Chúc Một Ngày Tốt Lành

Chương 3: Vì thiên đường thuộc về trẻ con. 29-35.



29

Một ngày trước khi khu vườn một lần nữa trở thành khu du lịch huyên náo, thằng Cu đã lén nhổ cây cọc chỗ chân rào mẹ nó bảo nó đóng hôm trước.

Nó nhớ con bé Hà.

Cách đó một quãng, thằng Lọ Nồi hồi hộp quan sát cậu chủ của mình ngay từ khi thằng Cu lúi húi bên hàng giậu.

Nó nhớ nàng Đeo Nơ.

Lúc thằng Cu vừa nhổ cây cọc lên khỏi mặt đất, Lọ Nồi lập tức lao tới, nhanh như một tia chớp, chui tọt qua lỗ hổng, phóng vụt ra đồng cỏ bên ngoài.

Chạy men theo con suối nhỏ dọc cánh đồng, mắt nó bắt gặp bao nhiêu là hoa dại, mũi nó cảm nhận bao nhiêu là hương thơm nhưng Lọ Nồi vẫn không dừng bước. Nó nghĩ: Khi quay về mình sẽ thong thả ngắm hoa và hít thở mùi vị của lá cỏ cũng không muộn!

Lọ Nồi chạy nhanh lắm, có lẽ từ khi lọt lòng mẹ đến nay chưa bao giờ nó chạy nhanh đến thế. Chân nó ngấu nghiến nuốt từng mét đất, cảnh vật loang loáng lùi ra sau đến chóng cả mặt, thế nhưng nó vẫn thấy chậm, vẫn ước gì có thêm vài đôi cánh.

Khi đến được bên hàng giậu nhà bà Tươi, điều duy nhất nó có thể làm là nằm mọp xuống cỏ thở dốc.

Nó thở và nó lắng nghe.

Tuy không trông thấy gì, nó vẫn có cảm giác nàng Đeo Nơ đang ở rất gần nó.

Linh cảm của Lọ Nồi không đánh lừa nó. Trong khi nó đang nghĩ xem nếu gặp nàng Đeo Nơ nó sẽ nói những chuyện gì, sẽ giải thích ra làm sao cái chuyện nó có mặt ở đây (lần đầu thì có thể cho là ngẫu nhiên nhưng lần thứ hai thì khó mà biện bạch), tiếng nàng Đeo Nơ thình lình vẳng tới tai nó:

– Ồ, bạn Lọ Nồi đang làm gì ở ngoài đó thế?

Giọng nàng mới du dương làm sao, Lọ Nồi ngỡ như nàng không nói: nàng vừa hát lên một câu hỏi. Nhưng nàng không gọi nó là Nắng Vàng. Điều đó khiến Lọ Nồi có cảm giác nó vừa đút đầu vào lò xông hơi.

Dùng mõm rứt một chiếc lá, Lọ Nồi ngượng ngập nhai. Đó là thói quen của nó mỗi khi hồi hộp hay xấu hổ. Nó nhai, và quay đầu nhìn dáo dác.

– Bạn tìm gì thế? Mình đứng ở đây nè!

Tiếng Đeo Nơ lại vang lên cho biết nàng trông rõ chàng heo ngớ ngẩn bên kia hàng giậu.

Lần này thì Lọ Nồi tưởng như nó vừa đút đầu vào lò xông hơi lẫn lò nung vôi cùng một lúc, cái bớt đen trên mặt nó suýt chút nữa biến thành màu đỏ. Nó rụt rè đứng lên trên bốn chân, bước tới trước vài bước và thận trọng thò đầu qua đám lá.

Bây giờ thì nó đang đối diện với nàng Đeo Nơ.

So với hình ảnh nó thường bắt gặp trong những giấc mơ, nàng Đeo Nơ ở trước mặt nó trông xinh xắn và đáng yêu hơn nhiều.

Với thân hình thon thả và làn da trắng hồng, ngay cả khi đứng yên như lúc này, nàng Đeo Nơ vẫn gợi ra trong tâm trí nó sự dịu dàng của dòng nước và sự mềm mại của những đám mây.

Lọ Nồi quên bẵng vừa rồi nàng gọi nó bằng cái tên xấu xí. Nó đã thôi xấu hổ. Lòng con heo con bây giờ chỉ tràn ngập bâng khuâng.

Chỉ khi Đeo Nơ lập lại câu hỏi Lọ Nồi mới sực tỉnh:

– Bạn đang làm gì vậy?

– Tôi có làm gì đâu.

– Thế sao bạn đến đây?

Lọ Nồi ấp úng, nó rất muốn gãi tai nhưng vướng các nhánh cây:

– À… Tôi đi lạc.

Lạc tới nơi lần trước mình mới vừa lạc thì chắc chắn không phải là đi lạc. Nhưng nàng Đeo Nơ không nhận ra điều đó, cũng có thể nàng không quan tâm.

Nàng đột ngột lái câu hỏi sang hướng khác:

– Tại sao bạn có tên là Lọ Nồi?

Lọ Nồi tưởng như Đeo Nơ vừa bắn ra một mũi tên. Nó thóp bụng lại, nghe đau quặn nơi dạ dày. Có thể tin rằng nó sẵn sàng mất một cái chân hay một cái tai để không phải trả lời câu hỏi này.

– Tại sao ư? – Nó hỏi lại, máy móc và ngây ngô.

– Ừ, tại sao?

Nàng Đeo Nơ gật đầu, mắt vẫn nhìn chằm chằm chú heo trước mặt.

