Cô Đơn Trên Mạng

Chương 06 phần 6



Asia ngồi ở đằng trước giữa các thùng súp-lơ nên nhìn rõ tất cả. Nó nhảy xuống, bò vào gầm chiếc chevrolet và kéo Brownie ra.

Brownie đã chết.

Theodore đứng dậy và đạp xe tiếp như không hề có chuyện gì xảy ra. Asia quỳ bên Brownie, vuốt ve mõm nó. Run lên với ý nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu không phải là Brownie. Trong sự im lặng bao trùm, ai cũng phải nghĩ về điều đó. Cả bố của Theodore cũng thế. Chính ông đã lái chiếc chevrolet. Nếu không có con chó, thì ông đã đè nát chính đứa con của mình. Cô nhìn ông ta. Mặt tái nhợt như bức tường, những ngón tay run lẩy bẩy đang cố rút điếu thuốc từ trong bao ra. Vợ ông, ngồi ở ghế bên cạnh, lúc nào cũng để tay lên mặt và lẩm bẩm điều gì không rõ.

Rồi bố của Theodore xuống xe. Đi đến chỗ Brownie, nâng nó lên khỏi mặt đất, hôn lên gáy nó, bế nó sát vào người và đi qua cánh đồng về nhà. Không ai giữ ông lại.

Thậm chí lúc này, trong xe khách đi Paris sau ngần ấy năm, khi nhớ lại sự kiện ấy cô vẫn băn khoăn, không biết lúc đó Asia có cảm nhận một nỗi xấu hổ.

Xấu hổ phải làm người.

Cô đã có cảm nhận như vậy. Sự anh hùng của loài vật và sự tàn bạo của con người đã gặp nhau trên cánh đồng ở Nimes gần như là trực diện. Từ chỗ mà Brownie lao vào dưới bánh xe chevrolet, có thể nhìn thấy rất rõ những dãy nhà nuôi bò sữa.

Có lần cô nói với Jakub về đề tài này trên ICQ. Thoạt đầu, tất nhiên là mọi cái anh đều đưa về gien học như thường lệ. Bản đồ gien của chó khác bản đồ gien người ở mức độ rất nhỏ các nhà thống kê học có thể nói là rất cẩu thả. Đơn giản là có một nhóm động vật có vú hai chân được gọi là người trong quá trình tiến hóa đã may mắn gặp được nhiều đột biến đến hơn một chút. Ở Darwin cũng vậy, trên cái cây nổi tiếng của ông, thì nhánh cây mà loài chó ngồi trên đó thấp hơn rất nhiều so với cái nhánh mà con người đã hạ trại với sự ngạo mạn đến thế. Từ cái nhánh cao nhất của mình, họ nhìn xuống với sự khinh rẻ tất cả mọi thứ ở dưới kia. Họ quá đỗi tự hào về bản thân. Bởi, chính họ chứ không phải là một loài cao cấp nào khác đã tiến hóa xa một cách kỳ lạ như vậy, rằng họ là loại duy nhất biết nói.

Khi đó ở Nimes – và giờ đây cũng vậy – cô chỉ dám chắc duy nhất một điều: nếu như hành tinh chọn một kịch bản tiến hóa khác, ví dụ như cho tất cả các loài cùng một số lượng đột biến gien và nếu như loài chó cũng biết nói, thì chúng sẽ không bao giờ thèm hạ mình đến mức đi chuyện trò với con người.

Trong câu chuyện về người và chó ấy, tất nhiên là cô đã kể cho Jakub nghe chuyện về Brownie. Cô đã cảm thấy thất vọng đến đau đớn khi anh không hề chia sẻ với cô cả sự ngạc nhiên, cả nỗi xúc động đã tích tụ trong cô từ bấy đến nay. Anh cho rằng cái điều mà Brownie đã làm, không phải vì tình yêu hay sự gắn bó với cậu bé Theodore, mà là vì “cảm giác về nhiệm vụ”, thêm vào đó không hề có chút gì liên quan tới cảm giác về trách nhiệm có khả năng biết trước tương lai của con người. “Cảm giác về nhiệm vụ của Brownie” là có điều kiện, cũng giống như “cảm giác về nhiệm vụ có điều kiện của những nhân viên quá sợ hãi sếp, sẵn sàng làm tất cả chỉ cốt sao để không bị sa thải. Browrnie, do kết quả của huấn luyện, nó sợ bị phạt vì không trông coi Theodore, còn là một con chó không có kinh nghiệm phán đoán, nó không thể biết điều gì sẽ xảy ra khi chiếc xe tải đè qua nó. Do đó mà khi tất cả những cái khác không được như ý, đơn giản là nó lao vào gầm xe.

