Trích lục biên bản Hội thảo chuyên đề ngành Gilead học lần thứ mười hai, trong khuôn khổ Đại hội Hiệp hội lịch sử quốc tế, diễn ra tại trường Đại học Denay, Nunavit, ngày 25 tháng Sáu năm 2195.
Chủ tọa: Giáo sư Maryann Trăng Non, Khoa Nhân học Ầu trắng, Đại học Denay, Nunavit.
Diễn giả chính: Giáo sư James Darcy Pieixoto, Giám đốc Kho tư liệu thế kỷ 20-21, Đại học Cambridge, Anh.
Trăng Non: Tôi lấy làm hân hạnh được chào mừng tất cả quý vị ở đây sáng hôm nay, và tôi rất vui mừng được thấy những chừng ấy người đã tới lắng nghe buổi nói chuyện của Giáo sư Pieixoto, mà tôi biết chắc là hấp dẫn và rất giá trị. Hiệp hội nghiên cứu Gilead chúng tôi tin rằng giai đoạn này trong lịch sử hứa hẹn nhiều phần thưởng cho nghiên cứu chuyên sâu, bởi nó xét cho cùng đóng vai chính trong việc phân chia lại bản đồ thế giới, đặc biệt trên bán cầu này.
Nhưng trước khi chúng ta tiếp tục, có vài thông báo nhỏ. Cuộc dã ngoại câu cá ngày mai sẽ diễn ra như đã định, và những ai chưa mang đủ đồ đi mưa và thuốc diệt côn trùng có thể mua với một khoản phí tượng trưng ở bàn tiếp tân. Cuộc đi dạo điền dã và hội diễn cổ trang ngoài trời đã được dời sang ngày mốt, bởi Giáo sư Johnny Chó Chạy bất khả sai lầm trường ta đã khẳng định rằng thời tiết tới lúc đó sẽ quang quẻ lại.
Tôi cũng xin điểm lại những sự kiện khác do Hiệp hội nghiên cứu Gilead chủ trì tại đại hội này, cũng nằm trong chương trình hội thảo. Chiều mai, Giáo sư Gopal Chatterjee, khoa Triết học phương Tây, Đại học Baroda, Ân Độ, sẽ nói về “Những yếu tố Krishna-Kali trong quốc giáo sơ kỳ Gilead”, và sáng thứ Năm sẽ có buổi thuyết trình của Giáo sư Sieglinda Van Buren từ khoa Lịch sử quân sự Đại học San Antonio, nước Cộng hòa Texas. Giáo sư Van Buren sẽ giảng một bài tôi biết chắc là hặp dẫn với nhiều minh họa về “Chiến thuật Warszawa: Chính sách cô lập nội thành thị trong nội chiến Gilead”. Tôi chắc tất cả chúng ta đều muốn dự các buổi này.
Tôi cũng phải nhắc nhở diễn giả chính của chúng ta – dù tôi chắc điều này không cần thiết – không vượt quá thời gian quy định, bởi chúng ta c̣n muốn có thời gian đặt câu hỏi, và tôi cho rằng chúng ta không ai muốn bỏ mất bữa trưa, như đã xảy ra hôm qua. [Hội trường cười rộ.]
Giáo sư Pieixoto thiết tưởng không cần giới thiệu, bơi chúng ta đều đã quen thuộc với ông, nếu không phải trực tiếp thì cũng qua những công trình quảng bác của ông. Trong đó có “Luật điều tiết chi tiêu qua các thời đại: Phân tích trên tư liệu” và khảo sát được biết đến rộng rãi “Iran và Gilead: Hai chính thể ðộc thần cuối thế kỷ 20, thông qua các nhật ký cá nhân”. Như mọi người đều biết, ỏng là đồng tác giả, cùng Giáo sư Knotly Wade, cũng thuộc Cambridge, biên tập bản thảo được nói đến hôm nay, và hỗ trợ đắc lực trong quá trình sao lục, chú thích và ấn hành nó. Nhan đề bài nói chuyện là: “Những vấn đề tồn tại trong việc chứng thực đối với Chuyện người Tùy nữ’.
Xin mời giáo sư.
[ Tiếng vỗ tay.]
Pielxoto: Xin cám ơn. Tôi tin tưởng chúng ta ở đây đều thỏa mãn với món cá hồi Bắc cực hết sức quyến rũ trong bữa tối qua, và giờ chúng ta lại được thỏa mãn với một nữ chủ tọa Bắc cực không kém phần quyến rũ. Tôi dùng chữ “thỏa mãn” theo hai ý nghĩa khác nhau, chừa lại, tất nhiên, nghĩa thứ ba đã cũ. [Cười rộ.]