Đột nhiên, nàng la lên:

– A, mình biết rồi.

– …

– Đó là do cái vết đen trên mặt bạn.

– …

– Mình nói đúng không?

– …

Trong vòng năm phút, tiếng nói tuột khỏi mõm chú heo mới lớn. Nó nhúc nhích môi, nhưng không nhớ ra cái lưỡi nằm ở đâu. Dĩ nhiên Lọ Nồi có thể nói bằng mắt. Người ta vẫn bảo “đôi mắt biết nói” đó thôi. Nhưng đôi mắt Lọ Nồi lúc này đang cụp xuống. Nó không đủ can đảm nhìn nàng Đeo Nơ.

Mà nàng Đeo Nơ ấy, yêu kiều nhưng vô tâm quá. Nàng tiếp tục làm trái tim chàng heo rỉ máu:

– Mặt bạn giống như trang giấy bị vấy mực ấy. Trông bẩn bẩn thế nào.

Tới đây thì Lọ Nồi tắt thở hoàn toàn. Nó không thấy không khí ra vào trong lồng ngực nữa. Nó khép mắt lại, tự an ủi dù sao nó cũng được nhìn thấy nàng heo yêu dấu lần cuối cùng trước khi từ giã cõi đời.

30

– Lọ Nồi! Mày đang ở đâu?

Tiếng thằng Cu theo gió vẳng tới lồng lộng. Con heo con đang ngỡ mình sắp chết đột ngột tìm lại được cảm giác. Nó ngúc ngoắc đầu trong đám lá và đi thụt lùi ra sau.

Cho tới khi khuất hẳn sau hàng giậu, nó vẫn không nói thêm được tiếng nào, kể cả lời chào tạm biệt nàng Đeo Nơ. Nó rất muốn làm một chàng heo lịch sự, nhưng tiếng nói vẫn chưa trở lại với nó.

Ở đằng xa, cậu chủ tiếp tục réo tên nó ầm ĩ.

Thằng Cu ồn ào thế thôi, chứ nó thừa biết chú heo của mình đang ở đâu. Nó cố tình để Lọ Nồi sổng ra cánh đồng cỏ và chạy tới đây, chỉ để có lý do lân la qua vườn nhà bà Tươi.

Lúc nãy, thằng Đuôi Xoăn cũng định xông ra theo anh nó nhưng thằng Cu đã nhanh tay cắm cây cọc vào chỗ cũ. Nó biết Lọ Nồi thích nàng Đeo Nơ. Như nó thích con bé Hà. Để thằng Đuôi Xoăn ưa phá bĩnh này bám theo thì hỏng bét.

Thằng Cu khua chân trên cỏ, lần bước tới chỗ chú heo của mình, mắt không ngừng dáo dác nhìn qua đám lá ngăn cánh đồng với khu vườn. Trông nó có vẻ lén lút mặc dù lúc này nó đang phơi mình giữa nơi trống trải. Khi tới gần hàng giậu, nó có một chút do dự. Cảm giác đó khiến nó ngạc nhiên. Rõ ràng nó đi tìm con heo bị lạc nhưng tâm trạng lại hồi hộp giống như đang làm chuyện gì phi pháp.

– Em đang làm gì đó, Đeo Nơ?

Nhỏ Hà đánh dấu sự xuất hiện của mình bằng một câu hỏi giống hệt lần trước.

Và cũng như lần trước, thằng Cu bị mái tóc ngắn tuổi mười hai bên kia hàng rào neo chân xuống cỏ.

Nó hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh, nhưng trái tim trong ngực nó vẫn rối rít đập, thỉnh thoảng lại giật cục như bánh xe vấp phải ổ gà.

– A, lại anh Cu!

Nhỏ Hà lại reo lên, giọng như bắt được trộm.

Thằng Cu vẫn im thin thít, đã rất giống thằng Lọ Nồi phiên bản 1.0. Nó mon men đến đây chỉ để gặp nhỏ Hà, nhưng khi gặp được rồi, nó lại không biết làm gì hay nói gì. Cách chào hỏi ngang phè phè của con bé này càng làm nó quên mất kỹ năng nói. Nó chỉ còn mỗi kỹ năng nghe.

Mà toàn phải nghe những câu như đấm vào tai:

– Con heo của anh lại đi lạc nữa à?

Lúc này nhỏ Hà đã tiến sát hàng rào. Nó vít cong một nhánh lá để nhìn thằng Cu rõ hơn và để tung một cú đấm khác:

– Sao anh để nó đi lạc mãi thế?

Thằng Cu tưởng như mẹ nó đang trách nó. Đã thế, ánh mắt long lanh của nhỏ Hà bám cứng lấy gương mặt đang thộn ra của nó làm đầu cổ nó nóng ran.

– Ờ… ờ…

Mất đến vài phút thằng Cu mới tìm lại được tiếng nói. Chỉ để phát ra những từ vô nghĩa.

Nhỏ Hà nhìn thằng Cu thêm một lúc. Rồi dường như nhận ra sự bối rối của chú bé trước mặt, nó chớp mắt chuyển đề tài:

– Nghe nói các vật nuôi nhà anh biết nói tiếng người hả?

– Đâu có!

Thằng Cu đáp, nó không nghĩ thứ tiếng kia là tiếng người.

– Sao các nhà báo bảo mẹ con anh có thể trò chuyện được với con heo con chó con gà? Các nhà báo nói dối sao?

– Ờ… không… họ không nói dối…

– Họ không nói dối tức là anh Cu nói dối…

Thằng Cu đỏ mặt vì bị khoác tội danh nói dối, cả vì bị cô bé gọi bằng cái tên mà nó không bao giờ muốn xưng ra trước mặt bọn con gái.