Cô nhớ là khi đọc cách giải thích rất logic được lôi ra từ cảm xúc ấy của anh, cô đã cảm thấy như thể sự kiện với con Brownie trong mắt cô được lấy từ những câu chuyện cổ tích. Cô nghĩ rằng cứ cho là anh có lý, thì anh vẫn không nên đưa ra những lý lẽ đó. Đúng là một nhà khoa học! Anh có thể biết gì về Brownie ngoài việc nó có bộ gien giống như tất cả những con chó khác? Cái ánh mắt của Brownie khi nhìn Theodore thì không một chương trình sắp xếp chuỗi gien nào có thể đưa ra được. Không bao giờ.

Mấy tuần sau, hoàn toàn tình cờ họ quay lại sự kiện ở Nimes. Jakub có khả năng dẫn dắt câu chuyện của họ trên ICQ đến nỗi đề tài Chúa rất hay xuất hiện trong những câu chuyện đó. Cô không tin vào Chúa; mối liên hệ của cô với Nhà thờ chấm dứt ngay sau lễ đặt tên mà bố mẹ cô bày ra chỉ cốt để được yên với hàng xóm.

Ở giai đoạn đầu của mối quen biết của họ, thì việc Jakub với cách tiếp cận thế giới hết sức khoa học và tuyệt đối lý trí, rất hay viện dẫn Chúa, đã phần nào khiến cô bị tổn thương. Trong trường hợp một người, giống như Jakub, nghi ngờ hầu như tất cả các tiên đề và những sự thật đã được biết đến rộng rãi, thì sự hấp dẫn về một cái gì đó được dựa vững chắc vào đức tin và vào bản ngã của mình trên chủ nghĩa lý tưởng phi lý, sẽ giống như một nghịch lý. Sau đó, chăm chú đọc những gì anh viết về tôn giáo, về thần học và về đức tin của mình, cô bắt đầu giảm thiểu cái nghịch lý kia. Và nó hoàn toàn biến mất vào một ngày nào đó, khi cô đọc bức email anh gửi:

Cho dù anh có biết đại loại điều gì đã xảy ra trong vòng vài chục giây sau sự Khởi Đầu Vĩ Đại và biết rằng cái vũ trụ chết này được khởi thủy từ plasma của các hạt quác và gluon như thế nào, thì anh vẫn cứ không thể tin vào ấn tượng rằng toàn bộ cải dự án này có thể được hình thành trong trí tuệ vô biên của một Nhà Xây Dựng nào đó. Anh cũng chưa bao giờ được nghe về bất kỳ một cuộc hội thảo nào mà tại đó người ta thuyết trình về sự tồn tại hoặc không tồn tại của Chúa. Những cuộc hội thảo như vậy thì ngay cả Stalin cũng không tổ chức, mà ông ta thì không ngần ngại gì mà không sửa đổi cả cái ngành di truyền học – chắc hẳn em đã nghe về nhà di truyền học dòng dõi triều thần của Stalin, một người hói – để các nhà mác-xít không thể di chúc vũ khí được thừa hưởng từ các bậc tiền bối quí tộc lại cho Chúa. Tuyệt đối không có bất cứ một lý do nào, ngoài những lý do về tâm lý, có thể khiến anh mất lòng tin vào Chúa chỉ vì có những hố đen và lý thuyết chuỗi quá thông minh. Tư tưởng của Đấng Tạo hóa càng lôi cuốn hơn khi bạn đi từ những hạt quác đến cuộc sống. Cái thực tế là trên cái mảng vật chất là Trái Đất này đã xuất hiện sự sống, đã chứng minh rằng những sự kiện tưởng như không thể xảy ra vẫn xảy ra. Còn khó xảy ra hơn nữa, từ góc nhìn của mô hình xác suất, sự tồn tại của con người, mà cho dù không tính đến trí tuệ thì chỉ riêng cơ thể đã là một hệ thống phức tạp đến mức sự tồn tại của Nhà Lập Trình Vĩ Đại đã tự nó xuất hiện. Một số người cho rằng Chúa đã khởi động chương trình và vai trò của Người chấm dứt ở đó. Chương trình tự chạy, không cần đến sự tham gia cũng như can thiệp của Chúa. Các nhà thần học nghĩ vậy. Đôi khi, nhìn những cái xấu ở xung quanh mình, anh nghĩ rằng họ có lý.

