Cô Đơn Trên Mạng
Chương 03 phần 1
Anh: Cuộc họp bị kéo dài. Mãi hơn hai tiếng sau anh mới quay lại được với cái máy tính của mình ở văn phòng.
Anh nhìn đồng hồ. Muộn quá rồi.
Chắc chắn cô ấy không còn online nữa – anh thất vọng nghĩ, nhìn thấy tấm thẻ vàng báo có tin của cô đang nhấp nháy ở góc phải bên dưới màn hình.
Anh kích vào đó và đọc. Anh cảm thấy ngột ngạt. Một sự bất an, nỗi lo sợ và lồng ngực như bị bóp chặt. Tay anh run lên. Anh tưởng rằng mọi cái đã qua rồi, đã bị phủ một lớp bụi dầy những sự kiện của cuộc đời anh, đã được chuộc lỗi hơn cả mong đợi bằng tất cả những gì anh đã trải qua trong những ngày tháng ấy. Nhưng không thể xoá đi dấu ấn của nỗi đau trong vùng này của trí nhớ bằng dấu ấn của niềm hạnh phúc ở những vùng khác được.
Anh đọc cái câu ấy và tất cả lại ùa về. Với cùng một nỗi tuyệt vọng, nỗi đau, những giọt nước mắt, sự đánh hàm lập cập không thể kiểm soát, cái nắm tay và sự bất lực ấy. Giống hệt như lúc anh cảm thấy cái vị mằn mặn của máu khi cắn phải môi. Hơi thở ngắn và nông. Tất cả trở về, tuyệt đối. Thậm chí cả cơn thèm thuốc lá không thể cưỡng lại nổi ấy. Mà anh đã bỏ thuốc từ bẩy năm nay rồi.
Anh tựa cằm lên bàn tay trái, ngồi đờ người trước màn hình, nhìn vào cái câu ấy mà nước mắt ứa ra. Một lát sau thì anh ý thức được rằng anh không muốn lúc này lại có ai đó vào phòng làm việc và nhìn thấy anh trong trạng thái như thế này. Một lát sau, anh đi vã nước lạnh cho tỉnh người, rồi quay lại bàn máy tính và viết e-mail cho cô.
Em đã nhiều lần hỏi anh về những người phụ nữ. Em đã chấp nhận thực tế là anh không trả lời hoặc là để lại câu trả lời vô thời hạn về sau này. Bây giờ em viết một câu ấy và đã đến lúc anh kể với em về chuyện này. Anh làm việc này vì anh nhiều hơn là vì em. Những gì mà em sẽ đọc, nhiều khi gây sốc, và chắc chắn là tràn ngập nỗi buồn. Vì vậy mà em đừng đọc bây giờ, nếu em không muốn buồn. Và cũng vì vậy mà anh viết e-mail thay vì kể với em trên ICQ. Cái chính là để em có thể chọn thời điểm quyết định đọc thư này.
Em đừng đọc thư này nếu em không được khoẻ. Sẽ tồi tệ hơn cho em đấy. Khi nào em thấy mình nghiêm túc và thư giãn thì hãy đọc. Và đừng khóc. Vì nó đã được khóc biết bao lần rồi.
Em có biết rằng thậm chí anh không có tí khái niệm nào về mắt em, chúng trông như thế nào nhỉ với những giọt nước mắt trong đó?
Thực ra thì cho đến lúc này, trong đời anh mới chỉ có một người phụ nữ. Cô ấy tên là Natalia. Đã gặp anh một cách tình cờ. Và cũng vào tháng giêng. Giống hệt như em gặp anh vậy.
