! Em ở đâu thế?
Lọ Nồi giật bắn mình khi tiếng một cô gái thình lình vẳng tới, suýt chút nữa nó đã bỏ chạy.
Nó cựa quậy vai và hông, cố dán mình sâu hơn vào trong cỏ.
– Nàng tên là Đeo Nơ! – Lọ Nồi thì thầm với chính mình – Cái tên đẹp quá! Có lẽ không có cái tên nào xứng đáng hơn với nàng.
Nằm yên một lát, không thấy bóng người nào xuất hiện, Lọ Nồi dần trấn tĩnh. Nó khẽ nhỏm người dậy trên bốn chân, rón rén thò đầu qua hàng rào, đảo mắt tìm kiếm.
Vẫn chẳng có ai trong vườn.
Chỉ nàng Đeo Nơ đang tròn mắt ra nhìn nó. Trông mặt nàng như thể nó là chú heo đến từ hành tinh khác.
– Ối! – Đeo Nơ ngạc nhiên kêu lên.
Lọ Nồi không ngờ Đeo Nơ đứng ngay sau hàng giậu, lại đang quay mặt về phía mình.
Bất ngờ quá, nó cũng nghệt mặt ra nhìn nàng, bụng dạ rối bời. Ở khoảng cách gần, đôi má nàng hồng như tráng men, hông nàng thon thả như được gió và ánh sáng vuốt dài ra, nom nàng duyên dáng như vừa bước ra từ một bức tranh mùa xuân.
Phải mất đến một phút, Lọ Nồi mới tìm lại được tiếng nói. Nó hít vào một hơi, cố tỏ ra là một chú heo dễ thương và lịch sự:
– Un un gô – gô un un!
Nàng nhìn sững nó, ngỡ ngàng:
– Bạn nói tiếng gì thế?
– À không, tôi muốn gửi lời chào buổi sáng. – Lọ Nồi lúng túng đáp, muốn đưa chân trước lên bẹo tai mình một cái quá nhưng không dám.
– Bạn từ đâu đến đây?
– Tôi ở khu vườn đằng kia.
Lọ Nồi ngoái cổ ra sau, định chỉ cho Đeo Nơ chỗ ở của mình nhưng chợt nhớ nàng đang đứng khuất sau hàng giậu nó đành bỏ ý định đó.
– Tên bạn đẹp quá! – Lọ Nồi tấm tắc, vì hồn nhiên hơn là can đảm.
– Cô chủ đặt cho mình đó. – Đeo Nơ bẽn lẽn đáp, rồi nó hỏi, rất nhanh, như để khỏa lấp sự ngượng ngùng – Còn bạn tên gì?
– Tên tôi á?
Lọ Nồi lộ vẻ bối rối, nó không nghĩ Đeo Nơ sẽ hỏi tên nó, mặc dù một chú heo thông minh như nó lẽ ra phải lường trước điều đó.
Dường như đứng trước một giai nhân, các chàng trai (là heo hay là người thì cũng thế!) thường khổ sở nhận ra trí thông minh của mình đột ngột rơi đâu mất.
23
Lọ Nồi thừ mặt ra mất một lúc. Từ trước tới nay, nó chẳng bao giờ quan tâm đến tên của mình. Cậu chủ đặt tên gì, nó vui vẻ chấp nhận tên đó, không hề nghĩ ngợi.
Nhưng bây giờ thì nó đau khổ phát hiện ra nó đang sở hữu một cái tên quá xấu xí. Tên Lọ Nồi đứng cạnh tên Đeo Nơ chẳng khác nào một kẻ bần hàn thô lỗ đứng cạnh một tiểu thư quý phái thanh cao.
– Tôi tên là… là… – Lọ Nồi lắp bắp, cái lưỡi như thụt đi đâu mất.
– Bạn sao thế? – Đeo Nơ chớp đôi mi dài óng ả, sửng sốt – Tên bạn mà bạn cũng không nhớ à?
– Nhớ chứ! – Lọ Nồi quyết định nói dối – Tôi tên là… là… Nắng Vàng.
– Ôi, tên bạn thật là thơ mộng! – Đeo Nơ reo lên. Cánh mũi Lọ Nồi phập phồng vì sung sướng:
– Chiếp chiếp gô!
– Sao ạ? – Đeo Nơ nhướn mắt, hôm nay người bạn mới làm nó kinh ngạc không biết bao nhiêu là lần. Lần thứ hai trong vòng năm phút Lọ Nồi nhận ra sai lầm của mình. Nó cào chân lên cỏ, lúng túng:
– À… à… tôi muốn nói là… tôi cảm ơn lời khen của bạn.
Lọ Nồi là một chú heo nghịch ngợm nhưng chân thật. Xưa nay nó chưa bao giờ nói dối. Đây là lần đầu tiên, và nó không ngờ nói dối lại hay ho đến thế.