Nhân nói về cơ thể. Hôm nay hãy nói cho anh biết điều gì đó về cơ thể em đi. Em có thể bỏ qua lá lách và ruột thừa. Hãy tập trung vào ngực và sau đó chuyển qua miệng. Đừng nói gì với anh về bụng dưới của em. Anh chưa chuẩn bị cho điều đó…

Jakub còn là thế nữa đấy! Anh có thể từ những hạt quác, gluon và tư tưởng của Nhà Lập Trình chuyển qua tình ái thông thường không một chút dao động. Đã vậy lại còn tự nhiên đến mức cô không thể nổi cáu một cách thuyết phục được.

Cô còn nhớ rằng khi đó thì đó không phải là “sự khiêu khích của một kẻ vô thần đang tranh đấu”. Cô hỏi thuần túy vì tò mò. Có một hôm, cô đã nhớ lại cái cảnh giết bò tàn bạo ở Nimes. Chuyện này bao giờ cũng khiến cô phẫn nộ. Cô đã kể với anh rất chi tiết. Những kỷ niệm lại khiến cô giận sôi lên. Và cô bị rơi vào trạng thái thích châm biếm cay độc. Cô đã viết cho anh:

CÔ: Như thế là thế nào nhỉ, Nhà thờ cơ đốc giáo, bởi không chỉ thiên chúa giáo, lại chấp nhận việc giết hại động vật? Chẳng lẽ những đau đớn của chúng không có ý nghĩa gì đối với Chúa?

Chẳng phải chính Người đã tự mình tạo ra tất cả các loại vật đấy sao. Ngoài ra, loài vật không buộc phải chịu khổ vì tội tổ tông, bởi chúng đâu có phạm phải. Không phải cụ kỵ của chúng hái quả từ cây kiến thức để có được kiến thức và biết đến một chút sung sướng. Không có bất cứ một con ngựa đực và bất cứ một con ngựa cái nào cần phải lùa khỏi thiên đàng. Loài vật không liên quan tới, điều này thì em biết tốt hơn anh, bất cứ một trách nhiệm tập thể nào – đây là điều đẩy tôn giáo ra xa anh nhất, cái trách nhiệm tập thể vô nghĩa ấy – đối với hành vi của một người đàn bà tội lỗi, người đã dụ dỗ ông chồng yếu đuối ăn táo, để ông này ngay lập tức đi than phiền với Chúa. Loài vật không phải chuộc lỗi.

Đây là em nói thêm. Jakub, anh có thể dẫu chỉ một lần thôi khen cái sự nghiên cứu thần học của em. Em dám chắc rằng, mặc dù không thắp trứng trong Lễ Phục sinh, nhưng em vẫn biết về sự phục sinh của Chrystus nhiều hơn rất nhiều những cô cậu hát ở giáo đường trong nhà thờ nơi em ở Anh có khen không nào?

Mà cũng có thể là sự đau đớn của loài vật tuy nhiên vẫn có ý nghĩa? Có thể chỉ vì Chúa mải bận bịu với việc nghĩ ra những hình thức đau đớn cho những con người tội lỗi, nên đơn giản là Người không có thời gian để xóa bỏ sự đau đớn cho những con vật vô tội và để việc đó lại sau?

Anh đừng có viết cho em rằng đó là logic của thế giới. Đó không phải là sự thật, điều này thì ngay cả cô hàng xóm mới học hết tiểu học của em, một tín đồ thực thụ và ngoan đạo cũng biết, và chính vì vậy mà cô ấy đã ghi tên vào Hội Bảo vệ Động vật.

