Chúc Một Ngày Tốt Lành

Chương 2: Cứ gõ, cửa sẽ mở. 15-18



15

Trước đây, chuyện con này kêu tiếng con kia làm bà Đỏ chột dạ bao nhiêu thì bây giờ chuyện con gà kêu chiêm chiếp, con heo kêu ủn ỉn, con chó sủa gâu gâu hay kêu ăng ẳng lại khiến bà lo lắng bấy nhiêu.

– Nguy to rồi con à. – Bà trút nỗi niềm lên thằng Cu – Đã ba ngày nay, bầy gà lại kêu tiếng gà, lũ chó sủa tiếng chó…

Thằng Cu tặc lưỡi:

– Có lẽ chúng thèm kêu tiếng mẹ đẻ. Giống như người Việt đi xa, suốt ngày nói tiếng Anh, đến một lúc thèm nói tiếng Việt vậy mà.

– Thế… thế bao giờ chúng mới… nói tiếng Anh trở lại?

Bà Đỏ nhìn thằng con bằng ánh mắt kỳ vọng như nhìn chiếc phao cứu sinh, vì quá thấp thỏm bà không nhận ra sự hoạt kê trong thắc mắc của mình.

Vẫn với phong cách xưa nay, thằng Cu trả lời tỉnh bơ như thể nó biết hết mọi thứ:

– Nửa tháng nữa.

Bà Đỏ không biết thằng con bà căn cứ vào đâu để đưa ra thời hạn nửa tháng, nhưng nếu không tin nó bà cũng chẳng biết tin ai và tin vào điều gì trong thời khắc nước sôi lửa bỏng này.

Khách tham quan đã bắt đầu phản ứng khi bỏ tiền mua vé chỉ để vào xem gà kêu như gà, chó sủa như chó, heo ụt ịt như heo.

– Lũ gà này kêu như mấy con gà nhà tôi chứ khác gì đâu!

– Con cún nào mà chẳng sủa gâu gâu!

– Ủn ỉn như lũ heo nhà này thì ngay cả con bé giúp việc nhà tôi cũng làm được!

Các nhà báo lại ùn ùn kéo tới để một lần nữa ngạc nhiên, lần này theo hướng ngược lại, rồi tiu nghỉu ra về.

Bà Đỏ ngày nào lo ngay ngáy vì sự khác thường của các con vật nuôi, bây giờ lại nơm nớp khi heo trở lại là heo, chó tìm về tiếng chó, gà hiện nguyên hình là gà.

Những tấm panô tràn ngập hình ảnh kèm theo những câu quảng cáo đầy thu hút cắm chi chít dọc lối đi từ đường liên tỉnh vào nhà bà Đỏ đã được hấp tấp tháo xuống.

Đường làng vắng người đi, cỏ bắt đầu um tùm, thậm chí vài nách lá chúm chím ra hoa.

Kho bạc xã, huyện, tỉnh thưa dần tiếng đóng mở.

Ông thuế vụ bữa trước hăng hái lên án sự lộn xộn của lũ súc vật hôm nay chỉ cầu cho gia súc và gia cầm ê a lẫn lộn để ngành thuế có thể ngước mặt nhìn đời.

Ông động vật hoang dã tập hợp các nhà động vật học, sinh học, các bác sĩ thú y, vào phút chót có thêm sự hiện diện của các nhà ngôn ngữ học và tâm lý học, tất cả các bậc trí thức lỗi lạc đó ở lì trong vườn nhà bà Đỏ suốt ba ngày liền để quan sát, nghiên cứu, khám xét, đo đạc, chuẩn đoán, mân mê, vầy vò các con vật, nói chung là quay cuồng các con vật theo đủ kiểu, chỉ thiếu mỗi chuyện lộn trái từng con, nhằm tìm hiểu xem tại sao những con vật tầm thường vào một ngày thình lình trở nên phi thường rồi vào một ngày khác lại đột ngột trở lại tầm thường.

Và tất nhiên, điều duy nhất mà họ gặt hái được là sự bất lực của con người trước lẽ huyền diệu của tự nhiên – một nỗi đau mang màu sắc triết học đã có từ thời Aristote.

Ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư dĩ nhiên bám sát ông động vật hoang dã từng phút một để rốt cuộc, cùng chia sẻ với ông này vẻ mặt mà người ta chỉ đeo vào ngày người yêu đi lấy chồng (hoặc lấy vợ).