Nó mím môi lại, mặc dù không làm thế thì đôi môi nó cũng đã bị dán chặt bởi một chiếc băng keo vô hình.

– Tôi ghét những người nói dối lắm đó.

Nhỏ Hà nói, thật thà và hồn nhiên nhưng đối với chú bé mới lớn bên kia hàng rào, người yêu dấu vừa đóng mẩu đinh cuối cùng lên nắp chiếc quan tài định mệnh.

Một chuyện tình bé con đã được khâm liệm. Mặc dù trên thực tế có vẻ như chuyện tình đó chưa kịp chào đời.

– Đeo Nơ, vào nhà đi em!

Hương thơm thoảng ra từ khu vườn lẫn mùi lá cây khét nắng làm thằng Cu ngây ngất say. Nó vẫn chôn chân trên cỏ, rất gần khu vườn nhưng hồn nó đang chông chênh bềnh bồng đâu đó. Tiếng nhỏ Hà gọi Đeo Nơ văng vẳng bên tai nó, nghe xa xăm làm sao.

Mây chớm thu lặng lẽ trôi bên trên những nhánh cây và gió trong cành lá đang bắt đầu rên rỉ. Đó là thằng Cu tưởng thế. Lòng nó đang réo rắt đấy thôi.

31

Lọ Nồi chạm nhẹ vào chân thằng Cu, như muốn báo cho cậu chủ biết là cô bé Hà đã vào nhà từ đời nảo đời nao rồi, cậu đừng có đứng phơi nắng giữa trời như thằng ngốc nữa.

Thằng Cu nhìn xuống Lọ Nồi, mấp máy môi “Chiếp chiếp gô” bằng giọng rưng rưng buồn để cảm ơn chú heo con rồi bùi ngùi quay gót.

Hai chủ tớ lếch thếch rời khu vườn ảo mộng.

Dọc đường về, Lọ Nồi chốc chốc lại va khẽ vào chân thằng Cu và ngước mắt nhìn cậu chủ như ngầm sẻ chia, an ủi. Nó quan sát thằng Cu ngay từ đầu và sau khi suy bụng heo ra bụng người nó nhận ra cậu chủ nó chẳng khá khẩm gì hơn nó trong câu chuyện ê chề này.

Nhìn thằng Cu đi đứng liêu xiêu trong bóng nắng mà nó thương quá. Tất nhiên cả hai chủ tớ đều gánh nỗi buồn trên vai mà đi, nhưng nó đi bằng bốn chân dù sao cũng đỡ vất vả hơn người đi bằng hai chân.

Lọ Nồi nghĩ bụng, khụt khịt mũi rồi ngước nhìn chủ, thấy chủ không buồn nhìn lại mình, nó khụt khịt thêm một cái nữa và bâng khuâng đưa mắt nhìn ra xa, phiền não thấy đời heo lẫn đời người đều không như là mơ.

Một dòng suối chảy ngang mắt nó. Con suối nhỏ ven làng ngời lên trong nắng như một sợi chỉ bạc thêu lên nền cỏ xanh. Lọ Nồi biết con suối đó nhưng nó chẳng thấy có gì thu hút.

Đó là nói trước đây. Bây giờ thì nó rất muốn lại gần con suối. Nó nhớ câu nói của nàng Đeo Nơ “Mặt bạn giống như trang giấy bị vấy mực ấy. Trông bẩn bẩn thế nào”. Nhận xét phũ phàng đó chẳng khác nào bản án tử hình đối với nó. Giấc mơ của nó đã chết rồi, chết thật rồi, và nó cũng biết chết bởi tay ai. “Bây giờ mình muốn biết chết bởi cái gì”, Lọ Nồi hờn dỗi nghĩ và men dần về phía con suối.

– Lọ Nồi, mày đi đâu vậy?

Thằng Cu thấy con heo con bất thần rẽ ngoặt, ngạc nhiên kêu lớn, càng ngạc nhiên hơn nữa khi lần đầu tiên nó thấy con heo con không nghe lời mình.

Lọ Nồi vẫn lầm lũi bước, trông nó nặng nề như một đám mây trĩu nước.

Thằng Cu nhìn con heo con, thở đánh thượt một cái rồi lẽo đẽo đi theo.

Lần này thì tớ trước chủ sau, cả hai im lặng lùa chân trên cỏ, chậm chạp tiến về phía bờ suối.

Chỉ đến khi Lọ Nồi dừng lại, buồn bã soi mặt xuống dòng nước, thằng Cu mới ngờ ngợ hiểu ra. Chắc thằng nhóc này vừa bị nàng heo kia chê xấu trai!

Lọ Nồi biết chủ nó đang quan sát nó từ phía sau nhưng nó lờ đi.

Nó đứng bất động như một con heo bằng gỗ, âu sầu nhìn bóng nó dưới suối, cố bới ra một chi tiết đẹp đẽ nhưng nó chẳng thấy gì ngoài vết đen “thấy bẩn bẩn”, càng ngắm lại càng thấy bẩn.

“Nàng không ưa mình là phải rồi! Chính mình còn muốn liệng đá vào mặt mình nữa là!”. Lọ Nồi cay

đắng nhủ thầm.

Đột ngột nó rên lên:

– Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…

Hẳn nhiên chuỗi âm thanh của con heo con chả có nghĩa gì. Nó chỉ là tiếng thở dốc, là nỗi tuyệt vọng vẫy đạp trong lồng ngực tìm cách thoát ra.