Em hỏi là vì mới đây em có xem trên vô tuyến một phóng sự về một lò mổ gia súc ở miền nam Ba Lan. Camera đã lấy cảnh rộng và rất chi tiết về những con bò bị treo ngược chân và bị cắt cổ, máu chảy xuống những cái xô. Rất dễ nhận ra một cây thánh giá được treo trên tường phía bên trên cửa vào phòng lạnh. Em đã hơi ngạc nhiên vì cây thánh giá ấy. Nhưng rồi em tự giải thích cho mình rằng đó hẳn phải là một lò mổ tôn giáo.

Theo như em biết về Nhà thờ, thì chắc chắn họ phải có cách giải thích khôn khéo nào đấy đối với những con vật kia. Jakub, nếu anh biết những lời giải thích ấy, thì giải thích cho em nhé. Em xin đấy.

ANH: Không, họ không có. Câu giải thích cực kỳ vụng về và chẳng thuyết phục được mấy người. Nếu em đã kịp bình tĩnh lại sau cuộc tấn công của lòng kiêu hãnh và chiến thắng ấy, rằng “em nghĩ đúng như vậy”, và hứa với anh là sẽ cố gắng đọc mà không phải hạ cố, thì anh sẽ viết tất cả những gì anh biết về đề tài này.

CÔ: Em không có cảm nhận chiến thắng. Với em, những con vật quan trọng hơn nhiều so với lợi thế tức thời của chủ nghĩa vô thần vô tâm trước đạo cơ đốc giáo nhân từ. Do đó mà em không khó khăn gì khi phải hứa với anh như anh muốn. Vậy thì những người cơ đốc giáo giải thích như thế nào về việc Chúa cho phép được làm những con vật phải đau đớn?

ANH: Rất khác nhau và rắc rối, tùy thuộc vào mức độ của đức tín. Một số người cho rằng cảm nhận, tức là cả đau và đau khổ đều diễn ra trong tâm hồn. Bởi vì theo họ, loài vật không có tâm hỗn, nên không thể đau khổ. Đây là một lý thuyết rất khó tin, nên Nhà thờ thậm chí không muốn nhắc tới nó. Song một số các nhà gien học lại nghiêng về quan điểm này. Việc mổ những con chuột sống với mục đích khoa học, trong khuôn khổ của lý thuyết này đương nhiên là được thanh minh.

Có một cách giải thích khác logíc hơn hẳn. Đau đớn là đau đớn thông qua thực tại diễn ra của nó. Thậm chí nếu Brownie có cảm nhận, thì theo lý thuyết này, cũng không có ý thức. Mà chỉ nhờ có ý thức, mới có thể biết trước được trong một thời điểm nào đó khi đang đau đớn, rằng hình như chỉ một lát nữa thôi, sẽ phải đau đớn. Sự đau đớn diễn ra một cách vô thức sẽ khiến cho con vật ít đau đớn hơn rất nhiều. Nhà triết học người Anh có tên Lewis đã suy ngẫm vế điều này. Ông chưa bao giờ nói cho bất cứ ai biết ông đã có được những thông tin ấy bằng cách nào, nhất là từ tiểu sử của ông ấy có thể thấy rằng ông không cưỡi ngựa, thậm chí cũng không có cả chó.

Lewis cũng không biết đến tận cùng, tại sao loài vật nói chung phải đau đớn mặc dù chúng không hề phạm tội. Vậy là ông đổ mọi cái cho quỉ sứ, là cái đồ hình như đã kích động loài vật cắn xé lẫn nhau. Nói tóm lại, tất cả là tại quỉ sứ Chứ Chúa đâu có muốn điều đó.

Một người Anh khác tên là Geach quả thật đã biến Chúa thành một Nhà Xây dựng Vĩ đại vô lương tâm. Bởi ông ta cho rằng, Chúa, khi sắp đặt toàn bộ thế giới sẽ phải trải qua quá trình tiến hóa này, đã không nghĩ tới chuyện giảm thiểu sự đau đớn cho con người, cho loài vật lại càng không. Không một ai đánh giá Geach là nghiêm túc, bởi làm sao ở đây có thể đống nhất hình ảnh một ông bố vô cùng tốt bụng chia sẻ sự đau đớn với tất cả những gì mình tạo ra, với hình ảnh Chúa do Geach đưa ra như một người phụ trách tuyệt đối dự án mang tên “Tiến hóa”. Cho nên tốt hơn nên dừng lại với quỉ sứ của Lewis.