Nhưng ta hãy bàn chuyện nghiêm túc. Tôi hy vọng, như tiêu đề câu chuyện phiếm hôm nay cho thấy, đưa ra xem xét vài vấn đề gắn với cái tạm gọi là bản thảo mà giờ đây tất cả mọi người đều biết rõ, được biết đến dưới tên Chuyện người Tùy nữ. Tôi nói ‘tạm gọi là” bởi trong tay chúng ta đây không phải là vật phẩm đó trong hình hài gốc. Nói chính xác, khi mới phát hiện, đó hoàn toàn không phải là một tập bản thảo, cũng chẳng có tiêu đề. Dòng chữ “Chuyện người Tùy nữ’, “The Handmaid’s Tale”, được để thêm vào mãi sau là bàn tay Giáo sư Wade, một phần nhằm tỏ lòng tôn kính với Geoffrey Chaucer vĩ đại; nhưng những ai quen biết thân tình với Giáo sư Wade, như tôi đây, sẽ hiểu được khi tôi phát biểu rằng mình tin chắc mọi lối chơi chữ đều có dụng ý, cụ thể là liên quan đến nét nghĩa cổ thông tục của chữ “tail” – đuôi; chính là khúc xương bị tất cả xâu xé, trong giai đoạn thuộc xã hội Gilead mà bản trường ca của chúng ta nhắc đến. [Tiếng cười, tiếng vỗ tay.]
Vật phẩm này – tôi thận trọng không muốn dùng chữ “tài liệu” – được tìm ra ở địa điểm xưa từng là thành phố Bangor, trong vùng, trước những sự kiện mở đầu chính thể Gilead, đã từng là tiểu bang Maine. Chúng ta biết rằng thành phố này là một trạm quan trọng trên cái mà nữ tác giả của chúng ta gọi là “Tuyên đàn bà chạy nạn”, đến nay đã được một số trong đám sử gia thích đùa mệnh danh “Tuyến đàn gà chạy loạn”. [Tiếng cười, tiếng la ó.] Chính vì điều này mà hiệp hội chúng tôi đã đặc biệt chú tâm đến nó.
Nguyên ủy vật phẩm này gồm có một cái rương cá nhân bằng sắt, hàng quân dụng Mỹ, có lẽ khoảng năm 1955. Bản thân chuyện này không có ý nghĩa gì mấy, bởi ta biết rằng thứ rương ấy thường xuyên đem bán coi như “quân nhu dư thừa” và vì vậy chắc hẳn rất phổ biến. Rương dán bằng thứ băng dính thường dùng cho bưu kiện, trong có khoảng ba chục băng cát xét, thuộc loại đã lỗi thời vào độ thập kỷ 80 hoặc 90, khi dĩa CD lên ngôi.
Tôi xin nhắc lại rằng đây không phải phát hiện đầu tiên thuộc loại này. Mọi người hẳn nhiên đều đã quen thuộc với, chẳng hạn như, vật phẩm gọi là “Hồi kỷ A.B”, xuất hiện trong một ga ra vùng ngoại ô Seattle, và “Nhật ký của P”, tình cờ khai quật lên khi khởi công một nhà chung mới ở ngoại vi nơi từng là Syracuse, New York.
Giáo sư Wade và tôi rất phấn khởi với phát hiện này. May mắn rằng chúng tôi, vài năm trước đó, với sự giúp đỡ của một chuyên viên kỹ thuật khảo cổ xuất chúng thường trú tại trường, đã tái dựng thành công một thứ máy có thể chạy được những băng loại này, và lập tức bắt tay vào công cuộc gỡ băng đầy gian khổ.
Có khoảng ba chục băng tất cả, pha lẫn nhạc và lời kể với tỷ lệ khác nhau. Nhìn chung, mỗi băng sẽ bắt đầu bằng khoảng hai ba bài hát hiển nhiên là để ngụy trang, rồi nhạc bị cắt ngang bằng lời kể. Đó là giọng đàn bà và, theo các chuyên gia phân tích giọng nói của chúng tôi, nhất quán từ đầu đến cuối. Nhãn ghi trên băng là nhãn có thật đương thời, tồn tại từ trước những sự kiện khởi đầu Gilead khá lâu, tất nhiên, bởi thứ nhạc thế tục như vậy đã bị cấm dưới chế độ. Ví dụ như, có bốn băng đề “Elvis Presley – Giai đoạn hoàng kim”, ba băng “Dân ca Lithuania”, ba băng “Boy George đã cởi”, và hai “Mantovani, dàn dây êm dịu”, cũng như vài băng khác không nằm trong bộ nào cả: “Twisted Sisters ở thính phòng Carnegie” là cái tỏi đặc biệt ưa chuộng.
Cho dù nhãn dán đều là thật, chúng không phải lúc nào cũng đúng với bài hát trong băng. Thêm nữa, ba mươi cuộn băng không sắp xếp theo thứ tự nào cả, nằm lộn xộn dưới đáy rương; cũng không đánh số. Vậy là Giáo sư Wade và tôi lãnh trách nhiệm sắp xếp lại các đoạn theo thứ tự có vẻ là thích hợp; nhưng, như tôi đã nói ở một chỗ khác, mọi sắp xếp đều chỉ dựa trên suy đoán và chỉ nên coi là gần đúng, đòi hỏi khảo sát sâu hơn.