Hàng đến ô cửa lấy súp trong nhà ăn bách khoa hôm ấy dài hiếm thấy. Anh ngồi ngay cạnh cái cửa ấy, chính xác thẳng với cái chậu đựng thìa và bánh mì. Một cô gái trong chiếc juýp hoa màu nâu bó sát người, tóc đen được buộc bằng một chiếc khăn lục, đứng trong hàng với một phụ nữ lịch sự, già hơn. Không nói chuyện mặc dù có thể thấy là họ đi cùng nhau. Cô ấy lấy súp. Và khi đi đến chỗ cái chậu đựng thìa thì có một người do sơ ý đã bất ngờ xô vào cô ấy. Anh cảm thấy mặt và tay mình bỏng rát. Tê dại vì đau, anh bật dậy khỏi ghế. Cô ấy để chỗ súp còn sót lại trên bàn anh. Bọn anh đứng đối diện nhau. Anh đang định văng tục, nhưng lại nhìn cô ấy. Cô ấy nhìn anh hoảng sợ. Trông anh chắc phải thảm hại lắm với tóc, mặt và áo dính đầy súp. Cô ấy chắp tay như cầu nguyện và nhìn, cặp mắt hoảng sợ. Cô ấy cắn môi, nước mắt rưng rưng. Cô ấy cứ nhìn anh mà không nói. Rồi cô ấy thốt ra một âm thanh gì đó không thể hiểu được, quay người và bắt đầu chạy. Anh cảm thấy thật khó xử.
– Chị đừng chạy. Không làm sao đâu mà. Hoàn toàn không nóng tí nào. Thật đấy. Không làm sao đâu.
Người phụ nữ chạy theo cô ấy.
Bằng cách ấy anh đã nói chuyện với Natalia lần đầu tiên.
Từ hôm ấy anh rất mong gặp cô ấy. Hình ảnh cặp mắt xanh to đẫm nước mắt và hai bàn tay chắp lại của cô ấy không để cho anh yên. Anh đến nhà ăn, ngồi đúng cái ghế đối diện với cửa phát súp – khi nào cái ghế ấy có người ngồi rồi thì anh đợi cho đến lúc người ta đứng dậy – và tìm cô ấy. Anh đến vào tất cả các buổi nhà ăn có thể phát cơm. Không thấy cô ấy. Phải hơn một tháng không thấy cô ấy.
Vào một chủ nhật nào đấy anh đi tàu điện đến thư viện. Đông nghẹt người. Mọi nguời đi lễ về. Anh quay mặt ra phía cửa số tàu điện, ở một khúc quành anh cảm thấy có ai đó tựa vào mình và ép vào cửa kính. Anh ngoảnh lại. Cô ấy không thể làm khác được. Đứng tựa cả người vào anh. Không thấp hơn anh bao nhiêu. Mắt cô ấy nhìn vào mắt anh. Anh cảm thấy những sợi tóc của cô ấy trên mặt mình. Anh ngạc nhiên đến ngộp thở:
– Là chị?
Cô ấy nhắm mắt lại. Không nói gì. Bọn anh cứ đi như thế, đứng ép sát vào nhau. Anh muốn sao cho tình trạng này chấm dứt. Thật nhanh. Của anh nó lên và chắc chắn là cô ấy nhận thấy.
Anh không xuống bến gần thư viện. Anh xuống bến mà cô ấy xuống. Bí mật đi theo họ. Vì cô ấy lại đi cùng với người phụ nữ lịch sự hôm trước. Họ rẽ vào một phố nhỏ gần bến. Anh để ý xem họ vào nhà nào rồi đi đến cạnh ngôi nhà đó. Anh quan sát cô ấy. Sau vài tuần thì anh nắm được cô ấy ra khỏi nhà vào mấy giờ, về vào mấy giờ, có cái ô như thế nào, đi giầy gì, đi đứng ra sao, cô ấy hay xuất hiện ở ô cửa nào nhất, cô ấy hay lên tàu điện số mấy. Cô ấy đi đâu cũng có ngươi phụ nữ lịch sự kia đi cùng.
Cô ấy đẹp lắm. Mũi hơi hếch, môi đỏ như anh đào, mắt xanh. Tóc hoặc buộc lại hoặc để xõa. Bao giờ cũng mặc chân váy dài chấm gót. Áo sơ-mi sẫm màu hoặc áo len. Luôn luôn quàng khăn. Đeo đôi bông tai nhỏ. Ngực nở. Anh rất thích nhìn mông cô ấy mỗi khi cô ấy đi giầy cao gót. Vì chủ yếu là anh nhìn cô ấy từ đằng sau. Anh cứ phân vân, không biết mùi của cô ấy như thế nào và giọng nói ra sao.