Thằng Cu vẫn im lìm đằng sau thằng Lọ Nồi từ nãy đến giờ. Nó tôn trọng nỗi buồn của chú heo con.

Nó muốn vỗ về chú heo nhưng chẳng biết nói gì.

Chỉ đến khi thằng Lọ Nồi buông ra những tiếng thở than, nó mới tặc lưỡi lầm bầm:

– Thế là… tình ta… vỡ tan… n… n… n…

Thằng Cu dịch câu nói của con heo con hay tự dịch lòng mình, chỉ có trời (và các bạn đang đọc cuốn sách này) mới biết!

32

Đuôi Xoăn và tên đệ tử Mõm Ngắn đón thằng Cu và Lọ Nồi ngay cổng. Đuôi Xoăn còn rủ bọn chíp hôi nhà chị Mái Hoa nhưng lũ gà con mải bắt giun.

Chú cún Mõm Ngắn dĩ nhiên muốn phóng ra ngoài đồng cỏ lúc nào cũng được nhưng cứ mỗi lần chú dợm chân đều bị sư phụ Đuôi Xoăn cản lại:

– Đừng đi! Cậu chủ không thích tụi mình quấn chân đâu!

– Sao thầy biết?

– Sao không biết! Khi nãy thấy ta định chạy theo, cậu chủ cắm phập cây cọc rào trước mõm, bây giờ ta còn đủ hai hàm răng để trò chuyện với trò là may mắn lắm đấy!

– Thế sao…

Sư phụ Đuôi Xoăn biết tên đệ tử định hỏi gì.

– Lọ Nồi là trường hợp đặc biệt! – Nó cắt ngang.

Cách giải thích của Đuôi Xoăn chẳng khác nào nhổ một câu hỏi ra khỏi óc thằng Mõm Ngắn để trám vào một câu hỏi khác, hóc búa hơn.

Thằng cún thấy đầu mình tối đi từng phút một. Nó định hỏi “Đặc biệt là sao hả thầy?” nhưng sợ Đuôi Xoăn chửi mình ngu, nó liếm mép hai ba cái rồi bấm bụng làm thinh – một quyết định vô cùng sáng suốt vì chắc chắn Đuôi Xoăn sẽ chửi nó ngu khi nó dám hỏi một câu mà ngay cả sư phụ nó cũng hoàn toàn mù tịt.

Bộ dạng thất thểu của thằng Cu và thằng Lọ Nồi khi trở về từ đồng cỏ càng khiến đầu óc thằng cún như vón cục lại. Nó nhớ Lọ Nồi từng tấm tắc “Ngoài đó có nhiều thứ hay lắm” nhưng nhìn vẻ nhàu nhĩ của sư phụ nó lúc này thì có vẻ như đó là một câu nói hớ.

Thằng Đuôi Xoăn nhấp nhổm đón anh mình ngay cổng cũng cốt để hỏi chuyện, nhưng bộ mặt lầm lì của thằng Lọ Nồi giống như muốn nói “khôn hồn thì đóng mõm lại” khiến nó cảm thấy làm thinh là lựa chọn tốt nhất nếu nó biết yêu bản thân mình.

Rốt cuộc, hôm đó trong vườn nhà bà Đỏ diễn lại các cảnh từng diễn ra trước đó ít hôm: Lọ Nồi nằm mọp bên hàng giậu suy tư về cuộc đời, thằng Đuôi Xoăn nằm cách đó một quãng suy tư về thằng anh đang suy tư. Tên đệ tử Mõm Ngắn nằm thập thò cách đó hai quãng để rình rập cả hai.

Chỉ có bọn gà con là vô tư. Cứ chốc chốc chúng lại đảo ngang qua chỗ nằm của các ông, thi nhau há mỏ “Ăng gô gô” loạn cả lên, mặc dù chẳng ông anh nào trong ba ông anh buồn đáp lại lời chúc tốt lành của bọn chúng.

Ở trong nhà, thằng Cu cũng đang tắm mình trong nỗi buồn và bắt đầu nghĩ đến thói kiêu kỳ của bọn con gái, mặc dù cuối cùng nó cũng chẳng nghĩ ngợi được gì nhiều. Khi nó sắp sửa đạt được mục đích vạch ra tật xấu thứ nhất (trong hàng mớ tật xấu) của con bé Hà thì nó đã bị mẹ nó bẩy ra khỏi nhà để trông coi đám thợ làm vườn.

Đám thợ này do bà kế hoạch đầu tư cử tới đã nhiều ngày, và dù hôm nay là ngày cuối cùng thằng Cu vẫn thấy họ lăng xăng từ đầu này đến đầu kia khu vườn với đủ thứ dụng cụ trên tay: cuốc, xẻng, chổi, cưa, kéo, bình tưới, lưới che côn trùng. Trong không khí sực nức mùi nhựa cây tỏa ra từ những cành nhánh vừa được cắt tỉa lẫn mùi đất ẩm dâng lên từ mặt cỏ khi nước từ bình tưới tắm ướt từng rẻo vườn.

Dưới sự cố vấn của các nhà sinh học và tâm lý học, lần này ông động vật hoang dã chỉ đạo tốp thợ cố gìn giữ khu vườn trong dáng vẻ tự nhiên nhất. Ông tin rằng cảnh quan và môi trường sinh hoạt thay đổi đột ngột có thể sẽ làm các vật nuôi hoảng sợ, kéo theo sự đánh mất những thói quen kỳ diệu.