Khi đã có được toàn bộ bản ghi trong tay – đấy là đã phải rà đi rà lại, khắc phục những khó khăn bởi thổ âm, những ám chỉ không rõ nghĩa, những từ ngữ không còn sử dụng – chúng tôi phải xác định xem thứ tư liệu phải khổ công đến thế mới có được này thuộc loại nào. Có vài khả năng được vạch ra. Thứ nhất, những băng này có thể là giả. Như mọi người đều biết, đã có vài trường hợp làm giả như thế, đều được các nhà xuất bản bỏ những khoản tiền rất lớn mua về, rõ ràng là muốn kiếm chác trên tính chất giật gân của những câu chuyện này. Tình hình là một số giai đoạn đặc biệt trong lịch sử sẽ nhanh chóng trở thành, cả với những xã hội bên ngoài lẫn những xã hội kế tiếp, chất liệu cho các truyền thuyết không có tính khai sáng gì cho lắm và dịp tốt cho hàng lô tuyên truyền tự đánh bóng mình. Nếu được quyền thêm vài câu xã luận kèm theo, hãy cho phép tôi nói rằng theo ý tôi chúng ta cần thận trọng khi phán xét thời kỳ Gilead về mặt đạo đức. Đến giờ chắc chắn chúng ta phải hiểu rằng những phán xét loại đó nhất thiết phải dựa trên hoàn cảnh văn hóa cụ thể. Hơn nữa, xã hội Gilead phải chịu rất nhiều áp lực, về dân số và nhiều thứ nữa, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà chúng ta may thay đã thoát được phần nào. Việc của chúng ta không phải là chỉ trích mà là thấu hiểu. [Tiếng vỗ tay.]
Không nói ngoài lề nữa: những cuộn băng thế này, tuy nhiên, rất khó làm giả một cách thuyết phục, và chúng tôi có lời bảo đảm của những chuyên gia rằng bản thân những đồ vật này là xác thực. Chắc chắn bản thân sự thu âm, nghĩa là, việc ghi đè lời nói lên băng nhạc, không thể xảy ra trong vòng một thế kỷ rưỡi trở lại đây.
Vậy cứ cho rằng những băng này là thật, thế còn bản thân lời tường thuật trong đó thì sao? Rõ ràng, nó không thể được thu trong chính thời gian xảy ra những sự kiện tường thuật lại, bởi, nếu tác giả đang nói ra sự thực, lúc ấy cỏ ta không thể tiếp cận nổi máy móc hay băng, cũng như không tìm được nơi giấu. Hơn nữa, lời tường thuật chứa một hàm lượng suy tưởng đánh giá nhất định, khiến theo ỷ tôi loại trừ khả năng trên. Nó có dáng dấp cảm xúc được hồi tưởng lại, nếu không phải khi đã thanh thản, thi ít nhất cũng là hậu sự kiện.
Nếu xác định được nhân thân người kể chuyện, chúng tôi hỉnh dung, là đã tiến được bước dài trên đường giải thích xem làm sao tài liệu này – tôi sẽ gọi thế cho tiện – lại ra đời. Nhằm mục đích ấy, chúng tôi đã thử hai hướng điều tra.
Thứ nhất, chúng tôi cố gắng, thông qua những bản quy hoạch cũ của thành phố Bangor và các tư liệu còn lại khác, xác định ai đã cư trú tại ngôi nhà nằm ở địa điểm phát hiện vào khoảng thời gian đó. Có khả năng, chúng tôi giả định, ngôi nhà này đã là một “nhà lánh nạn” trên Tuyến đàn bà trong thời kỳ này, và tác giả của chúng ta đã được giấu trong tầng áp mái hoặc hầm ngầm, chẳng hạn, hàng tuần hay hàng tháng, và đó là lúc cô có cơ hội thu những băng này. Tất nhiên, không loại trừ khả năng các băng cát xét được đưa tới địa điểm nói trên sau khi hoàn tất. Chúng tôi hy vọng có thể lần theo mà tìm được hậu duệ của những ngườ chủ nhà giả định trên, và hy vọng họ sẽ cung cấp được những tư liệu khác: nhật kỷ, chẳng hạn, hoặc thậm chí giai thoại dòng họ truyền lại qua các đời.
Nhưng thật không may, đây hóa ra là ngõ cụt. Có thể những người ấy, nếu thực sự là mắt xích trong đường dây ngầm, đã bị lộ và bị bắt, trong trường hợp đó mọi tư liệu có nói đến họ ắt đã bị tiêu hủy. Thế nên chúng tôi tiến công theo hướng thứ hai. Chúng tôi khảo cứu mọi thư tịch của thời kỳ ấy, cố gắng chắp nối những tên tuổi lịch sử với các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của chúng ta. Những thư tịch còn lại khá ba chớp ba nhoáng, bởi chính thể Gilead có thói quen xóa sạch máy tính công và hủy hết bản in sau hàng loạt cuộc thanh trừng và nội biến, nhưng một số bản in vẫn còn sót lại. Thậm chí một số ðã được mang lậu tới Anh, phục vụ tuyên truyền cho những hội Cứu tế phụ nữ, đầy rẫy ở Quần đảo Anh lúc đó.