Đang lâng lâng, nó chợt lạnh toát sống lưng khi nghe tiếng cậu chủ gióng giả vẳng tới từ phía sau:
– Lọ Nồi ới ời! Mày đang ở đâu thế?
Thằng Cu vừa gọi vừa khua chân dọc cánh đồng cỏ, chốc chốc lại khum tay lên miệng gọi lớn:
– Lọ Nồi ơi! Lọ Nồi à!
Nhìn người bạn mới cựa quậy vẻ bồn chồn, Đeo Nơ tò mò:
– Cậu chủ của bạn đang tìm bạn phải không?
– Ờ.
– Thế ra bạn tên là Lọ Nồi? – Nàng heo ngẩn ra.
– Ờ… ờ…
Lọ Nồi ngọng nghịu, hai tai thốt nhiên nóng bừng, trong khoảnh khắc đó nó ước giá mà nó có thể hóa thành vô hình.
Lúc này thằng Cu vừa đến chỗ hàng giậu và đã nhìn thấy chú heo của mình:
– À, thì ra mày ở đây!
Lọ Nồi chộp ngay lấy vận may. Nó ủn ỉn ý nói “tôi đây” và hấp tấp chạy lại phía cậu chủ.
Cậu chủ sẽ lùa nó về nhà, sẽ kéo nó ra khỏi tình huống tồi tệ nhất nó từng gặp phải trong đời.
Khi nhủ bụng như vậy, Lọ Nồi không ngờ chủ nó cứ neo chân tại chỗ, mắt nhìn chăm chăm vào khu vườn.
Cái mỏ neo có hình thù một cô bé mười hai tuổi, tóc ngắn ngang vai, mặc áo màu nõn chuối đang bước ra từ ngách cửa phủ đầy hoa giấy đỏ tươi.
– Em đang làm gì đó, Đeo Nơ? – Cô bé reo lên khi nhìn thấy Đeo Nơ cạnh hàng rào.
Đang bước thoăn thoắt về phía nàng heo, cô nhác thấy bóng người thấp thoáng bên kia hàng giậu, liền đứng lại:
– Ai đang thập thò ngoài đó? Tính ăn trộm gì nhà tôi phải không?
Thằng Cu như người bị giội nước lạnh. Đang ở trên mây, nó rơi một lèo xuống đất (còn lăn thêm vài vòng), trong một thoáng nó bỗng ngọng líu lo y như con heo của mình:
– Ơ… ơ…
– “Ơ” gì mà “ơ”!
Cô bé vừa nói vừa tiến lại phía hàng rào.
– A, tôi biết anh rồi! Anh là anh Cu, con bác Đỏ.
Nếu thằng Lọ Nồi xấu hổ về cái tên của mình như thế nào thì chủ của nó còn xấu hổ về cái tên của mình gấp mười lần hơn thế.
Thằng Cu ấp úng, mặt đỏ nhừ:
– Đó là tên mẹ tôi gọi ở nhà, còn tên đi học…
Cô bé có vẻ thờ ơ với cái tên trên giấy tờ của thằng Cu. Nó ngắt lời:
– Các vật nuôi nhà anh không còn con này kêu tiếng con kia nữa à?
– Ờ.
Thằng Cu ngượng nghịu đáp, vẫn chưa nhận ra cô bé trước mặt là ai.
Nó chẳng lạ gì bà Tươi. Bà Tươi sống bằng nghề nuôi bò cày để cho thuê. Bà không có con, trong nhà quanh quẩn chỉ hai vợ chồng, không hiểu cô bé này ở đâu ra.
Như đọc được thắc mắc qua vẻ lóng ngóng của người bạn mới, cô bé nhoẻn miệng cười:
– Tôi là Hà, cháu bác Tươi.
– Chắc bạn ở thành phố về nghỉ hè?
Thằng Cu ngập ngừng hỏi, nó nghĩ chỉ có con gái thành phố mới trắng trẻo và mồm miệng nhanh nhẩu như thế.
Nhỏ Hà gật đầu, không nói đúng hay sai, chỉ hỏi:
– Anh đi đâu đây?
– Tôi đi tìm con heo bị sổng sáng nay.
Thằng Cu đinh ninh nhỏ Hà sẽ hỏi han con heo đó trông như thế nào, anh đã tìm được chưa hay điều gì đại loại như vậy hoặc hơn vậy (ví dụ “để tôi đi tìm cùng anh nhé”), nào ngờ cô bé nhún vai:
– Vậy anh Cu đi tìm đi nhé!
Nhỏ Hà buông một câu hờ hững, rồi cúi xuống âu yếm gãi lên lưng con Đeo Nơ:
– Trời nắng rồi đó, vào nhà đi em!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.