Không một chậu cây mới nào được đem tới. Các loại cây có sẵn, tốp thợ chỉ bón phân, bắt sâu và tỉa các lá héo. Các thân cây thôi uốn lượn cầu kỳ và các tán lá không còn được gọt nắn nót theo hình tròn. Dây nhợ và các bóng đèn màu giăng mắc trên các cành nhánh cũng được gỡ xuống

Khu vườn đã thôi điệu đàng.

Sự thay đổi chỉ diễn ra trong góc bếp và trong các chuồng trại.

Nhờ các khoản đầu tư, hũ gạo nhà bà Đỏ cuống quýt đầy lên. Các máng ăn của mẹ con nhà chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện ăm ắp và thơm lừng.

Túi áo của thằng Cu có lẽ không ra ngoài xu thế này. Nó sắp phồng lên nay mai, cho dù trái tim nó có vẻ như đang xẹp xuống.

Hiển nhiên, sự thay đổi không chỉ diễn ra trong nhà bà Đỏ.

Trên đường làng, các tấm panô lại được dựng lên, lần này được thiết kế và trang trí bởi các họa sĩ từng triển lãm tranh ở nước ngoài, với thù lao cao ngất. Bà y tế giành được là người chi tiền nhưng bà kế hoạch đầu tư từ chối sau khi nhã nhặn cảm ơn bằng mẫu câu thời thượng: “Chiếp chiếp gô”.

Kho bạc tỉnh, huyện, xã thay tủ sắt mới, to hơn và nhiều ổ khóa hơn, chờ cơn bão tài chính quét qua.

Ngày mai khu du lịch mới chính thức khai trương nhưng cả tuần nay làn sóng người đã nhấp nhô quanh vườn nhà bà Đỏ. Sự háo hức trong công chúng được các phương tiện truyền thông thổi bùng gây ra một đám cháy lớn trong dư luận.

Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện tối nào cũng lèn chặt bụng những khẩu phần thừa mứa như dành cho vua chúa. Đến mức khi chúc nhau ngủ ngon, để thốt ra từ “Un gô gô” cả ba phải kèm theo một tiếng “ợ”. Mùi thức ăn bay cả vào trong giấc mơ.

Trong những ngày này, với bà Đỏ bốn mùa đều là mùa xuân. Bây giờ, bà không chỉ cầu nguyện và tạ ơn trước khi đi ngủ mà vào bất kỳ lúc nào bà tỉnh giấc trong đêm.

Ông an ninh sau cuộc đàm thoại lịch sử với ông chủ tịch tỉnh, bắt đầu nhìn ngôn ngữ như một phương tiện văn hóa thay vì một phương tiện gây bạo loạn, đã tin vào con người hơn nhưng vẫn dè chừng với các con vật.

Chỉ đến khi xảy ra câu chuyện sau đây thì ông mới thực sự thấm nhuần quan điểm điều gì pháp luật không cấm thì con người lẫn con vật đều được phép làm, kể cả việc sáng tạo ra ngôn ngữ và cách thức sử dụng thứ ngôn ngữ đó.

33

Đêm trước ngày khai trương khu du lịch, thằng Lọ Nồi không ngủ được. Cứ mỗi lần chợp mắt, nó lại bắt gặp hình ảnh của nàng Đeo Nơ. Tất nhiên nó không định sẽ gặp lại nàng lần nữa. Sáng nay, nàng đã chế nhạo dung mạo của nó bằng thứ lời lẽ chỉ dùng để hạ nhục kẻ khác. Ừ thì nó xấu trai, nó mang một cái bớt đen trên mặt nhưng có cần phải gắn cái bớt định mệnh đó với từ “bẩn bẩn” để làm đau lòng nó không, trong khi nàng heo thừa hiểu rằng nó không thể nào xóa bỏ được vết nhọ đó trừ khi nó cắt cái mặt liệng đi.

Nàng đối xử với mình thật là tệ quá! Lọ Nồi cảm thấy nhói đau với ý nghĩ đó trong nhiều giờ liền. Nhưng không hiểu sao nó vẫn nhớ nàng. Nó nhớ chiếc nơ đỏ trên cổ nàng. Nó nhớ rèm mi dài và trắng như tơ của nàng. Mỗi khi nàng tròn mắt nhìn nó vẻ ngạc nhiên, rèm mi nàng bao giờ cũng óng ánh như có nắng chiếu qua. Những lúc đó, nó cũng ngạc nhiên tròn mắt nhìn lại nàng, tự hỏi làm sao lại có một nàng heo đáng yêu đến thế trên cõi đời này.

Bầu trời rạng xanh dưới ánh sao đêm và hương hoa dại từ cánh đồng bên ngoài thoảng vào khiến Lọ Nồi xốn xang quá. Nó vẫn dán mình trên cỏ, nhưng chất keo dán có vẻ không còn chắc chắn nữa. Lúc này nó cảm giác nó đang nằm trên một cái lò xo.

Đến một lúc, nó bật dậy trên bốn chân và nhào lại phía hàng giậu. Ngần ngừ một thoáng, nó dũi mõm vào cây cọc rào thằng Cu vẫn nhổ lên cắm xuống. Sau một hồi vừa húc vừa day, Lọ Nồi cũng đạt được mục đích. Cây cọc văng ra, và nó sung sướng trườn mình qua lỗ hổng quen thuộc.

Tất nhiên Lọ Nồi biết nó làm mọi cách sổng ra ngoài để làm gì và để đi đâu nhưng nó không hề vội vàng. Nó biết nàng Đeo Nơ không có trong vườn vào giờ này. Nó quyết định đi đến đó cũng không phải để gặp nàng.