Chúng tôi không mong chờ sẽ định vị được bản thân người kể chuyện. Ngay từ nội dung đã thấy được rằng cô thuộc vào thế hệ phụ nữ đầu tiên tuyển riêng cho mục đích sinh sản và phân cho những người vừa cần đến, vừa có điều kiện đạt được dịch vụ ấy thông qua vị thế trong xã hội thượng lưu. Chính thể đã tạo ra nguồn cung cấp trong nháy mắt chỉ đơn giản bằng cách tuyên bố tất cả những người kết hôn sau ly dị, cũng như chung sống không giá thú, là phạm tội ngoại tình, rồi bắt giữ người phụ nữ, và, dựa vào lý lẽ họ không đủ năng lực đạo đức, tịch thu con cái họ đã sinh ra, để đưa vào nhà các cặp vợ chồng không con cái thuộc cấp bậc cao đang cần người nối dõi bằng mọi giá. (Tới trung kỳ, chính sách này đã mở rộng bao hàm mọi cuộc hôn nhân không diễn ra trong nội bộ quốc giáo.) Như vậy đàn ông chức vụ cao trong chính thể có quyền lựa chọn trong số những phụ nữ đã chúng tỏ khả năng sinh nở bằng cách cho ra đời ít nhất một đứa con lành lặn, một đức tính quỳ giá trong thời đại tỷ lệ sinh của người Âu trắng đang tuột dốc, là hiện tượng không chỉ thấy riêng tại Gilead mà có trong hầu hết xã hội Âu trắng miền Bắc lúc bấy giờ.
Những nguyên nhân gây ra sự sụt giảm này chúng ta không nắm được rõ ràng. Một số hiển nhiên có thể quy về các biện pháp kiểm soát sinh nở đang phổ biến, gồm cả bỏ thai, trong thời kỳ trực tiếp tiền Gilead. Vậy là một số ca tiệt sản là do tự nguyện, điều này giải thích tại sao lại có sô liệu khác nhau giữa người Âu trắng và phi Âu trắng, nhưng số còn lại thì không. Tôi có cần nhắc lại rằng đây là thời đại làm mưa làm gió của chủng giang mai R và đại dịch AIDS khét tiếng, một khi lan rộng trong cộng đồng, đã phế bỏ khả năng sinh sản của một bộ phận lớn thanh niên vẫn duy trì đời sống tinh dục? Thai lưu, sẩy thai, dị dạng do hỏng gen xuất hiện tràn lan, ngày càng tăng mạnh, và tình trạng đó được đổ cho những tai nạn nguyên tử, những vụ đóng cửa hay phá hoại nhà máy nguyên tử đặc trưng của thời đại, cũng như rò rỉ từ các kho chứa vũ khí hóa và sinh học, các bãi thải chất độc mà số lượng lên đến hàng nghìn, cả hợp pháp và phi pháp – trong nhiều trường hợp người ta chỉ việc tống chất độc xuống hệ thống cống thoát nước – và cả việc sử dụng bừa bãi hóa chất trừ sâu, trừ cỏ hay tương tự.
Nhưng dù nguyên cớ là gì, hậu quả cũng vô cùng nghiêm trọng, và Gilead không phải là chính quyền duy nhất có phản ứng lại vào thời điểm đó. Rumania, chẳng hạn, đã đi trước Gilead vào thập kỷ tám mươi bằng cách cấm tiệt mọi hình thức tránh thai, cưỡng chế thử thai với phụ nữ, và khuyến khích sinh nở bằng thăng chức tăng lương.
Nhu cầu có một cái tôi tạm gọi là dịch vụ sinh nở đã rõ rệt từ thời tiền Gilead, và nó được đáp ứng với nhiều thiếu hụt bằng “thụ tinh nhân tạo”, “trung tâm trợ sản” và những “người mẹ sinh học”, được trả thù lao cho mục đích này. Gilead đã cấm bỏ hai hình thức đầu, coi như trái giáo lý, nhưng hợp pháp hóa và đẩy mạnh cái thứ ba, vì được coi như có tiền lệ từ Kinh thánh; như vậy đã thay thế hình thức đa phối ngẫu bất đẳng thời phổ biến trong thời tiền Gilead bằng hình thức cổ xưa hơn, đa phối ngẫu đẳng thời, có mặt từ thời đầu Cựu ước lẫn tại bang Utah cũ thế kỷ mười chín. Như ngành sử học cho ta biết, một hệ thống mới tiếm ngôi hệ thống cũ không thể không tích hợp nhiều yếu tố đã có sẵn từ cái trước, bằng chứng là những yếu tố tôn giáo bản địa trong đạo Cơ đốc thời Trung cổ, hay sự thoát thai của KGB từ cơ quan mật vụ Sa hoàng tiền thân; Gilead không nằm ngoài luật lệ này. Chính sách phân biệt chủng tộc của chế độ, chẳng hạn, đã bắt rễ sâu xa từ thời tiền Gilead, và chính nỗi sợ có tính chủng tộc này đã đổ thêm dầu vào trạng thái tình cảm cho phép cuộc đoạt chính Gilead diễn ra trơn tru như vậy.