Sau một tháng thì anh quyết định. Đó là thứ năm. Anh biết chính xác là họ không đi đâu vào các thứ năm. Ở cửa hàng hoa, anh mua tất cả số hoa lili có trong quầy. Anh ấn chuông và bỗng muốn bỏ chạy. Nhưng không kịp. Người phụ nữ lịch sự đã mở cửa.
– Cháu có thể nói chuyện với… – anh quên sạch những điều định nói. – với… – Với Natalia? – Bác ấy cười nói.
– Có lẽ thế. Vâng. Với Natalia ạ. – Bác là mẹ của Natalia. Anh không thể. Nhưng anh cứ vào đi. Natalia đang ở phòng nó.
Anh bỏ qua câu trả lời lạ lùng kia và vào nhà, giấu bó hoa lili sau lưng. Mẹ của Natalia dẫn anh đến một cái phòng rộng, trên tường treo không biết bao nhiêu là tranh. Ngồi xoay lưng lại bên cái bàn cạnh cửa sổ ấy là cô ấy. Natalia.
Cô ấy không phản ứng gì khi mọi nguời bước vào. Người mẹ đi nhanh đến chỗ cô ấy và đứng trước bàn như không muốn làm cô ấy giật mình. Bà chỉ tay vào anh. Natalia quay lại và nhìn. Tình thế lạ lùng khiến anh lo ngại. Anh không biết phải làm gì. Natalia ngồi và nhìn anh chăm chú. Không nói gì. Bà mẹ không rời khỏi phòng.
– Cái này là của em. Em có thích lili không? – anh vừa hỏi vừa rút tay với bó hoa từ sau lưng ra và đưa cho cô ấy.
Natalia đứng dậy. Đi đến chỗ anh. Cầm những bông lili và đưa sát lên môi. Lúc đó mẹ cô ấy đi lại chỗ bọn anh và nói.
– Natalia thích lili lắm, nhưng nó không thể tự nói điều đó với anh được. Nó bị câm điếc.
Natalia với những bông lili bên môi nhìn anh. Chắc chắn là cô ấy biết bà mẹ nói gì vào lúc đó. Anh phân tích tình hình một lúc.
Em có biết anh nghĩ gì không? Em có biết anh đã nghĩ gì vào cái khoảnh khắc không bình thường đó?
Anh nghĩ rằng: Vâng, thế thì sao nào? Thế thì sao khi cô ấy bị câm điếc?
Và anh nói:
– Dù vậy thì bác có thể ra ngoài một lúc để mình bọn cháu ở lại được không ạ?
Nguời phụ nữ lặng lẽ đi ra. Lần đầu tiên bọn anh một mình. Thực sự là anh chưa ý thức được rằng cô ấy không thể nghe được những gì anh nói.
– Anh tên là Jakub. Kể từ hôm em làm đổ súp lên nguời anh, lúc nào anh cũng nghĩ đến em. Anh có thể thỉnh thoảng gặp em được không? Được không?
Điều đó buồn khủng khiếp, phải thú thật với em là anh đã khóc khi viết cho em về chuyện này. Chắc chắn là tại rượu vang và B. B. King mà anh đang nghe. Three o”clock blues. Chắc chắn là vậy. Có lẽ không có gì của B. B. King buồn hơn là blues này. Nhưng lúc này anh đang muốn buồn cơ mà. Người ta sáng tác ra blues từ nỗi buồn. Bất cứ một người da đen nào ở New Orleans cũng nói với em như vậy
Natalia đứng nhìn anh, bất động. Cô ấy không giúp anh. Không bao giờ cô ấy không giúp anh trong khi nói chuyện. Cả những lần khác cũng thế. Chỉ lần này là không. Anh phải cảm thấy ngay từ phút đầu tiên và mãi về sau này, rằng cô ấy là người khuyết tật.
Anh đến chỗ bàn của cô ấy, tìm thấy một tờ giấy và bắt đầu viết.