Chỉ có bà y tế và ông an ninh kín đáo thở phào, cảm giác của người vừa bịt được cái lỗ khóa qua đó người khác có thể nhòm thấy sự bất an ngổn ngang trong lòng mình.

Ông chủ tịch tỉnh, bị tình thương con điều khiển, đã bối rối theo cách của một người cha. Ông viện đủ thứ lý do công vụ lẫn cá nhân để trì hoãn việc thằng con đến ngắm nhìn các con vật “ngộ quá” mà trước đây ông vẫn đưa thằng bé đi thăm ba lần một tuần.

Ông sợ thằng bé sẽ thất vọng, sau đó là buồn bã nhớ nhung, trước khi sợ các cán bộ tham mưu của ông đòi ông phải đứng về một phía trong hai phía – như xưa nay vẫn thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào hay trước bất cứ sự kiện gì.

Trong những ngày đó, ngập trong lo lắng, ông ăn ít đi, ngủ ít đi, tối đi ngủ thường quên cởi vớ, đặc biệt thường quên cài nút áo khi ra khỏi nhà và cái đầu hói và nhọn của ông dần dần hói hơn và nhọn hơn, đã rất giống đỉnh núi Phú Sĩ bên xứ Phù Tang.

16

Ở nhà bà Đỏ, hũ gạo trong góc bếp chập chờn đi qua thời hoàng kim, đã bắt đầu vơi dần. Cũng như ông chủ tịch, bà ăn ít và ngủ ít. Thời gian còn lại, bà dành cho cầu nguyện.

Thằng Cu không còn nhận lương của bà nhưng rất may vẫn chí thú chăm sóc các con vật và cây cối trong vườn – lúc này vẫn toòng teng những dây nhợ xanh xanh đỏ đỏ nhưng điện đóm đã thôi chớp nháy vì kinh phí bị cắt giảm thẳng tay.

Giống như bà mẹ người, các bà mẹ heo bà mẹ chó bà mẹ gà thất vọng cùng cực trước tình trạng thực phẩm teo tóp dần trong các máng ăn.

Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện lần đầu tiên trong đời làm cái chuyện mà họ không nghĩ có lúc họ sẽ làm là hợp sức lại để rủa xả con cái, chỉ vì chúng không làm cái chuyện mà mới đây họ cảm thấy hết sức bực mình là phát ra những âm thanh bát nháo khiến bà mẹ này cứ tóm nhầm con của bà mẹ kia.

Chỉ có lũ nhóc là khoái tỉ.

Lũ chíp hôi hớn hở:

– Dạo này tụi em đánh một giấc thẳng cánh từ đêm tới sáng, không mộng mị lôi thôi. Thật là tuyệt vời! Con gà Cánh Cụt nức nở trả bài, đầu nghiêng một bên, nghênh nghênh theo kiểu học trò giỏi:

– Em suốt ngày lọ mọ bắt giun để học cách làm một con gà tử tế!

Thằng Mõm Ngắn đang ghếch một chân lên gốc chuối đái tồ tồ, sợ mất phần liền quay ngoắt mình lại khiến nước đái bắn cả vào đuôi, láu táu gâu gâu:

– Các bác gà trống hàng xóm gần đây đã thôi gáy loạn…

Lọ Nồi sung sướng triết lý:

– Chúng ta đã đổi thực phẩm lấy hòa bình…

Đuôi Xoăn không chịu kém anh mình, nó thuổng một câu châm ngôn từng nghe loáng thoáng đâu đó:

– Con người ta, ờ cả tụi mình nữa, ăn để sống chứ không phải sống để ăn…

Tiếng ve kêu râm ran trên các tàng cây như phụ họa với sự tưng bừng của bọn nhóc. Mùa hè vẫn đang vắt qua khu vườn nhưng những ngày này thời tiết đã dịu hơn.

Thằng Cu suốt ngày lang thang ngoài vườn, quét tước chuồng trại và chăm chỉ tưới cây tỉa lá vừa mong ngóng lũ nhóc cung Song Tử chán tiếng mẹ đẻ.