CÔ: Hai người Anh cho là như vậy, lần đầu tiên em được nghe về họ. Còn anh, anh nghĩ thế nào về chuyện này?

ANH: Anh không yên tâm về chuyện này. Anh không giải thích được điều đó. Mỗi sự đau đớn không phải là một hình thức chuộc lỗi nào đó, không phải là hình phạt vì sự phạm tội nào đó, đều khiến người thiên chúa giáo phải hoang mang. Còn Brownie… Brownie là bằng chứng về sự đúng đắn của những lo lắng của anh. Anh xúc động đến ngạt thở khi đọc những gì em viết về Brownie.

Cô bỗng cảm thấy có ai đó chạm khẽ vào vai mình. Asia. Nó cười nói:

– Tỉnh lại đi. Cậu nói mơ đấy. Cái lão ngồi ghế sau thậm chí đã phải nghiêng người để nghe xem cậu nói gì.

Chắc là cô đã thiếp đi. Gần đây cô hay bị như thế. Cô có thể đi từ những suy nghĩ vào giấc ngủ mà không phân biệt được ranh giới.

– Mình đang ở đâu đây? – cô vua dụi mắt vừa hỏi.

– Qua Berlin rồi – Asia trả lời, và đưa cho cô một cốc cà phê nóng rót từ phích ra. Alicja chắc đang lên kế hoạch cho tương lai với anh chàng trẻ tuổi đeo tai nghe. Hai người người ngồi cùng nhau từ Warszawa. Nó đã kịp ngả đầu lên vai anh ta. Một gã đẹp trai. Lại nói về bọn đàn ông. Jakub là ai thế? Ít nhất cậu cũng hai lần gọi tên anh ta trong mơ.

ANH: Nghĩa trang Thành phố của Những người đã khuất St. Louis, bởi tên chính thức của nó là như vậy – mặc dù tất cả đều gọi đơn giản là Thành phố Chết – là một trong những ví dụ ảm đạm nhất về sự vô bổ kiểu Mỹ. Cho dù trong các cuốn hướng dẫn của New Orleans nó được giới thiệu như một trong những điểm độc đáo nhất của thành phố này, anh vẫn cho rằng nghĩa trang “đập nhịp đập của cuộc sống”, như một nhà văn tầm tầm nào đó khi đến thăm đã viết về nó như vậy trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch, chỉ có thể ở Mỹ một có.

Nghĩa trang trông giống như một thành phố thu nhỏ. Những ngôi mộ, đúng hơn là những lăng mộ được xây cao trên mặt đất khiến người ta không thể không liên tưởng đến nhưng ngôi nhà thu nhỏ. Một số có mặt tiền với cửa ra vào, một số có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào bao quanh và cổng, một số có vòi phun nước, một số khác thậm chí có cả hòm thư treo ở cửa vào nhà mộ hoặc cạnh cổng. Trước phần lớn các lăng mộ đều có các cột cao, trên đó là những lá cờ Mỹ tung bay. Mặc đầu không chỉ có cờ Mỹ. Anh nhìn thấy, bên cạnh nhiều lá cờ Mỹ hoặc Canada là cờ Ý, cờ Ireland và cả cờ Ba Lan.

Anh cũng ngạc nhiên quan sát thấy hầu như không có lăng mộ nào thắp nến hoặc đài lửa. Thay vào đó là là những đèn chiếu halogen, được bật tắt tùy theo thời gian trong ngày nhờ các tế bào quang điện và hướng ra mặt tiên của lăng mộ.

Những gì anh nhìn thấy khi đi qua các lăng mộ đều không được nguyên bản cho lắm. Những người Ai Cập đã có ý tưởng này từ mấy nghìn năm trước đây và họ đã xây nên những Kim tự tháp, còn mãi gần đây người Mỹ mới làm nên Disneyland từ ý tưởng này. Đi chầm chậm dọc theo các hàng cây trong nghĩa trang, anh phân vân, không biết chốc nữa mình có nhìn thấy một tòa nhà đặc trưng cho McDonal hoặc những cột bán coca-cola tự động không.