– Để làm gì cơ chứ? – Cô ấy viết lại, nhìn xuyên thấu vào mắt anh – Tại sao anh lại muốn gặp em? Anh sẽ đến đây và chúng mình sẽ viết với nhau? Anh sẽ rủ em đi xem phim và em thậmchí không thể nói với anh rằng em có thích phim ấy hay không? Anh sẽ rủ em đến chỗ bạn bè anh và em sẽ không nói câu nào? Anh cần những điều đó để làm gì?
Cô ấy khóc. Đúng lúc ấy thì mẹ cô ấy vào phòng.
– Anh biết không? Anh phải về thôi. Bây giờ Natalia phải đi. Mẹ con tôi cảm ơn anh đã tặng hoa.
Khi anh đi ra, Natalia đứng quay lưng ra cửa.
Hai ngày sau trong nhà ăn sinh viên, Natalia ngồi ở chỗ của anh đối diện với cửa phát súp. Cô ấy chỉ có một mình. Anh ngồi xuống bên cạnh. Cô ấy đẩy về phía anh tờ giấy. Anh đọc:
“Em tên là Natalia. Không lúc nào em không nghĩ đến anh kể từ cái lần em đánh đổ súp lên người anh. Em có thể thỉnh thoảng gặp anh được không?”
Có lẽ anh đã yêu cô ấy ngay từ lúc đó. Một tháng sau thì anh yêu thật sự. Cô ấy là người quí giá nhất, đẹp nhất, nhạy cảm nhất. Duy nhất. Cô ấy đoán được những ý nghĩ của anh. Cô ấy biết khi nào thì anh lạnh, khi nào thì nóng. Cô ấy đọc những cuốn sách mà anh thích. Cô ấy mua tất cả những gì màu xanh lá cây. Khi cô ấy biết được anh thích màu xanh lá cây, thì tất cả đều mang màu lá cây. Váy dài, chân váy, móng tay của cô ấy, trang điểm của cô ấy. Và giấy gói quà cho anh. Cô ấy mua máy nghe đĩa và đĩa để anh có thể cùng cô ấy nghe nhạc.
Em có thể hình dung được điều này không? Cô ấy mua cho anh những cái đĩa mà chính mình không bao giờ nghe được, và bảo anh kể cho cô ấy về âm nhạc. Mọi cái phải giống hệt như với bất cứ nguời phụ nữ có thính giác bình thường nào khác.
Cô ấy đứng trước đại học tổng hợp hay bách khoa, để là người đầu tiên biết được anh vừa thi ra sao. Và bao giờ cô ấy cũng là người biết đầu tiên. Sao cô ấy tự hào về anh kinh khủng đến thế. Cô ấy viết cho anh về điều này.
Mẹ anh đã không kịp biết cô ấy. Bà ấy mất quá sớm. Sau một tháng thì bố anh không thể gọi cô ấy là gì khác hơn “Natalka của chúng ta”.
Tất cả với cô ấy đều đơn giản và tự nhiên. Một hôm, cô ấy mời anh đến nhà ăn tối. Cô ấy đặt ly champagne trên bàn tờ giấy có nội dung:
“Jakub, anh đưa em đến nụ cười, anh đưa em đến nước mắt. Suốt tối nay em cứ phân vân, rằng phải thú thật là gần đây điều em mong muốn nhất là được anh đưa tới đỉnh điểm “.
Quần lót cô ấy cũng không mặc. Cô ấy như đang phát điên. Sự đụng chạm tác động lên cô ấy hoàn toàn khác. Cô ấy đưa hai bàn tay cho anh hôn và mút. Trong lúc cô ấy dùng môi để thực hiện tất cả.
Cô ấy có thể chạm môi hoặc chạm nhẹ đầu ngón tay lên từng milimét da thịt anh. Cô ấy có thể mút từng ngón, từng ngón chân anh. Bằng cách ấy cô ấy đã khiến anh như cuồng dại. Mặc dầu điều này thật phi lý – vì cô ấy đâu có nghe thấy – bao giờ cô ấy cũng đề nghị anh thầm thì, không phải nói, mà là thầm thì, những gì anh cảm nhận mỗi khi anh đặc biệt thích. Thật ra thì anh luôn thầm thì.