Có một điều gì đó thôi thúc nó lần bước đến vườn nhà bà Tươi. Dù sao thì với chú heo mới lớn, khu vườn đó vẫn là nơi đánh thức trong nó những cảm xúc mới lạ cho dù không phải cảm xúc nào cũng gắn liền với sự dễ chịu. Mỗi lần nghĩ đến nàng Đeo Nơ, Lọ Nồi thường quên bẵng những phiền muộn mà nàng đem lại để đắm mình trong tâm trạng êm đềm nhưng rồi lần nào cũng thế, một chốc sau nó lại nhanh chóng bị những câu nói vô tình của nàng đuổi kịp và thế là nó lại rên lên.

Nhưng Lọ Nồi không hề hối tiếc vì đã gặp nàng Đeo Nơ. Nó không muốn đánh đổi bất cứ điều gì để trở lại làm con heo vô tư như thằng Đuôi Xoăn. Một hạt mầm đã nảy ra trong lòng nó, đang lớn lên theo từng giờ và nó không thể làm ra vẻ lòng mình vẫn còn là miếng đất hoang.

Hương đồng nội quấn quít quanh chú heo con. Nó lần đi trong hương tháng tám vừa lắng tai nghe lũ dế kéo đàn trong cỏ, chẳng mấy chốc đã đến chân rào nhà bà Tươi.

Kỷ niệm dẫn nó đến chỗ trước đây nó lần đầu gặp nàng Đeo Nơ, cạnh bụi dâm bụt nơi nó thường nhai lá để che giấu tâm trạng bối rối.

Lọ Nồi bâng khuâng gieo mình xuống cạnh chân rào. Nó nằm thế thôi, chẳng để làm gì, ngoài chuyện thu xếp các ý nghĩ làm sao để đừng thấy đời quá buồn.

Chốc chốc, nó ngẩng đầu nhìn qua hàng giậu, vừa mong vừa không mong nhìn thấy nàng Đeo Nơ.

Nó ngẩng đầu lần thứ mười thì chợt nghe có tiếng rì rầm.

Tai nó lập tức dỏng lên và tim nó như ngừng đập.

Nó bấu chân xuống cỏ, cố ngăn một cú nhào lộn phấn khích theo kiểu heo.

Đầu óc rối bời, Lọ Nồi không có đủ thì giờ để ngạc nhiên về bản thân. Chỉ thoạt nghe tiếng nàng Đeo Nơ, nó đã lập tức đánh mất chính mình, đã quên phắt mình đến đây làm gì.

Tiếng thì thầm lại vang lên và lần này Lọ Nồi sửng sốt nhận ra giọng nói đó phát ra từ bên ngoài hàng rào.

Không phải nàng! Nó bần thần nhủ, và tò mò ngoảnh nhìn lại phía sau.

Cách nó chừng vài mét có ba bóng đen đang chụm đầu vào nhau.

Lọ Nồi thắc mắc quá. Nó nhổm dậy và thận trọng tiến về phía bọn người lạ.

– Trong nhà này chỉ có hai vợ chồng và một con nhóc à.

– Vậy tụi mình vào đi!

– Tối nay không được. Dắt bốn con bò ra khỏi nhà không phải dễ. Phải chuẩn bị đầy đủ rọ mõm và dây thừng đã.

– Tối mai tụi mình tập trung tại đây. Cũng giờ này.

Những lời bàn bạc rất khẽ nhưng khi lọt vào tai Lọ Nồi bỗng oang oang như phát ra trong một căn phòng kín.

Lọ Nồi thấy bụng quặn lại, chưa biết phải làm gì, một người trong bọn đã kêu lên:

– Ồ, có con gì kìa?

Như bị một phát đạn sượt qua tai, Lọ Nồi hấp tấp quay mình chạy.

– Một con heo con.

– Bắt lấy nó!

– May quá! Một bữa chén ngon lành đây rồi!

Bọn người lạ háo hức đuổi theo con heo con, bằng cả giọng nói lẫn tiếng chân.

Ở phía trước, Lọ Nồi sợ muốn són ra quần (tất nhiên nếu nó có mặc quần). Bốn chân nó khua gấp gáp, chân này chạy đua với chân kia.

Đang nhắm mắt nhắm mũi phóng thục mạng, Lọ Nồi suýt ngả lăn ra cỏ khi va phải một con heo khác đang phóng ngược lại.

– Đứa nào thế? – Nó gầm gừ.

– Em đây! Để em chặn bọn họ lại cho!

Tiếng thằng Đuôi Xoăn vang lên, nó cũng đang lảo đảo vì tông phải thằng anh một cú quá mạng.

Không để Lọ Nồi kịp hỏi thêm, vừa gượng lại Đuôi Xoăn đã lấy trớn đâm bổ vào bọn người đang rượt đuổi.

Va phải chú heo, tên chạy trước lập tức ngã chúi xuống đất, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra đã bị tên thứ hai ngã đè lên do vấp phải đồng bọn.

Tên thứ ba nhanh mắt né người qua một bên, định tự khen mình về tài lạng lách đã bật la oai oái:

– Ối, cái gì thế này!

Một mẩu quần, và hình như có cả một mẩu mông của hắn vừa bị con Mõm Ngắn đớp cho một phát.

Con Mõm Ngắn mõm ngắn nhưng nanh không ngắn. Tên trộm vừa rối rít khua tay ra sau lưng vừa nhảy tưng tưng, giằng co cả buổi mới rút được mông mình ra khỏi cú ngoạm của chú cún.