Qua nhà nguyện, anh đi chậm lại. Cách nhà nguyện chừng hơn chục mét, dưới bóng cây cam, giữa hai lăng mộ lớn có một tấm bia nhỏ bằng đá đen, một bình hoa nhỏ cũng bằng đá được gắn vào đấy.

Trong bình có hơn chục bông hồng trắng.

Trên tấm bia, phản chiếu trong ánh nắng mặt trời là dòng chữ mạ vàng:

Juan (“Jim”) Alvares-Vargas

Ngoài họ của Jim, trên tấm bia đá không có thêm một thông tin nào khác.

Không có gì hết. Tuyệt đối không có gì. Sự khiêm nhường của nấm mộ này giữa sự tráng lệ phô trương không thể không gây sự chú ý. Mặc dù tấm bia mộ rất bé, nhưng quanh nó là một đám cỏ tươi xanh, to một cách không cân đối, tạo thành hình chữ thập. Anh bước đến mộ Jim, quỳ xuống và trước tiên là chạm tay lên những cánh hoa hồng trong bình hoa. Sau đó anh đưa tay xuống bia mộ nóng rẫy lên vì nắng. Kể từ ngày bố mẹ anh mất, anh rất hay ra nghĩa trang. Anh không biết phải giải thích như thế nào, nhưng anh có cảm tưởng rằng chạm vào mộ, là anh có mối liên hệ với họ. Khi nói chuyện, mà anh rất hay làm thế, với bố hoặc mẹ, bao giờ anh cũng quỳ và chạm tay vào bia mộ của họ. Ở đây anh cũng làm y như thế.

Jim. Cuối cùng thì anh cũng tìm được gã. Jim là một trong số không nhiều bạn thân của anh. Gã đã thay đổi anh, thay đổi thế giới của anh, dạy anh về tình bạn, cố dạy anh rằng quan trọng nhất là đừng giả vờ điều gì. Chưa bao giờ gã dạy anh điều này đến cùng. Cơ bản là vì anh tiếp nhận cuộc sống khác gã. Theo Jim, cuộc sống chỉ bao gồm những ngày chứa đựng trong mình những ấn tượng. Những ngày khác không được tính và chúng như thể thời gian bị mất đi trong phòng chờ của nha sĩ, mà ở đó ngay cả báo cũng không có, cho dù là báo từ hôm kia hôm kìa.

Gã đi tìm ấn tượng ấy ở mọi nơi và bằng mọi giá: ở đàn bà, những người mà gã có thể đầu tiên là tôn thờ, sùng bái, còn sau đó thì bỏ rơi không một chút đắn đo khi cảm xúc qua đi, trong những cuốn sách mà ngã có thể bỏ ra những đồng xu cuối cùng để mua, thậm chí cả khi biết rằng sau đấy gã không còn đủ tiền để mua thuốc lá, trong rượu mà gã vẫn mượn để xua đi nỗi sợ và trong ma túy, là thứ biết “mọi tiềm thức của gã ra ngoài”.

Tiềm thức là sở thích của gã. Gã biết về nó có lẽ còn nhiều hơn cả chính Freud. Mà hình như cũng như Freud, gã thử nghiệm với nó theo các kiểu. Có giai đoạn, gã dùng thuốc phiện để suy ngẫm. Có giai đoạn gã chủ tâm tự làm đau mình – trong cái đau vật lý, thật ngược đời, sóng xuất hiện trong điện não đồ giống như tại thời điểm đạt cực khoái – sát thương mình hoặc phủ những hình xăm lên khắp người. Gã đến với cái đau như là một loại ma tuý những khi không còn tiền cho bất cứ thứ gì, để hít, để uống hay để chích. Tuy nhiên gã “moi” tiềm thức của mình ra bên ngoài chủ yếu là nhờ vào các loại hợp chất hóa học. Khi đi xem các triển lãm trong các galery và muốn nhìn thấy nhiều hơn những người khác gã dùng những cái nấm bí ẩn và tạo ảo giác để “giải phóng trí năng của mình”. Khi đọc các bài viết về “phân tích tâm lý và muốn nhất thiết phải tự mình phân tích mình” mà không cần đến một nhà tâm lý liệu pháp nào, gã dùng LSD. Khi “thâm nhập vào vũ trụ nội tâm, gã tự điều chỉnh và ngắt mình” bằng amphetamine. Khi không biết phải làm gì với những thất bại và buộc phải thoát khỏi trạng thái trầm cảm, để cảm thấy “vẫn cần buộc mình phải thở”, gã dùng cocain. Gã hay có nhu cầu về hợp chất này hơn cả.