Vì cô ấy mà anh đã học tốc ký. Việc này rất đơn giản. Anh học giỏi nhất lớp. Điều này rất có lợi cho anh khi nghe giảng. Chỉ có bạn bè cùng khoá là không hài lòng. Kể từ khi anh tốc ký,chúng không thể dùng vở của anh được nữa.
Sau đó anh học một khoá ngôn ngữ ký hiệu đặc biệt. Suốt một năm dài dặc. Anh nhớ có một lần anh đến nhà cô ấy vào buổi tối và sau khi ăn bọn anh ở lại một mình trong phòng cô ấy. Anh đứng trước mặt cô ấy. Hai ngón tay trỏ hai lần dưới xương đòn. Sau đó vẫn hai ngón ấy hai lần về phía người đối thoại. Cô ấy khóc. Cô ấy quì truớc mặt anh và khóc. Cô ấy đã quì. Hai lần dưới xương đòn. Hai lần về phía nguời đối thoại. Chỉ đơn giản thế. “Anh yêu em”. Hai lần dưới xương đòn…
Thậm chí bọn anh khác nhau cũng đẹp. Cô ấy không nhất trí với sự sùng bái kiến thức của anh. Cô ấy cho rằng người ta có thể vẫn thông minh mà không cần phải đọc một cuốn sách nào. Đồng thời, cô ấy bí mật đọc những cuốn sách mà anh đọc để có những ý kiến của riêng mình và có thể tranh luận với anh. Cô ấy không nhìn thấy một tí gì hấp dẫn trong môn toán, nhưng lại khiêu khích để anh thuyết phục cô ấy rằng cô ấy có lý. Cơ bản vì cô ấy phát hiện ra rằng anh rất thích thuyết phục và lấn lướt cô ấy. Trong nhật ký của cô ấy mà sau này anh có được, mỗi tờ giấy, mỗi cuốn sổ, mỗi mẩu giấy với những công thức hay định nghĩa toán học anh viết ra để giải thích cho cô ấy, đều được dán với lòng sùng kính, bên dưới đề ngày tháng mà sự việc xảy ra. Ở một số tờ, trên nền của những tích phân, phương trình và đồ thị là dấu môi cô ấy.
Khi anh mới quen cô ấy, cô ấy chỉ sống với mẹ. Bố mẹ cô ấy ly dị khi cô ấy mới chín tuổi. Ông, tốt nghiệp thiên văn học, nhưng là cán bộ đảng trong uỷ ban địa phương, nơi ông chuyển đến khi không hoàn thành được luận án tiến sĩ theo thời hạn quy định. Bà, một nhà trùng tu di tích, nổi tiếng đến mức cho dù mang tiếng dân “tỉnh lẻ” Wroclaw, vẫn được Bộ Văn Hoá tín nhiệm như một chuyên gia, một cố vấn của Bộ.
Đúng thời điểm họ bắt đầu xây nhà. Sự giàu có và thành công của họ không gợi nên sự hằn học thật thà thường tình rất Ba Lan. Họ có quyền được hưởng hơn một chút. Để bù lại cô con gái câm điếc kia.
Họ là cặp vợ chồng điềm đạm và hoà hợp. Cho tới cái ngày mà ông về nhà, say rượu, đóng cửa phòng lại, trong phòng chỉ có ông và mẹ Natalia, ông nói với bà rằng thực ra ông muốn có ngôi nhà này không phải để sống với bà, mà là với Pavel, một đồng nghiệp, người mà ông yêu và ông muốn cùng đi ngủ và cùng thức dậy với người ấy. Natalia chỉ nhớ được là lúc ấy mẹ cô ấy chạy ra khỏi phòng, vừa chạy vừa nôn. Ngay tối hôm ấy cha cô ấy rời khỏi nhà.
Em hãy hình dung, ông ta phải yêu cái tay Pavel ấy đến mức nào mới có thể nói cho chính vợ mình biết điều đó? Vào cái thời ấy? Ở một đất nước như Ba Lan này? Ông ta, một nguời làm công tác Đảng? Những người làm công tác Đảng thì về nguyên tắc là những người tình dục khác giới. Mặc dù không có điều này trong bộ Tư Bản, nhưng nó là một điều hiển nhiên. Hiển nhiên mang tính giai cấp. Tổng bí thư Đảng không thể là người đồng tính ái. Có thể là người thích quan hệ tình dục với trẻ em, nhưng không phải là người đồng tính ái. Chỉ có các mục sư và những tên đế quốc mới là những người đồng tính ái.