Nhiều buổi trưa, nó ngồi dựa lưng vào vách chuồng heo, đưa mắt ngắm các con vật nuôi đùa giỡn trong không gian yên tĩnh, lòng nhớ tiếc những ngày khách khứa nhộn nhịp, nhớ nhất những tờ giấy bạc mẹ nó nhét vào túi nó một cách hào phóng.

Trưa nay cũng thế, nó ngồi nhìn các con vật tụ tập quanh gốc chuối, chiêm chiếp, ụt ịt, gâu gâu ầm ĩ, không rõ lũ nhóc nói gì nhưng cái cảnh con nào kêu tiếng con nấy gieo vào lòng nó một nỗi buồn sâu thẳm.

– Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

Nó buông một câu rất giống câu thơ của thi sĩ Thế Lữ trong bài Nhớ rừng mặc dù có thể đoán chắc nó chưa từng gặp Thế Lữ, thậm chí không biết Thế Lữ là ai – nhà thơ, bác sĩ nha khoa hay thợ lái máy kéo.

17

Thằng Cu buồn. Bà Đỏ buồn.

Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện buồn.

Ông thuế vụ, ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư cũng buồn.

Ông chủ tịch tỉnh tất nhiên cũng buồn vì thằng con ông đang buồn.

Bọn heo con chó con gà con không biết chúng gieo buồn cho cả thế giới.

Rất may là cuối cùng, thằng Lọ Nồi, con heo thông minh nhất trong những con heo thông minh, nghịch ngợm nhất trong những con heo nghịch ngợm, nhận ra chính nó cũng buồn nẫu ruột.

Từ ngày loài nào quay trở lại tiếng kêu của loài nấy, cuộc sống đã thôi xáo trộn nhưng lại chẳng có gì vui.

Khi sự bình yên mọc lên trong khu vườn trại, nỗi chán chường cũng réo rắt đâm chồi trong lòng chú heo tinh nghịch.

Suốt ngày Lọ Nồi đi tới đi lui giữa vạt đậu bắp và vồng cải xanh, chui rúc dưới giàn su su và giàn đậu que chỉ để thở vắn than dài và cuối cùng rúc mình vào gốc chuối nằm sầu muộn nhìn đời qua kẽ lá.

Đuôi Xoăn tò tò đi theo anh, ngạc nhiên thấy anh buồn nhưng không dám hỏi. Sau lưng thằng Đuôi Xoăn, ngoài cái đuôi ngắn và xoăn tít của nó là tên đệ tử tò mò Mõm Ngắn.

Thằng cún con bám theo hai sư phụ để xem ra có học được trò quậy phá gì mới chăng, vì ngay cả nó cũng bắt đầu thấy lòng bỗng dưng trống trải.

Đó là nói các vật nuôi.

Về phía con người, bà Đỏ và thằng Cu cũng không rời mắt khỏi bọn nhóc lấy một phút.

Bà Đỏ cắp rổ vào nách vờ hái đậu que ở cạnh hàng rào, thằng Cu lui cui ra vẻ đang nhổ cỏ chỗ vạt đậu bắp, thực ra chỉ để kín đáo quan sát bọn chó con heo con gà con, chờ mong đến thắt ruột ngày chó quên tiếng chó, gà quên tiếng gà…

Điều kỳ diệu xảy ra vào sáng ngày thứ mười bốn, sớm một ngày so với dự đoán của thằng Cu.

Thằng Lọ Nồi lúc đó đang nằm chỗ gốc chuối khuất nắng quen thuộc, vạt đất ẩm ướt với nhiều lá mục và cỏ héo dưới lưng giúp nó cảm thấy dễ chịu lại vừa nhấn chìm nó vào sự êm ái tịch mịch và buồn chán. Nó cảm thấy cuộc sống dường như không trôi nữa, giống như một cuốn sách đang đọc nửa chừng bỗng không lật trang được nữa và cuộc đời nó đang bị mắc kẹt ở trang bốn mươi sáu hay bốn mươi tám nào đó – là cái trang tẻ nhạt vô bờ bến, không có lấy một tình tiết gì hấp dẫn, giống như một trang độn của các nhà văn láu cá.

Đuôi Xoăn lặng lẽ theo dõi anh mình mấy hôm nay, tự nhiên cảm thấy ngứa miệng:

– Làm gì buồn thiu vậy anh?