Lọ Nồi không tham gia vào cuộc chiến. Nó cứ đứng đực ra, đầu hết quay bên này lại ngoảnh bên kia.

Ngay cả khi ba tên trộm đã vắt giò lên cổ chạy biến vào bóng tối, nó dường như vẫn chưa hết ngẩn ngơ.

34

Thằng Mõm Ngắn là đứa đầu tiên phát hiện ra hành tung của Lọ Nồi.

Mõm Ngắn từ khi được sinh ra đã quen ngủ ngày. Ban đêm nó tỉnh như sáo. Ngay từ cú húc đầu tiên của Lọ Nồi vào cọc rào, Mõm Ngắn đã biết. Nó chỉ không biết sư phụ nó chuồn ra ngoài làm gì vào lúc đêm hôm khuya khoắt như thế này nhưng nó không dám hỏi, cũng không dám tự tiện bám theo.

Nó lần mò về phía bụi chuối ở góc vườn, nơi thằng Đuôi Xoăn đang nằm.

– Thầy ơi, thầy! – Nó rụt rè kêu lên.

Đuôi Xoăn đang buồn ngủ, biết thằng Mõm Ngắn gọi mình nhưng nó vờ như không nghe thấy.

– Thầy ơi!

Mõm Ngắn lại kêu, cao giọng hơn một chút.

Thằng Đuôi Xoăn tiếp tục làm thinh, cũng chẳng nhúc nhích, như thể thỉnh thoảng nó vẫn điếc đột xuất.

Chú cún liếm mép, khụt khịt mũi, rồi lại liếm mép, vẻ phân vân. Chuyện khác thì nó không dám làm kinh động thầy nó, nhưng chuyện này thì lạ lùng quá. Nó ngước mắt nhìn lên bầu trời sao, ngần ngừ một lát rồi quyết định thử kêu thật to.

Mõm Ngắn chẳng lạ gì tính khí cộc cằn của Đuôi Xoăn. Vì thế nó cố tìm mẫu câu lịch sự nhất để nhỡ Đuôi Xoăn có bực mình nó cũng có cách chống chế.

Nó kề mõm vào sát tai Đuôi Xoăn, gân cổ hét lớn – rất giống cách ca sĩ vẫn dùng để thử mi-cờ-rô:

– Un gô gô!

Thằng Đuôi Xoăn tất nhiên biết rõ tên đệ tử đang lảng vảng bên cạnh tìm cách đánh thức mình nhưng nó không nghĩ thằng này lại làm trò điên điên như thế.

Đuôi Xoăn có cảm giác trời đang sập xuống đầu. Tai ù như xay thóc, nó nhảy bắn một phát lên không.

– “Chúc ngủ ngon” cái đầu mày!

Đuôi Xoăn giận dữ mắng khi đang lơ lửng trên không. Và khi rớt xuống đất thì không còn là mắng nữa.

Nó giơ chân trước đạp lên đầu thằng cún thật mạnh, giọng bốc khói:

– Mày điên hả, thằng kia?

Mõm Ngắn sợ hãi thụt lui một bước để phòng cú đánh thứ hai.

– Dạ, em… em… chúc thầy ngủ ngon mà. – Nó đưa chân xoa đầu, ấp úng thanh minh.

Đuôi Xoăn thở phì phì:

– Ta đang ngủ ngon mà chúc ngủ ngon cái con khỉ gì! Trò làm ta mất ngủ thì có! Thật tức chết với thằng cún này!

Đuôi Xoăn không biết mình rơi vào bẫy của tên đệ tử. Khi Mõm Ngắn thấp giọng nói cho nó biết thằng Lọ Nồi đã chuồn ra khỏi khu vườn và đang đi lang thang bên ngoài đồng cỏ thì Đuôi Xoăn há hốc mõm, cơn giận thình lình trôi tuột đâu mất:

– Trò nói thật không đó?

– Chính mắt em trông thấy mà.

Một phút sau, hai thầy trò đã ở cạnh chân rào.

Đuôi Xoăn nhìn chiếc cọc nằm lăn lóc trên cỏ, ngơ ngác:

– Lọ Nồi ra ngoài giờ này làm gì nhỉ? 35

– Thế anh ra ngoài làm gì?

Đuôi Xoăn giương mắt hỏi Lọ Nồi, sau khi đã thuật cho thằng này nghe tại sao nó và Mõm Ngắn có mặt ở cánh đồng đúng lúc Lọ Nồi bị bọn người lạ rượt bắt.

– Làm gì à?

Lọ Nồi bối rối hỏi lại, thực ra là tìm cách kéo dài thời gian để nghĩ cách giải thích thế nào cho lọt tai thằng Đuôi Xoăn và thằng Mõm Ngắn. Dĩ nhiên nó không thể thú thật nó lẻn ra khỏi vườn là vì nó nhớ nàng Đeo Nơ. Nếu nàng Đeo Nơ thích nó, nó cũng đã xấu hổ chín người. Đằng này nàng chẳng xem nó ra gì, nó càng không muốn hé môi.

– Ờ… ờ…

Sự lúng túng của Lọ Nồi làm hai đứa kia ngạc nhiên quá.

Thằng Mõm Ngắn tròn mắt:

– Làm gì mà thầy cũng không biết hả thầy? Lọ Nồi khịt mũi:

– Sao lại không biết!

– Thế thầy làm gì ngoài đó?

Hình ảnh ba tên trộm chợt lóe lên trong óc Lọ Nồi.

– Ta đi rình trộm.