Bà có thể làm cho ông thân bại danh liệt. Bản thân ông có thể bị cạo như cạo bằng dao cạo râu ra khỏi lịch sử, tồi tệ hơn nữa là số điện thoại của ông sẽ bị xoá khỏi tất cả những cuốn sổ quan trọng nhất của thành phố này. Chỉ cần một cú điện thoại đến Ủy ban. Bà đã không bao giờ làm việc đó. Dẫu có hận, có cảm thấy bị hạ nhục, bị đau đớn vì bỏ rơi và chắc chắn cả khao khát trả thù.
Em biết không? Cho đến bây giờ ông ta vẫn khiến anh ngạc nhiên vì điều đó. Không phụ thuộc vào việc Natalia đã phải đau khổ như thế nào về chuyện này, ông ta khiến anh ngạc nhiên vì sự chung thủy với bản thân ấy.
Chưa bao giờ mẹ Natalia kể với cô ấy thực sự thì chuyện gì đã xẩy ra, tại sao họ lại không ở cùng với bố. Cô ấy biết được sự thật là từ bố. Ông ta đã nói cho cô ấy biết chuyện này vào một Giáng sinh nào đó. Lúc ấy tối lắm rồi, khi cô ấy đi đổ rác. Cô ấy nhìn thấy ông trên chiếc ghế dài, say khướt, run lẩy bẩy vì rét. Ông ngồi với chai rượu trong tay, mắt hướng về cửa sổ nhà họ.
Mẹ đã nuôi dậy cô ấy mà không có một ai giúp đỡ. Không bao giờ bà nói điều gì xấu về ông bố. Cũng không bao giờ bà cản trở việc Natalia gặp bố. Và bà cũng không bao giờ đồng ý để ông bước chân vào ngôi nhà của họ.
Sau thất bại trong hôn nhân của mình, Natalia đã trở thành mục đích duy nhất và tối thượng của cuộc đời bà. Nếu biết rằng mình thở mất oxy của Natalia, thì bà sẽ học cách để không thở nữa. Và bà còn thuyết phục tất cả những người khác cũng thôi không thở nữa. Để yêu Natalia bên cạnh một người mẹ như vậy thật khó. Bà chấp nhận sự tồn tại của anh như chấp nhận bó bột cho cái chân gãy. Bắt buộc phải có, rồi sẽ qua đi và sẽ lại như trước đây, khi chưa bị bó bột. Cần phải chờ đợi và cố gắng chịu đựng vật cản một thời gian.
Anh đã không bỏ qua. Anh đã chiếm của bà Natka, Natunia, Natalka, Nataleka(9)… Từng mẩu, từng mẩu một. Đấy là bà cho là vậy. Nhưng sự thật không phải thế. Đã có lần bà đi trùng tu các di tích ở Tallina hai tuần liền. Có anh luôn ở bên cạnh nhưng Natalia vẫn khóc vì nhớ mẹ.
9. Các cách gọi của Natalia theo mức độ tăng dần.
Từ ngày đầu tiên Natalia đã mô tả về thế giới của mình cho anh. Chính xác như vậy, vì cô ấy viết hoặc tốc ký. Cô ấy viết khắp nơi. Trên các tờ giấy mà lúc nào cô ấy cũng có sẵn, bằng phấn lên sàn nhà và tường, bằng son tô môi lên gương hoặc lên gạch ốp tường nhà tắm, bằng que lên cát trên bãi biển. Túi xách tay và túi quần áo của cô ấy đầy ắp mọi thứ có thế dùng để viết. Anh chưa thấy có cái gì mà Natalia không thể viết ra được.