Tác giả của chúng ta, như vậy, chỉ là một trong nhiều mẫu khác, và phải được nhìn nhận trong khuôn khổ rộng lớn hơn vào thời khắc lịch sử cô ta tồn tại. Nhưng chúng ta còn biết thêm gì về cô, ngoài tuổi, vài đặc điểm ngoại hình có thể dẫn tới bất cứ ai, và nơi cư trú? Chẳng là bao nhiêu. Cô có vẻ có học thức, trong chừng mực một sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Mỹ thời kỳ đó có thể coi là có học thức. [Tiếng cười, vài tiếng la ó.] Nhưng loại đó, như người ta thường nói, nhiều như nấm rừng, thế nên thông tin đó không ăn thua. Cô thấy không nên cho chúng ta biết tên thật của mình, mà thực ra mọi ghi chép về cái tên đó trong giấy tờ chính thức chắc đã bị tiêu hủy hết khi cô vào Trung tâm cải huấn Rachel và Leah. “Offred” không đưa lại manh mối gì, bởi, cũng như “Ofglen” và “Ofwarren”, nó được cấu trúc như một phụ danh, từ giới từ sở hữu “of” và tên gọi của ông chủ. Họ mang lấy tên đó khi gia nhập vào gia hộ của một Chủ soái cụ thể, và mất đi khi rời bỏ.
Những cái tên còn lại trong tài liệu cũng vậy, vỏ dụng trong việc nhận dạng và chứng thực. “Luke” hay “Nick” không đưa lại manh mối, cũng như “Moira” và “Janine”. Khả năng rất cao là chúng, từng cái một, cũng đều chỉ là tên giả, nhằm bảo vệ họ trong trường hợp những cuộn băng bị phát hiện. Nếu vậy, điều này sẽ khẳng định quan điểm của chúng tôi, rằng những băng này được thu trong nội địa Gilead, chứ không phải bên ngoài, rồi chuyển lậu về để tổ chức ngầm Mayday sử dụng.
Khi đã loại trừ những khả năng trên, chúng tôi chỉ còn lại một đường. Nếu có thể tìm ra viên “Chủ soái” mờ mờ nhân dạng này, chúng tôi cảm thấy, ít nhất cũng sẽ có được chút tiến triển. Chúng tôi lý luận rằng một nhân vật quyền cao chức trọng đến thế ắt đã có mặt từ ban tham mưu Con cháu Jacob tối mật đầu tiên, chính cái đã đẻ ra cơ sở triết học cũng như kết cấu xã hội Gilead. Cơ quan này được triệu tập ngay sau khi có thừa nhận về thế cục bế tắc vũ trang giữa các siêu cường và kỷ kết hiệp ước tuyệt mật về Phạm vi thế lực, cho phép các siêu cường tùy nghi lựa chọn, không bị bên ngoài can thiệp, cách đối đãi với những cuộc bạo loạn mỗi lúc một nhiều hơn trong lãnh thổ của đế chế mình. Biên bản chính thức mọi cuộc họp của Con cháu Jacob đã bị thủ tiêu sau cuộc Đại thanh trừng khoảng trung kỳ, trong đó một cơ số tương đối những nhà thiết kế Gilead ban đầu đã bị hạ bệ và trừ khử; nhưng chúng tôi đã tiếp cận được một số thông tin qua cuốn nhật ký mã hóa của Wilfred Limpkin, một trong những nhà sinh học xã hội có mặt trong đó. (Chúng ta đều biết, lý thuyết về đa phối ngẫu trong tự nhiên của sinh học xã hội đã được dùng làm nền tảng khoa học biện minh cho nhiều nghi thức bất thường trong chính thể, cũng như thuyết Darwin cho nhiều hệ tư tưởng trước đó.)
Từ Limpkin chúng ta lựa được ra hai người thích hợp, nghĩa là, hai người có tên chứa chữ “Fred”: Frederick R. Waterford và B. Frederick Judd, cả hai không để lại ảnh, dù Limpkin so sánh người thứ hai với một cái sơ mi nhồi bông, và, tôi trích đây, “một kẻ cho ‘khới động’ là chuyện diên ra ớ trên sân golf”. [Tiếng cười.] Bản thân Limpkin không sống sót lâu sau khi Gilead thiết lập, và chúng ta có được cuốn nhật ký chỉ vì ông ta đã nhìn trước kết cục của minh, và gửi gắm nó cho người em dâu ở Calgary.
Waterford và Judd đều có những đặc điểm cho phép chúng ta liên tưởng. Waterford xuất thân từ ngành nghiên cứu thị trường, và, theo Limpkin, là người đã thiết kế trang phục cho phụ nữ, cũng như đề xuất cho Tùy nữ mặc đồ đỏ, hình như mượn ý tưởng từ trang phục của tù binh Đức tại các trại ở Canada trong Thế chiến hai. Có vẻ chính ông ta đã đẻ ra thuật ngữ Dự xử, lấy từ một chương trình thẩm mỹ rất được ưa chuộng vào khoảng ba mươi năm cuối thế kỷ đó; nghi lễ cưỡng dâm tập thể lại khác, bắt nguồn từ một tập tục ở nông thôn Anh thế kỷ mười bảy. Cứu chuộc có lẽ cũng là sản phẩm của ông ta, cho dù đến thời mở màn Gilead nó đã mở rộng từ nghĩa nguyên thủy trên quần đảo Philippine sang một thuật ngữ chung chỉ việc diệt trừ những địch thủ chính trị. Như tôi đã nói ở trên, có rất ít thứ thực sự phát xuất từ hay riêng cho Gilead: những sáng kiến thiên tài của nó là do tổng hợp.