Lọ Nồi đột ngột phát cáu trước thắc mắc của thằng Đuôi Xoăn. Em nó chỉ hỏi thôi, nhưng đang ở trong tâm trạng buồn bực, nó cảm thấy câu hỏi như một chiếc dùi nhọn đâm vào lòng nó – lại đâm ngay vào

chỗ dễ tổn thương nhất.

Lọ Nồi bật dậy trên bốn chân, gầm lên:

– Un un gô – gô un un…

Thằng Lọ Nồi giận quá, nó xả một tràng tiếng heo lẫn tiếng chó, hoàn toàn không kiểm soát được mình, cứ như thể súng liên thanh bị cướp cò. Và vì cơn giận đã làm nó cóng lưỡi nên chuỗi âm thanh gắt gỏng của nó rốt cuộc chẳng ra thứ tiếng gì hết. Giống như nó đang báo động với ngôn ngữ và xem đó là một cách trút bực bội.

Thằng Đuôi Xoăn nhảy lùi một bước, tròn mắt nhìn sững anh nó, giọng phân vân:

– Anh kêu tiếng gì vậy? Trò chơi mới à?

Lọ Nồi không ngờ thằng Đuôi Xoăn lại hỏi như vậy. Có một cái gì đó đâm chồi trong đầu nó sau câu hỏi hồn nhiên của thằng em. Nó ngập ngừng một thoáng rồi gật đầu, cơn giận vô cớ bay biến đâu mất:

– Ờ… ờ… tao vừa nghĩ ra trò mới…

Từ sau lưng Đuôi Xoăn, thằng Mõm Ngắn lật đật thò đầu ra, mặt mày hí hửng:

– Trò này hay quá, thầy chỉ em đi! “Un un” gì hả thầy?

– Un un gô. – Đuôi Xoăn nhanh nhẩu đáp lời tên đệ tử.

– Un un gô. – Mõm Ngắn sung sướng nhắc lại, nhưng rồi nó nghệt ra, giơ chân trước lên gãi tai – Rồi tiếp theo là gì ạ?

– Là gì à? Đuôi Xoăn khụt khịt chiếc mũi màu hồng, bối rối quay sang thằng Lọ Nồi – Gì nữa hở anh? Lọ Nồi nhìn lên tàu lá chuối, đôi mắt nheo nheo cho biết nó đang nhớ lại vất vả như thế nào:

– Ờ… ờ…

Nó liếm mép:

– Tao nhớ rồi. Nó là thế này… Un un gô – gô un un…

Thằng Đuôi Xoăn cười tít mắt:

– Đúng rồi. Un un gô – gô un un…

Tới lượt thằng Mõm Ngắn lặp lại tràng âm thanh đó một cách phấn khích. Bất chợt, nó vểnh tai tròn mắt nhìn sư phụ nó:

– Câu đó có nghĩa gì vậy, thầy?

Dĩ nhiên thằng Lọ Nồi có xới tung các nếp nhăn trong vỏ não cũng chẳng tìm ra ý nghĩa của tràng tiếng kêu ngẫu hứng đó.

Trong khi nó đang loay hoay, bà Đỏ đã tiến đến bên thằng con, ngạc nhiên hỏi:

– Tụi nó mắc chứng gì mà kêu lung tung thế con? “Un un gô – gô un un”… là gì thế? Thằng Cu tỉnh bơ:

– Mẹ ơi, câu đó có nghĩa là “Chào buổi sáng”.

– Tiếng Anh à?

– Không. Đây là một thứ ngôn ngữ mới…

Lọ Nồi hất đầu về phía Đuôi Xoăn và Mõm Ngắn, hãnh diện:

– Tụi mày nghe cậu chủ nói gì chưa?

– Dạ nghe, thưa thầy. – Mõm Ngắn lại giơ chân trước gãi tai, lần này là vì hạnh phúc – “Un un gô – gô un un” là “Chào buổi sáng”.

18

Kể từ hôm đó, mỗi ngày thằng Lọ Nồi sáng tạo ra một tràng tiếng kêu mới, pha trộn giữa tiếng chó, tiếng heo, tiếng gà, tất cả được nhào nặn, chế biến và quậy tưng để thành một thứ âm thanh chưa từng có trên đời, nói tóm lại là nghe rất giống một thứ lẩu thập cẩm ăn bằng tai.