– Trộm à?

Thằng Đuôi Xoăn xuýt xoa. Rồi sực nhớ bọn người khi nãy, nó khẽ kêu lên:

– Ra bọn kia là bọn trộm?

– Thì đấy!

Mõm Ngắn tò mò:

– Bọn chúng định trộm gì trong nhà mình vậy thầy?

– Bọn chúng định trộm bò nhà hàng xóm.

Khi báo tin đó với cậu chủ vào sáng hôm sau, Lọ Nồi không thể diễn tả đầy đủ ý tứ như lúc nói với Đuôi Xoăn và Mõm Ngắn.

Mặc dù thằng Cu đã dịch thứ ngôn ngữ quái chiêu của bọn nhóc ra tiếng người, cuốn “sổ tay đàm thoại” đó vẫn còn thiếu khá nhiều từ. Các từ cụ thể như “bà Tươi”, “nhỏ Hà”, các từ trừu tượng như “nhớ nhung”, “tuyệt vọng”, có gan trời nhà ngôn ngữ học tên Cu mới dám đưa vào từ điển khi mà không chỉ mẹ nó, bà Hai Nhành ông Sáu Thơm mà cả làng (có khi cả nước nữa) đang rộ lên phong trào học thứ ngôn ngữ này.

Cho nên tin tức quan trọng kia, thằng Lọ Nồi chỉ có thể thông báo trong vỏn vẹn hai từ cậu chủ từng dạy nó: “bọn trộm” và “tối mai”.

– Cái gì? – Thằng Cu giật mình – Tối mai bọn trộm đến viếng nhà mình à? Lọ Nồi ngúc ngoắc đầu.

– Không đúng à?

Lọ Nồi gục gặc đầu.

– Tao chẳng hiểu mày muốn nói gì cả!

Cái đầu thằng Lọ Nồi đứng yên, trông nó có vẻ khổ sở và bất lực.

Thằng Cu đăm đăm nhìn con heo con, ngờ ngợ một hồi rồi ngồi thụp xuống, gãi tay lên lưng nó, giọng vỗ về:

– Mày định nói gì nói lại tao nghe nào!

– Gô ăng ăng.

– Tao hiểu rồi. Bọn trộm.

– Gô chiếp chiếp.

– Ờ. Tối mai. Rồi sao nữa?

Lọ Nồi nghe câu hỏi nhưng không thể trả lời. Nó không đủ từ ngữ để diễn đạt.

Nó cứ đứng trơ ra, giương mắt nhìn cậu chủ và bứt rứt cào chân lên mặt đất.

Thằng Cu biết Lọ Nồi đánh hơi được bí mật gì đó, nhưng thông báo cụt ngủn của con heo con khiến nó ù ù cạc cạc. Trong nhiều phút, nó nhìn thằng Lọ Nồi như nhìn một dấu chấm hỏi, cố đoán xem sự thật đang nằm ở đâu dưới cái bớt đen kia.

Cứ thế, hai chủ tớ trân trối nhìn nhau, vẻ thăm dò như trong trò chơi giải câu đố: một bên cố đoán bên kia đố gì, một bên cố đoán bên kia sắp giải câu đố được chưa.

Mười phút nữa trôi qua, và thằng Cu chấp nhận là người thua cuộc. Nó giơ hai tay lên trời, giọng đầu hàng:

– Chịu. Mày cứ im im thế này có tài thánh tao cũng không thể biết được tối mai bọn trộm sẽ làm gì! Vừa nói nó vừa uể oải đứng lên.

Lọ Nồi thấy tim mình đột ngột thắt lại. Việc ý nghĩa đầu tiên nó có thể làm trong đời bỗng hóa thành công cốc. Nhà bà Tươi sắp gặp tai họa thế mà nó không có cách gì báo động cho mọi người biết. Ngôi nhà đó lại đặc biệt hơn bất cứ ngôi nhà nào khác: Nàng Đeo Nơ của nó ở đó, cô bé Hà của cậu chủ nó cũng ở đó. Bọn trộm xộc vào đó có khác nào xộc vào nhà chủ tớ nó. Ờ, có khác chút xíu nào đâu!

Chán chường, thất vọng, tức tối, Lọ Nồi ngẩng đầu lên trời, và từ mõm nó tuôn ra một tràn ấm ức:

– Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…

Lọ Nồi không hiểu tại sao mình lại buột ra câu đó. Đối với nó, đó chỉ là một tiếng rên, hoàn toàn vô thức, bật ra từ nỗi tuyệt vọng – như đã từng xảy ra bên bờ suối hôm nào.

“Thế là… tình ta… vỡ tan…n… n… n…”, thằng Cu lẩm bẩm, vừa đứng lên đã vội ngồi xuống. Nó

nhìn sững vào mặt con heo con, khẽ reo:

– À, tao biết rồi! Tối mai bọn trộm sẽ viếng nhà bà Tươi phải không?

Lọ Nồi không ngờ sự thể lại xoay ra như thế. Nó mừng quýnh, đầu gục gặc lia lịa.

Nó không chỉ gật đầu. Nó còn vẫy tai và ngoắt đuôi. Còn bốn cái chân nữa, nó cũng ráng hết sức để nhảy cỡn lên. Và nó nói:

– Chiếp chiếp gô!

“Chiếp chiếp gô” là “cảm ơn”, nhưng ai cũng hiểu trong hoàn cảnh eo hẹp về từ ngữ, “chiếp chiếp gô” có lúc cũng được dùng như là “đúng rồi”.

Lúc đó chính là lúc này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.