Đến một lúc nào đó, mặc dầu luôn chống lại điều này, gã đã hoàn toàn bị lệ thuộc vào những “hợp chất” đó của mình. Chủ yếu là về tâm lý. Có một lần họ nói chuyện về vũ trụ học, Jim rất thích thú với tất cả những gì liên quan tới câu hỏi run rẩy, khởi đầu, đó là cái gì. Gã có thể tranh luận hàng giờ về các hố đen, về lý thuyết chuỗi, về sự co giãn của vũ trụ về sự nở ra của thời gian và về những cuốn sách của Hawking mà theo gã là một nhà văn đáng sùng bái. Chính thế. Là nhà văn. Như Faulkner, Camus và Miller, chứ không phải là nhà khoa học và vật lý như Einstein hay Planck. Hơn nữa – theo Jim – bên cạnh “sự thông minh và hiểu biết không thể đong đếm được” thì sự khập khiễng và méo mó của mình là chiến thắng to lớn nhất của Harvard trước Hollywood”.

– Ông nghe này – gã nói – một số người không biết viết cho ra hồn hướng dẫn sử dụng máy hút bụi mà không dùng đến “bộ chuyển đổi quá áp thứ cấp”, còn lão này biết mô tả vũ trụ hình thành như thế nào mà không cần đến một phương trình toán học nào. Đôi khi tôi phân vân, nếu Hawking không “ở môn hóa”, liệu có viết những chuyện cười về vũ trụ sơ sinh? Còn nếu có, thì tôi rất muốn biết ở những cấu trúc nào.

Tự gã có thể nghĩ ra lý thuyết của mình rồi thay đổi chúng sau vài chai bia. Một lần, trong câu chuyện, họ đã tiến tới “điểm riêng biệt” trong không gian – thời gian, mà về nguyên tắc thì không chỉ theo Hawking, nó cho phép loại trừ sự cần thiết của điểm khởi đầu của vũ trụ – đơn giản là không nhất thiết phải có điểm khởi đầu để có điểm giữa, bởi cuối cùng rất khó để thiết lập bất cứ cái gì – hắn hăm hở giải thích cho anh một cách hình ảnh bản chất của điểm này mà không sa vào bất cứ sự rối rắm toán học nào. Rồi hắn bảo:

– Ông đừng có giải thích cho tôi chuyện này, tôi cảm thấy rất rõ ông muốn gì. Thỉnh thoảng tôi biết cách bắn vào “điểm riêng biệt” như vậy. Ông ở điểm nối giữa quá khứ và tương lai. Một chân ở quá khứ, một chân ở tương lai. Ông cùng lúc ở trong mấy không gian hoặc ở trong một không gian có nhiều hơn tám hoặc mười tám chiều. Ông không có cảm giác rằng giữa quá khứ và tương lai là một hiện tại nào đó. Hiện tại là thừa. Ông có thể đứng vững trên chân trái trong quá khứ cũng như trên chân phải trong tương lai. Đơn giản là ông ngó nghiêng khắp vũ trụ. Cái thước kẻ của ông trên bàn làm việc được chia ra thành năm ánh sáng chứ không phải thành centimét. Toàn bộ vũ trụ này, nhưng phải mãi ở cuối của “thời điểm xuất phát” và cũng không phải luôn luôn như vậy, tràn ngập âm nhạc của Morrison do dàn nhạc giao hưởng trình tấu và ông cảm thấy như mình nhìn thấy từng nếp nhăn trong não của Hawking. Tôi thường có những điểm riêng biệt như vậy chủ yếu là sau khi dùng cái gì đó thuộc loại dược thảo hay nấm. Không có bất cứ một thứ hóa học nặng nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.