Thằng Cu bám sát tụi nhóc để đón bắt từng phát minh mới của Lọ Nồi, trong khi bà Đỏ bám sát thằng con để nghe nó dịch thứ ngôn ngữ quái chiêu đó ra lời ăn tiếng nói hằng ngày – tất nhiên là theo cách mà nó chợt nghĩ ra.

Lọ Nồi là một con heo tinh khôn, các bạn cũng biết rồi đó. Từ lúc mớ hổ lốn “Un un gô – gô un un” tình cờ trở thành “Chào buổi sáng” cực kỳ lịch sự, Lọ Nồi hiểu rằng điều nó cần nhất trong lúc này là sự đồng lõa của cậu chủ tinh nghịch. Nó cần một người nhiệt tình bơm ý nghĩa cho những âm thanh vô nghĩa phát ra từ cổ họng của mình. Đó là lý do chỉ khi nào có thằng Cu lảng vảng gần đó, Lọ Nồi mới khoe tài.

Chỉ trong vòng một tuần, khu vườn trại nhà bà Đỏ đã rất giống một trung tâm thực hành ngoại ngữ.

Thằng Cu, thiên tài trẻ con loài người, đã phiên dịch thứ ngôn ngữ bí hiểm của các thiên tài trẻ con loài vật thành những mẫu câu thông dụng mà bây giờ bà Đỏ đã thuộc lòng:

• Un un gô – gô un un. = Chào buổi sáng.

• Chiếp un un? = Anh có khỏe không?

• Un un – chiếp un un? = Tôi khỏe. Còn anh?

• Un un. = Khỏe ạ.

• Un gô gô. = Chúc ngủ ngon.

• Ăng gô gô. = Chúc một ngày tốt lành.

• Chiếp chiếp gô. = Cảm ơn.

• ………

• ………

• ………

Bọn heo con chó con gà con, do thủ lĩnh Lọ Nồi dẫn dắt, sung sướng ứng dụng những mẫu câu đó vào sinh hoạt hằng ngày để thấy cuộc sống một lần nữa được tắm trong những niềm vui thơ trẻ.

Bây giờ, cứ sáng ra gặp nhau là bọn nhóc “Un un gô – gô un un” “Chiếp un un?” … loạn cả lên.

Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện sau một thời gian nhìn bọn trẻ bằng ánh mắt cảnh giác cũng đã bắt đầu rụt rè chúc nhau “Un gô gô” khi màn đêm lững lờ buông xuống.

Một buổi sáng nọ, bà Đỏ bước ra vườn vào lúc trời tinh mơ để hít thở không khí trong lành sau một đêm thao thức vì tình trạng bấp bênh của hũ gạo trong góc bếp, đã bắt gặp thằng Lọ Nồi đang chí thú dũi mõm trong vườn cải.

Bà nhìn con heo con, dò xét, và ngập ngừng cất tiếng chào:

– Un un gô – gô un un.

Cái cây ngôn ngữ mà cả tuần nay bà vẫn sống trong bóng râm của nó chợt rụng lá trong trí nhớ khiến bà buột miệng như một đứa trẻ nghịch ngợm.

Bà chào con heo con như thể bà đang thử bay lên mặt trăng, không trông mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Nhưng khi thằng Lọ Nồi ngước nhìn bà, phập phồng chiếc mũi ướt và ứng tiếng đáp “Un un gô – gô un un” thì bà phải chống tay vào gốc mít cho khỏi ngã.

Bà ngẩn ngơ nhìn bộ mặt ngẩn ngơ của mình phản chiếu trong mắt con heo con, thấy ruột gan bỗng chốc trôi tuột đi.

Sau khi choàng tỉnh, bà thận trọng đảo mắt ra chung quanh và khi biết chắc không có ai lảng vảng gần đó, bà quay lại nhìn con heo con, hồi hộp mấp máy môi:

– Chiếp un un?

Trông bộ tịch của bà, có cảm tưởng bà đang đọc thần chú, người giàu tưởng tượng hoàn toàn có thể liên tưởng đến vẻ thấp thỏm của Ali Baba khi lầm rầm “Vừng ơi, mở ra” trước cửa hang bí mật.

Và mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, bà vẫn phải áp tay vào ngực khi nghe con heo con thản nhiên đáp:

– Un un – chiếp un un?

Bà ngây ngô đáp lại, như người mộng du:

– Un… un…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.