Judd, mặt khác, có vẻ ít quan tâm đến bao bì đóng gói mà hứng thú với chiến thuật hơn. Chính ông ta đã đề nghị dùng một tờ bướm “CIA” mập mờ dạy cách làm lung lay những chính quyền nước ngoài làm sổ tay chiến lược cho Con cháu Jacob, và cũng lại ông này đã vạch ra danh sách thanh toán ban đầu gồm những “người Mỹ” xuất chúng đương thời. Người ta cũng ngờ ông đã đạo diễn cuộc thảm sát Ngày tổng thống, một việc đòi hỏi thâm nhập tối đa vào hệ thống an ninh quanh Quốc hội, và nếu không có nó việc đình chỉ Hiến pháp đã không thể diễn ra. Bản quán quốc gia và thuyền chở người Do thái đều là kế hoạch của ông, cũng như ý tưởng tư nhân hóa công cuộc hồi hương người Do thái, đưa đến kết quả là không chỉ một thuyền chỉ việc đánh đắm xuống đáy Đại Tây Dương, để tăng tối đa lợi nhuận. Đối với Judd như ta đã biết, điều này cũng chẳng gây ra mấy bận tâm. ông ta là một gã thuộc phái diều hâu, với nhận xét được Limpkin chép lại, “Chúng ta đã sai lầm lớn khi dạy cho chúng đọc. Ta sẽ không lặp lại điều này.”
Chính Judd được ghi nhận là đã xác lập hình thức, chứ không phải tên gọi, của nghi lễ Dự xử, với lập luận rằng đó không chỉ là một cách đặc biệt khủng bố và hiệu quả để tẩy rửa mình khỏi những phần tử phản kháng, mà còn đóng vai trò xả xú páp cho các phần tử nữ giới ở Gilead. Vai trò của bù nhìn thế mạng vốn đã lưu xú trong lịch sử, và hẳn các Tùy nữ, ngày thường vốn bị đè nén mức ấy, phải lấy làm thỏa thuê cùng cực khi đôi lúc được dùng tay trần xé nát một người đàn ông. Việc này đã trở thành phổ biến và hiệu quả tới mức đến giai đoạn trung kỳ nó trở thành định kỳ, mỗi năm bốn lần: xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí. Ta thấy lặp lại âm hưởng của những tập tục được mùa trong tín ngưỡng cổ thờ Nữ thần đất. Như chúng ta đã nghe trong buổi thảo luận nhóm chiều qua, Gilead, dù mang hình thức phụ hệ không bàn cãi, lại mang đỏi nét mẫu hệ trong nội dung, như một số bộ phận trong cấu trúc xã hội đã sinh ra nó. Mọi kiến trúc sư của Gilead đều biết rằng, để đặt nền móng cho một chế độ toàn trị hữu hiệu, mà thực ra là bất kỳ chế độ nào, phải cung cấp một số đặc lợi và quyền tự do, ít nhất cho một thiểu số ưu đãi, đền lại những thứ đã tước đi.
Trong mạch liên tưởng này một vài bình luận về bộ máy quản lý nữ giới khá hoành tráng dưới tên các “dì” có lẽ là cần thiết. Judd – vẫn theo Limpkin – ngay từ đầu đã chủ trương cách tốt nhất và ít tốn kém nhất để kiểm soát phụ nữ cho mục đích sinh sản và những mục đích khác là dùng chính bản thân phụ nữ. Về chuyện này trong lịch sử đã có nhiều tiền lệ; thực tế, không để quốc nào dựng lên bằng vũ lực hay phương cách nào khác lại thiếu đi khía cạnh này: cai quản dân bản xứ bằng chính thành viên bộ tộc họ. Trong trường hợp Gilead, có rất nhiều phụ nữ tự nguyện đảm nhận chức “dì”, hoặc vì tin tưởng chân thành vào cái họ gọi là “những giá trị truyền thống”, hoặc vì những lợi ích có thể có được. Khi quyền lực trở nên hiếm hoi, một chút xíu cũng là cám dỗ. Lại có cả phản động cơ nữa: những phụ nữ không con, vô sinh, hoặc đã già và không chồng, có thể phục vụ trong bộ máy và thoát được cảnh trở nên dư thừa, bị đưa lên tàu ra khu Kiều dân khét tiếng, dành cho lớp dân cư lưu động được sử dụng chủ yếu trong đội vệ sinh chất độc, một loại quân thí, dù nếu may mắn người ta có thể được phân cho những công việc bớt hiểm nghèo hơn, như là hái bông hay thu hoạch hoa quả.