Cô ấy nhìn thấy nhiều hơn anh nhiều. Cô ấy biết cách diễn tả sự đụng chạm bằng màu sắc, tất cả các tông màu hoặc cường độ màu. Khiếm thính đối với thế giới thực, cô ấy tự tưởng tượng làm thế nào để thể hiện âm thanh của giọt nước đang rơi từ cái vòi nước rò trong bếp, của tiếng cười hoặc tiếng khóc của đứa trẻ, của hơi thở khi cô ấy hôn anh. Bằng sự diễn tả của mình, cô ấy tạo ra một thế giới hoàn toàn khác. Đẹp hơn. Sau một thời gian thì cả anh cũng bắt đầu hình dung ra âm thanh. Chủ yếu dựa trên sự diễn tả của cô ấy và chủ yếu để “nghe” giống như cô ấy. Anh cho rằng – sau một thời gian thì điều này trở thành nỗi ám ảnh của anh – một khi đã như vậy, thì việc cô ấy không nghe thấy chỉ là một bất lợi không đáng kể.
Anh đòi cô ấy kể về những hình dung âm thanh của mình khiến cô ấy phát chán. Mấy tháng sau, vào một tối nào đó của những ngày mà một ai đó trong số những nguời ắt được gọi là nghe được đã xúc phạm cô ấy một cách đau đớn, còn anh thì lại một lần nữa không để ý đến tâm trạng của cô ấy, đã đòi cô ấy viết về âm thanh, cô ấy tức tối từ chối, lấy bút dạ tốc ký một cách nôn nóng lên chiếc gương trong nhà tắm:
“Anh cần gì sự mô tả bệnh tật của một trí tưởng tượng bệnh tật của một con bé tật nguyền câm điếc dở hơi sống nhờ vào trợ cấp, kẻ mà người ta có thể hạ nhục hay cười vào mặt chỉ vì cho rằng người ta hơn hẳn chỉ vì người ta nghe được? “
Trong lúc cô ấy viết lên gương như vậy thì những chữ cái ngày càng khó đọc hơn giống như một ai đó càng lúc càng lên giọng khi đang gào lên sự tức tối và nỗi thất vọng của mình. Anh nhớ là anh đã đến bên cô ấy, xiết chặt cô ấy vào mình. Rồi anh lấy giẻ xoá sạch những chữ cô ấy viết lên gương và lấy đúng cái bút ấy viết lên đó anh cần những sự mô tả đó như thế nào và chúng cần thiết cho anh biết bao. Cô ấy ôm lấy anh và oà khóc như một đứa trẻ.
Em có biết là những người câm điếc khóc cũng giống hệt như những người nói được và nghe được? Họ cũng bật ra những âm thanh tương tự. Khóc vì đau buồn hay vui sướng phải là khả năng đầu tiên của con người. Từ trước khi học nói.
Kể từ hôm ấy, cô ấy ghi lại những tưởng tượng của mình vào một cuốn vở đặc biệt dành cho anh, còn anh thì học chúng như học những bài thơ. Học thuộc. Không bao giờ anh biết được liệu mình có thể dạy được cho những người dù là can đảm nhất.
Khi đi xe buýt, anh tưởng tượng theo sự mô tả của cô ấy tiếng cửa khi đóng sập lại và so sánh với thực tế ở bến gần nhất. Ngồi trong nhà ăn, anh cố đoán trước và ghi lại bằng ngôn ngữ của Natalia tiếng động dữ dội khi người ta đổ thìa dĩa vào cái chậu kim loại trước khi chị đầu bếp mồ hôi nhễ nhại xách những cái xô đầy thìa dĩa từ khu rửa bát hôi rình đến. Em có biết Natalia, cũng như tất cả mọi người ngồi gần đấy, cũng nhíu trán và chớp mắt khi đám thìa dĩa kia rơi xuống cái chậu kim loại với một tiếng động lớn?
Vào công viên, anh so sánh tưởng tượng của mình về âm thanh của nó với những gì anh thực sự nghe được ở đó. Anh cảm nhận điều này rõ nhất chính là khi ở trong công viên. Natalia, mặc dù không một ai, kể cả bố mẹ cô ấy, thực sự không biết chính xác là trước khi bị điếc phải có một lần nào đó nghe thấy và ghi nhớ. Sự mô tả của cô ấy khớp với thực tế không thể tin được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.