Như vậy ý tưởng là của Judd, nhưng việc thi hành mang dấu ấn của Waterford. Còn ai trong Ban tham mưu Con cháu Jacob nghĩ ra nổi rằng các dì sẽ mang tên lấy từ những sản phẩm thương mại dành cho phụ nữ trong thời kỳ trực tiếp tiền Gilead, để khiến họ thấy thân thuộc và an tâm – thương hiệu mỹ phẩm, phụ gia làm bánh, món thạch tráng miệng, thậm chí cả các phương thuốc? Đó thật là một cú xuất chúng, càng khiến chúng tôi khẳng định rằng Waterford, trong thời kỳ đỉnh cao của mình, là một thiên tài sáng tạo. Cả Judd, theo cách riêng, cũng vậy.
Hai nhân vật này đều được ghi lại là không con và vì thế đủ tiêu chuẩn để liên tiếp nhận các Tùy nữ. Giáo sư Wade và tôi đã đặt giả thiết trong bài báo viết chung, “Khái niệm ‘Giống’ trong xã hội Gilead sơ kỳ”, rằng cả hai – cũng như rất nhiều Chủ soái khác – đã tiếp xúc với một loại virus gây vô sinh, được phát triển trong chuỗi thí nghiệm biến đổi gen trên virus quai bị giai đoạn tiền Gilead, nhằm tiêm vào nguồn hàng trứng cá muối cung cấp cho những quan chức tối cao ở Moskva. (Thí nghiệm này đã hủy bỏ sau hiệp ước Phạm vi thế lực, bởi có nhiều ỷ kiến cho virus đó quá khó kiểm soát và do đó quá nguy hiểm, cho dù một số vẫn còn ỷ định phát tán nó khắp Ấn Độ.)
Tuy nhiên, cả Judd lẫn Waterford đều không kết hôn với người đàn bà nào đã từng bao giờ mang tên “Pam” hay “Serena Joy”. Cái tên thứ hai này có vẻ như là sáng chế có phần ác ý của nữ tác giả. Vợ Judd tên là Bambi Mae, còn vợ Waterford là Thelma. Bà sau, tuy nhiên, đã từng là một tên tuổi truyền hình thuộc loại giống như mô tả. Điều này chúng ta biết nhờ Limpkin, qua nhiều nhận xét độc địa về chuyện đó. Bản thân chính thể đã phải lao tâm khổ tứ nhằm che đậy những lệch lạc phi chính thống kiểu đó trong quá khứ của hôn thê các giới chức cấp cao.
Xét trên tổng thể, các bằng chứng có vẻ nghiêng về Waterford. Chúng ta được biết, chẳng hạn, ông ta đã bị kết liễu, hẳn là chỉ ít lâu sau những sự kiện thuật lại ở đây, tại một trong những cuộc thanh trừng sớm nhất: ông ta bị cáo buộc tội có xu hướng tự do chủ nghĩa, tội sở hữu trái phép một kho lớn chữ nghĩa và tranh ảnh tà đạo, và tội chứa chấp một kẻ phản kháng. Chuyện này xảy ra trước thời các phiên tòa bắt đầu diễn ra trong vòng bí mật, mà vẫn còn được phát trên truyền hình, vì thế những sự kiện này đã được ghi lại qua vệ tinh ở Anh và nằm lại trong kho lưu trữ băng hình của chúng tôi. Những đoạn quay Waterford chất lượng khá tồi, nhưng cũng đủ rõ để xác minh ông ta đúng là có tóc màu xám.
Còn về kẻ phản kháng mà Waterford bị buộc tội chứa chấp, đó có thể là bản thân “Offred”, bởi rõ ràng việc chạy trốn sẽ xếp cô vào thành phần này. Nhưng khả năng lớn hơn đó là “Nick”, mà bản thân sự tồn tại của những cuộn băng này chứng tỏ là đã giúp “Offred” trốn thoát. Phương cách tiến hành chứng tỏ anh ta là thành viên của tổ chức ngầm Mayday mà ta chưa rõ mặt, không đồng nhất với Tuyến đàn bà nhưng có liên quan với nhau. Tuyến đàn bà đơn thuần là một chiến dịch đánh tháo, còn Mayday là một lực lượng bán vũ trang. Chúng ta được biết vài thám báo Mayday đã thâm nhập được vào thượng tầng quyền lực Gilead ở cấp cao nhất, và việc cài cắm một thành viên làm tài xế cho Waterford hẳn là một thắng lợi; một thắng lợi kép là khác, bởi “Nick” hẳn cũng đồng thời thuộc về Con mắt, như thường thấy với những tài xế hay hầu cận khác. Waterford, tất nhiên, có biết điều này, nhưng vì mọi Chủ soái cấp cao lẽ tự nhiên đều chỉ huy đội Con mắt, ông ta không để tâm nhiều đến chuyện đó, cũng như không để nó cản trở mình bước qua những luật ông ta cho là vặt vãnh. Cũng như hầu hết các Chủ soái bị thanh trừng về sau, ông ta cho địa vị của mình loại trừ khả năng bị tấn công. Tới trung kỳ Gilead người ta đã thận trọng hơn.
Suy đoán của chúng tôi tới đây thì dừng. Giả thử là nó đúng – nghĩa là, giả thử, Waterford quả là “Chủ soái” trong câu chuyện – vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Một số lẽ ra có thể được tác giả vô danh của chúng ta bổ sung, nêu cô có một thiên hướng khác đi. Cô đã có thể cho biết nhiều điều về nội tình đế quốc Gilead, giá cô có bản năng của một phóng viên hay một tay mật thám. Chúng ta sẽ trả giá đến đâu để có được, lúc này, dù chỉ hai mươi trang bản in từ máy tính riêng của Waterford! Nhưng chúng ta hãy lấy làm biết ơn trước mẩu bánh mì Nữ thần lịch sử đã có lòng ban cho.
Còn về số phận rốt cùng của nữ tác giả của chúng ta, tất cả vẫn là bí ẩn. Liệu cô có được đưa thoát qua biên giới Gilead, vào nơi khi đó hãy còn là Canada, và cô có kiếm đường từ đó sang được nước Anh? Đó sẽ là một lựa chọn khôn ngoan, vì Canada vào thời đó không muốn ra mặt chống đối người láng giềng hùng mạnh của mình, và đã có rất nhiều cuộc lùng bắt và dẫn độ những người lưu vong như thế. Nếu quả vậy, tại sao cỏ không mang theo những cuốn băng thu câu chuyện của mình? Có thể việc ra đi quá đột ngột; có thể cô sợ bị chặn đường. Mặt khác, cũng có thể cô đã bị bắt lại. Nếu quả thật cô đã tới được Anh, tại sao không công khai câu chuyện của mình, như rất nhiều người đã làm thế khi ra tới thế giới bên ngoài? Có thể cô sợ sẽ có trả thù nhằm vào “Luke”, đấy là giả sử anh ta còn sống (một chuyện bất khả), hoặc thậm chí nhằm vào đứa con gái; bởi chính thể Gilead không tiếc gì những biện pháp này, và dùng chúng để đàn áp dư luận trái chiều ở các nước khác. Không chỉ một người tị nạn bất cẩn từng nhận được bàn tay, bàn chân, hay mảnh tai, gửi chuyển phát nhanh trong bao chân không, giấu trong một bình cà phê, chẳng hạn. Hoặc có thể cô thuộc về sô Tùy nữ đã trốn thoát nhưng không thích nghi nổi với thế giới bên ngoài, khi đã tới đó, sau cuộc sống trong vòng bảo hộ ngày xưa. Cô có thể, cũng như họ, đã rút vào ẩn dật. Chúng ta không cách nào biết được.
Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể suy đoán động cơ khiến “Nick” giải cứu cho cô. Chúng ta có thể cho rằng một khi việc Ofglen, vốn vẫn cặp đôi với cô, có dính líu tới Mayday đã bị phát hiện, bản thân anh ta cũng rơi vào nguy hiểm, bởi như anh ta hiểu rõ, qua kinh nghiệm làm Con mắt, Offred chắc chắn sẽ bị đưa ra thẩm vấn. Hình phạt cho việc quan hệ tình dục trái phép với một Tùy nữ rất khắc nghiệt; ngay cả vị trí Con mắt cũng không chắc đã bảo vệ được anh ta. Xã hội Gilead là xã hội Byzantium đẩy đến cực đoan, và mọi vi phạm đều có thể bị khai thác bởi những kẻ thù giấu mặt trong nội bộ chính thể. Anh ta, tất nhiên, vẫn có thể đích thân ám sát cô, lựa chọn như thế sẽ khôn ngoan hơn, nhưng vẫn còn phải tính đến tình cảm con người, và, như ta biết, cả hai người bọn họ đều nghĩ có thể cô đã mang thai với anh. Trong thời đại Gilead có đàn ông nào cưỡng được viễn cảnh làm cha, một địa vị quyến rũ đến thế, được xưng tụng đến thế? Thay vào đó, anh ta đã gọi đến một đội cứu hộ toàn Con mắt, có thể là thực hoặc giả nhưng dù sao cũng chịu lệnh anh ta. Làm như vậy anh ta cũng có thể đã đẩy nhanh kết cục của chính mình, cả điều này chúng ta cũng không bao giờ biết được.
Liệu nữ tác giả của chúng ta có an toàn ra được thế giới bên ngoài và tạo cho mình một cuộc đời mới? Hay cô đã bị phát hiện trên tầng áp mái đang ẩn náu, bị bắt, bị đưa đến khu Kiều dân hay cung Jezebel, hay thậm chí xử tử? Tài liệu của chúng ta, dù rất hùng biện về nhiều mặt, lại hoàn toàn câm nín về chuyện đó. Chúng ta có thể gọi Eurydice về từ cõi âm ty, nhưng không thể bắt nàng mở miệng; và khi quay lại nhìn chúng ta chỉ thấy được nàng một khắc, trước khi nàng trượt khỏi tay ta mà đi. Như mọi sử gia đều biết, quá khứ là một bóng đêm khổng lồ, tràn đầy tiếng vọng. Những giọng nói từ đó có thể đến với chúng ta; nhưng lời chúng nói đã nhuốm đầy sắc âm u khi du hành qua ma trận ấy; và, cố gì thì cố, không phải bao giờ chúng ta cũng giải mã được chính xác khi đặt dưới ánh sáng rành mạch trong thời đại của minh.
Tiếng vỗ tay.
Có ai muốn hỏi gì không?